Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Của trời cho




Bài của Nguyễn Quang Lập Blog Quê Choa

Đọc bài Học ở Hiến pháp năm 1946 của Nguyễn Sĩ Dũng, mình rất thích, muốn post lên lắm nhưng thấy nhiều trang mạng đưa lên rồi, nên thôi. Cách đây một tháng bác Sĩ Dũng có bài: Cách mạng Tháng Tám và giá trị của độc lập, tự do cũng rất thích. Thời của quan trí suy đồi, thời của chụp mũ mãn tính, việc có một ông quan cất tiếng dõng dạc và trung thực, sáng sủa và khúc chiết được như bác Nguyễn Sĩ Dũng thực là quá hiếm.

Về Hiến pháp năm 1946, bác Sĩ Dũng nói đúng một câu: “Nếu Nhà nước pháp quyền là Nhà nước được tổ chức trên những nguyên tắc và thủ tục sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ, thì Hiến pháp 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó.” Một câu thật đích đáng, qua đó dân có thể hiểu thế nào là Nhà nước pháp quyền, đó là ” Nhà nước được tổ chức trên những nguyên tắc và thủ tục sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ”. 

Qua đó có thể rút ra được nguyên nhân nào mà lạm quyền tự do sinh sôi nảy nở, nguyên nhân nào quyền tự do, dân chủ của người dân dường như bị bỏ quên hoặc lãng tránh. Cũng qua đó, nếu có lòng với Đất nước, thực bụng yêu dân, người ta hiểu ngay cần phải làm gì cho việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới.

Mình rất thích “phát hiện” của bác Sĩ Dũng về cái “quyền Tạo hóa ban cho” khi nhắc đến quyền của người dân trong Hiến pháp năm 1946: “Điều 10 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: – Tự do ngôn luận; – Tự do xuất bản; – Tự do tổ chức và hội họp; – Tự do tín ngưỡng; -Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”; Điều 12 quy định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Như chúng ta thấy, Hiến pháp không đặt vấn đề Nhà nước bảo đảm các quyền đó, mà ghi nhận các quyền đó như những quyền đương nhiên (do Tạo hóa ban cho). “

Sở dĩ mình cho hai chữ phát hiện vào ngoặc kép là vì nó không mới, ai cũng biết nhưng lâu ngày người ta lờ đi cái “quyền của Tạo hóa ban cho” này, rồi mọi người cũng quên đi, cứ đinh ninh mọi việc trên đời đều ơn Đảng ơn Chính phủ ban cho cả, trời là cái đinh, bây giờ có người nhắc lại mới sáng mắt ra, té ra trời cho mình cái quyền đó mà mình không biết. Quả là một phát hiện sáng giá. Nhờ có phát hiện sáng giá như vậy ở các tuyên ngôn Mỹ, Pháp mà Bác đã dựng nên một nước Việt nam dân chủ cộng hòa, nòng cốt là Hiến pháp năm 1946. Đặc biệt trong tuyên ngôn độc lập nước nhà, Bác Hồ đã khẳng định mạnh mẽ “quyền của Tạo hóa ban cho”, coi như điều kiện tiên quyết để có độc lập- tự do- hạnh phúc.

 Bác nói:”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bác nói: “Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Rứa là, dân chủ là quyền của Tạo hóa ban cho, đó là quyền bất khả xâm phạm. Quyền đó là của Tạo hóa, không phải của bất cứ ai, càng không phải của Nhà nước. Mọi nhà nước đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ cái quyền đó. Thay trời hành đạo là vậy. Dưới gầm trời này không có cái đạo nào to lớn và cao cả bằng đạo trời cho, ấy là đạo bảo vệ quyền con người. Nếu không bảo vệ được cái quyền đó lại còn xâm hại thì đó là vô đạo.

Quyền Tạo hóa ban cho nói nôm na là của trời cho. Của trời cho là bất biến, không nên và không thể biến báo thành những món nộm ” đặc thù”, không có cái gọi là dân chủ phương Tây, dân chủ phương Ta. Bởi vì của trời cho chứ không phải của ai cả, tuyệt nhiên không.

 Phàm là của trời cho thì phải kính cẩn phụng mệnh trời, bỉ của trời, lấy của trời làm của riêng mình tất có ngày chuốc họa. Điều đó rõ như ban ngày.