Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

nong dan


Quan niệm của chúng ta về người nông dân đã thay đổi

Nhiều gia đình ở Hà Nội có ô-sin . Họ được sử dụng vào nhiều việc , thông thường là trong nom trẻ con , phục vụ người già yếu, và trở thành nhân công chính trong các việc buôn bán ở nhiều cửa hàng. Nhớ lại mấy năm về trước , và so với tình cảnh gia đình mình bây giờ, nhiều người Hà Nội chưa cần buôn tàu bán bè lớn lao mà chỉ làm ăn bình thường vẫn thở phào , không có ô-sin thì rồi không biết xoay xoả thế nào ! 
Thế nhưng những ngày gần đây, sự than phiền vì ô-sin đã trở thành câu chuyện đầu miệng . Làm ăn cẩu thả , đập giập bóp bẹp cho qua . Lãng phí , phóng tay áo xô đốt nhà táng giấy , bữa ăn còn hàng bát cơm với lại nửa bát nước mắm cũng đổ xuống cống hết . Ăn bốc ăn bải ăn vụng vô tư. Nói ngọng . Nói trống không. Nói dối thản nhiên, nói dối thành thần .Chẳng có lý do gì cũng cười , bị mắng càng cười vẻ như ta chỉ có thế. Dửng dưng vô cảm . Học đòi một cách vụng về .Nhiều người trong thế “ mắng mãi cũng chán “ , cực chẳng đã phải chấp nhận “ chung sống với ô-sin “ , nhưng lắm lúc nằm bắt tay lên trán nghĩ thấy sợ . Còn đâu là thứ văn hoá gia đình các cụ xưa để lại ?
Gia đình tôi cũng thuộc về những gia đình sống nhờ ô-sin kiểu ấy . Để cho công bằng nhiều lần tôi nói với vợ con: Họ hư một phần lớn cũng là do chúng ta .Thế này nhé : Đến với ta họ có được chúng ta bảo ban huấn luyện gì đâu ; và điều quan trọng, ta thuê họ bằng một mức lương rẻ mạt , làm chăm làm lười như nhau , đời sống chẳng có gì bảo đảm . Hơn nữa nhiều thói xấu bắt đầu từ ta .Chính dân Hà Nội hàng ngày đi làm cũng tìm mọi cách xoay xoả rút ruột nhà nước kiếm thêm, còn trong việc buôn bán làm ăn thì lừa lọc nhau, bà chủ bán hàng mong người giúp việc đánh lừa khách hàng, người nọ lừa người kia. Chỉ đến khi họ mang cái lối sống ấy vào việc gia đình , chúng ta mới lại cáu sườn lên cả một lượt .( Gần đây , tôi nhớ có người trên mặt báo đã khái quát rằng đang xảy ra một quá trình “ người nông thôn làm hỏng người Hà Nội và người Hà Nội làm hỏng người nông thôn “, cả hai đều “ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân “.)
Vợ tôi nghe đến đây im lặng chỉ bảo là thiên hạ người ta sống thế , mình không sống khác được.
Mặc dầu trong đầu còn nhớ rằng chính cái lối nghĩ “không dám làm gì khác người ‘, “trông thiên hạ mà sống” thực ra vốn xuất phát từ các làng quê , song tôi thừa biết nói gì thêm cũng vô ích . Thôi chỉ có cách lặng im !
Chết nỗi do công việc của một người viết văn viết báo ,câu chuyện hàng ngày nói trên không ra khỏi đầu tôi mà nó còn làm tôi cứ phải vân vi thêm mãi . Nhà cửa mình làm do thợ các tỉnh lên xây , con cái trước khi đến trường do ô - sin dạy dỗ , vào một cửa hàng ăn nhận ra ngay người mang miếng ngon miếng sốt lên cho mình là “bà con ngoại tỉnh” mới được tuyển dụng .Có một lần tôi đã ghi được một con số , hàng ngày Hà Nội có khoảng 500.000 người các tỉnh đến làm ăn . Tức ra đến đường ta gặp người nhập cư , và cả Hà Nội thành một thành phố nhập cư chịu sự chi phối rõ rệt của cách sống nông thôn ( có lẽ đó cũng là một lý do khiến cho một nhà báo người Mỹ ở Việt Nam vài chục năm nay bảo rằng Hà Nội là một cái làng lớn ). Nếp sống phổ biến của những người nhân danh chân quê thường cũng là tuỳ tiện cẩu thả , nói thách nói dối , nhân danh sự nghèo khổ muốn làm gì thì làm , kể cả phạm luật: cứ trông mấy cô bán hoa quả dắt xe đạp đứng ở các ngã tư đầy xe cộ thì biết .
Giá mà tôi chỉ dừng lại ở đấy thì cũng đỡ . Giống như một thứ máy mồm máy miệng, tôi đẩy liên tưởng của mình đi xa hơn . Tôi nhớ đến những bài học mà học trò bao đời vẫn được nhà trường dạy dỗ : rằng do cuộc sống vất vả của mình nên những người chân lấm tay bùn thường là những người có phẩm cách tốt đẹp . Họ thật thà trung hậu ; họ nhân ái tiết kiệm ; họ siêng năng làm lụng ; họ “lành cho sạch rách cho thơm” … Những người ấy còn không ? Hay là tôi phải nghĩ khác và những người viết văn phải viết khác đi về họ ? .
Đến bây giờ thì bạn đọc thân mến đã hiểu lời tôi rào đón ban đầu rồi chứ . Tôi biết những liên hệ của tôi vừa rồi là mang tiếng suy diễn . Tôi vừa nghĩ vừa sợ tội và viết ra trong ngần ngại . Nhưng tôi biết dựa vào đâu để hiểu nông thôn bây giờ ? Chẳng nhẽ những người nông dân lên thành phố vài ba ngày đã không phải là nông dân nữa và tôi chỉ có quyền sống với người nông dân trong mộng ?
Ghép tôi vào tội suy diễn cũng được, nhưng đâu là hình ảnh chân thực của người nông dân thời nay , ai chỉ giùm tôi bây giờ ? 
Tết đã đến nơi rồi . Tết có nghĩa là phố phường sẽ chỉ còn người Hà Nội với nhau . Tôi tưởng tượng ở nhiều làng quê các tỉnh lân cận , trong các gia đình , ông bố bà mẹ sung sướng đón nhận đứa con lên tỉnh làm ăn giờ về gặp lại họ. Các em các cháu còn mang về cho họ tiền , nhiều khi là tiền triệu .Thế nhưng trong các gia đình này liệu có ông bố bà mẹ nào chợt nhận ra rằng con mình bây giờ hư quá , mất hết cả nết ngoan ngoãn thuần hậu như ngày trước. Tôi se lòng lại khi nghĩ rằng người Hà Nội có lỗi trong việc hàng ngày hàng giờ đẻ thêm ra những công dân trẻ dở dang nham nhở , nửa tỉnh nửa quê. Nhưng tôi càng buồn thêm khi nghe mọi người bảo rằng bây giờ ở các làng quê cũng chẳng còn ông bố bà mẹ nào sợ con hư đâu, chỉ cần có tiền là họ vui rồi, và họ cũng đang lây cả cách nghĩ cách sống mà bọn trẻ mang từ thành phố về .Tôi hiểu rằng nông thôn ta phải giàu lên chứ không thể nghèo mãi như cũ . Thế nhưng chẳng nhẽ giữa một bên là nếp sống tốt đẹp tử tế và một bên là sự giàu có hơn lên , chúng ta chỉ có quyền chọn một ?


Bảo vệ chủ quyền đất nước: Điểm tựa là dân tộc
05:41' 28/01/2009 (GMT+7) 

 - Năm 2008, Việt Nam đã củng cố bước đi hội nhập, vươn ra thế giới với vai trò lớn hơn, tích cực và chủ động hơn. Những thách thức hội nhập rộng mở đã đặt ra cho ngành ngoại giao những yêu cầu mới, đặc biệt vấn đề nhân lực - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với VietNamNet trong cuộc trò chuyện đầu năm.  


Khẳng định những thành tựu ngoại giao năm qua, Thứ trưởng Phạm Bình Minh nhận định Việt Nam đang vươn ra thế giới với vai trò lớn hơn, tích cực và chủ động hơn.

Nhìn lại tiến trình đổi mới và từng bước hội nhập trong hơn 20 năm qua, từ việc tham gia khu vực ASEAN, không ngừng mở rộng và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới, cho đến tham gia các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế và gần đây nhất đảm trách vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), Việt Nam đã thực sự vươn ra môi trường toàn cầu.

“Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc các vấn đề trong phạm vi khu vực thì giờ đây, Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh toàn cầu, kể cả những khu vực xa xôi như ở châu Phi. Sự ổn định hòa bình trong khu vực và trên thế giới tác động trực tiếp đến hòa bình của Việt Nam. Đó là thành tựu quan trọng”, ông Minh nói.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thời hội nhập

- Năm 2009, tình hình khu vực và thế giới được dự báo phức tạp, biến đổi nhanh chóng. Ngoại giao Việt Nam đã xác định cái bất biến ứng với những vạn biến của thế giới sắp tới như thế nào? 

- Ngoại giao Việt Nam luôn phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong mọi thời đại. Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là nước nhỏ phải chịu nhiều ngoại xâm. Nhưng ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh nhưng sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng quan hệ với các nước. Đó là nền tảng để phát triển hòa bình, ổn định. Phong thái ngoại giao đó đã được xây đắp và ghi dấu ấn qua các hội nghị quốc tế đàm phán kết thúc chiến tranh ở Việt Nam như Hội nghị Genève, Hội nghị Paris.

Ngày nay, ứng dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong một thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ với quá nhiều lợi ích, mâu thuẫn đan xen phức tạp quả là một gánh nặng đối với ngành ngoại giao. Dĩ bất biến, thời nào cũng vậy, là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hướng tới dân giàu nước mạnh. Ứng vạn biến là muôn nghìn con đường, cách thức và ứng xử hết sức linh hoạt, đôi khi tinh tế, để đi tới mục tiêu thành công. 

Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm "Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Nhưng chúng ta cũng luôn sẵn sàng đấu tranh, kiên quyết giữ nguyên tắc trong những vấn đề không thể nhân nhượng.

Ngoại giao không đơn độc trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền

 - Trong quá khứ, khi sự phân biệt địch - ta, đồng minh - kẻ thù khá rõ ràng, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của cả dân tộc. Hiện nay, vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước không căng thẳng như xưa nhưng lại có vẻ phức tạp hơn khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức mới về chủ quyền vô cùng tinh vi, có lúc nhẹ nhàng đến mức ta không nhận thấy được. Ngoại giao sẽ đóng vai trò như thế nào trong sứ mệnh này?

- Thời nào cũng thế, ngoại giao là một phương thức quan trọng mang lại hòa bình. Ngoại giao đóng góp vào việc kết thúc các cuộc chiến tranh. Việt Nam đã từng ghi dấu ấn vào lịch sử với những nhà ngoại giao, nhà đàm phán lẫy lừng như Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ. 

Để có thể mang lại sự yên bình cho người dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, chúng ta rất cần các cán bộ ngoại giao giỏi. Mà để trở thành một cán bộ giỏi, tôi thấy việc bản thân mỗi người phấn đấu vượt qua chính mình là điều khó nhất. Vai trò của người cán bộ ngoại giao trong thời bình cũng quan trọng như vai trò của người lính trong thời chiến. "Bảo vệ chủ quyền đất nước, tình yêu Tổ quốc, gìn giữ non sông chung cho tất cả là ngọn cờ tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân trong hay ngoài nước. Đó là sức mạnh lớn của chúng ta". 

Vừa qua, chúng ta đã trải qua nhiều cuộc đàm phán khó khăn, phức tạp. Ngày cuối cùng của năm 2008, chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, đấy là sự kiện trọng đại đối với cả hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử giữa hai dân tộc, chúng ta phân định xong đường biên giới hòa bình trên bộ, góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước.

Trong hoạt động ngoại giao, đàm phán không chỉ để giải quyết tranh chấp, mà ngay cả đàm phán một hiệp định kinh tế cũng là mang lại lợi ích bảo vệ chủ quyền đất nước.

Giữ gìn độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ, trong một thế giới đầy biến động với những giằng xé, ràng buộc về lợi ích đòi hỏi những ứng xử vô cùng linh hoạt, thậm chí phải tinh tế nhưng tỉnh táo, dựa trên sợi chỉ đỏ xuyên suốt: Chủ quyền đất nước là không thể nhân nhượng.

Những trả giá lớn lao bằng sinh mạng và xương máu của cha ông trong quá khứ nhắc nhở chúng ta ngày nay nỗ lực thông qua con đường hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền đất nước, đặc biệt trong vấn đề biển đảo. Ngoại giao phải đóng vai trò hàng đầu trong sứ mệnh đó.

Nhưng tôi tin rằng, ngành ngoại giao không đơn độc trong sứ mệnh ấy, bởi có điểm tựa phía sau là cả dân tộc. Bảo vệ chủ quyền đất nước, tình yêu Tổ quốc, gìn giữ non sông chung cho tất cả là ngọn cờ tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân trong hay ngoài nước. Đó là sức mạnh lớn của chúng ta. 

- Những biến động trong năm qua đặt ra những bài học lớn về công tác dự báo cho tất cả mọi ngành, trong đó có ngành ngoại giao. Để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, theo Thứ trưởng, công tác dự báo của ngành trong năm nay được đặt ra như thế nào?

- Bản thân công tác dự báo là khó, không thể ai dự báo đúng 100%. Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua là một ví dụ. Nhiều nhà dự báo giỏi cũng khó dự đoán những biến động khó lường. Công tác dự báo chưa trúng một phần vì tình hình thế giới biến động quá nhanh và phức tạp. 

Để nâng cao năng lực dự báo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong năm qua, Bộ đã thiết lập Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao nằm trong Học viện Quan hệ quốc tế. Với việc tận dụng tri thức, kinh nghiệm của các nhà ngoại giao kỳ cựu, ngành hy vọng sẽ đóng góp cho công tác nghiên cứu dự báo chung của cả nước tốt hơn.

Làm thế nào để có chính sách đòn bẩy trong lĩnh vực này là điều mà chúng tôi đang trăn trở nhất. Không ai muốn ngồi im một chỗ nghiên cứu cả. Lãnh đạo Bộ đang cố gắng xây dựng chính sách lương, đãi ngộ phù hợp với điều kiện chung của đất nước nhưng chí ít phải khuyến khích, tạo thuận lợi cho cán bộ yên tâm nghiên cứu.

Tin vào người trẻ

- Lại nói về chuyện cán bộ, một câu nói rất cũ: Con người là yếu tố căn bản quyết định mọi thành công. Ông thấy đội ngũ cán bộ ngoại giao hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa?

- Nếu đặt câu hỏi đội ngũ cán bộ ngoại giao hiện nay đã đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu chưa, thì phải thẳng thắn thừa nhận là chưa. Bởi lẽ, yêu cầu luôn ngày càng cao. Nhưng mặt bằng chung, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay có lợi thế dễ dàng bồi đắp tri thức, ngoại ngữ, đi ra ngoài mở mang, học hỏi kinh nghiệm. Đường lối đối ngoại đa dạng, rộng mở cũng tạo điều kiện cho thế hệ làm công tác đối ngoại trẻ được cọ xát nhiều với thực tế. 

"Chúng ta nên tin vào lớp cán bộ trẻ. Nếu được tin tưởng và trao trách nhiệm, chắc chắn thế hệ trẻ cũng sẽ làm nên được rất nhiều". Ảnh: XL

- Rõ ràng, như ông nói, những người làm ngoại giao hiện nay có cơ hội học hỏi và trưởng thành nhanh hơn thế hệ đi trước. Nhưng tại sao chúng ta lại thiếu vắng những tên tuổi ghi dấu ấn như lớp thế hệ ngoại giao kỳ cựu thời kỳ trước, những người đã ghi tên mình vào lịch sử, được thế giới nể trọng như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Mai…? Có phải ngành ngoại giao đang đối mặt với thách thức “khủng hoảng thế hệ” như nhận định của một số nhà ngoại giao lão thành?

- Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đặc biệt thời kỳ chiến tranh, bao vây cấm vận khó khăn, đã có những con người kiệt xuất, ghi dấu ấn. Thời thế tạo anh hùng, những thách thức tạo cơ hội nên trong khó khăn có nhiều con người tỏa sáng. Giai đoạn ngoại giao thời kỳ hội nhập của Việt Nam, không phải không có những tên tuổi sáng chói, ghi dấu ấn, mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một trong số đó. 

Nếu nhận định khủng hoảng thế hệ với nghĩa bi quan quá thì không hẳn. Như tôi đã nói, mặt bằng cán bộ ngoại giao hiện nay có trình độ đồng đều về ngoại ngữ, kiến thức có điều kiện phát huy rộng và tốt hơn trước. Tôi đã công tác trong ngành gần 30 năm, được đào tạo khá bài bản nhưng phải thừa nhận đào tạo trước đây không thể bằng bây giờ. 
TIN LIÊN QUAN
Hội đồng Bảo an và dấu ấn Việt Nam 
Hình mẫu Việt Nam trong ước vọng toàn cầu! 

Thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay nhiều cơ hội nhưng điều đáng lo là trong cơ chế thị trường, họ có nhiều lựa chọn. Ngày xưa, ngành ngoại giao gần như là ngành duy nhất được đi nước ngoài nhiều và phải người giỏi mới được đi. Nhưng đất nước mở cửa, hội nhập, đó không còn là đặc cách của ngành ngoại giao. Ở lĩnh vực nào, ai cũng có cơ hội đi đây đó để học tập, làm việc và mở rộng quan hệ. 

- Phải chăng, như điều ông nói, thế hệ đi trước, dù có ít cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu nhưng thừa lý tưởng và hoài bão để bù đắp mọi khiếm khuyết, còn hiện nay, cơ hội rộng mở, lựa chọn nhiều hơn nhưng lý tưởng và bản lĩnh với người trẻ lại trở thành xa xỉ?

- Giáo dục lý tưởng, hoài bão cho thanh niên là vấn đề lớn của ngành ngoại giao. Thực tiễn đã nảy sinh những yêu cầu nhiệm vụ mới, những địa bàn hoạt động khó khăn hơn nhưng Bộ lại gặp khó về nguồn cán bộ. Cơ chế kinh tế thị trường có nhiều lựa chọn. Không phải sinh viên, thanh niên nào cũng thích những môn học về chính trị, ngoại giao thuần túy. Đây là một trong những vấn đề mà Bộ trăn trở về những giải pháp lâu dài.

- Được biết, năm vừa qua, Bộ Ngoại giao đã mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ để đảm nhiệm trực tiếp công việc ngoại giao đa phương tại HĐBA, nơi Việt Nam lần đầu tiên giữ vai trò Ủy viên không thường trực. Là người trực tiếp nắm việc này, ông đánh giá thế nào?

- Kết quả rất rõ ràng. Những cán bộ trẻ làm ngoại giao đa phương tại HĐBA trong năm qua đã trưởng thành nhanh chóng và có nhiều kinh nghiệm. Đây không phải đánh giá chủ quan của cá nhân tôi mà kết quả được cán bộ ngoại giao của các nước trong HĐBA thừa nhận về thành quả chung trong một năm đảm nhiệm công việc tại HĐBA của Việt Nam. 

Ngoại trừ Đại sứ, Trưởng phái đoàn và các vị phó, cán bộ làm trực tiếp đều là các bạn trẻ mới có 3-4 năm trong nghề. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Phái đoàn, các cán bộ trẻ đã bắt nhịp công việc rất tốt. 

Tôi không cho rằng việc sử dụng cán bộ trẻ trong nhiệm vụ đầy thử thách mới là mạo hiểm. Để vào cuộc chính thức, Bộ đã có quá trình chuẩn bị cán bộ, nhân lực với chủ trương đào tạo và thực tập bài bản. Không chỉ tại Phái đoàn, các cán bộ hậu phương cũng đều là những người trẻ. Khi có chủ trương, việc sử dụng cán bộ trẻ trong công việc rất hiệu quả. 

Tôi nghĩ, dù thế nào, chúng ta cũng nên tin vào lớp cán bộ trẻ. Nếu được tin tưởng và trao trách nhiệm, chắc chắn thế hệ trẻ cũng sẽ làm nên được rất nhiều.
Ông Phạm Bình Minh, 49 tuổi, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, vừa được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành TƯ Đảng X. Điều ít người biết, ông chính là con trai của cố Bộ trưởng ngoại giao kiệt xuất Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương). 

Vào nghề từ năm 1981, nhưng ông Minh tỏ ra kín đáo và ngại nói về cá nhân mình. Cũng chính vì sự kín tiếng này mà chỉ đến khi ông Minh chính thức trúng cử ủy viên dự khuyết TƯ Đảng khóa X tháng 4/2006, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, nhiều người mới biết rằng Bộ trưởng Thạch có một người con nối nghiệp làm ngoại giao.

Ông Minh kể: “Tôi vốn học khá các môn tự nhiên. Cả hai anh chị của tôi cũng đều theo học tự nhiên và không làm việc gì liên quan tới ngoại giao cả. Khi tôi quyết định thi vào Đại học Bách khoa, cha tôi tìm tôi tâm sự. Cha tôi nói rằng ông rất tâm huyết với nghề ngoại giao và mong mỏi có một người con nối nghiệp. Nghe lời ông, tôi đã chuyển sang thi vào trường ngoại giao. Tôi thật sự biết ơn cha tôi vì đã hướng tôi vào một công việc nhiều ý nghĩa”.

“Vậy con đường thăng tiến trong nghề nghiệp của ông có nhiều ảnh hưởng từ cha mình không?”

“Vâng, có lẽ đó cũng là suy nghĩ của nhiều người. Cha tôi nghỉ việc ở ngành ngoại giao từ năm 1991 và mất cách đây đã tám năm nên không thể nói tôi nhờ ông can thiệp này nọ vào công tác tổ chức nhân sự. Nhưng những kết quả tôi đạt được ngày nay phần nhiều nhờ tôi học từ cha mình. Ông vừa là người cha vừa là người thầy của tôi và ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của tôi”.

Những điều ông Thứ trưởng học được từ người cha tài giỏi là sự miệt mài, say mê công việc, là việc tư duy bằng phương pháp luận trong mổ xẻ, phân tích các vấn đề, là tinh thần học hỏi không ngừng từ các đồng nghiệp, các đối tác làm việc và những người xung quanh.

 “Cha tôi luôn dạy tôi phải học từ chính thực tế. Và quan trọng hơn, cha dạy tôi cách đứng vững trên đôi chân bằng kinh nghiệm và vốn sống của chính mình”, ông Minh tâm sự.

Xuân Linh - Việt Lâm


Đã qua rồi một thời đổi mới

Trần Văn Thọ Cập nhật : 13/01/2009 23:04 

Sách trắng kinh tế năm 1956 đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản. Không còn thời hậu chiến nữa , tiêu đề phụ của bản báo cáo năm đó, đã trở thành bất hủ vì nó đi ngay vào lòng người, được cảm nhận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nghiệp, trí thức và cả đến nhiều người lao động. 


Đã qua rồi một thời đổi mới


Trần Văn Thọ



Một nền kinh tế hay một xã hội chuyển mình từ một giai đoạn phát triển thấp lên môt giai đoạn phát triển cao thường kéo theo những thay đổi về chất, những chuyển dịch về cơ cấu, về cơ chế, hoặc về tổ chức. Những thay đổi về chất, những chuyển dịch về cơ cấu đó có khi do những đòi hỏi tất yếu từ những điều kiện mới về công nghệ, về kỹ thuật, về bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng cũng có khi do con người chủ động thay đổi cơ chế, tư duy cũ để nắm bắt cơ hội mới làm cho kinh tế phát triển vượt bậc. Trường hợp thứ nhất có thể thấy qua kinh nghiệm của kinh tế Mỹ vào cuối thế kỷ 19, trong khi kinh nghiệm Nhật Bản vào nửa sau thập niên 1950 cho ta một bài học thú vị về trường hợp thứ hai. Còn Việt Nam hiện nay sẽ nằm trong trường hợp nào?

Vào những thập niên cuối của thế kỷ 19 kinh tế Mỹ bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn sản xuất hàng loạt (mass production). Với sự ra đời của đường sắt và điện tín, hai công nghệ làm giảm phí tổn chuyên chở và mang lại khả năng truyền đạt thông tin giữa những vùng xa xôi, do đó các vùng trong lục địa rộng lớn được nối kết thành một thị truờng lớn. Các sản phẩm chủ yếu như dệt vải, may mặc, các loại thực phẩm, thép, ciment, xe hơi có điều kiện sản xuất hàng loạt, do đó giá thành giảm nhanh nhờ hiệu quả qui mô kinh tế. Hàng hóa cung cấp dồi dào với giá rẻ kích thích tiêu thụ và thị trường lại tiếp tục mở rộng. Công nghệ cơ khí và luyện kim cũng phát triển trong thời kỳ nầy đưa đến việc chế tạo các loại máy móc, thiết bị tinh xảo làm cho công suất hoạt động ở nhà máy và năng suất sản xuất nói chung tăng nhanh. Các loại công nghệ xuất hiện đã tạo ra một vòng tuần hoàn thuận lợi giữa sản xuất và thị truờng, giữa cung và cầu đã đưa đến một thời kỳ phát triển hoàng kim của kinh tế Mỹ. 

Chuyển biến về công nghệ, về sản xuất và thị truờng kéo theo những thay đổi về phương pháp quản lý, tổ chức, về nhu cầu ra đời các cơ chế, chính sách để thích ứng với hoàn cảnh mới. Hình thái doanh nghiệp thời sản xuất nhỏ không thích hợp nữa, doanh nghiệp phải được tổ chức qui mô lớn, phải có nhà máy lớn. Doanh nghiệp có tính cách gia đình, huy động vốn từ các nguồn phi chính thức được dần dần thay thế bằng doanh nghiệp được tổ chức hiện đại, thúc đẩy sự phân ly giữa chủ tư bản và nhà kinh doanh; và hệ thống tiền tệ tín dụng hiện đại hình thành. Về mặt nhà nước, chính sách trong giai đoạn trước là phó mặc cho thị trường (laissez-faire), chính phủ chỉ lo duy trì an ninh xã hội và cung ứng một số dịch vụ công cộng. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, do ảnh hưởng của dòng thác mới về công nghệ, kinh doanh và thị trường đã được đề cập, nhiều luật lệ, cơ chế mới ra đời để tránh độc quyền, để bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ, để đáp ứng yêu cầu cải thiện quyền lợi của nghiệp đoàn lao động.



Trong trường hợp của Nhật vào nửa sau thập niên 1950, thay đổi về tư duy, chiến lược của lãnh đạo, của trí thức, được sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội đã làm bắt đầu một giai đoạn phát triển mà về sau nầy các nhà phân tích gọi là thời đại phát triển thần kỳ.

Nhật bị Chiến tranh Thế giới thứ hai tàn phá năng nề nhưng với nỗ lực phi thường và với nhu cầu đặc biệt tạo ra từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), chỉ 10 năm, kinh tế Nhật hồi phục được mức sản xuất cao nhất thời tiền chiến. Từ đó về sau kinh tế Nhật sẽ ra sao? Bây giờ nhìn lại nếu lúc đó không có một trào lưu tư duy mới, không có cơ chế, chiến lược chính sách mới có lẽ kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn sau đó đã phát triển chậm hơn nhiều.



Thời đó trí thức đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra ý tưởng hình thành sự đồng thuận mới trong xã hội, và trực tiếp giúp chính phủ vạch ra đường lối phát triển. Điều nầy hình thành một mặt do trí thức được tự do nghiên cứu và phát biểu ý tưởng trên sách báo, một mặt do lãnh đạo chính trị và quan chức hầu hết là những người có ý thức trách nhiệm cao về tương lai đất nước nên sẵn sàng đón nhận những ý tưởng hay khi bắt gặp được hoặc trực tiếp nhờ trí thức trợ lực trong việc vạch ra đường lối, chính sách. Trong không khí rất phóng khoáng và đầy trách nhiệm đó, ta thấy nhà kinh tế mác xít Arisawa Hiromi cũng như nhà kinh tế hiện đại Tsuru Shigeto (vừa du học ở Harvard về) đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chiến lược, chính sách phục hưng đất nước Nhật Bản. Cơ chế nhà nước cũng rất nhu nhuyễn, lúc cần thiết mời các nhà kinh tế, các học giả làm chuyên trách có thời hạn hoặc bán chuyên trách trong các viện nghiên cứu hoặc các cơ quan vạch ra chính sách. Sách trắng kinh tế là bản báo cáo hàng năm của Tổng cục kế hoạch kinh tế, phân tích hiện trạng kinh tế và đề xuất tư duy, ý tưởng chính sách mới. Trong các ý tưởng, tư duy mới, nhiều trường hợp đã được trí thức đề khởi trên báo trước khi được hoàn thiện trong sách trắng kinh tế. Trong khỏang 20 năm đầu sau thế chiến thứ hai, sách trắng kinh tế ở Nhật là bản báo cáo kinh tế hàng năm nổi tiếng, có vai trò dẫn dắt dư luận.

Sách trắng kinh tế năm 1956 đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản. Không còn thời hậu chiến nữa , tiêu đề phụ của bản báo cáo năm đó, đã trở thành bất hủ vì nó đi ngay vào lòng người, được cảm nhận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nghiệp, trí thức và cả đến nhiều người lao động. Câu nầy hàm ý là những yếu tố giúp ta phục hưng hậu chiến (nhu cầu đặc biệt từ chiến tranh Triều Tiên và viện trợ của Mỹ) không còn nữa, bây giờ là lúc chúng ta phải có tư duy mới, cơ chế mới, tìm ra các yếu tố mới để đưa đất nước đến chân trời mới. Cận đại hóa (bây giờ ở Việt Nam có nghĩa là hiện đại hóa) là thuật ngữ được nhấn mạnh trong giai đoạn đó. Lãnh đạo Nhật chủ trương phải tiếp cận với công nghệ mới, tri thức mới để theo kịp các nước phương Tây. Sau đó giáo sư Nakayama Ichiro, nhà kinh tế hàng đầu thời đó, đưa ra ý tuởng là Nhật nên đặt mục tiêu phát triển kinh tế cho giai đoạn tới là bội tăng tiền lương nguời lao động trong 10 năm. Ý tưởng này được các cố vấn của nhà chính trị Ikeda Hayato vận dụng vào Kế hoạch bội tăng lợi tức quốc gia, khẩu hiệu của Ikeda trong cuộc vận động tranh cử vào chức Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ. Ông đã đắc cử và trở thành thủ tướng từ năm 1960, năm khởi đầu thực hiện kế hoạch bội tăng lợi tức quốc gia cho thập niên tới.

Chỉ trong 4-5 năm, một luồng gió mới thổi vào xã hội Nhật, cơ quan nghiên cứu, học giả và chính trị gia dẫn đầu trong việc tìm kiếm và đưa ra tư duy mới, sau đó các cơ chế, chính sách cụ thể (chẳng hạn các cơ quan nhà nước phụ trách xúc tiến mậu dịch, yểm trợ vốn đầu tư, yểm trợ khai thác tài nguyên hải ngoại, v.v.. ) được thành lập. 

Trong không khí phấn chấn về một tuơng lai tươi sáng, doanh nghiệp đã tích cực du nhập công nghệ, nguyên liệu, xây dựng nhà máy mới hoặc đầu tư thay thế nhà máy cũ. Trong thập niên 1960, 3 loại công nghệ được du nhập hầu như đồng thời. Một là những ngành Nhật đã phát triển từ cuối thế kỷ 19 (như thép, đóng tầu,..) nhưng suốt hai thế chiến họ không được biết đến những thành tựu công nghệ mới ở Âu Mỹ. Loại thứ hai là những công nghệ mới, những ngành mới đã ra đời ở Âu Mỹ nhưng Nhật bị gián đoạn thông tin (vì chiến tranh) bây giờ mới có thể du nhập (điển hình là các ngành điện gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, và các loại hóa chất mới như tơ sợi tổng hợp). Thứ ba là các ngành mới bắt đầu phát triển ở Âu Mỹ (như TV, computer,..). Cả ba loại công nghệ du nhập đồng thời, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng lan tỏa, làm cho hoạt động đầu tư nhộn nhịp. Hiện tượng nầy được Sách trắng kinh tế công bố giữa thập niên 1960 gọi là đầu tư kêu gọi đầu tư.

Do công nghệ mới du nhập nhiều và đầu tư triển khai sâu rộng, năng suất lao động tăng nhanh, xuất khẩu tăng, sản xuất lại tăng và tiền lương lao động tăng theo kéo theo sự bùng nổ tiêu thụ. Sự tuần hoàn thuận lợi nầy đưa Nhật vào thời đại phát triển thần kỳ. Nhật hoàn thành kế hoạch bội tăng lợi tức quốc gia chỉ trong 7 năm thay vì 10 năm.


Điểm qua kinh nghiệm Mỹ và Nhật, tôi thấy Việt Nam bây giờ giống như Nhật hồi giữa thập niên 1950. Giống ở chỗ đối diện với thời điểm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn phát triển. Ở thời điểm đó nếu có tư duy mới, đồng thuận xã hội mới, chính sách, chiến lược mới thì sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đưa kinh tế đến một thứ nguyên cao. Còn ở thời điểm đó nếu vẫn giữ tư duy cũ, cơ chế cũ, chính sách cũ thì hiệu quả chỉ là kéo dài giai đoạn cũ, xã hội có thể trì trệ, phát triển với tốc độ thấp hoặc phát triển nhưng phải hy sinh môi truờng và bất ổn xã hội.

Qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu phát triển. Thu nhập đầu người tăng, mức sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, vị trí của Việt Nam trên vũ đài quốc tế được nâng cao. Nhưng ta cũng thấy ngay những mất cân đối trầm trọng giữa phát triển và môi truờng, giữa nông thôn và thành thị, giữa người dân lao động và các thành phần khác. Ngoài ra có hai điểm rất quan trọng cần nhấn mạnh. 

Một là, nhiều cơ chế, chính sách hình thành và tác dụng sâu đậm trong quá trình đổi mới nếu không thay đổi và vẫn tiếp tục áp dụng sẽ không đem lại sự phát triển bền vững cho Việt Nam. Chẳng hạn việc tuyển chọn quan chức ra làm việc nước. Sau 1975, rất nhiều người thiếu tiêu chuẩn về năng lực quản lý vẫn được bổ nhiệm vào các cương vị quan trọng, sau đó mới cho đi học tại chức để tiêu chuẩn hóa cán bộ. Cách làm này lẽ ra chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, độ 9-10 năm, nhưng hiện nay vẫn tồn tại và chưa có chiều hướng chấm dứt. Chính sách nầy cũng đã làm cho hệ thống giáo dục đại học xuống cấp, nhiều đại học sống dựa vào học sinh tại chức, đạo đức học đường, quan hệ thầy trò bị đảo lộn. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho giai đoạn tới gặp khó khăn. Một ví dụ khác nổi lên trong quá trình đổi mới là chính sách đối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong một thời kỳ nhất định, sự hiện diện của các hình thái kinh tế nầy có thể được chấp nhận nhưng rõ ràng nếu từ nay hình thái nầy vẫn tiếp tục kéo dài thì thị trường không phát triển lành mạnh, đặc quyền đặc lợi phát sinh, sự bất công giữa các thành phần kinh tế trầm trọng hơn nữa. 

Đây chỉ là vài thí dụ. Còn rất nhiều cơ chế, chính sách khác nữa đã lỗi thời và đang trở thành lực cản cho bước phát triển mới. 

Hai là, đổi mới trong hơn 20 năm qua là một quá trình mò mẫm rất mất thời gian, tuy là ở giai đoạn đó chuyện mò mẫm là không tránh được. Chính thức đổi mới bắt đầu từ năm 1986 nhưng nhiều vấn đề được dò dẫm từ nhiều năm trước mà khoán trong nông nghiệp là trường hợp điển hình. Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp, và nhiều đạo luật khác hầu như năm nào cũng có sửa đổi. Điều đó cho thấy không có sự mạnh dạn trong cải cách. Do đó quá trình đổi mới của Việt Nam cho đến nay mất gần 30 năm (kể cả thời gian dọ dẫm trước khi công bố chính sách vào năm 1986). Ta có thể kéo dài lối tư duy tiệm tiến, thận trọng, mất nhiều thời gian như trong thời kỳ đổi mới không? Vào lúc mới bắt đầu đăt ra kế hoạch phát triển, Hàn Quốc là một trong những nước có thu nhập đầu người thấp nhất thế giới mà chỉ sau có 35 năm họ đã trở thành thành viên khối OECD, là tổ chức của những nước tiên tiến. Ta đã qua gần 35 năm sau khi hoà bình lập lại và sự nghiệp thống nhất được thực hiện, và đã gần một phần tư thế kỷ từ lúc khởi động chính sách đổi mới, nhưng ta vẫn còn đứng trước ngưỡng cửa 1.000 USD (GDP đầu người) với những mất cân đối trầm trọng như đã nói.


Như vậy, vấn đề của chúng ta hiện nay là gì thì đã quá rõ. Ta không thể kéo dài tư duy của thời đổi mới, không thể tiếp tục các chính sách hình thành và triển khai trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta không đoạn tuyệt với quá khứ nhưng phải mạnh dạn dứt bỏ những chính sách, cơ chế không thích hợp và tìm một tư duy, một sự đồng thuận mới cho giai đoạn phát triển mới của VN.

Năm mới, ta thử đề khởi ý tưởng là mọi người nên bắt đầu bằng một suy nghĩ, một nhận định tóm tắt bằng cụm từ Đã qua rồi một thời đổi mới. Bây giờ là lúc ta cần bàn đến tư duy chiến lược mới, cơ chế mới và sự đồng thuận mới của xã hội để đưa đất nước tiến vào một giai đoạn mới, giai đoạn thực sự giàu mạnh và bền vững. 

Đã qua rồi một thời đổi mới!

Trần Văn Thọ


Nguồn : bài rút ngắn đã đăng trên Thời báo kinh tế Saigon, số đặc biệt Tết Kỷ Sửu 2009. Nguyên bản do tác giả gửi Diễn Đàn.

Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org


BOXIT

<span class=Photobucket">Thôi  
 
Đăk Nông trước bài toán hậu khai khoáng Bô-xít

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BÁO CÁO

V/v làm rõ một số ý kiến tại cuộc Tọa đàm về bauxite ngày 20/2/2009
Trân trọng kính gửi:
-đ/c Trương Tấn Sang UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
-đ/c Ngô Văn Dụ Bí thư TW Đảng CSVN, Chánh Văn phòng TW Đảng

Tôi được mời tham gia cuộc Tọa đàm về bauxite do VP TW tổ chức ngày 20/2/2009. Do thời lượng Tọa đàm có hạn, vì chưa có điều kiện phát biểu, chấp hành ý kiến chỉ đạo của đ/c Ngô Văn Dụ- chủ trì Tọa đàm, tôi xin được trình bầy với Ban Bí thư và Văn phòng TW Đảng CSVN một số ý kiến như sau:

1/ Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình với đa số các ý kiến tại cuộc Tọa đàm đều cho rằng việc lựa chọn nhà thầu TQ vào Tây Nguyên là một nguy cơ rất lớn đối với an ninh quốc phòng. Trong các tham luận công khai, tôi cũng như các nhà khoa học đều hiểu, nhưng chưa nêu thẳng vấn đề: lựa chọn nhà thầu TQ là một sai lầm cố ý của TKV(Tập đoàn Than và Khoáng sản ).. Tôi xin nói rõ hơn như sau:

- Là cán bộ của TKV, đến nay tôi đã có kinh nghiệm (hiểu rõ cách đấu thầu) qua không ít hơn 6 cuộc đấu thầu quốc tế các dự án nhiệt điện chạy than của TKV khi tôi được giao trực tiếp tham gia (là gíam đốc cty Tư vấn), hay quản lý (là trưởng ban điện lực) và phụ trách (là Tổng giám đốc cty nhiệt điện). Tôi có thể khẳng định, nếu đấu thầu một cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài của đất nước (chứ không phải của chủ đầu tư) thì không thể có một nhà thầu TQ nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào.

- Để chọn được nhà thầu TQ, Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) đã hạ rất thấp các tiêu chuẩn công nghệ trong đấu thầu, đã lựa chọn công nghệ thải bùn đỏ bằng công nghệ “ướt” rất lạc hậu và rất nguy hại cho môi trường mà cả thế giới đã không còn chấp nhận (ngay cả TQ, Nga và Ấn Độ cũng đang chuyển dần các nhà máy của mình từ công nghệ “ướt” sang công nghệ “khô”, các nước ở vùng nhiệt đới có mưa nhiều giống như Tây Nguyên cũng không áp dụng công nghệ này). Đây là một quyết định để dẫn tới việc chỉ các nhà thầu TQ có thể tham gia đấu thầu và có thể chào giá rất thấp (vì TQ đang có sẵn công nghệ, đang cần phải “bán sắt vụn” lại có dịp để “chuyển giao” sang VN).

- Việc nâng công suất nhà máy lên gấp 2 lần so với quy hoạch ban đầu và triển khai đồng loạt cả hai dự án lớn cũng được TKV làm theo “lời khuyên” của nhà thầu TQ, với lý do làm “nhỏ” thì các nhà thầu sẽ không tham gia. Thực tế cho thấy, tuy đã làm “lớn”, nhưng do cố tình lựa chọn công nghệ lạc hậu chỉ có ở TQ, nên cũng chẳng có nhà thầu nào khác (ngoài các nhà thầu TQ) tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, tương tự như dự án luyện đồng Sinh Quyền, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm alumina cũng rất quan trọng. 

Tôi e ngại rằng (để đấu thầu, giảm chi phí đầu tư), chất lượng sản phẩm alumina do TQ chào sẽ rất thấp để sau này TQ sẽ mua lại với giá rẻ mạt (như hiện đang mua loại đồng của Sinh Quyền). 

TQ không có công nghệ nguồn về nhôm, cũng phải đi nhập của các nước phát triển, còn sản phẩm alumina của TQ có chất lượng khác nhau và có tiêu chuẩn thấp hơn so với của các nước phát triển.

2/ Về ý kiến cho rằng cần phát triển bauxite hơn phát triển cây công nghiệp (của các đ/c Hoàng Sỹ Sơn- phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Phan Tuấn Pha- Bí thư tỉnh ủy Đắk Nông)

Cả hai đ/c đại diện cho Đảng bộ và UBND các tỉnh có dự án bauxite đều phát biểu ủng hộ tiếp tục triển khai các dự án bauxite vì hai lý do chính: (i) bauxite có lợi thế hơn sản phẩm nông nghiệp (cà phê, chè, điều, cau su) vì giá bán sản phẩm nông nghiệp rất biến động; và (ii) nếu không khai thác bauxite thì (bauxite vẫn chỉ là đất), 20-30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ phê phán chúng ta tại sao không khai thác!.

(i) Trước hết, tôi cho rằng cả hai ý kiến này đều không chính xác, và nếu xem xét kỹ thì đây là những ý kiến phản khoa học, do thiếu thông tin. 

Bauxite gắn chặt với vùng đất đỏ bazan trên Tây Nguyên là tài nguyên khoáng sản có hạn, không tái sinh, còn cây công nghiệp là nguồn tài nguyên vô hạn, có tái sinh (nhờ được trồng trên đất bazan tài sản vô giá của quốc gia này). Thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Tây Nguyên là đất đỏ bazan. 

Phát triển cây công nghiệp góp phần duy trì và làm tăng thêm mầu xanh cho môi trường, giảm các nguy cơ như lũ ống, lũ quyét, hạn hán kéo dài, duy trì và phát huy được thế mạnh của đất đỏ bazan. 

Còn khai thác bauxite sẽ làm mất đi thế mạnh của Tây Nguyên, hủy diệt mầu xanh, làm thay đổi thổ nhưỡng của vùng đất đỏ bazan, làm tăng thêm nguy vơ về hạn hán kéo dài, lũ ống, lũ quyét xẩy ra nhiều hơn. 

Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của VN là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên (do sẽ thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi) và có nguy cơ còn làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu (Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM v.v.). 

(ii) Giá bán sản phẩm nông nghiệp tuy có biến động nhưng nhu cầu tiêu dùng của cả loài người về cà phê, chè, đều là ổn định, được tiêu thụ ở rất nhiều nước, không có sản phẩm thay thế. 

Giá bán sản phẩm bauxite biến động rất lớn, nhu cầu của TG cũng thay đổi và chỉ được sử dụng chủ yếu tập trung ở một số nước có ngành chế tạo xe hơi và máy bay như Mỹ, Nhật, Đức, Nga, TQ. 

Tôi xin cập nhật những thông tin gần đây nhất: giá bán nhôm trên Thị trường Giao dịch Kim loại Luân Đôn (LME) giao động rất lớn, giá thấp nhất 1040U$/tấn (1993) và cao nhất lên tới 3249 U$/tấn (2006). 

Chỉ từ tháng 7/2008 đến tháng 10/2008 giá nhôm tại LME đã giảm từ 3300 xuống còn 1885 rồi 1500 U$/tấn. Theo đánh giá của các chuyên gia về nhôm, hiện nay giá bán hòa vốn đối với 75% các nhà máy phải là 2500U$/tấn trong khi giá thành sản xuất bình quân của thế giới 2700-3200U$/tấn. 

Vì thế các nước đã và đang tiếp tục cắt giảm sản lượng (chỉ tính riêng năm 2008: TQ đã cắt giảm 18% sản lượng nhôm tương đương với công suất 3,22-3,70 triệu tấn/năm, 10% sản lượng alumina; tập đoàn Alcoa của Mỹ đã giảm 18% sản lượng nhôm tương đương với 3,5 triệu tấn/năm; Brazin giảm tới 40% sản lượng nhôm; Nga- giảm 25%, Tadzickistan (thuộc LX cũ)- 10% v.v.). Trong các năm tới thị trường và giá bán của sản phẩm bauxite sẽ còn tiếp tục biến động theo chiều hướng xấu đi: dự báo năm 2009, nhu cầu alumina của TQ chỉ có 27,83 tr. tấn, trong khi tổng công suất của các nhà máy sản xuất lên tới 32,97 tr.tấn (thừa 5,14 tr.tấn).

(iii) Về ý kiến (của tỉnh Đắc Nông) cho rằng cần khai thác bauxite ngay bây giờ chứ không để giành cho thế hệ sau, “nếu không khai thác thì bauxite cũng chỉ là đất thôi”: đây cũng là ý kiến phản khoa học và ngắn về tầm nhìn. Tôi xin báo cáo như sau:

- Nếu hiện nay chúng ta sớm phát triển ngành công nghiệp bauxite-nhôm, thì chúng ta phải đối mặt với một bất cập rất lớn không thể vượt qua là thiếu điện giá rẻ. Trên thế giới các nước đều gắn nhôm với thủy điện, vì chỉ có thủy điện mới cho giá rẻ (dưới 3cents/kWh) trong khi tỷ trọng chi phí về điện trong chi phí sản xuất nhôm rất cao (chiếm tới 40-65%). Gần đây, Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ đã phải cho vay bù lãi suất tới 2-3%/năm để một công ty nhôm của TQ đầu tư 3,2 tỷ U$ xây dựng nhà máy nhôm ở Mã Lai vì hai lý do: 

(i)Khuyến khích việc đưa các dự án nhôm tiêu hao nhiều điện năng ra nước ngoài (trong khi TQ cũng không phải thiếu điện trầm trọng như VN); 

(ii) Nhà máy nhôm này (do TQ nắm không ít hơn 50%) được quyền mua toàn bộ sản lượng điện của nhà máy thủy diện Bakun công suất 2400MW sẽ được Mã Lai xây dựng ở tỉnh Saravac với giá bán điện chỉ có 2 cents/kWh. Dự án thủy điện này cũng do một tổng công ty nhà nước khác của TQ là Sinohydro xây dựng. Toàn bộ sản phẩm nhôm sẽ được bán lại cho TQ. 

Các tập đoàn nhôm UC Ruasal (Nga) và Alcoal (Mỹ) cũng coi việc đầu tư vào các nhà máy thủy điện để có được nguồn điện lớn với giá rẻ là ưu tiên số 1 trong hoạt động của mình. Toàn bộ tiềm năng về thủy điện của các tỉnh Tây Nguyên, nếu được khai thác hết cũng chỉ tương đương với dự án nói trên của Mã Lai. 

- Nếu sau 20-30 năm nữa chúng ta mới phát triển ngành công nghiệp nhôm, thì con cháu chúng ta sẽ không “phê phán chúng ta là dốt”, như ý kiến của đ/c bí thư tỉnh Đắc Nông, ngược lại, thế hệ mai sau sẽ phải cám ơn chúng ta là đã rất thông minh, có tầm nhìn xa về khoa học công nghệ. Nhân đây tôi xin nói rõ hơn:

+Tại cuộc hội thảo đầu tiên về bauxite ở Đắk Nông tháng 12/2007 do tỉnh Đắt Nông và TKV tổ chức, trong tham luận của mình tôi đã lưu ý đến bom Napal- là một loại bom cháy, có sức hủy diệt cao là một phát minh của Đại học Ha Vớt Hoa Kỳ, rất có hại trong chiến tranh, nhưng rất có ích trong phát triển kinh tế. 

+Theo dự báo của các nhà khoa học, sau 20-30 năm nữa, trình độ khoa học công nghệ (trong đó có các công nghệ về hóa-lý) sẽ cho phép chúng ta áp dụng phát minh trên của Đại học Ha Vớt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. 

Kim loại nhôm sẽ được sử dụng để phát điện (có thể thay cho dầu mỏ, khí đốt và than đá hay uranium đang dần cạn kiệt) với hiệu suất rất cao. 

Theo tính toán của các nhà khoa học, để sản xuất ra 1 “đơn vị nhôm”, chúng ta cần 1 “đơn vị năng lượng” (đơn vị này hiện nay rất lớn). Nhưng sau 20-30 năm nữa, trình độ công nghệ cho phép thực hiện qui trình ngược lại, từ 1 “đơn vị nhôm” chúng ta có thể sản xuất ra được gần 2 “đơn vị năng lượng” dựa trên nguyên lý hoạt động của bom Napal (phản ứng ô xy hóa của kim loại nhôm tinh khiết cho phép chúng ta thu được một lượng nhiệt rất lớn). 

+Ngoài ra hiện nay ô xít nhôm Al2O3 (là alumina- sản phẩm của các dự án bauxite Tây Nguyên để xuất khẩu) mới chỉ được dùng làm nguyên liệu thô cho ngành luyện nhôm và sản xuất một số hóa chất đơn giản khác. Nhưng trong tương lai, cũng như các loại ô xít kim loại khác sẽ được sử dụng để khử khí thải CO2 trong các nhà máy nhiệt điện để thu được khí CO (là một dạng khí cháy, có nhiệt năng cao) có thể tái sử dụng lại ngay cho chính các nhà máy nhiệt điện hay cho các lò hơi công nghiệp. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều thành tựu (bản quyền và bí quyết công nghệ) trong vấn đề này (chủ yếu cũng là của Mỹ).

+Trên quan điểm khoa học và công nghệ, Đảng ta đã rất sáng suốt khi trong Báo cáo chính trị của Đại hội X đã bỏ cụm từ “khai thác bô-xít và sản xuất alumin” ra khỏi danh mục các sản phẩm cần được hỗ trợ đầu tư phát triển, thay vào đó, đã khẳng định “Khẩn trương thu hút vốn trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện một số dự án quan trọng về khai thác dầu khí, lọc dầu và hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng. Có chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô”. 

Tôi cho rằng, ý kiến của đ/c Bí thư tỉnh Ủy Đắk Nông tại cuộc Tọa đàm là không có tính khoa học và càng không phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.


Tỷ trọng phân bố trữ lượng bô-xít Việt Nam theo vùng
(Nguồn: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) 


3/Về ý kiến cho rằng công nghệ của TQ là tốt: Tại cuộc Hội thảo do Liên hiệp các hội KHKT VN (VUSTA) tổ chức ngày 19/1/1009 vừa qua, trong Báo cáo của mình tôi đã nêu rõ một ví dụ về công nghệ lạc hậu, không hiệu quả (công nghệ luyện đồng) mà TQ mới chuyển giao cho TKV trong dự án đồng Sinh Quyền gần đây. Tôi cho rằng không cần nhắc lại. 

Nhân đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Những nhà máy alumina phía Nam TQ (mà TKV đã tổ chức cho một số cán bộ ngoài TKV đi thăm quan) sử dụng loại bô xít (sa khoáng) khác hẳn với bô xít của Tây Nguyên (phong hóa) về nguồn gốc. 

Quá trình sản xuất alumina thực chất là các quá trình hóa-lý. Việc lựa chọn công nghệ phải dựa trên kết quả phân tích về thành phần thạch học và thành phần hóa học của quặng chứ không thể sao chép “copy” và đánh giá công nghệ bằng mắt thường. Ngoài ra, chất lượng quặng bauxite của VN (tuy chưa có được đánh giá chi tiết, nhưng) căn cứ vào các thông tin hiện có, thì không cao, đòi hỏi phải tuyển để nâng cao chất lượng trước khi áp dụng công nghệ Bayer.

4/ Về ý kiến cho rằng khai thác bauxite sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và không chiếm nhiều đất canh tác của các tỉnh Tây Nguyên:

-Trước hết, về kinh tế, các nhà khoa học đều khẳng định điều ngược lại. Rất may, lần nào, theo báo cáo tại cuộc Tọa đàm của chính đ/c Hoàng Sỹ Sơn- phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, các dự án bauxite hàng năm chỉ đóng góp 120-150 tỷ đồng cho ngân sách địa phương chứ không phải 1500-2000 tỷ (được phóng đại lên 10 lần) như trả lời trên báo của đ/c Chủ tịch tỉnh Đắk Nông. Thực ra mức đóng góp này là không tương xứng so với số tiền rất lớn VN phải đi vay để đầu tư, và thấp hơn nhiều nếu chúng ta đầu tư vào mục đích khác, không phải là bauxite.

-Về diện tích chiếm đất, tuy diện tích không lớn so với toàn vùng lãnh thổ của Tây Nguyên, nhưng diện tích đất bị các dự án chiếm dụng vĩnh viễn lại là những nơi có giá trị canh tác cao, và (theo báo cáo của sở TNMT Đắk Nông) lớn hơn nhiều lần diện tích được tạo ra hàng năm (so với thành tích mở rộng khai hoang, trồng rừng) của các địa phương này.

5/Về nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: tôi cho rằng ý kiến của đ/c Chủ tịch VUSTA (Hồ Uy Liêm) nêu trong Tọa đàm (đã không đại diện cho các nhà khoa học) là rất khiếm nhã. Tôi nghĩ cá nhân đ/c Hồ Uy Liêm cần chính thức xin lỗi Đại tướng về lời phát biểu gây nghi ngờ nội dung bức thư.

Tôi hoàn toàn ủng hộ và thêm cảm phục Đại Tướng về bức thư đầy tâm huyết và đầy trách nhiệm đó. Bản thân tôi đã từng làm đại diện cho Bộ Mỏ và Than của VN làm việc tại Ban Thư ký của COMECON trong cùng thời gian phía Chính Phủ VN đưa dự án bô-xít Tây Nguyên vào Chương trình hợp tác đa biên của COMECON (ngoài tôi, khi đó còn có nhiều người khác chứng kiến như các anh Dương Đức Ưng- đại diện cho Bộ Cơ khí Luyện Kim (nay là Bộ Công thương), Lê Dũng- đại diện cho UB KHKT (nay là Bộ Khoa học công nghệ) v.v.). Chúng tôi có đủ thông tin và điều kiện để tìm hiểu dự án này. Những vấn đề Đại tướng đã nêu trong thư là hoàn toàn chính xác. Khi đó (và cả bây giờ), Liên Xô và các nước thành viên COMECON rất cần bô-xít của VN để luyện nhôm cung cấp cho ngành chế tạo xe hơi, máy bay, và trang thiết bị quân sự-quốc phòng. Liên Xô (cũ) không cần chè của VN (khi đó người dân LX chỉ dùng chè của Ấn Độ hay của Srilanca), mà chỉ cần bô-xit của VN, những vẫn khuyên VN không phát triển dự án bô-xít mà phát triển các nông trường chè.

6/Về nhiều ý kiến cho rằng bài tham luận của TKV là “rất hay nhưng khó tin”. Nhân đây, tôi cũng xin bình luận thêm như sau:

-Trước hết, có thể thống nhất một điều là: VN lần đầu tiên triển khai các dự án bauxite, chưa có kinh nghiệm thực tế, nên những vấn đề đang được nêu ra đều chỉ nằm trên giấy (kể cả nhận định của Bộ Công thương, hay cam kết của TKV), còn dừng ở mức độ lý thuyết, dựa trên các thông tin trên TG (của các nhà khoa học) đều chưa được thực tế chứng minh đúng/sai . Điều có thể ai cũng đã nhận ra là tính rủi ro (về mọi mặt: công nghệ, kỹ thuật, môi trường, an ninh, quốc phòng, v.v…) trên thực tế quá cao, còn những giải pháp mới chỉ là “khẩu hiệu”.

-Bản thân tôi là một cán bộ làm việc ở TKV từ khi TKV mới được thành lâp đến nay (hiện nay tôi được giao giữ chức Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng -TKV, là chi nhánh của TKV tại Hưng Yên để phát triển bể than Đồng bằng sông Hồng), tôi cũng cho rằng những “giải pháp” của TKV không có cơ sở khoa học, mới chỉ dừng lại ở mức độ nói về vấn đề bùn đỏ ( có độ pH cao), TKV cam kết là không nguy hại, có thể xử lý được. Nhưng, như trên tôi đã nêu, bùn đỏ sẽ ít nguy hiểm khi được xử lý bằng công nghệ thải “khô”, còn với công nghệ thải “ướt” như TKV và các nhà thầu TQ đang áp dụng ở Tây Nguyên (chất lỏng 54,4%, chất rắn 45,6%) thì lại rất nguy hại bởi các lý do sau: 

(i) “Khô” có nghĩa là ít chất sút ăn da lẫn trong bùn đỏ; 

(ii) Nếu thải “khô”, các thành phần cỡ hạt khác nhau của bùn đỏ sẽ đông cứng lại thành chất rắn, ít nguy hại nếu bị trôi lấp. Còn “ướt” thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm, dễ bị trôi lấp; (iii) Với công nghệ “khô” thì các đập chắn của các hồ bùn đỏ không phải chịu lực, chỉ có chức năng “chắn”. Ngược lại, với công nghệ thải “ướt”, các đập của hồ bùn đỏ (theo lựa chọn của TKV cao tới 25m, dài 282m, nằm trên độ cao 850m so với mực nước biển) sẽ giống như các đập hồ thủy điện, phải chịu lực do áp lực thủy tĩnh của bùn đỏ ướt tạo ra, nên kém an toàn.

-TKV nói sẽ rất coi trọng vấn đề xử lý vấn đề bùn đỏ theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, vì lợi ích của chủ đầu tư, các thiết kế hồ bùn đỏ đều lấy theo tiêu chuẩn GB của TQ. Với qui mô hồ thải bùn đỏ lớn như của TKV (rộng 116ha), các nước trên thế giới phải đầu tư hàng trăm triệu US$, trong khi hồ bùn đỏ của TKV do TQ thiết kế có mức đầu tư ít hơn nhiều lần. Thực tế các dự án nhiệt điện của TKV do các nhà thầu TQ thực hiện đã cho thất, các tiêu chuẩn GB của TQ thường thấp hơn nhiều so với của các nước khác, trong khi đó các nhà thầu TQ thường hay “nói một đằng làm một nẻo”, càng không ai dám tin.

-Vấn đề hoàn thổ và bảo vệ môi trường trong khai thác bauxie: mọi người đều hiểu rất rõ thực trạng môi trường của vùng Quảng Ninh hiện nay như thế nào?

-Một điều nữa không thể không làm các đại biểu nghi ngờ là: 

(i) Tác giả của những bài trình diễn, tham luận đó của TKV là anh Nguyễn Chí Quang - người đã từng bị Thanh tra Chính Phủ yêu cầu TKV buộc thôi việc trong dịp Thanh tra CP làm việc với TVN năm 1999-2000. Sau khi bị sa thải, thời gian gần đây, anh Quang lại đích thân Chủ tịch HĐQT TKV nhận làm “cố vấn riêng” cho cá nhân Chủ tịch HĐQT. Mặc dù vậy, trong các giao dịch, anh Quang vẫn tự coi mình là cố vấn của HĐQT TKV, cũng có mặt cùng Chủ tịch HĐQT để báo cáo trong nhiều cuộc hội thảo và công khai phát biểu dưới tư cách là “đại diện cho TKV”; 

(ii) Các chuyên gia giỏi có kinh nghiệm và trình độ thực sự về bauxie-nhôm trước đây (khi làm việc với COMECON, như Hoàng Kim Phú, Tô Ngọc Thái, Nguyễn Hoàng Ban v.v.) thì không được TKV sử dụng, trong khi TKV lại tích cực sử dụng một kỹ sư đã về hưu là Dương Thanh Sùng - người được đánh giá (công khai tại hội thảo của VUSTA) là chỉ thuộc loại “chai lọ” trong lĩnh vực bauxite-nhôm. Chính vì sự mật mờ này đã làm cho nhiều người (ngay cả trong TKV và cả bản thân Đại tướng) không thể tin cậy vào những gì “TKV nói”.

7/ Về thái độ tiếp thu ý kiến của TKV: Gần đây tôi nhận được công văn “MẬT” của Đảng ủy TKV gửi cho cá nhân tôi với nột dung hình như là tôi đang bị mắc lừa các thế lực phản động hay đang chống lại nghị quyết của Đảng vì đã có những phát biểu chống lại các dự án bô-xít của TKV. Tôi rất bất bình về nội dung công văn này. TKV không những không tiếp thu ý kiến của tôi (trong khi TKV chưa có ý kiến nào để phản bác và dư luận rộng rãi đều đồng tình ủng hộ ý kiến của tôi”, nhưng Đảng ủy TKV lại có văn bản mang tính răn đe theo kiểu “cả vú lấp miệng em” như vậy là không thể chấp nhận được. Nhân đây, tôi xin chính thức báo cáo với Ban Bí thư cũng như VP TW Đảng về vấn đề này như sau:
Bản đánh máy và được chụp hình lại 



-Từ trước khi thủ tướng phê duyệt quy hoạch bô-xít, tôi đã viết nhiều bài báo khoa học phân tích tính không khả thi của các dự án bauxite đăng trên các tạp chí của VN. Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007, tôi đuợc mời tham luận tại cuộc Hội thảo đầu tiên ở Đắk Nông (12/2007) đến nay, tôi (tuy đang hưởng lương do TKV trả) vẫn đã và đang chính thức phát biểu công khai, minh bạch ý kiến của cá nhân tôi với tư cách là một cán bộ KHKT phản đối việc triển khai các dự án bauxite trên Tây Nguyên.

-Đây không phải là lần đầu tiên tôi phải đối các việc làm của TKV hay của Bộ Năng lượng (cũ). Những ý kiến phản đối của tôi trước đây được cho là “trái” với các quyết định của TKV, và của Bộ NL đến nay đều được thời gian chứng minh là hoàn toàn đúng đắn (như việc chấm thầu không đúng của dự án điện Na Dương, việc sửa đổi hồ sơ mời thầu có lợi cho nhà thầu trong các dự án điện, việc di chuyển nhà sàng Hòn Gai ra địa điểm Nam Cầu trắng, việc gia tăng qua mức sản lượng than của các mỏ để xuất khẩu cho TQ, v.v..)

-Cũng chính vì “trung ngôn thì nghịch nhĩ” tôi đã từng “được” TKV “xử lý” theo cách áp đặt cho luân chuyển công tác theo tiêu chí việc gì đang làm tốt thì không cho làm nữa, giao cho việc mới khó hơn, để nhường chỗ cho những “chung thần” chỉ biết làm theo.

-Bản thân tôi, là một cán bộ KHKT được Đảng và Nhà nước ưu tiên cho đi đào tạo nhiều lần ở nước ngoài, là một Đảng viên ĐCSVN (tôi được kết nạp tại chi bộ Vụ Kế hoạch Bộ Mỏ và Than từ 1983), tôi luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đúng lương tri, phục vụ suốt đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, chứ không phải chỉ biết làm theo ý đồ và phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Bố đẻ tôi là Đảng viên, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Huy hiệu các chiến sỹ bị địch bắt tù đầy đã giáo dục tôi hiểu rõ thế lực phản động là ai và mình cần phải làm gì?.

-Tôi không cần phải được Đảng Ủy TKV nhắc nhở về việc tôn trọng pháp luật, trong khi TKV đã cố tình lợi dụng cơ quan ngôn luận của mình (Tạp chí Than-Khoáng sản VN) để công khai vi phạm Luật báo chí, tung tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự của tập thể công ty do tôi phụ trách (đúng vào dịp tôi đang bận dự thảo về bauxite ở Đắk Nông)

8/ Về Hội thảo sắp tới do Chính Phủ sẽ tổ chức:
(i) Tôi cho rằng cần được chuẩn bị kỹ và phải có đủ thời lượng cần thiết, tạo được tính công khai, dân chủ, tránh hình thức vội chụp mũ; (ii) Nội dung Hội thảo nên tập chung ưu tiên bàn kỹ về tính khả thi về kinh tế, đánh giá hiệu quả kinh tế đầy đủ; và (iii) Để tiết kiệm thời lượng cho việc trao đổi đầy đủ có lẽ không nên mời các đối tác nước ngoài tham dự vì có nhiều vấn đề tế nhị và nhậy cảm.

Kinh nghiệm cho thấy tại hội thảo 10/2008 ở Đắk Nông vừa qua, các đối tác nước ngoài chỉ lợi dụng thời lượng của hội thảo để làm marketing và quảng bá cho bản thân họ. Còn trên thực tế họ làm như thế nào thì phía VN (Bộ Cơ khí luyện kim trước kia và TKV ngày nay) đã đi xem, thăm quan, khảo sát gần như khắp TG rồi. Nếu đã mời đối tác nước ngoài, cần mời đầy đủ cả các đối tác cũng đã từng khuyên chúng ta không nên làm ồ ạt như hiện nay (như nhà thầu của Pháp)

Cuối cùng, tôi xin chân thành cám ơn các đ/c đã cho phép tôi có dịp trình bầy ý kiến của mình. Xin kính chúc các đồng chí sức khỏe và hạnh phúc.