Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

CON DUONG MUA XUAN



Con Đường “Hóa Rồng" Của Việt Nam
Phan Thế Hải
Hà Nội - mùa đông năm Thân (2004)
Mở đầu
Muốn có một nền kinh tế hùng mạnh phải dám nhìn thẳng vào căn bệnh sâu xa của nó và phải dám chấp nhận một cuộc phẫu thuật. Có như vậy, nền kinh tế mới hoàn toàn khoẻ mạnh để “Hoá Rồng” sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ.

I. Thành tựu đích thực và nguy cơ tụt hậu
II. Những vật cản của nền kinh tế
III. Dân chủ - động lực của tăng trưởng
IV. Động lực của kinh tế- động lực của chính trị
V. Nỗi ám ảnh từ Đông Âu
VI. Đâu là nhân tố mất ổn định?
VII. Có hay không một cuộc khủng hoảng chính trị?
VIII. Giải phóng tư tưởng
IX. Con đường hoá rồng của Việt Nam
Thay lời nói đầu
Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã đề ra mục tiêu công nghiệp hóa Việt Nam trong vòng 20 năm. Giải thích cho lộ trình này, Đảng đưa ra những kinh nghiệm lịch sử: thế kỷ thứ 17 Nước Anh công nghiệp hóa mất 200 năm; thế kỷ thứ 19, nước Mỹ công nghiệp hóa mất 100 năm. Đầu thế kỷ 20, Nhật Bản công nghiệp hóa mất 50 năm. Việt Nam với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước CNXH, chúng ta hoàn tòan có thể công nghiệp hóa trong vòng 20 năm. Một số đồng chí còn giải thích thêm: Với sự vận dụng sáng tạo học thuyết Marx-Lenin, Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu có thể bỏ qua giai đoạn TBCN để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.

Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi nửa cuối thế kỷ XX, các “con rồng” châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, có nhiều điểm tương đồng với ta, họ cũng chỉ mất 30 năm để đưa đất nước từ một nền sản xuất phong kiến, lạc hậu trở thành một nước công nghiệp có sức cạnh tranh cao. Theo thông báo của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (10/07/2004), thì “Đại hội X của Đảng, dự kiến sẽ họp vào quý II năm 2006”. Như vậy, từ Đại hội IV đến Đại hội X vừa tròn 30 năm. Ba mươi năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì, có hay không sự trì trệ, đâu là nguyên nhân sâu xa, đâu là sự thật mà người Việt Nam đang né tránh?

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, (diễn ra hôm 17/01/2005) Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có nói: “Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí Trung ương phát huy cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nói thẳng, nói thật, đánh giá một cách khách quan, trung thực, vừa khẳng định mạnh mẽ những thành tựu đạt được, tạo niềm tin vững chắc vào con đường chúng ta đi, vừa chỉ ra một cách thẳng thắn, không né tránh các mặt yếu kém, những sai lầm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là nêu được những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó, đưa ra những quyết sách mới. Bản lĩnh chính trị của Đảng ta thể hiện không chỉ ở chỗ Đảng đưa ra được đường lối, chủ trương, chính sách đúng mà còn ở chỗ biết phát hiện sai lầm và khuyết điểm, kiên quyết tự phê bình và phê bình để sửa chữa…”

Trên tinh thần đó, tôi xin trình bày một số vấn đề về nền kinh tế Việt Nam để bạn đọc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học tham khảo để có thêm một cách nhìn giúp cho việc hoạch định chính sách có hiệu quả hơn.

Trân trọng cám ơn bạn đọc đã có thiện chí, chia sẻ!
Chương 1: Thiên hạ thái bình
1. Ba mươi năm ăn mừng chiến thắng

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc. Khi chiếc xe tăng T54 mang số 390 húc văng hai cánh cổng chính tiến thẳng vào dinh độc lập, Bùi Quang Thận nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào, leo lên nóc dinh độc lập hạ lá cờ ba sọc xuống và kéo lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng lên. Khoảnh khắc đó là 11h30 trưa ngày 30/4 đã mở ra một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam thống nhất và hoà bình.

Ba mươi năm chiến tranh đã lùi xa. Bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách là người chiến thắng. Không thể không hân hoan, không thể không kiêu hãnh. Người ta tán thưởng mình cũng nhiều, mình tự khen mình cũng lắm. Hạnh phúc và tự hào lắm chứ! Là người lớn lên trong giai đoạn lịch sử này, mỗi buổi sáng ngủ dậy nghe bản nhạc khúc quân hành tâm trạng tôi cũng lâng lâng như bay trên chín tầng mây. Hình ảnh người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh chói lòa, tỏa sáng khắp non sông. Tưởng như, chỉ còn một bước nhỏ nữa là Việt Nam lên thiên đường.

Trên đỉnh cao chót vót của lòng tự hào, thế giới như nhỏ bé lại. Đó cũng là lúc mà chủ nghĩa Marx- Lênin trở nên “bách chiến bách thắng”, khi cao hứng, có người còn gọi nó là “đỉnh cao của trí tuệ nhân loại”. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ quá lớn. Ánh hào quang của chiến thắng bao trùm lên tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Cộng thêm sự khuyếch trương của bộ máy tuyên truyền theo định hướng của Đảng, thời đại Hồ Chí Minh lấn át cả lịch sử ba nghìn năm của dân tộc.

Nước Việt Nam thân yêu, vừa trải qua hàng nghìn năm đối mặt với những bức xúc tối thiểu của đời sống, của cái đói, cái rét, nơi trú thân, nay được cởi bỏ ách nô lệ, được giải thoát, được học hành… Đó là lý do để cả dân tộc sùng tín vào nhà nước, vào đảng, cơ quan quyền lực cao nhất định đoạt số phận của dân tộc.

Ba mươi năm qua, bản nhạc ăn mừng chiến thắng vẫn reo vang, bất kể ngày đêm, bất kể thời điểm, lúc vui lúc buồn, bản nhạc ấy chiếm lĩnh trọn vẹn trái tim của người Việt Nam.

Người Việt Nam như mê, như say với vinh quang chiến thắng. Hơn mười năm sau khi thống nhất, khi Đông Âu và Liên Xô đang trên đà tan rã, khi tiêu hết đồng tiền viện trợ cuối cùng cũng là lúc mà đất nước có nguy cơ đi vào bờ vực của sự sụp đổ, người ta mới có dịp tỉnh ngộ. Đó là lúc mà Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới. Đất nước thoát hiểm, nhưng cũng là lúc mà đảng lấy lại uy tín.

Sự sùng tín vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, cộng với chính sách truyền thông một chiều, khiến đại đa số dân chúng hiện nay chỉ biết có đảng và chủ nghĩa Marx. Những khái niệm về Quyền sống, quyền Công dân, xã hội Pháp quyền… vẫn là những khái niệm mơ hồ, một thế giới mới lạ, quyến rũ nhưng còn quá xa xôi.

Do bản năng của những người mới thoát nghèo lại bị bưng bít thông tin, người Việt Nam không thể liều thân chiến đấu với cường quyền chỉ để đạt tới một thế giới hứa hẹn nhưng còn ở ngoài tầm tay. Những tư tưởng dân chủ, phản kháng đều bị bóp chết từ trứng nước như những mầm sống nhỏ nhoi bị điều trị bởi “kháng sinh mạnh” của bộ máy quyền lực khiến những tư tưởng phản kháng trở nên lẻ loi, yếu ớt.

Bản nhạc ăn mừng chiến thắng như lấn át mọi dư luận, trước mắt người dân là bức màn huyền thoại Chống Mỹ Cứu nước, là bộ máy chuyên chính không ngừng được tô son điểm phấn cho hợp thời. Điều này giải thích vì sao người Việt Nam lại cam chịu đến thế, lại trung thành với đảng đến thế. Dẫu còn tồn tại không ít bất công oan trái, nhưng dường như người Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác và quả thực nền chính trị Việt Nam thuần khiết đến mức dân chúng không thể nhìn thấy một lực lượng khác để lựa chọn. Đây cũng là lý do để chúng ta nói với thế giới rằng, đảng là lực lượng chính trị duy nhất để lãnh đạo đất nước.

Đảng tồn tại khắp mọi lúc mọi nơi. Hơn 700 tờ báo gần 100 nhà xuất bản đều tuyên truyền rặt một giọng điệu. Chủ nghĩa Marx, tư tưởng Hồ Chí Minh được giảng dạy từ 12 lớp của trường phổ thông đến bậc đại học. Hàng trăm nhà khoa học hàng ngày cày xới trên hệ thống lý luận đó. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hàng ngày hàng giờ nhồi nhét tư tưởng bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Marx về đấu tranh giai cấp, về kẻ thù số 1 của thế giới với một niềm tin sắt đá không thay đổi.

Sự vật dẫu có vần xoay, kinh tế có thể hưng thịnh, nhưng Đảng không bao giờ sai, chủ nghĩa Marx là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại, . Bằng chứng của sự bách chiến bách thắng là chiến thắng 30 tháng 4; Việt nam đã chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất của lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của người Việt Nam. Bằng chứng là chủ nghĩa xã hội từ một nước đã đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác. Không chỉ ở Việt Nam, Liên xô xã hội chủ nghĩa cũng đã từng chiến thắng chủ nghĩa phát xít và chuyện thắng Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mọi sự giao động đều được trấn an rằng, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ. Cùng với chiến thắng Điện biên phủ năm 1954, chiến thắng 30 tháng 4 được sử dụng như một chiếc bùa hộ mệnh để trấn áp mọi ý kiến khác biệt. Niềm tin của chủ nghĩa xã hội luôn luôn được củng cố.
2. “Thiên hạ thái bình, bệ hạ yên tâm”
Đó là câu nói điệp khúc mà Hoàng Hạo, một hoạn quan thời Tam Quốc thường xuyên bẩm với hậu chủ Lưu Thiền. Mỗi khi có thông tin về tình hình bất ổn của đất nước, Hậu chủ thường hỏi người thân cận nhất là Hoàng Hạo và nhận được câu trả lời như vậy. Chính vì tin rằng “thiên hạ thái bình” mà triều đại của Lưu Thiền đã kết thúc ít lâu sau đó. Chấm dứt một sản nghiệp mà Lưu Bị và những cộng sự của ông đã mất nhiều công sức mới gây dựng nên.

Trên đây là câu chuyện ngày xưa, còn ngày nay, những chuyện như vậy cũng không thiếu. Ngày 13/12/2003 tại thành phố al-Dawr, một nhân vật chính trị khá nổi tiếng của Iraq là Saddam Hussein đã bị bắt. Một người đồng hương của Saddam Hussein đã bán đứng ông ta. Trong lịch Iraq cũng như lịch sử thế giới, đã có thời Saddam Hussein đã trở thành một chân dung chính trị đầy bản sắc, xung quanh ông ta được phủ đầy những huyền thoại. Giới báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực vì vị tổng thống đầy tham vọng này.

Còn nhớ trước đó không lâu, ngày 15/09/2002, dưới triều đại Saddam Hussein, dân chúng Iraq đã đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý tín nhiệm đương kim tổng thống của mình và kết quả là 99% dân số ủng hộ ông (!?). Vì lý do đó, ông tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ 7 năm nữa. Các nhà chính trị lỗi lạc trên toàn cầu, kể cả những thiên tài từng mang lại cơm ăn áo mặc cho cả một dân tộc khi bầu cử nếu thu được 90% số phiếu đã coi là một thành công. Còn Saddam, ông là ai mà được sùng tín như vậy?

Sinh năm 1937, và chính thức trở thành tổng thống Iraq từ năm 1979 khi mới bước sang tuổi 42. Thời gian đầu dưới triều đại Saddam Hussein đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận cho lịch sử Iraq như việc cải cách giáo dục, xoá nạn mù chữ cho phụ nữ… Uy tín Saddam nổi lên như diều gặp gió. Sự tâng bốc quá mức của dân chúng và những kẻ dưới quyền khiến Saddam không coi ai ra gì. Năm 1980, ông phát động cuộc chiến với Iran. Đây được coi là khởi đầu cho một chuỗi sai lầm của một vị hoàng đế không dừng tham vọng của mình ở một quốc gia. Năm 1991, ông xua quân sang chiếm đóng Kuwait, khởi đầu cho cuộc chiến vùng vịnh lần 1. Đây cũng chính là lý do đễ Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào khu vực giàu tiềm năng này. Sau sự kiện 1991, dưới chính sách cai trị hiếu chiến của Saddam, Iraq gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Kinh tế kiệt quệ, nhân dân đói khổ, nhưng sự sùng tín của dân chúng vào Saddam vẫn không giảm, bởi họ không biết gì hơn ngoài những thông tin ca ngợi công lao của Tổng thống. Cuộc bầu cử cuối cùng người đứng đầu quốc gia Iraq diễn ra ngày 15/10/1995. Theo số liệu mà chính phủ của ông Saddam công bố, có 99,66 % người tham gia bầu cử bỏ phiếu cho Saddam Hussein. Trong hoàn cảnh đang bị Mỹ đe dọa tấn công, khẩu hiệu chính của chiến dịch chuẩn bị, hãy lặp lại "cuộc duyệt binh vĩ đại", bằng cách trả lời "đồng ý" bầu Saddam Hussein, và "tập hợp lại xung quanh người đứng đầu đất nước".

Khi tin về việc bắt giữ Saddam Hussein được phát đi, hàng nghìn người dân Iraq đã đổ ra đường bắn súng chỉ thiên ăn mừng. Đài phát thanh Iraq phát đi các bản nhạc kỷ niệm. Nhiều người đi trên xe buýt hò reo: "Saddam bị bắt rồi. Saddam bị bắt rồi". Một số người dân ở thị trấn al Adwar thì lại nhắc đến chuyện Hussein bị bắt với thái độ buồn bã vì cựu tổng thống Iraq đã từng ưu ái với họ, nhưng đó chỉ là con số quá nhỏ trong số 23 triệu người dân Iraq.

Bi kịch chính trị của Saddam khiến người ta không khỏi liên tưởng đến những thần tượng chính trị đang chễm chệ trên ngai vàng quyền lực. Họ luôn luôn là người chiến thắng và đã trải qua nhiều nhiệm kỳ chiến thắng trong những cuộc bầu cử “dân chủ”. Họ biện minh cho sự ngự trị lâu dài của mình: Vì sự tín nhiệm của dân chúng nên phải cung cúc tận tuỵ, phải “chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng, phải đảm đương trọng trách vì hạnh phúc của dân chúng… Nếu không có những biến động quân sự ở Vùng Vịnh, sự ngự trị trên ngai vàng của Saddam là không thể thay đổi cho tới khi ông tắt thở, bởi ông luôn luôn thu được 99% dân chúng ủng hộ!. Sự kết thúc sự nghiệp chính trị tưởng như trường tồn của Saddam Husein đã cho thấy, thế giới ngày nay đã đổi khác. Một cá nhân có thể mê hoặc một dân tộc, nhưng không thể đẩy một dân tộc vào thế tự cô lập mình với thế giới.

Và nếu chúng ta có một cách nhìn rộng ra thế giới bên ngòai và tự đặt ra những câu hỏi; ví dụ như: tại sao chất lượng sống của nhân dân Hàn Quốc cao hơn hẳn, so với chất lượng sống của nhân dân Bắc Triều Tiên. Nhưng trong khi 2 vị cựu tổng thống của Nam Hàn, trước áp lực của xã hội đã phải dắt díu nhau ra tòa về tội tham nhũng thì ở Bắc Hàn, nhân dân vẫn cứ phải hô mãi cái khẩu hiệu nhàm chán: “Đời đời nhớ ơn chủ tịch Kim Nhật Thành muôn vàn kính yêu”?

Ba mươi năm qua, đời sống kinh tế lúc đói lúc no, lúc thăng lúc trầm, nhưng về cơ bản là ổn định, hòa bình. Đó là thành tựu vô cùng quan trọng. Là đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ 80 năm của thực dân Pháp, lại phải trải qua hai mươi năm chiến tranh, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, được thế này là mãn nguyện lắm rồi. Nếu ai đó tỏ thái độ không hài lòng với hiện tại liền được cho ngay một bài học về quá khứ, về giai đoạn hào hùng của dân tộc.

Trong vài ba thập kỷ vừa qua, cứ lưu truyền tự nhiên một tâm lý và một lối nói rất truyền thống và hài hước. Tâm lý và lối nói này, nếu chúng tôi không nhầm là bắt nguồn từ truyền thống Cụ cố Hồng của Vũ Trọng Phụng:

- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Có nhiều người còn cẩn thận nâng cấp:

- Trung ương cũng biết cả rồi!

Cứ dội nước lạnh vào gáy nhau kiểu ấy, thử hỏi ai còn muốn nói năng, phát biểu gì nữa, nhất là khi lối mỉa mai này lại từ cửa miệng các bậc "thức giả".

Điều nguy hiểm là với sức ép của dư luận cộng đồng, chẳng ai còn muốn phát hiện, nói năng gì nữa. Nói không được, dần dần cũng khỏi cần nghĩ. Nghĩ làm gì cho thêm mệt rồi lại sinh trầm uất, sinh "đại cuồng". Thế là nghiễm nhiên, không ai bảo ai, truyền thống "nghĩ theo", "nói theo", "chép theo" từ thời Nguyễn liền được phục hồi và phát huy rực rỡ (vấn đề này sẽ được bàn thêm phần nói về tình hình nghiên cứu KHXH và tổ chức hội thảo khoa học).

Trở lại chuyện "biết". Biết không phải là phạm trù độc quyền của con người. Loài vật cũng biết nhưng có giới hạn và thuần theo bản năng. Nhưng từ biết đến hiểu là hai cấp độ không hề có chung đường biên. Có thể biết mà chẳng hiểu gì cả. Vì thế, đã có người nói: "Muốn biết một sự vật, cần phải vào trong nó. Nhưng muốn hiểu một sự vật thì cần ra khỏi nó". Mỗi quá trình tư duy đòi hỏi những thao tác thích ứng. Mọi mối quan hệ trong cộng đồng nhỏ cũng như cộng đồng lớn nảy sinh những sự lộn xộn phức tạp và hậu quả tai hại khôn lường, hầu hết là do người ta biết không đến nơi và hiểu không đến chốn. Chính ông cựu bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ Mac-na-ma-ra đã phải thú nhận trong hồi ký của mình: do các nhà chính trị và các tướng lĩnh Mỹ hiểu biết lơ mơ về lịch sử và văn hóa Việt Nam, nên đã phạm sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi ngờ rằng cho đến những tháng năm cuối thế kỷ XX này, những lực lượng thù địch với Việt Nam ta vẫn chưa chịu biết và hiểu Việt Nam một cách khách quan chính xác. Cho đến nay, họ vẫn khăng khăng hiểu Việt Nam "theo kiểu của họ", họ vẫn không tránh được vết xe đổ. Rất tiếc nhiều người Việt Nam ta cũng không hiểu Việt Nam mình, do đó cứ vô tư đem râu ông nọ cắm cằm bà kia và yên chí rằng mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp.

Chuyện phổ biến trên đời là từ việc nhỏ đến việc lớn cứ hiểu sai thì hành động sai, rồi lãnh đủ hậu quả. Mọi sự sám hối đều là muộn màng. Cho nên, không bao giờ được tự cho là mình đã biết hết hoặc đã hiểu hoàn toàn chính xác. Cần nhớ rằng, ở đời, nhiều khi nhìn mà không thấy, thấy mà không biết, biết mà không hiểu, hiểu mà không thể hành động. Hành động mới chính là thước đo mọi giá trị.

"Không phải kiến thức định đoạt giá trị mà chính là hành động của anh vậy" (Fichte).

Cái chuyện tưởng như có thể yên chí lấy Liên Xô trước đây làm mẫu mực, đùng một cái người ta phải suy nghĩ và "xét lại" toàn bộ.

- Chủ nghĩa xã hội là gì?

- Chủ nghĩa xã hội có phải là giai đoạn đầu của chủ nghĩa Cộng sản hay không?

- Và chủ nghĩa cộng sản có đúng là giai đoạn phát triển tất yếu của nhân loại hay không?

- Chủ nghĩa xã hội vẫn được coi là một giai đoạn quá độ lên CNCS, nhưng ở một nước tư bản kém phát triển như nước Nga hồi thập kỷ 20, các nước Đông Ấu thập kỷ 50 và nhất là những nước như nước Việt Nam ta còn ở thời kỳ kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa thì CNXH nằm ở đoạn nào?

Nga hồi thập kỷ 20, các nước Đông Ấu thập kỷ 50 và nhất là những nước như nước Việt Nam ta còn ở thời kỳ kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa thì CNXH nằm ở đoạn nào?

Đã có một thời, các ông Prudon, Saint Simon, Fourrier - những con người thật lòng yêu thương nhân loại đau khổ vì chủ nghĩa tư bản, đã mơ tưởng hình dung ra một xã hội tương lai tốt đẹp, trong đó người với người là bạn. Mọi người lao động vui vẻ thương yêu nhau, không còn áp bức bóc lột, không còn chiến tranh. Tất nhiên, cái xã hội các ông mong ước mà ta thường chê lên chê xuống là CNXH không tưởng có những nét tương đồng nhưng cụ thể và cao hơn cái thế giới đại đồng mà nhiều nhà hiền triết phương Đông mơ ước. Còn các nhà lý luận của ta thì luôn miệng, luôn tay, luôn bút cứ nói chắc như đinh đóng cột rằng chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học.

Hỏi CNXH ấy nó như thế nào thì họ chỉ sang Liên Xô "Liên Xô hôm nay là Việt Nam ngày mai". Có thắc mắc thêm nữa thì họ trích dẫn đủ thứ kinh điển với những thuật ngữ cao siêu đầy tính chất triết học, kinh tế chính trị học... rối mù cả trời đất không hiểu ra sao cả. Biết rõ họ sai nhưng không thể phản đối, bác bỏ được. Phản đối lý luận sai của họ tức là phản đối CNXH. Mà phản đối CNXH thì lập tức mang họa vào thân. Kể cả khi Đảng ta đã nhận ra sai lầm rồi nhưng nhiều nhà lý luận của ta vẫn cứ tiếp tục nhai lại đủ các thứ luận điệu cũ rích đồng thời vẫn tiếp tục chỉ vào mặt người khác rồi ra sức răn đe chụp mũ, xuyên tạc. Một điều rất lạ là các vị cơ hội tả khuynh này vẫn được tin dùng, được khen là "trung thành với CNXH". Thực chất, họ là hữu, hữu một cách đáng sợ, luôn luôn nối dáo, tiếp tay một cách không tự giác cho những lực lượng chống lại Đảng, chống lại Dân tộc. Họ thường gào lên là phải bảo vệ CNXH nhưng chính họ lại không hiểu thế nào là CNXH.

Trước đây, trong tác phẩm "Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển" chúng tôi đã chỉ ra cái nhầm của Stalin và giới lý luận Mácxít-Lêninnít của phe ta. Cả Viện hàn lâm Liên Xô trước đây không hiểu rằng: Lênin thực hiện "CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI" (NEP) thực chất là hoàn thiện nền kinh tế TBCN Nga vốn rất thấp kém so với các nước tư bản phát triển ở châu Ấu đương thời nhằm tạo cơ sở vật chất cho CNXH. (Chắc có người hiểu nhưng không dám nói!)

Trước khi bàn luận tiếp, chúng tôi xin phép được nói thẳng thắn rằng những ai không hiểu hoặc không muốn công nhận học thuyết duy vật lịch sử của Marx, cụ thể là không chấp nhận 5 phương thức sản xuất trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại thì xin miễn đối thoại.

Theo Mác, sau phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa, cũng như trước đó, sau phương thức phong kiến chủ nghĩa thì bắt buộc phải là phương thức TBCN. Sức sản xuất là một nhân tố biến động không ngừng trong lịch sử. Khi quan hệ sản xuất kìm hãm nó thì nó phải phá vỡ đi để kiến lập một quan hệ sản xuất mới phù hợp với nó. Cái chân lý đơn giản này thì anh có thể yêu nó hay ghét nó nhưng không thể bác bỏ hoặc xóa bỏ.

Các nhà lý luận tư sản ra sức chống chủ nghĩa Mác từ hơn một thế kỷ nay nhưng vô ích. Có một nghịch lý tức cười là kẻ thù thì chịu bất lực trước chủ nghĩa Mác nhưng chính những nhà lý luận của phe ta trong khi hô to "chủ nghĩa Mác vô địch muôn năm" (mà họ tin thật lòng như thế) thì họ lại chống lại học thuyết Mác một cách rất hồn nhiên, chân thật. Đầu tiên họ gọi sách vở của Mác là kinh điển, nghĩa là họ coi sách lý luận của Mác là một thứ kinh thánh, chỉ cần tụng đọc, trích dẫn nguyên văn từng câu từng chữ mà làm theo. Ngay cả khi Mác và Ắng-ghen đã căn dặn trong lần tái bản Tuyên ngôn Đảng cộng sản rằng có nhiều điều cần phải viết lại cho thích hợp với điều kiện lịch sử và thực tiễn cách mạng đang không ngừng phát triển, họ cũng lờ đi. Nhưng nếu ai theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Mác, làm theo lời dặn của Mác thì họ chụp cho đủ các thứ mũ và tìm cách hãm hại. Điển hình là các cuộc thanh trừng ở Liên Xô dưới thời Stalin và cuộc đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc dưới thời Mao. Ở ta thì nhẹ nhàng hơn, những vị được chụp cho cái mũ "xét lại chống Đảng" chỉ bị giam cầm qua loa dăm mười năm hoặc bị quản thúc tại gia, hoặc bị đình chỉ công tác vài ba chục năm là cùng.

Còn các vị giáo điều lại tự nhận mình là những người Mácxít chân chính, nghĩ ra đủ các thứ lý luận, các thứ nghị quyết, chủ trương, chính sách để kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển.

Nói riêng lĩnh vực nông nghiệp, họ bày ra đủ thứ: hợp tác xã thấp cấp, cao cấp, nông trường quốc doanh, nông trang tập thể, công xã nhân dân, v.v. đến nỗi càng "đẩy mạnh sản xuất" lại càng lâm vào tình trạng thiếu đói. Ngay Liên Xô hàng năm đã phải nhập hàng triệu tấn lúa mì từ các nước tư bản. Còn ngành nông nghiệp Liên Xô thì chạy sau nền nông nghiệp tư bản Hoa Kỳ chừng nửa thế kỷ. Trừ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và vũ trụ, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế khác của Liên Xô đều lạc hậu thảm hại.

“Thiên hạ thái bình, bệ hạ yên tâm” đây là câu mà hoạn quan Hoàng Hạo hàng ngày nói với hậu chủ Lưu Thiền. Nhờ tin vào Hoàng Hạo mà Lưu Thiền hàng ngày yên tâm hưởng lạc. Và đây cũng là tín hiệu về sự tàn lụi của triều đại nhà Hán.
3. Thành tựu đích thực và nguy cơ tụt hậu
Những con số thống kê về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây được báo chí trong nước đưa tin với những lời lẽ trang trọng. “Trong tình hình thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 7,7%/năm…” Cùng với lời tán tụng của một vài tổ chức, cá nhân người nước ngoài khiến dân chúng không khỏi nức lòng.

Kinh tế tăng trưởng cao ai cũng mừng, khi tỷ lệ tăng trưởng chung của toàn cầu chỉ đạt vài ba phần trăm thì Việt Nam đạt tốc độ 7,7%, có người cao hứng còn cho rằng, Việt Nam có thể “thành hổ thành rồng” nay mai. Tuy nhiên, muốn “hoá rồng”, nếu chỉ kỳ vọng thôi thì chưa đủ. Chúng ta đã từng phải trả giá cho sự lạc quan quá mức, thời điểm này cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy thực chất vấn đề này thế nào, chúng ta có thể hoá rồng trong một tương lai gần? đâu là chìa khoá để Việt Nam đạt được kỳ vọng này? Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 12/2004 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định: “Năm 2004 mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn… nhưng nền kinh tế của nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, với xu thế quý sau cao hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng của các ngành đều tăng khá và vượt kế hoạch đề ra… Tính chung cả năm 2004, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt gần 7,7%...”

Để ý kỹ hơn, với GDP năm 2003 ước đạt hơn 40 tỷ USD, trong đó chúng ta có lợi thế từ ngoại lực rất lớn, nguồn thu từ kiều hối khoảng 3,8 tỷ USD chiếm 7,7%. Như vậy, chúng ta đã đạt được thành tích tăng trưởng GDP khoảng 7,7%, nhỉnh hơn một chút nguồn lực tiếp sức từ bên ngoài. Đó là chưa kể đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô khoảng 5,2 tỷ USD/năm với mức lợi nhuận cỡ vài tỷ USD/năm. Nếu so với Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore trong những năm 60 đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trên 10%, cá biệt có năm tăng trưởng tới hơn 15% mà không trông chờ vào những nguồn lợi trời cho, cũng không trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài đổ về.

Theo mục tiêu mà kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI đặt ra cho Chính phủ, trong kế hoạch 5 năm tới, nền kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,5%/năm, nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, ta sẽ có lộ trình tăng GDP trong 10 năm tới như sau: (Đơn vị tính GDP: tỷ USD)



Nhìn sang nước bên cạnh, Thái Lan có 62 triệu dân nhưng GDP của họ năm 2003 đạt 200 tỷ USD; Đài Loan với 22,5 triệu dân, GDP năm 2003 đạt 330 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, phải mất 10 năm sau, GDP Việt Nam mới đạt 89,6 tỷ USD, bằng 44,8% của Thái Lan hiện nay và phải mất hơn 20 năm sau mới bằng Thái Lan ở thời điểm hiện tại.

Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2004-2005 của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum s Global Competitiveness Report) vừa công bố, thứ hạng của VN được xếp thứ 77 trên 104 nước, giảm 17 bậc so với năm ngoái.

Sự sụt giảm này có phải là điều ngạc nhiên, hay chỉ là hàn thử biểu phản ánh căn bệnh vốn có từ nhiều năm nay của Việt Nam mà chưa có liều thuốc chữa trị hữu hiệu? về vấn đề này, chúng ta sẽ phân tích kỹ trong phần sau.

Xin được nói thêm, chỉ số về cạnh tranh tăng trưởng (Growth Competitiveness Index) bao gồm 3 chỉ tiêu: chất lượng môi trường kinh tế vĩ mô, tình trạng của các định chế quốc gia, và sự sẵn sàng tiếp cận công nghệ cao của đất nước. Đây là một chỉ số rất quan trọng phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế. Không thể có một tương lai sáng sủa cho nền kinh tế nếu chỉ số này quá thấp. Điều đáng buồn là thứ hạng về chỉ số này của chúng ta lại thấp hơn cả Indonesia, Thái Lan là những nước láng giềng hứng chịu nhiều bất ổn về chính trị.

Báo cáo của Diễn đàn KT thế giới ghi nhận sự tụt hạng mạnh của Việt Nam, đặc biệt xếp hạng về chi tiêu ngoài pháp luật. Chi tiêu ngoài pháp luật khi đi vay tín dụng 102/104, mức độ vận dụng tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán 100/104, chi tiêu ngoài pháp luật trong ký hợp đồng có chi tiêu ngân sách 99/104, mức độ cởi mở của hệ thống hải quan 96/104, mức độ sáng tỏ và ổn định của quy định pháp luật 91/104.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cho biết: “Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được đánh giá là một trong những công cụ kiểm tra hàng đầu về điều kiện cạnh tranh của các nền kinh tế toàn cầu với sự cộng tác của 109 viện nghiên cứu đối tác (trong đó có CIEM). Họ có những đánh giá độc lập của mình và khó có thể nghi ngờ tính khách quan của báo cáo.” Rõ ràng, việc đánh giá của một tổ chức phi chính phủ có uy tín như WEF, kết hợp với trường đại học danh tiếng Harvard rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Chỉ số về thể chế mà WEF đưa ra bao gồm khung pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, đất đai, tính chất độc lập của Toà án, mức độ an toàn về kinh doanh… Điều đáng lưu ý là, những chỉ số này được đánh giá khi chúng ta đã biết quá rõ những căn bệnh của nền kinh tế và đã sửa đổi và ban hành rất nhiều luật mới nhằm làm cho môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thông thoáng hơn, song quá trình thực thi của bộ máy hành chính còn chậm trễ và nhiều nhiêu khê. Đặc biệt là việc thực thi các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện luật còn nhiều yếu kém, lủng củng. Tình trạng ra các Nghị định, Thông tư mâu thuẫn với Luật vẫn tồn tại. Tình trạng "trên mở dưới khép", “trên bảo dưới không nghe”, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu lực là những căn bệnh đã từng tồn tại hàng chục năm nay mà không có cách nào chữa trị. Báo cáo của WEF được coi như là một “xét nghiệm” của nền kinh tế giúp chính phủ các nước sẽ nhìn vào bảng xếp hạng này để thấy trong năm nay, nước mình có sự thay đổi như thế nào, vị trí ra sao trong tương quan với các nước khác. Từ đó, xem xét lại tất cả các chính sách của mình, nhất là đối với các lĩnh vực được xếp hạng. Báo cáo của WEF cũng có tính chỉ dẫn, tham khảo cho các nhà đầu tư khi họ lựa chọn đầu tư vào một nước nào đó. Đối với một doanh nhân khi tìm kiếm nơi đầu tư sẽ chọn nơi nào có chỉ số tốt hơn.

Như đã nói ở phần trên, tỷ lệ tăng trưởng 7,7% trong bối cảnh có sự tiếp sức mạnh mẽ của nguồn kiều hối từ nước ngoài chưa phải là thành tích gì đặc biệt, nếu không muốn nói là quá tệ. Sự đánh giá khách quan của một tổ chức kinh tế có uy tín như Diễn đàn kinh tế thế giới không khỏi làm cho chúng ta lo âu. Dẫu có yêu mình đến mấy cũng nên nhìn thẳng vào thực trạng này. Chừng nào còn né tránh, chúng ta vẫn sống trong vòng luẩn quẩn của nghèo nàn và nguy cơ tụt hậu là quá rõ. Để có một cách nhìn thấu đáo vào thực trạng nền kinh tế, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét trong bài sau: Những lực cản của nền kinh tế.

Những lực cản của nền kinh tế
1. Những cuộc cải cách Marathon
Không khó khăn lắm trong việc “bắt mạch, thăm bệnh” cho nền kinh tế Việt Nam. Hàng chục căn bệnh đã được phát hiện cách đây vài ba chục năm. Ngay từ văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các kỳ thứ 4, thứ 5, và thứ 6 đã tìm thấy và liệt kê ra một số bệnh như: Nền hành chính cồng kềnh, kém hiệu lực; Tình trạng vi phạm dân chủ cơ sở; Kỷ cương phép nước không nghiêm; Tệ tham nhũng ở các cơ quan công quyền….

Đã là bệnh thì phải chống, phải cải cách, chữa trị. Đó là lý do để hàng trăm cuộc cải cách ra đời. Công cuộc cải cách hành chính được phát động cách đây ngót một phần tư thế kỷ; cải cách tư pháp rồi mở rộng dân chủ, chống tham nhũng… đều được những nhà lãnh đạo “nhìn xa trông rộng” phát động cách đây vài ba chục năm.

Ngày nay, nếu có một ai than phiền hay khiếu kiện về các tình trạng trên, thì lập tức được giải thích: Tham nhũng, Đảng ta có biết không, biết cả! vi phạm dân chủ cơ sở, Đảng có biết không, biết cả!… chính vì thế Đảng đã có chủ trương, đã làm và đang làm, nhưng không thể nóng vội!

Là người đã tham dự nhiều kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn và trả lời chất vấn quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó vấn đề, không cần phải suy ngẫm nhiều mà đã thuộc lòng nơi cửa miệng: Ngành xây dựng, công nghiệp: Nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, lạc hậu; Thất thoát đầu tư xây dựng cơ bản; hiệu quả đầu tư thấp… Ngành giáo dục: Thua ngay trên sân nhà; Nạn dạy thêm, học thêm; Chất lượng giáo dục, đào tạo thấp, tụt hậu; bệnh chạy theo thành tích; Ngành nông nghiệp: Giống má, cây con chất lượng không đảm bảo; các dự án 135 bị rút ruột; đơn thư khiếu kiện vượt cấp… Ngành Nội vụ và Lao động: Chế độ tiền lương thấp; tệ quan liêu, tắc trách của bộ máy hành chính…

Mỗi lần chất vấn lại có bộ trưởng trả lời, lại hứa cải cách, sửa đổi, từ kỳ họp này qua kỳ họp khác, không nói là còn nguyên nhưng chỉ thay đổi hình thức, biến tướng từ dạng này sang dạng khác mà thôi.

Chứng kiến những cuộc cải cách kiểu Marathon như thế, nên tôi không khỏi hoài nghi. Liên tưởng đến thời kỳ đen tối của nền kinh tế trong những năm cuối thập niên 70, đầu 80. Lúc đó, Đảng ta cũng giải thích cho tình trạng bi đát của nền kinh tế: “Đường lối không sai, chỉ tổ chức thực hiện sai mà thôi”. Cách giải thích này khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn “Mèo đeo nhạc” của La Fonten. Cách giải thích đó đã trấn an được một bộ phận dân chúng dân trí thấp, thiếu thông tin.

Ngày nay, khi hệ thống thông tin toàn cầu được kết nối, giải thích như vậy nghe không ổn. Chính sách không thể đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng sao có thể gọi là đúng? Tại sao khi có chính sách khoán sản phẩm, trao quyền sử dụng ruộng đất cho dân, lập tức sản lượng lương thực liên tục tăng; tại sao khi giao quyền tự chủ tài chính cho giám đốc doanh nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp từ chỗ thua lỗ, sắp phá sản đã làm ăn có lãi; tại sao khi Luật doanh nghiệp quy định quyền tự do kinh doanh, hàng ngàn doanh nghiệp đã ra đời với số vốn đầu tư hàng tỷ USD chỉ trong vòng vài năm?

Câu trả lời đã rõ, những chính sách đúng đã thực sự đi vào đời sống đã phát huy tác dụng trong một thời gian ngay sau đó. Còn những chính sách, những cuộc cải cách Marathon, tiến hành trong hàng chục năm không phát huy hiệu quả cần phải đặt ngay câu hỏi: Đâu là cội nguồn, là căn nguyên của mọi vấn đề? Bởi cũng như những căn bệnh, lở loét ngoài da chưa hẳn đã là mụn nhọt, mà sâu xa hơn là sự hỏng hóc từ lục phủ ngũ tạng, cần tìm rõ căn nguyên, có như thế mới chữa trị triệt để tận gốc.

Gần đây, khi luồng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm một cách thảm hại, các tỉnh, thành trong cả nước đua nhau trải thảm đỏ mà kịch bản đều na ná nhau: Tiềm năng triển vọng; những dự án gọi vốn đầu tư; chính sách ưu đãi thuê đất; chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào; chính sách hỗ trợ đào tạo nhân công… chính sách nào nghe cũng hấp dẫn, cũng tưởng như doanh nhân nào vào cũng có thể phát tài trong nháy mắt.

Chính sách là vậy nhưng thực tế lại là một chuyện khác. Một doanh nhân nói với tôi: khi anh cần thuê 1,5 ha đất cho một dự án đào tạo; “ông xây dựng” nói rằng, hiện nay không còn diện tích như thế, chỉ có thể thuê được 7.000m2 thôi. Nếu nghe lời “ông”, thuê 7.000m2 thì không thể làm ăn gì được, “lì xì” cho ông 1.000 USD thì lập tức được thuê diện tích như ý muốn. Xong việc ở “ông xây dựng”, đến lượt “ông Địa chính”, “ông Kế hoạch Đầu tư”, “ông Quận”, “ông Phường”… đều tương tự. Chỉ có điều, khoản phong bao không nhất thiết phải một ngàn đô mà có khi hơn hoặc kém, tuỳ theo ý tứ các xếp theo kiểu “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”. Tỉnh nào cũng trải thảm đỏ, nhưng thảm đỏ chỉ trải đến tỉnh, có việc xuống dưới là vướng ngay chông gai mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn vượt qua.

Cùng với chiến dịch trải thảm đỏ là hàng loạt chiến dịch khác như cải cách hành chính, chiêu dụ nhân tài… mà chiến dịch nào cũng rầm rộ, cũng hoành tráng. Cách đây dăm năm, khi Bình Dương nổ phát súng đầu tiên khơi mào chuyện “chiêu hiền đãi sỹ”, cùng với những thành tựu mà tỉnh này đạt được trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các tỉnh khác nô nức sao chép cách làm này mà kịch bản đều na ná nhau: đăng thông báo mời gọi các trí thức có trình độ cao về tỉnh làm việc. Thời hạn ít nhất là năm năm, được bố trí chỗ ở, trợ cấp một lần ngay khi về nhận công tác: thạc sĩ, 10- 15 triệu; tiến sĩ, 15- 20 triệu; giáo sư 20- 25 triệu…

Vấn đề đặt ra là có thể coi những gì mà các tỉnh nói trên làm là “chiêu hiền đãi sĩ” không? Cách “chiêu” như thế có phù hợp với hiền sĩ? Và những người theo tiếng gọi của những ưu đãi vật chất thuần túy, và đáng nói hơn, theo lời kêu gọi “khơi khơi” của các tỉnh này, có thể coi là hiền sĩ hay không? Ðã có ai thử điều tra xem các tỉnh nói trên chiêu được bao nhiêu “hiền sĩ” và họ là những ai?

Chỉ cần nhìn vào cái cách “chiêu” các “hiền sĩ” của các tỉnh ấy cũng đủ thấy rằng hình như có chuyện không ổn ở đây. Đó là kiểu chiêu hiền khơi khơi. Năng lực khơi khơi thay vì nói năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, năng lực đọc thực trạng xã hội, năng lực bắt mạch tìm rõ căn nguyên bệnh tật của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành; năng lực hoạch định chiến lược phát triển, năng lực tổ chức, điều hành, năng lực dùng người…

Những cuộc cải cách, những chiến dịch nặng về hình thức, không đi vào thực chất có thể kể ra vô số. Đều là những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà không có cách giải quyết hữu hiệu. Những cuộc cải cách hô hào từ năm này qua năm khác như những cuộc chạy Marathon đường dài không biết bao giờ mới tới đích. Tệ nạn tham nhũng, trì trệ của bộ máy hành chính khiến các nhà đầu tư mất lòng tin. Những doanh nghiệp đã có chút thành công hết động lực và không muốn đi xa hơn vì không thể lường hết điều gì đang đợi phía trước. Những doanh nghiệp chưa thành công thì ngần ngại với vô số chông gai của cửa ải hành chính mà họ phải vượt qua.

Người có tiền nhàn rỗi mua vàng, mua đất, mua ngoại tệ mạnh cất trữ mà không muốn đầu tư. 75% dân số sống ở nông thôn với khoảng một phần tư trong số đó là thất nghiệp và chưa nhìn thấy lối thoát. Số còn lại làm việc một cách cầm chừng, khép kín, khuất bóng dưới lũy tre làng. Cải cách, chiến dịch nhiều nhưng kết quả thu được là không đáng kể mà kết cục của môi trường đầu tư vẫn đứng thứ 77 trên 104 nước trên thế giới. Tiềm lực đất nước vẫn ngủ mơ màng, việc đánh thức chưa được bao nhiêu, trong khi đó, với xuất phát điểm thấp như hiện nay, không cho phép chúng ta bình chân như vại nhìn những làn sóng đầu tư ầm ầm chuyển động vào các nước khu vực.

2. Tham nhũng
Tham nhũng là hiện tượng chỉ có trong khu vực giao tiếp giữa chính quyền và xã hội công dân tức là giữa nhà nước với người dân. Nhờ quyền thế của mình, viên chức nhà nước có thể trục lợi bất chính mà người dân khó thoát được vì quyền uy của nhà nước. Các định chế quan tâm đến việc nâng cao mức sống đều đánh giá tham nhũng là trở ngại lớn nhất cho hai lãnh vực phát triển kinh tế và phát triển xã hội.

Nó phá hoại nền tảng luật pháp theo lối các cụ ngày xưa gọi là "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" vì gây lệch lạc trong việc áp dụng luật lê. Nó làm suy yếu các định chế và cơ quan cần thiết cho phát triển, và khiến tài nguyên quốc dân bị trút vào nơi không có lợi về kinh tế, cản trở công cuộc phát triển quốc gia.

Tham nhũng là thảm họa cho giới cùng khốn vì người nghèo là nạn nhân đầu tiên khi tăng trưởng kinh tế sút giảm do tham nhũng. Giới cùng khốn cũng là thành phần trông đợi nhiều nhất vào các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp, nạn tham nhũng làm ung thối các cơ quan này, đâm ra ảnh hưởng trước tiên đến người nghèo. Vì thành phần cùng khổ là người không tiền nên chẳng có phương tiện đút lót viên chức nhà nước và càng khó vượt qua các chướng ngại do tham nhũng gây ra. Tham nhũng vì vậy là bất công xã hội vì làm đa số nghèo khổ bị thiệt nhất, mà lại giúp thiểu số quyền thế có thêm cơ hội làm giàu bất chính. Tham nhũng là đứa con sinh đôi với độc tài, và nuôi dưỡng độc tài theo thế cộng sinh.

Về dài, các nước nghèo khó không thể đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo nếu không diệt được tham nhũng vì tham nhũng gây lệch lạc cho chính sách kinh tế quốc dân, vô hiệu hóa các kế hoạch phát triển và là mầm động loạn xã hội, thậm chí khủng hoảng chính tri Tổng kết lại, tham nhũng là tai họa cho người dân và dễ tồn tại trong các xứ độc tài, dù tự mệnh danh xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam. Các chế độ đó đều có đặc tính độc tài, nên mới khó diệt tham nhũng, và cũng là các nước có nhiều bất công về xã hộị Theo chỉ số năm nay của viện The Heritage Foundation tại Mỹ về mức tự do kinh tế từ cao đến thấp thì Trung Quốc xếp hạng 127, Việt Nam hạng 135 trong 156 nước, so với một lân bang cứ hay bị coi thường là Cambốt, đứng hạng thứ 35. Một trong các tiên chuẩn đo lường mức độ tự do về kinh tế chính là tình trạng tham nhũng.

Quốc gia nào trên thế giới cũng có thể gặp nạn tham nhũng, vì xã hội con người nơi đâu cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng chỉ có thể diệt trừ hoặc giới hạn được sự hoành hành của tham nhũng nếu có cải tổ cơ bản về chế độ chính trị và từ đó mới có thể áp dụng được biện pháp chống tham nhũng hữu hiệụ Kinh nghiệm của các quốc gia và định chế phát triển cho thấy việc diệt trừ tham nhũng phải khởi sự từ địa hạt chính trị trở đi, cụ thể là có quy luật minh bạch khiến cho giới chính trị, từ lãnh đạo tới viên chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nghĩa là chịu trách nhiệm trước quốc dân, quốc hội và hệ thống tư pháp độc lập.

Muốn vậy thì phải công nhận quyền cạnh tranh bình đẳng về chính trị giữa các đảng phái, vì các chính đảng này mới có nhu cầu và khả năng tố giác tham nhũng. Các xứ dân chủ thường ít bị tham nhũng hơn các chế độ độc tài là do sự cạnh tranh đọ Mà nhờ các chính đảng này, người dân có nơi bảy tỏ nguyện vọng và chọn lựa kẻ lãnh đạo có tài đức thay vì bị một thiểu số áp đăt quyền cai trị của một đảng duy nhất. Bước thứ hai là mọi đảng phải đều phải công khai hóa nguồn tài trợ của mình, để không còn tình trạng dùng công quỹ vào việc kinh tài cho đảng. Các vụ tham nhũng tai tiếng nhất của Pháp đều ít nhiều dính đến việc kinh tài cho đảng cho nên cải tổ và minh bạch hóa việc tài trợ hoạt động đảng phái là yêu cầu không thể thiếụ Quy tắc ở đây, y hệt như trong mọi giao dịch kinh tế, là làm gì cũng phải có hồ sơ và hóa đơn minh bạch hầu có thể kiểm tra được. Cũng trong địa hạt chính trị, người ta cần có luật lệ minh bạch về sinh hoạt chính trị, quyên góp tiền bạc, vận động tranh cử, sử dụng phương tiện quốc gia trong hoạt động bầu cử và nhất là quyền tự do về thông tin. Hoa Kỳ là xứ có sinh hoạt dân chủ kỳ cựu nhất mà vẫn thường xuyên nói đến cải tổ luật lệ vận động tài chánh cho hoạt động chính trị, hoặc việc bảo vệ quyền tố giác và phanh phui của các cơ quan độc lập. Chính hệ thống luật lệ ràng buộc các đảng phái và quyền tự do của các tổ chức độc lập mới làm các đảng thận trọng khi tranh cử và thận trọng hơn khi cầm quyền. Sự việc chính quyền Bush hoặc Clinton tại Mỹ bị tố cáo là liên hệ với doanh gia không có nghĩa là các chính quyền đó tham ô mà chỉ có nghĩa là báo chí có thực quyền và nếu có chứng cớ thì tòa án vẫn xử đúng lối "pháp bất vị thân", luật pháp không tha tay chân của lãnh đạo hay chính quyền.

Khi nói luật lệ chặt chẽ đối với các đảng phái chính trị, ở trong và ngoài chính quyền, ta phải thấy mặt kia của vấn đề là cho người dân quyền tham gia vào hoạt động chính trị và nâng cao khả năng tham gia đó của xã hội công dân. Ta thường nghe nói là "phép vua thua lệ làng", nhưng, nếu trình độ dân trí không được nâng cao thì cái lệ làng đó có khi chỉ là tệ nạn hương đảng hoặc quyền lực bất chánh ở địa phương làm cản trở đường lối quốc dân. Thí dụ kinh niên tại Việt Nam là nạn tranh chấp liên hệ tới đất đaị Ngoài điều khoản phi lý của Hiến pháp rằng "đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý", người dân bị thêm nạn cường hào ác bá của đảng viên và cán bộ nhà nước. Nếu xã hội công dân được phát triển, hiệp hội của dân được tự do thành lập, thì dân có nơi bày tỏ nỗi bất công để được giải quyết, thay vì viết đơn khiếu kiện hàng năm rồi vẫn phải xuống đường biểu tình, xô sát với công an.

Vì quan niệm kinh tế thị trường là quyền tự do vô luật pháp, nên thấy các tệ đoan xã hội xảy ra tại các nước đang chuyển hướng như Việt Nam hay Trung Quốc, nhiều người lại đổ lỗi là do kinh tế thị trường mà ra. Sự thật lại hoàn toàn khác. Kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển trên một nền tảng luật lệ phức tạp và tinh vị Không có nền tảng luật lệ đó là không thể có kinh tế thị trường. Nền tảng luật lệ này phải khởi đi từ việc "ai làm ra luật", tức là người dân phải có quyền trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào tiến trình làm luật, theo quy tắc gọi là dân chủ. Thứ nữa là phải có sự phân quyền rõ rệt giữa người làm ra luật, người thi hành và người phân xử những vi phạm, tức là phân quyền giữa hành pháp hay chính phủ, với lập pháp là quốc hội và tư pháp là hệ thống tòa án từ trên xuống dưới. Vì các cơ quan hay định chế của chính phủ có quyền ảnh hưởng rộng rãi nhất, không người dân nào tránh khỏi, nên luật lệ về các cơ quan này phải công khai minh bạch và tinh vi để khỏi gây ra nhũng lạm, mở đầu cho tham nhũng. Viên chức tòa án phải được độc lập, y như các cơ quan giám định hoặc kiểm soát việc làm của cơ quan công quyền cũng phải có tự do.

Người ta thường nói đơn giản gần như ngụy biện hay biện hộ cho tham nhũng là xứ nào cũng có tham nhũng. Vấn đề là có quốc gia thực tâm coi tham nhũng là vấn đề nên có thiện chí giải quyết. Cách giải quyết rốt ráo nhất vẫn là giới hạn quyền lực của nhà nước và các đảng phái đồng thời gia tăng quyền tự do của người dân bằng một hệ thống luật lệ công minh. Các nước độc tài hay nói tới bài trừ tham nhũng, nhưng nếu đảng độc tài giành độc quyền lãnh đạo và độc quyền diệt tham nhũng thì chả khác gì cho đạo tặc khoác áo công an đi bắt kẻ cướp. Người dân không tin vào lối diệt tham nhũng đó và xứ sở tiếp tục nghèo khổ, chỉ có tay chân nhà nước là giàu to.
lực của tăng trưởng của nền kinh tế
1. Dân chủ là gì?
Dân chủ và nhân quyền là một đề tài khá nhạy cảm, là chiêu bài mà Mỹ và một số tổ chức người Việt cực đoan ở hải ngoại thường lợi dụng để gây sức ép. Ngày 20/07/2004, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam. Đây là vật cản không nhỏ với nước ta trên con đường hội nhập và hợp tác quốc tế. Có lẽ vì lý do đó, các nhà nghiên cứu, các báo thường ngại bàn đến khái niệm này.

Vậy dân chủ là gì? Tại sao chúng ta phải né tránh? Điều gì đang ẩn chứa đàng sau khái niệm này?

Sử cũ chép lại, vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên, một số đô thị Hy Lạp với dân số giới hạn từ 10 đến 15 ngàn người đã sinh hoạt như những quốc gia tự trị. Dân chúng tụ tập ở một nơi công cộng gọi là Nghị Trường (Forum) quyết định những công việc cần làm và ai sẽ làm những công việc đó. Mỗi người đều có thể được cử ra nhận nhiệm vụ điều hành bộ máy nhà nước. Như vậy người cầm quyền với kẻ thuộc quyền tuy hai nhưng là một. Tất cả mọi người đều cai trị mà mỗi người vẫn tự điều khiển mình. Từ ý niệm này, danh từ dân chủ đang được dùng ngày nay, theo tiếng Anh là Democracy phát xuất từ danh từ Demoscratos của Hy Lạp, trong đó Demos là nhân dân và Cratos là cai trị.

Định nghĩa về dân chủ nêu trên đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong việc trị nước để chấm dứt những sự ức hiếp, bóc lột, lạm dụng quyền hành của một người hay của một nhóm người. Tránh được các tệ đoan trên, mỗi cá nhân trong cộng đồng mới hưởng được tự do, bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để toàn dân hàng triệu người cùng thảo luận, thỏa hiệp chung về một vấn đề và trực tiếp giữ việc trị nước? Trả lời câu hỏi này, nhân loại đã trải qua hàng chục thế kỷ đấu tranh khốc liệt, từng bước hệ thống hóa lý tưởng dân chủ để ngày nay người ta đã định nghĩa dân chủ là “chính thể vì dân, do dân và bởi dân”.

Bất cứ một chính khách, một đảng phái hay một nhóm người nào lên nắm chính quyền đều cho rằng, chế độ mà mình đang điều hành là vì dân, do dân và bởi dân. Không một ai ngồi ở đỉnh cao quyền lực lại phủ nhận điều này, kể cả Thủ tướng Đức quốc xã Hitle. Tuy nhiên, người dân được hưởng quyền tự do đến đâu lại là một câu chuyện khác.

Bác Hồ đã đặt tên cho nước Việt Nam non trẻ là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Cái tên này đã bao hàm cả ý chí, nguyện vọng của người cầm quyền cũng như của dân chúng sau hơn 80 năm dài nô lệ. Tuy nhiên, trong thể chế chúng ta, vẫn bắt gặp vô số những cấm đoán khó hiểu. Cách đây hơn 20 năm, mẹ tôi từ quê ra Hà Nội thăm bác tôi, thương anh quanh năm ăn gạo hẩm, cụ mang theo 10kg gạo quê làm quà, liền bị quản lý thị trường thu trắng…. để giải thích cho các chế tài này, đảng ta thường giải thích bằng thuật ngữ: “Nắm vững chuyên chính vô sản”. Những sự cấm đoán như vậy ngày nay nghe có vẻ hài ước, nhưng ngay tại thời điểm đó không ai dám phản đối. Hiện nay xung quanh ta vẫn còn không ít điều cấm kỵ mà người dân vẫn phải cam chịu.

Mới đây, khi đọc cuốn Phát triển là quyền tự do (Development as freedom) của Amartya Sen, một nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn Độ, công trình này của ông đã đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế học năm 1998. Sau nhiều dẫn chứng thực tế, Amartya Sen đã lập luận một cách đầy thuyết phục rằng: “quyền tự do vừa là mục tiêu cuối cùng của đời sống kinh tế, vừa là phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được phúc lợi chung”. Amatya Sen cho rằng, “sự phát triển được coi là một quá trình mở rộng các quyền tự do dân chủ thực sự mà người dân được hưởng”. Đó là một chân lý. Không thể bàn về tăng trưởng mà không đề cập đến tự do dân chủ.

Như đã nói ở bài trên, chúng ta đã nhìn thấy những vết lở loét trên cơ thể của nền kinh tế và ra sức chữa trị. Việc chữa trị vết viêm nhiễm ngoài da cũng như những cuộc cải cách, vận động được tiến hành qua hàng chục năm nhưng bệnh tình không những không hề thuyên giảm mà có phần còn trầm trọng thêm. Vậy đâu là cốt lõi của vấn đề? Từ thực tiễn Việt Nam, xin được bàn đến mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế.
2. Mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng
Nhìn vào lịch sử, qua các chu kỳ tăng trưởng kinh tế chúng ta sẽ thấy mối quan hệ nhân quả giữa tăng trưởng kinh tế và mở rộng dân chủ. Mỗi bước tiến của nền kinh tế Việt Nam đều gắn liền với một bước tiến của nền dân chủ. Sau cải cách ruộng đất năm 1954, người dân được làm chủ ruộng đất đã tạo cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong những năm sau đó.

Hợp tác hoá một cách ồ ạt đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, gây ra nạn thiếu hụt lương thực trầm trọng trong những năm tiếp theo. Chính sách “khoán hộ”, trao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân đầu những năm 80 đã tạo ra bước tăng trưởng đột biến về lương thực. Từ một nước thiếu đói triền miên, sống nhờ bằng nguồn lương thực viện trợ từ nước ngoài đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Nhân chuyện “khóan hộ” cũng xin được nói thêm, sáng kiến này đã được ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đưa ra áp dụng ở tỉnh này từ năm 1965, nhưng do thiếu dân chủ, đặc biệt là không chịu lắng nghe những ý kiến khác biệt nên sáng kiến này phải chui lủi mất 15 năm, cho mãi tới tận năm 1980, bằng sự mạnh dạn của ông Đoàn Duy Thành việc “khoán hộ” mới được áp dụng ở Hải Phòng. Nhờ thắng lợi của chính sách này đã góp phần giúp cho việc Việt Nam tránh được sự sụp đổ theo hiệu ứng domino từ Đông Âu.

Luật doanh nghiệp (1999) với những cơ chế thông thoáng đã mở ra một giai đoạn mới phát huy nội lực, tạo ra một bước tăng trưởng mới trong việc huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong mọi tầng lớp dân cư…

Trên đây chỉ là một vài ví dụ thực tiễn không thể chối cãi ở Việt Nam. Chúng ta thử phóng tầm mắt sang một số nước khu vực để kiểm nghiệm chân lý này.

Một chuyên gia cao cấp của Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ cho biết, Lý Quang Diệu, người đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Singapore gần 30 năm (1965- 19930) đã tham vấn với Chính phủ Việt Nam: Trong điều kiện dân trí thấp, nên áp dụng chế độ quân chủ, khi trình độ dân trí cao, cần phải áp dụng chế độ dân chủ. Từ nguyên lý đó, ông này cho rằng, “trình độ dân trí Việt Nam hiện còn thấp nên chỉ có thể áp dụng chế độ dân chủ một cách hạn chế. Nếu thoáng quá dễ dẫn đến bạo loạn?!”

Ông này cũng thường xuyên nói với tôi về bài học từ các con rồng châu Á, họ đã duy trì chế độ quân chủ nghiêm ngặt trong nhiều năm, khi đạt được những bước tiến về kinh tế họ từng bước mở rộng dân chủ. Đó là các bước đi mà Việt Nam đang học tập. Sau này khi có điều kiện đọc một số tài liệu về các nước, thông qua các website bằng tiếng Anh và tiếng Việt, hỏi chuyện các cán bộ ngoại giao đã từng sống ở đó, đi thăm một số nước, tôi mới nhận ra một điều, thực tiễn ở các nước “con rồng” châu Á không phải hoàn toàn như những thông tin mà chúng ta đang có.

Do xuất phát điểm thấp, lại chịu sự ảnh hưởng nặng nề của nền văn minh châu Á, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ của Hàn Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan, và Singapore, không thể so sánh được với các quốc gia phương Tây và cũng không phản ảnh trung thực với những điều ghi trong hiến pháp. Tuy nhiên vào thời điểm bắt đầu đổi mới, những điều kiện này đã được phát triển hoặc cải thiện hơn cả điều kiện kinh tế.

Trường hợp của Hàn Quốc chẳng hạn, từ lúc Lý Thừa Vãn bắt đầu cầm quyền (1948), Hàn Quốc đã áp dụng một thể chế độc tài khắt khe. Nhiều quyền tự do của người dân đã bị hạn chế với lý do là để bảo vệ an ninh quốc gia. Nhiều vụ vi phạm nhân quyền, dân quyền đã xảy ra, khiến đã xuất hiện sự bất mãn trong quần chúng. Ông Lý có lý do để bào chữa cho sự mất dân chủ này là phải giữ ổn định tình hình để Bắc Triều Tiên không thể lợi dụng thời cơ tiến hành xâm lược.

Tuy nhiên, không thể cứ vin vào ổn định chính trị để vi phạm nhân quyền. Giới sinh viên là thành phần trẻ và cấp tiến đã phản ứng quyết liệt. Ngày 19/4/1960, sinh viên Seoul đã nổi loạn đòi dân chủ hóa khiến tổng thống Lý Thừa Vãn - người đã khai sinh ra Ðại Hàn Dân Quốc, buộc phải từ chức Tổng thống vào tháng Tư 1960, sau đó ông phải đi lánh nạn tại Hawai. (Ngày 6 tháng 11 năm 1958, Lý Thừa Vãn, đã sang thăm miền Nam Việt Nam. Trong dịp này ông đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Chi tiết lịch sử này sau này đã được con cháu họ Lý ở Hàn Quốc xác nhận lại và tìm về cội nguồn ở làng Đình Bảng - Bắc Ninh).

Trước những đòi hỏi về dân chủ, chính phủ phải tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 26/7/1960 thiết lập thể chế đại nghị. Ông Yun Po Sun đắc cử Tổng thống. Ông này chỉ chấp chính được 10 tháng. Ngày 16/5/1961 cuộc đảo chính của quân đội đã đưa tướng Pác Chung Hy lên nắm quyền. Ông này đã phát động kế hoạch phát triển kinh tế, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ của họ đã tiến một bước dài. Tiếp đó, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ vẫn tiếp tục được cải thiện.

Năm 1997, Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế tiền tệ nặng nề chưa từng có trong lịch sử. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ Hàn Quốc đã phải vay khẩn cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống câu kết chính trị - kinh doanh. Với việc mở rộng dân chủ, Hàn Quốc đã tranh thủ được sự chia sẻ của dân chúng, quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ. Kết quả là Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng trong thời gian 3 năm (1998-2000). Hàn Quốc đã trả xong nợ của IMF, dự trữ ngoại tệ đã đạt 133 tỷ USD (cuối năm 2003). So với những Con Rồng Á Châu khác, điều kiện dân chủ của Hàn Quốc cao nhất, và kinh tế cùng khả năng kỹ thuật của họ cũng cao nhất.

Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân, có 5.000 năm lịch sử của chế độ phong kiến, Trung Quốc tự cho mình là trung tâm thế giới. Rất khó để thay đổi tính bảo thủ của quốc gia này. Thế nhưng, nếu suy ngẫm kỹ ta thấy, dưới triều đại Mao Trạch Ðông, đặc biệt là 10 năm Đại cách mạng văn hoá vô sản, lực lượng chuyên chính Hồng Vệ Binh tác oai tác quái lên mọi mặt đời sống xã hội, bất kỳ ai, kể cả đương kim Chủ tịch nước như Lưu Thiếu Kỳ cũng có thể bị trói, bị kết tội là “tư sản”, là “xét lại” dẫn đi hạch tội ngoài đường phố. Khi Ðặng Tiểu Bình thâu tóm được quyền lực, bắt đầu công cuộc “cải cách mở cửa” mà đầu tiên là cải cách về nhân quyền và dân chủ.

Những gì xảy ra tiếp theo đó cũng chứng minh được rằng một khi đã phát triển kinh tế, không thể không phát triển dân chủ. Những đòi hỏi về dân chủ luôn luôn đi kèm theo đó, nếu không đáp ứng thích nghi, thế nào cũng hỗn loạn.

Năm 1989, để xử lý sự kiên Thiên An Môn, Trung Quốc đã cho quân đội dùng xe tăng trấn áp những sinh viên biểu tình. Tại thời điểm đó, đã giải quyết được việc động loạn, nhưng cái giá phải trả là quá đắt, dân chúng mất niềm tin, các nhà đầu tư trong nước co cụm, cố thủ, các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng, Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế. Trong những năm cuối đời, khi nhắc lại sự kiện đó, Đặng Tiểu Bình đã phải ngậm ngùi tuyên bố: “không muốn nhắc lại sự kiện Thiên An Môn thêm một lần nữa”

Ngày nay, Trung Quốc dẫu chưa đạt được trình độ dân chủ như các nước phương Tây, nhưng với phương châm “một đất nước - hai chế độ” bên cạnh một Trung Quốc cộng sản, trong lòng Trung Quốc còn có Macau, Hồng Kông, là những vùng lãnh thổ phát triển theo mô hình phương Tây, người dân được tự do bày tỏ tư tưởng, tự do tham gia đảng phái, tự do kiến nghị các quyền cơ bản lên Chính phủ trung ương. Còn ngay Trung Hoa đại lục, các nhà xuất bản, các báo, các hãng phim, vẫn có thể tự do in ấn những tác phẩm trái chính kiến, đề cập đến những chuyện “thâm cung bí sử” một cách thoải mái mà không gặp phải bất cứ cản ngại nào. Đó là lý do để nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.
3. Động lực của kinh tế - động lực của chính trị
Trong bài viết ở phần trên, chúng ta đã thấy giữa tăng trưởng kinh tế và mở rộng dân chủ có mối quan hệ biện chứng, nhân quả. Mở rộng Dân chủ đã góp phần giải phóng mọi năng lực tiềm ẩn trong mọi tầng lớp dân cư, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, vậy dân chủ có phải là động lực cho hệ thống chính trị không, chúng ta sẽ bàn sâu thêm về lĩnh vực này.

Lenin định nghĩa: “Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Trong đó, kinh tế là khái niệm phản ánh thuộc tính về hạ tầng cơ sở, còn chính trị là khái niệm thuộc thượng tầng kiến trúc. Giữa chính trị và kinh tế luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, tương thích lẫn nhau, cái này là hệ quả của cái kia và ngược lại theo đúng quy luật của cặp phạm trù nhân quả.

Trở lại đề tài của bài viết trước, chuyện đúng sai của một chọn lựa vẫn là việc xác định cho rõ liên hệ giữa phát triển kinh tế và cải tổ hệ thống chính trị, xây dựng dân chủ, một vấn đề đã và sẽ còn được đặt ra với các quốc gia không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới. Vấn đề tiếp theo là suy xét kỹ những yếu tố đặc thù của Việt Nam để định giá sự lựa chọn này, đồng thời, để đi tìm một hướng đi thích hợp nhất.

Những kết quả nghiên cứu của Lenin đã chỉ ra, kinh tế và cấu trúc chính trị của xã hội có liên hệ tương hỗ với nhau. Tuy nhiên xác định bản chất của những liên hệ này và thiết lập cấu trúc thế nào để tương thích lại không phải là điều đơn giản. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, cả thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ kinh tế của một Trung Quốc đang trong tình trạng chuyên chính, đồng thời với sự khốn khó kinh tế của một nước Nga trên đà phát triển dân chủ khiến các nhà nghiên cứu kinh tế không khỏi bối rối.

Tuy cách diễn đạt có khác nhau, nhưng các nhà kinh tế học từ cổ điển đến hiện đại, kể cả K.Marx đều thừa nhận: Cạnh tranh là động lực của sự phát triển. Khi chấp nhận nền kinh tế thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần, Đảng ta cũng đã ngầm ý thừa nhận chân lý: thị trường tự do là động cơ lớn nhất để phát triển kinh tế. Nhờ tạo dựng một lực lượng kinh tế dân doanh sản xuất năng động, khó chấp nhận sự trì trệ và gò bó của chính quyền, cùng với một giai cấp trung lưu thích hưởng thụ hàng hóa lẫn các phương tiện giáo dục và quyền tự do lựa chọn, nó làm cân bằng quyền lực nhà nước.

Nền kinh tế nhiều thành phần trong giai đoạn đầu như là một áp lực cạnh tranh với hệ thống chính trị. Để thích ứng với cuộc cạnh tranh này nhà nước phải không ngừng hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của dân chúng và từng bước chấp nhận những định chế dân chủ. Điều này đã giải thích cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có một động lực khác mạnh hơn để cải tạo hệ thống chính trị.

Liên hệ này được nhìn thấy khá rõ trong trường hợp của Mỹ và các quốc gia phương Tây nói chung. Ðặc biệt, mới đây nhất, sự phát triển vượt bậc bằng kinh tế thị trường ở Hàn Quốc (đã nói ở phần trên), Ðài Loan, Singapore. Những nước này trước hết, tạo nên thịnh vượng cho xứ sở, và sau đó, phát triển dân chủ, như là một môi trường cạnh tranh để không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị.

Ở Nga và nhiều nước Ðông Âu, tiến trình được thực hiện theo chiều ngược lại. Dân chủ hóa đi trước, tái cấu trúc kinh tế theo sau. Từ việc mở rộng dân chủ, hệ thống chính trị nước Nga đã tạo môi trường tốt cho các nhân tài phát triển. Trong gần 20 năm qua, nước Nga đã sản sinh ra nhiều nhân tài xuất chúng trong mọi lĩnh vực, đương kim tổng thống Putin cũng được trưởng thành trong hoàn cảnh đó. Sau một thời gian khốn khó các quốc gia này đã từng bước ổn định tình hình, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Khi đọc lại lịch sử nước Mỹ, tôi phát hiện ra rằng, cách đây một trăm năm, thu nhập bình quân của Hoa Kỳ thấp hơn Algieria, Jordan, và Mexico. Là một quốc gia trẻ tuổi, trong những năm đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ nghèo hơn rất nhiều quốc gia chuyên chính ngày hôm nay, nhưng nhờ theo đuổi con đường dân chủ, thi hành những chính sách thông thoáng, thu hút nhân tài vật lực, đặc biệt là từ cựu lục địa châu Âu, Hoa Kỳ phát triển vượt bậc. Nhà văn Ngô Tự Lập đã có sự ví von khá hay: Hoa Kỳ là đặc khu kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngược lại, Cuba trước đây có mức sống cao hơn nhiều quốc gia khác thuộc châu Mỹ Latin lại chọn con đường xã hội chủ nghĩa chuyên chính của Fidel Castro. Kết cục thế nào thì đã rõ, Cuba đang gặp muôn vàn khó khăn để hội nhập trở lại thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là cứ có dân chủ là có thịnh vượng, hoặc có thịnh vượng sẽ có dân chủ. Trong rất nhiều trường hợp, dân chủ chưa chắc đã mang lại thịnh vượng, mà thiếu dân chủ cũng chưa chắc đã mang lại nghèo đói. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không nhiều và đều có lý do riêng. Hầu hết các quốc gia độc tài đều rất nghèo và các quốc gia dân chủ rất phồn thịnh.

Thế nhưng, đi sâu vào từng trường hợp của những quốc gia đã nêu, dù là trường hợp thành công hay thất bại, và nếu loại trừ những yếu tố đặc thù của quốc gia đó, người ta vẫn ghi nhận được những ràng buộc giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Nói khác đi, không thể phát triển kinh tế lâu dài mà thiếu dân chủ, cũng như rất khó xây dựng dân chủ khi không có một chính sách phát triển kinh tế hữu hiệu. Bác Hồ vẫn thường hay nhắc lại câu nói của Nguyễn Trãi: “Nâng thuyền lên cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Dân chủ là tiền đề để giải phóng sức dân. Dân chủ là liều thuốc hữu hiệu nhất để kích hoạt mọi tế bào của nền kinh tế. Quan hệ giữa dân chủ và kinh tế chặt chẽ hay lỏng lẻo tùy theo từng quốc gia, và đặc biệt, tùy thuộc khá nhiều vào những yếu tố bên ngoài.

Nói một cách đơn giản, vẫn có một tiến trình vòng tròn: kinh tế tự do mang đến phồn thịnh, phồn thịnh tạo sức ép để có dân chủ hoặc có thêm dân chủ, dân chủ tạo môi trường thuận lợi hơn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những vòng tròn đó chồng chập lên nhau. Trong trường hợp các quốc gia đang phát triển, thật khó để bảo rằng vào một thời điểm nào đó, quốc gia này cần phải bắt đầu một giai đoạn này của tiến trình chứ không phải giai đoạn khác. Cũng như, thật khó để đo được khoảng cách thời gian giữa hai giai đoạn kế tiếp của tiến trình.

Trong những ngày vừa qua, hàng triệu người xem truyền hình đã chứng kiến cuộc vận động tranh cử chức Tổng thống ở nước Mỹ. Đặc biệt là ba cuộc tranh luận được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Tại các cuộc tranh luận này, các ứng viên đã tập trung vào vấn đề then chốt của đất nước về đối nội như chăm sóc sức khoẻ, việc làm, thuế thu nhập… các chính sách đối ngoại như cuộc chiến tại Iraq nơi con số lính Mỹ thương vong ngày càng tăng, cuộc chiến chống khủng bố…

Qua mỗi cuộc tranh luận, các ứng viên đã thể hiện được tài năng cũng như tính đúng đắn của các chính sách mà mình đưa ra. Cử tri có điều kiện sát hạch từng ứng viên. Các điểm mạnh, điểm yếu của họ đều được bộc lộ. Nếu một ứng cử viên nào đó tỏ ra yếu kém, thiếu hiểu biết hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ bị mất điểm, cơ hội thắng cử càng ít đi. Cùng với sự giám sát của dân chúng là các phương tiện truyền thông đưa tin, phân tích, bình luận. Các chính khách đương nhiệm muốn tiếp tục trúng cử không những không dám làm bậy mà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, các nhà hoạt động chính trị khác muốn trúng cử phải chứng tỏ được năng lực của mình trước công chúng. Nhờ hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ này, nước Mỹ thường chọn ra được những nhà chính trị xuất sắc nhất. Thông qua những hoạt động dân chủ đó các chính khách không ngừng hoàn thiện mình và lựa chọn được phương án tối ưu phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Nhà nước Việt Nam còn non trẻ, chưa thể có những hoạt động dân chủ như Mỹ, nhưng không thể không coi đây là một cái đích để phấn đấu