Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA MỘT THỜI CHƯA XA.

 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA MỘT THỜI CHƯA XA.

Nguyễn Bá Sỹ CCB C2 D74 F 304 B
Tháng 9-1972, Chúng tôi những sinh viên của trường Đại hoc Xây dưng vừa qua kỳ nghỉ hè tập trung lên trường vào năm học mới. Thời kỳ này cuộc chiến tại miền nam Việt nam đang hết sức quyết liệt. Hai bên huy động sức người sức của vào những trận chiến cuối cùng.
Trước đấy vào tháng 5-1972 cũng vài trăm sinh viên thày giáo ĐHXD, Mỏ địa chất, Thông tin, Bách khoa nhập ngũ vào Quảng trị trong Mùa hè đỏ lửa. Tin tức bay về thưa thớt, lành ít dữ nhiều. Không khí ở Ký túc xá trầm hẳn lại.
Lệnh Tổng động viên được ban ra nhưng cũng chả ai biết, chỉ thấy các trường đại học thầy trò buông sách bút trở thành bộ đội đông như trảy hội. Một khẩu hiệu đưa ra “ Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ “.
Một nghệ thuật động viên siêu hạng.
Vào lúc trời đất còn nghiêng ngả, con người cũng ngả nghiêng theo vận động của con tạo xoay vần.
Ngày 10-9-1972 máy bay Mỹ ném bom Trường ĐHXD ở Hương canh, thiệt hại khá lớn. Vợ thày hiệu trưởng Nguyễn Sanh Dạn trúng bom, khoa Mác –Lê gần như xóa sổ. Hiện nay vẫn còn Bia căm thù ghi lại dấu tích này: biểu tượng cuốn sách tung tóe từng trang nhưng khí thế học tập xây dưng vẫn vươn lên trong mọi hòan cảnh.
Ngày 13-9-1972 hơn một trăm anh em sinh viên ĐHXD từ khóa 13 đến khóa 16 nhập ngũ tập kết tại một làng ven sông Hồng, khám sức khỏe lại nhận quân trang rồi hành quần trong đêm qua Kim Anh, Sóc sơn, phố Nỉ, phố Thắng … biên chế vào D 74 F304 B Quân khu Việt bắc tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình tỉnh Bắc Thái cũ nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Chuyển đời sống sinh viên sang lính quả là rất nhiều khó khăn. Ngày đó sinh viên ăn 18 đồng+17kg gạo/tháng đói vàng cả mắt , vào bộ đội ăn 21đ+21kg gạo/tháng ngày 3 bữa cơm cũng tạm no bụng nhưng tập tành lăn lê bò toài ....không lúc nào ngưng nghỉ.
Về thông tin với gia đình thì lúc đó chỉ bằng thư viết tay một tháng cho 2 con tem quân đội miễn phí, ý là cho cậu một bức gửi cha mẹ, bức còn lại gửỉ vợ hay người yêu. Điện thoại bàn chỉ có ở các cơ quan nhà nước lớn cá nhân thì không có, di động lại càng không. Mình còn nhớ điện thoại cơ quan của ông Tổng thư ký Hội nghệ sỹ tạo hình cạnh nhà chỉ có 4 số là 5508, ông hay nói trẹo ra “ năm năm không tắm “.
Khi giải phóng miền Nam vào tiếp quản cơ sở của chính quyền cũ, một anh chiến sỹ thông tin gọi mình bảo:
- Sỹ ơi trong này ngưới ta có điện thoai hay lắm, muốn gọi số nào thì ấn vào đó quay quay ??
- …???
Chiến sỹ thông tin thì chỉ biết quay như maniven để liên lạc hữu tuyến chứ có nhìn thấy điện thoại bao giờ.
Vào khoảng 1968 hay 1969 phi hành gia Neil Amstrong người Mỹ đặt chân lên mặt trăng trong tay ông đã có chiếc điện thoại di động để liên lạc với trái đất. Tuy còn thô sơ hơn những chiếc di động của mỗi người bây giờ nhưng so với chúng ta họ đã vượt một khoảng cách rất xa.
Sau mấy tháng huấn luyện , suất ăn 7 hào rồi 9 hào và 1.2đồng/ngày. Ai cũng cảm thấy chuẩn bị có cái gì đấy. Vào một đêm tháng 12/1972 tối trời, tất cả được lệnh hành quân hướng lên rừng Hợp tiến. Thời gian này Mỹ đánh phá miền Bắc hết sức ác liệt, những ngày hành quân trong rừng thì nghe tin B52 đánh Hà Nội , Hải Phòng và nhiều nơi khác.
Một nỗi lo thấp thoáng đâu đó trong mỗi người khi nghĩ về gia đình nhưng đành chịu không thể nào liên lạc được.
Rồi cuộc đánh phá cũng phải ngừng, thời gian huấn luyện 3 tháng đã hết, chúng tôi không quay về Dương thành mà thẳng tiến ra ga Lương sơn nhận quân trang mới tinh lên tàu hỏa vào miền Nam.
Đi B, hai tiếng làm xao động bao người, lo lắng bồn chồn hồ hởi lạc quan…... các tâm trạng lẫn lộn nhưng mong muốn lớn nhất lúc bấy giờ là làm sao liên lạc được với bạn bè người thân để báo rằng Con chuẩn bị đi B, nhưng hầu như tất cả đều bất lực.
Chuyến đi vô định không gian thời gian, không rõ ngày trở về. Nhưng chúng tôi không thể dừng lại, đời cứ cuốn đi, cuộc chiến cứ lôi đi.
Khi tàu về đến Yên Viên mọi người xuống hành quân bộ mới biết rằng cầu Đuống, cầu Long biên đã bị đánh sập.
Công nghệ bom lade đã đánh trúng và làm gục hàng chục cầu trên con đường huyết mạch vào Nam. Đoàn quân qua cầu Đuống trên những tấm ván bắc tạm nhìn dòng nước đỏ cuồn cuộn dưới chân, rồi vượt sông Hông bằng cầu phao đi lên bến Chương Dương Hàng vôi.
Không ai bảo ai đều viết vài chữ “ Con đã đi B “ vào một mảnh giấy và dúi vào tay bất cứ ai gần nhà mình, khi lên quán bia hơi Hàng vôi mấy anh bạn cũng làm như thế; không một chút thờ ơ, người khách đang uống những vại bia lạnh đầy bọt và bảo với người uống cùng rằng:
- Thôi anh em mnh uống nhanh còn mang thư báo cho gia đình chúng nó biết.
- Cảm ơn anh.
Một hành động nhắc lại mà gần 50 năm rồi vẫn rưng rưng nước mắt. Không ai thờ ơ với người lính ra trận. Bao giờ xã hội mình tìm lại được thời gian trong mơ như thế, chắc còn lâu lâu đấy.
Cuộc hành quân tránh các phố đông người, các cặp mắt ngấn lệ dõi theo đầy thông cảm. Mảnh giấy vẫn đưa cho bất cứ ai đều được nhận vô điều kiện.
Khi đi đến ga Hàng Cỏ thì thấy tòa nhà chính bị bom đánh sập, việc dọn dẹp chưa xong, không khí chiến tranh chiều cuối năm nặng nề.
Cuộc chiến 12 ngày đêm Bệnh viện Bạch mai ga Hàng Cỏ bị trúng bom
Các chiến sỹ đi qua tòa nhà sập vào ga lên tàu. Kỳ diệu thay, một số gia đình đã nhận đươc thông tin tức tốc đến ga để đưa tiễn con em mỗi lúc một đông. Trên sân ga các cuộc chia tay lưu luyến cảm động.
Tàu chầm chậm rời ga, các mảnh giấy tiếp tục được vứt xuống đường, tôi nhìn thấy một vài bà mẹ già cứ hai tay vái vái đoàn tàu lao về phía Nam, chắc con của bà cũng đang ở trong ấy.
Tàu đến ga Thường tín, chúng tôi vào trạm giao liên đầu tiên trên con đường thiên lý. Các gia đình nhận được tin sau vẫn tiếp tục vào trạm để chia tay. Bố mẹ, các anh tôi cũng nhận được tin và đến trạm kịp thời ăn với tôi một bữa trước khi tôi lên đường.
Sau này khi trở về trường học tiếp nghe anh tôi bảo lúc xe chuyển bánh vô nam thì ông bố tôi bảo : "Thôi tao mất thằng con này rồi."
Nhưng may mắn thay nhờ Hồng phúc Tiên tổ , tôi đã trở về.
Bao nhiêu năm trôi qua nhưng trong tôi không bao giờ quên những người đưa tin vô tư trong sáng vì tình người.
Đó là CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA MỘT THỜI CHƯA XA.
Vinh Trần Khánh, Tuấn Lương và 67 người khác
41 bình luận
1 lượt chia sẻ