Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

CHUYÊN PHƯƠNG NAM

Thân tặng Tư Tờ ( Long an ) và Út Tuyết (Sài gon )

Ngôi miếu đơn sơ trong rừng tràm thấp thoáng, 
phía trước là cây Hoa sữa mang từ Hà nội vào trồng nay đã trổ bông

Năm nay anh em chúng tôi bố trí được thời gian hành hương về ấp Đá biên xã Thạnh phước Thạnh hóa Long an, nơi có miếu Bắc bỏ nổi tiếng linh thiêng đã mấy năm nay. 

Dưới đây là vài hình ảnh ghi lại cuộc du Nam của những cựu chiến binh một thời trong khói lửa binh đao đã may mắn trở về.
Tư Sanh có cô em gái tên Cúc năm 1975 đang học lớp 12. Bao bài thơ bản nhạc ca ngợi vẻ đẹp trong trắng của các nữ sinh miền Nam, hồi đó nhìn các tà áo dài trắng tinh khôi phấp phới khi tan trường mấy anh lính miền Băc không khỏi xao xuyến.

Biết anh Lương là sinh viên đại học đi bộ đội, Cúc thỉnh thoảng nhờ anh hướng dẫn khảo sát " hàm số", tích phân bất định rồi tích phân xác định....

Khảo sát hàm số thì quá đơn giản, nhưng " hàm số " thì anh còn lơ ngơ lắm chưa học tới. Cái anh bộ đội cũng giảng giải chu đáo đầy đủ, ông bà chủ khoái trí tưởng mấy ông lính chỉ biết đánh nhau, súng đạn chứ biết gì toán văn, ai dè mấy chú khá ghê, ông bà nửa đùa nửa thật :

- Thôi ở đây đi, cho không mày đó.
- Chú nói thật không ?
- Thật chớ, ai nói giỡn tụi bay.
-......
Thích thì thích rồi, nhưng khi đó có một cái gì đó vô hình mà Lương chưa dám vượt qua.

Chuyến này về Nam, hỏi thăm Cúc thì cô đã lấy chồng, định cư bên Mỹ. Gia đình có nối liên lạc, hai người trò chuyện mãi.Anh còn nói tới đây em Cúc, cái cô học trò do thày giáo Lương lính giải phóng dạy khảo sát hàm số mời anh qua Mỹ chơi , nhất định anh mời chú Lương đi cùng, mọi chi phí sẽ do em Cúc chi trả. 

Và năm nay vợ Lương đã sang bên đó, gia đình Cúc dù đã 12 giờ khuya vẫn đến khách sạn đón tiếp rất nhiệt tình. 

Sau đó Cúc còn thường xuyên gửi cho Lương bao nhiêu thuốc huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... là những thứ thuốc tốt của Mĩ cho bệnh của người già.

Những bài giảng của anh lính giải phóng ngày xưa có giá ra phết, không uổng chút nào.

Nhất định Lương sắp xếp công việc nhà để sang bên đó gặp cô trò nhỏ một lần. 

Một cái kết có hậu. 
Chúc mừng đồng đội Lương.


Nơi thắp hương cho người nằm xuống ( đã cải tạo khang trang)

Đoàn hành hương chuẩn bị thắp hương cho các anh

Các cô gái làng đến góp sức làm giỗ 

Xuồng đi trong đêm

Thế hệ lãnh đạo xã Thạnh phước 
Bữa cỗ trước ngày giỗ chính 8-9 AL( 20-10-2015)

Đứng trước Miếu mới

Du lịch Tâm linh

Chụp cùng bạn Kiến trúc sư Lê Hải, tác giả của Miếu Bắc bỏ mới

Với kỹ sư nông nghiệp Dũng Tiến, người có công lớn đảm bảo cho cây hoa sữa sống tốt tươi 


Nghỉ chân trong miếu cũ

Chụp với Cựu chiến binh Tư Hồng 


Bảo tàng Càphê




Phàm sinh ra ở đời ai cũng muốn bỏ công sức ít mà được hưởng nhiều. Đó là lẽ thường tình, câu chuyện ghi nhận trong chuyến đi này lại khác. Nhân vật chỉ mong làm vì cái Tâm mà không có chút nào chờ đợi lợi lộc do việc đó mang lại, thế mới là cái đáng nói đáng ghi nhận để lòng tham, cái ác mỗi ngày bớt đi trong cuộc sống muôn màu.

Sau chiến tranh nhiều năm, người nông dân trở lại trồng cấy trên mảnh đất của...nhà nước. Mỗi nhát cuốc đường cày xới đất thỉnh thoảng anh lại gặp mảnh xương, thắt lưng ... của lính giải phóng. 

Anh nông dân và người dân địa phương còn nhớ như in ngày 3-10-1973 ( 8-9 AL ) trên cánh đồng này đã có cuộc chiến không cân sức của một  bên là máy bay trực thăng vũ trang, xe lội nước M113 với mấy chú lính mệt rã người sau đêm hành quân bộ trên đồng nước . 

Nhiều lính giải phóng đã chết, máu nhuộm đỏ rừng tràm. Trong số họ có những tân binh là sinh viên một số trường Đại học miền Bắc vừa rời đèn sách được đưa vào cuộc chiến nơi mảnh đất biên giới trời Nam xa lạ.

Âm khí lởn vởn trên đồng, thân xác đã tan mà hồn tử sỹ còn lẩn quất nơi kênh rạch rừng tràm không ai hương khói. Quá thương cảm, người nông dân có tên Tư Tờ lập một mái nhỏ đơn sơ trong vuông tràm để bốn mùa cúng lễ,  gọi tên là miếu Bắc bỏ.
Nhà Tư Tờ nơi làm giỗ hàng năm trước 2011

Đám giỗ trong miếu




Miếu nhỏ trong lùm cây

Đám giỗ năm 2011

Tư Tờ trong miếu

Miếu Bắc bỏ , trong hình là di ảnh LS Mạnh Sơn SV ĐHXD hy sinh tại đây

Sau năm 2011 có cuộc vận động xây dưng Miếu khang trang trị giá gần 10 tỷ từ nguồn xã hội hóa trên hơn 5000m2 đất do tỉnh Long an cấp cạnh miếu cũ.

Riêng nhà Tư Tờ đã được Công đoàn Tập đoàn dầu khí tại Vũng tàu cất cho ngôi nhà gạch, UBND long an tặng bằng khen cho làm thủ từ của Miếu có lương hẳn hoi;  cậu con trai được bạn Hoài Nam đưa lên Sài gòn lập nghiệp, cô con gái Nguyễn Tý Nỵ cũng được lên Sài gòn với anh trong năm 2015. Năm nay vào thấy nhà tư Tờ có hai tấm phản to kê trong nhà mới chứng tỏ GDP của gia đình ngày càng phát triển. 

Một người nữa anh em chúng tôi gặp trong chuyến đi này là một nữ Phật tử. Cuộc gặp hoàn toàn tình cờ. Khi lấy vé lên Tây nguyên xong thì bạn tôi bỗng đói cồn cào, hai anh em lang thang trên phố định bụng ăn cơm thì thấy một quán caphê nhỏ, bạn hỏi cô chủ cơm bán ở đâu ?

- Gần đây có quán cơm ngon, để em đón con đi học về rồi đưa anh đi ăn.

Đón con gái về, cô chủ mời Lương đi. Hơi ngại ngại Lương nhờ cô mua giúp. Không nề hà cô vui vẻ đi mua, cơm quả là ngon. Thịt gà ngon một thì chúng tôi cảm thấy tấm lòng ngon mười. Thấy rất có cảm tình với người em gái miền Nam hiền thảo dịu dàng. 



Phật tử Tuyết Tuyết

Muốn nói chuyện với cô em tuy xa lạ nhưng cũng cảm thấy tự nhiên và gần gũi. Em là con út trong nhà, ba em là chánh án Tòa án một quận của Sài gòn thời chính quyền VNCH, mẹ là người Việt gốc Hoa là vợ thứ sáu của ông Chánh án. 

Khi lên Hà giang ghé vào thăm nhà Vua Mèo Vương Chính Đức thấy nhà Vương ghi biển Phòng Bà cả, phòng Bà hai, phòng Bà ba đã thấy kính nể, ông chánh án có sáu bà chứng tỏ nội công của ông thật là thâm hậu. 

Em có một cô con gái Anh Thư xinh đẹp học giỏi, nó là hy vọng của gia đình sau này. Năm nay cháu học lớp 12 nhưng mẹ vẫn hàng ngày đưa đón vì xã hội bây giờ nhiều bất trắc.  

Qua trao đổi câu chuyện thấy em là một Phật tử chăm chỉ, hiểu biết khá về triết lý nhà Phật về chữ TÂM, chữ DUYÊN và sự VÔ THƯỜNG trong cuộc đời. thích đi làm từ thiện ở những nơi khó khăn. 

Ngôn ngữ cử chỉ thân thiện chừng mực và có mong ước nhỏ nhoi đưa cô con gái yêu quý một lần về Bắc thăm quê nội của cháu rồi đi thăm chùa Bái đính ở Ninh bình.

Khi cha mẹ chồng em đau ốm thì một tay em chăm sóc không nề hà việc gì cả. Cho đến khi cụ về với Tiên tổ thì trong di chúc cụ quyết định trao toàn bộ bất động sản của cụ cho người con dâu là em mà không phải trao cho con ruột. 

Ai đến ngã tư Lê Hồng Phong với đường 3-2 gần nhà hát Hòa bình Kỳ hòa Sài gòn hỏi mọi người đều biết chuyện này. 

Đúng là truyện cổ tích thời nay.


Hai cái kết về hai người chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có hậu,  ít nhiều để lại trong lòng tình cảm tốt và tin ở cái thiện trong đời. Khi Tư Tờ bỏ đất xây miếu hay Tuyết Tuyết một lòng chăm sóc cha mẹ chồng họ có bao giờ nghĩ là được trả công đâu. 

Cái này có thể kết luận rằng Trời Phật đúng là có mắt.

Cuộc sống sẽ trở nên thi vị biết bao khi có nhiều , rất nhiều những Tuyết Tuyết , Tư Tờ  phải không các bạn nhỉ.

Nguyễn Bá Sỹ 
10-2015

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Bài tập thở “để đời” giúp bạn sống thọ và sống khỏe ai cũng nên biết


Đây là bài tập thở giúp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống thêm được 50 năm trong khi đã bị cắt gần hết phổi vì căn bệnh lao phổi.

1. Người sáng tạo ra phương pháp tập thở dưỡng sinh

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997) là một nhà nghiên cứu xuất thân trong gia đình khoa bảng ở xã Sơn Hòa, huyệt Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh ra ông là cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, làm Thượng thư Bộ Lễ triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1933, Nguyễn Khắc Viện tốt nghiệp tú tài triết học, tú tài toán học và tú tài tây, vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp học tiếp. Năm 1939 ông tốt nghiệp và được làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện Trouseau – một bệnh viện lớn nhất Pari.
Tại đây, ông tiếp tục học và đỗ thêm bằng bác sĩ về ký sinh trùng và các bệnh nhiệt đới.

Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, phải nằm điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời gian đó sự phát triển về y khoa còn hạn chế, bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa khỏi.

Trong vòng 6 năm điều trị bệnh (từ 1943 – 1948), ông phải trải qua nhiều ca phẫu thuật điều trị lao phổi gồm có 7 lần mổ, cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi bên trái.
Lúc này, dung tích thở trong phổi của ông chỉ còn 1 lít, đây là dung tích thở của một người rất yếu. Theo chẩn đoán của các bác sĩ người Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ còn sống được khoảng 2 năm nữa.

Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện không chấp nhận nằm chờ chết. Ông đã nghiên cứu nhiều tài liệu và tìm ra phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Kết quả ông đã sống thêm được 50 năm nữa, hưởng thọ 85 tuổi.

Trong thời gian còn sống, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không những duy trì được sức khỏe tốt cho mình mà còn nhờ có sức khỏe ấy đã tích cực hoạt động, nghiên cứu và để lại rất nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học, triết học…

 
2. Bài tập thở dưỡng sinh “để đời”

Phương pháp tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được đúc kết trong bài vè 12 câu rất dễ nhớ như sau:
“Thót bụng thở ra, Phình bụng thở vào, Hai vai bất động, Chân tay thả lỏng, Êm chậm sâu đều, Tập trung theo dõi, Luồng ra luồng vào,  Bình thường qua mũi, Khi gấp qua mồm, Đứng ngồi hay nằm, Ở đâu cũng được, Lúc nào cũng được”.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, bài tập thở có thể kết hợp hiệu quả nhất khi đi bộ, thích hợp cho những người cao tuổi. Đi nhanh hay chậm, ngắn hay dài là tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người.

Trong khi đi, kết hợp với thở bụng êm dịu và sâu theo công thức: 4 bước hít vào, nhớ phình bụng ra, 2 bước ngừng thở, tiếp theo 8 bước thở ra, thót bụng lại. Việc tập thở sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi đi bộ ở nơi có không khí trong lành, tinh thần thư thái.

Thở 4 thì bằng nhau:
 Thì 1: Hít vào từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra.
Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào.
Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1.
Thì 4: Nín thở, thời gian bằng thì 1. Lúc mới tập, người tập có thể đếm 1, 2, 3, 4, 5 ở mỗi thì. Sau tăng thời gian lên bằng cách đếm đến 7, 8, 9, 10…


3. Vì sao phương pháp tập thở lại tốt cho sức khỏe?

Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Việc tập thở sở dĩ có tác dụng tốt đối với sức khỏe là do cách thở trên giúp đưa được tối đa lượng oxy hữu ích vào cơ thể và tống được tối đa lượng khí Co2 ra, giảm bớt khối không khí độc trong đáy phổi.

Làm được điều này tức là người tập đã tăng đáng kể việc chuyển hóa máu đen thành máu đỏ, tăng cường lượng oxy cho cơ thể.

Việc tập thở chủ yếu vận dụng cơ hoành để tác động đến các cơ quan khác như các bộ phận trong ngực và bụng gồm tim phổi, gan, dạ dày, ruột, các nội tạng khác.

Không chỉ tác động đến cơ quan nội tạng, quá trình thở còn tác động đến cả xương sườn, lồng ngực, cột sống, xương ức và các bộ phận cơ mềm ở ngực và ở bụng.

   
Xem thêm 
https://www.youtube.com/watch?v=vc4TlO96cWc

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

CÁC LIỆT SỸ CÓ LINH THIÊNG

CÁC LIỆT SỸ CÓ LINH THIÊNG

Viết nhân ngày 27-7-2015

Vì Dân Dân lập đền thờ.
Hại Dân Dân đái thối mồ ngập xương

Anh Nghiêm thứ hai từ phải qua

Miếu Bắc bỏ


Cũng là những cái chết nhưng chết vì Dân vì Nước không bao giờ bị lãng quên. Được Dân lập đền thờ là mang yếu tố tâm linh ắt phải có sự linh thiêng.

Trận chiến ngày 3-10-1973 tại ấp Đá biên Thạnh phước Thạnh hóa Long an nhiều chiến sỹ quân giải phóng E 207 QK 9 hy sinh trên cánh đồng nước nổi thuộc Đồng tháp mười. Do điều kiện chiến trường việc thu gom liệt sỹ không thực hiện được. Thân xác các anh tan vào đất nước nơi cánh đồng xa vắng.

Nhiều năm sau người dân địa phương cấy trồng trên đó còn thấy nhiều di vật, xương cốt các liệt sỹ. Không chờ đợi, họ đã tự hiến đất lập cho các anh một lán thô sơ làm nơi thờ phụng bốn mùa.

Nơi các anh hy sinh

Câu chuyện được mô tả chi tiết trong bài Miếu Bắc bỏ và những ông Thành hoàng đội mũ cối;  link kèm theo: http://news.zing.vn/Chuyen-ngoi-mieu-Bac-Bo-va-nhung-ong-thanh-hoang-doi-mu-coi-post124415.html.

Đáp lại tấm lòng, các liệt sỹ phù hộ độ trì cho dân ở đó làm ăn trúng mùa cuộc sống mỗi này sung túc hơn xưa.

Phía sau miếu cũ  là nhà Tưởng niệm mới
Trận đó trong danh sách liêt sỹ có Liệt sỹ Tế quê Hà nội là sinh viên Khóa 15 khoa Kiến trúc Đại học Xây dưng. Đang học năm thứ ba, nhập ngũ 9-1972 huấn luyện ba tháng ở Phú bình Bắc thái rồi vượt Trường sơn trong Đoàn 2013 đi B 1-1973. Anh bổ sung vào E 207 và hy sinh ở tuổi 20 mộng mơ.

Gia đình anh không quản ngại khó khăn bao lần cất công tìm kiếm. Chiến trường rộng lớn bóng chim tăm cá biết tìm nơi đâu. May thay họ đã gặp ngôi miếu, qua câu chuyện với đồng đội và dân đia phương gia đình chắc đó chính là nơi con của họ đã nằm lại và các xương cốt đã được thu gom an tang tại Nghĩa trang liệt sỹ Mộc hóa Long an.

Nhà tưởng niệm mới xây 

Giai đoạn 2010-2012 đó có phong trào tìm mộ qua các nhà ngoại cảm. Tại một ngôi mộ ngoại cảm chỉ và nói đó là mộ LS Tế. Để cho chắc chắn gia đình xin nghĩa trang đào và mượn mấy chiếc răng về để thử AND.

Việc thử được đưa tận Hàn quốc tốn nhiều kinh phí. Tiếc thay kết luận của khoa học chính xác đã cho biết người dưới mộ không cùng huyết thống với gia đình.  
Anh Nghiêm là anh cả của Tế cùng người em và con trai mang mấy răng về trả. Gói gém cẩn thận nhưng khi đi trên đường anh Nghiêm kiểm tra lại và biến sắc khi không thấy gói răng đâu. Hỏi cậu em , cậu bảo em tưởng rác đã bỏ vào thùng rác ở sân bay Tân sơn nhất rồi.

Quá hoảng hốt các anh gọi điện về sân bay nói rõ sự tình và yêu cầu dừng đổ rác ngày hôm đó. Quản lý nhà ga cũng hết sức thông cảm tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Các anh khẩn cấp quay lại sân bay lục lọi từng thùng rác. Ơn các Liệt sỹ phù hộ, họ tìm thấy gói di vật rồi lật đật mang về hoàn trả Nghĩa trang.

Trở về Hà nội mấy tháng sau đứa cháu trai anh Nghiêm đùa nghịch thế nào ngã gãy mất ba chiếc răng cửa.

Anh Nghiêm kể lại câu chuyện làm anh em chúng tôi suy nghĩ mãi. Tâm linh là một việc khó có thể tranh luận, nó ở trong sâu thẳm của mỗi con người mà chính họ cũng không lý giải được.

Các Liệt sỹ có linh thiêng?  
Còn tôi tin rằng các Liệt sỹ hy sinh vì Dân vì Nước thì bao giờ cũng phù hộ độ trì cho Dân cho Nước, phải không các bạn?.
Hà nội 7-2015
Nguyễn Bá Sỹ


Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Câu chuyện về ngành y

Đã nghe nhiều về bản Lác của người Thái Hòa bình mà năm nay mới đến được tận nơi. Cách Hà nội hơn trăm km,  bản Lác Mai châu Hòa bình nằm gọn trong thung lũng núi cao bao bọc bốn bề, trồng cây nông nghiệp chủ yếu là lúa nước 


Cánh đồng lúa xung quanh bản
Từ đường quốc lộ 6 đầy xe cộ ồn ào bụi bặm vào đến bản là du khách đến được một không gian yên tĩnh, cây cối xanh tươi chim hót líu lo. Những làn gió nhẹ lướt qua cánh đồng lúa đương thì con gái thơm dìu dịu  mơn man da thịt làm cho tâm hồn bạn lâng lâng thư thái. 


Kiến trúc nhà sàn là chủ đạo dưới bóng cây hòa vào thiên nhiên

Bản Lác là nơi sinh sống của nhóm người Thái di cư từ nam Vân nam Trung quốc sang khoảng 8-900 trăm năm trước. Họ là những người có kỹ năng trồng lúa nước lâu đời. Do khéo tay họ còn có truyền thống dệt thổ cẩm để may quần áo túi xách v v  bán đi nhiều nơi quanh vùng và xuất đi những nước lân cận. 


Du khách 
Nhờ vậy khi làn gió "đổi mới" đến thì các cấp chính quyền phát triển nơi đây thành khu du lịch để giới thiệu với du khách một làng cổ của dân tộc Thái Hòa bình. 
Kinh tế thị trường đã tới 
Trong chuyến du hành này mấy anh em chúng tôi được tiếp chuyện một Lương y cao tuổi. Sau bữa ăn mặc dù lớn tuổi hơn bác rót nước mời anh em rất vui vẻ, bác nói rằng anh em mình gặp nhau ở đây là nhờ có DUYÊN. 


Tuổi trẻ Kinh trong sắc áo rực rỡ của dân tộc thiểu số
Nhân đây cũng nhớ đến chữ duyên của nhà Phật, vạn vật sinh ra gặp nhau đều do có duyên với nhau. Trai gái có duyên mà nên chồng nên vợ; xi măng sắt thép gạch ngói cát đá có duyên mà hình thành nên ngôi nhà. Còn duyên thì bền chặt, hết duyên thì tan rã không thể khác được. Chữ DUYÊN thật kỳ diệu, đó chính là cái lẽ Vô thường của đời.

Lương y Hoàng Sinh 159 Thanh nhàn 
 Vị lương y kể nhiều chuyện về nghề chữa bệnh bốc thuốc cứu người của mình. Bác lấy việc chữa trị cho người bệnh là cái nghiệp của mình, có năm nói năm, có mười nói mười không bao giờ tính đến việc làm giàu trên những bệnh nhân.

Bác kể có một anh công an phường đã có vợ con đưa một cô gái trẻ đến nói nhờ cụ làm sao để giải quyết cái bào thai trong cô ( mà chắc anh là tác giả). Bác nói, với tôi đó là việc dễ như trở bàn tay nhưng thẳng thắn từ chối nói rằng tôi chỉ chữa bệnh không bao giờ làm việc này dù ông có trả tôi bao nhiêu chăng nữa. Anh ta phải đưa nạn nhân đi đâu không rõ để giải quyết.  

Rồi cũng chính anh chàng đó ít lâu sau lại đến nói cụ ơi vợ cháu có thai ở quê nhưng nhà cháu yếu lắm nhờ cụ cắt cho vài thang thuốc tốt. Để dưỡng thai cần vị này, vị này tất cả là 5 trăm ngàn rồi bảo anh hôm sau đến lấy thuốc. 

Hôm sau anh ta đến nhưng đi cùng với một anh xe ôm mặt mũi khổ sở nói đưa 500 000 đ tiền thuốc trả cụ. Bác đoán rằng anh xe ôm có lỗi gì đó bị bắt mà phải lấy tiền từ túi mình trả cho vợ anh công an. 

Bác nói tôi giận lắm và từ đó bác luôn dị ứng với một bộ phận không nhỏ những người mặc sắc phục này.

Bác nói ngành y bây giờ có nhiều người có tâm nhưng cũng không ít kẻ tham lam vô đạo đức trong khi điều trị. Bác lấy làm lo lắng vì Tiền nhân đã dạy rằng:  Nhất đại phi y tam đại bại nghĩa là một đời làm không đúng y đức thì ba đời sẽ thất bại. 
Đồng tiền giàu có kiếm được từ nỗi đau của đồng loại liệu có đảm bảo cho ba đời sau?.

Rồi bác kể có một Lương y ở vùng quê chữa bệnh có tiếng một hôm tiếp vị khách là nữ đến khẩn khoản:
- Cụ ơi cháu có người chồng không chịu làm ăn, ngày ngày rượu chè bê tha nay ốm mai đau lâu ngày chữa không khỏi. Xin cụ bốc thang thuốc cho nhà cháu sớm về với tiên tổ.
- Ấy chết sao cô lại suy nghĩ độc ác vậy.Trong bụng thấy không vui, việc mình là cứu người chứ có làm cái việc thất đức đó đâu. Người khách cứ một mực khẩn nài mãi.
-  Thôi cô về đi, cứ lấy hoài sơn ( củ mài) nấu cho anh ấy ăn vài tuần là được.
Củ mài là một vị thuốc mát bổ trong đông y, nấu ăn vài tuần chắc anh ta sẽ mát trong người mà khỏe lên thôi, thày thuốc đã làm ngược với yêu cầu của khách hàng.

Vài tuần sau cô ta đến, trên đầu quấn khăn tang trên tay bưng đĩa trầu cau tạ ơn thày thuốc đã làm đúng sở nguyện của cô. Vị thày thuốc tái mặt, mình đã chọn vị bổ cho anh ta kia mà sao cơ sự lại tệ hại như vậy. 

Ông đâm ra buồn chán đem chùm chia khóa tủ thuốc ra sông ném xuống nước mà thề rằng không theo làm nghề thuốc nữa. 

Sau tìm hiểu ông mới biết rằng củ mài là vị thuốc bổ nhưng nấu chín không đậy điệm cẩn thận nếu con mối ( thạch sùng) ăn vào thì lại là một vị thuốc độc. Vị bổ mà không dặn dò chu đáo lại thành thuốc độc là thế.

Chuyện buồn không nói nữa,


Một ngày kia lại có anh vạn chài đánh cá trong vùng đến 
- Cụ ơi cháu đã có mấy người con, nhưng lần này vợ cháu đau đẻ mấy ngày nay không sinh được, cháu lo lắm. Nếu có mệnh hệ gì cháu gà trống nuôi con thì khổ. Cụ xem xét cứu vợ cháu với.
- Tôi lâu nay có làm thuốc nữa đâu. Trong lòng thày thuốc không muốn chữa vì sợ lại gặp chuyện không hay.
Người chồng cứ vật nài mãi, chẳng đặng đừng thày nói:
- Thôi về lấy nước trong lòng thuyền cho nó uống, mà tôi cũng không chắc đâu đấy.

Như có thuốc tiên anh chạy nhanh về làm y lời thày. Nước trong lòng thuyền là nước dò thấm vào, vô thưởng vô phạt không ảnh hưởng gì cả.

Hôm sau anh vạn chài quay trở lại với bộ mặt hớn hở và một con cá to tạ ơn thày cứu mạng. Vợ anh đã sinh nở mẹ tròn con vuông, vui mừng khôn xiết.


Thày thuốc cũng rất vui vì đã giúp được người. Ông cứ ngẫm nghĩ mãi, hóa ra nếu vận cùng thì có là thuốc bổ cũng chết và hợp thời thì nước lã cũng làm cho sinh nở dễ dàng. 
Thật là: 

 Vận bĩ hoài sơn năng chí tử. 
Thời lai thanh thủy khả thôi sinh.


Hà nôi, 5-2015
Nguyễn Bá Sỹ




Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

BỆNH NHÂN CŨNG CÓ QUYỀN YÊU NƯỚC CHỨ


Kính tặng bác Nguyễn Văn Tuấn

Phụ trang báo Tuổi trẻ



Tháng 5-2014, cách đây đúng một năm mình đi khám bệnh và bác sỹ bảo phải đến viện điều trị vài ngày. 


Con người - một cỗ máy sinh học vô cùng tinh vi , hoàn hảo bậc nhất của Tạo hóa chạy mấy chục năm cũng cần bảo trì một chút cũng là lẽ đương nhiên.



Cùng phòng với mình có Cụ Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1923 dân Hà nội gốc. Cụ dong dỏng cao, tóc bạc như cước, đôi mắt sáng tinh anh, chòm râu dài vừa phải với nụ cười hiền như một Ông Tiên. 

Nhìn cụ ai cũng bảo hồi thanh niên cụ Tuấn hẳn rất hào hoa sát gái phải biết.

Bác Nguyễn Văn Tuấn và tôi


Hai bác cháu nằm cạnh nhau, cùng biết cách chia sẻ nên câu chuyện trong buồng bệnh rất sinh động và là trung tâm chú ý của cả phòng. 

Đi viện nhưng thoải mái và vui vẻ. 

Bác kể rằng trước đây bác làm công nhân ở nhà máy xe lửa Trường thi trong Vinh Nghệ an. Kháng chiến bùng nổ công nhân chuyển các máy móc lên rừng bằng đòn khiêng.

-Thế có điện đâu mà chạy máy?
- Có chứ, chúng tôi làm ra điện từ củi, nghĩa là đốt củi cho các đầu máy hơi nước rồi truyền động bằng dây cuaroa làm quay máy điện hoặc làm quay trục của máy tiện, máy bào, phay v..v 

Đúng là một kỳ tích trong điều kiện khó khăn.

Do có vẻ ngoài sáng láng, một hôm vị chính trị viên bảo:
- Này Tuấn, cậu vào trong dân tuyên truyền nhé.
- Tôi mới học hết tiểu học biết gì mà nói.
- Thì tớ có hơn gì cậu đâu, cứ nói đại đi

Suy nghĩ một đêm mà chả biết nói gì, bỗng một ý lóe lên trong đầu. Cụ Tuấn bảo, tôi lấy lời bài Diệt Phát xit của Nguyễn Đình Thi mà tuyên truyền vậy.

Hôm sau vào làng, tập hợp dân lại cụ Tuấn hắng giọng:
- Việt nam bao năm dòng rên xiết lầm than. Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang.
- Đúng đúng...
- Diệt phát xít giết bày chó đê hèn của chúng. Tiến lên nền dân chủ cộng hòa.
- Đúng đúng...
- Giành lại áo cơm tự do. Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao.
- Đúng đúng.

Nói đến giành áo cơm tự do thì gãi đúng vào chỗ ngứa của đám nông dân mù chữ ít học khi đó. Đám đông gào lên ủng hộ diễn giả.

- Mau mau mau, vai kề vai không phân biệt là trai hay gái. Cố tiến lên ta đi lên, Ta tiến lên tiêu diệt quân thù ù ù. Việt nam Việt nam Việt nam...ôi đất Việt yêu quý ngàn năm. Việt nam Việt nám muốn nằm ằm....

Lúc đó đám đông như hồn lìa khỏi xác có bảo nhảy vào lửa họ cũng nhảy. Các ánh mắt thôn nữ nhìn diễn giả Tuấn đê mê thán phục và ước ao. 

Buổi tuyên truyền thành công ngoài mong đợi.

Người ta nói " Vạn sự khởi đầu nan" nhưng với chàng thanh niên Tuấn thì không phải như vậy. Cụ trở thành người tuyên truyền có sức thu hút mạnh mẽ với bà con nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nơi rừng xanh núi thẳm heo hút xa nơi phố thị lúc bấy giờ. 


Phụ trang Tuổi trẻ

Tháng 5-2014 Trung quốc đem dàn khoan Hải dương Thạch du HD 981 cắm sâu vào vào thềm lục địa Việt nam thăm dò dâu khí, thực chất là thử phản ứng của chính phủ và nhân dân Việt nam trước hành vi của chúng xâm chiếm lãnh hải Việt nam. Nhà nước đã chính thức phản đối còn dân chúng thì sôi lên sùng sục trước họa xâm lăng


Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông

Mọi câu chuyện hàng ngày ở mọi nơi, mọi lúc đều xoay quanh chủ đề nóng hổi này. Báo Tuổi trẻ kịp thời làm hẳn phụ trương chỉ rõ vị trí cắm giàn khoan trong vùng biển Việt nam và rút tít mạnh mẽ : TRUNG QUỐC RÚT NGAY GIÀN KHOAN KHỎI VIỆT NAM và  CHUNG SỨC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG.

Thế mới là nhà báo chứ. Hoan hô báo Tuổi trẻ.

Hôm đó có việc đi ngang Tòa Đại sứ quán Trung quốc thấy rất đông người dân chủ yếu là thanh niên đứng xoay mặt sang Sứ quán hô khẩu hiệu ầm ầm, phản đối xâm lược, trên tay nhiều người giương cao Phụ trương báo Tuổi trẻ. 


Trước Tòa đại sứ quán TQ
Biểu ngữ của thương binh , cựu chiến binh

Khí thế tuổi trẻ

Giặc đến nhà đàn bà cũng máu
Tôi dừng lại ghi vài khoảnh khắc đáng nhớ này và mượn tờ phụ trương chụp bức ảnh ủng hộ các bạn trẻ.

Chụp bức hình ủng hộ tuổi trẻ
Một hôm cụ Tuấn bảo tôi:
- Này, tớ bảo này, cậu có yêu nước không?
- Sao bác lại hỏi thế, là người Việt nam ai mà chả yêu nước Việt nam.
- Thế thì sáng mai mấy anh em phòng mình ra sân bệnh viện biểu tình chống Trung quốc xâm lược đi.
- Mình đang là bệnh nhân mà.
- Bệnh nhân cũng có quyền yêu nước chứ.
- Ai mà chẳng có quyền yêu nước, bác cháu mình đang chịu sự quản lý của bệnh viện, Hay bác với cháu lên hỏi Trưởng khoa nội.
- OK.  ta đi ngay nhé. Cụ hăng hái.

Hô khẩu hiệu lí nhí trong bệnh viện

Lên khoa, cụ tươi cười: 
- Chào ông Trưởng khoa.
- Có gì đấy cụ?
- Ông có yêu nước không?
- Có chứ.
- Tôi đề nghị ông ngày mai cho tập hợp bệnh nhân ra sân biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược biển đảo của ta.
- Ấy chết không được đâu, việc chúng cháu là điều trị cho bệnh nhân. Còn có được biểu tình cháu không dám quyết.

Biết là không thể được, hai bác cháu đành về phòng bệnh, Cụ Tuấn chia sẻ: 
- Ở sân cầu lông tôi cũng đề nghị biểu tình mà chả ai dám cả. 

Khuôn mặt cụ hơi trầm lại. Thế mới thấy mọi việc dù " có đảng và nhà nước lo" mà không có sự ủng hộ triệu người như một cuả mọi tầng lớp nhân dân thì cũng chẳng thể đạt kết quả vang dội năm châu chấn động địa cầu.

Đồng ý với bác: Bệnh nhân cũng có quyền yêu nước chứ, không ai có quyền ngăn cản tấm lòng yêu nước của người Việt nam yêu nước Việt nam.

Ít ngày sau hai bác cháu ra viện. Trung quốc rút giàn khoan về. Mọi việc đâu vào đấy. Biển Đông lại không có gì mới. 

Ngoài biển khơi kia bóng ma lũ khốn vẫn lảng vảng, thâm độc hơn, miệng lưỡi chúng lại phun ra những lời lẽ ngọt ngào có thể làm cho chúng ta mất cảnh giác như đã xảy ra trong câu chuyện lịch sử Nỏ thần của An Dương Vương mà đứa trẻ con Việt nam nào cũng biết. Công cuộc bảo vệ biển đảo có lẽ còn lâu dài và cam go.

Chỉ mong bác cháu ta mạnh khỏe yêu đời và được Đời yêu.


Kỷ niệm một năm ngày ra viện
Hà nội 5-2015
Nguyễn Bá Sỹ