Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Đảng lãnh đạo trong chế độ dân chủ nhân dân

Đảng lãnh đạo trong chế độ dân chủ nhân dân
Cập nhật lúc 06:08, Thứ Tư, 22/09/2010 (GMT+7)
,
- Cần sớm đổi mới chế độ bầu cử theo hướng đảm bảo thực sự dân chủ; bãi bỏ các quy định và việc làm hạn chế ứng cử, đề cử, thực hiện quyền tranh cử công khai...




LTS: Trong các dự thảo văn kiện được công bố để lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Cương lĩnh bổ sung sửa đổi Cương lĩnh 1991 được xem là văn kiện quan trọng nhất, bởi Cương lĩnh là tuyên ngôn chính trị của Đảng, xác lập con đường xây dựng, lãnh đạo đất nước trong 10 năm tới.

Trong bài viết mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh để đưa đất nước đi lên.

Ông Bùi Đức Lại, từng công tác nhiều năm tại Ban Tổ chức Trung ương đã gửi tới VietNamNet loạt bài góp ý cho dự thảo Cương lĩnh. Góc nhìn của một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tổ chức, nhân sự của Đảng, có thể có nhiều chỗ cần phải tranh luận, bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng như ông Bùi Đức Lại đã nhấn mạnh, với tư cách một đảng viên gắn bó sâu sắc với Đảng, ông cũng mạnh dạn đưa ra, như một sự xới xáo vấn đề một cách nghiêm túc và xây dựng, trên tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt mà người đứng đầu Đảng luôn kêu gọi.

VietNamNet giới thiệu bài viết thứ ba của ông Bùi Đức Lại. Mời bạn đọc cùng tranh luận.


Sự suy thoái của đảng cộng sản cầm quyền là nguyên nhân chính trị quan trọng và trực tiếp nhất dẫn đến sự sụp đổ của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội. Các khuyết tật có bản chất như nhau đã phát sinh khá phổ biến trong nhiều đảng, chứng tỏ rằng cần tìm nguyên nhân suy thoái trong những vấn đề tầm nguyên lý, nguyên tắc. Tất nhiên không thể bỏ qua trách nhiệm của tập đoàn lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu về những sai lầm, thậm chí tội lỗi họ phạm phải, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tìm và quy trách nhiệm cá nhân thì không thể chỉ đúng nguyên nhân cơ bản, không tránh được nguy cơ lặp lại sai lầm tương tự.



Ngăn chặn nguy cơ suy thoái

1- Trong mô hình cũ của CNXH, đảng lãnh đạo trên thực tế hoạt động như một thực thể chính trị nắm toàn bộ quyền lực, đứng trên hiến pháp, luật pháp và các cơ quan nhà nước, làm thay nhà nước; các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) trở thành công cụ chấp hành trực tiếp thực hiện ý chí của đảng; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trở thành cánh tay nối dài của đảng. Nhiều việc, nhiều mối quan hệ vốn mang tính đặc thù, là giải pháp tình thế trong giai đoạn giành chính quyền được thể chế hóa, nâng lên thành thể chế, thành nguyên lý, nguyên tắc tổ chức quyền lực trong điều kiện xây dựng xã hội thời bình. Nắm trọn quyền bố trí, sử dụng cán bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là công cụ quan trọng nhất để ban lãnh đạo áp đặt và thực hiện thể chế này, vô hiệu hóa những mẩu vụn dân chủ còn sót lại trong luật pháp và các định chế xã hội.

Được coi là bộ phận ưu tú của giai cấp tiên phong nhất, cách mạng nhất - giai cấp công nhân, là trí tuệ và lương tâm của thời đại, đảng xem trọng tâm lãnh đạo là khai hóa, giáo dục giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tổ chức, dắt dẫn họ đấu tranh cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới theo đường lối do mình đề ra.

Trong một hệ thống như vậy, sớm muộn đảng trở thành nhà nước (quan liêu) trong một nhà nước, đứng trên nhân dân, trên mọi thiết chế chính trị, thành quyền lực vô hạn không bị giám sát và không thể giám sát, trừ sự giám sát của bản thân đảng đối với các cá nhân và tổ chức của mình.

Nhưng chính sự giám sát đó đã dần bị vô hiệu hóa bởi bộ phận lãnh đạo của đảng nhân danh sự tập trung, biến nguyên tắc tập trung dân chủ thành tập trung quan liệu, thành sự phục tùng vô điều kiện của cấp dưới đối với cấp trên, chủ yếu là với người đứng đầu; các thiết chế dân chủ và giám sát trong đảng dần bị bóp nghẹt, không vận hành được, chế độ lãnh đạo tập thể bị biến dạng, trên thực tế bị xóa bỏ; đại hội đảng chỉ còn là cơ quan lãnh đạo trên hình thức. Nắm trong tay quyền lực nhà nước, ban lãnh đạo đảng không ngần ngại sử dụng quyền lực đó để xử lý các mối quan hệ nội bộ đảng, thủ tiêu phê bình, đàn áp về tinh thần và thể chất mọi người có ý kiến khác.

Bước cuối cùng là hình thành một cấu trúc chính trị độc đoán, độc tài của một vài cá nhân trên đỉnh chóp quyền lực, với một bộ máy trung thành với cá nhân đó, nắm quyền hành từ trên xuống dưới. Họ cấu thành một tập đoàn cai trị, một tầng lớp đặc quyền, có các lợi ích ngày càng tách rời thậm chí đối lập với nhân dân, với giai cấp, với đa số đảng viên của đảng, nhưng lại nắm quyền hành động và phát ngôn nhân danh đảng, nhân danh lợi ích giai cấp và nhân dân. Họ đưa đảng đến đáy của sự suy thoái, bị giai cấp công nhân và nhân dân quay lưng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Nói cho đúng ra, giai cấp công nhân đã bị mất chính đảng của mình, nhân dân đã bị mất người lãnh đạo chân chính từ trước khi diễn ra sụp đổ.



Đó là sự thật và bài học lịch sử không thể bác bỏ. Các đảng cầm quyền chân chính cần tìm mọi cách để tránh rơi vào vết xe đổ này.

Đề ra và thực hiện đường lối đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam trong các văn kiện chính thức, quan trọng nhất như Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết Đại hội đã dựng lên một hệ quan điểm cơ bản về đảng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, về nguyên tắc khác với các quan điểm về một đảng cầm quyền kiểu cũ nói trên. Một số nội dung chính của hệ quan điểm này là:

- Đảng tự xác định là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong (của nhân dân lao động và) của dân tộc Việt Nam.

- Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận trong hệ thống ấy (gồm Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân). Đảng lãnh đạo không làm thay công việc của nhà nước (và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị). Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

- Nhân dân là người chủ đích thực của xã hội; Đảng lãnh đạo là để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển.

Một cấu trúc chính trị được hình dung và thiết kế với vị thế của đảng lãnh đạo như vậy là phù hợp với bản chất dân chủ của thể chế chính trị mà chúng ta chủ trương, phù hợp và đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, phù hợp với xu thế thời đại.

Thực thi một cấu trúc như vậy giúp cho tránh được những khuyết tật đã nêu trên, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần to lớn củng cố khối đại đoàn kết đân tộc, giải phóng sức sáng tạo của xã hội.

Nó cũng chính là biện pháp quan trọng nhất ngăn chặn nguy cơ suy thoái của đảng lãnh đạo, đảm bảo sự gắn bó của đảng với nhân dân.

Đó chính là những quan điểm cơ bản có tính nguyên tắc về đảng lãnh đạo trong chế độ dân chủ nhân dân.

Không trì hoãn đổi mới chính trị

2- Qua gần một phần tư thế kỷ thực hiện đường lối đổi mới, những quan điểm nói trên dần được bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện. Một số nội dung đã được thực hiện một phần, tạo ra chuyển biến tích cực nhất định trong đời sống chính trị đất nước, góp phần vào thành tựu chung, được nhân dân thừa nhận và ủng hộ.

Tuy nhiên, xét tổng quát, việc cụ thể hóa, thực hiện các quan điểm nói trên còn chậm; trên nhiều phương diện còn bị chi phối bởi tư duy và cách làm cũ.

Chưa làm rõ nội hàm cụ thể của quan điểm đảng lãnh đạo là bộ phận của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, nên chưa luật hóa, chưa hình thành chuẩn mực luật pháp để thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quan điểm này trong thực tế. Nhiều việc tổ chức đảng còn làm thay các cơ quan nhà nước, ra các quyết định từ bên ngoài, từ trên, đưa các cơ quan nhà nước rơi vào vị trí bị động chấp hành quyết định đó.

Chưa có thể chế thực hiện việc nhân dân giám sát Đảng. Quyền làm chủ, quyền dân chủ, tự do của nhân dân còn nhiều hạn chế, chưa được đảm bảo. Các phương tiện thông tin đại chúng chưa làm được chức năng diễn đàn, là nơi nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, yêu cầu, phê bình, chất vấn… Sự xuất hiện các loại chủ đề “nhạy cảm”gần đây - nhiều khi quá rộng, có phần tùy tiện - thực chất là khoanh vùng cấm đối với sự tham gia giám sát của nhân dân và dư luận xã hội.

Sinh hoạt trong Đảng, nhất là tự do tư tưởng, đảm bảo quyền của đảng viên thảo luận dân chủ về đường lối, chính sách; phê bình, chất vấn tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; bảo lưu ý kiến… hầu như chưa có chuyển biến. Đại hội đảng các cấp vẫn chưa làm được vai trò cơ quan lãnh đạo, hoạt động hình thức, không ít trường hợp quá lệ thuộc vào cấp ủy.

Công tác cán bộ chậm đổi mới, nhất là chậm đổi mới bầu cử, nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo quyền dân chủ. Tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn người lãnh đạo chưa thuộc về những người đi bầu - một yêu cầu cơ bản của bầu cử dân chủ - mà vẫn chủ yếu thuộc về cấp trên - một việc dễ dẫn đến tập trung quan liêu.

Bộ máy ngày càng phình to, chấp lượng và hiệu quả hoạt động giảm sút. Tệ quan liêu, tham nhũng không giảm mà diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn. Ngày càng hiển hiện nguy cơ hình thành bộ phận đặc quyền, đặc lợi, câu kết với nhau, thâu tóm quyền lực, chi phối các hoạt động lãnh đạo, quản lý, chiếm đoạt của cải xã hội.

3- Vì sao các quan điểm về đổi mới trên lĩnh vực chính trị đã được đề ra, nhưng chậm được thực hiện? Có thể điểm ra một số nguyên nhân như:

Một là, về nhận thức. Chưa thực sự thấy tính tất yếu và cấp bách của yêu cầu từ bỏ mô hình cũ, thực hiện những quan điểm đổi mới đã đề ra. Tuy phải thừa nhận những đổi mới cơ bản trên lĩnh vực kinh tế, nhưng nhiều người không thực tâm tán thành đổi mới trên lĩnh vực chính trị, muốn duy trì thể chế chính trị cũ, do tình thế bắt buộc thì chỉ chịu “lùi từng bước” hoặc chỉ chấp nhận thay đổi kiểu “bình mới rượu cũ”, sẵn sàng quay lại thực hiện thể chế cũ nếu có điều kiện.

Với họ, giữ vững “ổn định chính trị” gần như là duy trì hệ thống chính trị cũ, chứ không phải là chủ động tạo ra các điều kiện phù hợp cho công cuộc đổi mới phát triển thuận lợi, tránh được những xung động xã hội gay gắt. Họ không chịu thừa nhận rằng, sự phát triển đã đến giai đoạn không thể giữ vững ổn định chính trị nếu không thực sự đổi mới trên lĩnh vực chính trị.

Họ giải thích sự biến thái của đảng lãnh đạo trong mô hình cũ của CNXH bằng những nguyên nhân như sai lầm cá nhân, khuyết điểm trong việc lựa chọn cán bộ…Từ đó, họ đề cao quá mức các biện pháp giáo dục chính trị, nâng cao đạo đức cá nhân, nhưng lại phản đối mọi biện pháp mở rộng và thực hành dân chủ rộng rãi trong công tác cán bộ, nhất là dân chủ bầu cử.

Hai là, về bản lĩnh, kiến thức. Đổi mới trên lĩnh vực chính trị là việc rất khó khăn, mỗi sai lầm đều có thể gây tổn thất lớn, rất cần thiết sự thận trọng cao nhất. Nhưng là việc không thể trì hoãn, không làm thì không thể tránh khỏi tổn thất lớn nhất. Đề ra được các quan điểm mới là việc khó, nhưng thực hiện đúng các quan điểm đề ra khó hơn nhiều, đòi hỏi bản lĩnh và năng lực cao của lãnh đạo.

Nếu thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, sợ trách nhiệm thì không thể nhìn ra và nắm bắt những tiền đề khách quan đã hình thành, nhưng hướng đi mà “cuộc sống đã gợi ý” cho hành động. Trái lại, họ bị nhiều nỗi sợ ám ảnh. Sợ mở rộng dân chủ thì “tuột tay”; sợ các “thế lực chống đối” lợi dụng; sợ nhân dân chưa sẵn sàng, đảng viên chưa “trưởng thành” đủ mức để sử dụng đúng đắn quyền dân chủ; sợ bị “tấn công” ngay từ nội bộ, bị chụp mũ là dao động, là mất phương hướng, là chịu ảnh hưởng của “các thế lực thù địch”; sợ đổ vỡ... Không thể bỏ qua hoặc xem thường những yếu tố đó, nhưng cũng không thổi phồng quá mức để tự hù dọa mình và người khác, không dám hành động vì thiếu lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, của đông đảo đảng viên, của lương tri lành mạnh.

Ba là, muốn duy trì đặc quyền, đặc lợi. Về nguyên tắc, Đảng không có đặc quyền, đặc lợi. Điều này cũng đúng trên thực tế đối với đa số đảng viên, những người đã chiến đấu, lao động, sống như mọi công dân khác, không dành cho mình một ưu tiên, ưu đãi nào.

Nhưng trong Đảng còn có một bộ phận khác. Họ lợi dụng chức quyền, tham nhũng, làm giàu cho bản thân và những người cùng phe cánh. Họ rất muốn duy trì tình trạng yếu kém, sơ hở trong lãnh đạo, quản trị để tiếp tục trục lợi. Họ càng muốn giữ mô hình chính trị như cũ để thao túng, tiếp tục giữ quyền lực, che giấu bản chất thật của mình. Họ là thế lực lớn nhất cản trở đổi mới, trước khi để rơi mặt nạ, lộ nguyên hình phản bội khi xã hội rơi vào khủng hoảng.

Đổi mới thể chế bầu cử

4- Thực hiện những quan điểm đã được đề ra về đảng lãnh đạo là vấn đề trọng tâm đổi mới về chínhthành hiện thực trong đời sống chính trị của đất nước. Nếu không làm việc này thì không thể tính tới bất cứ sự đổi mới về chính trị nghiêm túc nào.

Trong 5, 10 năm tới, cần thực hiện xong về cơ bản những quan điểm, chủ trương lớn đó gắn với cải cách Hiến pháp và thể chế chính trị.

Cùng với cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, cần ra đời bản Hiến pháp mới, bộ luật mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, về đảng lãnh đạo và về các tổ chức quần chúng. Hiến pháp và luật pháp phải được thực thi nghiêm chỉnh và bình đẳng đối với mọi chủ thể, mọi tổ chức và cá nhân, theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Đây là việc khó, nhưng nếu không làm, thì không thể nói đến nhà nước pháp quyền, nói đến việc đảng lãnh đạo hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Những việc trên chỉ có thể thực hiện được nếu đồng thời thực hiện đổi mới công tác cán bộ.

Nhiều việc trong lĩnh vực này còn vẫn làm lối cũ, kìm hãm sự ra đời và phát huy tác dụng của các thể chế gắn với mô hình mới.

Việc đầu tiên cần quan tâm là đổi mới thể chế bầu cử.

Bầu cử dân chủ vốn được xem là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của chế độ dân chủ. Ở nước ta, nó là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là phương thức có hiệu lực để nhân dân giám sát đảng. Cần sớm đổi mới chế độ bầu cử theo hướng đảm bảo thực sự dân chủ; bãi bỏ các quy định và việc làm hạn chế ứng cử, đề cử, bầu cử; thừa nhận quyền ứng cử ngoài danh sách Mặt trận giới thiệu; thực hiện quyền tranh cử, quyền tự chọn khu vực ứng cử; tiến tới chế độ mỗi khu vực bầu một đại biểu…

Thực hiện bầu cử dân chủ trong Đảng theo đúng tinh thần và lời văn của Điều lệ; đổi mới quy chế đại hội đảng và quy chế bầu cử, tiến tới bãi bỏ mọi quy định hạn chế quyền bầu cử, thực hiện quyền tranh cử công khai, đảm bảo cho đại hội đảng thực sự là cơ quan lãnh đạo, có đủ thẩm quyền và năng lực chủ động quyết định việc bầu ra các cơ quan và chức danh lãnh đạo.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.


Đảng không chỉ lãnh đạo công tác cán bộ, trong phạm vi khu vực công, mà cả trong các khu vực ngoài công, trong các lĩnh vực hoạt động. Dù trong khu vực nào, cán bộ đều có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự dịch chuyển cán bộ giữa các khu vực công và ngoài công cần được khuyến khích, tạo điều kiện, cần xem là một yếu tố quan trọng tăng cường chất lượng cán bộ.


Công tác cán bộ cần theo đúng quan điểm đề ra trong Cương lĩnh “Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”.

Đảng lãnh đạo, không làm chức năng quản lý nhà nước, kể cả trong lĩnh vực cán bộ. Tổ chức đảng không thay các cơ quan nhà nước và các đoàn thể nhân dân quản lý đội ngũ cán bộ của họ.

Vì vậy, cần sớm bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với quan điểm cơ bản của Đảng, không phù hợp với tính chất nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời thông qua việc tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn, ban hành những quy định, quy chế mới về công tác cán bộ.

Bùi Đức Lại