Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

LỄ MỪNG ĐẠI THỌ MẸ ĐẺ 90 TUỔI

Ngày rằm tháng Giêng năm Quý tỵ nhằm ngày 24-2-2013 vào Chủ nhật. Một ngày đẹp trời se se lạnh, nắng hơi ửng lên xua đi cái lạnh mùa Đông. Anh em chúng tôi tổ chức Lễ mừng Đại thọ cho bà Mẹ thân sinh đạt Đại thọ 90 tuổi tại Quán Gió mới Công viên Thống nhất Hà nội.

Với ông em họ

Hai Cụ sinh được 9 người con, 6 trai 3 gái và có thêm một cô con gái nuôi là con ruột của ông em trai Cụ bà. Do vận hạn ba người con của Cụ một gái hai trai bị mất lúc còn trẻ. Cô con gái thứ ba cũng đã mất. Hiện Cụ còn sáu người con bốn trai hai gái.
Với Đại gia đình

Năm nay Cụ 90 tuổi tính theo Âm lịch, nhưng tính theo hồ sơ nhà nước thì sang năm 2014 mới được các cấp chính quyền chúc Đại thọ tuổi 90. Với truyền thống Gia đình Việt nam thì đây là một sự kiện vui, dù Mẹ không muốn bày vẽ phiền phức đến con cái nhưng anh em chúng tôi bàn bạc và vẫn quyết định làm một Lễ mừng thọ nho nhỏ vì không dễ gì để có thời cơ như thế.
Với gia đình bác trưởng
Với chú em, bác trưởng, bác hai và đứa cháu ngoại bác hai
Cô con gái thứ 3 của Cụ đã mất, anh con rể cũng đang phải nằm viện không đến được. Các cháu con anh chị cũng đến mừng Cụ.
Với con trai và cháu nội chị ba
Với con gái và hai cháu ngoại chị ba

Với gia đình anh tư
Với mẹ con cô năm
Với gia đình chú sáu
Với gia đình cô bảy
Trong Lễ mừng anh em đều có lời chúc tốt đẹp nhất đến Người sinh thành và có công nuôi dưỡng các con vượt qua bao sóng gió cuộc đời cho đến lúc tất cả đều đã trưởng thành. 
Với các anh con trai
Với các cô con gái, con dâu, cháu dâu và chắt
Với vợ chồng cháu nội con anh hai và hai chắt

Qua đây cũng để cho thế hệ tiếp theo có những kỷ niệm đẹp với thế hệ đã sinh ra mình. Trong cuộc đời chìm nổi có bao lúc ngọt bùi đắng cay nhưng tựu trung lại Tình máu mủ ruột rà vẫn là thứ bền chặt nhất sẽ không thể nào phôi pha theo năm tháng.
Với gia đình anh trưởng con ông chú ruột
Với gia đình chú hai
Với bố con chú út

Tôi cũng có một bài ngắn chúc mừng Mẹ, nội dung mô tả tóm tắt gia cảnh trải qua mấy mươi năm " Trời đất nghiêng ngả " mà chỉ có lứa anh em chúng tôi mới biết như sau:


KÍNH MỪNG TUỔI MẸ

Cám ơn cha mẹ sinh thành
Bao năm vất vả chăn đàn con thơ
Khi biển lặng lúc sóng xô
Quay cuồng trong bão bến bờ còn xa
Con còn con mất mẹ già
Gia tài gây dựng bỗng là trắng tay
Đất trời nghiêng ngả đông tây
Kẻ nam người bắc cháo rau gọi là
Gian nan vẫn giữ nếp nhà
Mặc cho con Tạo trong đà vần xoay
Trời thương dành buổi hôm nay
Hết khổ tận sẽ đến ngày cam lai
Này dâu rể này gái trai
Các con phương trưởng nhà đầy cháu vui
Hôm nay chúc thọ Mẹ đây
Mong sao Mẹ khỏe tâm đầy yêu thương
Quẳng đi những thứ vấn vương
Sống vui sống khỏe Thiên đường đâu xa
Mừng này ở chính nhà ta
Nhẹ lòng thanh thản ấy là cõi Tiên
Mừng vui trong cảnh đoàn viên
Cháu con tụ hội bà lên Cụ rồi
Sống vui thụ hưởng tuổi trời
Trăm năm cho trọn kiếp người trăm năm.

Con trai thứ Nguyễn Bá Sỹ
Hà nội 24-2-2013(15 tháng Giêng Quý Tỵ )

Đây là link file ảnh đầy đủ chụp trong ngày Lễ: ( Sẽ tiếp tục cặp nhật từ các máy chụp khác cho đầy đủ )

https://picasaweb.google.com/102099808040334053646/MUNGDAITHOMEXUANQUYTY2013?authkey=Gv1sRgCLyDzbu4ys_w3QE

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Chuyến thăm Hà giang (phần 1)

Ngày Xuân nhớ về những chuyến đi du lịch đầy cảm hứng. Lớp Đại học bọn mình thăm Hà giang do có anh bạn cùng lớp làm quan chức trên đó, cho dù giữ trọng trách ở địa phương nhưng với các bạn cùng học anh luôn khiêm tốn tôn trọng không bao giờ lên mặt. Do vậy anh em cùng lớp rất quý người bạn cố tri.
Đưa lên blog của mình phóng sự bằng hình kể lại chuyến đi đó.

Đồi chè Tuyên quang
Bên dong sông Lô
Giao lưu với chủ quán
Ngược lên phía Bắc qua những cánh rừng còn sót lại, bên cạnh rừng cọ đồi chè như những bức tranh men theo dòng sông Lô chúng tôi tới Tuyên quang.

Món đầu tiên được khoản đãi là một chú lợn cắp nách chế biến đầy đủ các món. Chỗ ngồi thoáng mát rộng rãi, cô chủ quán xinh đẹp vui chuyện làm cho anh em phấn chấn, rượu uống thả phanh.
Cửa Thanh thủy

Cửa khẩu Thiên bảo

Bên cột mốc chủ quyền
Chiều tối cả đoàn đến Hà giang, lại ăn uống , hát caraoke mệt phờ, hôm sau đi Trung quốc. Cửa khẩu Thanh thủy đây rồi, bên Tàu cộng gọi là cửa khẩu Thiên bảo. Chụp một bức hình bên cột mốc biên giới kỷ niệm nào.

Nơi đây đã từng xảy ra những cuộc chiến đấu  ác liệt của người Việt nam chống lại lũ bành trướng khốn kiếp vào thập kỷ 70-80 thế kỷ 20. Đâu đó vẫn còn dấu tích cuộc chiến, nghĩa trang liệt sỹ thấp thoáng bên đường.
Nhà dân TQ



Đường sang Trung quốc cũng giống bên ta, những nếp nhà hiền hòa trên sườn núi, những vạt ruộng lúa, cây trồng xung quanh. Người dân ở đâu cũng vậy, ở những nơi non cao rừng vắng thế này thì mong ước không có gì khác là có được cuộc sống no đủ yên bình.
Chúng tôi tiến vào Malipho, một thị trấn nhỏ gần biên giới. Tên thị trấn cứ như là tên tây, thực ra tên này gọi theo thổ ngữ của dân địa phương vốn không phải là nơi cư trú của người Hán. Ngồi trên xe chụp được cô bé đứng chơi trước cửa nhà đang cải tạo. 

Gần thị trấn trong cuộc chiến có một trận địa pháo binh tầm xa thường xuyên bắn về Thanh thủy Hà giang yểm trợ cho cuộc xâm lăng của bọn chúng gây tổn thất cho dân quân ta. Học tập Lý Thường Kiệt bộ đội đặc công ta bí mật luồn rừng đến tận nơi tổ chức tập kích trận địa pháo ngay trên sào huyệt kẻ cướp bắt chúng câm họng. Tôi có nhìn thấy nghĩa trang rộng lớn khang trang của Trung quốc xây dành cho các chiến binh TQ chết trận.

Tân cổ giao duyên
Phố mới

Cùng Hùng bên công trình cổ

Chụp với em bé Trung hoa

Buổi sáng trước khách sạn

chụp với bà con dân tộc
.Vào đến Thành phố Tam sơn thuộc tỉnh Vân nam, thấy nơi đây công cuộc kiến thiết cũng triển khai rầm rộ. Có công trình cổ vẫn được giữ lại bên tòa nhà hiện đại.

Sau một đêm họp lớp thường niên từ tối đến sáng, mọi người chụp ảnh kỷ niệm trước khi về Việt nam.
(Còn tiếp phần 2)

Đạo phật

Ở nước ta khoảng 70-80% dân theo Đạo phật, số còn lại theo các tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Tin lành, Hòa hảo, Cao đài, Hồi giáo..v  v.. Về bản chất các tôn giáo đều răn dạy người ta sống sao cho lương thiện, xóa bỏ tham sân si để đạt tới cõi Niết bàn trên trần thế.

Bài này tôi sưu tầm được trên mạng của một tay bút không chuyên bút danh Bát Trảm Đao cảm xúc ghi lại trong chuyến hành hương lên Yên tử theo đường rừng từ phía Tây qua Ngọa Vân Am nơi Đức thánh Trần Nhân Tông tu tập và đạt chính quả. 

Nhân dịp đầu Xuân mọi người thường đi chùa chiền cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, xin được đăng lại cho chúng ta cùng thưởng lãm.


ĐẠO PHẬT



Càng đi sâu vào trong rừng càng thấy xa rời với thế giới hiện đại. Bốn bề xung quanh chỉ có thiên nhiên và đất trời, vô cùng hoang sơ và dễ làm ta liên tưởng tới đạo Phật. 


Nói tới đạo Phật, nhiều người tưởng đó là một cái gì cao siêu khó hiểu và thần bí nhưng thực ra không phải vậy. Đạo Phật rất gần gũi, dễ hiểu và thiết thực trong cuộc sống. 

Đạo Phật thực chất là một đường lối sống, một phương thức sống, một triết lý sống, một cách tu dưỡng thân tâm. Đạo Phật không công nhận thần quyền, bác bỏ mọi lý luận siêu hình, ngăn trí óc người ta đi vào thế giới suy tưởng siêu hình mà Phật cho là vô ích. Phật chủ trương đi vào đời sống thực tế, Phật muốn kéo người ta về thực tại và giải quyết thực tại đó vì hạnh phúc của con người. 

Một đặc điểm nữa của Đạo Phật là tôn trọng sự tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng. Phật chủ trương"Ngươi đừng tin theo ai cả. Ngươi chỉ nên nghe theo lý trí của ngươi. Đừng vội tin một điều gì, vì điều đó được người ta nhắc nhở đến luôn. Đừng tin vào một điều gì, dù là di bút của người xưa để lại. Đừng tin vào một điều gì, dù điều ấy được những ý kiến thiên vị hay một tập quán lâu đời bênh vực. Đừng tin một điều gì, dù điều ấy ở dưới mãnh lực của một ông thày hay một nhà truyền đạo. 

Tất cả những sự thật, theo kinh nghiệm của ngươi, và sau sẽ được xác nhận rõ ràng là phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc cho người và cho các loài, thì chính đó là sự thật và ngươi hãy sống theo sự thật ấy". 

Một tư tưởng quan trọng nữa của đạo Phật đó là Phật không phải là người duy nhất đem lại sự giải thoát cho nhân loại. Phật nói rằng ai cũng có Phật Tính, trước người đã có nhiều vị Phật và sau người cũng sẽ có hằng ha số Phật. 

Ai đem lại hạnh phúc chân thực, vĩnh viễn cho loài người thì đệ tử Phật đều suy tôn là Phật, không câu nệ bằng phương pháp nào, học thuyết nào của ai và từ phương trời nào đưa lại. 

Đường lên Yên tử từ phía Đông

Phật giáo tại Việt Nam là phật giáo Đại Thừa bao gồm 3 tông phái là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông. 

Về Tiểu Thừa và Đại Thừa: 

Phật tùy theo căn cơ của chúng sinh , tùy theo trình độ và nhận thức, tùy theo nhân duyên, tùy theo hoàn cảnh mà thuyết pháp. Chúng sinh nghe Phật thuyết pháp, trình độ tu học khác nhau, có cao có thấp nên sự tiếp thu khác nhau. 

Bậc Tiểu Căn, sau khi nghe thuyết pháp, tu hành và trở thành phái Tiểu Thừa, bậc Đại Căn, sau khi nghe thuyết pháp, tu hành và trở thành phái Đại Thừa. 

Thiền Tông do Bồ Đề Đạt Ma, người Nam Thiên Trúc (Ấn Độ) qua Trung Quốc sáng lập ra. Bồ Đề Đạt Ma thấy các nhà học Phật, phần lớn là chấp văn tự, chấp những điều thấy, nghe, hiểu biết mà thành ra chướng ngại cho việc tu chứng, nhận lầm văn tự kinh điển là chân lý, nhận lầm ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng nên ngài lập ra thuyết Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, dạy người ngồi yên lặng lìa tâm niệm để tỏ tâm kiến tính. 

Vì vậy, Thiền Tông bất luận người rất thông minh hay không biết chữ đều tu học được cả. 

Tịnh Độ tông chuyên dạy cho tín đồ niệm Phật, phát nguyện vãng sinh Tịnh Độ. Do Tuệ Viễn sáng lập năm 373 tại chùa Đông Lâm, núi Khuông Lô, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Người tu Phật, lễ Phật, niệm Phật, với nhất tâm bất loạn thấm nhuần giáo lý Phật, thực hiện giáo lý đó trong cuộc sống hàng ngày là người tu Tịnh Độ Tông tinh tiến nhất. 


Mật Tông: chuyên về sự trì tụng mật chú, trái với Hiển Giáo là dùng văn tự, dùng lời văn để làm rõ giáo lý như Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông, Pháp tướng Tông... 

Mật Tông căn cứ vào kinh Đại Nhật nói ra, còn kinh điển Hiển Giáo thì do Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra. Mật tông là tông phái được truyền vào Việt Nam đầu tiên. 


Vô Thường: 
Thuyết Vô Thường là một trong những thuyết cơ bản trong Giáo lý của Đạo Phật, là cơ sở lý luận cho phương thức sống, cho triết lý sống của những con người tu dưỡng theo Giáo lý Đạo Phật. 
Vô Thường, nói một cách nôm na là không có gì tồn tại mãi cả, mọi sự vật đều biến chuyển không ngừng, do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, tồn tại và đến khi nhân duyên tan rã thì sẽ mất đi. 

Trong nhân gian, do không ý thức được lý Vô Thường đó mà có những người đã nhận thức sai lầm về sự vật, cho rằng sự vật là bất biến, nhận thức sai lầm đó Phật gọi là ảo giác. 

Ảo giác này tạo cho con người lòng tham muốn được sở hữu mọi thứ để thỏa mãn dục vọng, đến khi luật Vô Thường tác động đến khiến những gì họ có mất đi thì sinh ra khổ đau phiền não. 

Người học Phật, tu Phật hiểu thấu thuyết Vô Thường, sống rất tự tại, an lạc, không bao giờ phiền não, đau khổ trước những sự chuyển biến của sự vật, trước sự sinh, trụ, dị, diệt; trước sự thành, trụ, hoại, không nó diễn ra quanh mình. Có Sinh, ắt phải có Tan, có Diệt. 

Như tôi đang đi giữa rừng cây này, tất cả những gì tôi nhìn thấy, chỉ là ảo giác, đến một ngày nào đó, rừng cây này rồi cũng thay đổi và mất đi cũng như những phế tích kia, được con người tạo thành có thể là rất nguy nga tráng lệ, sau nhiều biến cố nay chỉ còn là đống gạch vụn, đó là do luật Vô Thường mà thôi. 

Từ thuyết Vô Thường, suy ra là đến bản thân Con Người cũng không tồn tại mãi mãi. Đó là thuyết Vô Ngã. 

Bản thân một con người, cũng sinh ra do nhân duyên rồi biến đổi không ngừng sau đó chết đi khi nhân duyên tan rã. 

Bản Ngã hay gọi nôm na là Cái Tôi theo Đạo Phật có 2 phần: 

Cái Tôi sinh lý gọi là Thân; 

Cái Tôi tâm lý gọi là Tâm; 

Thân được cấu thành bởi 4 yếu tố là Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Cái mà ta gọi là Thân, thực chất là một khoảng không gian giới hạn bởi sự kết hợp của xương và da thịt, cũng giống như một cái túp lều, chỉ là khoảng không gian giới hạn bởi gỗ, tranh, lau để lợp, bùn dùng để trát vách mà thôi. Khi 4 yếu tố trên tách rời khỏi nhau trở về thể của nó thì không còn gì ở lại để có thể gọi là cái Thân được nữa. Cái Thân đó chỉ là một giả tướng, một nhất hợp tướng mà thôi. 

Tâm gồm những cảm giác, nhận thức, suy tưởng, là sự hội họp của thất tình: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. 

Thuyết Vô Ngã nghĩa là không có một linh hồn Vĩnh Cửu, tồn tại kiếp này sang kiếp khác, đời này qua đời khác. Sự tin có một linh hồn dẫn dắt đến sự cúng lễ linh hồn mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã cho linh hồn. 

Theo giáo lý Phật, nếu linh hồn có, thì cũng luôn có sự biến chuyển, không thực có, mà đã không thực có thì sự cúng lễ linh hồn là một sự mê tín. 

Quan niệm có một linh hồn bất tử, một cái ta vĩnh cửu là nguồn gốc sinh ra những tình cảm, những tư tưởng ích kỷ, những tham dục vô bờ bến của những kẻ dựa vào sức mạnh để làm lợi cho mình, lợi cho cái Bản Ngã mà họ cho là bất biến. Đối với những người gặp hoàn cảnh không may thì lại có tư tưởng tiêu cực, chán đời, phó mặc cho số mệnh hy vọng sang kiếp sau mình sẽ gặp may mắn hơn. 

Hiểu được Vô Thường, Vô Ngã tức là đã dẹp bỏ sự tham lam, ích kỷ, sống một cuộc sống có ích, không lãng phí cuộc đời mình. 


Vạn vật trên đời này sinh ra đều do nhân duyên. 


Từ vũ trụ, mặt trời, mặt trăng đến trái đất này sinh ra đều do nhân duyên. Nhân duyên là cái cực kỳ hiếm có, để sinh ra một sinh vật cần có sự kết hợp của bao nhiêu yếu tố. Có những lúc tưởng chừng đủ rồi nhưng cuối cùng vẫn chưa đủ. Do vậy, một sinh vật sinh ra được trên đời thật quý biết chừng nào. 

Như cái cây này chẳng hạn, một cái hạt, gió đánh rơi trên một tảng đá khô khốc, không có đất, không có nước. Nếu là một loài cây yếu ớt, hạt sẽ chẳng bao giờ nảy mầm được hoặc có nảy mầm thì cũng sẽ chết. 

Nhưng với một vài loài cây, chỉ cần có chút hơi sương đọng lại, chỉ cần chút lá mục, bụi cát và một chút ánh nắng, nó có thể nảy mầm, đâm chồi, ra lá, nếu gặp nhân duyên tốt sẽ phát triển thành một cây to, rễ của nó sẽ vươn ra khỏi tảng đá, tìm về với đất, với nước để rồi ra hoa, kết trái và tiếp tục phát tán nguồn gen của nó. 

Con người cũng vậy, có những người sinh ra trong sung sướng, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì không thể trụ được, lãng phí đi mối nhân duyên tốt lành ban đầu. Có những người sinh ra trong sự khó khăn nhưng không ngừng vươn lên, tận dụng triệt để những gì mình có để làm cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là trân trọng nhân duyên của trời đất vậy. 

Trên đường đi có những thứ bé tý, tưởng như chẳng đáng mà để ý, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy rất hay. 

Người ta thường ví Tu Tập cũng giống như leo núi. Đỉnh núi tuy chỉ có 1 nhưng có rất nhiều đường để lên, đường đó chính là Đạo vậy. Không thể so sánh con đường nào hay hơn con đường nào cũng như không thể nói Đạo nào hay hơn Đạo nào. Thậm chí mỗi người có thể tìm cho mình một con đường riêng để leo lên tới đỉnh núi. Đường có thể rất dốc nhưng lại nhanh lên tới đỉnh, đường ít dốc thì phải vòng vèo lâu tới đỉnh hơn. 

Như để lên tới Ngọa Vân Am này, có rất nhiều con đường để lên, mỗi người chọn một con đường, vòng vèo dài ngắn khác nhau nhưng rồi cũng đến nơi. 

Người leo núi, tùy theo sức lực của mình mà chọn cho mình con đường phù hợp, người khỏe thì sẽ chọn con đường dốc nhưng nhanh tới đỉnh, người yếu thì chọn con đường vòng nhưng đỡ mệt hơn. Trong đời sợ nhất là chọn nhầm đường, một là sẽ phải bỏ cuộc giữa đường, hai là phải quay lại điểm xuất phát để đi con đường khác, ba là lãng phí thời gian. Các Đạo Pháp khác nhau cũng vậy, hình thức và phương pháp có thể khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu cuối cùng. Cho dù là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông hay Mật Tông, cuối cùng cũng là để đạt tới Niết Bàn. 

Muốn đi lên đỉnh núi một cách hiệu quả thì phải hiểu bản thân mình, hiểu con đường, tránh ngộ nhận, phải có sự luyện tập để có được những yếu tố cơ bản của một người leo núi, trang bị cho mình những kiến thức phù hợp để phục vụ việc leo núi của mình. 

Leo núi hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều vào Nhân Duyên, nếu Nhân Duyên tốt anh sẽ thăng tiến rất nhanh, nếu Nhân Duyên xấu thì con đường sẽ gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên, Nhân Duyên lại phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân mình, phải biết làm sao để có Nhân tốt và tìm kiếm cái Duyên lành ở đâu. 

Leo núi hay tu tập đều rất cần có người Hướng Đạo, người Hướng Đạo là người đi trước ta, có nhiều kinh nghiệm hơn ta, có lòng tốt để sẵn sàng chỉ bảo ta đi đúng con đường phù hợp với mình, giúp đỡ, ủng hộ ta trong quá trình tu tập hay leo núi. 

Chọn được người hướng đạo tốt cũng phụ thuộc rất nhiều vào Nhân Duyên. Ví như cậu Sinh kia là người hướng đạo khá tốt đối với tôi, anh ta đã dẫn tôi đi đúng con đường phù hợp với tôi, đúng con đường mà tôi thích, đó cũng là do nhân duyên. 

Tu tập hay leo núi cũng đều gặp rất nhiều trở ngại, có những trở ngại là các cám dỗ của dục vọng, những dục vọng đó luôn muốn kéo ta trở lại điểm xuất phát, bảo ta bỏ cuộc đi để thỏa mãn những dục vọng ấy. 

Chỉ khi nào chúng ta tu tập hay leo núi mà cảm thấy sung sướng trong cái việc đó thì tự nhiên những dục vọng kia sẽ biến mất, cũng như ta ngắm suối, nghe rừng, hít thở không khí trong lành cảm thấy sung sướng hơn ngồi nhà xem ti vi, uống bia lạnh. 

Một điểm nữa là leo núi, hay tu tập, đều phải tự mình đi đến, không ai đi hộ được. Nhiều người nhìn thấy con đường, biết đó là con đường tốt dẫn đến đích nhưng không chịu đi thì tất cả cũng chỉ là vô nghĩa. Giáo lý Phật như là cái bè để qua sông, người nào có cái bè mà không dùng để qua sông thì cái bè là một vật vô dụng. 

Đang leo núi thì tôi nhìn thấy cái cây này, "Cây đa bóp cổ" 


Nếu nhìn kỹ bên trong cây đa này đã có một cây khác chết khô. Xưa kia, cây đa này do nhân duyên mà được chim chóc mang tới thân cây chủ, nó sống bằng không khí, hơi ẩm và chút chất mùn trên vỏ cây chủ, không ngừng lớn mạnh cho tới khi bộ rễ của nó chạm được tới đất, hút nước và chất dinh dưỡng từ dưới đất lên, sau đó nó dần bao xung quanh cây chủ và giết chết nó, chiếm toàn bộ mảnh đất quý giá của cái cây xấu số kia. 

Thiên nhiên là vậy, cuộc sống luôn vận động, sinh rồi lại tử, tử rồi lại sinh thành vòng Luân Hồi. Ta cũng không thể nói cái cây bóp cổ kia là xấu được vì nó làm thể chẳng qua cũng để sinh tồn, không có sự lựa chọn nào khác, cũng như mấy con vắt đang hút máu dưới chân tôi đây, đã sinh ra là vắt thì phải hút máu. 



Con người nhiều lúc tự cho mình cái quyền phán xét, cho mình là chúa tể của thế giới để dùng sức mạnh thay đổi tự nhiên, rốt cuộc lại hủy diệt chính mình trong cái vòng luẩn quẩn. 



Được nghỉ chân, ăn no, uống trà nóng, hong khô đôi chân giữa khung cảnh núi rừng tĩnh mịch, suối nước trong vắt dưới chân chảy róc rách như chốn bồng lai tiên cảnh quả thật không gì sánh bằng. 

Ngồi trên đống lá rừng, nhìn dòng suối chảy mãi, chảy mãi lại nghĩ đến thuyết Luân Hồi của Đạo Phật. 

Thuyết Luân Hồi là một trong những vấn đề cơ bản trong giáo lý của Đạo Phật. Từ thuở hồng hoang, con người ta đã thường đặt ra những câu hỏi "Con người do đâu mà sinh ra? khi con người chết thì sẽ đi về đâu?" 

Có 2 quan điểm của con người về vấn đề này như sau mà gọi là Chấp đoạn và Chấp thường. 

Chấp đoạn thì cho là đời sống con người có hạn định, con người chỉ sống được trên dưới 100 năm, đến khi chết là hết. 

Chấp thường thì cho rằng sau khi con người ta chết đi, thể xác bị tiêu hủy nhưng linh hồn vẫn tồn tại, linh hồn là bất tử, linh hồn sẽ đi đầu thai và một kiếp khác lại bắt đầu. 

Quan điểm về Luân Hồi: Luân là bánh xe, Hồi là quay tròn. Con người sống một thời gian rồi chết, sau khi chết lại đầu thai vào một trong 6 kiếp phàm, cứ như thế mãi, không bao giờ thoát ra khỏi, không bao giờ dừng nghỉ, như chiếc bánh xe quay tít, không bao giờ dừng lại. 

Cái hình ảnh bánh xe quay tít này, nếu ai đã từng đến Tây Tạng sẽ thấy chúng có mặt ở khắp nơi, đó chính là bánh xe Pháp Luân. Ở Việt Nam thì ít gặp, tuy nhiên nếu ai đến chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, sẽ thấy có tòa Cửu Phẩm Liên Hoa tức là một ngọn tháp 9 tầng bằng gỗ, đặt trên một mâm xoay tròn được. 

Tín chủ đến niệm Phật, vừa niệm vừa xoay ngọn tháp, đó cũng chính là hình ảnh của bánh xe Luân Hồi trong đó. 


Đạo Phật chia ra có 6 cõi Phàm gọi là Lục Đạo. Lục Đạo bao gồm cõi nhân, cõi thiên, cõi súc sinh, cõi địa ngục, cõi Atula và cõi ngạ quỷ. Thực ra, theo quan điểm của tôi thì 6 cõi này là trạng thái tâm lý của một con người, khi họ bị ảnh hưởng của Thất Tình, Lục Dục mà sinh ra. 

Phật cho rằng, sau khi người ta chết, không có cái linh hồn hay cái gì đó thoát ra ngoài thân thể để đi nhập vào một cái thân khác. Một tinh thần thuần khiết đứng độc lập ra ngoài cơ thể vật chất là không thể có được. 

Một tinh thần, bắt buộc phải dính líu vào một hình tướng vật chất, giống như ngọn lửa của cây nến, khi cây nến cháy hết thì ngọn lửa cũng sẽ tắt. 


Một thác nước nhỏ xinh rất đáng yêu. Nhìn cái cây này, tôi lại nghĩ đến một kiếp người. Kiếp người là gì? câu hỏi đó đã có từ hàng ngàn đời nay. 

Quãng thời gian từ khi một người sinh ra, đến lúc chết ta gọi là một đời người. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian đó, từng phút, từng giây, từng hơi thở, Thân và Tâm đã biến đổi không ngừng, cái Ta của hơi thở trước đã không phải cái Ta ở hơi thở sau. 

Theo đạo Phật, đời người chỉ dài trong khoảng thời gian của một niệm. Niệm tức là ý nghĩ, có nghĩa là khi trong đầu xuất hiện một ý nghĩ rồi mất đi, như thế một đời người đã hết. Một ý nghĩ khác lại sinh ra, tức là một đời người mới lại được tiếp tục. 

Như vậy, người ta sống rồi chết, chết rồi sống, sinh sinh, tử tử cứ tiếp tục rồi không bao giờ đứt quãng, đó là Luân Hồi. Không có một linh hồn bất tử chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. 

Người ta sở dĩ không thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi vì trong suốt đời người ta, ngay đến phút cuối cùng của đời người, người ta vẫn còn tham vọng, vẫn còn nhiều dục vọng, vẫn vị kỷ tức là cố bám lấy Bản Ngã. 

Sự vị kỷ đó, những tham vọng đó là sợi dây vô hình buộc người ta vào bánh xe luân hồi sinh tử, không thoát ra khỏi được. Đó chính là nghiệp lực, nó là một sức hút dẫn dắt con người vào Lục Đạo, vào Luân Hồi Sinh Tử. Còn dục vọng thì còn hành, còn nghiệp lực, do đó còn luân hồi sinh tử. 

Muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi, con người phải diệt tham dục, không còn làm nô lệ cho những dục vọng thấp hèn, phải bỏ lối sống vị kỵ, phải sống vị tha, sống mình vì mọi người thì mới giải thoát ra khỏi luân hồi, chứng được cảnh giới Niết Bàn. 

Nhìn về tổng thể, Ngọa Vân Am rất đơn sơ giản dị, mọi thứ chỉ là tối thiểu, ngoài ra không có bất cứ thứ gì gọi là giá trị. Trái với những ngôi chùa khác thời nay, hoành tráng, xa xỉ. Ngọa Vân Am có lẽ là ngôi chùa duy nhất hiện nay không thấy để Hòm Công Đức, cuộc sống của các sư ở đây thật thanh tịnh, đúng với lý Vô Thường, Vô Ngã. 

Đã ngộ được lẽ Vô Thường, Vô Ngã thì đâu cần chùa to làm gì, đâu cần tượng Phật to làm gì vì những thứ đó to hay nhỏ chẳng khác gì nhau, trong chùa đâu có Phật, thậm chí trong tượng Phật cũng đâu có Phật, đến trong xá lị của Phật cũng đâu có Phật, Phật ở trong tâm mỗi người và ai cũng có thể thành Phật được. 

Nếu cứ chấp vào chùa to, tượng to, rồi nhiều xá lị thì mới có Phật là rơi vào sự Vô Minh. 


Nhân đây nhớ lại một công án của Thiền Tông: 

Một nhà tu hành đã đi khắp chốn cao sơn lưu thủy mong tìm được thày chỉ giáo cho mình con đường đốn ngộ, thế rồi một ngày trên một đỉnh núi tuyết phủ dầy, ông ta gặp một thiền sư. 

Vị thiền sư đang chẻ củi chuẩn bị nấu cơm, nhà sư cất lời hỏi thiền sư: Phật ở đâu? Thiền sư im lặng bỏ vào trong lều vung rìu bổ đôi bức tượng Phật bằng gỗ trên bàn thờ. Nhà sư hỏi: Ông bổ tượng làm gì? Thiền sư đáp: Để tìm xá lợi. Nhà sư: Tượng gỗ làm gì có xá lợi. 

Lúc nhà sư trả lời thì tức là ông ta cũng ngộ ra được vấn đề phải tìm Phật ở đâu. 

Đợi vị sư ông ăn tối xong, tôi mới tới ngồi nói chuyện, xin phép nhà chùa cho tôi tá túc đêm nay ở đây. Vị sư ông này pháp danh là Thích Thanh Quang rất ít nói nhưng hiền hậu và có vẻ giỏi về học vấn. 

Chuyến đi này tôi cũng hi vọng lên đây để được gặp một vị cao tăng có thể giáo hóa thêm cho tôi về Phật Pháp, tuy nhiên có lẽ nhân duyên chưa đến nên vị sư trụ trì lại đi vắng, vị sư ông trẻ tuổi này thì lại quá ít nói, tôi nói gì cũng gật đầu cười và có vẻ ngại giao tiếp nên tôi cũng không được nói chuyện nhiều. 

Tôi cũng đi xuống bếp nấu cho mình bát mỳ tôm lót dạ, ăn xong thì thấy có tiếng người đi lên chùa, hóa ra có một vị sư bác và một vị sư ông rất trẻ nữa vừa về. 

Vị sư bác có vẻ rất thân thiện, dễ mến, nói năng nhẹ nhàng như con gái, vị sư ông kia thì còn quá trẻ, có vẻ vẫn chưa gột được hết bụi trần. 

Tôi rửa nồi niêu xong rồi ra ngồi uống nước với mấy vị sư, ngồi được một lúc thấy các vị cũng toàn nói chuyện đời thường nên cũng không muốn làm ảnh hưởng tới họ, tôi lui về phòng nghỉ, thay đồ rồi đi tắm, nước suối mát lạnh khiến tôi tỉnh táo và khỏe khoắn trở lại. 

Buổi tối ở trên Ngọa Vân rất hay, không gian tĩnh mịch và thanh tịnh vô cùng. Một lúc thì sương xuống giăng kín, núi rừng chìm trong hư ảo. 

Ngồi trong phòng khách dưới ánh đèn dầu leo lét lại nghĩ về quá khứ xa xưa. Về những giây phút cuối cùng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở nơi này. 

"Không một nơi nào trên thế giới mà thần Chết không thể tìm đến được, dù chúng ta có xoay đầu mọi phía để tránh né. nếu có một cách nào để tránh được vố đánh của thần Chết, thì tôi cũng không tránh làm gì... Nhưng thật điên rồ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể thành công... 

Con người đến rồi đi, nhảy múa vui đùa mà không hề nhắc đến cái chết. Mọi sự đều xuôi chèo mát mái. Nhưng khi cái chết xảy ra cho chính họ, vợ con bạn bè họ, trong lúc bất ngờ không chuẩn bị thì họ khóc than, phẫn nộ và vô cùng tuyệt vọng!... 

Để chiến thắng thần Chết, chúng ta hãy áp dụng một phương cách ngược lại thông thường; hãy xem cái chết chẳng có gì kỳ lạ, ta vẫn tiếp xúc với nó, quen thuộc với nó; hãy để tâm trí thường xuyên đến cái chết hơn bất cứ điều gì khác... 

Ta không biết khi nào thì cái chết sẽ đến đón ta, vì vậy hãy chờ sẵn để đón cái chết ở khắp nơi. tu tập cái chết chính là tu tập sự tự do. một người biết cách để chết thì sẽ không bao giờ trở thành nô lệ". 

Montaigne 

Theo Đạo Phật, sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây, chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm gương phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời. 

Đạo Phật nhận thức sự sống của chúng sinh là một sự chuyển biến không ngừng theo quy luật nhân quả, theo sự hoạt động của ngũ uẩn. Sở dĩ còn có sự sống là vì chúng sinh còn có lòng tham dục, còn tham dục thì còn sự sống, còn luân hồi sinh tử cũng như còn dầu, còn bấc thì đèn còn cháy. 

Chỉ khi nào tu hành diệt được lòng tham, diệt được dục vọng thì sự hoạt động của ngũ uẩn dừng lại, khi ấy thì hết sinh tử luân hồi và cảnh giới Niết Bàn xuất hiện. 

Tuy vậy, Niết Bàn không phải là một nơi, một chốn nào đặc biệt cả. Cũng như lửa, ta bảo có lửa nhưng không thấy lửa ở nơi nào cả nhưng nếu ta lấy 2 thanh gỗ cọ xát với nhau thật mạnh thì sẽ có lửa sinh ra. Niết Bàn cững vậy, không ở chỗ nào, nơi nào cả nhưng ở đâu có người tu hành nghiêm túc, tức ở đó có cảnh giới Niết Bàn. 

Theo quan niệm của Đại Thừa thì chứng được Niết Bàn không phải rời sinh tử. Niết Bàn là một trạng thái của một tâm hồn thức tỉnh, là sự chấm dứt một căn bệnh tinh thần. 

Thế giới hiện tượng không phải là không, cũng không phải là có. Phải nhận thức thế giới hiện tượng bằng một giác quan đặc biệt, thứ giác quan mà người ta chỉ có được sau một thời gian dày công tu tập. 

Thực tướng của thế giới hiện tượng khác hẳn với cái mà ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy bằng giác quan thông thường vì đã bị Vô Minh che lấp cho nên ta bị mê lầm, như người nhìn trong hư không lại thấy có hoa đốm, nhìn sợi dây thừng trong bóng tối lại tưởng là con rắn. 

Các vị Bồ Tát có thể sống trong sinh tử mà vẫn tự tại, an trụ, tùy duyên hóa độ. Các vị đó có thể vẫn sống trong thế giới hiện tượng mà vẫn an nhiên, giải thoát, không bị nghiệp lực lôi cuốn như chúng sinh. 

Ngơ ngẩn thưởng thức không khí ban đêm đặc biệt của người tu hành ở Ngọa Vân một hồi, tôi lôi túi ngủ ra chui vào ngủ một mạch đến sáng. 
5h sáng hôm sau tôi đã dậy, trời đã sáng, cả Ngọa Vân được phủ bởi một lớp sương mờ huyền ảo. 

10 ĐIỀU TÂM NIỆM 

1- Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh. 

2- Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy. 

3- Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo. 

4- Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường. 

5- Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thị thường kiêu ngạo. 

6- Giao tiếp đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. 

7- Với người đừng mong thuận chiều ý mình, vì được thuận chiều ý mình thì tất sanh tự kiêu. 

8- Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đáp trả là thi ân mà có mưu tính. 

9- Thấy lợi đừng nhúng tay, nhúng tay thì hắc ám tâm trí. 

10- Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài. 


Bởi vậy, Phật Đà thiết lập Chánh Pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. 

Thế nên, ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả. 

Đức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại, Ương quật hành hung, Đề Bà khuấy phá, mà Phật Đà giáo hóa cho thành đạo tất cả. Như vậy há không phải sự tác nghịch là sự tác thành mà sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta. 


Ngày nay những người học đạo, trước hết không dấn mình vào mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại xáp tới thì không thể nào đối phó. Chánh Pháp chí thượng vì vậy mà mất cả, đáng tiếc đáng hận biết bao. 

LUẬN BẢO VƯƠNG TAM MUỘI 


Con đường lại đi vào giữa rừng trúc. Những cây trúc mới mọc vươn lên xanh tốt trên những xác trúc đã héo khô. 


Các bậc tu hành xưa kia đã khéo chọn nơi này, để tu luyện, cứ đi lên đi xuống qua đây vài lần thì 10 phần đã đắc đạo được 3, 4 phần rồi.