Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

HUYẾT THANH CHỮA RẮN CHỮA RẮN CẮN HAY HUYẾT THANH LÒNG NGƯỜI


HUYẾT THANH CHỮA RẮN CẮN 
HAY HUYẾT THANH LÒNG NGƯỜI


Trên kênh Discoverry của Mỹ có chiếu cuộc nghiên cứu về rắn độc tại Việt nam do một vài nhà khoa học Mỹ thực hiện.

Đề tài nghiên cứu rắn độc ở nhiều quốc gia trong đó có Việt nam nhằm tìm ra loại huyết thanh hữu hiệu cấp cứu cho các nạn nhân bị rắn độc cắn.


Phim chiếu cảnh đoàn đi thực địa tại làng nổi tiếng phía Bắc Việt nam chuyên săn bắt rắn là làng Lệ Mật Gia lâm Hà nội. Ai từng đến đây đều được giới thiệu các món ăn từ rắn, con rắn được khách hàng lựa chọn tại chuồng sẽ nhanh chóng biến thành các đĩa thức ăn sau vài chục phút chờ đợi.

Món đầu tiên thường là tiết rắn, mật rắn pha rượu để khai vị. Kế đến là trái tim rắn hồng hồng còn thoi thóp đập trên chiếc đĩa sứ, đưa ra để vị nào quyền cao chức trọng nhất đám thực khách bỏ vào mồm nuốt tươi. Nhiều người sợ hãi nhìn cách ẩm thực sơ khai nhưng cũng có nhiều vị lòng thầm ao ước khi nào thì đến lượt mình !!!

Cùng với đó là những lời tán dương về hiệu quả cho sức khỏe từ tiết, mật, thịt …rắn. Giá cả thì trên giời dưới bể cho nên đám bình dân ít khi bén mảng. Các tay chủ hay đầu bếp thường khoe tay chân mình chi chit sẹo do rắn cắn với vẻ tự hào.

Xung quanh nhà có nhiều chuồng nhốt rắn, múi tanh lợm. Có cả các con vật bắt được từ thiên nhiên như nhím, rùa, tê tê, kỳ đà, vịt giời …vv. Tất cả đều có thể đưa lên bàn nhậu.

Với người Việt mới nổi có chút đồng tiền hơn người, đây là nơi thể hiện đẳng cấp sành điệu, với các nước văn minh thì lại là sự tệ hại, là phá hoại thiên nhiên làm mất cân bằng sinh thái.


Quay trở lại bộ phim, các nhà khoa học theo chân một bác nông dân ra đồng cùng cái thuổng trên vai. Bác ngó ngó nghiêng nghiêng nhìn bờ tre, bờ ruộng. Các nhà khoa học nhìn theo, họ chỉ thấy đất nhưng bác nông dân lại thấy đâu là đường đi của rắn. Bác quả quyết hang nào có hay không có rắn trú ngụ, gần như trúng phóc.

Bằng động tác thành thục đào đào bới bới bác bắt rắn trong tổ nhẹ nhàng. Trong số rắn thu được có con rắn cực độc, đoàn ngỏ ý mua phục vụ nghiên cứu khoa học.Bác ra giá 200 USD, họ chê đắt không mua. Đừng tưởng họ nhiều tiền, họ cũng cân nhắc món hàng như các bà nội trợ nhà ta vậy.

Đoàn làm phim chia tay Lệ Mật đến khoa chống độc Bệnh viện Bạch mai Hà nội là nơi có nhiều kinh nghiệm cấp cứu chữa trị cho các bệnh nhân bị rắn cắn ở miền Bắc Việt nam.

Đoàn trao đỏi với các giáo sư bác sỹ của viện về chuyên môn. Chủ nhà giới thiệu với khách là đang điều trị cho bệnh nhân người Yên bái Sơn la gì đó bị rắn cắn. 

Anh ta người tím tái toàn thân, do bị một loài rắn độc chưa xác định được cắn. Vì vậy các thứ thuốc của Bạch mai không có tác dụng. Bệnh nhân có lẽ khó qua khỏi trong một vài ngày tới.

Nếu như suy nghĩ thông thường, các nhà khoa học có thể chia sẻ, thông cảm với các đồng nghiệp Việt nam, cho vài ý kiến tư vấn và ra về.

Nhưng họ đâu có tầm thường như vậy, Jackson hỏi ở đây có loại huyết thanh…này không?. Bác sỹ Bạch mai lắc đầu ngao ngán. Suy nghĩ trong giây lát người đồng nghiệp Mỹ nói:

-Tôi sẽ cố gắng cấp cho các anh trong vòng 24 giờ nữa.

Ông lập tức liên lạc với bạn bè ở Băng kok, phía bên kia trả lời sẽ gửi thuốc theo chuyến bay Băng kok -  Hà nội khoảng 21 giờ tối hôm sau hạ cánh ở Nội bài. Lúc này đã gần 16 giờ chiều, đoàn khoa học chia tay với niềm hy vọng.

Ngày hôm sau họ đi một vài địa điểm nữa, và trở về nhà sớm. Đến 19 giờ tối Jackson yêu cầu xe đi Nội bài. 

Đứng ở sảnh chờ với vẻ sốt ruột, rất may chuyến bay hạ cánh đúng giờ. Anh sung sướng đón hộp thuốc từ người chuyển, lập tức quay xe trực chỉ bệnh viện Bạch mai.

Tới bệnh viện là 22 giờ đêm, Jackson mang thuốc cho bác sỹ trực, dặn dò chu đáo cách thức sử dụng và yêu cầu làm ngay trong đêm. Khi trở về phòng thì đã quá 0 giờ.

Chừng một tuần sau anh và đoàn quay lại Bạch mai, các bác sỹ vui vẻ đón anh đưa đến giường bệnh nhân. Anh bị rắn cắn đã mở mắt nhưng không nói được. Tay chân động đậy, anh ra hiệu người nhà đưa anh bút giấy và lóng ngóng viết lên hai chữ THANK YOU đưa cho Jackson.

Những nhà khoa học Mỹ chắc không ai đi theo Đạo Phật nhưng họ đã làm như lời Phật dạy:

Dẫu xây chín bậc phù đồ.
Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Khoa học hay cái gì đi nữa chỉ có ý nghĩa khi mục đích của nó là phục vụ Con người và bảo toàn thiên nhiên.

Một bài học ngắn gọn về tình người, còn hơn vạn lời rao giảng rỗng tuếch ba hoa .



NBS
Hà nội 20-5-2013


Y học cổ truyền trong xử lý cấp cứu và điều trị đột quỵ



( Lương y Võ Hà )

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay ở khắp nơi trên thế giới. Theo số liệu gần đây, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và hơn 100.000 người tử vong. Trong khi “thời gian vàng” là yếu tố quan trọng trong chữa trị đột quỵ và việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tPA vẫn còn khá hiếm hoi thì vẫn có những trường hợp người bệnh đã vượt qua được cơn đột quỵ nguy hiểm bằng biện pháp dân gian chích lể.

“Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ

Với trình độ phát triển của y học hiện nay, các chuyên gia tim mạch cho biết những trường hợp đột quỵ có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được đưa đến cơ sở y tế trong vòng 3 giờ đầu tiên. Khoảng thời gian này ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá thường được gọi là “thời gian vàng”. Sau thời gian này, đột quỵ dễ gây ra những tổn thương não không thể phục hồi, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời.

Gần đây, một vài bệnh viện lớn tại Việt Nam đã ứng dụng thành công kỹ thuật “bơm thuốc qua đường động mạch”, thuốc tiêu sợi huyết được bơm trực tiếp trực tiếp đến cục huyết khối qua một ống dẫn từ động mạch đùi. Phương pháp mới này được dùng trong một số trường hợp chống chỉ định với điều trị tiêu sợi huyết đường truyền tĩnh mạch, lượng thuốc dùng sẽ được tiết kiệm hơn, đặc biệt có thể kéo dài “thời gian vàng” đến 6 giờ thay vì 3 giờ.

3 dấu hiệu nhận dạng đột quỵ bằng phương pháp STR:

Smile: Hãy thử mỉm cười. Người đó không thể mỉm cười được.

Talk: Yêu cầu người đó nói một câu đơn giản, ví dụ: “Hôm nay trời đẹp”. Người đó không thể nói hoặc nói ngọng, nói không tròn tiếng.

Raise: Hãy yêu cầu người đó nâng hai cánh tay hoặc hai bàn tay lên. Người đó không thể nâng hai cánh tay, yếu hoặc liệt hẳn một bên.

Tại TP. HCM, có thể đưa bệnh nhân đến ngay Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Cấp cứu Trưng Vương, BV 175, BV An Bình… Việc đưa bệnh nhân đến các phòng khám hoặc các bệnh viện đa khoa thông thường chỉ làm chậm trễ, vuột mất “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ.

Ngoài ra xử lý sơ cứu theo Y học cổ truyền bằng cách chích lể và nặn máu ra từ 10 đầu ngón tay của bệnh nhân có cần thiết hay không vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi. Thật ra, những thao tác cấp thời, đơn giản và rất kinh tế này chỉ tốn không quá 5 phút, thậm chí có thể thực hành  trong khi người bệnh đã được đưa lên xe cấp cứu.

 Dù không chữa khỏi tất cả mọi trường hợp, với tác dụng giải phong, hóa ứ, kích hoạt lưu thông khí huyết, cách cấp cứu này cũng có thể giảm bớt nguy cơ trong khi bệnh nhân chờ đợi để được chẩn đoán chuyên sâu.

Chích lể cấp cứu đột quỵ

Chích lể là một liệu pháp đã được sử dụng tại nhiều nước Châu Á từ hàng ngàn năm về trước để chữa nhiều loại bệnh, nhất là các chứng có ứ huyết như đột quỵ. Những đầu ngón tay là vị trí của Thập tuyên huyệt, nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh rất nhạy cảm. Theo thuyết phản xạ thần kinh cũng như thuyết toàn đồ, đầu ngón tay tương ứng với phần đầu của cơ thể và đỉnh nhọn của ngón tay tương ứng với huyệt Bách hội ở đỉnh đầu. 

Ngoài ra động tác chích lể lại có tính “tả” và kích thích rất mạnh. Do đó, động tác chích lể các đầu ngón tay là biện pháp đặc hiệu để kích thích tinh thần và khu phong hóa ứ ở khu vực đầu cũng như não bộ. Động tác này vừa có thể ngăn chặn hoặc phục hồi não từ tình trạng hôn mê, lại vừa có thể loại bỏ tức thời yếu tố “phong”, nguyên nhân trực tiếp gây ra tai biến. 

Mặt khác, tác động vào các đầu ngón tay cũng là gián tiếp tác động vào huyệt Bách hội nên có ý nghĩa kích hoạt sự thăng giáng của các đường kinh dẫn đến thông kinh hoạt lạc, tiêu trệ hóa ứ, giúp giải quyết việc ứ huyết và điều hòa kinh khí toàn thân.

Thực hành:

Đặt bệnh nhân nằm xuống nhẹ nhàng ở tư thế đầu nằm nghiêng, đầu hơi nâng nhẹ. Lau đờm, dãi và tháo bỏ các vật trong miệng như: thức ăn, răng giả… để làm thông thoáng đường thở. Tránh tối đa việc xê dịch người bệnh để không làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết.

Tìm ngay một cây kim khâu, hơ đầu kim trên lửa để sát trùng. Lần lượt chích lể 10 đầu ngón tay của người bệnh. Dùng bàn tay trái giữ lấy lóng cuối chỗ gần đầu ngón tay của người bệnh, dùng 3 ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải cầm kim chích nhanh vào chỗ cao nhất của đầu ngón tay người bệnh. Rút kim ra và nặn nhẹ từ chỗ đã chích ra một hay hai giọt máu. Lần lượt chích và nặn máu cả 10 đầu ngón tay.

Nếu miệng hoặc mắt người bệnh lệch sang một bên, hãy chích lể thêm hai huyệt Nhĩ tiêm ở chỗ cao nhất của vành tai. Dùng bàn tay trái bóp nhẹ vào phần trên của vành tai của người bệnh và chích vào chỗ cao nhất của vành tai. Nặn ra một vài giọt máu. Một số người đã chích lễ dái tai thay cho huyệt Nhĩ tiêm với cùng công dụng.

Đến đây, chúng ta có thể an tâm chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm soát và chăm sóc các bước tiếp theo. Vấn đề còn lại là tuân thủ chế độ sinh hoạt, ăn uống và luyện tập hợp lý để tăng cường sức đề kháng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tái đột quỵ như cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, béo phì, tiểu đường, stress…
(
Theo Kiến thức ngày nay)