Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CUỘC CHIẾN

 Tháng tư năm 1975

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Chúng tôi đi lính từ trường ĐHXD ngày 13/9/1972 khi đang là sinh viên năm thứ hai đến năm thứ năm, có anh chỉ còn một học kỳ nữa là làm đồ án tốt nghiệp.
Buồn lắm nhưng biết sao được.
Ngày đó thanh niên được giáo dục như những chàng Kinh Kha đi vào nơi nguy nan đầu không ngoảnh lại .
Thỉnh thoảng còn nghe hát:
Bạn ơi, sau này ai hỏi đến tên tôi
Người thư sinh ấy cánh chim tung trời
Ngày nao khi đất nước hết binh đao.
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu
Trở về thành đô tay nắm tay ta mừng nhau.....
Tháng 1/1973, sau ba tháng huấn luyện, không ai được nghỉ phép mà hành quân trực chỉ ra chiến trường . Một chuyến đi mà không biết thời gian bao lâu, không biết nơi đến và bao giờ trở lại .
Trên đài báo thì bảo rằng đường ra trận mùa này đẹp lắm, nó giống như một cuộc dạo chơi .
Lại còn :
Sức ta là sức thanh niên
Thế ta là thế đứng trên đầu thù.
Tuyên truyền như thế làm cho thanh niên hăm hở đi bộ đội nhưng lợi bất cập hại, khi gặp thực tế gian khổ thì các anh hùng rơm sẽ thất vọng ghê gớm, thậm chí có cảm giác bị lừa . Không có con đường ra trận nào đẹp đẽ cả, giống như một cuộc dạo mát.
Đoàn chúng tôi trong phiên hiệu 2013 di chuyển bằng nhiều phương tiện tàu hỏa, ô tô, sà lan, thuyền máy nhưng chủ yếu là đi bộ dọc tây Trường sơn trên đất Lào xuôi về phía Nam. Khi đó chuẩn bị kí Hiệp định Hòa bình 4 bên ở Paris nên mức độ đánh phá của máy bay cũng giảm. Từng đoàn từng đoàn quân vẫn hành quân tấp nập vào nam .
Ngày đi , đêm nghỉ trải qua bao biến cố đến tháng 9/1973 thì anh em được biên chế về Trung đoàn 207 (E207) ăn Tết 2/9 bên sông Sở thượng tỉnh Kiến phong biên giới Việt nam - Campuchia. Chỗ đóng quân là những chòi bằng lá đơn sơ, bên cạnh là những công sự chiến đấu .
Cách đó chừng 2,3km là đồn của đối phương, ở giữa là chòi Hòa hợp để hàng ngày lính Giải phóng và lính Cộng hòa lên đó gặp gỡ đối thoại vì Hiệp định Paris đã kí, các bên ở đâu đóng đó. Được ít lâu thì xóa bỏ do hai bên tố cáo nhau lấn chiếm đất xé bỏ hiệp định.
Tháng 10/1973 E207 được lệnh xuống đường ( trở về miền nam từ Campuchia) theo ngả Mộc hóa Kiến tường, Long an trên cánh đồng ngập nước đồng tháp mười. Cuộc hành quân của tiểu đoàn 3 (D3 E207) nếu đi trót lọt thì đêm sau đêm sau nữa sẽ đến D2, D1 E207.
Do sơ suất trong việc bảo mật, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án nên cuộc di chuyển bị lộ dẫn đến thất bại nặng nề ngày 3/10/1973 tại ấp Đá biên Thạnh phước Thạnh hóa Long an. Nhiều chiến sỹ hy sinh trong đó có lớp sinh viên vừa được bổ sung tháng trước.
Sau biến cố một số anh em chuyển về E24 , số còn lại E207 rút lên Campuchia chỉnh quân.
Tính đến tháng 4/1975 là nhóm anh em Lính sinh viên nhập ngũ tháng 9/1972 vào lính được hai năm rưỡi và vào thực chiến là một năm rưỡi. Sau đó là các lớp tân binh Hà tây, Thanh hóa , Hải hưng, Nam hà... cứ vài tháng lại bổ sung cho đơn vị đã hao hụt vì hy sinh , bị thương.
Ở vùng E 207 đóng quân là vùng da báo, Quân giải phóng và lính cộng hòa ở xen kẽ nhau, cách vài cây số.
Vùng Giải phóng thì dân không có hoặc thưa thớt, chủ yếu là người làm nông vì ra ngoài thị trấn không có việc họ phải bám đất mà sống.
Việc đi lính trong vùng giải phóng là tự nguyện vì quân giải phóng có nguồn bổ sung to lớn từ miền Bắc vào. Nhưng thanh niên địa phương hoặc trốn quân dich thì phải làm du kích phục vụ dẫn đường, tải đạn, tải thương hay đôi khi làm công tác chính sách với người hy sinh.
Còn nếu ở vùng Chính phủ cộng hòa thì đương nhiên phải đi lính quân dịch theo nghĩa vụ .
Trong cuộc chiến nhiều tranh cãi này không công dân nào có quyền đứng giữa, anh phải ở bên này hoặc bên kia thậm chí ở ngay trong gia đình họ hàng anh em ruột thịt cũng có những hàng rào ngăn cách cay nghiệt về ý thức hệ.
Hàng rào ngăn cách này vô hình nhưng chính nó đã cản trở sự phục hưng của Việt nam dù đã kết thúc chiến tranh gần nửa thế kỷ. Việc san phẳng nó , xóa bỏ nó chắc phải đến tay thế hệ 200x giải quyết để một lần nữa dân tộc Việt vươn lên đứng đầu Đông Nam Á như khẳng định của ngài Thủ tướng Lý Quang Diệu.
E 207 là đơn vị địa phương quân nên việc đánh đấm cũng không như tưởng tượng. Một tiểu đội có 3,4 xuồng ba lá mỗi xuồng ba người ,trung đội có 3,4 tiểu đội, đại đội có 3,4 trung đội biên chế theo kiểu tam tam; đóng quân chui lủi trong dăng cây với các lều lá tạm bợ, hành quân thì vũ khí đạn dược nồi niêu xoong chảo tất cả bỏ lên xuồng mà chèo chống mà thường đi vào ban đêm.
Mùa khô thì tát hay mò cá ngoài sông , mùa nước thì câu cá đặt lợp cải thiện. Thỉnh thoảng đi đánh đồn thì trước khi đi không khí trầm hẳn xuống, không ai được chào ai .Chỉ chào nhau khi sống sót từ cuộc chiến trở về.
Cũng phải thôi , người lính là con người đâu phải là gỗ đá, đâu phải con sâu cái kiến, họ có lúc cứng rắn cũng có lúc mềm oặt như những cây sậy trước gió nhưng đó là những cây sậy biết suy nghĩ.
Ai nấu cơm hôm đó phải hết sức cẩn thận không để cơm cháy nhưng nếu cơm nhão hay sống thì cũng ok. Cơm cháy đen là không tốt, có thể có hy sinh .
Không có lý thuyết nào hướng dẫn mà đều học truyền khẩu từ những người đi trước.
Trở lại tháng 4 năm 1975, cuộc chiến lan rộng ác liệt tin tức truyền về rất nhiều. Quân giải phóng đánh mạnh nhưng quân cộng hòa cũng đánh trả không kém, chúng tôi nghe tin họ ném một loại bom hút sạch ô xy làm chết rất nhiều người ở Xuân lộc về sau mới biết đó là bom CBU. Và đây là lời bình của Lính Sinhviên :
( Lính Sinhviên
Quản trị viên
Quả bom CBU-55 ném xuống Xuân Lộc tháng 4/75 đã làm hy sinh gần hết Tiểu đoàn 2 (tiểu đoàn ông Bùi Ngọc Biểu) của Trung đoàn 4 chúng tôi đấy.
Sy Ba Nguyen )
Nhưng việc thảo luận và bàn bạc nhiều nhất là Mỹ có trở lại không, ai cũng lo lắng Mỹ sẽ trở lại.
Ngày 27 tháng 4 năm 75 đơn vị chúng tôi khi nhận nhiệm vụ vụ đánh chiếm căn cứ bảo vệ cầu Long Định, một cứ điểm để đảm bảo chốt chặn Cần Thơ tiếp viện về Sài Gòn.
Đơn vị chúng tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho trận đánh. Trong các phương tiện truyền thông thường mô tả người chiến sĩ trong chiến đấu thường mang một súng AK mấy băng đạn tả xung hữu đột. Còn đối phương như những con rệp nhút nhát chịu trận
Đánh nhau đâu phải như vậy , cuộc chiến cũng cần phải có cơm ăn, nước uống, thuốc hút, bông băng, cuốc xẻng đào hầm, súng đạn, võng , tăng ,bi đông nước đeo lủng củng quanh người.
Đối phương có lực lượng hậu cần mạnh mẽ , có xe thiết giáp , máy bay , pháo lớn phối hợp. Như vậy cuộc chiến là muôn phần khó khăn, bên này dựa vào sức mạnh vật chất bên kia dựa vào niềm tin ý chí và bên kia tất nhiên thương vong rất lớn.
Hôm đó đó tôi được lệnh cầm khẩu Trung Liên hai càng với 2-300 viên đạn. Buổi tối đơn vị hành quân tiếp cận mục tiêu.
Khoảng 2- 3 giờ sáng thì nổ súng tấn công. Do tình hình chiến trường nói chung, khi tiếng súng nổ thì các đơn vị Cộng Hòa bỏ chạy hết.
Chúng tôi chiếm một cách nhanh chóng . Nhưng đến 5 giờ sáng thì họ phản công lại, bắn rất rát, anh em chúng tôi lạc nhau đâu mất hết cả. Tôi bắn hết đạn và vứt khẩu súng đi để chạy ra ngoài cánh đồng hướng về phía đơn vị .
Chúng tôi lần dưới con mương lấp xấp nước tránh đạn thì gặp một con trâu bị thương nằm ngay trong mương. Bọn tôi tránh con trâu sang trái thì con trâu húc sang trái, tôi tránh sang phải trâu lại húc sang phải. Rất lo lắng vì đạn bắn rất dữ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng vòng qua con trâu đi về căn cứ được với hai tay không.
Trong lúc chạy tôi bị hai vết thương ở chân và ở gáy do đạn bắn thẳng. Sau đó chúng tôi tôi được vận chuyển về phẫu Trung đoàn. Phẫu là mấy cái lán lợp lá trong khu rừng thấp.
Có rất nhiều thương binh bị thương ở các nơi đưa về, tôi thì bị thương nhẹ cũng cần điều trị ngay băng bó và tiêm thuốc, tại đó có một đồng chí thương binh bị viên đạn 12 ly 7 bắn xẹt qua mông làm cho làm cho vết thương to bằng hai bàn tay sâu xuống mông, hàng ngày ngày các bác sĩ phải thay băng và tưới mật ong rừng để sát trùng. Mật ong là một thứ thuốc sát trùng rất tốt .
Có một cô du kích bị thương vào chân phải cắt đến quá đầu gối. Nhưng đến kỳ kinh nguyệt thì cô được đưa xuống một cái đìa ( mương nước ) gần đó để làm vệ sinh .Sau này tôi nghe nói là cô bị hi sinh do nhiễm trùng, thật là đau xót.
Đến sáng 30 tháng 4 tình hình chiến sự tương đối im ắng , thỉnh thoảng cũng có tiếng súng thưa thớt. Đài phát thanh Sài Gòn phát loẹt xoẹt không nghe được rõ.
Nhưng đến 11:00 giờ thì có bản nhạc không lời rồi sau đó tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cho đến bây giờ chúng tôi đánh giá cao quyết định ngưng chiến của ông Dương Văn Minh , khi đã biết nếu tiếp tục đánh mà không thắng lại không kéo dài được thì tốt nhất là ngưng để bảo toàn sinh mạng cho binh lính hai bên.
Cảm ơn người biết quý trọng xương máu đồng bào.
Giải Phóng Rồi.
Sống rồi!
Ngày hôm sau khi cổ còn băng bó vết thương hai chúng tôi ra Quốc lộ 4 vẫy xe đò đi Sài gòn. Xe dừng ngay mời lên và được nhường chỗ tốt nhất cho chúng tôi. Mấy ông già đi xe nói với chúng tôi rằng các anh bây giờ chính là rường cột của đất nước. Ha ha.
Đến Sài Gòn chúng tôi hỏi thăm đường đến Dinh Độc Lập, cánh cổng Dinh bị húc đổ , ngổn ngang quần áo vũ khí túi xách giày dép mũ nón vương vãi khắp nơi trên sân Dinh .
Đứng đó một lát rồi chúng tôi đi xung quanh, buổi chiều đói bụng chúng tôi vào một ngôi trường trường cấp 2 vì thấy có rất nhiều bộ đội miền Bắc mới vào.
Chúng tôi hỏi xin ăn, mấy ông chỉ huy bảo :
-Chúng mày làm gì, Ở đâu?
- Chúng tôi là quân giải phóng.
-Thế quân giải phóng mà ăn mặc thế này à .?
Chúng tôi khi đó quần thì quần nilon đen, áo lin făng, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép nhựa vì chúng tôi là Quân Giải phóng địa phương .
Cuối cùng cùng ông chỉ huy cho một hộp thịt và hai gói mì để hai thằng ra ngoài cổng bảo vệ ngồi ăn rồi tối ngủ lại .
Sáng sớm hôm sau sau chúng tôi chào các anh, ra bến xe miền Tây lại lên xe trở về Phẫu Trung đoàn E207 mặc dù trong túi từ lúc đi đến lúc về không có một xu .
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến và ngày đầu non sông thu về một giải ở vùng cầu Long định trên lộ 4 ( nay là QL 1) gần ngã ba Trung lương, gần căn cứ Đồng tâm của Sư đoàn 7 VNCH, cửa ngõ thành phố Mỹ tho là như thế đó.
Chúng tôi may mắn là người được chứng kiến cuộc bể dâu của đất nước , "mà xem Con Tạo xoay vần đến đâu" ( Nguyễn Du ).
(Ảnh xuồng đi trong đêm trở lại thăm chiến trường xưa)

Đoàn Đức Chính, Tuấn Lương và 143 người khác
72 bình luận
8 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

MIẾNG NGON NHỚ LÂU

MIẾNG NGON NHỚ LÂU

Ngày còn bao cấp tem phiếu , người làm chính sách tiêu chuẩn lương thực thực phẩm cho các ngành nghề, tầng lớp trong xã hội giống như một cái máy. Nó trơ trơ vô cảm trước thực tế sinh động của cuộc sống. 

Làm thày giáo thì tiêu chuẩn lương thực là 13kg gạo /tháng dù hình thể có giống ông Hộ pháp to như thày Năm dạy quân sự hay nhỏ thó như thầy Ánh dạy Trắc địa. 

Còn sinh viên thì 17kg gạo / tháng dù mày như con trâu mộng hay còi như học sinh cấp III. Câu chuyện còn dài và lâm vào sự tắc tị nếu mang ra tranh luận.

Thày cũng như học trò đều lép kẹp cái bụng. Bằng chứng là hồi đó rất ít người béo tốt. Nếu có ai đó mỡ màng chút thì chắc chắn y đã được ra khỏi biên giói kiếm chút thịt cá bơ sữa để có làn da mượt mà như ...da em bé.

Thày giáo chủ nhiệm lớp mình còn chia sẻ: 
 
Vừa mì vừa gạo vừa khoai
Vừa thày vừa chuột mười hai cân tròn
Lại còn cân thiếu cân non
Chia ngày ba bữa hỏi còn là bao?

Mười ba cân chứ sao lại là mười hai. Chỉ mười hai cân thôi vì phải tiết kiệm mỗi người 1kg/ tháng cho ... cho đồng bào Mozambic ??? 

Còn sinh viên trong cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì bữa sáng tự túc có khi là bánh mì, bánh dợm, bánh cuốn, nước chè hay...... nước trắng cầm hơi. Bữa trưa , chiều ăn tại  nhà ăn tập thể. 

Lương thực thực phẩm tùy theo tình hình, có thể là cơm độn ngô, bánh bột mì nặn hấp gọi là nắp hầm, hạt bo bo nấu .... cùng với canh rau lõng bõng, vài miếng thịt bèo nhèo hay cá đồng tiền kho đầy xương tanh lợm, nay không còn thấy trên thị trường.

Đám sinh viên ấy được đào tạo để nghiên cứu khoa học những vi phân, tích phân, đám mây điện tử ... thậm chí cả qui luật sự vận động của vật chất của xã hôi , toàn những vấn đề cao siêu to tát cả. 

Lũ học trò "mải mê học quên sớm trưa" với lí tưởng cao xa cùng ba Dòng thác cách mạng trên thế giới, phát động các phong trào nghiên cứu khoa học xây dựng quê hương  giàu đẹp sánh vai các cường quốc năm châu.
 
Họ không có thời gian thắc mắc, nhắc nhở đến bữa ăn với những thứ vật chất tầm thường ấy bao giờ. 

Thật ra, những lúc đêm đông gió thổi lạnh lẽo, cuộn mình trong tấm chăn mỏng dưới mái nhà tranh vách đất trằn trọc không ngủ được hay khi thức đêm làm đồ án, ôn thi thì cái bụng bất trị nó không tuân theo lí trí nữa, cứ réo sôi ào ào.

Ai cũng suy nghĩ như ai, tập hợp thành từng nhóm kiếm cái gì bỏ bụng đã. Ai có mì nấu mì, ai có gạo nấu gạo. Không có mì, không có gạo thì nghiên cứu vật chất có trước hay ý thức có trước.

Không có củi thì dỡ các "kết cấu thừa" của kí túc xá. Không có xoong nồi thì mì hay gạo đều nấu bằng chậu rửa mặt. Mì nấu nước sôi một tí là xong. Nấu cơm thì lâu hơn, không có vung phải sáng tạo, đậy bằng giấy lên trên khi nước bắt đầu cạn. Vậy mà gạo cũng thành cơm.

Đói ăn ngói cũng bùi. Hai món chủ lực ấy khi chín tới đều ăn với muối trắng, nhưng sao nó ngon ngọt quá thể. Có khi mì, cơm còn nóng hôi hổi đã nghe vét nồi quèn quẹt. .

Rồi một hôm mấy cậu thì thào có mì, có thịt lợn, có cả hành lá, cà chua . Không biết chúng kiếm đâu ra, thế là nhấm nháy gọi  nhau ra nhà thằng N ở Gò Héo nấu mì ăn, tiện thể mời luôn thày H ở Bộ môn Sức bền vật liệu, thày háo hức đồng ý liền.

Trong khó khăn đói kém công nhận thày trò cũng ít xa cách hơn, rất gần gũi cảm thông.   

Nồi mì chẳng bao lâu đã nấu xong, mở vung ra bốc hơi nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt. Màu đỏ cà chua, màu xanh hành lá chen lẫn những miếng thịt thái nhỏ váng mỡ li ti nổi bật trên màu trắng ngà của mì sợi, thật là hấp dẫn.

Đúng là một bữa tiệc, thày trò ngồi xung quanh chuyện trò sôi nổi chén mì có thịt một cách say sưa.  

Bỗng một trò nói :

- Mì nấu với cà chua thịt ngon quá thầy nhỉ? 

Thày trả lời

- Thịt nấu với rơm còn ngon nữa là nấu với mì !!!.

Bây giờ có thể các con cháu chúng ta ngạc nhiên với câu trả lời của thày giáo nhưng tại thời điểm đó là hoàn toàn chính xác cùng với những tràng cười vui vẻ.  

 Chuyện thật, không nói sai tẹo nào. .

Sau này ra công tác trong điều kiện đổi mới tư duy thị trường, các kĩ sư cũng được thưởng thức những bữa tiệc sang trọng sơn hào hải vị, rượu thịt ê hề.

Nhưng miếng ngon nhớ lâu, chúng tôi làm sao quên được cái nồi mì thịt đơn sơ mà thấm đẫm tình thày trò, bè bạn trong sáng vô tư ở đất HƯƠNG CANH.

Một thời để nhớ.


NBS 
10/2021

Ảnh : Nấu mì, nấu sắn, nấu khoai.