Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Tài nguyên thiên nhiên – mua hay bán?



14/04/2009 09:13 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Ai cũng nghĩ, thật hạnh phúc nếu được sống trong một đất nước mà dưới đất toàn vàng bạc, kim cương hay dầu mỏ. Đào lên đem xuất khẩu, thế là đủ sống sung túc suốt đời. Sự thực thì sao? 


>> TKV: "Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết"

Tôi có người bạn, kể cho tôi nghe câu chuyện về một vùng trung du cạnh chùa Bái Đính (Ninh Bình). Từ khi có dự án xây chùa và và con đường du lịch cao tốc đi qua 99 ngọn núi của Hoa Lư, thì dân trong vùng bỗng trở nên bay bổng, như sống trên mây. 

Từ một vùng nghèo, thu nhập không quá 1 đô-la/ngày, giá đất bỗng nhiên lên vùn vụt. Chị của anh chưa bao giờ nhìn thấy cọc tiền 10 triệu trong đời, nên có người mua sào đất (360m2) với giá 36 triệu, liền bán ngay. Thay vì đầu tư cho con đi học thêm, chị sửa nhà, tậu xe máy, 36 triệu kia đi mất tiêu sau vài tháng. 

Chị đang định bán tiếp. Theo đà này, vài năm nữa, nhà ấy chỉ còn vài mét đất mặt tiền. Nhưng tôi tin rằng, chị sẽ vẫn nghèo như xưa. Vì bán đất để tiêu mà không biết đầu tư cho tương lai là căn bệnh chung của người ít học, khó hy vọng trở thành giàu có. 

Giàu tài nguyên là bất cập? 




Nói đâu xa, Việt Nam ta cũng từng tự hào “rừng vàng biển bạc” nhưng đã ai gọi là giàu? (Ảnh: Lovea7cva và photobucket.com) 


Ai cũng nghĩ, thật hạnh phúc nếu được sống trong một đất nước mà dưới đất toàn vàng bạc, kim cương hay dầu mỏ. Đào lên đem xuất khẩu, thế là đủ sống sung túc suốt đời. 

Đáng tiếc, rất nhiều quốc gia có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại không biết sử dụng. Iraq nhiều dầu hỏa nhưng chưa bao giờ thành quốc gia giàu có. Các nước châu Phi nổi tiếng về vàng, kim cương, cao su tự nhiên và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác nhưng đã bao giờ trở thành vùng đất này có thành nơi mơ ước của nhân loại? 

Indonesia có núi đồi hùng vĩ đầy gỗ và muông thú; biển đầy dầu hoả và sản vật với mấy chục nghìn hòn đảo... nhưng nào họ đã giàu có bằng Singapore - nơi chẳng có tài nguyên? Cách đây mấy chục năm, cùng một xuất phát điểm, thậm chí Singapore còn thua Indonesia mấy bậc, mà giờ đây, tình thế hoàn toàn ngược lại. Mấy đời tổng thống Indonesia vẫn chưa khiến đất nước thoát khỏi cái bóng quốc gia “tham nhũng”. 

Nói đâu xa, Việt Nam ta cũng từng tự hào “rừng vàng biển bạc” nhưng đã ai gọi là giàu? 

Như chuyện lấy đất ruộng để xây sân golf, chủ đầu tư thì hứa với nông dân hãy bán đất giá rẻ, rồi sẽ ưu tiên cho vào làm việc. Kết quả, có mấy người được chọn đi tưới cỏ hay làm bảo vệ? Số nông dân thất nghiệp còn lại, biết làm gì khi tiền đã tiêu hết, ruộng vườn đã mất sạch? 

Với nhiều chính phủ ở các quốc gia kém phát triển, tiền thu được từ việc bán tài nguyên thường không được sử dụng cho mục đích giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng hay dạy nghề... nên người dân vẫn sống trong tình thế bế tắc. 

Giống như người nông dân nghèo bất ngờ có hàng trăm triệu, số tiền khổng lồ mà các quốc gia kém phát triển có được nhờ xuất khẩu tài nguyên cũng khó được kiểm soát hữu hiệu. Thất thoát là không thể tránh khỏi. 

Không phải tự nhiên mà các chính quyền tham nhũng độc tài nhất trên thế giới lại thường là các quốc gia có tài nguyên phong phú, để một số người có quyền giàu lên nhanh chóng. Nhưng đó không thể và không phải là phương hướng đi lên của một quốc gia.

"Nguồn tài nguyên kia hãy để dành đó..."




Nước Mỹ giàu hơn nước khác vì bán tài nguyên hay vì chiến lược đi mua để giữ tài nguyên và môi trường sạch? (Ảnh: ngoisao.net)

Mùa hè 2008, khi dừng xe đổ xăng với giá 4.5 đô-la/gallon (3.8 lít) nhiều người Mỹ đã lầm bầm, sao không khai thác dầu gần hai bờ biển Đông Tây mà cứ phải đi nhập của nước ngoài?!

Trong quá khứ, nhiều công ty đã khai thác những chỗ gần bờ nhiều tài nguyên nhất. Hiện có khoảng 4000 giếng dầu ở cả hai bờ Tây và Đông nước Mỹ, vịnh Mexico và vùng hẻo lánh Alaska. 

Do lo sợ ảnh hưởng tới môi trường, vì chiến lược dự trữ quốc gia về dầu hỏa và nhiều yếu tố khác, Chính phủ Mỹ đã cấm mở thêm giếng dầu gần bờ từ năm 1981. Hiện nay trữ lượng khai thác gần bờ cung cấp 1.5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong khi lượng tiêu thụ cả nước là 21 triệu thùng/ngày. 60% xăng tiêu thụ tại Mỹ do nhập khẩu. 

Vì thế, giá dầu thế giới lên xuống cũng làm người Hoa Kỳ điên đầu. Đổ đầy bình cho chiếc xe SUV loại trung mất 50, 60 đô-la thì sẽ có ai đó thầm "nguyền rủa" chính phủ thiếu sáng suốt. 

Lệnh “giới nghiêm” đã hết hiệu lực từ tháng 10/2008. Trữ lượng dầu gần bờ còn lại khoảng 76 tỷ thùng và là miếng mồi ngon cho tất cả các công ty dầu hỏa “cá mập”. Nữ ứng viên Sarah Palin đi tranh cử thường hát “Drill, baby, drill – Khoan đi anh, hãy khoan đi” để "mồi" cử tri rằng, nếu xây thêm giếng dầu thì giá xăng sẽ hạ. Cử tri thích ý tưởng đó thì cô dễ trúng cử. 

Tuy nhiên, người Mỹ rất thực tế và nhìn xa trông rộng. Nếu được môi trường trong sạch, bãi biển mê hồn thì thêm vài cent hay vài chục cent để mua xăng cũng đáng. Nguồn tài nguyên kia để dành đó, hãy đi khai thác hay mua của nước người về dùng tạm. Ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt ở đâu đó trên thế giới nhưng không phải ở Mỹ là được rồi. Ai biết cuộc chiến tranh Iraq là vì nền dân chủ hay vì muốn giá dầu thế giới được kiểm soát bởi Mỹ. 

Lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ đã dạy họ bài học rằng đào của dưới đất lên để mang đi bán thì ngày kia sẽ hết. Họ giàu hơn nước khác vì bán tài nguyên hay vì chiến lược đi mua để giữ tài nguyên và môi trường sạch?

Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tìm cách nhập tài nguyên càng nhiều càng tốt. Những mặt hàng sản xuất gây ô nhiễm thì các "ông lớn" thích được làm ở đâu đó, dù rằng, ngôn từ ngoại giao lại được diễn giải và núp bóng dưới danh nghĩa “cam kết quốc tế, toàn cầu hóa, hội nhập, hai bên cùng có lợi”. 

Vài lời về dự án bô-xít Tây Nguyên 


Đất khai thác bô-xít sau khi hoàn thổ ở Bảo Lộc: Không loại cây nào mọc được ngoài keo tai tượng. Đây chỉ là nơi có quặng bô-xít được đào đi, rồi lấy đất lấp lại, không phải là nơi chứa bùn đỏ. 
Ảnh: Nguyễn Trung

Người viết bài này không phải chuyên gia về môi trường, cũng không hiểu biết lắm về chiến lược an ninh quốc gia, lại càng không phải người có tầm vĩ mô về kinh tế hay hiểu biết văn hoá đến mức thấu đáo. Chưa kể lại còn chưa được đặt chân đến Tây Nguyên lần nào. 

Tuy nhiên, dưới góc độ một người dân bình thường nhưng bước chân đã đi khắp nẻo đường trên trái đất, biết được nơi giàu, kẻ nghèo, tôi lờ mờ hiểu tại sao giữa những quốc gia lại có sự khác biệt và nhân dân lại được hưởng lợi từ chính sách lớn của những nhà lãnh đạo sáng suốt hay cả dân tộc bị lầm than bởi những sai sót chiến lược của người cầm cân nảy mực. 

Thận trọng lắng nghe những thông tin đa chiều về dự án bô-xít Tây Nguyên là cần thiết trong bối cảnh đất nước ta đang muốn đi lên. Nền văn hóa Tây Nguyên có còn tồn tại hay suy vong, người dân tộc nơi đây có được hưởng lợi do khai thác bô-xít hay chính họ bị mất đi nguồn gốc của chính mình, điều đó do các quyết sách lớn hôm nay. 

Tăng dự trữ ngoại tệ hay GDP do xuất khẩu chất xám như người Singapore đang làm là thượng sách. Trung sách là xuất khẩu hàng hóa hay bán sức lao động phổ thông như Philippines, Thái Lan hay Việt Nam ta. Hạ sách là lo xuất khẩu tài nguyên, vừa mất vĩnh viễn những gì thiên nhiên trao tặng, vừa là thảm họa cho đất nước về môi trường và còn tạo ra một lớp người chỉ biết ăn bám vào những gì trời cho. Muốn biết những bài học đắt giá này với học phí thấp, chỉ cần mua vé du lịch châu Phi vài tuần là đủ. 

Chợt nhớ về câu chuyện của người bạn. Rất có thể vài năm nữa, bà chị của anh sẽ ngồi hối tiếc, giá như không bán sào đất kia, có khi mình lại giàu hơn. Chuyện của chị na ná giống chuyện con đại bàng bắt cá. 

Loài chim này thường bay lượn trên cao để tìm mồi. Thấy cá bơi dưới hồ, nó thường lao từ trên cao xuống và dùng móng vuốt cặp chặt con mồi và lôi lên cao. Chương trình Discovery quay được cảnh chú đại bàng bắt con mồi quá to nên không kéo nổi. Khi biết mình không đủ sức, đại bàng định buông ra. Đáng tiếc, móng vuốt đã quặp sâu vào lưng con cá khổng lồ như lưỡi câu có ngạnh. Kết cục, đại bàng bị chính con mồi dìm xuống hồ.  
Hiệu Minh