Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

BÍ ẨN VẠN HOA

BÍ ẨN VẠN HOA
Thứ sáu, ngày 06 tháng tám năm 2010


Nếu tin vào tử vi, thì trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng hai lần gặp “đại may”. Chỉ có điều, mức độ “đại may” đối với mỗi người khác nhau nhiều lắm. Người may mắn nhiều, kẻ may mắn ít. 

Song, sự may mắn ở mức độ lớn khủng khiếp lại rơi vào một người dân thuộc tầng lớp nghèo khó nhất của xã hội, để nhờ đó, họ đủ sức làm những việc “đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”, thì quả thực, phải hàng trăm năm mới xảy ra một lần.

Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một trong những sự may mắn ấy. Câu chuyện về một người phụ nữ bán hàng xén trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương hồi đầu thế kỷ, đã xây lâu đài Vạn Hoa và chuyện tình của cô với một kiến trúc sư người Pháp, tác giả của toà lâu đài đó.


1

Suốt mấy chục năm liền, lâu đài Vạn Hoa bị chìm vào quên lãng, đến nỗi bãi biển Đồ Sơn, vốn chẳng xa lạ gì với người dân Việt Nam, nhưng lâu đài Vạn Hoa thì chẳng mấy người được đặt chân tới, mặc dù về mặt hành chính, từ trước tới giờ, nó vẫn thuộc quyền quản lý của huyện biển Đồ Sơn. 

Bãi biển Đồ Sơn có 3 khu. Thời còn bao cấp, khu 1 là khu nhân dân, ai vào tắm cũng được. Khu 2 là khu cán bộ, công nhân viên. Còn khu 3 chỉ dành phục vụ cán bộ trung cấp trở lên. Dân thường, dù có lắm tiền nhiều của cũng chỉ dài cổ đứng ngoài mà ngóng. Vì vậy, khu 3, nơi có lâu đài Vạn Hoa đã xa vắng lại càng thêm thưa thớt người qua lại.

Từ khu 3, men theo sườn núi, đi tiếp khoảng gần 2 km nữa, bạn sẽ tới mỏm cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn. Trên đỉnh núi, gần sát mép bờ biển có một toà lâu đài kiến trúc theo kiểu gotique với những mái chóp nhọn. 

Tòa lâu đài lớn, cực đẹp và kiến trúc không hề bị lạc hậu cho đến tận bây giờ. Đó chính là lâu đài Vạn Hoa. Vạn Hoa có một sàn nhảy ngoài trời được coi là duy nhất và đẹp nhất Đông Dương thời Pháp. 

Nằm trên đỉnh núi cao, mặt trông ra Hòn Dấu mờ xa, sau lưng là sóng biển vỗ ì oạp quanh năm, Vạn Hoa trong nhiều năm liền được giới ăn chơi thời thuộc Pháp coi là chốn “Bồng lai tiên cảnh”.

Vậy mà, toà lâu đài ấy lại do một phụ nữ hàng xén, quanh năm buôn thúng bán bưng ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng bỏ tiền xây nên. 

Cô đã làm việc đó sau một lần “đại may” được Thần May Mắn mỉm cười. Cô trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương những năm hai mươi của thế kỷ trước. 

Lúc ấy, khi người ta còn tiêu tiền “xèng”, thì cô đã có trong tay một gia tài tới 10 vạn đồng!


2


Vào khoảng những năm 20, người Pháp ở Việt Nam tổ chức giải xổ số Đông Dương, có bán vé số rộng rãi ở cả 3 quốc gia Việt, Miên, Lào. 

Xổ số nửa năm mới xổ một lần. Giải độc đắc lớn khủng khiếp, mà theo lời các cụ già kể lại, thì người trúng giải còn bị giam, bị dậm dọa suốt thời gian cả tháng trời cho hết cơn sốc rồi mới được lĩnh thưởng. 

Lĩnh thưởng xong, người ta còn tổ chức cả đội bảo vệ, người cố vấn... hưởng lương Nhà nước để bảo vệ và giúp người đoạt giải cách... tiêu tiền.

Năm ấy, vào khoảng năm 1926, 1927 gì đó, một đợt vé số Đông Dưong được bán tại Hải Phòng. Cô Trần Thị Bé, người huyện Thuỷ Nguyên, thường đi bán hàng xén ở chợ huyện, do vui bạn bè, đã mua hú họa một tấm vé số. 

Không ngờ tấm vé ấy lại trúng giải độc đắc 10 vạn đồng. Khi người ta còn đang tiêu tiền ở đơn vị “xèng”, thì gia tài 10 vạn đồng rơi vào tay chẳng khác nào một tiếng sét nổ bên tai và lẽ tất nhiên nó làm cho cuộc sống của cô Bé đảo lộn hoàn toàn. 

Cô bất lực vì vừa phải giữ của, lại vừa chẳng biết tiêu tiền cách nào cho có lý. Cô đã giúp đỡ anh em, bà con họ hàng, làng xóm, cúng chùa, phát chẩn... mà vẫn không sao hết nổi một ngàn đồng.

Vốn là một cô gái nông thôn xinh đẹp, giờ lại quá giàu có, cuộc sống của cô Bé như một ốc đảo giữa sa mạc mênh mông. Cô không thể lấy được ai làm chồng. Lớp con quan lại bù nhìn coi thường gốc gác nông dân của cô, lại sợ mang tiếng ham tiền mà lấy người, nên không một ai ngỏ ý. 

Các chàng trai ở cùng quê thì nhìn cô như nhìn người Nhà trời, cho kẹo cũng chẳng anh nào dám bén mảng. Bi kịch có thể đã diễn ra, nếu cô không tiếp tục gặp đại may một lần nữa.

3


Trong tốp kiến trúc sư thiết kế và chỉ đạo thi công Nhà hát lớn Hà Nội, khánh thành năm 1911, có một chàng kiến trúc sư trẻ tuổi, khi đọc thấy có bài viết về cô Bé đã chủ động viết thư cầu hôn với cô. 

Bức thư khẳng định rằng, ngoài việc lấy anh ta, cô Bé sẽ không thể lấy được ai làm chồng tốt hơn. Anh ta nói mình đủ giàu để lấy cô Bé mà không ai nghĩ là anh ta vì tiền, đồng thời cũng đủ tài để giúp cô sử dụng khoản tiền thưởng ấy một cách có ý nghĩa nhất, trước tiên là vì dân Hải Phòng, sau đấy là vì cả nước Việt Nam. 

Gia đình cô Bé đã cân nhắc rất nhiều lời cầu hôn kiểu “Tây” ấy và cuối cùng đã đồng ý. Lâu dài Vạn Hoa được ra đời chính bắt là nguồn từ cuộc nhân duyên này.

Sau khi cưới nhau xong, giữ đúng lời hứa trong thư cầu hôn, chàng kiến trúc sư đã góp ý với cô Bé rằng phải xây một toà lâu đài thượng hạng, tại một nơi nào đó ngay tại Hải Phòng. 

Toà lâu đài sẽ làm cho người Hải Phòng không bao giờ quên tên tuổi cô, đồng thời cũng là một món quà có ý nghĩa với thành phố sau nhiều năm nữa. 

Hơn thế, nó còn là nơi tụ hội để từ đó làm bước tiến cho cô Bé, trên con đường hoà nhập vào cộng đồng chính khách, quan lại Việt Nam thời bấy giờ. 

Được vợ đồng ý, chàng kiến trúc sư người Pháp đã hoàn chỉnh bản vẽ thiết kế và sau nhiều tháng tìm địa điểm xây dựng, hai vợ chồng đã nhất trí chọn mảnh đất cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn để xây lâu đài.

Vạn Hoa xây dựng xong vào khoảng đầu những năm 30. Khi khánh thành, có mặt đầy đủ các viên chức cao cấp trong Phủ Toàn quyền của Pháp, vua Bảo Đại và hầu như tất cả quan chức bù nhìn đầu tỉnh. 

Hai vợ chồng cô Bé đã ở toà lâu đài này cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Khi chính quyền Hải Phòng thuộc về tay cách mạng, cả hai vợ chồng đã vội vã rời khỏi toà lâu đài và lên tàu về Pháp. 

Trước khi đi cô Bé đã để lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của mình và viết giấy trao lại toà lâu đài cho ông Nguyễn Văn Cảnh là cháu ruột của mình. Tôi có may mắn được biết câu chuyện trên là do một người bạn ở Hải Phòng, đã từng thụ lý những giấy tờ này kể lại.

Nếu có dịp tới Đồ Sơn, các bạn đừng bỏ qua cơ hội thăm lâu đài Vạn Hoa nổi tiếng. 

Đặt chân tới đây, xin bạn hãy nhớ tới câu chuyện một người phụ nữ nông thôn, có số phận cực kỳ may mắn, đã bỏ một khoản tiền khổng lồ xây dựng tòa lâu đài này. 

Hãy làm một việc gì đó có lợi cho mọi người khi bạn gặp may mắn, bởi lẽ lời dạy “lộc bất tận hưởng” của cha ông ta vốn chẳng bao giờ được xem là xưa cũ.

dược đăng bởi Thuy Dam Minh | vào lúc 16:23 |
Nhãn: Du lịch, Môi trường