Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Kể chuyện Mỹ

Home tiger hay “gầm” nên có vấn đề về cổ họng. Đi bác sỹ khám mới biết bị ung thư tuyến giáp, phải đi mổ. Theo đuôi bạn bè giới thiệu nên chọn bệnh viện Johns Hopkins, nghe nói tốt nhất nước Mỹ.


Lại nghe đồn, phẫu thuật cổ của Mỹ rất hiện đại, dùng phương pháp “đầu lìa thân”. Chữa amidal, họ cắt đầu ra để lên bàn, cái đầu cứ tiếp tục nói chuyện với người nhà, còn bác sỹ thì lấy dao khoét amidal. Xong xuôi, lấy đầu lắp vào và bệnh nhân tự đi metro về nhà

Đưa bệnh nhân tới nơi mới biết là họ cũng làm như bên bệnh viện Đống Đa nhà mình. Cũng gây mê, rồi mổ như cắt tiết gà, hơn tiếng là xong. Chi phí chắc gấp 50 lần.

Người nhà đến trông coi như đi du lịch, chả phải lo gì. Thấy bệnh viên có wireless còn viết blog chơi. Trong lúc chờ đợi tiger tỉnh sau cơn mê, lão HM đi ra ngoài thăm thú chụp ảnh thành phố Baltimore.

Tuy thế, có thứ rất phức tạp như cắt bao qui đầu cho trẻ. Đi lại vài lần, khám thử máu chán rồi hẹn mấy tháng sau mới được… cắt với chi phí 5000$.

Thế hệ già VN ta không biết qui đầu là cái gì, chỉ biết “lộn” ra “lộn” vào là OK. Đoạn này phải hỏi Phil hay Bs Hồ Hải.

Thời nay, nếu cháu nào muốn, bác sỹ tư bên ta lấy dao cạo xoẹt một cái là xong, giá 1 triệu đồng là cao nhất.

Nghe nói dân Philippines bắt cả chục đứa trẻ ra tắm biển cho xun lại, già làng lấy dao nứa cắt ngọt xớt. Trẻ khóc váng trời cũng kệ, lấy lá nhọ nồi đắp và ngủ đến trưa có thể về nhà.

Một nơi hết 5000$, bên ta trả 50$, chỗ khác chẳng mất đồng nào, nhưng kết quả ngang nhau, của quí đều…mất đầu.

Johns Hopkins – nhà tài trợ cho tương lai

Rỗi việc đi xem quanh “làng” Hopkins bao gồm bệnh viện và trường đại học. Cả khu chắc phải lớn bằng khu Hoàn Kiếm và Ba Đình cộng lại. Khi nào rảnh sẽ viết chi tiết về “làng lạ” này.


“Cụ” Johns Hopkins (nhớ là có chữ S nhé, 1795 – 1873) là một thương gia buôn rất nhiều thứ, trong đó có rượu whisky làm từ ngô. “Cụ” này sống ở Baltimore, cách DC khoảng 90km, trên đường đi New York. Món rượu lậu của Lưu Linh cũng lấy tên rất oách “Johns’s best – Rượu Johns tuyệt vời”.

“Cụ” Hopkins thành công nhất trong đầu tư liều lĩnh vào những cú affair khổng lồ và trở nên giầu có. Ông là người đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng nô lên da đen dù trong nhà có hàng trăm người phục vụ.

Johns Hopkins đã di chúc lại 7 triệu đô la thời 1873, một khoản hiến tặng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ lúc bấy giờ. Theo tỷ giá hiện nay tương đương với 160 triệu đô la.

Những người kế tục ông đã phát triển 7 triệu đô kia thành một gia tài bao gồm hệ thống các trường đại học và bệnh viện mang tên Johns Hopkins có giá trị vài trăm tỷ đô la hiện nay. Các trường đại học và bệnh viện rải rác khắp nước Mỹ và trên thế giới.

Tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) cũng có đại học Johns Hopkins. Hy vọng bác Nguyễn Thiện Nhân (người thích làm việc thiện) cũng tìm cách mở được một chi nhánh tại Việt Nam, dân mình sẽ nặn tượng bác Nhân để trong nhà. Nếu bác ấy suốt ngày chỉ họp kín (Hopkins) thì chán chết.

Sinh viên vào đại học Johns Hopkins không cần đi xin việc, ngày đầu cắp sách đã biết sẽ làm ở đâu lúc ra trường. Hệ thống bệnh viện Johns Hopkins luôn đứng đầu nước Mỹ trong nhiều năm liền. Vào trong cứ tưởng khách sạn 5 sao, hành lang đi lại, chỗ đón tiếp rồi phòng mổ, trông như phim viễn tưởng, tòa nhà chính như nhà thờ.

Đại gia Việt Nam – đổ tiền vào quá khứ

Các đại gia bên ta thích đầu tư vào đình chùa miếu mạo vì mê tín. Phải chăng lúc kinh doanh có vấn đề về đạo đức nên sợ bị quả báo.

Bao nhiêu tiền kiếm được, ngoài việc ăn chơi nhảy múa, mua sừng tê giác, rượu mật gấu, đem cất vàng, kim cương, đô la vào két, cho bớt anh em họ hàng, làm nhà thờ thật to, xây mộ cho bố mẹ, ông bà hơn cả lăng vua chúa.

Trong khi đó, làng quê còn đói nghèo, trẻ em không được cắp sách tới trường. Lẽ ra phải đầu tư cho người đang sống và thế hệ tương lai thì các bố ấy mang biếu…người chết. Hay là dân ta thích sống với quá khứ.

Đón xá lỵ (tro xác chết) hơn cả đón tổng thống Bill Clinton. Xây chùa Bái Đính to nhất Đông Nam Á, trong lúc dân quanh vùng chạy ăn từng bữa.

Dân Mỹ làm ngược lại. Họ hay hiến tặng tài sản lớn cho giáo dục, y tế, bảo tàng hoặc những chương trình viện trợ nhân đạo như chống AIDS, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, những thứ rất thiết thực.

Được hưởng thành quả do tiền của hiến tặng, tên tuổi và nhân cách lớn của họ không bao giờ nhân loại quên như Nobel, Smithsonian hay Johns Hopkins.

Làm ra tiền đã khó, tiêu thế nào còn khó hơn, và để lại cho hậu thế, đương thế hay tiền thế cũng là một câu hỏi khó cho những người nhiều tiền tại Việt Nam.

Chúc quí vị vui cuối tuần.

Bài Hiệu Minh. 20-03-2010