Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

"Công thổ quốc gia" hay sự "sáng tạo" kì quặc về sở hữu?


Tác giả: Nguyễn Quang A
Bài đã được xuất bản.: 14/09/2010 06:00 GMT+7
Recomend




1

Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được "sáng tạo" ra để duy trì "quyền sở hữu thực" của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia.

LTS: Sau đề xuất của TS Phạm Duy Nghĩa và nhóm nghiên cứu về việc xóa bỏ sở hữu toàn dân, thay thế bằng các khái niệm khác, Tuần Việt Nam nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận làm rõ thêm về vấn đề sở hữu toàn dân hay sở hữu quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Quang A về vấn đề này tới bạn đọc.

Mọi ý kiến đóng góp, thảo luận về vấn đề này, xin gửi về hòm thư điện tử: tuanvietnam@vietnamnet.vn.

>> Chính phủ nên từ bỏ vai tổng quản với tài sản công

Sở hữu toàn dân: Sự "sáng tạo chết người"

Quyền sở hữu tài sản là một quyền căn bản trong các quyền con người. Quyền sở hữu và hệ thống thông tin về quyền sở hữu là vấn đề cốt lõi của mọi xã hội.

Có quyền sở hữu rạch ròi và có một hệ thống thông tin minh bạch về quyền sở hữu chính là bí ẩn của sự thành công của tất cả các nước đã phát triển và sự thiếu vắng một hệ thống như vậy là nguyên nhân chính của sự thất bại trong phát triển kinh tế-xã hội của tất cả phần còn lại nhiều nước trên thế giới. Đấy là thông điệp chính của cuốn sách nổi tiếng của học giả Peru, Hernando de Soto, cuốn "Sự bí ẩn của tư bản" được xuất bản năm 2000.

Tôi đã dịch cuốn sách ra tiếng Việt và bản dịch đã được gửi cho các nhà hoạch định chính sách với hy vọng giúp các nhà hoạch định chính sách và các đại biểu quốc hội có thông tin tham khảo trong quá trình thảo luận sửa đổi Luật đất đai. Đáng tiếc thông điệp của cuốn sách đã không có tác động gì đến Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua năm 2003.

Năm 2006 Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách đó với cái tên "sự bí ẩn của vốn" và tiêu đề phụ "Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác", nhưng chỉ là "sách tham khảo nội bộ" không được phát hành rộng rãi qua hệ thống phát hành sách.

Quyền sở hữu có các tác dụng chủ yếu để: (1) xác định tiềm năng kinh tế của tài sản, (2) tích hợp thông tin tản mác (về các tài sản) vào một hệ thống, (3) khiến dân chúng có trách nhiện, (4) làm cho các tài sản có thể chuyển đổi, (5) kết nối dân chúng và (6) bảo vệ các giao dịch.
Ảnh: nongnghiep.vn

Chính việc xóa bỏ hệ thống quyền sở hữu (tư nhân) là một nguyên nhân chính của sự thất bại của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đạt được một số thành tích về phát triển kinh tế trong hơn 20 năm đổi mới chủ yếu là do đã phần nào khôi phục lại quyền sở hữu tư nhân và khôi phục lại hệ thống quyền sở hữu. Đáng tiếc, chúng ta chưa thật triệt để trong vấn đề này và vẫn còn bị vương vấn bởi những giáo điều đã tỏ ra hoàn toàn vô dụng.

Quyền sở hữu toàn dân là một khái niệm kỳ quặc trong số những vương vấn như vậy. Đó là một sự "sáng tạo" chết người của những người được dân ủy thác. Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được "sáng tạo" ra để duy trì "quyền sở hữu thực" của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia, nhưng chí ít vua còn công khai tuyên bố rằng là của ông ta và có quyền ban, phát cho các cận thần.

Rất đáng tiếc, chúng ta đã sao chép hay cũng góp phần "sáng tạo" ra những cái như thế và đã thực hành về cơ bản cũng chẳng khác mấy các vua ngày xưa (ngày nay còn có quá nhiều vua dưới một vua "tập thể").

Không giải quyết rạch ròi vấn đề này khó có thể có sự phát triển lâu bền.

Chính thế, nên dễ hiểu là dư luận rất quan tâm đến vấn đề này khi Ts. Phạm Duy Nghĩa thay mặt một nhóm nghiên cứu đặt vấn đề bỏ khái niệm sở hữu toàn dân và thay bằng các khái niệm khác (như sở hữu quốc gia, sở hữu của chính quyền địa phương, sở hữu của một cộng đồng nào đó [của một họ, một làng chẳng hạn]), bên cạnh sở hữu tư nhân. Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Ts. Phạm Duy Nghĩa.

Không phải mọi đất đai đều là "công thổ quốc gia"

Hãy chỉ xem về vấn đề sở hữu đất. Không thể coi tất cả đất trên lãnh thổ Việt Nam đều là "công thổ quốc gia" được. Nguyên từ "công thổ quốc gia" cũng chỉ rõ đất ấy thuộc sở hữu quốc gia. Phải rạch ròi, đất nào là công thổ quốc gia và các mảnh đất ấy (với đường biên, mô tả đặc điểm rõ ràng) phải được đăng ký (nói nôm na phải có sổ đỏ) với cơ quan quản lý. Đất của địa phương cũng vậy. Đó là đất công.

Đất của một cộng đồng hẹp được xác định rõ ràng (như của một dòng họ, của nhà chùa, của nhà thờ, v.v.) là thuộc phạm vi sở hữu tư hệt như sở hữu của một công ty hay của một cá nhân.

Đất đai chiếm trên nửa tổng tài sản của xã hội, nên vấn đề sở hữu đất phải được giải quyết thấu đáo và nhu cầu thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai (của các cá nhân, các pháp nhân ngoài nhà nước) bên cạnh việc phân định rạch ròi đất công (thuộc quốc gia hay thuộc chính quyền địa phương) và, đi liền với nó, việc sửa đổi luật đất đai và các luật liên quan là nhu cầu cấp bách không thể né tránh.

Đối với các tài sản khác (nhà máy, doanh nghiệp vân vân) cũng vậy.

Nói cách khác, sở hữu công (thuộc cấp quốc gia hay cấp địa phương) và sở hữu tư phải được công nhận và phải được quản lý trong một hệ thống thống nhất và chỉ có người chủ sở hữu đích thực (dù là nhà nước trung ương, địa phương hay các tổ chức kinh tế xã hội tôn giáo hoặc các cá nhân) mới được quyền định đoạt. Không thể coi là "sở hữu toàn dân" và tùy tiện quyết định.

Chính sự không rạch ròi này là nguyên nhân của trên 98% của các vụ khiếu kiện trong thời gian vừa qua.

Đã đến lúc phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu, nếu không tình hình khiếu kiện còn tiếp diễn và nhiều hơn có thể dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng và cản trở sự phát triển của đất nước.
Red

Tác hại của giáo dục cưỡng bức




Alo hỏi thăm tình hình đứa cháu mới vào đại học. Chỗ ở cho sinh viên bây giờ có vẻ nan giải. KTX không đủ chỗ mà kiếm được chỗ thuê tử tế an toàn cũng khó. Đoán chắc cháu cũng ăn đủ áp lực từ bố mẹ rồi nên mình chỉ khuyên cháu hãy tìm cách học thêm ngoài trường học: học ăn, học nói, học mặc, học đi đứng, học giao tiếp và học đối phó với thất bại. Chia sẻ với cháu rằng chỉ kiến thức ở trường sẽ không đủ quyết định thành công. Hãy cố gắng học hành nghiêm túc nhưng nếu kết quả có không được như mong muốn thì cũng đừng vội nản; tránh đâm đầu vào học thêm liên miên như những tháng ngày phổ thông; và nếu có yêu đương em nào mà cần tâm sự chia sẻ gì thì cũng cho cậu biết.

Mình từng băn khoăn về hệ thống trường lớp của ta: trường học hay nhà tù? Có lẽ bảo chúng là nhà tù cũng không ngoa. Hình dung lại thì thấy từ năm 6 đến 18 tuổi là lúc mình hầu như không có chính kiến, đến trường và học theo một mớ giáo trình đã được định sẵn. Cả XH dường như ngầm quy định lứa tuổi này là đi học và vâng lời. Theo định nghĩa của từ liberty (tự do) thì rõ ràng mình đã bị mất rất nhiều liberty mà trên thực tế đây là quyền cơ bản của con người không kể tuổi tác – không ai bị tước mất tự do trừ khi bị tòa kết tội.

Nhân đây, mình muốn đưa ra vài tác hại của hệ thống giáo dục cưỡng bức, và để ủng hộ cho quan điểm tự giáo dục (self-education). Nếu mình có con, chắc chắn mình sẽ để chúng self-educate và sẽ không coi trường lớp là điều quan trọng với tương lai của chúng.

1. Từ chối quyền tự do của trẻ em và vị thành niên chỉ vì tuổi của các em (tuổi trẻ con). Nếu suy nghĩ trên tinh thần dân chủ (democratic thinking) thì cái này rất sai nhé. Chúng ta đúng ra không có quyền bắt tất cả trẻ em phải đến trường và học theo một mớ giáo trình định sẵn.

2. Góp phần nuôi dưỡng sự xấu hổ lẫn tự cao. Trẻ con bị làm cho xấu hổ và mất thể diện nếu chúng có kết quả học tập kém. Nỗi xấu hổ khiến chúng sợ học và bỏ học, phát triển những hành vi nguy hiểm như tính hung hăng, bất mãn, đánh nhau, sử dụng ma túy, thậm chí là tự tử. Ở thái cực kia – những bạn học hành giỏi giang thì được khen thưởng. Nhưng được khen thưởng nhiều quá sẽ khiến các bạn này trở thành cao ngạo và coi thường những bạn có kết quả học tập kém hơn mình. Cái này cũng gây ra tác động rất tiêu cực đến hình thành nhân cách của trẻ. (Mà chưa thấy cái kiểu cạnh tranh ở đâu dã man như ở ta với kết quả thi cử được công khai ở mọi nơi, thậm chí chỉ cần đánh cái tên vào internet là có thể lôi ra điểm thi).

3. Cản trở sự hợp tác. Chúng ta đều là những sinh vật xã hội (social species). Một cách tự nhiên nhất thì những đứa trẻ sẽ hợp tác, tìm cách giúp đỡ nhau, cùng đi lên và cùng tồn tại. Nhưng hệ thống giáo dục cạnh tranh điểm chác như của ta sẽ khiến các em không muốn hợp tác. Thậm chí chúng còn muốn bạn bè kém hơn mình để có cợ hội được khen thưởng. Cái này tạo nên những con người thành công nhưng độc ác (ruthless achievers).

4. Ngăn cản quá trình hình thành tính trách nhiệm và khả năng tự định hướng (self- direction). Theo các nghiên cứu thì trẻ em được tiền định (predisposed) trong việc chịu trách nhiệm với giáo dục của bản thân chúng. Chúng tự khám phá ra những cách thức giúp chúng hiểu về thế giới xung quanh, socially and physically. Bằng việc nhét trẻ vào trường học và chiếm hết thời gian của chúng bằng những bài tập về nhà, chúng ta đồng thời tước đi cơ hội và thời gian để trẻ hình thành tính trách nhiệm. Trẻ học như một cái máy bởi chúng được dạy rằng: nếu chúng học hành tốt ở trường, chúng sẽ có 1 tương lai tốt đẹp. Chúng sẽ hình thành một lối suy nghĩ sai lầm rằng: người lớn đã vạch sẵn con đường đi cho chúng và chúng chỉ việc bước theo. Với những đứa trẻ học kém, chúng sẽ đổ lỗi cho học hành với thái độ mình là nạn nhân: vì học kém mà cuộc đời chúng thất bại.

5. Gắn sự học với nỗi sợ hãi. Với hầu hết học sinh thì việc thi cử gắn liền với sự lo lắng bất an. Mình có một cuộc đời với biết bao nhiêu kỳ thi. Mỗi lần vào phòng thi là một lần tim đập muốn rơi ra khỏi lồng ngực. (Theo mình thì tất cả những ai đi thi cử một cách nghiêm túc sẽ đều có cảm giác này). Hiện hữu trong các kỳ thi là nỗi sợ hãi bị trượt. Trên thực tế, hiếm ai có thể cho rằng học = chơi mà học = work (làm việc).

6. Ngăn cản lối suy nghĩ tích cực/phản biện (critical thinking). Một trong các mục tiêu của giáo dục là tăng cường khả năng suy nghĩ tích cực. Với hệ thống giáo dục bắt buộc, học sinh chỉ học theo sách giáo khoa/giáo trình. Điều này khiến cả những học sinh giỏi cũng từ bỏ lối suy nghĩ tích cực. Chúng dành thời gian vào việc làm các bài test, học những gì thầy cô muốn chúng học để lấy điểm cao, hơn là việc phải suy nghĩ tích cực. Hậu quả là cả một thế hệ thụ động ra đời.

7. Giảm sự đa dạng hóa kiến thức và các kỹ năng sống. Việc bắt học sinh cùng học một loại giáo trình giống nhau đã chặn mất khả năng đa dạng các giải pháp. Trên thực tế, giáo trình chỉ cung cấp một phần nhỏ lượng kiến thức và kỹ năng sống cần thiết. Như vậy tại sao lại bắt học sinh cùng học cái phần nhỏ kiến thức giống nhau đó? Khi để cho trẻ tự do suy nghĩ, chúng sẽ cho ra những lối suy nghĩ mới, những giải pháp khác nhau cho 1 vấn đề, thậm chí là những suy nghĩ ngoài sức tưởng tượng của người lớn, của thầy cô – điều rất cần cho tiến hóa và phát triển. Mặt khác, hệ thống giáo trình định sẵn sẽ khiến học sinh không còn thời gian hình thành và theo đuổi những đam mê riêng của chúng.

Nêu ra vài điểm trên không có nghĩa là chúng ta từ bỏ trường học hay bỏ mặc trẻ em. Người lớn vẫn cần có trách nhiệm giúp trẻ em và vị thành niên nhưng bằng cách cung cấp cho chúng những cơ hội để tự giáo dục, tự hình thành tính trách nhiệm và tự định hướng tương lai.