(Nhà văn Nguyễn Quang Thân)
Một tiến sĩ Việt Kiều từ Pháp về đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với bạn bè cũ hồi học đại học, gặp gỡ nhiều bạn mới trẻ. Trước khi trở lại Pháp, trông bà có vẻ buồn, không hào hứng như lúc mới về. Tôi hỏi, không ngần ngừ, bà buông một câu chắc nịch: “Em buồn vì thấy nhiều người, ít nhất thì cũng là tuyệt đại đa số bạn bè của em trẻ cũng như già, họ sống buông xuôi, ngoài việc kiếm sống hay vừa lòng với cuộc sống sung túc, nhàn nhạt, không mấy người có dự định làm cái gì để sử dụng hết khả năng của mình hết!”
Bà nói, lướt qua báo chí, kể cả báo mạng, thấy lớp trẻ quan tâm đến bộ đùi của một minh tinh Mỹ vừa được mua bảo hiểm hơn chuyện sân gôn hay Vedan, hay những dòng sông bùn đỏ. Buồn vì có nhiều tờ báo mạng đưa tin “Chung Hân Đồng đỏ mặt sau khi uống rượu”! Em cam đoan với anh nếu có tờ báo nào ở Paris mà đưa tin đó là người ta sẽ gọi điện về tòa soạn hỏi thăm ông chủ bút “có sao không đấy”. Anh thử thăm dò mà xem, rất nhiều trí thức không đọc tin cá chết trên sông Nhuệ vừa rồi nhưng lại rất tường chuyện Thủy tốp lộ hàng, hay “hàng” của Thủy tốp bị lộ là hàng thật hay sản phẩm của photoshop!
Quan tâm cái gì thì sống với cái đó. Như anh nghiện rượu thì luôn nghĩ cách pha cốc-tai thế nào cho ngon. Khi những vấn đề quan trọng nhất của đất nước bị “lờ” đi thì chẳng ai biết nghĩ gì, làm gì ngoài việc kiếm cơm.
Tôi nói với bạn tôi rằng chuyện này không cần phải ở Pháp lâu ngày trở về mới nhìn thấy. Mà, nhiều người có tính hay lo đã thấy từ lâu. Tóm lại đó là tình trạng thông tin mà những gì cần biết nên biết thì không có, không đủ hoặc đưa ra một cách sai lệch. Không có A thì chỉ còn lại B nữa mà thôi. Người ta yên phận trong một môi trường thông tin không gợi cảm hứng đóng góp và sy nghĩ, sáng tạo. Chúng ta thường gọi đó là “tình trạng thiếu cảm hứng tạo dựng sự nghiệp” trong các thế hệ 8x, 9x và cả những người đứng tuổi có tài năng nữa.
Người ta đang chăm chú vào cái gì? Đang làm gì? Ngoài những người thích buôn dưa lê chuyện tầm phào và hình sự, độc giả trung thành của rất nhiều tờ báo cho kết quả tích cực là sau khi đọc xong người ta đi mua thêm ngay lập tức một cái ổ khóa, một bộ phận tuổi trẻ khác thì coi săn lùng được một suất học bổng của nước ngoài là lý tưởng sống để đời. Việc này cũng có một kết quả “tích cực” là sau khi thành tài, họ trở thành một người ngoại quốc thỉnh thoảng về thăm quê rồi buồn như bà bạn của tôi nói trên. Quá ít người chịu nghĩ hay chịu làm một cái gì nghiêm túc mà người ta thường gọi là sự nghiệp!
Có nhiều nguyên do đẻ ra cách sống đáng buồn đó. Cho nên chúng ta hãy hết lòng kính trọng những tờ báo chịu mạo hiểm khêu gợi được cảm hứng sáng tạo và đóng góp của cộng đồng, kính trọng những tấm gương chịu nghĩ, chịu làm vẫn thường xuất hiện trong cuộc sống. Chẳng hạn, tìm cách đưa sách về các dòng họ ở nông thôn, mầy mò phương pháp dùng đất sét làm trong nước hồ Hà nội của một học sinh trung học, nghĩ ngợi ra một cái máy tước hạt ngô rẻ tiền của một ông Hai Lúa v.v. Hay cả những việc làm “thất bại trông thấy” như làm một chiếc trực thăng …còn hơn là không làm gì cả. Làm gì cũng được, miễn là đầu óc không suốt ngày lo lắng, bứt rứt tại sao nữ diễn viên Hồng Không từng bị “lộ hàng” Chung Hân Đồng, uống rượu lại đỏ mặt!
-----------
Bác Thân viết ngày càng hay và buồn cười.
Cần gì phải Việt kiều ở tận Paris về mới nói như vậy? Chỉ cần mở tivi là thấy ngay à. Trong chương trình thời sự, hôm nào mà chả "phải trồng cây gì, nuôi con gì" hoặc vĩ mô hơn nữa là câu nói kinh điển "chúng ta phải làm sao đây"...
Phải làm sao là làm sao???