Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Ý chí Quốc hội



17/06/2009 10:49 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- "Dù hiểu vai trò Quốc hội to lớn như thế nào, cố gắng nỗ lực đến đâu, đại đa số cá nhân đại biểu Quốc hội nước ta vẫn đang bị giới hạn trong chức năng thảo luận và biểu quyết cái đã soạn thảo!"- TS. Nguyễn Sĩ Phương.



Dư âm về phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước vẫn còn nguyên tính thời sự.

Chất vấn dù gì thì gì, cũng chỉ là phương tiện, điều tối quan trọng và ý nghĩa nhất nằm ở hiệu lực của nó đối với quốc sách đang được bàn thảo. Câu chuyện khai thác tài nguyên, sử dụng đất đai, nguồn lực vẫn là những trăn trở, băn khoăn.

Đáp ứng yêu cầu của độc giả, và để đảm bảo thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Sĩ Phương gửi về từ Leipzig (Cộng hoà liên bang Đức). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


Dư âm

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng xung quanh dự án Bô-xít Tây Nguyên đã làm hàng triệu cử tri theo dõi truyền hình hồi hộp, đến nín thở. Trong số đó có hàng triệu người thoả mãn, và cũng hàng triệu thất vọng sau khi nghe phần trả lời.

Đối với Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng vậy, có thể hàng triệu người thích thú, nhưng cũng có thể hơn kém ngần ấy cảm giác ngược lại. Điều đó là tất yếu, bởi họ đích thực là Dân, quyền lợi riêng không giống nhau, nhận thức không thể hệt nhau, động cơ không chắc như nhau... Gạt sang 1 bên đúng sai, sẽ cho ta có được niềm tin về một xã hội dân sự và một Nhà nước pháp trị đang khởi động mãnh liệt ở nước ta không thua kém những nước tiên tiến.

Tuy nhiên, chất vấn dù gì thì gì, cũng chỉ mới là phương tiện, điều tối quan trọng và ý nghĩa nhất nằm ở hiệu lực của nó đối với quốc sách đang được bàn thảo?

ĐBQH Dương Trung Quốc chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: TTX.


Đại biểu Dương Trung Quốc nhìn nhận dự án Bô-xít là một phạm trù, đúng như chính Phó Thủ tướng trình bày: "Đây là văn bản (Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025) xác định quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp chính làm cơ sở cho kế hoạch dài hạn triển khai trong gần 20 năm".

Mà đã là phạm trù thì có lẽ không thể chia cắt. Trong khi Phó Thủ tướng nhìn nhận dự án dưới dạng cộng nghệ thực hiện: "Tôi không nghĩ là đã tách ra mà là phải làm từng dự án thì mới tốt được. Chúng ta chỉ có thể lập quy hoạch chung, trên cơ sở đó, làm từng dự án thì mới đúng quy trình và bảo đảm được chất lượng, bảo đảm tất cả vấn đề liên quan đến môi trường, quốc phòng an ninh".

Có thể liên tưởng đơn giản tới dự án xây một ngôi nhà là không thể chia cắt, nhưng khi thi công thì phải chia cắt thành móng, tường, mái, nội thất, điện, nước... mới có thể thực hiện.

Tương tự, xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, là một phạm trù không thể chia cắt, nhưng thực hiện thì phải tách ra xây dựng Quốc hội, Chính phủ, Toà án... theo từng bước đi riêng.

Chân lý
Vấn đề quyết định tranh cãi đúng sai ở dự án bô-xít rốt cuộc nằm ở chỗ, ngưỡng quy chuẩn pháp lý hiện hành: "Dự án vượt quá 20.000 tỷ đồng Việt Nam phải được Quốc hội phê chuẩn", áp dụng cho khái niệm dự án hiểu theo nghĩa phạm trù, hay theo nghĩa công nghệ thực hiện?

Nếu theo nghĩa phạm trù, thì đại biểu Dương Trung Quốc đã đúng, và hệ dẫn rõ ràng: Dự án bô-xít phải được Quốc hội phê chuẩn.
Bài liên quan:
Không thể chia nhỏ dự án bô-xít
Phó Thủ tướng: Làm từng dự án bô-xít mới tốt


Nếu hiểu theo nghĩa công nghệ thực hiện thì Phó Thủ tướng đúng, dự án bô-xít không cần Quốc hội phê chuẩn, và hệ dẫn logic là Chính phủ luôn có cơ hội miễn trình dự án trước Quốc hội khi cần, bằng biện pháp công nghệ luôn cho phép.

Ai sẽ là người diễn dịch ngưỡng văn bản luật trên hiểu theo nghĩa phạm trù hay công nghệ thực hiện? Câu trả lời hiển nhiên trong một Nhà nước pháp trị như hiện ở các nước tiên tiến là toà án. Toà án có chức năng phán quyết xem 1 văn bản luật được hiểu cụ thể như thế nào, và liệu có vi hiến hay không?

Trong trường hợp phán quyết đó hiểu văn bản luật không đúng với ý chí Quốc hội, Quốc hội sẽ sửa luật lại đúng ý mình, nếu phán quyết kết luận luật sai Hiến pháp, Quốc hội muốn giữ nguyên luật sẽ thay Hiến pháp; còn không Nhà nước phải tuân thủ án quyết.

Chẳng hạn, trước khi thông qua Luật Quốc hữu hoá ngân hàng HRE sắp phá sản 2 tháng trước, để cứu vớt nó tránh thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, Quốc hội Đức đã phải sửa 1 điều luật trong hiến pháp cấm quốc hữu hoá. Hay chỉ đơn giản như luật thuế Đức ban hành năm ngoái sửa đổi điều khoản trước đây cho phép khấu trừ vào thu nhập tính thuế chi phí đi đường từ nhà đến chỗ làm việc 30 cent/1km, bất kể độ dài bao nhiêu, nay chỉ được phép tính từ km 21 bị toà phán sai hiến pháp; lập tức Quốc hội đồng ý hủy bỏ luật sửa đổi này, mà không thay điều luật hiến pháp chi phối nó, để giữ lại. Rốt cuộc vẫn là ý chí Quốc hội.

Vụ chất vấn bô-xít, giả sử đem ra phán quyết và ý kiến Phó Thủ tướng được phán đúng văn bản luật, Quốc hội vẫn có quyền đặt lại rào cản bằng cách hạ ngưỡng 20.000 tỷ đồng xuống 1.000 tỷ, nếu thấy rằng dự án chia nhỏ, Nhân Cơ phải được Quốc hội phê chuẩn như kết luận của Bộ Chính trị: "... Nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới triển khai thực hiện".

Trách nhiệm


Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Ảnh: TTX.


Đáng tiếc, chủ trương Đảng về một Nhà nước pháp trị thì đã rõ ràng, nhưng công nghệ (lại công nghệ) chính do Nhà nước tổ chức thực hiện lại bất khả thi, thực tế chưa bao giờ phán quyết một văn bản luật, và trước hết Quốc hội ta dù nỗ lực mấy cũng không thể vượt quá khả năng của nó như hiện nay để tạo ra một ý chí Quốc hội mãnh liệt: 491 đại biểu, có tới 75% ĐB kiêm nhiệm. Nhiều cuộc họp các ủy ban không đủ 2/3 số lượng thành viên tham dự. Quốc hội thì 1 năm mới có 2 kỳ họp.

Hậu quả, Quốc hội là tập hợp đại biểu, nhưng họ hoặc thiếu thời gian, thiếu điều kiện chuyên tâm, không thể tự thẩm tra báo cáo của cơ quan hành pháp, nên vai trò giám sát của qúôc hội khó được như chức năng nó vốn đòi hỏi. Trong khi ở các nước tiên tiến, đã nghị sỹ là nghị sỹ, có thể kiêm nhiệm việc khác, chứ việc khác không thể kiêm nhiệm nghị sỹ, như ở Đức, hầu như tháng nào Quốc hội cũng phải họp (Quốc hội chỉ được một tháng nghỉ phép, như công nhân), đơn giản bởi tốc độ vận hành của xã hội diễn tiến từng ngày, không thể để xảy ra kiểu "việc đã rồi".

Họ luôn có văn phòng chuyên trách để tiếp cử tri, thực hiện các công việc sự vụ hàng ngày, có kinh phí, thậm chí trong phụ cấp còn có cả khoản tiền chi cho công tác từ thiện để làm gương lôi cuốn dân chúng.

Vai trò của họ lớn lao trước hết do Hiến pháp quy chuẩn, hoàn toàn độc lập, chỉ chịu trách nhiệm trước cử tri, họ có quyền vận động, đề xuất dự án luật, (còn dự án đó chấp thuận hay không là do biểu quyết) - giải thích tại sao tên tuổi cá nhân họ có tầm ảnh hưởng đến đường lối chính sách của quốc gia, vận mệnh nước nhà, và lan ra cả thế giới. Họ cũng là hiện thân cho chính đảng họ theo đuổi, vì vậy bất cứ một đảng nào muốn mạnh đều cần đến những ông nghị tầm cỡ như vậy.

Trong khi đó ở ta, đại biểu Quốc hội đã thiếu điều kiện lại đành thụ động bởi những rào cản do chính các đại biểu Quốc hội đã thông qua, như ngưỡng pháp lý: để đưa ra biểu quyết tại Quốc hội, cần có đề nghị của tối thiểu 20% số đại biểu Quốc hội, nhưng chưa bao giờ xảy ra, nghĩa là không thực tế.

Rốt cuộc, dù hiểu vai trò Quốc hội to lớn như thế nào, cố gắng nỗ lực đến đâu, đại đa số cá nhân đại biểu Quốc hội nước ta vẫn đang bị giới hạn trong chức năng thảo luận và biểu quyết cái đã soạn thảo!
TS Nguyễn Sĩ Phương