Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

CÓ NHÂN CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN

CÓ NHÂN CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN


Ông tên là Ngạc nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên.  Cụ thân sinh ông người Phùng khoang, cụ bà người Mỗ lao.

Hai cụ lấy nhau rồi sinh ra ông Ngạc ở đó,  bà cụ mẹ ông là một phụ nữ xinh đẹp và giỏi giang.  Cụ có tài làm bánh khéo léo và ngon có tiếng. Nhờ vậy mà cụ rủng rỉnh, nuôi sống cả nhà trong no đủ ấm êm. 

Sáng sáng cửa hàng bánh của cụ tấp nập người mua kẻ bán. 

Trong số họ có nhiều ông khách đến mua buông lời cợt nhả ong bướm nên cụ ông nổi máu ghen, sợ mất vợ yêu nên quyết định đưa cả nhà về quê ở  Phùng khoang bán hàng.

Ông Ngạc hồi còn nhỏ  đi học trường Thăng Long. Do được nuông chiều từ bé,  bản tính ông thích chơi bời không ham sách vở. Cứ cầm cuốn sách là mắt cứ díu lại , rất buồn ngủ.

Nhưng với công việc hoạt động ngoài trời ngoại khóa thì ông rất nhanh nhẹn, năng động. Ông xin cha mẹ cho đi học võ , người tuy nhỏ con nhưng học rất mau các đòn đánh vì ông thích, ông ham học. 

Để đạt được trình độ cao trong võ nghệ thì phải khổ luyện nhưng ông Ngạc vẫn kiên trì vượt qua. Các đối thủ dù to cao ông cũng không ngán, dám đánh và đánh thắng nên ông được nhiều bạn bè nể phục. 

Ông còn nhớ ngày xưa cô giáo chủ nhiệm lớp tên là Oanh ở phố Nguyễn Văn Tố. Trong lớp có trò ngoan học hành nghiêm túc thì cũng có nhiều học trò rất hay nghịch ngợm tổ chức các trò ma mãnh.  

Để trị đám này, cô Oanh cho Ngạc làm tổ trưởng bảo vệ trật tự đeo băng đỏ để trấn áp học sinh hư. Tổ trưởng trật tự mà thuốc hút phì phèo. Cô Oanh biết nhưng cũng kệ, cô chỉ tận dụng cái mạnh của trò Ngạc mà thôi, Hồi đó nghe tên Ngạc là học trò trong trường đã ngán nên tình hình ổn định nhanh. 

Nhưng chính vậy mà Ngạc điều một điều hai chỉ nghe cô Oanh. Cũng nhờ cô mà Ngạc học xong lớp 7, tốt nghiệp cấp II. Đến khi chia sẻ câu chuyện này ông Ngạc đã hơn 70 tuổi, ông vẫn giành cho cô giáo Oanh những lời kính trọng. 

Khi học hết lớp 7, ông Ngạc bỏ đi làm nghề thợ gò hàn ô tô. Học hành thì kém anh kém em nhưng trong lao động ông lại rất khéo tay và sáng dạ nên được ông chủ là ông Sinh cụt ở 63 Đường Thành rất yêu quý.

Ông Sinh truyền hết tinh hoa nghề gò hàn xe ô tô cho cậu học trò yêu. Sau một thời gian ngắn  ông có thể biến tấm tôn  ra vỏ bất cứ một cái ô tô nào được chỉ định, y như thật. Đúng là một người thợ giỏi.

Ông Sinh cụt thường nói là tao có đứa con gái yêu quý xinh đẹp sẽ gả cho cậu học trò. Ông Ngạc thích lắm nhưng không dám nói vì đó là con gái ông chủ.

Nhưng người con gái này không thích anh Ngạc vì chê anh là nhỏ con, người ngoại thành. Cô lại yêu một người thanh niên trong phố Hà Nội, sau đó là có chửa trước khi cưới. 

Hồi đó là tội tày đình nên ông Sinh rất tức giận và anh Ngạc cũng buồn bã rồi chuyển sang làm cho ông Thường ở 92 Hàng Gai.

Nhờ có cái tính sáng tạo học hỏi, khéo tay hay làm nên ông Thường cũng rất quý Ngạc, người trợ thủ đắc lực của mình.  

Gốc tổ ông Thường  lai Ấn Độ do vậy da ngăm ngăm rất đẹp, ông có 9 người con gái đều xinh xắn. Ông cũng nói với Ngạc rằng mày ở đây làm với ông, mày thích lấy em nào thì ông cho.

Làm thì hay mà nói chuyện với gái thì dở, nên cũng không lọt được vào mắt em nào. Cái này không trách ông Ngạc được, phải trách ông Tơ bà Nguyệt lơ đãng mà không lấy chỉ hồng buộc chân chúng với nhau.


Cho đến năm 1965 thì chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, phong trào nhập ngũ của thanh niên dâng cao để vào giải phóng miền nam. Ông có tên trong danh sách phải đi lính nhưng do tính tình ham chơi và cũng sợ Chiến Tranh ông quyết định trốn lính. 

Trốn lính hồi đó thì rất là khó khăn vì không ở cơ quan xí nghiệp nào là không có tem phiếu, không có thực phẩm lương thực thì sống làm sao. Nhà không quen ai ở nông thôn nên ông quyết định đi bụi đời , tức là lang thang phố phường trộm cắp mà sống qua ngày.

Bụi đời nó cũng có thế giới riêng, ra ngoài ông nhập ngay với một hội 5-7 người. Sống từ năm 1965 đến năm 1975 ở khu ở khu vực chợ Đồng xuân, Bắc qua, bến xe, bến tàu....  

Tôi hỏi ông  :

- Lấy cái gì mà ăn ?

- Thì ăn cắp quẩy, bánh bao, bánh mỳ...bất cứ thứ gì ăn được  Hoa quả thì mùa nào thức đấy. Nước uống, vệ sinh, tắm giặt ra vòi công cộng. Ngủ ngoài hiên , trong chợ bất cứ chỗ nào. Bụi đời mà.

- Thế quần áo, chăn chiếu ?

- Thì cũng đi ăn cắp cả, nhưng tôi tự hào nói rằng chúng tôi bụi đời nhưng là bụi đời có đạo đức. Sao lại là bụi đời có đạo đức, vì người ta có 10 thì tôi chỉ lấy của người ta 5 thôi. Ví dụ anh em tôi gặp thằng nào Con Nhà Giàu nó có 10 đồng thì tôi chỉ lấy 7 Đồng còn để giả nó 3 đồng. Có khi nó còn mang cho thêm.  Hay bánh trái, hoa quả  thì chỉ lấy của người ta một phần đủ dùng thôi còn để người ta buôn bán. Mình không thể lấy hết của người ta được

Quanh đi quẩn lại mười năm trôi qua vèo vèo. 

Năm 1975 giải phóng miền Nam. Cả nước thống nhất, Hòa Bình được lập lại ông lại trở về địa phương làm ăn lương thiện ,lấy vợ sinh hai con trai.

- Thế địa phương không hỏi 10 năm bụi đời à.

- Ôi dào , giải phóng rồi , Bận bao nhiêu việc , ai để ý đến mình nữa, mình sống tử tế làm ăn lương thiện mà. Hộ khẩu vẫn còn , nó cũng chả cắt.

Ông luôn luôn dạy các con là phải lấy đạo đức làm trọng.  Không ăn không nói có, ăn cắp như bố nữa. Ông tự hào nói với tôi rằng hai thằng con trai của ông hiện nay đều có mỗi thằng vài nhà cho thuê đủ sống đến hết đời.

Ông có một người bạn học làm vụ phó Bộ công thương cũng không to, cũng không phải là nhỏ, là một chức quan lại trung bình. Ông bạn sinh được người con trai, vợ chồng đi nước ngoài như đi chợ,  tiền bạc không thiếu nhưng thằng con lại bị nghiện ma túy.

Có lần ông nói chuyện ông Ngạc rằng  mày làm thế nào mà hai thằng con của mày đều ngoan ngoãn tử tế. Con tao mỗi một thằng đầy đủ như thế mà nó lại nghiện ma túy nặng .Chừng một tháng sau cuộc gặp thì con ông ấy bị sốc thuốc mà chết. 


Ông kết luận rằng ở đời chưa biết thế nào nhưng mình sống phải lấy Đức làm đầu.

Như các cụ dạy có Nhân có Đức mặc sức mà ăn.

Bây giờ ai qua chợ Phùng khoang gặp ông Ngạc làm bảo vệ quần áo chỉn chu , đầu chải bóng mượt thì đó là nhân vật chính của câu chuyện này.


NBS

13/09/2021

Sắp hết những ngày dãn cách vì covid 

Ảnh : Chợ Đồng xuân ngày xưa