Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

doc quyen



Posted by Picasa

Độc quyền, nên thế đấy!

Ngày xưa, khi viễn thông, điện thoại còn do ông VNPT độc quyền, ổng lủng đoạn. Năm nào... ổng cũng rên lỗ.


Không hiểu sao, sau khi "mở cửa" cho hơn 7 nhà cung cấp dịch vụ khác như Vietel, Mobile Phone, S-Phone,v.v... vào thì hết nghe ổng lớn này rên nữa, mà liên tục giảm để cạnh tranh với mấy "chú em"...

Độc quyền chính trị tạo nên độc quyền kinh tế ở những ngành mà cho đến nay nhà nước vẫn chưa gỡ bỏ để tăng sức cạnh tranh, sức đề kháng cho nền kinh tế. Tạo sự tự chủ và khả năng ứng biến với tình hình kinh tế toàn cầu đang biến động.

Vì sao??? Câu hỏi hầu như người dân Việt Nam nào quan tâm đến vận mệnh đất nước, dân tộc đều hiểu.

Vậy, nên xem trọng lợi ích của "tập đoàn" nhỏ lẻ, hay đặt lợi ích của quốc gia, lớn hơn là uy tín của thể chế trong con mắt của người dân làm đầu nếu như chính phủ, BCT chọn hướng đi tiếp sau như những nhà chính trị khôn ngoan.

Còn bạn, hãy cho chúng tôi nghe suy nghĩ của bạn, thay vì đọc xong ,im lặng đóng blog tôi lại... khi bạn là một người tri thức...

Phát triển và nuôi dưỡng tố chất lãnh đạo

10:23-04/03/2009


Tiềm năng của Việt Nam, của cả nước và trong từng con người là rất lớn; thế nhưng nó dường như đang thiếu một yếu tố then chốt để bật dậy và phát huy mạnh mẽ. Cả nước cũng như rất nhiều cá nhân đang phát triển thấp xa so vơi tiềm năng hiện có của mình.
Chìa khóa để khắc phục hiện trạng này là bồi dưỡng và phát triển “tố chất lãnh đạo” trong mỗi con người Việt Nam và đây cần được coi là một nội dung trọng yếu của Cải cách Giáo dục(CCGD) nói chung và Cải cách Giáo dục Đại học(CCGDĐH) nói riêng. Tố chất lãnh đạo là gì? Mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, cộng đồng, và dân tộc tại mỗi thời điểm có những tiềm năng nhất định cho phát triển của mình. Tiềm năng này được đặc trưng bởi các định tố về thể chất, trí tuệ, văn hóa, trải nghiệm, nguồn lực vật chất, quan hệ xã hội, và các cơ may hay vận hội. Tố chất lãnh đạo có thể coi là sự tổng hòa của ba yếu tố nền tảng Lòng khát khao học hỏi, Tư duy, và Tầm vóc. Tố chất lãnh đạo là khả năng và phẩm chất giúp con người trong nỗ lực tạo nên giá trị mới cho xã hội, thông qua khai thác và phát triển tiềm năng của chính bản thân mình và của tổ chức mà họ lãnh đạo. Tố chất lãnh đạo cũng giúp mỗi cá nhân có tác động tích cực đến các cá nhân khác thông qua các quan hệ tương tác. Thiếu tố chất lãnh đạo sẽ làm cho cá nhân không chỉ không phát huy hết tiềm năng của bản thân và của tổ chức mà mình lãnh đạo mà còn làm nó thui chột theo thời gian. Một con người, một gia đình, một tổ chức, hay một quốc gia, qua thời gian sẽ chỉ có tiến lên hoặc đi xuống. Các đối tượng này sẽ đi lên hay đi xuống?; nếu đi lên thì đi lên được bao xa? Nếu đi xuống, thì đi xuống đến mức nào? Tất cả những điều này tùy thuộc một phần quyết định vào tố chất lãnh đạo trong từng cá nhân, từng gia đình, từng tổ chức, và cả xã hội. Tố chất lãnh đạo có thể coi là sự tổng hòa của ba yếu tố nền tảng Lòng khát khao học hỏi, Tư duy, và Tầm vóc. + Lòng khát khao học hỏi hàm chứa khả năng và tính cầu thị trong học hỏi cái mới của tri thức khoa học, cái tinh hoa của nhân loại. Phẩm chất này thể hiện khả năng và nỗ lực vươn lên của cá nhân. Người Việt Nam ta có thế mạnh tiềm tang về yếu tố này. + Tư duy bao hàm khả năng nhận thức thấu đáo cơ hội, thách thức, và qui luật phát triển; ý thức học hỏi và kiểm nghiệm chân lý từ thực tiễn cuộc sống; và khả năng nhận ra cái hay, cái tốt đẹp của đồng đội và đối tác. Người Việt Nam ta còn nhiều hạn chế về yếu tố này. Dân tộc Việt Nam ta với lịch sử lâu dài bị chà đạp và áp bức để rồi phải vùng lên giành độc lập với sự hy sinh vô bờ bến nên có tính xúc cảm rất cao; do đó ảnh hưởng đến tính sáng suốt của nhận thức, và tính chiến lược trong quyết định, và tính thực tiễn trong hành động. 5 điều kiện cần để GDĐH thành công

1. Cả xã hội phải bước vào một thời kỳ cải cách sống động, với tầm nhìn sáng rõ về tương lai và công cuộc phát triển được thực hiện trên nền tảng của tri thức khoa học và lòng nhân bản. Nếu xã hội còn mơ hồ về tầm nhìn, hạn hẹp về tư duy, và không ngăn chặn được tham nhũng và tệ nạn thì cải cách giáo dục GDĐH chắc chắn sẽ gặp phải những trở ngại khó vượt qua.

2. Cải cách giáo dục cần được tiến hành đồng bộ và mạnh mẽ ở cấp phổ thông để đảm bảo cho GDĐH nguồn đầu vào phong phú, chất lượng, và được đánh giá chính xác.


3. Các cơ quan tuyển dụng, đặc biệt là khu vực Nhà nước, thực sự phải cạnh tranh trong tìm kiếm, sử dụng hiệu quả, và nuôi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có giá trị cao trên cả bốn mặt, phẩm chất, tư duy, kiến thức, và kỹ năng. Nếu bộ máy công quyền, thông qua thực tế tuyển dụng, truyền đi những thông điệp rằng tài năng không thể thay thế cho chạy chọt, phẩm chất là thứ yếu so với quyền lực và vị thế gia đình thì cải cách GDĐH sẽ bị yếu đi rất nhiều vì về lâu dài, sự tinh tế và lành mạnh của nhu cầu luôn là yếu tố quyết định đến chất lượng cung.

4. Nhà nước và các doanh nghiệp có nhu cầu gia tăng thực sự hàm lượng trí tuệ trong các quyết định quan trọng của mình.


5. Môi trường tự do sáng tạo và dân chủ chân chính được kiến tạo, dung dưỡng, và trân trọng, trước hết ở các trường đại học, và từng bước mở rộng ra toàn xã hội. Thông tin cung cấp cho xa hội và các nhà nghiên cứu minh bạch, khách quan, và ngày càng phong phú.
+ Tầm vóc thể hiện ở khả năng học hỏi và lớn lên từ mỗi thất bại hay thách thức mà chính mình gặp phải. Người ta chỉ có thể lớn lên nếu thấy mình còn quá nhiều khiếm khuyết và trăn trở vì sinh ra trên đời mà chưa đóng góp gì được cho cộng đồng. Người Việt Nam ta còn rất yếu về điểm này. Bị đọa đày nhiều bởi ách ngoại xâm, chúng ta thường thiên về đổ lỗi cho khách quan, hơn là xem lại lỗi của chính mình một cách sâu sắc khi gặp phải một thất bại hay thách thức. Đã từng làm nên nhiều chiến thắng oanh liệt nhờ khát vọng độc lập vô song của cả dân tộc, chúng ta vô hình trung ngộ nhận về mình và có nguy cơ trở thành những người hiếu thắng, sợ thất bại. Vì đã chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, cộng với vị trí địa lý lý tưởng, nên chúng ta đang được ưu ái rất nhiều bởi cộng đồng thế giới, từ viện trợ ODA đến đầu tư FDI. Vì vậy chúng ta hiện đang thiên về “nhận” và “trách móc” nhiều hơn là “đóng góp” và “trăn trở” cho sự phát triển của nhân loại. Cơ chế nội sinh để nuôi dưỡng và rèn luyện tố chất lãnh đạo Nhu cầu của mỗi con người ta phát triển theo năm thứ bậc chính. Thang bậc thấp nhất là Nhu cầu Vật chất để sinh tồn (như ăn, ở); thang bậc thứ hai là Nhu cầu An sinh (an ninh, lo lúc ốm đau, già yếu); thang bậc thứ ba là Nhu cầu Thấu cảm (tình bè bạn, cộng đồng); thang bậc thứ tư là Nhu cầu Huân dự (được sự trân trọng, ghi nhận bởi cộng đồng, Nhà nước, và xã hội), và thang bậc thứ năm, cao nhất, đó là Nhu cầu Lý tưởng, thường chỉ đạt được khi làm được một sứ mệnh cao cả (theo đuổi khát vọng, sáng tạo, chân lý, hay hiến dâng cho cộng đồng). Theo mô hình này, với đại đa số, trong điều kiện thông thường, con người ta sẽ bước lên nhu cầu ở thang bậc cao hơn khi và chỉ khi các nhu cầu ở bậc thấp hơn đã được thỏa mãn. Vì thế thỏa mãn nhu cầu ở mỗi mức tạo động lực đẩy nhu cầu của con người cao lên. Một mặt khác, nếu con người ta được dung dưỡng trong một môi trường phát triển lành mạnh, có khát vọng lớn lao, khích lệ lòng cao thượng và trân trọng phẩm chất hiến dâng, nhu cầu của con người sẽ chuyển từ bậc thấp đến bậc cao hơn hanh thông hơn vì họ có cơ hội được thỏa mãn nhiều hơn ở nhu cầu cao hơn; đặc biệt là các nhu cầu thấu cảm, huân dự, và sứ mệnh cao cả. Vĩ vậy, tạo ra một môi trường phát triển phấn khích trong khát vọng chung tạo nên động lực kéo rất mạnh mẽ để cả xã hội phấn chấn và ngày càng hạnh phúc trên con đường đi đến phồn vinh. Thế nhưng, trong thực trạng nước ta hiện nay, tính quan liêu và vô cảm của bộ máy Nhà nước làm nhu cầu thấu cảm của người dân bị tổn thương. Tình trạng mua bán huân dự phổ biến làm nhu cầu huân dự bị bôi nhọ. Đất nước thiếu tầm nhìn và khát vọng phát triển làm nhu cầu hiến dâng bị tê liệt. Vì vậy, cả xã hội bị luẩn quẩn trong xoay sở thỏa mãn các nhu cầu vật chất và an sinh, với sự biến dạng ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh nay, tố chất lãnh đạo trong người Việt Nam đang bị bào mòn và có nguy cơ bị thui chột. Buôn lậu, dối trá, vi phạm luật pháp, thiếu lòng vị tha và phẩm chất hiến dâng đang ngày càng trở lên phổ biến trong xã hội. CCGD, đặc biệt là CCGD ĐH cần hình thành và gia cường cơ chế nội sinh để phát triển và rèn luyện tố chất lãnh đạo theo mô hình 5-R sau đây:

1. Respect: Đó là sự trân trọng mọi người dù họ có trái ý kiến với mình hoặc thua kém mình rất nhiều. Tố chất lãnh đạo giúp mọi người thấu hiểu sâu sắc rằng họ cần phải và có thể học được rất nhiều điều giá trị từ người phản đối mình và từ người thua kém mình.

2. Research: Đó là sự nghiên cứu thấu đáo mỗi vấn đề mà mình bàn luận, đánh giá, hoặc đưa ra quyết định. Rèn luyện phẩm chất này giúp mỗi người sâu sắc trong suy xét, thông tuệ hơn trong khai thác túi khôn tri thức của nhân loại, và quyết định tối ưu hơn về cả tính hiệu quả và tầm chiến lược cho bản thân và tổ chức mà mình lãnh đạo.

3. Review: Đó là phẩm chất tự xem lại mình, đặc biệt trước mỗi khó khăn hay thất bại. Phẩm chất này loại bỏ tính đổ cho khách quan, kiêu căng tự mãn, thích nghe phỉnh nịnh.


4. Resiliance: Đây là tính kiên cường và quyết chí theo đuổi mục tiêu, dù phải vượt qua những thách thức và thất bại ghê gớm.

5. Reform: Đây là khả năng tạo nên những đổi thay căn bản trong cục diện phát triển của cá nhân và tổ chức mình lãnh đạo trên cơ sở dũng cảm nhận thức lại căn bản tính đúng đắn của chặng đường đã qua, những thách thức và cơ hội đang và sẽ đến, với tầm nhìn và trách nhiệm sâu sắc với tương lai.
*** CCGDĐH ở Việt Nam không thể thành công bằng một số nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất hay cải tiến giáo trình mà nó chỉ có thể thành công khi cả nước bước vào một cao trào cải cách duy tân mạnh mẽ. Khát vọng vươn lên của cả dân tộc giúp giáo viên và học sinh làm nỗ lực hết sức mình trong điều kiện vật chất còn hạn hẹp; tầm nhìn và sự giải phóng về tư tưởng giúp việc nghiên cứu và giảng dạy đạt mức cao nhất về sáng tạo và hiệu quả chiến lược trong điều kiện kiến thức và trình độ khởi đầu còn thấp; sự sống động và minh bạch của thiết chế xã hội trên nền tảng của dân chủ và tôn trọng tự do cá nhân giúp con người thấy phấn chấn và hạnh phúc được đóng góp cho dù mức đãi ngộ còn khiêm tốn.

Trong các nỗ lực CCGD, đặc biệt là CCGDĐH, phát triển, nuôi dưỡng, và rèn luyện tố chất lãnh đạo cần là một nội dung trọng tâm, có vai trong nền tảng cho sự thành công của công cuộc cải cách. Tố chất lãnh đạo cần trở thành một lợi thế ưu tú của người Việt Nam trong tương lai, giúp họ phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình không chỉ trong công cuộc xây dựng đất nước mà cả trong nỗ lực đóng góp vào tiến trình phát triển chung của nhân loại.Vũ Minh Khương

NGAM NGHI


Sự huyền bí của những sai lầm


“Càng phạm nhiều sai lầm càng học được nhiều điều bổ ích”.Vừa đọc được bài viết này khá là thú vị. Muốn phạm sai lầm, tìm đến sai lầm nhằm để khám phá ra những cái hay, mới mẻ, những điều mà ta khó có thể thấy được trong cuộc sống thường ngày. Và một điều hết sức quan trọng nữa là phải biết tự rút ra kinh nghiệm. Kinh nghiệm từ bản thân mắc phải chắc chắn sẽ thấm thía hơn rất nhiều so với những kinh nghiệm mà ta học hỏi được.

Trần Cao Dũng
(Trích dịch từ RICH DAD’S GUIDE TO INVESTING)

Người Cha giàu lớn lên từ đường phố. Với ông mỗi sai lầm là một cơ hội học những điều trước đấy ông chưa biết. Theo ông, càng phạm nhiều sai lầm càng học được nhiều điều bổ ích. Ông tâm sự: "Có một cái gì đó thật huyền diệu. Do vậy, càng nhiều sai lầm ta mắc phải, rồi ta bỏ thời gian để nghiên cứu và rút kinh nghiệm, cứ thế ta càng gặp được nhiều điều kỳ diệu hơn trong cuộc đời mình."

Một số sai lầm lịch sử


Công ty Diamond Fields được thành lập với mục đích khai thác kim cương. Đáng tiếc công ty này không bao giờ tìm thấy kim cương! Thợ mỏ chính của công ty đã phạm sai lầm. Thay vì tìm được kim cương, ông đã khám phá ra một trong những mỏ Nickel lớn nhất thế giới. Ngay sau khám phá này cổ phiếu của công ty tăng lên vùn vụt. Cho đến nay, mặc dù công ty vẫn để tên cũ – Diamond Fields – nhưng công việc kinh doanh chính của công ty lại là Nickel.

Levi Strauss đặt chân tới miền đất hứa California với ước mơ phát tài từ khai thác vàng. Ông không phải là thợ đào vàng tài ba, do vậy thay vì đào bới ông đã khâu những chiếc quần dày cộp dành cho thợ đào vàng. Đến nay hầu hết mọi người trên toàn thế giới đều đã nghe tới chiếc quần jeans Levi’s.

Mọi người thường nói rằng, Thomas Edison sẽ không bao giờ phát minh ra bóng đèn nếu ông làm việc ăn lương bình thường cho một công ty nào đó. Đã hơn 10.000 lần Edison thất bại, cuối cùng ông cũng đã phát minh ra chiếc bóng đèn. Nếu ông là nhân viên của một tập đoàn lớn, chắc chắn ông đã bị buộc phải thôi việc với lý do mắc quá nhiều sai lầm.

Sai lầm lớn nhất của Columbus là ông tìm đường buôn bán đến Trung Quốc mà lại không may bơi dạt đến nước Mỹ, hiện là cường quốc giàu mạnh nhất thế giới.

Sự thông thái của đường phố

Cũng giống phần lớn mọi người, cha giàu không ưa gì phạm sai lầm, nhưng ông không sợ chúng. Nhiều khi ông mạo hiểm chỉ vì muốn phạm sai lầm. Đã nhiều lần tôi chứng kiến một số công việc làm ăn của ông không phát triển, một vài sản phẩm mới bị thất bại... Mỗi lần thất bại, thay vì suy sụp tinh thần, ông như sáng suốt hơn, thông thái hơn và có kiến thức nhiều hơn. Ông đã nói với Michael - con đẻ của mình và tôi: "Những sai lầm là cách học tập của cha con ta. Mỗi lần ta phạm sai lầm, ta khám phá được điều gì đó về bản thân, ta học được những điều mới và ta gặp được những nhân vật mới. Tất cả những thứ đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu ta không phạm sai lầm."

Có một lần cha giàu nói với Michael và tôi: "Ta giàu có như thế này phần lớn vì ta đã phạm những sai lầm tài chính nhiều hơn mọi người. Mỗi lần phạm lỗi, ta học được điều mới. Trong thế giới kinh doanh kiến thức mới đó thường được gọi là kinh nghiệm. Nhưng chỉ có riêng kinh nghiệm không vẫn chưa đủ. Nếu ai đó thật sự học được từ những lần vấp ngã, cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn thay đổi và thay vì kinh nghiệm, người đó sẽ có sự thông thái."

Ông nói tiếp: "Mọi người thường tránh những sai lầm tài chính. Và đó lại là sai lầm lớn! Họ thường nhắc đi nhắc lại: "Hãy hành động thật cẩn thận. Đừng mạo hiểm." Một số người gặp khó khăn tài chính vì họ đã từng phạm sai lầm, nhưng lại không biết tự rút ra kinh nghiệm."

Người cha giàu kết luận: "Những kẻ bất tài lớn nhất ta đã từng gặp lại chính là những người chưa bao giờ bị thất bại!"

NHA VAN NGUYEN KHAI



Ước gì tôi được trẻ lại:

Ước gì tôi được trẻ lại
(Nguyễn Khải) Chả cứ gì riêng tôi mà mọi người già ở trên đời này đều có lúc ước thầm như thế dầu biết rằng lời ước ấy vừa tham lam vừa vô lý. Mọi niềm vui ở đời chỉ nhằm phục vụ cho người trẻ. Thấy nhiều bạn trẻ mới có tí tuổi đầu đã làm ra vẻ đau khổ, sầu nảo hoặc tự giam mình trong cảnh tuyệt vọng muốn điên cái đầu. Có tuổi trẻ là có tất cả, nó có thể sửa chữa mọi lầm mỗi, hàn gắn mọi vết thương và cho phép làm lại, bắt đầu lại một đôi lần. Giàu có đến thế, quyền lực đến thế không chịu dùng cho hết lại ngồi chờ đợi, than vãn có phải là rất... ngu không?


Dạo đầu một chút để nói về những bạn viết trẻ. Tất nhiên là họ có những điều kiện mà những thế hệ viết văn trước họ không thể có. Điều quan trọng hơn cả là họ được sống một thừi thông thoáng hơn ngày xưa nhiều, dân chủ hơn ngày xưa nhiều. Chỉ riêng một việc quản lý xã hội bằng pháp luật đã bớt đi bao nhiêu trói buộc phi lý, tuỳ tiện làm bản lòng người, bào mòn con người. Con người với những nhu cầu của nó, những ước mơ của nó đã được tôn trọng. Cái môi trường dân chủ tự do và tôn trọng cá nhân là điều kiện trước hết để những tài năng sáng tạo được đua nở. Mới trong khoảng mươi lăm năm nay nhiều tài năng trẻ trong nghệ thuật, trong khoa học kỹ thuật, trong quản lý kinh doanh đã lần lượt xuất hiện, mới lạ, táo bạo là một bằng chứng về sự thành công của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên... Tuy nhiên một nghịch lý mới đã xuất hiện, điều kiện làm việc tốt hơn, môi trường sáng tạo thuận lợi hơn nhưng những thành phẩm của sáng tạo văn chương lại vặt vãnh, thiếu tầm cao, không tạo được những ấn tượng đẹp có sức ám ảnh lâu dài. Có thể tầm nhìn, tầm nghĩ của các tác giả còn hạn hẹp quá, ngắn quá, nông nổi và vội vã, thiếu hẳn sự khao khát cái hoàn mỷ trong nghệ thuật. Tính cách nhân vật đa dạng, phong phú, chuyện đời chân thật, nóng bỏng, hơi văn tự nhiên, mềm mại, nhưng đọc xong cứ như bị ngạt, thiếu hẳn một khoảng trời để mơ mộng, để hy vọng, để bay tới. Văn chương thời chiến tranh và sau chiến trang thì mênh mông, lãng mạn, làm náo nức lòng người nhưng nhân vật đơn điệu, chuyện đời bị câu thúc bởi nhiều quan niệm thủ cựu, hẹp hòi, hơi văn khô khan, giáo huấn. Nói nôm na đọc văn thời trước thừa lý tưởng, thừa lòng tin nhưng thiếu sự từng trải, lúc trẻ đọc thấy hay vì mình với nhân vật là một, về già đọc thấy việc đời không giống mấy với văn chương, nó phức tạp hơn nhiều, khó hiểu hơn nhiều. Niềm tin mạnh nhưng thiếu những số phận sóng gió, từng trải để minh chứng cũng không thể viết được một tác phẩm để đời. Chỉ miêu tả những số phận nghiệt ngã mà thiếu hơi nóng bỏng của niềm tin thì văn chương cũng mất đi lý do để tồn tại. Những người cầm bút từ thời chống Pháp rất biết cái thiếu sót của mỗi thời, rất muốn dung hoà với những cái mạnh của mỗi thời để co được một chất liệu hoàn hảo, vững bền dựng đài tưởng niệm một thế kỷ có nhiều bóng tối nhưng cũng tràn ngập ánh sáng, thơ ngây cũng nhiều mà từng tải, trưởng thành lại càng nhanh. Nhưng, hỡi ôi, đã già rồi, sức viết và sức nghĩ đều yếu nói chi đến việc nhào nặn một sự nghiệp đã định hình. Ước gì tôi được trẻ lại vài chục năm nhỉ? Cao vọng nghệ thuật của tô sẽ cao xa hơn ngày xưa. Tôi đã có thể nhìn ra thế giới để nhận biết, để so sánh những tiêu chuẩn của một tác phẩm nghệ thuật có sức sống lâu bền. Phương pháp sáng tác hiện thực đã không còn là duy nhất, không còn là đủ với những từng trải, những mơ mộng của hôm nay. Nhưng tôi là người hay lo xa nên phải tự hỏi, nếu trong cuộc phiêu lưu mới mình lại không thành công như đã mong đợi thì sao? Những bằng chứng thất bại của người này người kia buộc mình phải ngờ vực điều đó. Phàm đã viết hoặc vẽ có mẫu thật thì hay hoặc dở biết ngay, có tài hoặc bất tài cũng biết ngay. Còn viết ảo, vẽ ảo thì khó biết lắm, có thể là tuyệt hay, tuyệt đẹp, là siêu nghệ thuật mà cũng có thể là một cách đánh lừa mình, đánh lừa thiên hạ. Mình thì thành thật nhưng tài chưa tới nên hoá ra người đi lừa. Cãi nhau quanh chuyện thật còn dễ phân biệt phải trái chứ cãi nhau quanh chuyện ảo thì càng vuất càng rối, càng viết nhiều chữ nghĩa, chữ nghĩa cũng ảo cả. Cái chuyện này phải đợi thời gian và phải đợi cả công chúng. Có những câu thơ: - Đáy đĩa mùi đi nhịp hải hà - Nhàn đàn rót nguyệt vú đôi thơm” sau nhiều chục năm vẫn còn nhiều người làm thơ khen là những câu thơ hay dẫu rằng cũng không mấy ai hiểu được nó hay như thế nào. Cái hay của văn thơ là mênh mông lắm, rất khó quy vào những tiêu chuẩn cụ thể. Lý sự quá thì hoá ra người nghiệt, nông nổi quá hoá ra người... ngu. Nếu trong hội hoạ, có nhiều danh hoạ đã chia sự nghiệp sáng tạo của mình làm nhiều thời kỳ, thời xanh, thời hồng, vân vân, thì tại sao người viết văn lại không thể có nhiều thời kỳ trong quá trình sáng tạo của mình: thời hiện thực, thời ấn tượng, thời siêu thực hoặc ngược lại.

Thoạt đầu ta nhìn cái nhà là một cái nhà. Rồi tới lúc nhìn cái nhà mà như thấu hiểu cả số phận những người ở trong nhà, số phận một góc phố, một đoạn đường, một thời thế. Màu tím của thời gian, màu đỏ của sương mù là những cái ảo phải trải qua sự từng trải nhiều khi cả một đời người mới có. Với tôi, theo cách nghĩ của tôi, khi chưa vươn tới cõi ảo thì tôi đặt hết mình vào cõi thực. Thời này được viết đúng như thực tế đang diễn ra cũng là đủ mãn nguyện với một tài năng ở mức trung bình. Cứ viết đúng như sự vật vốn có, những điều cấm kỵ đã thành văn bản, thành luật lệ, công khai, đoàng hoàng chứ không còn qua sự thì thầm tuỳ tiện của người này hay người kia, tức lá đã được viết trong tự do một cách nhìn, một cách nghĩ của riêng mình, của một lớp người, dẫu chưa là một tác phẩm nghệ thuật như mình mong đợi thì vẫn cứ là những bằng chứng chả kém giá trị một tí nào về một thời đã sống. Chả hơn cao thì với chưa tới, thấp thì không thèm quan tâm, về già rút lại tay trắng, là một kẻ vô danh với những mộng mơ hão huyền, có hối tiếc cũng đã muộn. Vì tuổi trẻ chỉ có chừng ấy năm. Qua tuổi năm mươi mọi sự coi như đã an bài.


Chẳng phải số phận gì, chẳng qua chưa biết dùng cái tài của mình cho đúng mà thôi.

BAT DONG SAN

Sự méo mó của thị trường địa ốc

Thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện nhiều thông tin về sự “tan băng” và “ấm dần” của thị trường bất động sản ở các thành phố lớn. Sự thật về những chuyển động của thị trường phức tạp nhiều hơn các nhận định vội vã đó

Thị trường chỉ có thể ổn định khi những người có nhu cầu thực sự có thể mua. Ảnh: L.H.T

Năm 2007, khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn (subprime crisis) bắt đầu khiến giá nhà ở Mỹ lao dốc, thì thị trường bất động sản Việt Nam lúc bấy giờ lại đang lên cơn sốt. Giá nhà đất liên tục leo thang, giá một số chung cư tăng gấp đôi so với giá gốc chỉ trong một thời gian ngắn. Chính vì niềm tin ấy, không ít nhà đầu cơ ở Việt Nam tiếp tục đổ tiền vào địa ốc ngay cả khi nền tài chính Mỹ bắt đầu bị rúng động. Nhưng cũng không quá lâu sau, giá địa ốc ở Việt Nam hạ nhiệt. Giá nhà đất không thể cao mãi, khi một nền kinh tế còn phụ thuộc vào xuất khẩu quá dễ tổn thương trước cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, và những vết thương nội tại do chính sách điều hành tiền tệ và lãi suất trong năm vừa qua.

Năm nay, kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn được coi là suy thoái trầm trọng và các nền kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ khủng hoảng lớn. Tiêu dùng sụt giảm khiến các nhà máy cắt giảm công nhân và đóng cửa khắp nơi. Nhận định lạc quan nhất hiện nay là nền kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm 2010.

Vậy mà ở Việt Nam, những người muốn mua nhà đất đang đứng trước những thông tin rằng thị trường địa ốc đang “ấm dần”. Liệu thị trường có thể quay đầu trở lại nhanh đến thế? Phú Mỹ Hưng chứng minh bằng thông tin về dự án mới nhất của họ, Riverside Residence, khu chung cư cao cấp được chào bán với giá trung bình 36 triệu đồng/m2. Phú Mỹ Hưng cho biết khoảng 800 người đăng ký mua và hơn 100 căn hộ được đăng ký mua hết. Tin này khiến nhiều người cho rằng rõ ràng giới có tiền trong nước miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế, và tiền vẫn đang nằm chờ để rót vào thị trường bất động sản.

Tìm hiểu về giá căn hộ vào thời điểm này, có thể thấy giá tuy đã giảm bớt so đỉnh điểm trong năm 2007, nhưng vẫn còn rất cao. Các dự án chung cư đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện tại TP.HCM. Mà nguồn cung chủ yếu từ thị trường thứ cấp (mua đi bán lại giữa những người đã mua từ trước) giá vẫn cao ít nhất là gấp rưỡi giá chủ đầu tư rao bán. Mặc dù giá đất, giá vật liệu xây dựng đều giảm nhiều so với thời điểm leo thang của năm ngoái, giá các dự án mới đang chuẩn bị tung ra, tuy không nằm ở các vị trí trung tâm, đều vẫn đang nằm ở mức cao khoảng 17 – 23 triệu đồng/m2. Đối với người mua để ở, mức giá này rất cao so với khả năng chi trả của họ. Dù lãi suất vay trả góp hiện nằm khoảng từ 10 – 14%/năm, nhiều người vẫn phải đắn đo trước khi mua nhà, nhất là khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu gì sáng sủa.

Vậy có gì để ủng hộ một “sự ấm dần” của thị trường? Từ những công ty tư vấn địa ốc có tiếng như CB Richard Ellis, Savills, đến các chuyên gia địa ốc trong nước… khi nhìn lại cơn sốt nhà đất cách đây chưa đầy một năm, đều có một nhận định chung: hoạt động đầu cơ đã đẩy thị trường địa ốc lên quá cao. Ở bất kỳ thị trường nào, đầu cơ (những người mua với kỳ vọng kiếm lời nhanh chóng vào sự tăng giá của thị trường) là một yếu tố cần thiết để giúp thị trường địa ốc phát triển. Nhưng cơn sốt vừa rồi xảy ra vì hoạt động đầu cơ quá mạnh khiến cho thị trường bị đẩy quá cao vượt khỏi quy luật cung cầu thông thường.

Một chuyên gia địa ốc nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, đề nghị không nêu tên, nhận xét rằng thị trường địa ốc Việt Nam bị méo mó bởi nhiều yếu tố, trong đó một phần căn bản là có rất nhiều luồng tiền không kiểm soát được, chủ yếu là tiền tham nhũng, được đổ vào nhà đất. Khi những miếng đất béo bở nhất đã được những người nhiều tiền mua và tích tụ, người có nhu cầu thực sự với khả năng tài chính hạn hẹp phải chịu mức giá cao vượt quá nhu cầu của họ, trong một quỹ đất hạn hẹp. Trong trường hợp Phú Mỹ Hưng, với lợi thế là khu đô thị quy hoạch tốt duy nhất ở khu vực TP.HCM hiện nay, Phú Mỹ Hưng có quyền điều khiển nguồn cầu và giá của khu vực này. Những người đầu cơ, đa số mua bằng tiền mặt, có thể chịu đựng thời gian băng giá của thị trường. Nhưng cũng như ở bất kỳ thị trường nào, không thể duy trì một thị trường lành mạnh nếu hoạt động chủ yếu của những người tham gia thị trường là đầu cơ.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế đang u ám hiện nay, một hiện tượng mà giới kinh doanh nhà đất gọi là sự “ấm dần” của thị trường, thực chất vẫn gần với sự đẩy giá của đầu cơ hơn là sức mua từ nhu cầu thật. Trên thực tế, không hiếm đại gia địa ốc đang trong vũng lầy nợ nần và các ngân hàng vẫn đang gánh nợ cho họ. Đây được coi là những rủi ro tiềm ẩn của khu vực ngân hàng, mà vì sự thiếu thông tin và kiểm soát. Hơn ai hết, các đại gia đang mong đợi sự quay đầu của thị trường. Nhưng liệu thị trường có thể quay đầu thực sự, khi sự mua bán vẫn chỉ diễn ra giữa những nhà đầu cơ? Những người tỉnh táo nhất với thời cuộc cho rằng thị trường nhà đất không thể sớm quay đầu lại, và thị trường chỉ có thể ổn định khi những người có nhu cầu thực sự có thể mua. Trong tình hình hiện nay, điều đó vẫn chưa trở thành xu thế chính.

Lan Anh

Posted by Picasa

doanh nghiep

Doanh Nghiệp

Thứ Ba, 17/02/2009, 09:12 (GMT+7)

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group: Tận nhân lực, tri thiên mệnh

Tranh Hoàng Tường

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, thường được nhắc đến như người sáng lập ra công ty tư vấn đầu tiên ở Việt Nam. Có lẽ ông cũng là một trong không nhiều người mạnh dạn rời bỏ môi trường nhà nước từ trước Đổi mới. Ở tuổi 63, người đàn ông này vẫn rất tráng kiện, vẫn làm việc miệt mài.

* Đang ngồi ghế quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải, đâu là lý do khiến ông rời bỏ môi trường nhà nước vào năm 1984 - thời điểm trước khi đất nước tiến hành đổi mới?

- Sai lầm lớn nhất của chúng ta là không có môi trường bên ngoài Nhà nước. Nói một cách chữ nghĩa là không có xã hội dân sự. Khi nào mà ánh sáng của Nhà nước phủ lên mọi ngõ ngách của đời sống thì xã hội không thể phát triển một cách bình thản được. Cần phải có những khu vực không có sự hiện diện của Nhà nước.

Nhà nước luôn luôn phải tự vấn rằng liệu sự có mặt của mình tại một khu vực nào đó, vào một thời điểm nào đó có cần thiết hay không. Nhận ra lúc mình không cần thiết là một biểu hiện của sự thông thái. Cũng giống như một người cha thấy con trai mình đang ôm bạn gái thì phải biết tránh đi.

Có thể nói, từ một nhà nghiên cứu khoa học cầu đường dân sự, rồi chuyển sang kinh doanh, là vì từ trong máu của mình, tôi là người không có khả năng chịu khổ nhưng cũng không có khả năng tham nhũng.

* Để tham nhũng được cũng cần phải có những điều kiện?

- Khi rời khỏi khu vực công, tôi là một quan chức tương đương cấp vụ. Nếu ở lại, tiếp tục phấn đấu thì có thể tôi cũng sẽ có điều kiện nào đó để làm quan chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng khi làm quan chức, nếu không biết tận dụng lợi thế của mình thì sẽ rất nghèo, cho nên mới có thuật ngữ quan thanh liêm. Cũng bởi cái nghèo mà tôi đã mất con gái đầu lòng. Con gái tôi bị bệnh bạch cầu. Giá một ca phẫu thuật ở nước ngoài lúc đó khoảng 30 ngàn USD - một khoản tiền mà có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến.

Tôi không cam chịu nghèo, nhưng cũng không muốn làm một vị quan không thanh liêm nên tôi phải tìm ra bên ngoài để làm kinh doanh. Nhưng với tư cách là một người đã từng làm khoa học, tôi không muốn làm kinh doanh thông thường như mua đi bán lại, mua đắt bán rẻ vì nó không phải là ưu thế mà tôi có, nên tôi kinh doanh các dịch vụ có chất lượng khoa học, đó là nghiên cứu về vấn đề chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ luật sư đảm bảo chất lượng hợp lý cho các hành vi kinh doanh. Tất cả những dịch vụ ấy, trong một chừng mực nào đó đều đòi hỏi vốn hiểu biết và sự nghiên cứu.

Tôi đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng loại hình công ty như thế từ năm 1984 và đến năm 1987 khi đất nước mở cửa, đổi mới thì tôi lập Công ty Investip, thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Tuy nhiên, vì muốn hoạt động tư nhân và muốn rành mạch trong quan hệ với Nhà nước nên năm 1991, tôi tách ra và thành lập InvestConsult Group.

* Năm 1987, chúng ta chưa có Luật Doanh nghiệp. Việc ông lập công ty phải chăng là một sự mạo hiểm?

- Trước khi mở công ty, tôi đã dành ra khoảng mười năm để nghiên cứu về nó. Việc mở công ty bây giờ là chuyện bình thường, nhưng vào thời điểm những năm 1980, công ty là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với người Việt. Vào những năm ấy, những giáo trình về kinh tế học phi xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là rất hiếm, không được lưu hành phổ biến, công khai.

Ví dụ giáo trình Kinh tế học của giáo sư Paul Adam Samuelson, được cơ quan kinh tế của Bộ Ngoại giao dịch và chỉ được lưu hành trong một vài cơ quan và trường đại học có liên quan đến kinh tế. Các bạn biết rằng, truyền bá những kiến thức kinh tế học phi xã hội chủ nghĩa vào thời điểm ấy đòi hỏi phải có một sự dũng cảm ghê gớm và nó cũng vượt quá khả năng hiểu biết của người Việt vào thời điểm ấy.

* Dám tiếp cận những tài liệu đó cũng có thể được xem là một sự dũng cảm?

- Tôi chỉ là người điếc không sợ súng. Khi tôi mở công ty, cậu em tôi đang là trưởng phòng trong một công ty của Ban Tài chính Quản trị Thành ủy TP.HCM và đang phấn đấu để lên phó giám đốc. Tôi nói với cậu ấy rằng hãy từ bỏ vị trí đó, đi theo tôi. Cậu ấy hỏi: theo anh rồi làm gì? Tôi trả lời: làm gì thì chưa biết nhưng chắc chắn không chết được. Đến bây giờ thì cậu ấy cũng đã có một số thành tựu trong cuộc đời của cậu ấy và một tương lai tốt.

Để rủ được những người khác theo mình vào giai đoạn đầu tiên như vậy, buộc phải có nhân cách. Nhân cách không chỉ là một phẩm hạnh mà còn là vốn liếng của những người muốn có sự nghiệp. Những người nào muốn có sự nghiệp mà sự nghiệp ấy không bị tương lai đem ra chế giễu thì người đó buộc phải bắt đầu nó bằng nhân cách, bằng phẩm hạnh.

* Trong số những người đi theo ông từ những ngày đầu, đã có những người ra đi, chẳng hạn như trường hợp chị Đàm Bích Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam. Ông có tiếc không?

- Chị Thủy có bay lên Sao Hỏa đâu. Sự thành đạt của các đồng nghiệp là những tấm huân chương gắn lên ngực áo nhà quản trị. Tôi có một may mắn là đến giờ này vẫn chưa có một quả thối nào rơi từ cành cây Nguyễn Trần Bạt. Chị Thủy tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, khoa Tiếng Anh và chị ấy hoàn thiện chương trình đại học của mình theo chế độ học thêm tại chức.

Ngành học của chị ấy không hề liên quan gì đến tài chính, không hề liên quan gì đến luật pháp, không hề liên quan gì đến kinh doanh cả nhưng bây giờ chị ấy là người đứng đầu một tổ chức kinh doanh, một loại hình kinh doanh khó nhất trong các ngành kinh doanh là kinh doanh ngân hàng. Tôi không tạo ra khả năng của chị Thủy nhưng tôi khích lệ khả năng ấy. Tôi không dạy chị ấy được một chút kiến thức nào về chuyện ấy nhưng tôi thổi vào đời sống tinh thần của chị ấy cái khát vọng trở thành một người như thế và tôi tự hào về điều đó.

* Trong cuốn sách Văn hóa và Con người, ông có nói rằng “mỗi thế hệ phải làm cho thế hệ sau tốt hơn”. Khoảng cách giữa nói và làm cách nhau bao xa, thưa ông?

- Tôi không nói to chuyện ấy ra một cách chủ động, nhưng khi tôi viết sách là khi tôi trả lời các câu hỏi của cuộc đời thì tôi nói. Tôi nghĩ rằng, tôi luôn luôn cố gắng làm đến mức cao nhất khả năng của mình những điều mình nói. Có những vấn đề tôi làm hơn những điều tôi nói, có những vấn đề tôi chưa làm được đến điều tôi nói nhưng tôi cố gắng làm.

Tôi có một đồng nghiệp là em trai của một người bạn tôi. Cậu ấy học ở nước ngoài về nhưng vì chưa kiếm được việc làm nên người bạn mang đến gửi gắm cho tôi. Sau này, khi đã trở thành một người giàu có, cậu ấy mới nói với tôi rằng lúc đầu em đi theo anh chỉ vì mong muốn mua được một căn hộ để lấy vợ. Bây giờ thì cậu ấy có năm cái villa ở Sài Gòn. Tức là tôi làm được nhiều hơn cái mà người ta kỳ vọng ở tôi và cái mà tôi muốn.

Tất nhiên tôi không phải là kẻ từ thiện, tôi chỉ hướng dẫn, cổ vũ, tập hợp để người ta làm thôi, còn những thành quả ấy vẫn là lao động của người ta. Tôi không chiếm dụng giá trị tinh thần lao động của người khác để nói cho mình, nhưng phải nói rằng những người tài hoa trong số họ đã đạt được những cái thậm chí lớn hơn cái động cơ ban đầu của họ khi họ hợp tác với tôi.

* Và ông cũng giàu có hơn?

- Đương nhiên. Cái khó với tôi không phải là giàu có, mà là giữ được những giá trị của mình ngay cả khi đã trở nên giàu có. Tôi có thừa trí khôn để có thể kiếm được rất nhiều tiền từ thị trường chứng khoán, nhưng tôi không tham gia. Từ những năm 1989 tôi đã tổ chức hội thảo bàn về thị trường chứng khoán tại Sài Gòn. Lúc đó tôi bị ông Võ Văn Kiệt khiển trách. Có những người tỏ ra khó chịu về chuyện đó, xúi tôi làm chuyện nọ chuyện kia, nhưng tôi chỉ cười và nói: Ở đời, có mấy người được vua nện cho một gậy. Hơn thế, đó lại là vị vua mà mình yêu mến.

* Đó là một phép thắng lợi tinh thần?

- Tôi là người không bao giờ để bụng. Không tự giam hãm mình vào sự thù hận là nguyên tắc số một của tôi. Lòng căm thù có thể là vũ khí tạo ra chiến thắng, nhưng không tạo ra hạnh phúc.

* Vậy thì, với ông, cái gì tạo ra hạnh phúc?

- Tự do. Tự do với lịch sử của mình, với định kiến của mình, luôn luôn có những năng lực tự giải phóng mình ra khỏi những trạng thái mà ở đó mình không còn nguyên vẹn là một con người nhân hậu. Tự do với bản thân mình khó hơn nhiều.

* Ngoài việc điều hành kinh doanh, ông còn viết sách. Ông có nghĩ sách của mình khó bán?

- Tôi không viết sách để kiếm tiền. Tôi muốn đóng góp kinh nghiệm của mình với đời sống, con người và đất nước. Ai nhặt được điều gì đó có ích trong những cuốn sách của tôi là quyền của họ. Viết lách là niềm ham thích của tôi, nó là lao động chủ yếu của tôi khi bắt đầu bước sang tuổi 55, sau khi hoàn tất việc cấu trúc công ty. Cho đến năm 2008, tôi đã viết được 8.500 trang. Tôi làm việc cật lực như một người xúc than.

* Từ kỹ sư cầu đường, chuyển qua kinh doanh, rồi viết sách. Viết lách có phải là cột mốc cuối cùng trong cuộc đời của ông?

- Công việc sắp tới của tôi là thuyết phục các nhà lãnh đạo về những vấn đề sống còn của đất nước. Tôi không phải là người đối lập, nhưng đem những ý kiến của mình thuyết phục người khác thì tôi làm không mệt mỏi.

* Ông có tin rằng mình làm được?

- Tôi chưa bao giờ làm những gì mà mình không tin. Người ta phải có lòng tin vào sự lương thiện của mục đích công việc của mình. Không tin vào chất lượng thiện chí của mình thì sống với ai?

* Được biết ông đã có nhiều buổi nói chuyện với sinh viên đại học. Tiếp xúc với đối tượng này, ông suy nghĩ như thế nào về họ?

- Tôi nghĩ cần thực hiện một hoạt động có tính chất quy mô xã hội để giải độc hệ quả của một nền giáo dục mà chúng ta đã có. Tôi cũng là một người cha. Tôi nghĩ cần phải làm thế nào đó để thế hệ trẻ, thế hệ con tôi bước vào cuộc đời với tư cách những người tự do, những người không nhiễm độc, không định kiến, những người có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng. Hiện nay ngành giáo dục đang dạy trẻ con sai. Con cháu chúng ta thi rất giỏi, nhưng làm thì rất kém. Có những người làm rất giỏi nhưng sống thì tồi. Xét cho cùng, mục tiêu của con người là sống chứ không phải làm việc.

* Trong thời gian chờ đợi việc “giải độc cho thế hệ trẻ”, như cách nói của ông, là động cơ khiến ông đưa con trai của mình “di tản giáo dục”?

- Tôi gửi con trai ra nước ngoài du học vì đó là một cơ hội. Bây giờ tôi còn khỏe mạnh, còn kiếm được tiền để lo cho con tôi. Chứ tôi không nghĩ đi du học nước ngoài thì sẽ tốt hơn. Cuộc sống cũng là một trường học.

* Có vẻ như cuộc sống dạy cho ông nhiều hơn giảng đường?

- Không. Trút lên vai giảng đường trách nhiệm phải dạy tất cả những gì cuộc sống cần là sự áp đặt ngốc nghếch. Trường học không có nghĩa vụ dạy cho học trò tất cả mọi thứ. Trường học chỉ là nơi hướng dẫn phương pháp, cung cấp cho các em kiến thức để có thể hành nghề trong giai đoạn đầu vào đời. Chính vì hy vọng trường học là nơi cung cấp mọi thứ mà cuộc sống cần nên người ta mới nhồi nhét.

Tôi nghĩ những người nào đến 40 tuổi mà vẫn sống bằng kiến thức ở trong trường học thì không có giá trị phát triển. Sự học được ở ngoài đời nhiều hơn ở trường học là một nguyên lý chứ không phải là một thực tế. Tôi biết có rất nhiều người vẫn không ra khỏi được chương trình giáo khoa trong quá khứ. Trong buổi nói chuyện với sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân, tôi có nói một câu như thế này: “Trở thành nô lệ tuyệt đối cho những điều mình học thì học tập là một quá trình tự tàn sát mình”. Nhà trường phải dạy trẻ em cách ra khỏi sách giáo khoa.

Thời gian còn làm việc ở Bộ Khoa học Công nghệ, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách một công trình xây dựng. Do có một cải tiến buộc phải tranh luận trong thời gian thi công, người ta mời một người thầy đã từng dạy tôi 20 năm về trước đến thẩm định. Khi tôi bảo vệ ý kiến của mình, ông ấy nói: “Anh Bạt, hình như anh là học trò của tôi?”. Tôi trả lời: “Thưa anh, đúng. Tôi đã từng là học trò của anh. Những người dạy học trò mà hai mươi năm sau vẫn nghĩ rằng mình là thầy của những người học trò ấy thì đấy là những người thầy tồi”.

Hạnh phúc của những người thầy là có những người học trò mà mình có thể ngưỡng mộ được. Không có một người nào lại tự hào rằng mình cao hơn cái cây mình trồng. Cái cây phải cao hơn người trồng và sự chênh lệch về chiều cao này càng lớn thì người trồng càng hạnh phúc. Chúng ta có ít những người thầy tự hào về điều ấy và đó chính là nỗi bất hạnh của nền giáo dục chúng ta.

* Ông có đi dạy không?

- Tôi không đi dạy một cách chính thức. Hồi ở viện, tôi có tham gia một số chương trình đào tạo của những trường đại học có ngành liên quan, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp… nói chung là cũng có chút liên quan với việc dạy.

* Vậy ông đã có học trò nào mà mình ngưỡng mộ chưa?

- Tôi rất thận trọng khi xếp mình vào vị trí của người thầy. Để làm thầy, con người ta phải có một sự cố gắng vô cùng lớn lao. Tôi không may mắn có học trò. Tôi không nhận ai là học trò của tôi cả.

* Đó là một cách nói?

- Không phải. Đó là một cách nghĩ. Tôi cho rằng người thầy là người tạo ra giá trị gia tăng của trí tuệ của người học trò. Nếu chỉ dạy những điều trong sách giáo khoa, trong những quyển sách mình đã đọc thì chưa phải là thầy. Tại sao ở phương Tây, phần lớn các viện nghiên cứu đều nằm trong các trường đại học? Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ của người đi dạy. Qua nghiên cứu người thầy mới tạo ra giá trị gia tăng của trí tuệ của mình và từ đó mới có khả năng tạo ra giá trị gia tăng của trí tuệ học trò của mình.

Một bài giảng năm nay cũng giống như năm ngoái nghĩa là không tạo ra giá trị gia tăng, và như thế là rao giảng chứ không phải đi dạy. Tôi không dám nghĩ mình là thầy của bất kỳ ai. Tôi chỉ là đồng nghiệp của những người yêu khoa học.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

Theo THƯỢNG TÙNG

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Posted by Picasa