Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Cũng phải làm cái gì chứ!



  
(Nhà văn Nguyễn Quang Thân) 

Một tiến sĩ Việt Kiều từ Pháp về đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với bạn bè cũ hồi học đại học, gặp gỡ nhiều bạn mới trẻ. Trước khi trở lại Pháp, trông bà có vẻ buồn, không hào hứng như lúc mới về. Tôi hỏi, không ngần ngừ, bà buông một câu chắc nịch: “Em buồn vì thấy nhiều người, ít nhất thì cũng là tuyệt đại đa số bạn bè của em trẻ cũng như già, họ sống buông xuôi, ngoài việc kiếm sống hay vừa lòng với cuộc sống sung túc, nhàn nhạt, không mấy người có dự định làm cái gì để sử dụng hết khả năng của mình hết!”

Bà nói, lướt qua báo chí, kể cả báo mạng, thấy lớp trẻ quan tâm đến bộ đùi của một minh tinh Mỹ vừa được mua bảo hiểm hơn chuyện sân gôn hay Vedan, hay những dòng sông bùn đỏ. Buồn vì có nhiều tờ báo mạng đưa tin “Chung Hân Đồng đỏ mặt sau khi uống rượu”! Em cam đoan với anh nếu có tờ báo nào ở Paris mà đưa tin đó là người ta sẽ gọi điện về tòa soạn hỏi thăm ông chủ bút “có sao không đấy”. Anh thử thăm dò mà xem, rất nhiều trí thức không đọc tin cá chết trên sông Nhuệ vừa rồi nhưng lại rất tường chuyện Thủy tốp lộ hàng, hay “hàng” của Thủy tốp bị lộ là hàng thật hay sản phẩm của photoshop! 

Quan tâm cái gì thì sống với cái đó. Như anh nghiện rượu thì luôn nghĩ cách pha cốc-tai thế nào cho ngon. Khi những vấn đề quan trọng nhất của đất nước bị “lờ” đi thì chẳng ai biết nghĩ gì, làm gì ngoài việc kiếm cơm. 

Tôi nói với bạn tôi rằng chuyện này không cần phải ở Pháp lâu ngày trở về mới nhìn thấy. Mà, nhiều người có tính hay lo đã thấy từ lâu. Tóm lại đó là tình trạng thông tin mà những gì cần biết nên biết thì không có, không đủ hoặc đưa ra một cách sai lệch. Không có A thì chỉ còn lại B nữa mà thôi. Người ta yên phận trong một môi trường thông tin không gợi cảm hứng đóng góp và sy nghĩ, sáng tạo. Chúng ta thường gọi đó là “tình trạng thiếu cảm hứng tạo dựng sự nghiệp” trong các thế hệ 8x, 9x và cả những người đứng tuổi có tài năng nữa. 

Người ta đang chăm chú vào cái gì? Đang làm gì? Ngoài những người thích buôn dưa lê chuyện tầm phào và hình sự, độc giả trung thành của rất nhiều tờ báo cho kết quả tích cực là sau khi đọc xong người ta đi mua thêm ngay lập tức một cái ổ khóa, một bộ phận tuổi trẻ khác thì coi săn lùng được một suất học bổng của nước ngoài là lý tưởng sống để đời. Việc này cũng có một kết quả “tích cực” là sau khi thành tài, họ trở thành một người ngoại quốc thỉnh thoảng về thăm quê rồi buồn như bà bạn của tôi nói trên. Quá ít người chịu nghĩ hay chịu làm một cái gì nghiêm túc mà người ta thường gọi là sự nghiệp!

Có nhiều nguyên do đẻ ra cách sống đáng buồn đó. Cho nên chúng ta hãy hết lòng kính trọng những tờ báo chịu mạo hiểm khêu gợi được cảm hứng sáng tạo và đóng góp của cộng đồng, kính trọng những tấm gương chịu nghĩ, chịu làm vẫn thường xuất hiện trong cuộc sống. Chẳng hạn, tìm cách đưa sách về các dòng họ ở nông thôn, mầy mò phương pháp dùng đất sét làm trong nước hồ Hà nội của một học sinh trung học, nghĩ ngợi ra một cái máy tước hạt ngô rẻ tiền của một ông Hai Lúa v.v. Hay cả những việc làm “thất bại trông thấy” như làm một chiếc trực thăng …còn hơn là không làm gì cả. Làm gì cũng được, miễn là đầu óc không suốt ngày lo lắng, bứt rứt tại sao nữ diễn viên Hồng Không từng bị “lộ hàng” Chung Hân Đồng, uống rượu lại đỏ mặt! 
-----------
Bác Thân viết ngày càng hay và buồn cười. 
Cần gì phải Việt kiều ở tận Paris về mới nói như vậy? Chỉ cần mở tivi là thấy ngay à. Trong chương trình thời sự, hôm nào mà chả "phải trồng cây gì, nuôi con gì" hoặc vĩ mô hơn nữa là câu nói kinh điển "chúng ta phải làm sao đây"...
Phải làm sao là làm sao???



Lãnh đạo phải biết nghe lời thẳng, lời thật



30/03/2009 12:44 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Người đứng đầu quốc gia mà không chủ động tiếp cận các nguồn độc lập để nắm bắt thông tin, thì chỉ còn hình dung được bức tranh đất nước qua lăng kính do những người thân cận dàn dựng; nếu các cận thần toàn nói dối, thì đến một lúc nào đó, người lãnh đạo sẽ không còn biết gì về chính đất nước của mình. 



Tồn tại trong không gian xã hội, con người cần phải biết tường tận về các diễn biến chung quanh và về bản chất của những diễn biến đó, để ứng xử cho phù hợp. Đó gọi là nhu cầu thu thập nắm bắt thông tin, là một đòi hỏi mang tính vật chất, có nguồn gốc từ bản năng sống: “biết” để tránh rủi ro, hiểm họa, xung đột trong quá trình tìm kiếm lợi ích; nếu không tránh được, thì biết để đương đầu, để có đối sách hợp lý. Không biết gì, thì dễ hành động tùy tiện, nói nôm na là dễ làm bậy, gây nguy hiểm cho người khác và, nhiều khi, cả cho chính mình.  



Người lãnh đạo quốc gia, trước hết là một thành viên xã hội, cũng có nhu cầu ấy. Thậm chí hơn ai hết, do chức năng xã hội của mình, người lãnh đạo đích thực không chỉ cần mà thực sự khao khát thông tin: một quyết định sai của cá nhân bình thường, không có vị trí gì đặc biệt trong xã hội, do không có đủ thông tin, có thể chỉ gây hậu quả thiệt hại cho một người hoặc một nhóm người; còn một quyết định sai do thiếu thông tin của người lãnh đạo quốc gia thường gây thiệt hại cho toàn xã hội.  

Người lãnh đạo có thông tin bằng cách nào? Một người dân bình thường khai thác những kênh thông tin cũng bình thường: báo viết, đài phát truyền, truyền hình, internet, nói chung là các phương tiện truyền thông; các cuộc giao tiếp gia đình, bè bạn, đồng nghiệp,… Về mặt lý thuyết, người lãnh đạo quốc gia cũng có điều kiện sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin đó.  

Vấn đề là người lãnh đạo thường đa đoan công việc: họp hành, dự lễ lạt, tiếp khách,… Điều đó cũng có nghĩa là so với người dân thường, người lãnh đạo có ít thì giờ rỗi rãi để tự mình tìm kiếm thông tin. Vị trí lãnh đạo càng cao, thì công việc càng bề bộn và khoảng thời gian dành để sống trong thế giới thông tin càng thu hẹp lại.  

Người lãnh đạo mà không có điều kiện trực tiếp thu thập thông tin thường phải dựa vào các thư ký, cố vấn, nhân viên tham mưu để có tin tức, dữ kiện cần thiết. Trong logic của sự việc, người đứng đầu quốc gia mà không chủ động tiếp cận các nguồn độc lập để nắm bắt thông tin, thì chỉ còn hình dung được bức tranh đất nước qua lăng kính do những người thân cận dàn dựng; nếu các cận thần toàn nói dối, thì đến một lúc nào đó, người lãnh đạo sẽ không còn biết gì về chính đất nước của mình. Các chế độ độc tài thường hình thành với những người lãnh đạo tối cao sống trong hoàn cảnh giao tiếp đặc thù đó.  



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân ngày 09/2/2007. Ảnh: VNN


Thời xa xưa, không có các nguồn cung cấp thông tin độc lập như báo, đài, internet, sự lệ thuộc của người cầm quyền vào những người thân cận trong việc nắm bắt thông tin là rất nặng nề, nếu không muốn nói là gần như tuyệt đối; bởi vậy, tình trạng chuyên quyền, độc đoán của các ông vua, lãnh chúa khá phổ biến. 

Các bậc gọi là minh quân, không muốn bị chìm ngập trong các lớp hỏa mù thông tin “dỏm” do đám quân sư tạo ra, thường chỉ còn mỗi cách là thoát ly khỏi chốn cung đình và tự mình đi tìm kiếm thông tin xác thực trong dân chúng. Người ta gọi đó là các trường hợp vua đi “vi hành”: cải trang thành dân thường, cùng với một vài cận vệ trung thành, vua trà trộn vào cộng đồng thứ dân và sống cuộc sống của họ. 

Bằng cách này, vua biết được người dân đang sống như thế nào, nghĩ gì, muốn gì, đồng thời cũng có thể nhận ra được những khuyết tật của bộ máy cai trị. Với những thông tin đó, vua có điều kiện điều chỉnh, sửa đổi chính sách, biện pháp cai trị hợp lý, nhất là hợp lòng dân.  

Ngày nay, nhờ các công cụ, thiết bị giao tiếp hiện đại, hình ảnh chân dung thật của người lãnh đạo được dân chúng nhận biết rõ; việc cải trang trở nên khó khăn, người làm lãnh đạo do đó khó có thể đi vi hành.  


Vả lại, trong xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi chủ thể chỉ có một nhân thân pháp lý. Nếu người lãnh đạo giả dạng dân thường mà chỉ đứng quan sát cuộc sống diễn ra hoặc chỉ xác lập các giao tiếp thuần túy xã hội, thì không sao; nhưng nếu người giả dạng thường dân lấy tư cách đó để xác lập các giao dịch pháp lý, thì dứt khoát giao dịch ấy phải bị tuyên bố vô hiệu do có… sự lừa dối.  

Bởi vậy, người lãnh đạo trong xã hội hiện đại muốn có thông tin tốt thì cần phải biết tự mình khai thác, sử dụng các công cụ giao tiếp phổ thông, hơn là đi vi hành. Rõ hơn, lãnh đạo cần dành thì giờ thích hợp để đọc báo, xem đài, truy cập internet,…  

“Chat” với dân là một trong những cách tốt nhất, có hiệu quả nhất để người lãnh đạo trong xã hội hiện đại lấy thông tin từ nhân dân.  

TS. Nguyễn Ngọc Điện