Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Câu chuyện về ngành y

Đã nghe nhiều về bản Lác của người Thái Hòa bình mà năm nay mới đến được tận nơi. Cách Hà nội hơn trăm km,  bản Lác Mai châu Hòa bình nằm gọn trong thung lũng núi cao bao bọc bốn bề, trồng cây nông nghiệp chủ yếu là lúa nước 


Cánh đồng lúa xung quanh bản
Từ đường quốc lộ 6 đầy xe cộ ồn ào bụi bặm vào đến bản là du khách đến được một không gian yên tĩnh, cây cối xanh tươi chim hót líu lo. Những làn gió nhẹ lướt qua cánh đồng lúa đương thì con gái thơm dìu dịu  mơn man da thịt làm cho tâm hồn bạn lâng lâng thư thái. 


Kiến trúc nhà sàn là chủ đạo dưới bóng cây hòa vào thiên nhiên

Bản Lác là nơi sinh sống của nhóm người Thái di cư từ nam Vân nam Trung quốc sang khoảng 8-900 trăm năm trước. Họ là những người có kỹ năng trồng lúa nước lâu đời. Do khéo tay họ còn có truyền thống dệt thổ cẩm để may quần áo túi xách v v  bán đi nhiều nơi quanh vùng và xuất đi những nước lân cận. 


Du khách 
Nhờ vậy khi làn gió "đổi mới" đến thì các cấp chính quyền phát triển nơi đây thành khu du lịch để giới thiệu với du khách một làng cổ của dân tộc Thái Hòa bình. 
Kinh tế thị trường đã tới 
Trong chuyến du hành này mấy anh em chúng tôi được tiếp chuyện một Lương y cao tuổi. Sau bữa ăn mặc dù lớn tuổi hơn bác rót nước mời anh em rất vui vẻ, bác nói rằng anh em mình gặp nhau ở đây là nhờ có DUYÊN. 


Tuổi trẻ Kinh trong sắc áo rực rỡ của dân tộc thiểu số
Nhân đây cũng nhớ đến chữ duyên của nhà Phật, vạn vật sinh ra gặp nhau đều do có duyên với nhau. Trai gái có duyên mà nên chồng nên vợ; xi măng sắt thép gạch ngói cát đá có duyên mà hình thành nên ngôi nhà. Còn duyên thì bền chặt, hết duyên thì tan rã không thể khác được. Chữ DUYÊN thật kỳ diệu, đó chính là cái lẽ Vô thường của đời.

Lương y Hoàng Sinh 159 Thanh nhàn 
 Vị lương y kể nhiều chuyện về nghề chữa bệnh bốc thuốc cứu người của mình. Bác lấy việc chữa trị cho người bệnh là cái nghiệp của mình, có năm nói năm, có mười nói mười không bao giờ tính đến việc làm giàu trên những bệnh nhân.

Bác kể có một anh công an phường đã có vợ con đưa một cô gái trẻ đến nói nhờ cụ làm sao để giải quyết cái bào thai trong cô ( mà chắc anh là tác giả). Bác nói, với tôi đó là việc dễ như trở bàn tay nhưng thẳng thắn từ chối nói rằng tôi chỉ chữa bệnh không bao giờ làm việc này dù ông có trả tôi bao nhiêu chăng nữa. Anh ta phải đưa nạn nhân đi đâu không rõ để giải quyết.  

Rồi cũng chính anh chàng đó ít lâu sau lại đến nói cụ ơi vợ cháu có thai ở quê nhưng nhà cháu yếu lắm nhờ cụ cắt cho vài thang thuốc tốt. Để dưỡng thai cần vị này, vị này tất cả là 5 trăm ngàn rồi bảo anh hôm sau đến lấy thuốc. 

Hôm sau anh ta đến nhưng đi cùng với một anh xe ôm mặt mũi khổ sở nói đưa 500 000 đ tiền thuốc trả cụ. Bác đoán rằng anh xe ôm có lỗi gì đó bị bắt mà phải lấy tiền từ túi mình trả cho vợ anh công an. 

Bác nói tôi giận lắm và từ đó bác luôn dị ứng với một bộ phận không nhỏ những người mặc sắc phục này.

Bác nói ngành y bây giờ có nhiều người có tâm nhưng cũng không ít kẻ tham lam vô đạo đức trong khi điều trị. Bác lấy làm lo lắng vì Tiền nhân đã dạy rằng:  Nhất đại phi y tam đại bại nghĩa là một đời làm không đúng y đức thì ba đời sẽ thất bại. 
Đồng tiền giàu có kiếm được từ nỗi đau của đồng loại liệu có đảm bảo cho ba đời sau?.

Rồi bác kể có một Lương y ở vùng quê chữa bệnh có tiếng một hôm tiếp vị khách là nữ đến khẩn khoản:
- Cụ ơi cháu có người chồng không chịu làm ăn, ngày ngày rượu chè bê tha nay ốm mai đau lâu ngày chữa không khỏi. Xin cụ bốc thang thuốc cho nhà cháu sớm về với tiên tổ.
- Ấy chết sao cô lại suy nghĩ độc ác vậy.Trong bụng thấy không vui, việc mình là cứu người chứ có làm cái việc thất đức đó đâu. Người khách cứ một mực khẩn nài mãi.
-  Thôi cô về đi, cứ lấy hoài sơn ( củ mài) nấu cho anh ấy ăn vài tuần là được.
Củ mài là một vị thuốc mát bổ trong đông y, nấu ăn vài tuần chắc anh ta sẽ mát trong người mà khỏe lên thôi, thày thuốc đã làm ngược với yêu cầu của khách hàng.

Vài tuần sau cô ta đến, trên đầu quấn khăn tang trên tay bưng đĩa trầu cau tạ ơn thày thuốc đã làm đúng sở nguyện của cô. Vị thày thuốc tái mặt, mình đã chọn vị bổ cho anh ta kia mà sao cơ sự lại tệ hại như vậy. 

Ông đâm ra buồn chán đem chùm chia khóa tủ thuốc ra sông ném xuống nước mà thề rằng không theo làm nghề thuốc nữa. 

Sau tìm hiểu ông mới biết rằng củ mài là vị thuốc bổ nhưng nấu chín không đậy điệm cẩn thận nếu con mối ( thạch sùng) ăn vào thì lại là một vị thuốc độc. Vị bổ mà không dặn dò chu đáo lại thành thuốc độc là thế.

Chuyện buồn không nói nữa,


Một ngày kia lại có anh vạn chài đánh cá trong vùng đến 
- Cụ ơi cháu đã có mấy người con, nhưng lần này vợ cháu đau đẻ mấy ngày nay không sinh được, cháu lo lắm. Nếu có mệnh hệ gì cháu gà trống nuôi con thì khổ. Cụ xem xét cứu vợ cháu với.
- Tôi lâu nay có làm thuốc nữa đâu. Trong lòng thày thuốc không muốn chữa vì sợ lại gặp chuyện không hay.
Người chồng cứ vật nài mãi, chẳng đặng đừng thày nói:
- Thôi về lấy nước trong lòng thuyền cho nó uống, mà tôi cũng không chắc đâu đấy.

Như có thuốc tiên anh chạy nhanh về làm y lời thày. Nước trong lòng thuyền là nước dò thấm vào, vô thưởng vô phạt không ảnh hưởng gì cả.

Hôm sau anh vạn chài quay trở lại với bộ mặt hớn hở và một con cá to tạ ơn thày cứu mạng. Vợ anh đã sinh nở mẹ tròn con vuông, vui mừng khôn xiết.


Thày thuốc cũng rất vui vì đã giúp được người. Ông cứ ngẫm nghĩ mãi, hóa ra nếu vận cùng thì có là thuốc bổ cũng chết và hợp thời thì nước lã cũng làm cho sinh nở dễ dàng. 
Thật là: 

 Vận bĩ hoài sơn năng chí tử. 
Thời lai thanh thủy khả thôi sinh.


Hà nôi, 5-2015
Nguyễn Bá Sỹ