Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

THAM CHIẾN TRẬN ĐẦU TIÊN


THAM CHIẾN TRẬN ĐẦU TIÊN.


Đồn Cái Sơ chỉ có khoảng một trung đội Địa phương quân đóng giữ, phía xa hơn là đồn Cây Me, ngược lại là đồn Cái Cái  rồi đồn Hòa bình.

Đó là một vòng cung các đồn bố trí tại các vị trí xung yếu trên các bờ kênh chủ đạo là kênh Tân thành, kênh Hòa bình nhằm chống lại sự xâm nhập của quân giải phóng từ hướng Campuchia về Việt nam. 

Trong đó đồn Cái cái và giăng cây xung quanh đã bị quân GP chiếm giữ, nơi duy nhất trong bốn đồn nói trên chúng tôi đang đóng quân .

Hỗ trợ hệ thống đồn còn có  xe bọc thép lội nước M113, xe tăng M4 , máy bay trực thăng vũ trang HU 1A , trinh sát OV 10, có căn cứ pháo bính 105 ly Thăng bình ,  với các tọa độ bắn đã sẵn sàng cùng các loại  đạn xuyên phá hầm, đạn chụp nổ úp từ trên không. Rồi các căn cứ Kiến phong , Kiến tường, Mộc hóa  chi viện khi cần thiết vv vv  

Bên ta chỉ có cối 60, B40, B41 , trọng liên 12 ly 8 , tiểu liên ak 47, có bóng đêm và tinh thần quyết chiến quyết thắng ???!!!. 

Trận đánh lớn thì cũng có đồ chơi lớn hơn như DKZ, Cối 82  nhưng mang vác thủ công nên số lượng rất rất hạn chế. Bắn cấp tập được 2, 3 trái là hết  (???)

Đồn Cái Sơ với Cái Cái thì nó như cái gai trong mắt nhau, hai bên đều muốn nhổ đi lắm mà đâu phải dễ. 

Cái Sơ muốn dẹp Cái Cái để chặn đối phương từ hướng Campuchia về. 

Cái Cái muốn nhổ Cái Sơ để thông đường tiến lui.

Rồi việc gì đến cũng phải đến, bao nhiêu cuộc điều nghiên trinh sát đồn Cái sơ tiến hành trong bí mật. Cấp trên hạ lệnh đánh đồn sau khi có sơ đồ bố trí binh lưc của hai bên. Mấy Đai đội Quân GP tham dự, mũi công đồn, mũi chốt chặn viện binh hỗ trợ lẫn nhau. 

Trong cuộc chiến này có biết bao cuộc giao tranh nhưng đây là trận đầu tiên tôi can dự với tư cách lính chiến, vác AK 47 đi cùng Nget Sầm Bách mang B 41.

Chiến thuật vây lấn được áp dụng. Đêm đầu tiên lính giải phóng tiến về đồn từ hướng cánh đồng cách khoảng 300 m  thì bố trí vị trí rồi đào hầm chiến đấu đến gần sáng thì xong . Trong đồn không hề hay biết gì .

Khoảng 6 7 giờ sáng tôi thò đầu lên khỏi hầm, thấy một chú lính cộng hòa từ trong đồn thủng thẳng đi ra , vai vác súng AR 15 mồm huýt sáo vang, rất ung dung. 

Tôi vội thụp xuống, nói với Bách có lính đấy, một luồng điện lạnh toát chạy khắp người.

Bỗng nhiên thấy buồn đái, phóng đại lên là tý nữa thì vãi ra quần cho câu chuyện sinh động, he he. 

Đái ra hầm thì khai mù, vớ được cái vỏ ốc nhồi, đái vào rồi hắt ra ngoài , đếm được gần ba mươi hũ. 

Đáng lẽ phải mang cái bô bé tý độc đáo này về làm kỷ niệm chiến trường. Ha ha.

Trận địa vẫn im ắng, có lệnh đâu mà nổ súng. Thế rồi gà gật trong hầm cả ngày nắng nóng. Đến tối cán bộ đại đội và trung đội đến hầm nói di chuyển sát đồn hơn trăm mét nữa, lại đào hầm và nói đêm nay tấn công.

Mà có phải đến nơi đào hầm mới đâu, phải dỡ hầm cũ cùng đà giát đến vị trí mới đào, phủ đà giát để lấp đất lên trên làm nóc hầm. Mà phải đào ban đêm , không có tiếng động rất bí mật trong vòng 2 giờ. Vất vả vô cùng .

May mà đi cùng Bách, một cái máy đào ( Excavator ) chạy bằng cơm rất khỏe, đất mềm chừng hơn tiếng là xong. 

Khoảng 3-4 giờ sáng môt tiếng nổ long trời dậy đất bởi ba qủa mìn định hướng ĐH 10 ghép lại quét sạch hàng rào kẽm gai và mìn mở ra một lối vào đồn rộng chừng 4,5 m. 

Tiếng trọng liên 12ly8  nổ đùng đùng tạo nên một dòng lửa đỏ quạch khiếp đảm, tên nào xấu số bị một viên là đứt đôi người, tiếng B 40  B 41 nổ chát chúa, tiếng AK 47 lẹt đẹt. 

Trong ánh lửa đạn loằng nhoằng nhấp nhoáng, Bách phía sau đứng thẳng trên miệng hầm bắn hai quả B 41 vào đồn, tôi phía trước cũng lia cả băng AK 47. Tiếng hô xung phong ào ào.

Một hình ảnh thật là bi tráng. 

Khoảnh đất tam giác mỗi chiều 3-40m đắp bờ đất cao chừng mét hai sao mà chịu nổi cơn bão đạn như thế trong 30 phút.


Bị tấn công bất ngờ, không gọi chi viện được đồn hầu như không chống trả.

  


Lính ta tiến vào trong đồn, một khung cảnh xác xơ sau bão đạn. Lính cộng hòa bị tấn công bất ngờ đã rút chạy hết. Đồn được giải phóng . Hai bên không tốn nhân mạng nào. 

Trời còn tối nhưng những tia sáng yếu ớt đã le lói phía đằng Đông; sắp hửng sáng rồi.

Chiếm được nhưng không giữ được, đơn vị rút quân về căn cứ.

Mấy hôm sau xe bọc thép hỗ trợ đưa lính cộng hòa về chiếm lại và đóng quân như cũ.

Đồn Cái sơ hai bên giành giật vài lần như thế, có lần lính giải phóng trụ lại nhưng không chịu nổi sức mạnh của pháo binh 105 ly, máy bay trưc thăng vũ trang, xe bọc thép lội nước M113 cùng quân tiếp viện, tổn thất binh lực mà không giữ được. Hai ba hôm sau tùy điều kiện lại chui lủi vào ban đêm mang xác các liệt sĩ về giao cho du kích chôn cất.

Có dịp sẽ ghi chép hầu các bạn. 


Có cái hay là trong cả hai trận, trận đầu tiên và trận cuối cùng đều không có ai hy sinh. 

Cám ơn Trời Phật đã lái hòn tên mũi đạn bay xa.

NBS 

8/2021 


Gió vi vu tiếng sáo diều .

Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê .

Bài 3 :

Tiếng pháo nổ , rồi từng tràng pháo nổ .

Trên bàn thờ mâm cỗ đã bầy xong .

Cha tôi đang thắp giở nén hương vòng .

Và sắp lại trái hồng mâm ngũ quả .

Mẹ tôi cùng khoanh giò bóc giở lá.....


Bài 2 :
Quê tôi có lúa có dâu .
Có đàn cò trắng , có câu huê tình .
Có cây đa , có mái đình .
Có bầy tiên nữ đẹp xinh dịu dàng.. Mùa xuân có những hội làng .
Cây đu ngày tết , dập dìu xuân sang .



Ngồi nhà thời Covid lại nhớ đến truyền đơn

TÂM LÝ CHIẾN của Mỹ rải trên đường Trường Sơn : Bài 1 :

Chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh .

Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình .

Khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh .

Con bướm nhỏ mái đình xưa ... nhớ quá !



Mấy tháng trong rừng TS đọc những dòng chữ này cũng nhớ nhà phết , nhưng không có nó thì cũng gay vì dễ bị dùng phải LÁ RÁY khi WC lắm !.



 

MỘT LẦN NHÌN THẤY THẦN CHẾT

 MỘT LẦN NHÌN THẤY THẦN CHẾT


Từ ngã ba Đông dương đoàn quân lính sinh viên phiên hiệu  2013 tiến vào Campuchia khoảng 6/1973. Khi đó đi trong rừng mà đia hình như đồng bằng. 

Hậu cần phát cho mỗi ông lính mấy viên thuốc để uống mà không biết là thuốc gì, có người bảo là thuốc sốt rét nên uống, có người bảo xuống đồng bằng rồi, gặp con gái rồi thuốc đó là thuốc liệt dương chớ có uống. Người thì uống , người thì vứt loạn cả lên.


Men theo biên giới Việt - Campuchia xuôi về phía nam khoảng 800 km đi chừng gần hai tháng là đến nơi một số anh em chúng tôi được bổ sung về đơn vị C6 D2 E 207 Quân khu 8.


Nơi đóng quân là Cái Sách (Cả Sách) ven sông biên giới Sở thượng thuộc tỉnh Kiến phong

Tháng 9 , mùa nước mới đang về , nước sông cuồn cuộn chảy, phía cánh đồng nước nổi bao la trắng xóa. Lúc đó một số anh em còn chưa biết bơi, thật là ngán ngẩm. 

Lính tráng ở trong các chòi lá xác xơ, bên cạnh là các công sự chiến đấu. 

Hiệp định Hòa bình  Pa ri mới ký đầu năm.

Nghe các anh lính cũ nói cách vài ba cây số cũng ven sông là căn cứ của lính Việt nam cộng hòa. 

Ở khoảng giữa có dựng một cái chòi gọi là Chòi Hòa hợp để lính hai bên hàng ngày trao đổi,  

Gặp nhau thì chuyện trên trời dưới bể, có biết nhau bao giờ đâu mà thù hằn. 

Lính Giải phóng hút thuốc dzê ( tự quấn) ,  lính Cộng hòa hút Ruby Qeen, Ruby Quân tiếp vụ, mèng thì Basto nhưng cũng thoải mái vui vẻ lắm vì không phải chiến đấu, lại cùng là Con Rồng Cháu Tiên cả .

Khi chúng tôi đến thì cái lệ ấy đã bỏ vì lính tráng gặp nhau, nó mà cứ vui vẻ, hòa hợp thật thì ....đánh nhau làm gì nữa. 


Sau khoảng một tháng thì xảy ra sự kiện Đá biên, hy sinh nhiều qúa.

Do đó đơn vị trung đoàn rút lên Campuchia chỉnh quân, đóng ở Phum Thơ mây, Chùa Tám cột, thuộc tỉnh Stungtreng, Campuchia, từ đó đến con sông biên giới là sông Trăng chừng vài cây số.


Có hôm ra sông Trăng bắt cá ban ngày gặp mấy máy bay trực thăng vũ trang HU-1A bay đến. Rõ ràng mình thấy phi công, phi công cũng thấy mình nhưng nó không bắn, nó mà bắn thì núp vào đâu giữa đồng không mông quạnh.

Chiều chiều thấy mấy ông thông tin vác máy ra kế sông Trăng liên lạc về Việt nam cho gần. 


Rồi một đêm tối trời cả đơn vị hành quân vượt sông Trăng biên giới qua cánh đồng Chó ngáp về dăng cây xung quanh khu vực Đồn Cái cái đã được giải phóng thuộc kênh Tân thành. 


Việc đầu tiên là củng cố hoặc đào mới công sự để  trú ẩn khi có chuyện, chặt rất nhiều cây sậy nhỏ chẻ đôi phần đầu cài mảnh bìa viết  hai chữ CÓ MÌN cắm lung tung xung quanh các hướng phòng thủ mà dưới chân chẳng có quả mìn nào , có có không không mà. 

Lính từ ngoài tấn công vào thấy các biển báo CÓ MÌN có dám đi lung tung không? Có khi chỉ có mấy con cua ở dưới. Chiến tranh du kích, lấy yếu đánh mạnh là vậy.


Tiếp theo là làm cái lán tạm bợ mà có chỗ nằm , rồi nấu cơm ăn. Nước thì vạch bèo ra mà múc, ăn xong vạch bèo ra rửa bát đũa sáng mai lại nước đó đánh răng rửa mặt....ha ha.

Củi đi kiếm xung quanh, các bếp khác còn đang loay hoay thì Ngét Sầm Bách thoăn thoắt trèo lên cây , lúc sau đầy củi. Anh giải thích cây xanh nào cũng có củi khô, bếp cháy đùng đùng, thật là hay.


Cách vài cây số bên bờ kênh Tân thành là đồn Cái sơ do lính VNCH đóng quân, trên bờ đường đi do dân không ở, cây cỏ um tùm không đi được. 

Hàng ngày lính giải phóng phải bơi xuồng dọc kênh dấu xuồng ven bờ rồi đi bộ tới cách đồn vài trăm mét, ngồi dưới công sự quan sát hoạt động trong đồn có gì cấp báo cho phía sau. 


Hôm đến phiên tôi trực, anh Viễn ( K13 Máy) bảo : 

- Ở dưới bến sông tao có cài quả mìn dưới túm lục bình đấy , đừng xuống lấy nước nhé. 

Anh sợ lúc mình lơ đãng lính nó lên mà không có cái gì cản nó lại cũng chết.

Ngồi trực thì trời nắng, bidong hết nước khát khô cả cổ. Tôi chủ quan đánh liều ban ngày bò xuống lấy nước, gần tới mép sông tay túm vào đám lục bình thấy quả mìn nằm ngửa đè lên mỏ vịt điểm hỏa, nếu đẩy nhẹ quả mìn nghiêng 30 độ là mỏ vịt bật tung ra nổ ngay . 

Nhìn thấy thần chết, đầu óc sáng láng, hết khát liền, vội vã quay lên, quần áo ướt đẫm, mồ hôi túa ra đầm đìa.

Một tích tắc nữa thôi là đi đời.

Cám ơn trời phật đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.


NBS

8/2021