Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Tính chất tiểu nông

Tính chất tiểu nông
09:08-17/03/2009


Việt Nam gia nhập WTO rồi mà sức cạnh tranh kém là do kinh tế nước mình còn mang tính chất “tiểu nông”; xã hội Việt Nam nhếch nhác vì còn nhiều “dư lượng” của văn hóa tiểu nông; thủ đô lụt lội, bừa bộn hàng rong, hoa kiểng bị bẻ phá, đường xá rác rưởi… là do đầu óc quản lý “tiểu nông”, thói quen làng xã “tiểu nông”; đến văn học thiếu tác phẩm “lớn” cũng vì nền văn học “tiểu nông”. Đó là những nhận định, phán xét thường thấy trên các phương tiện truyền thông.

Nhớ chuyện Tăng Sâm giết người: một người nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ Tăng Sâm vẫn điềm nhiên dệt vải, hai người nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ vẫn dệt vải, nhưng ba người nói Tăng Sâm giết người thì bà quăng thoi quăng cửi mà chạy trốn. Cho dù sự thực thế nào thì hơn một chục bài báo và phát biểu của những tác giả kèm theo học vị tiến sĩ, giáo sư, đã khiến cho những độc giả trung bình đinh ninh rằng “vấn đề” của đất nước chúng ta hiện nay chỉ là tình trạng “tiểu nông” ở mọi nơi, mọi ngành. “Tiểu nông” trở thành tính từ để diễn giải bất cứ cái gì mà người ta cảm thấy xấu hổ, không hài lòng, hay muốn lấp liếm đi.
Ở Sài Gòn thập niên sáu mươi của thế kỷ trước có vở kịch nói “Lá sầu riêng” được công chúng ưa thích. Trong kịch có cảnh một chàng trai có học, sắp làm rể nhà giàu, giấu biệt xuất thân nông thôn của mình, xấu hổ về người mẹ nghèo và người cậu nhà quê, rồi tự đưa mình vào tình huống khôi hài. Cảnh đó mua được những trận cười của công chúng vì Sài Gòn lúc đó bắt đầu đón nhận những làn sóng di dân từ nông thôn do chiến tranh phải đổ vào đô thị, và đã có những người choáng ngợp trước sự hào nhoáng của đô thị mà đâm ra mặc cảm tự ti, phủ nhận những giá trị vốn có của mình, sắm cái mặt nạ trưởng giả phù phiếm để hãnh diện với đời. Cho đến bây giờ Sài Gòn vẫn là đất hội tụ của người tứ xứ, không chỉ từ các tỉnh thành khác trong nước, mà còn từ nhiều nước khác. Nó chưa bao giờ là một đô thị hoàn hảo hay lý tưởng. Nó chỉ là đô thị đúng nghĩa, có hay, có dở, phát triển theo qui luật và thực lực của nó. Hàng triệu dân nhập cư từ nông thôn là nguồn đóng góp cho nó những giá trị đặc sắc của từng vùng, từng nhóm văn hóa khác nhau.
Theo tôi hiểu, tiểu nông là người canh tác trên mảnh đất mình làm chủ. Do phương thức tự cung, tự túc, họ phải tự lực, tự lo, tự chủ, tự cường.

Tôi quen văn minh đô thị, nhưng tôi quí trọng tiểu nông. Theo tôi hiểu, tiểu nông là người canh tác trên mảnh đất mình làm chủ. Do phương thức tự cung, tự túc, họ phải tự lực, tự lo, tự chủ, tự cường. Tiểu nông thực sự là những người độc lập, tự do, có nền tảng văn hóa căn cơ, nhân bản. Khi gặp những hoàn cảnh khắc nghiệt: thiên tai, ngoại xâm, nội chiến, chính sách sai lầm, nông dân có thể bị mất đất, trở thành nô lệ, hay kẻ làm thuê, hay tha phương cầu thực. Họ không còn là tiểu nông nữa, mà vì cuộc sinh tồn họ phải biến chất để thích nghi trong hoàn cảnh khác. Như mọi thứ trên đời, nền tảng văn hóa tiểu nông có những ưu điểm và những khuyết điểm. Và như mọi thứ trên đời, khi nền tảng tan vỡ, suy sụp hay rạn nứt, thì những mảnh vỡ, tản lạc, bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm.
Nhóm bạn chúng tôi đi nghỉ mát ở Mũi Né, gặp những nhóm khách từ nhiều nơi khác cùng nghỉ chung khách sạn. Họ hỏi chúng tôi có phải ở Sài Gòn ra. Bọn tôi nói có người là dân Sài Gòn, còn lại là dân miền Tây và dân miền Trung. Rồi hỏi lại họ có đoán được ai trong chúng tôi là người xứ nào không. Họ chỉ tôi: chắc bà này dân miền Tây. Còn hai dân miền Tây chính hiệu là Tiên và Liên thì bị nhầm là dân đô thị: Tiên ăn mặc giao tiếp rất có phong cách, Liên nói năng đàng hoàng văn vẻ. Cả bọn ôm bụng cười bò ra. Chuyện này vui, chứ không đến nỗi ngạc nhiên. Tiên là giám đốc doanh nghiệp, Liên là giáo sư Đại học Cần Thơ, còn tôi là một người viết tự do, ăn mặc giản dị, ăn uống tự nhiên, nói năng thoải mái. Nhưng định kiến miền Tây là nhà quê, và nhà quê thì mộc mạc, nghèo nàn, xấu xí, dốt nát, lạc hậu, lôi thôi, linh tinh … nói theo ngôn ngữ thời thượng là mang tính chất “tiểu nông”.

Kinh tế tiểu nông có thể không thỏa mãn tham vọng làm giàu chớp nhoáng, không thích hợp với kinh tế tiêu thụ chi phối bởi tư bản toàn cầu. Nhưng nếu có một mô hình nông nghiệp đáng mơ ước thì mô hình đó sẽ dựa trên nền tảng tiểu nông: nông dân canh tác trên mảnh đất mình làm chủ, tự cung và cung cấp cho xã hội tương xứng với hưởng thụ từ xã hội. Với những thành tựu khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác ngày nay, không nhất thiết phải có một giàn máy gặt đập liên hợp như một nhà máy di động trên cánh đồng hàng ngàn mẫu mới đạt được sản lượng cao nhất. Công nghiệp hóa nông nghiệp hiện nay là vấn đề gây tranh luận, nó không hẳn là một lựa chọn tối ưu, nhất là về mặt môi trường, văn hóa, xã hội. Lợi nhuận thương mại liệu có tương xứng với cái giá phải trả cho biến đổi sinh thái và cơ cấu xã hội? Khoa học hóa và kỹ thuật hóa nông nghiệp trên nền tảng tiểu nông là một giải pháp khả thi ở nhiều nơi trên thế giới. Phần lớn chính sách bảo hộ nông nghiệp ở các nước tiên tiến đều nhằm duy trì nền tiểu nông, mà một trong những mục đích là bảo tồn văn hóa nông nghiệp vốn là gốc văn hóa dân tộc của họ.
Đâu đến nỗi khó khăn lắm mới thấy rằng để có sức cạnh tranh trên trường quốc tế hiện nay (trên thương trường và trong mọi lĩnh vực khác) chúng ta cần sáng suốt chí công lựa chọn những đầu óc xuất sắc được đào tạo với chất lượng ít nhất phải ngang ngửa đối thủ quốc tế để đưa ra những chính sách và biện pháp vì lợi ích cả cộng đồng dân tộc chứ không chỉ lợi cho tài khoản một số cá nhân hay phe nhóm. Để hiểu vì sao xã hội ngổn ngang vấn đề, dân chúng có những hành vi xã hội kém văn hóa, có lẽ khó khăn hơn, vì nền giáo dục hiện nay chỉ chịu chừng một nửa trách nhiệm, một nửa còn lại cần can đảm và cởi mở để thẳng thắn nhìn nhận và thay đổi. Còn việc đổ thừa nền “văn học tiểu nông” nên ta chưa có tác phẩm lớn, thì do cách đặt vấn đề như vậy, câu trả lời thế nào cũng chướng. Singapore là nước không hề có nông nghiệp, đương nhiên nền văn học không thể là văn học tiểu nông, mà bất chấp tính công nghiệp hóa cực cao của xã hội nước đó, họ vẫn không có tác phẩm văn học “lớn”, có thể họ cũng chẳng băn khoăn quyển sách họ chia sẻ với đồng bào mình có “lớn” hay không, theo tầm, theo chuẩn nào. Còn sử thi Mahabharata của Ấn Độ thì chắc chắn ra đời trong bối cảnh đất nước này còn chế độ tiểu nông. Nếu muốn phê phán hay thay đổi điều gì, thì trước tiên phải gọi đúng tên sự việc, chứ không thể chỉ việc đổ thừa cho tính chất “tiểu nông”.
Ông bà ngoại tôi là tiểu nông thứ thiệt. Tôi thừa hưởng những điều tốt đẹp nhất làm nên con người tôi hiện nay từ ngôi nhà, khu vườn, cánh đồng và thôn làng quê ngoại tôi. Hai người bạn dân miền Tây của tôi cũng có cha mẹ và ông bà là tiểu nông. Chúng tôi đều tự hào là dù được đào tạo ở Mỹ, ở châu Âu, dù làm việc trong môi trường đô thị, chúng tôi vẫn còn trong mình những phẩm chất tiểu nông của ông bà mình. Những phẩm chất đó giúp chúng tôi biết mình là ai, và đâu là nền tảng văn hóa của mình. Lý Lan

Nhìn nhận về Dự luật tiếp cận thông tin


 
09:24-17/03/2009

Người dân cần được tiếp cận những
thông tin trung thực về nguyên nhân
sập dầm cầu Chợ Đệm trên đường cao tốc
TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

“Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” là một chủ trương thường được nhắc tới trong nhiều văn kiện chính trị bàn về dân quyền ở Việt Nam. Để giúp người dân biết chính quyền đã và đang làm gì, một đạo luật về tự do thông tin đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Người ta đã cho dịch và xuất bản các văn kiện pháp lý quốc tế và các đạo luật về tự do thông tin từ nhiều quốc gia trên thế giới, bước đầu xây dựng được một bản đề cương với 32 điều làm tư liệu thảo luận về dự luật này. Bài viết dưới đây góp phần nhìn nhận về nhu cầu, giới hạn và những tác động khả dĩ có được của dự luật này từ góc độ bảo vệ dân quyền.

Một đạo luật cần cho người dân, báo chí và chính quyền
Báo giới Việt Nam thường ráng né nhiều vấn đề được cho là nhạy cảm, song trên thực tế những vấn đề đó nếu được bàn luận tự do chưa chắc đã được số đông người dân quan tâm. Bình dân quan tâm đến việc an sinh thường ngày. Công việc, thu nhập, học hành, sức khoẻ và mọi sự tiện lợi trong giao lưu xã hội là những ưu tiên hàng đầu. Trong giao tiếp với chính quyền, người ta mong được đối xử công bằng và rõ ràng. Sự bất bình của dân chúng thường khởi nguồn từ những đối xử của chính quyền mà họ cảm thấy bất công. Thu hồi và sử dụng đất không đúng mục đích, đền bù không thoả đáng cho đất bị thu hồi, không được tạo việc làm và cơ hội chuyển nghề, sự bất lực của chính quyền trước ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và các bất an khác trong xã hội… thường là những mồi lửa tạo nên bất bình. Tích tụ lâu ngày, mồi lửa nhỏ cũng tạo nên đám cháy. Động loạn lớn đôi khi có nguyên căn từ vô cảm của chính quyền trước những lo toan nho nhỏ của người dân.
Tự do thông tin tốt cho người dân, báo giới và chính quyền: Một đạo luật bảo đảm quyền tự do thông tin của người dân nếu được ban hành sẽ giúp báo giới tự tin hơn khi khai thác quyền được biết, quyền được nói của người dân. Có biết, có dám tranh luận, rồi một ngày người dân mới học cách tập hợp lực lượng để phản biện lại, một cách hoà bình và văn minh, các chính sách của chính quyền khi cần thiết. Đạo luật này cũng giúp quan chức hành chính tự tin hơn khi tiết lộ thông tin cho dân chúng mà không sợ vi phạm các nghĩa vụ bảo mật. Thêm nữa, có được sự hiểu biết và thông cảm từ phía người dân các chính sách của Nhà nước cũng dễ thực hiện hơn. Tăng tự do thông tin cho người dân cũng nghĩa là tăng sức đề kháng, tăng cường ổn định, làm trong sạch, giúp bảo vệ chính quyền.

Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin và Luật báo chí
Từ đưa tin tới tự do khám phá sự thật: Được hậu thuẫn từ quyền tự do thông tin của người dân, có thể trên thực tế, báo chí sẽ có những lợi ích, động cơ, tính chuyên nghiệp, bộ máy và năng lực để “thừa ủy quyền” của người dân mà truy tìm thông tin, khám phá ra những sự thật mà cơ quan Nhà nước có thể chưa muốn công bố cho công chúng (trừ những thông tin cần bảo mật vì lợi ích quốc gia). Không chỉ ở vị trí thụ động, phát ngôn cho các cơ quan của Đảng và cơ quan hành chính, dựa trên luật về tự do thông tin, báo chí chuyển sang một vị thế chủ động hơn, khai thác, điều tra, truy đuổi các thông tin đáng ra cơ quan Nhà nước phải công bố. Triết lý này phải được ghi nhận bởi luật báo chí, nói cách khác, ban hành luật về tự do thông tin sẽ làm một cú hích để tu chỉnh luật báo chí nhằm xác định trách nhiệm xã hội của báo chí trước nhân dân và dân tộc.
Chủ đề nhạy cảm: Ngoại lệ đối với tự do thông tin của người dân cũng nên là ngoại lệ đối với tự do báo chí. Ngoài bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp, quyền riêng tư của người dân cũng nên là một chủ đề cần thận trọng khi công bố trên báo chí. Những nguyên tắc này cần được ấn định rõ ràng. Cần tìm cách giới hạn quyền lực của cơ quan Nhà nước trong quản lý báo chí, không cho họ tự tiện tuyên bố những vấn đề nhạy cảm cấm đưa tin dựa theo quan niệm của một số quan chức có quyền. Ở những vấn đề này báo chí cũng phải có tố quyền, phải được tranh luận vì sao một chủ đề nhất định lại được xem là nhạy cảm, và vì sao họ không được phép đưa tin. Một cơ chế tranh luận, xét xử bảo mật, hoặc một phiên điều trần không công khai trước các ủy ban của cơ quan dân cử có thể giúp thẩm định và giới hạn những vấn đề được xem là nhạy cảm vào những tiêu chí khách quan hơn.

Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin và Pháp lệnh về bí mật Nhà nước
Làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Quyền được thông tin của nhân dân thì nhân dân phải biết Chính phủ đang làm gì và sắp làm gì”.

Bí mật Nhà nước? Trong cơn khát, luật về tự do thông tin ví như một bầu nước, song Pháp lệnh về bí mật Nhà nước năm 2000 lại chính là cái nút thắt chặt lấy bầu nước ấy. Một bản kết luận nước tương hay sữa kém phẩm của một sở y tế địa phương, bản danh mục điện thoại của các đại biểu Quốc hội có là bí mật Nhà nước, nếu phóng viên tiệm cận và công bố những tin ấy, liệu có được xem là vi phạm các quy định về bí mật Nhà nước hay không? Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 về bí mật Nhà nước định nghĩa rất rộng, cho rằng bí mật là tất cả những gì có trong danh sách được xem là bí mật, danh sách này do người đứng đầu cơ quan tổ chức Nhà nước hoặc người được ủy quyền đề nghị và tuỳ theo loại tối mật, tuyệt mật hoặc mật mà do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Tóm lại bí mật là những gì cơ quan hành chính Nhà nước trình và được Bộ Công an thẩm định đồng ý cho là mật.
Thẩm định danh mục bí mật: Theo Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ban hành ngày 28/03/2002 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bí mật Nhà nước năm 2000, trên thực tế các thông tin được xem là bí mật Nhà nước thực ra rộng hơn cả khái niệm thông tin Nhà nước. Bởi lẽ, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cũng có thể lập danh sách các thông tin được xem là bí mật Nhà nước. Điều này áp dụng đối với các thông tin của Đảng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thông tin được cho là bí mật Nhà nước do các tổ chức chính trị xã hội khác đề xuất. Nghị định tuy có nhắc đến việc thẩm định các danh sách đề xuất này, song không cụ thể hoá việc thẩm định được diễn ra như thế nào, với những tiêu chí gì. Cũng như vậy bản thân các danh sách những gì được xem là mật này cũng có thể được công bố hoặc không, tuỳ thuộc vào Bộ Công an xem xét quyết định. Trên trang thông tin điện tử của Chính phủ người ta có thể theo dõi vô số các danh sách bí mật đã được công bố, từ danh sách bí mật của Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cho tới bí mật của ngành xây dựng, ngành công thương.
Rà soát lại pháp luật về bí mật Nhà nước: Điểm lại thông tin báo chí Việt Nam trong các năm gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc có thể liên quan đến vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước có thể cần được thảo luận thêm, ví dụ về vụ việc phóng viên Lan Anh của báo Tuổi trẻ bị khởi tố liên quan đến tài liệu được cho là bí mật của Bộ Y tế. Theo pháp luật hiện hành, một thông tin nằm trong danh sách bí mật do Bộ Y tế đề xuất đã được Bộ Công an quyết định, đã được đóng dấu mật, thì được xem là bí mật. Nếu không giải thích được rành rọt cách thức lấy được thông tin đó, cô phóng viên gặp phải rủi ro có thể được xem là vi phạm bí mật Nhà nước. Tương tự như vậy, việc đưa tin về các đề án xây dựng quy hoạch vùng có thể vi phạm bí mật thuộc phạm vi do Bộ Xây dựng phụ trách, xem § 1 Quyết định số 2039/2008/QĐ-BCA (A11) ngày 03/12/2008. Đáng lưu ý rằng quy hoạch là một thông tin tối nhạy cảm trong lĩnh vực đất đai, ảnh hưởng đáng kể đến dân cư.

Cũng như vậy, nếu quá say sưa đưa tin về vụ khai thác Bauxite ở Đắc-Nông (Tây Nguyên), báo chí có thể gặp phải nguy cơ vi phạm những thông tin được xem là tuyệt mật liên quan đến chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về khai thác khoáng sản, xem § 2.4 Quyết định số 106/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/07/2008 về danh sách thông tin độ tối mật, tuyệt mật trong ngành Công thương.
Phạm vi và quy trình thẩm định danh sách bí mật: Cuộc thảo luận về luật về tự do thông tin không trực tiếp thay đổi được các quy định về bảo mật, song như một mắt xích hướng tới sự minh bạch hơn trong quản trị quốc gia, đạo luật này hối thúc việc sửa Pháp lệnh về bí mật Nhà nước, nhất là xác định những nội dung nào được xem là bí mật và từng bước hướng tới một quy trình thẩm định, tương đối khách quan và có thể giám sát được, các tiêu chí đánh giá một thông tin có cần được xem là bí mật Nhà nước hay không. Phạm Duy Nghĩa

Harvard - giấc mơ Mỹ




Giấc mơ của mọi sinh viên


Điều hấp dẫn đầu tiên về Harvard là trường đại học này có lịch sử dài hơn cả... lịch sử nước Mỹ: 372 năm. Tính đến đầu những năm 60, Havard đã đào tạo cho nước Mỹ 6 vị Tổng thống. Nhân vật nổi tiếng gần nhất được trao bằng mặc dù chưa kết thúc thời gian học tập của mình tại đây chính là Bill Gates.


Ông Haji-Ioannou, cựu sinh viên, Chủ tịch hãng Vận tải biển Stelmar Tankers nói: "Tôi cho rằng mình đã đi trên đôi chân thật vững vàng, và tôi cảm ơn Harvard, vì trường và các giảng viên đã cho tôi không chỉ kiến thức, mà còn cho tôi nhiều hơn thế. Đó là lòng tự tin!".



Trường ĐH Harvard



Một sức hấp dẫn lớn nhất nữa ở Harvard là: không phải chỉ vì có điểm cao chót vót bạn mới được nhận vào trường đại học danh tiếng này, mặc dù theo thống kê thậm chí những học sinh có số điểm trung bình là 97,27 cũng bị trường Havard trả về.


Một sinh viên, con trai của đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từng tâm sự: "Kết quả học tập hồi trung học của tôi cũng không phải thật xuất sắc, nhưng sau cuộc phỏng vấn tôi đã được nhận vào. Lúc ấy vị giám khảo đã nói: "Chúng tôi quan tâm đến việc anh sẽ đạt được những gì trong tương lai, chứ không phải là những việc mà anh đã đạt được trong quá khứ".



Trường Hành chính công thuộc hệ thống Harvard



Trường Harvard cho rằng, giáo dục đại học không phải là đào tạo ra một loạt những con mọt sách làm việc máy móc, mà là chỉ dẫn cho sinh viên biết cách làm thế nào để đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau. Bản thân thương hiệu này cần những "Con người quốc tế". Đó chính là những người có tầm nhìn mang tính quốc tế.


Với bất cứ sinh viên nào, còn gì đẹp hơn ước mơ được cắp sách ở Cambridge và trở thành một "con người quốc tế" ở Harvard?


Thương hiệu người giảng dạy


Những giáo sư, tiến sĩ siêu nhất, hay những người nổi tiếng ở một lĩnh vực nào đó thường là đích nhắm của các trường đại học. Riêng với Harvard, tiền chưa bao giờ là vấn đề, vì thế họ luôn có những giảng viên giỏi nhất, thậm chí là theo yêu cầu của sinh viên.



Cửa hàng sách của trường Harvard



Ví dụ như trường hợp của Giáo sư sử học người Anh Niall Ferguson, được coi là người giảng lịch sử hay nhất thế giới. Lúc đầu, Đại học Oxford chèo kéo ông, sau ông quay sang Đại học New York, để rồi cuối cùng Harvard xuất hiện và đề nghị ông với một mức lương gấp... 6 lần hai trường kia.


Hiện nay, Harvard có hơn 100 giảng viên đến từ gần 20 quốc gia khác nhau, trong đó 47 giáo sư đã từng đoạt giải Nobel. Những "ngôi sao" giáo sư, tiến sĩ này là nền tảng tạo cho Harvard một thương hiệu khó trường nào sánh được.


Môn học Learning style


Harvard rất đa dạng về các khoa nghiên cứu: Cổ Sinh học, Hoá học... và nhất là Kinh tế học. Là cái nôi đào tạo những giáo sư, tiến sĩ cho nước Mỹ. Trong tất cả các khoa của trường, một trong những môn học được coi là trọng tâm là "Learning style", chuyên nghiên cứu về cách học cho mỗi sinh viên.



Thư viện



Nhiệm vụ của giảng viên trong môn học này là ngồi nói chuyện với càng nhiều sinh viên càng tốt. Qua đó, họ cảm nhận được tâm lý, trình độ, tính cách của mỗi người, rồi đưa ra những cách học hiệu quả nhất cho sinh viên. Đây cũng là môn học được đa số sinh viên yêu thích, bởi qua mỗi tiết học, họ lại có thể hiểu rõ hơn về chính mình mà lại được giao lưu với bạn bè, thầy cô giáo.


Phần lớn, sinh viên đều có thể tự đưa ra những phương pháp thích hợp cho mình, chính vì vậy, sinh viên của Harvard có khả năng tự học cực tốt. Harvard còn có một loại học bổng dành cho những phương pháp tự học được ứng dụng tốt nhất.


Harvard… trả tiền để bạn… đi học


Do học phí quá cao (nhất nước Mỹ), không phải ai cũng có thể theo học ở đây. Nhưng có lẽ trên thế giới, không trường đại học nào có nhiều chế độ ưu đãi như ở Harvard. Đã từng bị coi là trường đại học cao cấp chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu da trắng của Mỹ nhưng nhiều năm trở lại đây, Harvard đã có những thay đổi tích cực về vấn đề nhạy cảm này. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (thu nhập gia đình dưới 40.000 USD/năm) đặc biệt là những sinh viên da màu được hỗ trợ từ 50 đến 80% học phí + giảm các khoản đóng góp.



Nhà xuất bản ĐH Harvard



Cụ thể, nếu gia đình bạn chỉ có mức thu nhập là 80.000 USD/ năm, thì mỗi năm bạn chỉ phải đóng 15.000 USD, Harvard sẽ trợ cấp cho bạn 21.000 USD. Hiện 2/3 số sinh viên trường đang nhận ít nhất một loại trợ cấp tài chính nào đó.


Về học bổng, ngay tại Harvard cũng đã có đến mấy chục loại học bổng. Ngoài ra, chương trình học bổng của Harvard còn mở rộng khắp thế giới, đặc biệt ưu đãi với những nước đang phát triển, nơi có mỏ chất xám dồi dào chưa được khai thác hết vì thiếu tiền.


Harvard đã trao học bổng cho hoa hậu Mỹ năm 2002, Erika Harold ngay khi được biết cô có mong muốn trở thành luật sư.


Ký túc xá kiểu... Harvard



Trường ĐH Harvard



Harvard giờ đây không chỉ được biết đến như là một trường đại học, mà thực ra là cả một khu downtown với rất nhiều tòa nhà, hệ thống giao thông, nhà sách và các trung tâm mua sắm.

Tất cả các tòa nhà ở đây đều có đặc điểm là được xây bằng gạch đỏ với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm chất hàn lâm. Những con phố nhỏ và ngắn tạo nên một cảm giác yên tĩnh và rất thanh bình. Phương tiện đi lại chủ yếu của sinh viên là xe đạp.


Ở phía gần cổng có một chỗ để xe đạp vì phía sâu bên trong chỉ cho phép đi bộ mà thôi. Có thể dễ dàng nhận thấy là ở đây hầu như không có chuyện giữ xe như ở Việt Nam, chỉ có một bảng báo hiệu cho biết chỗ này là khu vực để xe và mọi người cứ xếp xe vào đó thôi, có khóa lại nhưng nhìn chung tất cả đều rất ý thức và nhẹ nhàng.



Tượng John Harvard



Khung cảnh Harvard thực sự rất thơ mộng và cổ kính, các tòa nhà, giảng đường và thư viện được bố trí trong một khuôn viên rất rộng. Những bộ phim trước đây nói về trường Harvard (ví như Chuyện tình Harvard chẳng hạn) thực ra chưa bao giờ được quay ở Harvard thực cả, bởi người ta không cho phép quay phim trong này.


Ở đây có bức tượng nổi tiếng của John Harvard, người sáng lập ra trường đại học Harvard - thường được khách du lịch đến đây và... sờ vào giày của tượng vì cho rằng điều đó sẽ đem lại kiến thức và học vấn cho mình. Sân chơi cùng một sân bóng chày khổng lồ với sức chứa 40.000 người. Ngoài ra, thư viện của Harvard có 15 triệu đầu sách và là thư viện trường học lớn nhất thế giới.