Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ

 

Tặng thày Đoàn Quang Nguyên.

Năm 1975, non sông Việt nam đã liền một giải sau bao nhiêu binh đao khói lửa. Cuộc sống mới bỡ ngỡ cùng vô vàn công việc bộn bề.

Thực tế cuộc đời luôn mãi xanh tươi, nó khác với lí thuyết mà các anh bộ đội giải phóng được giảng giải từ trước.  Trung đoàn E207 của chúng tôi tập hợp với nhiều đơn vị khác thành lập Sư đoàn 8 thuộc Quân khu 9 Miền Tây Nam bộ. 

Lúc đó cần truyền đến các quân nhân những thông tin tích cực từ cuộc sống mới sau giải phóng. Một số anh em chúng tôi được chọn đi học Lớp Báo chí cấp tốc đào tạo thành các phóng viên quân đội hoặc là các cộng tác viên để viết bài. 

Tại đây các tay súng được chuyển sang tay bút và được hiểu thế nào là tin tức, phóng sự, kí sự , xã luận vv... vv trong nghiệp vụ báo chí.

Kết thúc lớp học các tay bút được đi thực tế quan sát và viết bài. Đoàn chúng tôi gồm mấy anh em thực hiện nhiêm vụ khăn gói quả mướp lên đường . 

Từ ăn bờ ngủ bụi nay không còn như thế nữa nhưng làm gì có tiền mà vào nghỉ ở Hotel, mọi thứ ở trong dân cả. Khi qua Sa đéc buổi chiều thấy một nhà rộng rãi khang trang , chúng tôi bàn nhau vào xin ngủ nhờ.

Mãi đến gần nửa thế kỉ, qua anh bạn tôi mới biết đó là nhà ông Lý Viêm người Hoa chủ Vựa xay sát lúa gạo ở Sa đéc năm xưa. 

Sự xuất hiện của chúng tôi làm cho họ luống cuống sợ hãi . Sau khi biết lí do, họ miễn cưỡng chấp nhận mời các ông giải phóng vô nhà ăn tối và ngủ lại.

Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được ăn bữa cơm có tính chất gia đình, cơm trắng nóng sốt, thức ăn ngon lành bày biện tinh tế trên chiếc bàn gỗ tròn với những chiếc ghế vây quanh. 

Và được biết thêm phong tục của người Hoa lúc đó là nồi cơm để bên ngoài, riêng một chỗ ai ăn bao nhiêu tự ra mà lấy  không có người ngồi đầu nồi làm việc đó. 

Ăn xong có trái cây tráng miệng, đó là một sự lạ so với miền Bắc còn đang ăn độn lúc bấy giờ. Sáng hôm sau thì mọi người dùng cháo trắng điểm tâm.

Đến lúc đi ngủ thì tôi quan sát thấy gia đình lo sợ thật sự, họ run rẩy đưa cho mỗi người một chiếc gối bông mịn màng và một chiếc gối ôm sạch sẽ thơm tho. 

Một đêm trôi qua êm đềm, không có chuyện gì xảy ra vì bộ đội giải phóng là những người tốt. Lúc chia tay mới thấy khuôn mặt họ giãn nở không còn lo lắng bất trắc, chúng tôi chỉ có lời cảm ơn suông đến họ.

Kết thúc chuyến đi thực tế mỗi người đều có bài trả thầy ghi chép các diễn biến quan sát được rồi ai nấy về lại đơn vị của mình.

Bài của tôi kể câu chuyện về anh Giải phóng nhặt được cái bóp ( Ví ) tiền ở bến xe đem trả lại nguyên xi cho người đánh rớt mang đến dư luận hình ảnh rất đẹp của người chiến sĩ giải phóng. 

Ông Hữu Thung Tổng biên tập gọi tôi lên hỏi đi hỏi lại câu chuyện thật hay bịa, nếu đúng thật thì ông cho đăng trên báo Quân khu 9.

Không biết có phải nhà thơ Hữu Thung tác giả Bài thơ Thăm lúa nổi tiếng không hay là người trùng tên: 

Mặt trời càng lên tỏ.

Bông lúa chín thêm vàng

Sương treo đầu ngọn cỏ .

Sương lại càng long lanh....

Thế là tôi được ghi tên là phóng viên Báo Quân khu 9. Khi đó có Đoàn Văn công Tổng cục chính trị vào diễn mang đến sắc thái âm nhạc mới cho quân dân miền Tây Nam bộ, hai ca sĩ gạo cội của đoàn là Tường Vi và Trọng Hinh với bài hát tủ Tháng Ba Tây nguyên của Hoàng Vân được nhiều người yêu thích.

Cũng trông đợt này tôi cũng được gặp người bạn học trò thuở sơ tán làm nhạc công nay đã là NSƯT @Hà Đình Cường.

Tôi được phân công theo Đoàn làm tin gửi về cho Báo. Đi đến Châu đốc An giang gần nơi đơn vị đóng quân tôi về chơi với anh em rồi vui quá ở lại luôn.

Ở đời không có cái dại nào giống cái dại nào. Khi đó biên giới Tây nam nóng lên từng ngày , chiến tranh vẫn lấp ló đâu đây. Vừa thoát khỏi kiếp lính chiến rồi lại lao vào vì "vui" quá !.

Sau buổi là khách không mời  ở Sa đéc. Anh em cùng đi học lớp báo chí bặt tin nhau từ đấy, thấm thoát thoi đưa đã gần nửa thế kỉ. 

Vụ covid 2019 bị giam lỏng trong nhà, có thời gian rảnh tôi nhớ lại và viết vài bài trên FB về cuộc chiến . Có anh Nguyên , người Thanh hóa đọc được nhắn mesage hỏi có phải anh NBS đi học lớp báo chí năm nào không? Vẻ mặt không thay đổi chỉ có mái tóc là bạc phơ, Nguyên nhận ra ngay. Thú thật là thời gian lâu quá không nhớ hết các bạn , rất xin lỗi.

Nguyên sau đó hoc Đại học Sư phạm Cần thơ rồi trở thành Thầy giáo. Tôi trở về trường cũ theo học làm Kĩ sư xây dựng, một nghề mà về hưu mới hiểu đó là nghề Thổ mộc nhất trong các nghề chữ nghĩa.

Một ngày đẹp trời Nguyên hẹn đến thăm tôi. Anh em gặp lại nhau cùng những cái ôm nồng ấm với bàn tay xiết chặt ôn lại kỉ niệm xưa cũ tuổi trẻ không thể nào quên. Nguyên vẫn khỏe và trẻ so với tuổi của anh. Anh chị và con cháu đều rất thành đạt.

Anh tặng tôi sản phẩm lao động của anh ở quê nhà mà chan chứa tình đồng đội sâu nặng . Rất cảm ơn anh .

Cảm ơn Trời Phật đã phù hộ và che chở cho anh em ta vượt qua bao khó khăn nay còn mạnh khỏe để còn chứng kiến những đổi thay ngoạn mục nay mai của đất nước và con người Việt nam.




NBS 

12/05/2022

Ảnh: Thày Đoàn Quang Nguyên, NSƯT Hà Đình Cường ( đầu hói) và tôi