Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chuyện phiếm về Đại học Xây dựng




Trải qua mấy chục năm công tác, ngày xưa gọi chữ kêu là “thoát ly”, mình nhận được đồng tiền đầu tiên của nhà nước vào tháng 10/1971 là 18 đồng một tháng, đây là khoản học bổng phát cho tất cả các sinh viên trúng tuyển vào trường Đại học.

Khi đó anh đã là người nhà nước có sổ gạo định xuất 18kg lương thực/ tháng, tem phiếu thực phẩm, phiếu vải 4 hoặc 5 m/ một năm để may một bộ quần áo và đồ lót.

Đã là sinh viên đều phải cắt hộ khẩu về trường, ăn ở nội trú. Ăn thì bếp nhà trường nấu, tuổi ăn tuổi lớn suất ăn không đủ no nhiều chú sinh viên la cà với các chị nhà bếp thỉnh thoảng được thêm chút cơm, miếng cháy cũng đã tự hào lắm lắm. Gặp chị nào máu có khi còn được ấy nữa, vì không bao giờ có bữa ăn miễn phí.

Có cậu sinh viên chuẩn bị ra trường thì chị nhà bếp mang cái bụng lùm lùm lên Ban Giám hiệu để làm cho rõ. Khuôn mặt hớn hở vì cái dạ dày phình to hơn lũ bạn hôm nào bỗng đổi màu xám ngoét.

Điều kiện đưa ra là nếu xác nhận là chính chủ của tác phẩm, cưới xin đầy đủ thì trở thành kỹ sư, nếu không nhà trường sẽ giữ hộ tấm bằng nhé. Có nhẽ chú ấy cũng tự hỏi không biết mình có phải là đấng sinh thành của cái hình hài bé bỏng đó không nữa. Một cái giá quá tệ.

Chỉ có bà Mẹ của bé mới có thể biết chắc chắn bí mật kia và mãn nguyện vì cuộc xe duyên thành công với giá rẻ bất ngờ, chỉ có ít lương thực của chính các cô cậu sinh viên chứ cũng không phải của mình.

Hồi đó đang có chiến tranh, trường Đại học phải sơ tán về các miền quê. Tháp ngà học hành đến cũng làm làng xóm bớt heo hút, quán xá mọc ra phục vụ sinh viên.

Ở lớp mình có cậu H. rất đẹp trai ra quán ăn bánh rán không mất tiền vì cô con bà chủ khoái cậu ra mặt. Ăn mãi một mình cũng chán H còn rủ thêm bạn bè đến chén. Buôn bán lờ lãi bao nhiêu, may không mất nước như Mỵ Châu nhưng cái quán cũng có ngày xập tiệm vì cô gái rượu “dại giai”.

Không đẹp trai hay tán giỏi mà để có cái ăn thêm thì có cậu sinh viên dùng tài vẽ vậy. Mỗi tháng nhà ăn phát đến từng người phiếu ăn hàng ngày, phiếu ăn in roneo nhòe nhoẹt. Vẽ tiền còn khó chứ vẽ phiếu ăn giá trị như tiền lại là chuyện nhỏ đối với một sinh viên kiến trúc.

Thế là bữa nào cậu cũng no nê, lại còn hỗ trợ các bạn nữa. Nhà ăn mỗi bữa lại thiếu vài xuất, một mất mười ngờ nội bộ họp lên xuống vắt óc tìm nguyên nhân. Ở đơì có cái gì mà qua mắt nhân dân được, sự việc bị bại lộ. Nhà ăn bắt quả tang vé giả, Ban Giám hiệu triệu tập lên cho là ….trục xuất một kiến trúc sư tương lai có tài về quê.

Khi đã ra trường các ban cũ gặp nhau trò chụyên về thuở hàn vi có nhắc đến anh bạn này, thì ra anh vẫn là người thành đạt nhờ xã hội đổi mới. Nếu còn bao cấp chắc chú khó mà ngóc đầu lên được. Cuộc sống sẽ luôn dành một chỗ tốt cho người có ý chí.

Xung quanh chuyện ăn uống của đám sinh viên có bao nhiêu đề tài đáng viết. Chuyện học hành đương nhiên là quan trọng nhưng nghiên cứu triết học, khoa học với một cái bụng rỗng thì lấy đâu cảm hứng mê say. 

Nhà văn cỡ Nam Cao mà có mỏ nguyên liệu này thì nhiều kiệt tác ra đời còn hấp dẫn hơn cả “ Chuyện trẻ em không được ăn thịt chó”…chứ lỵ.

Ngẫm ra nhân cách con người dễ bị cách ly ra khỏi bộ ruột rỗng tuếch.

Sách học cũng lên thư viện mượn không phải mua. Nghĩ mà sướng, nhưng là của chung khó mà gìn giữ cẩn thận. Người mượn trước viết bậy lung tung, có trang quan trọng bị xé làm phao rồi. Thành ra có mà như không.

 Ai nhà ở gần phải làm đơn xin ở ngoại trú. Như vậy cái ăn cái ở chính phủ đã lo cho rồi, cha mẹ chỉ phải cho tiền tiêu vặt, mua bút vở viết, quần áo ( tất nhiên ) nên cũng đỡ rất nhiều cho các gia đình có con vào Đại học.

Mới đầu quân vào trường ĐHXD tưởng được đến những tòa  nhà cao rộng, lúc nhập học thì hội trường lớn, giảng đường, ký túc xá đều là những căn nhà đơn sơ tường đất lợp lá mía??. Mà ngạc nhiên hơn các nhà đó đều do sinh viên tự làm lấy mà học mà ở.

Ở ký túc xá, anh em thành phố mang thêm mỳ sợi, nông thôn mang gạo để nấu ăn thêm. Nồi niêu chẳng có, lấy chậu rửa mặt mà đun, nấu cơm thì đậy bằng giấy. Củi thì tìm các “ Kết cấu thừa” của nhà, hay giát giường gửi ông bà Hỏa.

Hồi đó ai cũng nghèo, cái nghèo đại đồng. Cũng có nhà giầu khá giả nhưng hiếm, có của ăn của để nhưng phải dấu dấu giếm giếm.

Với cuộc sống chung như thế nhận học bổng là quá quý hóa, đổi lại học xong nhà trường hoàn toàn có quyền phân công công tác. Các vị trí “ thơm”, ở thành phố…. thường được phân cho các quan hệ con em lãnh đạo bây giờ gọi là các Thái tử. Sinh viên thường thì cầm quyết định đến nơi công tác phó mặc vận trời. Chống lại quyết định tội cũng to phải bồi thường tiền đào tạo, đuổi về quê.

Thời gian này vào được Đại học cũng khó khăn như đường lên vũ trụ. Dân gian có câu mô tả chính xác tình hình :

Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười thằng leo tới chin thằng rơi

Số học sinh vượt Vũ môn rất ít nên vào được Đại học thì đúng là những trò học khá giỏi thực sự. Tuy nhiên đó cũng là niềm tự hào của gia đình và bản thân chú sinh viên với xung quanh.

Do đó học hành của mỗi người rất tự giác, phong trào học tập nghiên cứu khoa học lúc sôi nổi, lúc trầm trầm nhưng thường xuyên.

Các cá nhân hết sức cố gằng để bằng anh bằng em. Tất nhiên cũng có người lười hang ngày nhưng đến kỳ thi thì học quên cả thời gian.

Đến kỳ thi, mỗi người một bàn, bốc mỗi người một đề làm khoảng 30-45’ khi gọi đến tên thì lên trình bày cách giải với hai ông thày gọi là thi vấn đáp.

Nếu làm được thày hỏi trò hiểu và trả lời trôi chảy thì OK. Nếu bí thì cũng nhấm nháy cho các bạn bên ngoài trát phao thi, có thể làm đúng nhưng thày hỏi mà ú ớ không hiểu thì cũng có thể xin mời anh thi lại.

Vì thế theo chủ quan của tôi cách đào tạo này rất hay, kỹ sư ra trường thường có chất lượng cao. Những năm về sau người ta lại bỏ không dùng nữa chẳng hiểu tại sao.

Nói đến đào tạo thì phải tìm người khá giỏi mà dạy, thực tế có khi ngược lại. Những năm đó ngoài thi đại học đại trà thì vẫn có lứa tuyển chọn “đủ tiêu chuẩn” đóng mác QR để thi đại học mà học ở nước ngoài. Chả thế mà người ta nói với nhau rằng dắt một con bò sang Tây thì lúc về sẽ có một PTS. Cái này cũng hơi quá nhưng không có lửa làm sao có khói.

Hồi kháng chiến chống Pháp các vị trí chỉ huy từ đại đội trở lên thường là các chiến binh có học. Chống Mỹ thì có khi vị chỉ huy là anh nông dân học lớp 4 chưa đọc thông viết thạo. Sắp giải phóng miền Nam 1975, trung đoàn E207 lấy một số bộ đội đi học tên lửa ở Liên xô chọn ở tiểu đoàn tôi anh bạn tên Q dân Hà Tây. Lên đến nơi Q nói em mới học hết lớp 6, xin về quê chứ biết gì mà học tên lửa!!! Cùng một đất nước, hai giai đoạn hai cách dùng người.

Đất nước ta không khỏi tự hào khi nhắc đến lớp trí thức được đào tạo từ chế độ cũ theo Cụ Hồ những năm còn trứng nước đã làm rạng danh đất Việt. Và chúng ta cũng không tự hào lắm với những danh hiệu TS, PTS gần đây, bằng chứng là xã hội cũng có thái độ dửng dưng với những ông nghè “cũng cờ cũng biển cũng cân đai’. 

Nói vậy cũng phải xin lỗi các vị học thật giỏi thật có công trình có ích phục vụ xã hội, nhưng chắc chắn một bộ phận không nhỏ chưa xứng danh với cái mác đẹp đẽ kia.

Nói quá thành ra tiêu cực nhưng luôn hy vọng rằng mai ngày không xa, dân tộc ta sẽ hòa chung dòng chảy của thế giới văn minh mà tìm đến một chân trời tươi sáng.

Hà nội, tháng 5/2013