Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

ĐÓN TẾT ẤT MÃO 1975

ĐÓN TẾT ẤT MÃO 1975

Đợt xuống đường từ Svay rieng Campuchia về miền nam Việt nam theo ngả  Đá biên  Mộc hóa Long an của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 207 quân khu 8 vào tháng 10/1973  thất bại nặng nề, cuộc hành quân bị lộ nên nhiều chiến sĩ hi sinh , đặc biệt là nhóm tân binh lính sinh viên mới bổ sung về chừng một tháng. 

Trận Ấp Đá biên còn lưu trên vi.wikipedia.org/wiki trong link sau  : 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_%E1%BA%A4p_%C4%90%C3%A1_Bi%C3%AAn

Đơn vị rút về Campuchia chỉnh quân huấn luyện. 

Sau đó trung đoàn tham gia các hoạt động chiến sự nhỏ lẻ ở vùng biên giới giáp Đồng tháp mười gần các tỉnh Svay rieng,  Stung cheng, Congpong cham ( Campuchia) Kiến phong, Kiến tường ( Việt nam ).

Nghe lỏm từ các anh, thấy rằng tình hình ngày càng ác liệt, hướng của đơn vị là phải vượt qua các đồn bốt trung gian đưa quân về Mĩ tho, Long an để phối hợp với các cánh quân đang xiết chặt xung quanh Sài gòn trong các trận đánh lớn có tính quyết định.

Bài học trong việc hành quân trên đồng nước của Đá Biên tháng 10 năm 1973 vẫn còn nóng hổi  do đó việc chuyển quân ngày càng thận trọng và giữ bí mật hoàn toàn.

Vào khoảng tháng 11 năm 1974 khi nước vẫn còn còn cao trên đồng, đơn vị lệnh cho chúng tôi mang vác tất cả đồ đạc quân trang quân dụng chất lên xuồng ba lá hành quân đi về vùng Mỹ Tho.

Ba, bốn người một xuồng, trung đội 7,8 xuồng. Đại đội khỏang 30 xuồng. Vào đêm tối trời cả Tiểu đoàn 2 trung đoàn 207 lên đường hành quân.

Trên một xuồng có 3,4 người. Người ngồi đầu cầm mái chèo người sau cùng cầm sào chống. Xuồng đi trên nước thì dùng bơi chèo, đi trên vùng bèo cỏ thì dùng sào chống. 

Trời đêm cuối tháng tối om như mực, trên tít tận tầng cao hằng hà sa số các ngôi sao vẫn thờ ơ lấp lánh .

Người ngậm tăm, cờ cuốn lại âm thầm ra đi, chỉ có tiếng mái chèo khua nước lõm bõm, tiếng xuồng gỗ va vào nhau lịch kịch. 

Hành quân kì này có du kích địa phương dẫn đường, đi xuồng trên đồng nước, len lỏi qua các vùng đồn bốt của lính Cộng hòa. Vùng giải phóng và vùng lính Cộng hòa ở dạng xen kẽ da báo nên mới có kiểu di chuyển quân như vậy.

 Đi đến khoảng 2 giờ sáng thì có lệnh ngừng lại. Anh Du Kích dẫn đường mếu máo đến gặp ông tiểu đoàn trưởng tư Be :

- Anh Tư ơi, em bị nhầm đường rồi, không tìm thấy đường nữa, không biết đi đằng nào.

- Thế này thì mày giết chúng tao rồi, bây giờ làm thế nào ?

Một tâm trạng căng thẳng hoảng loạn loang ra . Lại giống như ở Đá biên chăng ? 

Thì thào bàn tán đến gần 4 giờ sáng, phía đông trời đã bàng bạc. Lệnh ban ra, tất cả tản ra xung quanh dìm xuồng xuống nước, lấy cây cỏ phủ lên xuồng và thực hiện chém vè (dzè) trong lúc đợi du kích đi tìm đường. Vị trí xuồng của tôi trên ruộng cỏ năn là một loại cỏ ống không có cạnh sắc, rất êm ái  bên một đầm sen, chúng tôi ấn chìm xuồng, lấy cỏ phù lên, rồi lấy lá sen che đầu.

Đồng nước chỉ ngập sâu trên dưới ngực nên còn đứng được, sâu mà lút đầu người thì đứng vào đâu

Do có kinh nghiệm từ lần trước bộ đội đều rang gạo ăn cho hai ngày, do vậy lấy gạo rang ra nhấm nháp với nước đồng, nằm dưới cỏ chỉ thò trên cái đầu lên thôi.

Sáng ra nhìn thấy đồn của lính cộng hòa cách chỉ khoảng 1,2 km trên cánh đồng trống mà rợn người. Nếu bị phát hiện thì trận Đá biên thứ hai sẽ diễn ra kinh hoàng, tính mạng hơn trăm con người toàn tiểu đoàn 2 E207 như ngàn cân treo sợi tóc, thật là nguy hiểm. 

Miền Nam tháng 11  trời vẫn nắng chang chang, ngâm nước cũng khá lạnh, quần áo súng đạn ngâm nước từ đêm hôm trước đến khoảng 7 giờ tối hôm sau. 

Chỉ có sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết mới làm cho anh em ngâm mình dưới nước từ 4 giờ sáng đến 19-20 giờ tối, im thin thít trong trạng thái căng thẳng không cười đùa trò chuyện.  Mọi sự chủ quan sơ suất nhỏ có thể dẫn đến kết qủa thảm khốc. Có trải qua mới thấy Cuộc sống đáng quí biết bao nhiêu. 

 Trời  tối hẳn, chắc du kích đã thấy đường, được lệnh nhấc xuồng lên, tát nước ra, chất đồ đạc , len lén  xếp thành hàng lặng lẽ đi tiếp trong đêm. 

Có đoạn phải khiêng xuồng vượt qua đường lộ, lúc đi qua lộ mới biết trinh sát hay du kích đã trải ni lông ngang đường để xóa ngay dấu vết khi xuồng cuối vượt qua vì trên đường lộ ban đêm hay có xe nồi đồng ( xe bọc thép ) đi tuần, nó mà phát hiện được thì có mưa bom bão đạn ngay. Đời lính đầy khó khăn và vất vả.

Gần sáng hôm sau chúng tôi lần lượt đi thoát về huyện Cái Bè tỉnh  Mỹ Tho nay là Tiền Giang, sống dọc hai bên kênh Nguyễn Văn Tiếp B.

Như vậy chúng tôi đã xuống đường thành công, xa rời vùng đất Tháp mười mênh mông, về vùng kênh rạch với các vườn cây trái xum xuê, nước triều hàng ngày lên xuống vơi đầy. 

Nơi đây chúng tôi lại luyện tập huấn luyện, tham gia đánh trận đồn An hữu, Xẻo Muồng, cho đến tháng 1 năm 1975 chuẩn bị đón Tết Ất Mão. 

Thời gian trôi nhanh quá, từ lúc vào lính 9/1972 tôi đã ăn tết Quý sửu 1973 ở Khăm muộn Lào, Tết Giáp dần 1974 ở Phum Thmây Stung cheng Campuchia, Tết Ất mão 1975  ở kênh Nguyễn Văn Tiếp B huyện Cái bè Mĩ tho và suy nghĩ còn phải ăn bao nhiêu cái tết nữa nơi chân trời xa lạ? Buồn và nhớ miền Bắc vô cùng.

Đón Tết mà không rượu không hoa, chỉ có ít thuốc lá, mấy cái bánh bisqui và mấy gói trà Blao xóm Củi. Đến chiều 30 mà cũng không có thịt lợn ăn tết. 

Tối đêm 30 trời đen sẫm như mực, đến giao thừa lính cộng hòa bắn súng đùng đùng chào năm mới , họ đón trước lính giải phóng một giờ. Vì Việt nam cộng hòa tính giờ của họ tại múi giờ thứ 8, lính GP đón giao thừa theo múi giờ thứ 7. Một quốc gia hai chế độ là vậy đó. Một tiếng sau lại Giao thừa, lính giải phóng im như thóc.

Sáng mùng 1 một Tết Ất Mão có lệnh từ trung đoàn xuống mỗi đại đội cử hai đồng chí lên làm thịt lợn.

Có tiếng thở dài, mùng 1 tết ai lại đi sát sinh, làm thịt lợn, xui xẻo lắm. Có thì ăn, không có thì thôi. Không khí chẳng thấy vui mà trĩu nặng, buồn hẳn đi.

Ở miền Tây Nam bộ một năm 365 ngày thì 350 ngày ăn cơm với cá cùng cỏ cây hoa lá thiên nhiên, không có thịt sao gọi là Tết.  Đại đội tôi có anh Hạnh  người Hải Phòng xung phong  lên trên trung đoàn thịt lợn mang về cho anh em ăn Tết. 

Đến chiều ngày 1 Tết mới được bữa cơm có thịt. Tuổi trẻ mà, cái buồn cũng qua nhanh hòa trong cái vui của mùa xuân mới đón thêm tuổi mới. 

Tham dự vài trận đánh lớn ở vùng này , rồi hơn một trăm ngày sau, 30/4/1975, chiến tranh kết thúc. Hòa bình đã đến với mọi nhà.

Từ mùa xuân năm ấy đến nay,  đã gần nửa thế kỉ trôi qua, hôm nay trên quê hương Việt nam ngoài đường xe cộ tấp nập, người đi lại ngược xuôi hối hả. Nam thanh nữ tú quần áo xúng xính chuẩn bị du xuân. 

Dịch giã chưa qua, kinh tế vẫn đang lùng bùng nhưng rượu bia, thuốc lá, trà mứt, bánh kẹo, hoa trái,  thịt cá đã ê hề ngoài chợ. 

Trong cái lạnh lẽo cuối đông cũng đã có những làn gió man mát mơn man da thịt. Trên trời thỉnh thoảng đã thấy những cánh én chao nghiêng. 

Mưa xuân bay bay mờ ảo như bụi, hoa đào hoa mai đang hé nụ, Mùa Xuân mới đang tới.Tết đã đến bên hiên nhà. 



Cảm xúc dâng trào trong tôi, bỗng dưng nhớ lại cái Tết độc nhất vô nhị sáng mồng Một TẾT năm Ất mão 1975 chắc không nhiều người được trải qua trong đời. 

Cảm ơn đồng đội của mình không quản xui xẻo sáng ngày Nguyên Đán Mùng Một Tết xung phong đi hóa kiếp chú lợn cho anh em đồng đội có thực phẩm truyền thống đón Xuân.

Chúc các đồng đội mạnh khỏe, đón Tết Nhâm Dần 2022 vui vẻ và đừng bao giờ quên những kỉ niệm buồn vui, gian khó, khốc liệt, đầy máu và nước mắt của một thời trai trẻ nơi chiến trường năm xưa.



NBS

22/1/2022. 

(20 tháng Chạp Tân sửu 2022 )


Ảnh Vườn Xuân Nam Bắc