Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

pho viet


Tản mạn về Phở

Hoàng Linh

Blogger, Hungary



Phở có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam

Khi nói về ăn, Nguyễn Tuân làm cho ta có cảm tưởng đó không chỉ thuần túy là một miếng ngon. Nó còn là một miếng đẹp, miếng-tinh-thần, khiến ta phải đối xử với nó một cách "có văn hóa". Nghĩa là ăn cũng phải theo đúng phép tắc, nghi lễ, kiểu cách.

Người ta bảo ngay ở khoản này, Nguyễn Tuân cũng ngông, tức là ông cố tình nâng lên tầm quan trọng, thiêng liêng những thứ vốn bị coi là phàm tục, tầm thường.

Tôi thì cho rằng chẳng qua ông coi ăn cũng như một thú chơi nhàn tảng, như muôn vàn các thú khác của người quân tử, mà ông đã thuật lại trong "Vang bóng một thời".

Truyền thống Á Đông

Truyền thống Á Đông hay quan trọng hóa vấn đề và đặt ra lắm chuẩn mực rối rắm.

Thời xưa, khát mấy nhưng gặp con suối mà kẻ đạo tặc đã uống, cũng phải bấm bụng mà đi. Người Trung Quốc còn đỡ, họ chỉ hay làm to chuyện những gì dính dáng trực tiếp và gián tiếp đến văn hóa, nghệ thuật, như viết lách, vẽ vời (phải chọn bút nghiên, chọn mực, giấy má, rồi ngóng chờ thời điểm thích hợp), hay thưởng ngoạn văn học (trước khi đọc, phải tắm rửa sạch sẽ, ăn vận chỉnh tề, thắp nến bạch lạp).

Chứ đến như Nhựt Bổn thì thật quá trớn; không phải vô cớ mà có nhà văn ta đã gọi cái sự làm gì cũng chiểu theo những nghi thức, điệu bộ đẹp đẽ mà giả tạo ấy, là cuộc sống "lấy lễ làm gốc"! Ở xứ hoa anh đào, cái gì cũng được (bị?) nâng lên thành đạo: cắm hoa, cứ tưởng dễ mà phải học dài dài; uống trà, phải qua lắm thủ tục phiền phức, tốn thời gian và nhiêu khê. Chưa nói gì đến trò chơi cây cảnh và non bộ (bonsai) công phu và khó có tiếng.


Một tiệm phở nổi tiếng trong khu chợ Eden ở vùng Washington DC, Hoa Kỳ.




Ngay võ nghệ là thứ mang tính chân tay mà họ cũng còn lạy lục, chào hỏi nhau chán mới động thủ, đến rút một thanh kiếm ra chém cũng phải diễn một màn kịch dài dằng dặc và nghiêm trọng như tuồng cổ của ta vậy (phải chăng cái nghi thức rạch bụng của các Cảm tử quân dăm chục năm ngày xưa, cũng có nguồn xa xăm tự đây?)

Dài dòng lạc đề như thế để bảo rằng cái sự tôn trọng lễ nghi trong ăn uống của ta, chắc hẳn không ít thì nhiều, chịu ảnh hưởng những tập tục các nước trong vùng. Tiêu chuẩn ăn uống của Tản Đà (món ngon, chỗ tốt, bạn hiền, thời gian thích hợp) cũng chứng tỏ việc đưa ăn uống vào những phép tắc, có lẽ đã được mô phỏng theo những "chuyên ngành" khác của đời sống (ví dụ: ba chục cái thú của Kim Thánh Thán).

Ăn uống đúng cách, đúng khẩu vị và sành điệu, dĩ nhiên là cái hay mà không phải ai cũng biết và cũng rành. Nhưng đẩy nó đến mức cực đoan như Nguyễn Tuân trong "Phở" chẳng hạn, tôi e chửa chắc đã thú. Trong ăn uống cũng như đời sống, giáo điều, cứng nhắc quá, thiếu tự do và sự lựa chọn, là điều không hay.

Bình sinh con người, ăn nhậu muốn ngon, cứ phải thoải mái, không quá câu nệ. Vả lại, ăn là chuyện có dính nhiều đến sở thích cá nhân. Xin được tiếp tục bằng phở. Được biết lúc sinh thời, ông Nguyễn chỉ xài được loại phở bò chín, không ớt, không chút nước mắm, dấm phụ trợ; ông hết sức tán tụng nó, và bài xích các thể loại khác là "phở tẩm bổ". Dĩ nhiên, đây là quyền tự do của ông. Nhưng, tôi vẫn khoái ăn phở tái (miễn là làm khéo) mà không cảm thấy hề hấn gì về cái "giá trị mỹ học của bát phở chín", cùng lời châm chích về sự "muốn bổ, sao không uống Păng-tô-cờ-rin của Liên-xô, còn có tác dụng bằng mấy!" của ông Nguyễn. Và chắc rằng, đối với nhiều người trong đó có tôi, phở bò hay phở gà đều có thể ngon như thường, miễn là được làm đúng cách: nước dùng nấu bằng xương, sủi lăn tăn, ngọt, trong, thơm, đủ vị gừng, hành, hồi, thảo quả và hạt tiêu, bánh phở dai, luộc chín đến.

Phở mậu dịch

Rõ ràng, có thời, phở đã không được như cung cách nó phải có, mà ông Nguyễn phàn nàn trong bài của mình. Ông kể đến lý do chiến tranh, đôi khi phải tùy tiện và "tùy nghi".

Nhưng sau đó, không thấy ông điểm đến phở của thời bao cấp cách đây gần hai chục năm, khi chiến tranh đã chấm dứt, và không còn lý gì làm cho phở phải luân lạc.

Tôi không làm sao quên được cái thời phở được chia thành mậu dịch và tư nhân ấy: phở mậu dịch có hai loại, phở nước, không người lái chỉ gồm bánh phở và nước dùng (giá 2,5 hào) và phở thịt, có lõng bõng cả vài miếng thịt (giá 5 hào).

Gia đình tôi vốn công nhân viên chức, nên nói chung, chỉ dám xài loại mậu dịch, dù biết nó không được đạt tiêu chuẩn lắm; vả lại, thường chỉ khi nào ốm mới được nếm, lúc ấy ngon mấy cũng khó nuốt dzô, phân biệt làm chi ngon dở.

Phở tư nhân dĩ nhiên khá hơn nhiều (tôi liệt vào hạng này cả thứ phở của những tổ hợp tác, một hình thức "tư hữu hóa" cấp thấp hồi ấy), cố nhiên, giá cả cũng mắc hơn, từ 7,5 hào đến một đồng rưỡi.

Không phai trong tôi ấn tượng những đêm giá rét, trên con đường về nhà từ quán phở, các bậc phụ huynh hể hả vì "cái quán khá thật, đáng tiền bỏ ra!", còn tôi vẫn râm ran cả thân thể vì bát phở nóng hổi trong bụng.

Cái giá sau này chỉ những hàng phở danh giá, cự phách nhất mới dám đòi (hay nhắc đến giá cả, cũng chỉ muốn nhớ về dư âm một thời.

Hình như đầu thế kỷ, độ 1,2 xu là được một bát phở không tồi. Cái giá trung bình hiện nay, là bốn, năm ngàn đồng).

Những quán phở, không hiểu sao thường được đặt trong một căn buồng không mấy lớn, tôi tối, có phần ẩm thấp, với những bộ bàn ghế gỗ thấp lè tè.

Khách đến, lắm khi phải chờ đợi để có bàn, nhưng không ai tỏ ra sốt ruột và cáu gắt như khi xếp hàng mậu dịch. Hẳn ai nấy đều tâm niệm rằng đó là cái giá phải trả, khi được thưởng thức một món ngon có chất lượng cao. Vả lại, lúc chờ đợi, người ta có thể nói và nghe đủ thứ trên trời dưới đất, kể cả những tin "tuyệt mật" như chuyện tăng giá gạo hoặc đổi tiền vào ngày hôm sau, mà đài báo vẫn cứ chối đây đẩy.

Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được đến những nơi đó, thường là khi cha mẹ mới có lương, hay được thưởng. Cứ độ mỗi tháng một lần, mấy đứa trẻ khốn khổ vì thòm thèm được ngồi sau xe đạp, lắm khi đi đến những nơi rất xa lạ với chúng, vì ở đó có hàng phở ngon ("Bà A. bảo thế", cha mẹ chúng nói; "bà A." ở đây thường là một nhân vật buôn bán, phe phẩy, theo ngôn ngữ thời bấy giờ).

Khoảng thời gian chờ đợi, nhìn lão chủ quán có cái bụng to cồng kềnh múa chiếc muôi và con dao sáng loáng - trong lòng thầm mơ "giá được thành lão ta để ăn cả ngày thì sướng nhẩy!" -, là những giây phút hồi hộp và hạnh phúc nhất của lũ trẻ. Và cuối cùng thì bát phở nghi ngút khói, thơm nồng được đưa lên, chúng tôi được dạy cách ăn từ từ, chậm rãi để cái vị của phở ngấm vào huyết quản, vào từng đường gân, thớ thịt.

Tôi hay có cảm giác hẫng và tiếc, pha chút hoảng hốt khi bát phở sắp cạn: lại phải chờ hàng tháng giời đằng đẵng nữa!

Cho đến giờ, không phai trong tôi ấn tượng những đêm giá rét, trên con đường về nhà từ quán phở, các bậc phụ huynh hể hả vì "cái quán khá thật, đáng tiền bỏ ra!", còn tôi vẫn râm ran cả thân thể vì bát phở nóng hổi trong bụng, và phấn khích vì vừa được "tiêu thụ" một thứ mĩ vị đến thế.

Tận hưởng cái sướng

Đối với nhiều người, ăn phở, muốn tận hưởng được hết cái sướng, cứ phải chọn hàng phở gánh ngoài phố, ngồi xổm (hay bệt) xì xụp, nước mắt nước mũi dàn dụa, húp thành tiếng rõ to rồi suýt xoa khoái trá.

Lắm ông to bà lớn mà vẫn mê thứ phở bình dân đó, nhưng vừa sĩ vừa ngại lộ diện, phải để xe ở rõ xa, ăn mặc giản dị cuốc bộ hòa nhập vào dòng người lam lũ gồm đủ các thành phần.


Nhiều người thích ăn phở gánh ngoài phố, ngồi xổm xì xụp, nước mắt nước mũi dàn dụa

Cảnh tượng ăn uống như thế, nhìn thì có vẻ thô lậu và hơi mất "mỹ quan", nhưng cứ ở trong cuộc, mới hay cái lý nhất định của nó. Nó cũng phản ánh phần nào cái triết lý "sống để mà ăn" rất đặc thù của Á Đông: ăn say mê, ăn hể hả, ăn một cách tận hưởng, chứ không chỉ đơn thuần thưởng thức.

Đừng tưởng đây là một biểu hiện "xuống cấp" của văn hóa thời nay, dân ta hằng nửa thế kỷ trước đã vậy. Nguyễn Huy Tưởng trong "Sống mãi với thủ đô", có kể về cung cách xài phở của người Hà Nội thời xưa, như sau: "... Những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng, họ đem hành tây, họ đem trứng đi hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu, họ đòi ít ớt, họ xin ít nước béo, họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục, xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn, có khi còn khinh khỉnh với người không sành phở như họ nữa". Dĩ nhiên, qua những dòng trên, nhà văn muốn đả kích cái thói tục trong ăn uống, nhưng phải nhận rằng, thói tục ấy chửa chắc sẽ mất đi ngay cả trong thời đại Internet này.

Sự phân biệt giữa phở mậu dịch và tư nhân, có lẽ chỉ chấm dứt vào thời tiền kinh tế thị trường (theo định hướng XHCN).

Vào những năm đầu của thập niên 80, có một đơn vị nhà nước chỉ bằng một cải cách nhỏ nhoi, đã gây tiếng vang và thu hút khá đông khách đến ăn. Người ta truyền nhau là ở cửa hàng Ga (gần ga Hàng Cỏ, Hà Nội), phở nhà nước mà khá ngon, phục vụ không đến nỗi nào, hơn thế, mỗi người mua được nhận một tích-kê có số thứ tự, ai gặp phải số chẵn chục, chẵn trăm là được thêm thịt, thêm nước béo. Cái tên "phở Đường sắt" có từ đó, tồn tại trong vài năm, như tượng trưng cho một thứ đồ "quốc doanh", mà không điêu trác, không bôi bác, tồi tệ.

Thế nào là phở ngon

Cốt lõi của phở ngon là nước trong và ngọt. Thế thì phải có nhiều xương bò, mà nước ta hồi xưa không đặc trưng mấy ở phạm trù lắm thịt cá.

Thành thử, nhiều hàng phở chỉ nổi tiếng ngon vì cho lắm mì chính: người ta thả công khai vào bát phở hàng thìa bột ngọt. Dù sao, đây cũng là thứ được coi là xa xỉ vào thời ấy, nên không cần bàn gì nhiều: cứ thế nào mà chẳng được, miễn ngọt và ngon miệng, không xương thì đánh lừa cảm giác bằng thứ khác, có sao.

Nhưng sau đó ít lâu, lại có nhiều bài báo và dư luận bảo rằng mì chính độc, ăn lắm có hại cho cơ thể (đào đâu ra mà lắm! Tôi cho rằng thứ tuyên truyền này cũng giống như kiểu rau muống bổ hơn thịt bò, đường đen (của Quy Ba) tốt hơn đường trắng mà lũ "chân gỗ" thời trước nghĩ ra để làm dịu người dân trước những mặt hàng thiếu thốn), nên lắm người cũng hỏi chờn chợn.

Ai đó nghĩ ra cách thử cho các loại có mùi tanh như tôm, cá vào nồi hầm, xem sao. Và đặc biệt thay, họ làm thế nào mà ta không thấy có chút vị tanh gì sất, lại ngọt và trong vắt!
Không biết, nước phở loại ấy có được liệt vào hạng "chính thống" của ông Nguyễn không?

Phở chính hiệu, có lẽ phải là phở (xuất xứ từ) Hà Nội. Nhưng từ khi hai miền lưu thông, thời thế nổi trôi, phở cũng bị lai tạp đi nhiều lắm

Phở chính hiệu, có lẽ phải là phở (xuất xứ từ) Hà Nội. Nhưng từ khi hai miền lưu thông, thời thế nổi trôi, phở cũng bị lai tạp đi nhiều lắm.

Một số hàng phở trong Nam, xưng là Bắc Kỳ, mà cho cả rau, giá, đỗ hệt như hủ tiếu Sài Gòn. Phở một số nơi còn được nêm cả tương, xì dầu, mắm tôm, rất lộn xộn. Chưa nói gì đến thứ phở sốt vang (?) hay thấy ở Hà thành một thời, dính làm gì chữ phở vào đây cho bôi bác nhỉ? Phở hết thành thứ quà ngon, và trở nên món ăn no của lũ trưởng giả mới.

Một hồi, tại Hà Nội, ăn phở sang là phải đập vào đó vài quả trứng, có thể mang sẵn từ nhà, hoặc mua thêm ở hiệu. Lắm kẻ đòi thêm mấy miếng thịt được chặt kiểu "chém to kho mặn" rồi vênh váo ngồi ăn trước con mắt thán phục của đại chúng.

Rồi chuyện gọi một tô phở đặc biệt, thịt đầy tú ụ, cho con chó bẹc-giê phốp pháp ngồi lên ghế ăn cùng với người, hình như không phải là chuyện quá hiếm hoi ở xứ ngàn năm văn vật.

Tôi vốn chủ trương đa nguyên trong ăn uống nói chung, và trong lĩnh vực phở nói riêng, nhưng vẫn không chịu nổi và dị ứng với những tìm tòi, "cải cách" không phải lối kiểu trên.

Nhưng cũng có những thứ "cải cách" khác, rất đáng được thông cảm, bởi hoàn cảnh những chủ nhân của chúng, dù nó đi ngược lại mọi nguyên lý cơ bản và sơ đẳng của phở.

Đó là thứ phở cơm, hay cơm phở, món ăn được lũ sinh viên nghèo khó rất ưa thích: chung nhau bỏ ra ít tiền, mua nước phở, tiện thể bốc trộm chút hành xanh, về trộn với cơm hẩm ký túc xá, xì sụp húp ăn rồi thi nhau khen ngon. Hay những hàng phở gánh bình dân, phục vụ tận nơi tận chốn lũ học trò vào những đêm mất điện, lúc ấy, mọi thứ bánh phở, nước dùng, hành, rau thơm, nước mắm, tương ớt, dấm được đổ ụp với nhau thành một thể tạp-pí-lù (hay đả biên lô, theo cụ Vương Hồng Sển, nghĩa là thập cẩm, tào lao, ba lăng nhăng), cay xè, lắm khi mặn chát chúa, vậy mà ai dám bảo là dở?

Phở ở xứ Tây, do những điều kiện "kỹ thuật" nhất định, chắc không thể làm theo những phương thức kinh điển, và ngon như ở nhà.

Phở quận 13 Paris, phở Cali, người khen, kẻ chê, tôi chưa được nếm nên không dám lạm bàn nói bậy.

Nhưng người viết bài này cảm thấy rất hài lòng về phở ở xứ Đông Âu, được nấu tại những quán ăn đứng nho nhỏ tại chốn chợ búa tất bật, lam lũ của đồng bào mình: ở đó, người nấu phải dùng bánh phở khô, nước dùng có khi nguội, và bát phở không nóng một cách tự nhiên, mà bởi microwave, có khi thiếu cả những gia vị phụ trợ tối thiểu; người ăn dùng bát, thìa và dĩa nhựa, một lần rồi bỏ. Thế mà mỗi lần thưởng thức nó, tôi vẫn bùi ngùi như đụng chạm vào một mảnh quê hương.

Tác giả đang sống ở Hungary, là chủ biên tạp chí Nhịp cầu thế giới. Quý vị có cảm hứng viết về món ăn, một địa phương mà mình có nhiều gắn bó, mời gửi cho trang Văn hóa ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

hoi lang mua xuan


Truyện Kiều: Một thế giới bằng hoa

Feb 28, '09 11:14 PM

for everyone

Có thể nói Truyện Kiều là thế giới của hoa, một thế giới hoa lập thể. Kiều là bóng hoa, là cành hoa, là xác hoa. Kiều sống trong hoa, nép vào hoa, bị vây giữa hoa, bị hoa ám ảnh, bị hoa đe doạ, bị hoa thẩm thấu. Chín mười tầng hoa lớp lớp phủ lên Kiều. Hoa luôn luôn là một thường trực ám ảnh nhất, một tín hiệu nghệ thuật mang những thông điệp quan trọng nhất của cuộc đời Kiều.

Hoa bao vây, nuốt chửng người phụ nữ

Trong Truyện Kiều có hơn một trăm lần Nguyễn Du nhắc đến chữ hoa, mỗi lần hình tượng hoa mang một sứ mệnh nghệ thuật khác nhau. Hoa hóa thân thành vẻ đẹp thân thể và tâm hồn người phụ nữ trở thành "gót sen", "tiếng sen", "nét hoa", "tay hoa". Và khi đã cộng sinh với con người, trở thành vẻ đẹp của con người thì hoa trở nên lộng lẫy hơn, nó phải ghen với chính hình ảnh nhân hóa của nó:

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Hoa hóa thân thành người phụ nữ và thông qua sức ám ảnh của người phụ nữ, nó ám ảnh khắp mọi nơi, hóa thân vào từng không gian, từng đồ vật như một dấu vết kép, trở thành "tiên hoa", "trướng hoa", "trướng hồng", "cẩm hoa", "trướng đào", "buồng đào", "thềm hoa", "then hoa", "sân hoa", "sân đào", "sân mai", "kiệu hoa" v.v... Gọi là dấu vết kép vì trong đó vừa có bóng hoa vừa có bóng phụ nữ. Hoa và phụ nữ lồng vào nhau, thẩm thấu vào nhau. Người phụ nữ hoa đó lại sống trong một vũ trụ hoa. Không gian của Truyện Kiều là một thế giới đầy hoa. Hoa trải đầy mặt đất:

"Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời"

"Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng"

"Hoa trôi man mác biết là về đâu"

Cuộc sống của Kiều luôn luôn là cuộc sống gần hoa, trong hoa, bị vây hãm bởi hoa:

"Hai Kiều e lệ, nép vào dưới hoa"

"Nàng từ lánh gót vườn hoa"

"Vội về giữa chốn vườn hoa"

"Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa"

"Băng mình qua dãy tường hoa"

Hoa cũng trở thành nơi ẩn nấp của các thế lực hắc ám sẵn sàng hiện diện:

"Dưới hoa dậy lũ ác nhân"

"Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào"

Hoa không chỉ là vẻ đẹp, là phẩm cách, không chỉ là ám ảnh, là sự bao vây, hoa còn nuốt chửng số phận người phụ nữ. Ta thấy hiện lên cái hành trình êm ả mà tàn khốc của những loài hoa ăn thịt người trong Truyện Kiều, nó bao vây những Kiều, những Đạm Tiên, nó ngả bóng vào trong thịt da và tâm trí để dần dần biến những con người tài sắc đó thành những bông hoa trôi dạt, tàn úa, xác xơ. Kể từ khi Kiều tự ví mình như bông hoa rã cánh:

“Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây”

thì số phận Kiều đã trở thành số phận của hoa "cái số hoa đào". Từ đó, mọi buồn vui yêu thương hạnh phúc và bất hạnh của Kiều bị giam trong số phận một cành hoa:

"Xót nàng chút phận thuyền quyên

Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn"

"Khi về hỏi liễu Chương Đài

Cành hoa đã bẻ cho người chuyên tay"

"Thề hoa chưa ráo chén vàng

Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa"

"Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung"

"Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa"

"Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về"

"Chơi hoa dễ đã mấy người biết hoa"

"Thiếp như hoa đã lìa cành

Chàng như con bướm, lượn vành mà chơi"

Số phận của Kiều không phải chỉ là số phận của "cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn", bị tàn héo, tả tơi, rơi rụng qua những quăng quật và va đập, mà còn trở thành một thứ hoa khô, hoa ép, hoa tín hiệu không còn sinh khí của cuộc đời nữa, chỉ còn hiện ra như là những linh kiện ngôn ngữ gói ghém cái bản chất bi thảm của cõi người. Biết bao nhiêu thành ngữ Nguyễn Du sáng tạo ra bằng hình tượng đóa hoa: "sớm mận tối đào", "sen ngó đào tơ", "hoa xưa ong cũ", "hoa thải hương thừa", "hoa rụng hương bay", "hoa trôi nước chảy", "cỏ nội hoa hèn", "trăng tủi hoa sầu", "liễu ngõ hoa tường", "ngọc nát hoa tàn" v.v...

Hoa trong Truyện Kiều vừa là con người, vừa là thế giới, vừa là biểu trưng của người phụ nữ, vừa là hiện thân của hạnh phúc, vừa là dấu vết của bất hạnh vừa là kẻ tòng phạm của tình yêu và tội lỗi. Hoa trôi nổi, đàng điếm trong nội dung, hình thức và cốt cách, y như đời Kiều vậy, nhưng sau hết thảy những biến ảo phù du ấy, hoa là bản thể của người phụ nữ, là dấu vết của người phụ nữ hằn rõ trên mọi nẻo tâm tư và mọi miền thế giới, trở nên một ám ảnh nghệ thuật vừa day dứt hằn sâu như vết hằn của định mệnh, vừa chập chờn bất định mong manh như hạnh phúc, tình yêu trong cõi thế nhục nhằn này.

Khoảnh khắc những bông hoa thoát xác

Phải chăng, ám ảnh hoa trong Truyện Kiều là sự thăng hoa của mặc cảm lo âu về cái mong manh, ngắn ngủi, phù du một nét đặc trưng của tâm thức Việt? Hoa trong Truyện Kiều vẫn có nội dung phổ biến của biểu tượng hoa trong mọi nền văn hoá là biểu trưng của cái thụ động nhưng nó là sự thụ động có mang chứa những khoảnh khắc rực rỡ của khát vọng giải phóng, khát vọng tự do. Như trong đoạn Kiều sống với Thúc Sinh, Kiều là số phận lẽ mọn, tầm gửi hoàn toàn thụ động trở thành nơi ẩn náu cho lũ ác nhân. Cái tên "hoa nô" nghĩa là một bông hoa nô lệ, là sự chỉ mặt gọi tên, phũ phàng nhất dành cho kẻ tài hoa. Nhưng hình ảnh những bông hoa trong đoạn đời này thật rạo rực, lộng lẫy, dường như số phận đã mỉm cười với Kiều qua những đóa hoa trong trời đất, dường như cái khát vọng hạnh phúc, cái niềm vui lẽ mọn bé nhỏ tội nghiệp kia đã được phóng chiếu lên:

"Huệ lan sực nức một nhà

Càng cay đắng lại mặn mà hơn xưa

Mảng vui rượu sớm trà trưa

Đào dần phai thắm sen vừa nẩy xanh"

"Cửa Thiền vừa cữ cuối xuân

Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời"

Qua những khoảnh khắc rực lên như thế, những bông hoa hé lộ cái tâm thức thỏa mãn trong khoảnh khắc, tự do trong lệ thuộc, tự do trong chiêm nghiệm. Cảnh ngộ của Kiều trong đoạn đời với Thúc Sinh là một thứ tù giam lỏng, một cảnh ngộ nô lệ sâu sắc, đánh đàn, tụng kinh như một thứ nô lệ văn hóa và nô lệ tôn giáo. "Chúa xuân để tội một mình cho hoa", câu thơ ấy thú nhận một sự hy sinh cái riêng cho cái chung. Thúc Sinh "Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân" là tiếc cái vẻ riêng của Kiều trong cái lỗi lầm phổ quát của thời đại. Nhưng khi cái bông "hoa đã lìa cành" đó hiện diện ngay trước mặt Thúc Sinh trong tư cách đóa hoa nô lệ, với tiếng đàn "như khóc như than", với tiếng mõ giữa mảnh vườn "hoa bốn mùa" rực rỡ, Thúc lại cảm thấy ê chề đắng cay hơn bao giờ hết. Thúc "tiếc hoa" là tiếc cái bông hoa tự do.

Khi Kiều và Thúc gặp nhau trong nhà chứa, Kiều cũng là một thứ nô lệ của Tú Bà, Kiều có tự do đâu? Nhưng Thúc vẫn nhìn thấy trong cái thân thể "Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa" ấy một "tòa thiên nhiên" lộng lẫy, Thúc cảm được chữ Trinh của Kiều, cái bất khuất nguyên vẹn về tinh thần của Kiều. Nhưng khi Kiều trở thành hoa nô, trở thành nô lệ bằng con người tinh thần, Thúc dường như bị mất đi tất cả.

Trong cái nô lệ tột cùng đó, thế giới đầy hoa quanh Kiều và Thúc dường như không còn bị Kiều chiếm lĩnh nữa, chúng được giải phóng khỏi tư cách tín hiệu ước lệ để rực rỡ lên cái đẹp của đất trời, cái vui của cõi Đạo, cái đôn hậu của Nguyễn Du. Và sự thoát xác của những bông hoa đó chính là sự cứu rỗi của cái Đẹp dành cho bản ngã văn hóa của Kiều. Chấp nhận thực tại, chắt chiu những khoảnh khắc hạnh phúc tự do hiếm hoi trong thực tại nô lệ ấy, để nở hoa, đó là một khía cạnh của cái tâm thức văn hóa khá đặc biệt trong chiều sâu con người Việt Nam.

Chỉ riêng Từ không được ngắm hoa

Trong đoạn đời Kiều gặp Từ Hải, hầu như không thấy Nguyễn Du nhắc đến hình tượng bông hoa. Buồng ngủ giờ đây không còn là "buồng đào" nữa, mà là buồng riêng: "Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn, đặt giường thất bảo vây màn bát tiên". Điều đó càng khẳng định biểu tượng hoa là một mẫu gốc phản ánh cái thụ động. Gặp Từ, Kiều đã trở thành Vương phu nhân, "Dưới cờ gươm tuốt nắp ra" đầy thế chủ động, chủ động đến mức lôi cả Từ Hải theo những toan tính thực tế và nông nổi của mình, vậy thì biểu tượng hoa không còn phù hợp với số phận của Kiều nữa. Mặt khác, gặp Từ Hải, Kiều đã chuyển đổi từ tư cách một thân phận văn hóa sang tư cách thân phận thực tế. Những bông hoa không còn cần thiết để Kiều ký thác khát vọng văn hóa và khát vọng tự do.

Sự vắng mặt của những bông hoa trong đoạn đời Kiều gặp Từ Hải đã tố giác sự vắng thiếu đời sống tâm linh văn hóa của Kiều trong đoạn đời oanh liệt ấy. Điều đó cũng rất nhất quán với sự vắng thiếu tiếng đàn trong lúc Kiều lồng lộng quyền uy. Từ Hải không được nghe đàn, không được sống trong hoa, đó không hề là sự bất công của Nguyễn Du, mà đó là hệ quả của cái cảm thức tách biệt, đối lập giữa tồn tại và văn hóa, giữa quyền lực và nghệ thuật trong tâm thức người Việt. Kiều đã có "buồng riêng", bờ cõi riêng, quyền lực riêng, nhưng Kiều đã bị mất cái thế giới riêng của người nghệ sĩ tài hoa. Nguyễn Du không biết rằng cái tư tưởng tài mệnh tương đố cần được chứng minh bằng cái định lý đảo trong đoạn đời Kiều vinh hiển cùng Từ Hải! Tâm thức về cái mong manh tầm gửi trong biểu tượng hoa được thay thế bằng cảm thức về cái phù du bất định chông chênh trong biểu tượng cánh bèo, chiếc bách xuất hiện thay thế cho biểu tượng cánh hoa.

Có lẽ không có ở đâu hình tượng bông hoa lại choán hết cả trời đất tâm linh và số phận con người như ở trong Truyện Kiều. Hoa mang nhiều tư cách, đóng nhiều vai trò, hiện diện trong mọi hình thức mang những bản chất và sắc thái trái ngược nhau. Hoa vừa là nó vừa là vật chứa nó, vừa là không gian, vừa là thời gian, vừa là biểu tượng về người con gái ở cả sự rực rỡ, vẻ đẹp, sự tàn tạ, sự mong manh và sự phù du. Hình tượng đóa hoa trở nên một dung môi cho các chiều kích văn hóa và thực tại thẩm thấu, đan xen vào nhau, người trở thành hoa, hoa trở thành người, hoa trong người, người trong hoa, hoa phản chiếu người, người phản chiếu hoa y như một thế giới gương, một mê cung kỳ ảo. Cái mê cung của hoa đó rất đặc thù cho cái tâm thức hỗn dung, giao thoa, cộng sinh trong tâm thức Việt đầy màu sắc vật linh giáo. Kiều nói với Thúy Vân:

"Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

hấy hiu hiu gió thì hay chị về"

Đây chính là một sự tuyên bố thành lời cái chủ nghĩa vật linh bàng bạc khắp thế giới Truyện Kiều, trong đó những bông hoa ở nơi thấp nhất bị xéo giày được nâng lên thành vật thờ phản ánh cái tô tem giáo của Nguyễn Du. Cái tâm thức dung hợp giữa các đối cực đã phóng chiếu vào biểu tượng đóa hoa trong Truyện Kiều một cách phong phú và sinh động, tạo nên sự phù du biến ảo của nó trong tư cách vừa là tín hiệu ước lệ đầy ký ức văn hóa, vừa là hiện thực đầy sinh khí, đầy tính khoảnh khắc, đầy dự cảm lo âu

Đỗ Minh Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng số 14 tháng 2-2009

Tags: flower, truyện kiều

Posted by Picasa

hoi lang mua xuan

Sở hữu đất đai và phát triển kinh tế

03:46-03/12/2008

Khi chính sách cải cách kinh tế theo hướng thị trường được áp dụng, yếu tố thị trường sẽ ngày càng chi phối sự phát triển, tư duy pháp lý tất yếu trở nên thắng thế và đòi hỏi phải xem xét lại tính phù hợp của khái niệm sở hữu toàn dân đối với đất đai. Cưỡng lại yêu cầu này sẽ khiến động lực phát triển kinh tế bị triệt tiêu và ổn định xã hội bị đe dọa.

Đất đai luôn được xem là loại tài sản đặc biệt, hiện diện ở hầu hết các hoạt động đầu tư và sản xuất của xã hội, dù trực tiếp hay gián tiếp. Nhà nước ở đâu và thời nào cũng xem trọng và đặt chính sách đất đai vào vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Không chỉ vậy, hầu hết các cuộc cách mạng có sự tham gia của đông đảo quần chúng hoặc giới cần lao đều định hướng vấn đề đất đai một cách rõ ràng và cụ thể. Những khẩu hiệu cách mạng như “người cày có ruộng” hoặc “ruộng đất cho dân cày”, tuy ngắn ngọn nhưng luôn điểm trúng tử huyệt của các chế độ tập trung quyền kiểm soát đất đai vào tay giai cấp thống trị và giới thượng lưu.

Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, đất đai cũng là đề tài lớn. Các triều đại quân chủ thời hậu Lê và Nguyễn đều quan tâm đặc biệt đến chế độ sở hữu và cách thức quản lý điền địa khi san định luật lệ của họ. Những quy định về đất đai thời đó, đặc biệt của triều Lê, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển cực thịnh của chế độ quân chủ ở nước ta.

Nhiều quy tắc luật pháp thời ấy đã được người dân đón nhận một cách trân trọng đến mức khi năm tháng qua đi, các triều đại lần lượt thay đổi, sự áp dụng không còn mang tính ràng buộc trên phương diện pháp lý nữa, song chúng vẫn tiếp tục “sống” dưới dạng tập quán xã hội, được người dân tuân thủ và tôn trọng một cách mặc nhiên, không cần cưỡng hành.

Dưới thời Pháp thuộc, tuy chính quyền thuộc địa chỉ chú trọng vào việc khai thác đất đai và tài nguyên của thuộc quốc hầu làm giàu cho mẫu quốc, hơn là thỏa mãn nhu cầu sinh sống của người dân bản xứ, nhưng họ vẫn tìm cách áp dụng nhiều giải pháp khoa học vào vấn đề quản lý điền địa. Chính điều ấy đã tạo nên sự ổn định xã hội trong một thời gian đủ dài để giúp phát triển kinh tế và bảo đảm điều kiện khai thác thuộc địa thuận lợi. Sắc lệnh điền thổ ngày 21/7/1925 là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học như vậy mà chính quyền thuộc địa đã dày công thực hiện.

Mọi chủ thể pháp luật đều bình đẳng mà không ai được hưởng bất kỳ ưu quyền nào hơn chủ thể kia. Khi tham gia vào những giao dịch tài sản, thông qua các tổ chức do mình sở hữu hoặc chi phối, Nhà nước cũng chỉ là chủ thể pháp luật ngang bằng với các cá nhân và tổ chức thuộc khu vực tư nhân mà thôi.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng cũng duy trì hiệu lực của Sắc lệnh điền thổ 1925 thêm một thời gian cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc vào năm 1954. Sau đó, một chính sách đất đai hoàn toàn mới dựa trên nền tảng của học thuyết kinh tế-chính trị Marx-Lénine dần hình thành, theo đó quyền sở hữu loại tài sản đặc biệt này thuộc về “toàn dân”, thông qua vai trò quản lý tập trung của Nhà nước với tư cách đại diện nhân dân.

Dưới chế độ quản lý đất đai theo mô hình xã hội chủ nghĩa được áp dụng từ năm 1955 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam, chế độ tư hữu đất đai chấm dứt và thay vào đó là định chế “quyền sử dụng đất”, xuất phát từ khái niệm “sở hữu toàn dân”. Đây là một khái niệm đặc biệt về quyền tài sản chỉ có ở các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, nay vẫn tồn tại ở Trung Quốc và Việt Nam.

Theo định chế quyền sử dụng đất, người sử dụng đất được luật pháp công nhận đầy đủ các quyền gắn liền với nó tương tự đối với quyền sở hữu các tài sản thông thường khác, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, v.v…). Tuy nhiên, sự định đoạt trong khuôn khổ quyền sử dụng đất không phải là một quyền trọn vẹn theo đúng nghĩa, mà trái lại tùy thuộc vào quyết định tối hậu của Nhà nước, người quản lý luật định của toàn bộ đất đai trên lãnh thổ quốc gia.

Định chế quyền sử dụng đất sau hàng chục năm hiện hữu ở nước ta đã đóng trọn vai trò lịch sử của nó và phát huy tác dụng đáng kể trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, khi nền kinh tế chuyển đổi theo hướng thị trường, định chế này đã và đang gây ra một số trở ngại cho sự phát triển tiếp theo của nền kinh tế và đe dọa sự ổn định xã hội. Có thể liệt kê cụ thể như sau:

Toàn bộ hệ thống đăng bạ điền địa khoa học tồn tại hơn nửa thế kỷ (vốn dựa trên cơ sở quyền tư hữu đất đai) đã bị xóa bỏ hoàn toàn và thay bằng một hệ thống đăng ký phức tạp, rườm rà, không những không hiệu quả và thiếu ổn định mà còn gây nhiều tốn kém về tiền của và thời gian cho ngân sách quốc gia và những người có quyền lợi liên quan. Các loại sổ đỏ, sổ hồng và sổ trắng ghi nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà thay nhau ra đời, song giá trị và công năng của từng loại vẫn đầy biến động và chưa định dạng rõ ràng. Việc hành xử các quyền gắn liền với quyền sử dụng đất, đặc biệt là quyền định đoạt, do vậy trở nên bấp bênh và khó khăn.

Do người sử dụng đất không có quyền sở hữu trên phương diện pháp lý nên mỗi khi muốn chuyển nhượng đất, trình tự thực hiện bị kéo dài vì người chuyển nhượng phải “hoàn trả” lại “đất không sử dụng” cho Nhà nước trước khi người thụ hưởng được trao quyền sử dụng thông qua hình thức giao hoặc thuê đất từ Nhà nước. Nếu quyền tư hữu đất được công nhận, thì chủ sở hữu đất sẽ chuyển nhượng trực tiếp quyền sở hữu của mình cho người thụ hưởng như trong trường hợp các tài sản thông thường khác. Lúc đó ắt hẳn thủ tục hành chính nhiêu khê xung quanh câu chuyện đất đai sẽ giảm thiểu, và phí tổn xã hội để phát triển kinh tế cũng giảm đi đáng kể.

Việc quy hoạch sử dụng đất tuy trên lý thuyết thuộc về Nhà nước, nhưng trên thực tế các quan chức địa chính địa phương toàn quyền quyết định, nên tình trạng lạm dụng quyền hành biến đất công thành đất tư, bồi thường di dời không thỏa đáng để trục lợi, nhận hối lộ để phê duyệt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong những dự án kinh doanh bất động sản đã và sẽ tiếp tục xảy ra trầm trọng, tạo nên bất mãn xã hội ngày càng sâu rộng. Điều này là nguyên nhân chính của nạn khiếu kiện đông người tại những thành phố lớn.

Cốt lõi của tất cả những trở ngại nêu trên bắt nguồn từ sự kết hợp khiên cưỡng của hai khái niệm vốn dĩ khác biệt nhau để tạo nên định chế quyền sử dụng đất, đó là khái niệm “quyền sở hữu tài sản” theo tư duy pháp lý và khái niệm “sở hữu toàn dân” theo tư duy chính trị - ý thức hệ. Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung được xây dựng trên nền tảng lý luận Marx-Lénine, tư duy chính trị thắng thế nên sở hữu toàn dân đối với đất đai không tạo ra nhiều vấn đề nan giải cho xã hội, vì khi ấy nền kinh tế được hoạch định theo kế hoạch tập trung và mọi bất đồng có thể giải tỏa bằng mệnh lệnh hành chính từ Nhà nước. Tuy nhiên, khi chính sách cải cách kinh tế theo hướng thị trường được áp dụng, yếu tố thị trường sẽ ngày càng chi phối sự phát triển, tư duy pháp lý tất yếu trở nên thắng thế và đòi hỏi phải xem xét lại tính phù hợp của khái niệm sở hữu toàn dân đối với đất đai. Cưỡng lại yêu cầu này sẽ khiến động lực phát triển kinh tế bị triệt tiêu và ổn định xã hội bị đe dọa.

Do vậy, đã đến lúc cần nghiêm túc nghiên cứu một cách khoa học khả năng chấp nhận tư hữu hóa một phần các loại đất được sử dụng vào mục đích kinh doanh để phát triển kinh tế, hơn là tiếp tục duy trì tuyệt đối khái niệm sở hữu toàn dân đối với đất đai như hiện nay. Đây thực sự là gốc của mọi vấn đề phát sinh trong lĩnh vực địa chính, kể cả tình trạng khiếu kiện đất đai đông người mà các chính quyền địa phương đang nỗ lực giải quyết. Lê Công Định

Posted by Picasa