Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

"NGƯỜI HÀ NỘI"

 "NGƯỜI HÀ NỘI"

(Post lại từ note, có bổ sung)
Gần đây người ta hay tranh cãi về khái niệm "Người Hà Nội", nhưng chắc đa số người HN bây giờ chỉ hiểu mù mờ, mình cũng thế thôi vì là nhà quê gốc. Tuy nhiên, mình hay thắc mắc về khái niệm này và rắp tâm tìm hiểu qua lịch sử và tự kết luận là khái niệm người HN được định hình đậm nét nhất vào thời Pháp thuộc, bởi vì thời kỳ này thị dân HN có cuộc sống, môi trường xã hội khác hẳn với thị dân thời mà HN có tên khác (Thăng Long, Đông Đô, Đại La...). Lịch sử HN thời Pháp thuộc không được dạy trọn vẹn trong sách lịch sử chính thống mà chủ yếu qua truyền khẩu, hồi ký và truyện, vì thế nên dân sống ở HN bây giờ không biết nhiều và cụ thể về giai đoạn này cũng là bình thường.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Hoa nhài thì rõ là thơm rồi, nhưng chưa chắc đã là thơm nhất. Người Tràng An (tên 1 kinh đô cổ ở Trung Quốc) được ví với kinh đô Thăng Long, nhưng người Thăng Long thanh lịch thế nào, hơn gì người Nam Định, Bắc Ninh, Hà Đông (cũng là những nơi có nhiều sỹ phu Bắc Hà)...thì giờ này cũng chả ai biết, chỉ là suy diễn thôi. Nhưng người Hà Nội thì chắc chắn là văn minh, thanh lịch nhất miền Bắc là chắc chắn. Về độ văn minh, vào thời điểm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thì HN chỉ có thể so sánh với Sài Gòn, nhưng về nền tảng lịch sử, văn hóa thì đương nhiên Hà Nội hơn SG nhiều. Như vậy, tính gộp cả văn minh và thanh lịch thì HN lúc đó là nhất cả nước, đừng nói đến chuyện thanh lịch nếu thiếu văn minh. Bài viết này sẽ lý giải điều đó.
Người Pháp xâm chiếm HN
Người Pháp bắt đầu để ý đến Hà Nội kể từ khi chiếm được 6 tỉnh Nam Kỳ. Lúc đầu họ muốn chiếm Nam Kỳ làm bàn đạp rồi ngược sông Mê Kông để đến TQ buôn bán làm ăn, việc xâm chiếm thuộc địa thì cũng chỉ để làm ăn, kiếm tiền mà thôi. Tuy nhiên, người Pháp thấy là đi ngược con sông Mê Kông lên đến Vân Nam thì rất là lọ mọ, khó khăn nên họ nghĩ đến 1 con sông khác cũng bắt nguồn từ TQ, sông Hồng, khoảng cách đường sông sẽ gần hơn, thuận tiện cho việc đi lại. HN lúc đó là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng. Người Pháp muốn chiếm lấy HN để kiểm soát việc giao thương trên sông. Cơ hội đến khi 1 tay buôn lậu Pháp là Jean Dupuis chở vũ khí qua TQ bán và khi về thì bị bắt lại tại HN, tịch thu hàng hóa. Thế là người Pháp có ngay 1 lý do chính đáng, giống y như lý do của Putin bây giờ, là bảo vệ người Pháp bằng cách chiếm thành HN.
Ra đánh HN chỉ là 1 đại úy hải quân là Francis Garnier với 222 lính và 4 chiến thuyền, đối đầu với khoảng 2000 quân nhà Nguyễn chỉ huy là Nguyễn Tri Phương. Ông này đã làm đến chức Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá, tóm lại là cực to, cỡ thượng tướng hay đại tướng bây giờ, toàn quyền về quân sự ở miền Bắc. NTP có rất nhiều võ công hiển hách cho triều Nguyễn, như bình định Nam Kỳ, Chân Lạp (chiếm luôn 2/3), đánh dẹp quân Cờ đen ở biên giới phía Bắc. Một trung úy với hơn 200 quân đánh nhau với 1 đại tướng với 2000 quân, đã từng cầm 2 vạn quân, mà chỉ sau có vài tiếng là thành HN thất thủ! Quân Nguyễn bị pháo và súng Pháp bắn phá thành là hồn vía lên mây bỏ chạy tán loạn, quân Pháp có 1 lính chết do chính họ bắn nhầm! NTP thì bị thương và bị bắt sống. HN thất thủ vào ngày 20-11-1873. Sau đó 1 tháng thì Garnier bị quân Cờ đen (vốn là quân nhà Thanh) của Lưu Vĩnh Phúc giết chết ở Cầu Giấy, làn sóng chống Pháp dâng cao nên năm 1874 quân Pháp rút khỏi HN nhưng 1 năm sau thì nhà Nguyễn ký với người Pháp 1 thỏa thuận là nhượng cho Pháp 1 khu đất để người Pháp xây dựng tòa công sứ, thuế quan và đóng khoảng 100 quân. Theo thỏa thuận thì khu đất chỉ cỡ 2,5ha nhưng thực tế thì khu nhượng địa đầu tiên này rộng đến 18ha, chính là khu Đồn Thủy (nhà thương Đồn Thủy sau này là BV quân đội 108). Khu Đồn Thủy này là 1 hình chữ nhật chạy dọc đê sông Hồng, từ phía phố Phạm Ngũ Lão, bảo tàng LS đến hết nhà tang lễ bộ QP bây giờ. Khu nhượng địa này không hề làm thỏa mãn người Pháp, vì thuế không thu được do Nam triều thu trước rồi, việc buôn bán thì bị đình trệ do Nam triều cấm xuất khẩu gạo và tơ lụa. Khu này chán đến nỗi công sứ Pháp lúc đó quản lý cả Hải Phòng lẫn HN thì chả buồn ở HN mà lại ở HP.
Năm 1882, quân Pháp đánh thành HN lần 2, với lý do là Nam triều không tôn trọng thỏa thuận đã ký, để quân Cờ đen quấy nhiều và cấm đoán giao thương. Chỉ huy quân Pháp là đại tá Henri Riviere với khoảng 400 quân, đối đầu với khoảng 7500 quân cố thủ của tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) là Hoàng Diệu. Như lần trước, HN thất thủ sau vài tiếng, Hoàng Diệu tự vẫn. Lịch sử lặp lại, chưa đầy 1 tháng sau Riviere cũng bị quân Cờ đen giết chết tại đúng chỗ Garnier bị giết là cầu Giấy, nhưng thành HN đã bị quân Pháp chiếm đóng. Thành HN là 1 hình vuông giới hạn bởi 4 con đường hiện nay là Phùng Hưng, Hùng Vương (lăng CT HCM nằm ở đúng cửa Tây cũ), Phan Đình Phùng (vẫn còn dấu tích cửa Bắc) và Trần Phú. Người Pháp làm con đường đầu tiên nối thành HN với khu nhượng địa cũ bây giờ là đường Tràng Tiền và Tràng Thi, cuối Tràng Thi nối với cuối Phùng Hưng chính là 1 góc thành HN, đây là 2 khu vực đầu tiên của người Pháp ở HN. Phía Nam trục đường này sau trở thành khu phố Tây, phía Bắc là khu phố ta cũ.
Năm 1883 người Pháp ký với Đại Nam hiệp ước Quý Mùi, nội dung đại ý là Nam Kỳ sẽ là xứ thuộc địa, người Pháp trực trị, đứng đầu là Thống đốc, Trung Kỳ vẫn do Nam triều quản lý nhưng có cố vấn là 1 Khâm sứ, Bắc kỳ là xứ bảo hộ (nửa thuộc địa), đến năm 1888 thì vua Đồng Khánh chấp thuận để HN và Hải Phòng cùng với Đà Nẵng của Trung Kỳ thành nhượng địa (thuộc địa) của Pháp, còn các tỉnh khác của miền Bắc vẫn do quan lại Nam triều quản lý dưới sự "cố vấn" của 1 công sứ Pháp, đứng đầu Bắc kỳ là Thống sứ. Nhờ chỉ dụ năm 1888 nói trên, người Pháp lập 1 khu nhượng địa mới ở HN thay thế cho khu cũ.
Địa giới HN
Ranh giới khu nhượng địa mới rất không rõ ràng và cũng không được nêu cụ thể (đúng ra là không tìm thấy) kèm trong chỉ dụ của vua Đồng Khánh, nên người Pháp mặc sức lấn chiếm mở rộng. Thời kỳ đầu nó chỉ nằm trong diện tích phía Bắc là hồ Trúc Bạch, Tây là Văn Miếu, Nam là khu nhượng địa cũ. Sau này người Pháp cứ mở rộng ra đến hết các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng bây giờ (phần phía Bắc phố Đại Cồ Việt bây giờ), chiếm toàn bộ nội thành HN (địa phận quận Đống Đa bây giờ thì lúc đó vẫn là nhà quê, ngoại thành). TP HN lúc đó gồm 2 phần, nội thành là nhượng địa còn ngoại thành là đất của thành phố. Nhượng địa hưởng quy chế riêng, theo luật lệ của Pháp, khu vực ngoại thành về hành chính là thuộc chính quyền bảo hộ (như các tỉnh khác của Bắc Kỳ), nhưng lại nhờ cậy chính quyền TP (nhượng địa) giải quyết việc hàng ngày. Sự mập mờ này dẫn đến nhiều hệ lụy sau này vì có sự quản lý chồng chéo.
Năm 1902 thì HN gánh thêm 1 nhiệm vụ là thủ đô của toàn Đông Dương, trước đó phủ Toàn quyền Đông Dương đặt dinh Norodom trong SG, kể từ khi Pháp thành lập được liên bang Đông Dương vào năm 1887 thì phủ toàn quyền được chuyển ra HN, nơi hiện nay là phủ chủ tịch. HN lúc đó gánh 3 vai trò về hành chính, 1 là thủ phủ toàn liên bang, 2 là thủ phủ của Bắc kỳ (coi như 1 bang), 3 là chính quyền địa phương cấp tỉnh. Vì vậy HN có 3 khu vực hành chính là dinh Toàn quyền, dinh Thống sứ (nay là nhà khách chính phủ), tòa Đốc lý (đã đập đi để xây UBND TP).
Chính quyền HN
TP HN có thị trưởng (đốc lý) do Thống sứ, sau này là Toàn quyền, chỉ định nhiệm kỳ 3 năm và hội đồng thành phố. Ông đốc lý phải đứng 2 vai, vừa là thị trưởng 1 TP như ở bên Pháp, vừa như 1 công sứ Pháp ở các tỉnh bảo hộ khác của Bắc kỳ. Hội đồng TP bao gồm 12 người Pháp, 2 người VN, 2 người Hoa (sau này bỏ 2 người Hoa thay bằng 2 người VN). Thành viên hội đồng người Pháp do người Pháp bầu, thành viên người Việt do người Việt bầu, người Việt có nộp tô mới được đi bầu và thuộc giai cấp thượng lưu.
Lúc đầu thì người Pháp vẫn dùng các quan huyện cũ của Nam triều để quản lý các huyện thuộc nội thành HN nhưng đến năm 1896 thì bị thay bằng chức hiệp lý rồi bị bãi bỏ ngay, đốc lý quản lý người dân thông qua các trưởng phố (kiểu như tổ trưởng dân phố bây giờ). Như vậy có thể thấy bộ máy hành chính của HN là tối thiểu, rất gọn nhẹ.
Người HN
Người dân HN sống hoàn toàn theo luật của nước Pháp, không liên quan gì đến pháp luật Nam triều nữa. Cùng là người Việt nhưng người ở HN được xét xử hoàn toàn khác với người ngoại tỉnh. Chính quyền HN đã gò HN vào khuôn khổ luật pháp của 1 nước phương Tây văn minh. Nhà nước phong kiến khi đó có luật lệ khá lỏng lẻo, các viên quan huyện, tỉnh tự xử án theo hiểu biết pháp luật của mình 1 cách khá tùy tiện. Ông Nguyễn Sinh Sắc, bố ông HCM, vốn là 1 quan huyện, mắc lỗi xử tội quá tay đánh chết phạm nhân nên bị cách chức thành dân. Ở HN thì không thể có chuyện tương tự. Người Pháp ở HN không được quyền chà đạp lên pháp luật để làm mưa làm gió. Ở HN lúc đó có đủ các bộ luật Hình sự, Dân sự, Thương mại, Báo chí, Sở hữu, sử dụng cả án lệ của Pháp để xử án. Quyền công dân thể hiện qua sổ địa bạ, giấy chứng nhận sở hữu, biểu thuế. Chính vì thế nên đã có những vụ kiện của người Việt kiện cả người Pháp và chính quyền thành phố. HN có các luật sư và họ sẵn sàng cãi cho người Việt nếu họ có tiền. Dân có thể kiện TP lên tòa Thống sứ hay kiện những phán quyết của tòa thống sứ lên tòa Đốc lý do sự mâu thuẫn giữa 2 hệ thống nhượng địa và bảo hộ.
Tóm lại người HN trong những năm Pháp thuộc đã trở nên văn minh hơn rất nhiều do sống trong môi trường pháp luật của Pháp. Thời đó tất nhiên sẽ không có chuyện "đái đường" như bây giờ. Chúng ta còn nhớ các thầy đội xếp Min đơ, Min toa trong truyện Số đỏ có thể xử phạt người dân đái bậy, phóng uế ra đường, chuyện đó là hoàn toàn thực tế. Có thể nói pháp luật thời Pháp thuộc chặt chẽ và nghiêm minh hơn pháp luật bây giờ. Tuy nhiên về tự do ngôn luận thì thời đó có lẽ còn hơn bây giờ vì báo chí tuy có bị kiểm duyệt nhưng vẫn có nhiều báo tư nhân, do người Việt làm chủ bút và người ta có thể lách luật để đăng các bài cấm kỵ về chính trị hay đả kích nhà cầm quyền. Nếu báo bị đình bản thì chủ bút có thể đổi bút danh hoặc nhờ người khác đứng tên để lập báo khác, không khác gì các quán karaoke, mát xa hay bia ôm bây giờ bị chấm dứt hoạt động thì lại dễ dàng tái lập! Người HN vốn đã có cái gốc văn hóa kinh kỳ và cộng thêm sự văn minh do sống trong khuôn khổ của pháp luật văn minh nên đã tạo nên 1 thế hệ "Người Hà Nội" thanh lịch và văn minh hơn các tỉnh khác.
Người Việt ở ngoại thành sống trong các làng nghề, mỗi làng có 1 nghề đặc trưng và cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho người nội thành. Người Thanh Trì bán bánh cuốn, Thụy Khuê bán bún ốc và xôi, Kim Liên cắt tóc. Khu vực phố cổ tập trung dân làm thương mại. Gọi là phố cổ nhưng cũng chả cổ lắm, đại đa số nhà ở đây chỉ xây vào khoảng 1900-1940 là thời điểm bùng nổ xây dựng và phát triển của HN. Khu Khâm Thiên và Thái Hà ấp thì tập trung nhiều cô đầu, hút thuốc phiện, ăn chơi đàng điếm.
Năm 1889, khi HN chính thức thành nhượng địa toàn bộ, thì có chưa đến 500 người Pháp, nhưng đến năm 1908 thì đã có 4000 người Pháp và khoảng 100 người các nước châu Âu khác. Đông Dương không phải là thuộc địa mà người Pháp thích sang sống, dân Pháp ở HN không đáng kể so với ở Alger (Algeri - Bắc Phi), có lẽ vì khoảng cách quá xa và khí hậu quá khác biệt. Đến năm 1940 thì 1/3 dân Pháp ở HN được sinh ra ở đây. HN lúc đó giống 1 tỉnh lẻ của Pháp, người Pháp cũng có người giàu người nghèo. Cũng giống những người di dân sang Mỹ hay Úc, dân Pháp di cư sang HN đa phần không phải thuộc giới thượng lưu mà là dân du thủ du thực, bất mãn với cuộc sống ở Pháp.
Số lượng người Hoa ở HN không đông như ở SG, Hải Phòng. Năm 1888 HN có 850 Hoa Kiều, năm 1940 có 5310 người. Người Hoa sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, chủ yếu sống ở Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Chiếu. Người Hoa gần như nắm toàn bộ về thương mại tại HN, cũng như trong SG, họ chả e dè gì người Pháp, người Pháp không cạnh tranh nổi với người Hoa về thương mại. Với 3% dân số mà người Hoa đóng góp 20-25% ngân sách thành phố. Ngoài ra HN còn có người Nhật và người Ấn, số lượng chỉ vài trăm.
"Người HN" biến mất
Sau hiệp định Geneva đa số những gia đình giàu có, người nước ngoài, trí thức có quan hệ với chính quyền thực dân đều di cư vào Nam hoặc sang Pháp.

Đây là tầng lớp thượng lưu của người HN tạo nên hình ảnh về người HN và tạo nên khái niệm "Người HN" mà không tỉnh nào có. Thay vào đó là ùn ùn dân ngoại tỉnh đổ về lấp chỗ trống, họ mua các bất động sản do người ra đi bán lại với giá rẻ.

Ngoài ra là những cán bộ, mà đa số xuất thân nông dân, cùng gia đình họ đổ về HN, họ cư xử với HN không khác gì các chú bộ đội năm 75 tiếp quản SG. HN bắt đầu bị nông thôn hóa bởi vì lãnh đạo HN không còn là "Người HN" nữa. Đến năm 2000 thì trong 9 vị lãnh đạo HN chỉ có 1 người HN gốc.

Tại sao nói HN bị nông thôn hóa?

Thời Pháp thuộc, giới tinh hoa chính là khuôn mẫu về lối sống của đa số thị dân. Tất nhiên cũng có những thứ đua đòi rởm đời hay được kể trong truyện trào phúng của Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Công Hoan. Nhưng đa phần lối sống tinh hoa là văn minh hơn mặt bằng chung. Hồi đó, người nghèo, ít học phải kính trọng người giàu, có học, có quyền thế và có xu hướng bắt chước họ.

Nhưng đến thời tiếp quản thủ đô thì mọi sự lại bị đảo lộn. Vì lối sống tinh hoa sẽ bị coi là tiểu tư sản, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Nên giới trí thức phải thể hiện lối sống thanh lịch 1 cách du kích, kín đáo.

Chính vì thế nên lối sống tinh hoa, thanh lịch không còn được khuếch trương như cũ, thay vào đó là lối sống nông thôn và thợ thuyền. Bởi vì đó là thành phần cơ bản, là xương sống của chế độ.

Thời kỳ này, trí thức không được dân nghèo coi trọng như xưa, thậm chí còn bị coi thường. Bởi vì đa phần cán bộ, công chức xuất thân từ giai cấp công nông. Giới tinh hoa cũ rất ít cơ hội để ngóc đầu lên được, trừ 1 số gia đình trí thức .

Kể từ đó đến hết thời bao cấp, lối sống bần nông ngự trị thủ đô, vì đó là chuẩn mực của chế độ. Cách thức vận hành bộ máy kinh tế, chính trị nó cũng tạo nên lối sống.

Như chuyện xếp hàng thời bao cấp, cộng với việc bị đói khát, khiến người HN phải bon chen, hèn hạ đi mất mấy chục năm, sau nó ăn vào thành tính cách, không dễ mà bỏ được, ảnh hưởng nặng nhất là văn hóa xếp hàng, thứ nhì là việc ghen ăn tức ở, soi mói hàng xóm, đồng nghiệp. Thời bao cấp, soi mói lẫn nhau còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Sau này mới biến thành tính cách.

Đến thời kỳ đổi mới, người HN giàu lên nhanh chóng, lúc đó lối sống tinh hoa nhà giàu ngày xưa được dịp trỗi dậy, nhưng những người gốc gác tinh hoa xưa kia không còn mấy, thay vào đó là tầng lớp nhà giàu mới nổi, còn gọi là trọc phú.

Từ đó đến nay, phong cách sống của nhà giàu mới nổi (thường dưới 10 năm), trưởng giả, đang dần trở thành chuẩn mực về lối sống của người HN. Điển hình như mốt nhà Pháp nhái, nội thất Đồng Kỵ)...

Tuy nhiên, do truyền thống mấy chục năm qua, người nghèo và ít học ở HN vẫn hoàn toàn bình đẳng với giới trí thức tinh hoa, sẵn sàng chửi họ như chó (như vụ đấu tố Ngô Bảo Châu).

Bi kịch chính là ở chỗ đó, khi mà xã hội không có tôn ti trật tự. Giới tinh hoa lại không được coi là khuôn mẫu của xã hội.
Bạn, Hồng Thắng, Trần Lê và 110 người khác
13 bình luận
16 lượt chia sẻ
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Người sang đâu hết?

  NGƯỜI SANG ĐÂU HẾT ?

  Dạ Ngân 
Thế hệ có học thời xưa, rất nhiều người sang. Học và đọc, tự nghiệm và tự luận, viết hay nói hay. Nhìn dáng họ, cách họ nghĩ và lời họ nói, cả đến khóe cười của họ cũng tao nhã, mực thước. Tây học mà. Văn hóa Pháp thời ấy, đầy sức quyến rũ. Không dưng mà họ rùng rùng đi theo Việt Minh. Bây giờ nhiều người cho rằng do họ cả tin, ngây ngô. Thiển nghĩ, nói vậy là nói lấy được, thời vận, vận nước và vận hội, số ít thì ta còn có thể nghĩ thế nọ thế kia, khi đa số nhập cuộc, quả nhiên có cả một lớp người dấn thân sang trọng.

Cha con nhà ngôn ngữ học GS. Hoàng Tuệ (1922-1999) và nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: TL


Thế hệ con cái họ, sinh trưởng trong chiến tranh nối tiếp chiến tranh, bộ gien của những ông bố giàu học thức có thể chỉ đủ làm xương làm cốt. Những đứa con ấy cũng phải thừa nhận rằng họ không thể nào như cha ông được. Bảo Ninh không dám so mình với cha, nhà ngôn ngữ Hoàng Tuệ. Giáo sư Nguyễn Văn Huy rợp mát bởi cái bóng cả của bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Ai, ai là con cháu của Tạ Quang Bửu có thể vượt được ông? Nguyễn Kiến Giang bị oan khiên tù án, cách ông ngồi nghiệm suy giống một bức tượng điêu khắc. Nguyễn Khắc Viện thì viết lách nghĩ ngợi cho đến cuối đời và rồi đi nhẹ như một ngọn bấc. Còn rất nhiều đơn cử khác, trăn trở, khắc khoải mà vẫn không đánh mất niềm kiêu hãnh lẫm liệt của người sang. 

Một bức ảnh kỷ niệm của hai cha con cố học giả Nguyễn Kiến Giang  (1931 - 2013) và TS. Nguyễn Quốc Tuấn (1957 - 2019), chụp năm 1990. Ảnh: TLGĐ


Chúng ta không chỉ không bằng họ mà chúng ta còn phải luôn tự vấn vì sao chúng ta không dám so với họ. Chiến tranh liên miên, bao cấp sai lầm, hậu chiến đói kém, học hành lôm côm, người đông của khó…vân vân và vân vân. Còn những gì để đổ thừa nữa không? Vô vàn nguyên do.  

Sâu xa, sự đạp đổ văn hóa ngàn đời của dân tộc để làm “con người mới xã hội mới” đã tàn phá văn hóa và từ đó, văn hóa bị đứt gãy không sao liền lại được. Một người Việt cao sang như chúng ta từng ngưỡng mộ phải đi cùng với thực học, thấm thía triết học văn minh và, yêu nước thương người bằng cả tâm hồn thanh sạch của mình.

Ở miền Nam sau năm 1975, tôi tìm thấy thế hệ hậu sinh từ một số thầy giáo dạy cấp ba bổ túc văn hóa cho tôi. (Chiến tranh khiến tôi chỉ học hết cấp II rồi vào Cứ). Họ là sản phẩm của nền giáo dục khai phóng và nghiêm cẩn. 


Nhanh chóng, giữa họ và tôi không có khoảng cách giữa “bên thắng cuộc” và những người từng phải đi trừ bị Thủ Đức rồi buông súng giải giáp.


Họ trao cho tôi tầm mức văn hóa và tôi đón nhận họ với sự cầu thị văn hóa. Sách để đọc, những câu chuyện trải nghiệm để buồn cùng nhau và rồi có “người đi ừ nhỉ người đi thật”, nhưng cũng có người làm hiệu trưởng trường phổ thông bằng sự tận tâm không chê vào đâu được.


Ở trường cấp I thời con gái tôi học (cuối thập kỷ tám mươi), có một thầy giám thị đứng tuổi, nho nhã, áo luôn trắng, giày luôn chuẩn, dáng đứng bao quát thẳng thớm không ai có thể thay thế ông. Một hôm, khi ấy con gái tôi đang lớp 5, vừa về đến nhà nó òa khóc nức nở (thời đó trẻ con tự đi, gia đình không phải đưa đón): “Mẹ ơi, mấy bữa nữa thầy giám thị đi theo gia đình sang Pháp luôn rồi mẹ”.


Những năm cấp II nó khóc mấy lần nữa, khi thì cô giáo Văn của con vừa vượt biên đó mẹ, khi thì cô dạy Toán đi HO theo chồng sang Mỹ đó mẹ. Phải thừa nhận, một tổn thất ghê gớm cho miền Nam chỉ nói riêng ngành giáo dục.


Kinh tế mở, đời sống bật. Thấy có người giàu chứ không có người sang. Bạn sẽ hỏi, định nghĩa người sang cho tôi nghe đi? Vâng, giàu dễ hơn sang. Muốn sang phải nhiều đời sạch. Học vấn sạch, đồng tiền sạch, nếp sống sạch, từ đó sẽ cốt cách sạch tâm hồn sạch, và rồi sẽ có hành vi sạch.


Cha truyền và con nối, đứa con được hít thở, học hành, đọc sách và nghĩ ngợi trong môi trường sạch ấy. Nhiều gia đình sạch, sẽ có một thế hệ cao sang, lành mạnh và rồi, những hạt nhân ấy sẽ lan tỏa như ánh sáng như nước nguồn, xã hội sẽ được nhấc lên.

Nhìn vào hệ thống giáo dục bị cho là nát bét hiện nay, chúng ta hy vọng gì. Nhìn vào phụ hynh ưa kèn cựa hạng điểm, ưa chạy trường, ưa khoe con, cũng không dám nghĩ nhà trường sẽ hoàn toàn tự quyết. Và rồi, như một kiểu đồng dao, kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông, mớ bòng bong ấy: Bộ và Sở - Nhà trường và Phụ huynh - Thầy cô và Học sinh, nếu có giũ ra làm lại hết thì cũng ý thức ấy, tầm văn hóa ấy, những con người ấy, liệu có tốt lên chăng?


Riêng chuyện khai giảng sao cho dung dị mà thiết thực chúng ta còn chưa làm được. Riêng chuyện sách giáo khoa sao cho đơn giản và tiết kiệm mà chúng ta cũng chưa làm được. Riêng chuyện không để trẻ phải sợ sự bẩn thỉu của khu vệ sinh trong trường, chúng ta còn chưa làm được.


Vậy đó, bày vẽ, phô phang, tốn kém, trục lợi thì sẽ có “nền giáo dục hư học” (lời giáo sư Hoàng Tụy) thì làm sao có được người sang mà dùng?

Dạ Ngân