Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

GHI CHÉP Ở TRƯỜNG SƠN

GHI CHÉP Ở TRƯỜNG SƠN 

Đường ra trận mùa này đẹp lắm ( Pham Tiến Duật)

Trường sơn có rất nhiều người viết, bài viết theo các giai đoạn và góc độ quan sát khác nhau. 

Tôi cũng vậy, Ghi chép ở Trường sơn là phác họa rất sơ lược những quan sát của mình trong một đoàn quân mang phiên hiệu 2013 đi bộ vào nam theo ngả phía tây dãy Trường sơn. 

Nó không theo trình tự thời gian , địa điểm mà  là các điều tôi nhớ lại, nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy. 

Các sự kiện được ghi lại bằng  ngòi bút nghiệp dư của người lính đã sống, đã trải nghiệm một thời gian trên con đường ra trận. 

Cũng tự biết là ghi chép còn non tay, chưa hay chưa nghệ thuật, muốn hay thì phải mài giũa, thêm tí son phấn, tí hoa hòe hoa sói nhưng tôi lại không thích làm như thế.

Nó mới chỉ là dạng quặng nguyên liệu chưa qua tinh chế, nên còn thô ráp của sự thật trần trụi.

*

*      *

 Sau khi nghỉ Tết Qúi Sửu - 1973 đoàn rời Trạm CỨT . Ra khỏi bãi khách, ngoảnh lại cũng thấy có cổng chào với khẩu hiệu : 

Nhiệt liệt chào mừng các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng  thắng lợi trở về. 

Trên từng chặng hành quân khoảng giữa đường hai trạm giao liên là đoàn vào hay gặp đoàn ra. 

Đoàn vào đông đúc, trẻ măng, đồng phục xanh lá cây, hành trang nặng nề ,vũ khí nai nịt đầy mình. 

Đoàn vào đôi khi cũng đi bằng một vài cái cáng, họ đi bằng chân và vai của các chiến sĩ giao liên. 

Hỏi ra mới biết đó là những người quan trọng, là sĩ quan hoặc cán bộ cao cấp. Họ ăn riêng, ngủ  riêng, với tiêu chuẩn riêng trong trạm. 

Đoàn ra thường quân số ít với đủ loại màu sắc quần áo, gầy gò ốm yếu, thương tích, cụt tay, cụt chân, có người  phải khiêng võng, các chiến sĩ giao liên có trách nhiệm di chuyển và bàn giao họ từ trạm nọ  sang trạm kia. 

Người ra thường vai đeo bòng, đồ đạc gọn nhẹ, tay đeo đồng hồ tự động, vai khoác đài bán dẫn, lại còn bảo đám đi vào:

- Giờ mới đến đây thì vào chỉ còn nhặt ống bơ???. 

Chiến tranh chứ có phải cuộc dạo chơi đâu mà  đi nhặt nọ nhặt kia, các anh vô tình đang thi vị hóa cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt mà không hay biết.

Việt Dậu( K16 VL) nghiến răng kèn kẹt bảo:

- Chúng mình phải đi nhanh lên, đồng bào miền nam ruột thịt đang ngày đêm rên xiết dưới gót giày Mĩ Ngụy.??? Ha  ha

Tố Hữu viết cho người vào nam : 

Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước 

Mà lòng phơi phới dậy tương lai(???)

Với những người sinh viên xếp but nghiên đi lính còn có bài hát với câu:

 " Một cuộc hành quân mang ở trên lưng những Dự án tương lai thành phố mới ".

Một sự động viên theo kiểu nói lấy được.

Về sau ra học lại, đi công tác mới biết không có cách làm Dự án như thế.

Đôi khi đoàn ra lóc nhóc trẻ con từ 10-15 tuổi trai gái đủ cả với những khuôn mặt đa dạng sang chảnh, lam lũ , ngây thơ. 

Mà khôn lắm, biết xin những đồng tiền miền bắc còn sót lại của người đi vào, không thấy tặng lại các anh tiền miền nam chưa tiêu hết.

Đám sinh viên sửa lại thơ cho các em: 

"Xẻ dọc Trường sơn đi nước ngoài

Mà lòng phơi phới dậy tương lai."


Đoàn vào , đoàn ra đều nghỉ ở Bãi khách Trạm giao liên nhưng thường cách biệt, không giáp mặt nhau. Sáng sớm đoàn vào rời khỏi bãi rồi thì đoàn ra mới khởi hành ngược về bắc. 

Họ chỉ gặp nhau trên đường , ai biết việc của người đấy, không mấy khi được trò chuyện. Có lẽ đây là chủ trương của cấp trên , càng kín càng tốt. 

 Không biết Hố đen của vũ trụ nó thu hút vật chất thế nào nhưng trên đường hành quân ở Trường sơn vào nam tại giai đoạn này tôi được chứng kiến con người, vật chất hút vào nam tấp nập mà ra bắc thì nhỏ giọt lơ thơ. 


*

*      *

 Mọi người đi Trường sơn hẳn còn nhớ, sáng ra ngoài tiếng gà rừng gáy le te, vượn hú vang rừng, chim chóc líu lô. Cũng là báo hiệu khởi đầu ngày mới vui tai rộn ràng. 

Còn hai con chim chỉ nghe tiếng mà không nhìn thấy gây ấn tượng, hót vang lừng mà lại rất nhịp điệu " Bắt cô.... trói cột. Bắt cô.... trói cột" có ông lính dịch là ( Cấp trên bắt buộc . Đéo đi đéo được) và " Còn...... khổ. Cò ò ò òn khổ ổ ổ..."  rất buồn bã. 

Hành quân leo dốc mà nghe hai con này hót tức không chịu được. 

Trong bãi khách còn đếm tiếng tắc kè, tắc kè. Chẵn tiếng là trời  mưa , lẻ tiếng là nắng. Hai ông lính cùng đếm, ông bảo chẵn ông bảo lẻ cãi nhau loạn cả lên. 

Trong rừng còn mấy con sau cũng gây sợ. Đó là con vắt rừng. Vắt rừng màu nâu nhạt trông giống con đỉa nhưng sống trên cạn, trên lá cây nhất là rừng tre nứa. 

Hôm nào trời mưa hay ẩm ướt người bước đi trong rừng hàng đàn vắt ngóc đầu lên đánh hơi hướng về chân người trông như mạt sắt khi đưa nam châm vĩnh cửu lại gần. 

Nó cũng có thể quăng trên cành lá xuống người rồi lặng lẽ hút máu đến no kềnh mới buông , do miệng vắt có một loại dịch chống đông nên vết cắn máu chảy be bét mà ta không hề biết. 

Có lần đi tắm thấy xung quanh nhiều vắt , tôi lội ra giữa suối có mấy viên đá có thể ngồi tắm, nghĩ vắt không ra tới, ai dè còn nhiều vắt hơn, cứ dựng đứng cả lên, rất ngán.

 Con bọ cạp nhiều người đã biết vì xem Thế giới động vật, màu đen tuyền hoặc ánh xanh cổ vịt nghe nói đốt chết con trâu. Con này hay trốn dưới cây mục ẩm nên ít gặp.

Con rết ( rít) to dài như đôi đũa cả nấu cơm màu cánh gián đen sậm ngả đỏ rất ấn tượng. Nó mà đốt thì bất kể giờ nào phải nghe tiếng gà gáy sáng mới hết đau buốt. Hoặc phải dùng rãi con gà trống bôi mới khỏi.

Con ve lại nhỏ bằng hạt đỗ đen, khi đốt xong  nó không bay ra mà chìm cả người vào thân thể, coi như vật chủ để sống kí sinh suốt đời. Lúc lấy nó ra không cẩn thận để lại vòi đốt thì vết thương lâu lành có thể thối thịt .

Con mối rừng to gần phân nửa cái đầu đũa ăn cơm. Một con không là gì nhưng là một đàn, một tổ là mối họa lớn, đàn mối di chuyển trong rừng nghe tiếng rào rào. 

Bộ đội hành quân mà gặp đàn mối đi ngang thì ai nấy sợ hãi nhảy như loi  choi. Các anh đi trước kể chuyện có ông lính sốt rét ác tính không đi được, nghỉ lại trong rừng nằm trên võng hy sinh, mấy hôm sau anh em đi tìm thấy mối ăn chỉ còn bộ xương. Thật kinh sợ.!!!

Giao liên nói không có các con thú lớn vì bom đạn súng nổ ầm ầm, chúng chạy đâu hết cả. Có đoàn gặp voi mấy bố giải phóng đem cả B 40 ra quất , con gì mà sống được ???

*

*      *

 Hành trang của đội quân đi bộ gồm những gì? Đó là câu hỏi mọi người hay quan tâm: 

Hai bộ quần áo dài , hai bộ đò lót, ngắn, , một tấm tăng che mưa, một màn tuyn,một võng dù, một tấm đắp, khăn mặt. một hăng gô cơm, một bi đông nước, một bát sắt B52 ăn cơm,1 kg ruốc thịt (0.50 Kg thịt trộn với  0.5 Kg muối) . 0.1 kg mì chính, một ít kim chỉ, thuốc lá, thuốc lào tất cả bỏ trong ba lô;  

7 ngày gạo ăn tương đương 5kg bỏ trong ruột tượng. 

Một khẩu súng , 4 băng đạn, một xẻng đào đất , hai quả lựu đạn mỏ vịt, hai bánh thuốc TNT , kíp và dây cháy cháy chậm cán bộ giữ vì sợ lính dùng không đúng mục đích, bông băng cá nhân. 

Một xanh tuyarông rộng bản cài quanh bụng để treo các thứ lỉnh kỉnh trên. 

 Một tiểu đội có một nồi 30 dùng nấu cơm , hai xoong nhỏ hơn nấu canh và thức ăn mặn.Tổ ba người có một dao găm, một bật lửa. Người mang nồi là người đến phiên trực nấu cơm.

Tổng cộng chừng 30 kg khoác lên vai mỗi người lính .

Môi ngày tiểu đội 12 người, phân công nhóm ba người đến phiên trực dậy lúc 4g00 sáng nấu 6kg gạo ( 0.5 Kg gạo / người  cho hai bữa), thức ăn tùy điều kiện cụ thể ,5g00 ăn sáng, lấy cho mỗi người một hăng gô cơm để ăn trưa, một bi đông nước uống dọc đường. 

Đi bộ từ 6 giờ sáng mỗi giờ nghỉ 10 phút. 11g 30 ăn trưa 30 phút nghỉ 15,20 phút  đi tiếp đến 15g30 - 16g00 là tới Bãi khách của Trạm giao liên kế tiếp.  

Ngày đi trung bình 8 giờ x 4km/giờ  đạt khoảng 30 km / ngày

Đến trạm mới , phân công phiên nhóm khác lấy nước, kiếm củi nấu ăn bữa tối và bữa sáng hôm sau . 


Người nào nhỏ con, yếu được phân trực nấu trước để nấu phần gạo của mình cho nhẹ bớt. Thời tiết khô ráo còn đỡ, hôm nào mưa rừng thì nấu bữa cơm cực trần đời. 

May mà ai cũng biết đào và nấu bếp Hoàng Cầm nên củi ướt mà khói trắng cứ là đà mặt đất rất đẹp, nếu có máy ảnh chụp lại thì có những tác phẩm nghệ thuật chứ chả chơi. 

Máy bay không thể thấy dòng khói nào từ rừng bốc lên, rất an toàn.

Cơm thiếu rau thì khô lắm, quanh đi quẩn lại anh em phải lấy rau môn thục, rau tàu bay, lá lạc tiên, lá bứa nấu canh với ruốc gọi là canh bông băng ( Vì các sợi thịt giống như bông băng, trông ghê ghê ) . Người đi vô đi ra như nước chảy , cây nào mọc kịp.

Trên đường hành quân anh em thường uống nước gạo rang, có những chỗ sâm cau, hà thủ ô, ngũ gia bì nhiều tha hồ lấy mà nấu nước uống.

Thèm đồ ăn tươi lắm, đến trạm nào đó quên rồi, mấy ông dân tộc lấy cả màn tuyn quây bắt nòng nọc nấu canh. 

Rồi gặp đàn vượn đang chuyền trên cành, các ông lấy súng bắn trúng con mẹ, trước khi rơi nó trao đứa con cho vượn khác rồi rớt xuống như một đứa trẻ 6,7 tuổi chân tay loằng ngoằng, kinh hãi . 

Ai nhìn cái cảnh đấy thấy đau lòng, ngon gì mà ngon.

Thật là tàn nhẫn. 

Chiến tranh, miếng ăn làm cho tâm hồn một số người trơ lì và chai sạn. 

Thật là không đẹp mà cũng chẳng vui.


*

*      *

Đi bốn ngày được nghỉ một ngày tắm, giặt quần áo . 

Ở Trường sơn chừng một tuần trên đường đi lấy gạo một lần.Thực phẩm khi có khi không, có thì rất ít.  Có trạm phải lấy đậu xanh thay gạo,cũng ngâm giá, nấu canh đỗ ăn vài bữa rất sợ. 

Rồi có trạm lĩnh gạo nếp Lào nấu ăn không quen. Cứ là phải gạo tẻ, có khi hết gạo phải nấu cháo ăn vài bữa. 

Giang hồ ta là giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Hay 

Ta đi ta nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.


Cộng đồng người Việt ngày xưa ít chịu đi xa mới có những câu thơ níu kéo như thế, giờ thì đã khác, họ có mặt ở nhiều ngóc ngách trên trái đất này.


Đồng tiền vô dụng, có cũng chẳng ai dùng. 

Đoàn quân thấy rõ ràng thực tế một ví dụ sống động xã hội nguyên thủy không dùng tiền mua bán. Chỉ dùng vật đổi vật tùy theo mỗi bên cho đó là ngang giá. 

Theo chỉ dẫn của cán bộ huấn luyện hay người đi B về đa số các anh lính đều có chút hàng xén như ghim băng, gương nhỏ, đá lửa, kẹp tóc, ảnh người đẹp như Ái Vân là số 1, ảnh  Bác Hồ... trong ba lô.

Tất cả các món đồ đó đều là thứ tối cần thiết trong rừng, là sản phẩm làm đẹp cho các cô gái hoặc là vật trang trí, món ăn tinh thần cho dân bản địa, có thể đổi được quả bí, quả bầu, mớ rau với người dân tộc để có chút chất tươi. 

Đổi hết rồi có anh mang cả ảnh bố mình ra đổi, nói là ảnh Bác Hồ hồi còn trẻ, thật hết biết.

Thứ đắt giá hơn như vải vóc , tăng , võng , vỏ chăn có thể đổi được chó, gà, ngan, vịt, cá . 

Thèm thịt quá các bố rọc đôi vỏ chăn đổi chó lợn, hai ông chung nhau ba quần lót đem một cái đổi gà vịt chén.

Đến một trạm nam Lào có tiểu đội đổi một quần đùi lấy con cá to 6-7 kg. Nấu ăn anh em xì xụp sung sướng lắm, cuối bữa lảo đảo say hết nằm la liệt. 

Cảm giác mạnh hơn say rượu, phải huy động khiêng tất cả vào trạm xá giao liên cấp cứu. 

Người ta cho biết đó là con cá say, nó chuyên ăn qủa độc của một loại cây mọc ven sông. May không có ại bị sao.

Có hôm đang chén cơm trong bãi khách có con rết to bằng chiếc đũa cả dài 30 cm chạy qua, anh em hò nhau bắt đem nướng ăn luôn với cơm, thịt ngon như tôm hùm.

Đoàn quân thì cũng có người nọ người kia. Trong ăn uống có người từ tốn nhưng cũng có kẻ tục tằn, rất xấu. 

Đồ Toại ( 13 Kinh tế) quyết tâm dạy cho anh ấy một bài học. Gọi là Đồ Toại vì anh rất hiểu văn học và các tích cổ, thường dẫn các điển tích trong lúc trò chuyện.

Ngày nghỉ thường rủ nhau đi vô rừng xung quanh bãi khách hay vào Trạm. May mắn gặp nương sắn, cây quả gì ăn được thì lấy về ăn rồi chia cho anh em. 

Có khi đến một lối mòn định ghé vào thì thấy mấy cái biển : CÓ MÌN nên đành quay ra. Nhưng đó chính là nương sắn , cắm biển để dọa mấy ông tân binh thôi.

Khoảng 10 giờ sáng sắp đến giờ ăn , Đồ Toại cùng vài anh em đi nghênh ngang trong rừng về, mồm nhai nhồm nhoàm củ gì đó rất ngon mắt. 

Thấy vậy Cồ (Địa chất- đã đổi tên) bảo : 

- Anh Toại có gì cho em ăn với.

- Đ*o cho, mày ăn tham lắm!

- Cho em cắn một miếng nhỏ thôi.

- Thôi được, cho mày một miếng, nhỏ thôi đấy.

Đồ Toại lấy củ sau lưng ra dứ dứ :

- Cắn theo cữ tay tao này nhé. Rồi đưa lên mồm Cồ.

Cồ ngoạm một miếng to nhai rôm rốp . 

Bỗng Cồ  phùng má, trợn mắt phun ra phì phì. Mặt mũi mồm miệng sưng vù. 

May chưa nuốt, từ cổ trở lên biến dạng không thể nhận ra Cồ mười phút trước.

Lập tức anh em đưa Cồ vào Trạm xá giao liên cấp cứu, chiều tối anh được chữa khỏi về lại đơn vị kịp cho buổi hành quân hôm sau. 

Một bài học đích đáng, một trò đùa tai hại may mà chưa có hậu quả đáng tiếc. Câu chuyện râm ran suốt trên đường dây.

Chuyện ăn uống, sinh tồn trong rừng, dưới sông nước đáng lẽ phải là mục rất rất quan trọng trong huấn luyện bộ đội cũng như trong giáo dục học sinh. 

Ví như cách thoát khỏi rừng khi bị lạc, cách làm việc nhóm, cách tạo ra lửa hay đơn giản là cách mắc võng tăng ra sao để mưa rừng vài ba ngày cũng không làm ướt hai đầu võng cho giấc ngủ êm ái. 

Rồi là trước khi đi phải kiểm tra vị trí của mình để không quên đồ đạc. Có anh ngái ngủ cố nằm võng vài phút , khi đoàn quân rùng rùng chuyển động thì bật dậy khoác ba lô đi. 

Tới trạm mới ngẩn người vì để quên võng. Trong rừng mà ngủ dưới đất thì khó khăn bội phần, rất dễ bị côn trùng, rắn rết... cắn. Thậm chí ốm đau nguy hiểm .

Cái quan trọng như thế lại bị coi nhẹ , cứ hay chú ý học tập các chuyện trời biển cao xa này nọ. 

Các kỹ năng sinh tồn thường là truyền miệng trong câu chuyện hàng ngày, phải là  người tinh ý mới học được vì nó không thành hệ thống.

Đai cương là vào rừng những thứ gì cây, quả, lá chua, đắng , chát là ăn được không phải hỏi. 

Những thứ nào rực rỡ, sặc sỡ, ngọt, bùi đều phải cẩn thận hỏi han người đi trước, có kinh nghiệm nếu không phải thử trước khi dùng. 

Cái này nó cũng giông giống cuộc đời :

"Mật ngọt chỉ tổ chết ruồi
Những nơi cay đắng là nơi thật thà". ( Ca dao)

*

*      *

Đến Nam Lào có hôm chúng tôi cứ đi lên dốc, lên dốc mãi bở hết hơi tai từ sáng sớm  đến quá trưa mới được nghỉ chân ăn cơm. 

Nhìn lại đường đi thấy vực sâu thăm thẳm, nhìn về phía nam là cao nguyên bằng phẳng rộng lớn tít phía chân trời, hỏi ra mới biết đó là cao nguyên BOLOVEN . 

Cả đoàn dừng lại, mở cơm ra  thong thả dùng bữa . Tôi cảm thấy một không gian rộng lớn, thời tiết mát mẻ , gió thổi dìu dịu, lòng người thơ thới, như trên tiên cảnh.

Người dân tộc Lào trên dãy Trường sơn không rõ là Lào Thum hay Lào Sủm , họ ở cũng thưa thớt theo từng nhóm trong rừng già. 

Thanh niên nam nữ ít gặp hơn, chúng tôi gặp chủ yếu là người già và phụ nữ có con. Thường thì ai cũng hút thuốc kiểu điếu cày nhưng thân điếu to từ 8-10cm. 

Phụ nữ mang con nhỏ thì không mặc áo chỉ mặc váy hoăc sarong, vú vê thỗn thện ngồi bên mấy thứ rau quả đổi chác với lính. Kinh tế thị trường sơ khai là đây. 

Nơi đây gần thị trấn Atôpơ nên đã có thuốc lá A lào, Con két, Cotab lính hút phì phèo thơm lừng.

Trên đường cũng đôi khi gặp nhà mồ có ống bương lớn để đổ cơm canh xuống mồ, mấy cái bát mẻ, cuốc cùn , dao cùn....để  trên mồ , tùy gia cảnh mà có hay không có tượng gỗ xung quanh nhà mồ . 

Đó là họ chia của cho người chết và chỉ cúng trong một thời hạn nhất định, sau đó làm cái lễ bỏ mả. 

Đến đó là hết , người chết và người còn sống không ràng buộc chi nữa, cát bụi lại trở về cát bụi. 

Cái này cũng giống như phong tục của đồng bào Tây nguyên ở Việt nam.


*

*      *


Khi đó Campuchia bị phái Lon non lật đổ Xihanuc nên ông bà Xihanuc  về thăm Campuchia đi trên đường dây 559 không thể về theo ngả Phnompenh

Vua và Hoàng hậu về thăm quê hương mà . Ông bà đi cùng đám hầu cận bản xứ có sự bảo trợ của Việt nam trên suốt hành trình. 

Họ đi bằng xe cơ giới nghỉ theo từng chặng của trạm giao liên. Riêng ông bà mang nước ăn từ Hà nội, mang theo bột, lò làm bánh mì thậm chí cả nhà vệ sinh dùng khi cần . Vua và Hoàng hậu mà lỵ.

Về đến Campuchia tâp trung dân chúng cho nhà vua nói chuyện. Mít tinh xong, giải tán thì bị B52 rải thảm nên cũng không có thiệt hại gì lớn

Tôi biết thông tin về chuyến về quê cuả ông bà Xihanuc vì ngay trạm 79 tình cờ trên bãi khách tôi được gặp ông chú ruột em bố tôi. Ông là Chính ủy Binh trạm.
Chú cho tôi vào thăm Binh trạm , nghỉ với chú một tuần. Ông giới thiệu nơi con suối với cái thau nước dúm dó mà nhà vua và hoàng hậu dùng múc nước rửa mặt. Nơi nhà ông bà nghỉ lại và những thông tin ít ỏi về chuyến đi.
Ông còn cho đi cùng đến các trạm để chỉ huy công việc trong đó có việc quyết định dùng cưa thợ mộc (Vì không có cưa y tế )để cắt chân một thương binh để cứu tính mạng anh ta.

Ông có quyền kí giấy cho ai ở ai đi nhưng với đứa cháu ruột ông bảo thôi cháu đi khỏe nhé . Cán bộ ngày xưa là thế .

Từ trạm này trở đi không hiểu sao máy bay C130 bay è è suốt đêm dùng kính hồng ngoại quan sát ban đêm để bắn xe cơ giới và thuyền máy trên sông vận tải hàng hóa vũ khí. 

Một hôm Đoàn đang hành quân, chuyện trò râm ran ông đai đội trưởng chạy dọc hàng quân nhỏ nhẹ:

- Tôi xin các ông, nói ít thôi . Xung quanh đây toàn cây nhiệt đới đấy.

Lính mới có biết gì , cứ bình thản như không.

Tự nhiên nhìn lên , có tốp ba chiếc B52 bay đến nho nhỏ như thứ đồ chơi trên trời .  Nó thả ba loạt bom liền cách đoàn quân chừng 3-400 m quật ngã cả một cánh rừng . 

Chỉ lúc nghe tiếng bom rít lên kít kít mới biết  thì chạy đâu được nữa, chệch thì thoát mà trúng thì chết

Không ai bị thương. Mặt ông nào cũng xanh như tàu lá, đi rón rén im như thóc.

Hóa ra cây nhiệt đới là một loại thiết bị điện tử dài khoảng ba gang bé bằng cái chuôi liềm, ném từ máy bay cho cắm xuống đất, trên đầu xòe ra bốn cánh chính là anten thu phát tiếng động xung quanh. 

Nó thu tiếng động xung quanh phát về trung tâm theo tọa độ cây, tiếng động được phân tích là tiếng xe, máy hay tiếng người. 

Trung tâm lệnh cho B52 bay đến toạ độ xác định mà rải bom rồi bay đi. Chiến tranh điện tử là vậy, hai bên đâu có nhìn thấy nhau.

Dân ở dưới đất rất sợ, cán bộ mang mấy cái lọ ra bảo đây là công sự bà con ngồi, dùng một nắm ngô hạt rắc như ném bom mà có thấy hạt nào lọt vào chai đâu, vậy là không chết , không sợ. 

Cán bộ còn bảo thêm Mỹ sắp thua rồi , hết tiền rồi vì mấy cái máy bay chưa làm xong vẫn phải mang ra bay. ( OV 10 là máy bay hai thân , rỗng ở giữa). 

Người đồng bào dân tộc rất dễ tin, ngây thơ và thật đáng yêu .

Chính trong đợt này ông Đặng Tính, Chính ủy Đường dây 559 bị hi sinh.

*

*      *

Gần đến Ngã ba Đông dương nơi một con gà gáy ba nước đều nghe thì đoàn chúng tôi đến Trạm 79.  chúng tôi dừng tại Tram này nghỉ gần một tháng. 

 

Đây có thể nói là Trạm Giao liên đẹp nhất Đường dây 559, Trạm nằm trải dài bên hữu ngạn sông Sê koong thuộc Lào, dưới sông là các ghềnh đá nước trong xanh màu ngọc chảy hiền hòa, cá nhiều vô kể. 

Đổ gạo vào nồi cho nước vào vo đổ nước đi, cá bu lại rất nhiều: kề nòng súng AK sát mặt nước bắn một phát tha hồ vớt cá mà ăn. 

Các hõm nước dưới sông cá rất nhiều , anh em bộ đội mang thuốc nổ đánh cá, do sơ xuất một anh hi sinh . 

Mấy hôm sau nổi xác lên, dân Lào  vào báo binh trạm mới đưa lên bờ chôn cất. 

Đây là trường hợp hi sinh đầu tiên của lứa sinh viên nhập ngũ 9/1972.

Trên bờ đất pha cát rất nhiều hà thủ ô, sâm cau, củ mài tha hồ đào nấu nước uống hay luộc. Có những củ mài nặng cả chục kí ăn sâu 2 m vì đất phù sa mềm rất tốt.

Có lần vào rừng quanh bãi khách chơi tôi thấy một tổ ong mật lớn bằng nửa cái chiếu cá nhân cách mặt đất khoảng 1m . Mấy anh em vun lá khô bên dưới đốt rồi chạy, 30 phút sau quay lại, mật chảy ròng ròng húp thoải mái , đã đời. 

Đến đây mới được 2/3 quãng đường mà bài cũng đã dài. 

Xin hẹn dịp thích hợp 

Đoàn quân lại đi

........

*

*      *

Đoàn quân cứ rồng rắn như thế, ngày đi đêm nghỉ chẳng bao lâu đã tới Tràng an (miền nam) .

Con đường vạn dặm đã vượt qua bằng đôi chân của sức trẻ ròng rã chín tháng trời, từ Thái nguyên tháng 1/1973 đến Kiến phong tháng 9/1973. 

Sau này đánh giá, đoàn chúng tôi đi lâu thế lại may mắn. Các bạn đi ô tô tháng 1/1975 vào tới chiến trương có đúng 15 ngày rồi lao vào cuộc chiến ngay. 

Đoàn 2013 là một trong những đoàn hiếm hoi được du lịch hành xác như vậy. 

Bao nhiêu cực khổ gian nan dọc đường đã vượt qua như không có gạo nấu cơm  vài ngày, lần bị B52 ném bom quá kinh hoàng. 

Cũng có lúc thư thái ngắm trăng rừng sáng tỏ lung linh bên sông Sê kông nước trong màu ngọc, đẹp như một giấc mơ.

Trải qua cuộc chiến tàn khốc , xóa bỏ một chế độ tham nhũng thối nát để xây dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn không biết có ông nào nhặt được ống bơ gì không hay chỉ mang trong mình những vết thương, sức ép bom hay sốt rét rừng ??? 

Một số chúng tôi may mắn được trở lại quê hương tiếp tục cuộc sống.

Còn bao nhiêu bà Mẹ ngày đêm tựa cửa ngóng trông trong vô vọng những đứa con thân yêu rứt ruột đẻ ra đã không có cơ hội trở về. 

Con các Mẹ mãi mãi nằm lại  nơi xa lạ, tận chân mây cuối trời. 

Hôm nay ghi chép lại một phần nhỏ những câu chuyện, hình ảnh đoàn quân lính sinh viên mang phiên hiệu 2013 chúng ta đã trải qua trên đường Trường sơn và coi như đó như một nén tâm hương tưởng nhớ các anh.

Tiến tới Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ 

13/9/1972 - 13/9/2022


NBS

6/9/2021


Ảnh  :

Trong rừng Trường sơn

Trở về tuổi thơ ở Trường sơn

 Về thăm chiến trường xưa
Gặp gỡ ở Sài gòn