Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Vượt bão 2009: Đảng phải tập hợp sức dân bằng trí tuệ và gương mẫu


24/12/2008 07:17 (GMT + 7) Vượt lên thử thách 2009 để tiếp tục phát triển, hay bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ đều không thể thành công nếu không biết dựa vào nhân dân. Đảng phải đóng vai trò tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, bằng trí tuệ và sự gương mẫu của mình. Sức dân chỉ được phát huy khi người lãnh đạo biết chủ động lắng nghe, đối thoại và nắm bắt tâm tư thật của dân. TIN LIÊN QUAN Không thể vượt bão 2009 nếu quên dựa vào sức dân Trực tuyến với nguyên PTT Vũ Khoan: Bàn luận trước thềm 2009 Trải nghiệm 2008 giúp nhìn sáng rõ những bài học Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa quý bạn đọc, hôm nay VietNamNet rất vui mừng gặp lại một vị khách mời đã quen thuộc và có nhiều tình cảm với bạn đọc VietNamNet: Nguyên PTT Vũ Khoan. Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ giao thừa năm 2005 nguyên Phó Thủ tướng (PTTg) Vũ Khoan đã trực tuyến trên VietNamNet, lúc đó ông là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trao đổi trực tuyến với người dân. Cách đây 1 năm, trước khi từ nhiệm ông cũng giành cho cho bạn đọc VietNamNet một buổi trò chuyện rất nhiều ý nghĩa. Hôm nay chúng ta vui mừng gặp lại ông sau một năm 2008 nhiều biến động, ghi nhận nhiều nỗ lực trong khó khăn của một dân tộc, và cùng nhìn về năm 2009 với nhiều thách thức để bàn luận, suy ngẫm xem vậy dân tộc ta sẽ vươn lên như thế nào? Đảng và Chính phủ sẽ dẫn dắt dân tộc và đất nước đi lên trong khó khăn như thế nào? Trở lại VietNamNet, nguyên PTT Vũ Khoan chia sẻ suy nghĩ của mình, trên cương vị một người công dân bình thường. Ảnh: Lê Anh Dũng Với tư cách là một cựu lãnh đạo được bạn đọc yêu mến, một người giờ đây có điều kiện gần dân hơn, ông cảm nhận thế nào về năm 2008 vừa qua? Nguyên PTT Vũ Khoan: Trước hết, phải nói là tôi rất vui được lên đối thoại trực tuyến với bạn đọc VietNamNet. Tôi cũng là người bạn cũ của VietNamNet, cũng có 2 dịp được trò chuyện với bạn đọc VietNamNet, thông qua đó để chuyển tải tới các bạn độc giả những tâm tư, suy nghĩ của bản thân mình. Hôm nay trên ngưỡng cửa năm 2009, tôi có dịp trở lại VietNamNet để chia sẻ suy nghĩ của mình, trên cương vị một người công dân bình thường. Chúng ta ai cũng vậy, bất kỳ người nào, ở cương vị nào cũng đều quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Nhìn lại, năm 2008 là một năm đầy xáo động về nhiều mặt như khí hậu, giá cả, kinh tế, tài chính..., một năm để lại dấu ấn không những với nước ta mà còn với toàn thế giới. Có thể nói năm qua là một năm đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ cho chúng ta và cho cả loài người. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bên cạnh nhiều xáo động, theo ông, cái ĐƯỢC lớn nhất của chúng ta trong năm 2008 là gì? Nguyên PTT Vũ Khoan: Là những bài học. Từ thực tế này, đây là lần đầu tiên chúng ta phải ứng phó với 2 khó khăn cùng lúc: Khó khăn trong nước đồng thời phải đối phó với khó khăn trên thế giới. Năm 2008 là năm thứ hai chúng ta hội nhập với kinh tế thế giới. Tình hình khó khăn ấy đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy cái MẤT lớn nhất của chúng ta trong năm 2008 là gì, thưa ông? Cái mất cơ bản là đà tăng trưởng từ những năm trước mà chúng ta đã tạo được. Ảnh: Lê Anh Dũng. Nguyên PTT Vũ Khoan: Cái mất cơ bản là đà tăng trưởng từ những năm trước mà chúng ta đã tạo được. Như chúng ta đã thấy, trước và sau ĐH 10, chúng ta rất phấn khởi thấy đất nước tăng trưởng khá nhanh sau khi chúng ta gia nhập WTO, nhưng sau chỉ một thời gian ngắn, chúng ta vấp phải rất nhiều khó khăn, và phải vật lộn trong năm 2008. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, với những bài học chúng ta nhận được đó, liệu chúng ta đã học tốt không? Có học đến nơi đến chốn không? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tất nhiên, những khó khăn của 2008 đưa ra rất nhiều bài học và tôi nghĩ rằng không phải một lúc mà chúng ta có thể nhận thức được hết. Cần có quá trình vấp váp thử nghiệm thì chúng ta mới hiểu rõ và hiểu thấu hơn tất cả những kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường, nhất lại là nền kinh tế thị trường hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đó là một cái gì đó rất là mới mẻ với chúng ta. Trải nghiệm 2008 và tới đây là 2009 sẽ giúp chúng ta nhìn sáng rõ và thấu đáo hơn những bài học đã qua. Bạn Lê Văn Chương (37/5 Lý Thường Kiệt, P8, Tân Bình, Tp.HCM): Xin ông cho biết yếu kém nội tại nào là khó nhận diện và khó nhất trí nhất của hệ thống quản lý Nhà nước Việt Nam hiện nay? Để khắc phục yếu kém đó thì theo ông cần phải làm thế nào và tính khả thi của giải pháp mà ông đề xuất? Nhìn lại 2008, dự cảm 2009 Không thể vượt bão 2009 nếu quên dựa vào sức dân Phác thảo bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 Ai đắc lợi, ai thiệt thòi từ khủng hoảng kinh tế? Hai góc nhìn về khủng hoảng kinh tế Kinh tế VN: Không khủng hoảng, nhưng có tăng trưởng bền vững? Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã "chạm đỉnh"? Đối ngoại trong nhiệm kỳ chống khủng hoảng của Obama Khủng hoảng tinh thần sau khủng hoảng kinh tế: kịch sàn! Obama - Nhiệm kỳ chống khủng hoảng và tìm triết lý phát triển Khủng hoảng tài chính 2008 dưới góc nhìn George Soros 2008 - Năm bất ổn và rối loạn của toàn cầu hoá Sức ép giá cả, lạm phát trước ngưỡng cửa 2008 Nguyên PTT Vũ Khoan: Khó nhận diện nhất chính là sự không minh bạch trong cơ chế chính sách. Một chủ trương đưa ra không thật công khai, rõ ràng sẽ tạo nên tiêu cực ngay lập tức. Cần công khai, minh bạch trong bất cứ chính sách nào cho người dân được biết và có sự chọn lựa, cạnh tranh, đấu thầu thì mới có thể đem lại hiệu quả được. Còn tù mù theo cơ chế xin cho, quan hệ thì chắc chắn sẽ mang lại những cái không rõ ràng, từ đó sinh ra những tiêu cực. Dự cảm 2009: Khó khăn sẽ mách bảo Việt Nam đổi mới con đường phát triển Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2009 dự báo rất nhiều khó khăn, phức tạp và dông bão với không chỉ dân tộc và đất nước Việt Nam mà đến với toàn thế giới. Cảm nhận của ông về 2009 là thế nào? Nguyên PTT Vũ Khoan: Thường thì khi kết thúc năm cũ, bước vào năm mới, người ta có cảm giác đầy niềm hi vọng vào năm mới. Nhưng riêng với năm Kỷ Sửu này, tâm tư của tôi nghiêng về phía lo lắng nhiều hơn. Đất nước phải đứng trước khó khăn kép, một mặt chúng ta đang phải khắc phục những khó khăn trong nước, sau khi lạm phát tăng quá cao, chúng ta đã kiềm chế được chừng mực nào đó thì giờ đây lại vấp phải hiện tượng giảm sút về kinh tế. Thoát khỏi khó khăn này không hề đơn giản. Chưa kịp xử lý xong vấn đề này thì những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới lại ập đến. Năm 2009 hứa hẹn một năm đầy thử thách và hiện nay, trong tất cả các dự báo thì chưa ai dám khẳng định kinh tế thế giới năm 2009 sẽ sáng sủa. Tuyệt đại đa số các dự báo của các nhà kinh tế, các viện nghiên cứu, các thể chế tài chính quốc tế như WB, IMF... đều nói rằng chưa có triển vọng và cơ sở nào cho thấy kinh tế thế giới 2009, thậm chí đến quý 4 sẽ sáng sủa cả. Cá nhân tôi có lo lắng là chính. Tuy vậy cũng không nên nhìn bức tranh quá tối. Trong cái khó có thể ló cái khôn. Tôi nghĩ có thể kể ra mấy điểm lợi thế của Việt Nam trong năm tới như sau: Thứ nhất, dù sao nước ta cũng duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội. Đây cũng là cơ hội để chúng ta phát triển trong nước, đồng thời cũng là sức hút với những người quan tâm hợp tác với Việt Nam. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng có giảm sút nhưng vẫn là dương, chứ chưa đến mức suy thoái, trong khi rất nhiều nước đã rơi vào tình trạng suy thoái. Điều này không làm chúng ta hài lòng nhưng vẫn có thể khai thác được tiềm năng này. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển về dài hạn ở Việt Nam vẫn là có. Thứ ba, trước những khó khăn đó, chúng ta có những biện pháp tháo gỡ tình hình, trong đó có một hướng mà tôi cũng đã ủng hộ từ rất lâu là ủng hộ khai thác nội địa, kích cầu trong nước... Nếu tất cả các biện pháp nếu làm tốt thì cũng khơi dậy được những khả năng ở trong nước để điều chỉnh phần nào yếu kém của nền kinh tế nước ta. Nhìn về 2009, cái lo lắng là chính nhưng bên cạnh đó cũng loé ra những khả năng mà chúng ta có thể tận dụng được, chứ không phải chỉ toàn màu tối, xám. Muốn phát huy sức dân thì phải lắng nghe dân Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc VietNamNet đã tỏ vui mừng khi thấy gần đây, trong lãnh đạo Đảng đã nói đến chuyện phát huy sức mạnh toàn dân, như TBT Nông Đức Mạnh trong buổi Hội nghị Quân chính Toàn quân cũng nói "bảo vệ tổ quốc dựa vào phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân". Đó là chủ trương lớn của Đảng và xuyên suốt lịch sử của dân tộc, Đảng làm nên những giá trị lịch sử, thành quả to lớn với dân tộc cũng là nhờ nhân dân hi sinh, che chở, đùm bọc, cống hiến và tìm ra những mô hình mới trong phát triển kinh tế. Thưa ông, trong bối cảnh hôm nay, chúng ta sẽ làm những gì để phát huy sức mạnh của dân tộc bằng những hành động cụ thể? Chúng ta phải tin vào và khơi dậy tiềm năng của nhân dân. Ảnh: TTO Nguyên PTT Vũ Khoan: Quan điểm này không phải là mới. Đó có thể là một trong những nguyên tắc cơ bản của Đảng ta. Mọi thành công của Việt Nam đều dựa vào sức mạnh của nhân dân. Hôm qua (22/12), chúng ta vừa kỷ niệm ngày quốc phòng toàn dân và ngày thành lập QĐND Việt Nam. Quân đội chúng ta ra đời vốn là một đội quân rất nhỏ, do sức mạnh của nhân dân mà làm nên những sự nghiệp rất lớn. Sự nghiệp đổi mới cũng vậy, nếu không khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân thì làm sao có được những thành công to lớn như vậy được. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tin vào và khơi dậy tiềm năng của nhân dân. Có mấy nhân tố để làm được điều này: Thứ nhất là cần tạo được sự đồng thuận, tin tưởng rộng lớn của nhân dân vào những biện pháp mà Đảng và Chính phủ đề ra. Bất kỳ làm việc gì, dù nhỏ dù lớn, trong lúc này mà nhân dân hiểu, ủng hộ và đồng tình làm thì chắc chắn sẽ làm được. Chủ trương của chúng ta phải minh bạch, công khai, phải làm cho nhân dân hiểu rõ tình hình, biện pháp mà chính phủ thực hiện. Thứ 2, khi đề ra các biện pháp cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, thì các biện pháp ấy phải nhằm vào đại đa số nhân dân. Ví dụ kích cầu, theo quan điểm của tôi thì phải nhằm vào nông dân vì nước ta vẫn là nước nông nghiệp, với 70% là nông dân. Nếu chúng ta tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, để họ tiêu thụ được sản phẩm, có thể tiếp tục sản xuất và vay vốn được đỡ sức ép từ giá cả. Đấy là sức mua lớn nhất của xã hội chứ không nên là tập trung vào doanh nghiệp lớn. Kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra đại đa số công ăn việc làm trong xã hội. Thành ra nếu chúng ta sử dụng những biện pháp nhằm vào đại đa số ấy như kích cầu vào đại đa số, cụ thể là hỗ trợ những người nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ khơi dậy được tiềm năng của nhân dân. Thứ 3, muốn phát huy sức mạnh của nhân dân thì phải lắng nghe nhân dân. Những ý kiến của nhân dân chính là những sáng kiến, tâm tư, tình cảm của họ. Sự sáng tạo của nhân dân thể hiện trong các ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của họ. Biết nghe và biết chọn lọc những ý kiến đề xuất ấy của người dân thì chúng ta sẽ tìm được lối ra. Đây là chân lý không thay đổi với đất nước ta. Nếu sử dụng chân lý này có hiệu quả thì chúng ta sẽ thoát ra khỏi mọi tình huống khó khăn. Kích cầu, theo quan điểm của tôi thì phải nhằm vào nông dân. Ảnh: agro.com.vn Giải quyết khó khăn trước mắt nhưng đừng quên dài hạn Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có nhiều người so sánh năm 1986, là năm chúng ta đổi mới, lúc đó chúng ta đã vấp phải những khó khăn rất to lớn trong đời sống kinh tế xã hội và chúng ta cũng dựa vào nhân dân để vượt qua. Còn hôm nay, chúng ta đã khó khăn đến mức như năm 1986, phải suy nghĩ đến đoạn buộc phải đổi mới hay chưa? Buộc phải tiếp tục đổi mới cao hơn nữa? Buộc phải dựa vào nhân dân hơn nữa hay chưa? Nguyên PTT Vũ Khoan: Năm nay chúng ta cũng khó khăn, nhưng không thể so sánh với năm 1986 được. Tôi đã từng sống trong giai đoạn đó, thấy tình hình lúc đó khác bây giờ nhiều về cả thế và lực. Lạm phát ngày ấy là hàng nghìn % chứ không phải chỉ khoảng 20% như bây giờ, không có hàng hoá. Chúng ta không coi thường lạm phát nhưng so với năm 1986 thì con số dự tính lạm phát 2008 là 22% cũng chưa phải là lớn lắm. Kinh tế của nước ta dù sao cũng đã tăng trưởng rất tốt trong những năm qua. Chúng ta đã có dự trữ ngoại tệ. Mặt khác, về thế ngày ấy chúng ta bị bao vây cô lập, còn ngày nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 130 quốc gia, đầu tư cũng hơn 70 quốc gia... Nói chung bây giờ ta có cơ may để khắc phục kinh tế hơn năm 1986 rất nhiều. Còn về đổi mới, thì phải nhận thức rằng đổi mới phải là một quá trình vận động không ngừng, cũng giống như con người muốn tiến bộ thì cũng phải liên tục hoàn thiện mình. Nói đến một xã hội thì lại càng phải như thế. Không nên hiểu đổi mới là dừng lại ở chỗ này, hay đã tốt rồi thì không cần phải tiếp tục đổi mới. Cuộc sống luôn luôn phát triển, ngày hôm nay tốt, ngày mai đã có thể không tốt rồi. Tôi cho rằng khó khăn 2008 sẽ mách bảo ta sửa tiếp một số cái nữa: Thứ nhất, đó là cơ cấu kinh tế, được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cơ cấu ngành, sản phẩm, vùng miền, thị trường... nhưng ở đây tôi chỉ đề cập tới cơ cấu sản xuất thôi. Rõ ràng khó khăn của 2008 cho thấy trong cơ cấu công nghiệp của chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu hàng thô và gia công. Trong khi đó công nghiệp phụ trợ nói mãi cũng vẫn chưa làm được. Chúng ta càng xuất nhiều thì càng phải nhập lớn. Điều này cũng sẽ ép buộc chúng ta phải thay đổi vì nếu chúng ta không thay đổi thì mãi mãi kinh tế của chúng ta sẽ thua thiệt, kém hiệu quả. Hay chúng ta phải hội nhập vào cơ thể thế giới, không thể khác được nhưng mức độ tuỳ thuộc vào kinh tế thế giới đến đâu thì phải phấn đấu để thay đổi. Phụ thuộc cả xuất lẫn nhập khẩu đến 148 - 150% với kinh tế thế giới như hiện nay thì chúng ta sẽ còn phải chịu rất nhiều khó khăn. Đầu vào, vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng quá cao. Chúng ta phải phấn đấu để tiết kiệm trong nước cao để tự lực hơn. Tự lực không có nghĩa là đóng cửa, mà nền kinh tế phải tự đứng trên đôi chân của mình thì mới có thể ứng phó với tình hình được. Chúng ta cũng phải nghĩ đến cách làm trưng cầu dân ý. Thứ hai, hơn lúc nào hết phải xử lý tốt mối quan hệ giữa tốc độ và hiệu quả; giữa tăng trưởng và bền vững. Trong đó hiệu quả và bền vững mới là quan trọng. Lần này, chúng ta cũng phải chỉnh sửa lại để khắc phục tình trạng đó. Quá trình đổi mới là quá trình không ngừng. Khó khăn năm 2008 mách bảo cho chúng ta phải sửa những gì để nền kinh tế hoàn thiện hơn. Khi khó khăn thì phải tập trung vào giải quyết khó khăn trước mắt là đúng, nhưng vẫn phải để một phần trí tuệ để giải quyết khó khăn dài hạn. Khủng hoảng đối với các quốc gia đều giống nhau, khủng hoảng kinh tế chỉ như một quy luật của kinh tế thị trường, là quy luật mang tính chu kỳ. Sau khó khăn thì nó lại được cơ cấu lại và phát triển có hiệu quả hơn. Đó là quy luật mà chúng ta phải nắm bắt để khi ra khỏi khó khăn này thì nền kinh tế lành mạnh hơn. Nhưng không lúc nào nên rời mục tiêu dài hạn của phát triển đất nước. Phải nghĩ đến chặng đường 2010 - 2020 chúng ta phải làm gì, làm thế nào để phát triển bền vững, đưa nước ta trở thành nước về cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020. Nói con người là trung tâm nhưng không có giải pháp rõ thì Việt Nam vẫn mãi lạc hậu Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người vẫn nói con đường đi của chúng ta rất khó khăn, chưa tìm ra con đường để phát triển. Người ta nói rằng chúng ta không thể nào đi theo con đường sản xuất đại trà để trở thành đại công xưởng như của Trung Quốc, cũng như không thể trở thành quốc gia đi đầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng như Singapore, Hong Kong. Có người lại nói Việt Nam có thể đi theo con đường tạo nên giá trị gia tăng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Nhưng về mặt con người, chúng ta lại chưa chuẩn bị kịp, còn bộn bề khó khăn, chưa định hình con đường đi riêng cho Việt Nam. Suy nghĩ của ông thế nào về vấn đề này? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi cho rằng sắp tới còn phải bàn bạc nhiều. Chúng ta đưa ra những ý tưởng vĩ mô nhưng nội hàm thì không rõ ràng và ý tưởng thì rất khác nhau. Ta nói đến năm 2020, biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp và hiện đại. Nhưng thế nào là công nghiệp, hiện đại? Cho đến nay cũng chưa có sự bàn bạc kỹ lưỡng và sự nhận thức thống nhất. Hoặc chúng ta đưa ra khẩu hiệu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" nhưng nội hàm của "dân giàu", "nước mạnh", "dân chủ", "công bằng" và "văn minh" là thế nào? Ngay cả nội hàm ấy cũng rất nhiều người hiểu không rõ và khác nhau. Sắp tới, trong dịp chuẩn bị cho thập kỷ tới, những nội hàm như vậy phải được định rõ. Tôi chưa sẵn sàng nói rằng chúng ta nên đi theo con đường nào, nhưng rõ ràng đây là vấn đề cần bàn rất kỹ. Chúng ta đã từng trải qua con đường côn nghiệp hoá công nghiệp nặng quá mức, không chú ý đến hiệu quả giờ phải chỉnh sửa lại. Sau đó, chúng ta cũng công nghiệp hoá theo hướng xuất khẩu mạnh, cũng mang lại một số thành quả nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề. Có dạo chúng ta cũng bàn về "đi tắt đón đầu" và "sử dụng kinh tế tri thức để phát triển", gần đây thì theo gợi ý của nhóm chuyên gia Harvard thì chúng ta lại nhắc đến việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Bây giờ là lúc mà chúng ta phải ngồi lại với nhau và bàn bạc. Tôi cũng đang suy nghĩ về vấn đề này, nhưng có một điều cốt tử mà tôi vẫn nghĩ, đó là nước ta tài nguyên không nhiều, đa dạng nhưng mỗi thứ chỉ có một tí, lao động rẻ cũng giờ đây cũng không rẻ nữa và cũng không thể dựa mãi vào thế mạnh này được. Cái chính hiện nay là phải phát triển đầu tư con người có năng lực và trí tuệ cao. Nếu không chịu đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì dù chọn con đường nào chúng ta cũng không thể thành công được. Không chịu đầu tư vào giáo dục, đào tạo thì dù chọn con đường nào chúng ta cũng không thể thành công được. Ảnh: VNN. Cơ bản nhất hiện nay là phải tập trung vào làm cho rõ con đường chúng ta đổi mới giáo dục như thế nào để nguồn nhân lực của Việt Nam có thể bắt kịp được với thế giới. Quan sát những nước không có tài nguyên, nhưng họ vẫn làm nên nhiều sự nghiệp như Singapore, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản và một số các nước Bắc Âu. Quyết định nhất vẫn là nguồn lực con người. Con người ở đây phải được hiểu theo nghĩa toàn diện vừa được đào tạo, chăm lo sử dụng và chính sách... Nếu cứ nói con người là trung tâm nhưng không có những biện pháp rõ ràng thì mãi mãi chúng ta sẽ vẫn lạc hậu. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, trong khu vực kinh tế dân doanh, dường như khả năng phát huy tiềm lực con người trội hơn hẳn khu vực nhà nước. Tuy nhiên khu vực này chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn chịu nhiều định kiến của xã hội. Trong khi nguồn lực quốc gia, kinh tế, tài chính ngân hàng, đất đai, khoáng sản... đều tập trung vào doanh nghiệp nhà nước. Liệu có phát huy được nguồn lực con người không khi khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn trì trệ và chưa phát huy tốt sức mạnh của mình? Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng là hiện nay những khu vực dân doanh là khu vực tạo ra sản phẩm, nhiều công ăn việc làm. Có một hiện tượng đáng chú ý là chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước sang lĩnh vực tư nhân. Điều đó chứng tỏ ở đây làm ăn hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn. Tất nhiên so với trước đây, cơ chế chúng ta đã thông thoáng hơn rất nhiều. Mỗi người đều có điều kiện lựa chọn nơi làm việc cho riêng mình. Điều này sẽ tạo sức ép lên doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới cơ chế chính sách để thu hút, giữ chân và sử dụng nhân tài. Tất nhiên điều này cũng không dễ dàng vì bản thân các DNNN cũng vướng phải những quy định mà ta quen gọi là "cơ chế". Phải tháo gỡ những cái này để họ có thể sử dụng nhân tài. Đồng thời, với những lĩnh vực ngoài nhà nước, thì chính sách nhất quán từ trước đến nay ta luôn nói là bình đẳng trước pháp luật, nhưng đi vào từng lĩnh vực, hoạt động thì vẫn có những hạn chế, thậm chí là kỳ thị còn chưa khắc phục được. Những biện pháp trước mắt như kích cầu, cũng đã nhấn mạnh tạo cơ hội bình đẳng cho DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn nhưng đi kèm đó phải là những thay đổi nhiều trong hệ thống trong các ngân hàng. Vì các DN này tính bảo đảm không dễ dàng như các DN lớn. Các ngân hàng phải thay đổi thế nào để họ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Tôi cho rằng tình hình thực tế sẽ ép các ngân hàng phải đổi mới vì nếu không chính họ cũng không kinh doanh được. Không thắt lưng buộc bụng thì Việt Nam khó giàu được Bạn đọc Phạm Bá Hùng, Paris Pháp: Thưa ông, giống như trong một gia đình đông con cha mẹ thì chăm chỉ làm và cố gắng tiết kiệm chi tiêu nhưng một số đứa con không cùng suy nghĩ với cha mẹ, chúng ham chơi và phá phách...dẫn đến gia đình luôn trong cảnh túng thiếu và nợ nần. Vấn đề muốn nói ở đây là sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình chung sức cùng cha mẹ vượt qua khó khăn mà có được thì ắt gia đình đó sẽ đứng vững. Do vậy ở cấp quốc gia nếu đại bộ phận nhân dân đồng tâm hiệp lực với chính phủ sẽ giúp cho đất nước phát triển bền vững. Câu hỏi của tôi là: Chính phủ có nên coi trọng hơn nữa về việc ổn định và định hướng tư tưởng trong dân như một giải pháp mạnh ngay lúc này để bình ổn kinh tế hiện tại, cũng như là một giải pháp lâu dài giúp phát triển kinh tế bền vững? Nguyên PTT Vũ Khoan: Trước sau như một, chúng ta phải trông cậy vào sự đóng góp của nhân dân. Muốn có được cái đó phải có được đồng thuận trong xã hội. Cá nhân tôi cho rằng, một trong những suy nghĩ phải hướng người dân nhận thức được và làm cho tất cả nhân dân ta hiểu rằng chúng ta là một nước nghèo và phải bằng mọi cách xoá nỗi nhục là một nước nghèo. Cần tằn tiện, thắt lưng buộc bụng để xây dựng đất nước này ngày một giàu mạnh lên. Tôi đã thực sự sửng sốt trước những câu hỏi đầy trí tuệ của các bạn trẻ. Ảnh: TTO Tôi thấy rất lạ là thu nhập dân ta thì còn thấp, các doanh nghiệp được gọi là "đại gia" thì so với thiên hạ thì cũng chưa là gì, nhưng tiêu xài thì sang quá, quá mức làm ra. Điều này thể hiện trên rất nhiều mặt. Cái này khác hẳn một số nước tôi đến như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đức... họ đều thắt lưng buộc bụng, nổi tiếng thế giới là những quốc gia tiết kiệm... Còn ở Việt Nam, không chỉ người dân mà cả các cơ quan nhà nước cũng có hiện tượng ăn tiêu lãng phí như chiêu đãi, tốn kém, liên hoan... rất tốn kém. Nếu chúng ta không làm cho nhân dân hiểu rằng đất nước ta còn rất nghèo, không thắt lưng buộc bụng thì rất khó để đất nước ta trở thành nước giàu được. Tạo cơ chế trách nhiệm mới mong chống tham nhũng Bạn đọc Ngô Thuỷ (Thanh Hoá): Là công dân nước Việt Nam, cháu không khỏi lo lắng khi nước ta gia nhập WTO nhưng điều kiện cơ sở vật chất , giao thông còn quá lạc hậu. Đến khi nào nước ta với ngang tầm với các nước trung bình? trong khi tệ nạn tham nhũng của nước ta còn quá nhiều và công khai như hiện nay, rồi lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình hàng ngàn tỉ đồng mà chưa kịp thời đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng. Còn quá nhiều việc cần làm... Là thế hệ trẻ đang ở tuổi cống hiến, chúng cháu muốn có lời giải thích để chúng cháu thêm vững bước trên con đường đi của mình? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi xin trả lời từng ý trong câu hỏi của bạn như sau, thứ nhất, khó khăn hiện nay của chúng ta đang phải đối mặt không phải vì chúng ta gia nhập WTO mà mới có, mà chủ yếu là do yếu kém của nền kinh tế nước ta. Giả dụ chúng ta chưa vào WTO thì chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn bây giờ, chúng ta sẽ bị phân biệt đối xử, chịu thuế suất rất cao của các nước trên thế giới, chúng ta càng khó xuất khẩu hơn. Vào WTO khiến cho hàng rào thuế quan đối với Việt Nam giảm xuống, từ đó có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Dù không gia nhập WTO thì kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới rất lớn. Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ một tâm tư. Chúng ta dường như có thói quen là mỗi khi có một sự kiện gì chúng ta hơi thiếu trầm tĩnh, đề cao quá mức, hoặc khi không thành thì bi quan quá mức. Khi chúng ta gia nhập WTO thì tưởng như ngày hôm sau đất nước sẽ thay đổi ngay lập tức. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Trong bóng đá chẳng hạn, khi chúng ta được 1 trận thì tưng bừng, nhưng khi thua một trận thì các cầu thủ, huấn luyện viên đều bị chỉ trích rất nặng nề. Theo tôi, cả hai thái cực ấy đều không đúng cả. Cũng nên trầm tĩnh hơn một chút trước các sự kiện, đối với WTO cũng như vậy. Thứ hai, thực trạng mà mọi người hiện nay đang rất bức xúc là tệ tham nhũng, lãng phí rút ruột nhà nước, công trình. Hiện nay chúng ta cũng đang cố gắng để đẩy lùi những hiện tượng này nhưng kết quả chưa cao. Cá nhân tôi thì cho rằng phải tạo được cơ chế trách nhiệm: người làm sai phải bị trừng trị thích đáng, người làm đúng được động viên thích đáng. Không có cơ chế xin cho, không có cơ chế không minh bạch thì mới có thể khắc phục tình trạng này từng bước. Không thể chỉ hô hào mà đẩy lùi được tệ nạn này. Phải đi sâu vào xây dựng cơ chế thật minh bạch, rõ ràng, phải có địa chỉ rõ ràng và biện pháp thiết thực, nếu cứ nương nhẹ những sai phạm thì sai phạm thì sẽ tiếp diễn. Tôi mong việc này mọi người đều xúm vào nhưng nhà nước phải có trách nhiệm chủ yếu thì mới được vượt qua được những tệ nạn như vậy. Thiếu cơ chế khuyến khích sáng tạo Bạn Hoàng Anh Dũng (120 Hàng Trống - Hoàn Kiếm - Hà Nội): Cháu chào bác! Cháu là một người trẻ ngưỡng mộ trí tuệ và nhân cách của bác. Cháu chúc bác luôn mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp cho sự thành công của Việt Nam. Năm 2009 sẽ rất khó khăn, vậy đây đã phải là lúc chúng ta phải nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của mình chưa? Và cần phải thay đổi những gì? Khi mà nền kinh tế tăng trưởng với hàm lượng chất xám chưa cao. Cơ bản là chưa tạo được thể chế khuyến khích sáng tạo. Ảnh: njslom.org Và một vấn đề nguồn nhân lực của Việt Nam (lực lượng lòng cốt là những người trẻ) được nhận định là dồi dào, chăm chỉ, thông minh nhưng phần lớn là chưa sáng tạo. Vậy đâu là nguyên nhân chúng ta thiếu sáng tạo và liệu có nguyên nhân kìm hãm sự sáng tạo không? Cháu xin cảm ơn! Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi đồng tình với ý kiến của bạn. Chính khó khăn này sẽ mách bảo và yêu cầu chúng ta đổi mới con đường phát triển. Chúng ta phải chuyển chú trọng quá nhiều đến tốc độ sang hiệu quả và chất lượng phát triển. Hiệu quả phát triển được hay không nhờ sự sáng tạo vào khoa học công nghệ. Tiếc rằng trong lĩnh vực này chúng ta còn quá yếu kém. Nếu nói chúng ta lạc hậu về kinh tế 1 thì lạc hậu về KHCN 10. Sở dĩ có tình trạng này thì có rất nhiều nguyên nhân, cơ bản là chưa tạo được thể chế khuyến khích sáng tạo, ngay cả những công trình nghiên cứu khoa học cũng còn mang rất nhiều hình ảnh của cơ chế bao cấp. Ví dụ chi phí cho đề án nọ, kia cấp nhà nước, ngành... nhưng không hề tính đến hiệu quả thực tế. Vẫn lấy số lượng là chính, chất lượng không để ý thì sản phẩm đầu ra cho nền kinh tế chắc chắn cũng sẽ rất thấp. Cơ bản là chúng ta phải thay đổi hẳn cách tiếp cận với sáng tạo, để cơ chế đó khuyến khích những người làm tốt thì được thưởng cao, còn những người không hoàn thành thì không những không được hưởng mà thậm chí còn bị phạt. Ví dụ dự báo kinh tế vừa rồi có rất nhiều dự báo không chính xác, thậm chí rất sai được trình lên chính phủ, qua quốc hội. Vì sao lại tồn tại tình trạng như vậy? Vì người làm dự báo không có trách nhiệm gì cả. Đáng ra Chính phủ có thể "đặt hàng" các cơ quan kinh tế dự báo, nếu dự báo đúng mới trả tiền, sai thì không trả tiền, thậm chí là phạt. Nhưng đằng này sai hay đúng gì thì đều như nhau thì làm sao có dự báo đúng được. Cơ chế sử dụng chất xám, sáng tạo không thay đổi đi thì không thể có sự sáng tạo trong khoa học được. Đảng phải là người tập hợp sức mạnh toàn dân tộc để vượt khó Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2009 như ông đã nêu, có rất nhiều khó khăn đang chờ đợi, nhưng chúng ta có một niềm tin rằng dân tộc Việt Nam luôn luôn vượt khó được. Mỗi khi khó khăn nếu dân tộc ta đoàn kết và Đảng tập hợp được dân tộc và tạo nên động lực để toàn dân chung sức chung lòng cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn. Vậy theo ông, vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam lúc này là phải làm gì để tập hợp và khai phóng tất cả sức mạnh dân tộc? Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng là những lúc khó khăn nhất, chúng ta đều cụm lại với nhau, kiên cường khắc phục khó khăn và vượt qua được. Lịch sử hàng bao nhiêu năm nay của chúng ta đều chứng tỏ như vậy. Về kinh tế, như tôi đã nói, hồi những năm 1980 khó khăn đến như thế nào mà rồi chúng ta cũng vẫn tháo gỡ được, khắc phục được. Khó khăn hiện nay so với năm 1986 cũng không lớn lắm, chắc chắn là chúng ta cũng sẽ khắc phục được thôi. Nhưng nói nhân dân chung chung như thế thì khó hình dung. Phải có người tập hợp và đương nhiên, vai trò tập hợp của đảng là quan trọng nhất. Đảng muốn tập hợp được nhân dân, trước hết phải có nhân tố trí tuệ. Đảng phải đưa ra được nhưng đường hướng, biện pháp chuẩn xác, còn chính phủ là người thực hiện. Điều đó sẽ động viên được nhân dân. Điều thứ hai rất quan trọng là các đảng viên phải gương mẫu. Nếu giữ được đúng nguyên tắc "Đảng viên đi trước, làng nước đi sau" thì chúng ta sẽ khắc phục được khó khăn. Trong chiến tranh chúng ta đã thực hiện được tốt điều đó. Hiện nay cũng vậy, cơ sở nào giữ được nguyên tắc đó thì đều có thể vững bước tiến lên. Vai trò tập hợp của đảng là quan trọng nhất. Ảnh: VNN. Cá nhân tôi thấy có hai nhân tố đó. Một là đảng đưa ra được những đường hướng đúng đắn, tập hợp toàn dân và được toàn dân đồng thuận tán thành, tạo được niềm tin trong nhân dân. Hai là đảng viên gương mẫu thì chúng ta sẽ làm được. Đối thoại để tập hợp sức dân Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông làm cách nào chúng ta có thể tập hợp được tất cả trí tuệ của người dân, và đặc biệt chọn lựa ra được những ngườixứng đáng nhất, ưu tú nhất của dân tộc tham gia hàng ngũ lãnh đạo các cấp của chúng ta? Nguyên PTT Vũ Khoan: Không phải mọi vấn đề đều có thể đưa ra tham khảo ý kiến được, nhưng với những vấn đề lớn, nên tổ chức các cuộc đối thoại rộng rãi với chất xám của đất nước. Ví dụ lĩnh vực tài chính tiền tệ, không phải ai cũng hiểu được lĩnh vực phức tạp này, nhưng có một lực lượng khá đông trí thức hiểu rõ, có kiến thức sâu về lĩnh vực này. Vì vậy, trong những trường hợp khó khăn, bên cạnh việc tham khảo ý kiến các chuyên gia quốc tế, thì chúng ta phải rất coi trọng, có thể nói là coi trọng hàng đầu là thu thập ý kiến của các nhà trí thức về lĩnh vực đó. Những sinh hoạt này đã có diễn ra, nhưng chưa ngang tầm với đòi hỏi, cần có nhiều những đối thoại như vậy. Đó là một kênh. Một kênh nữa là đối thoại công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, với sự tham gia của không những các nhà chuyên gia mà cả các nhà quản lý nữa. Thông qua đối thoại đó, không những có thể hiểu được tâm tư tình cảm của nhân dân mà còn có thể thu lượm được rất nhiều ý tưởng rất hay. Thứ ba là, chúng ta chưa có luật trưng cầu dân ý nhưng đến lúc nào đó chúng ta cũng phải nghĩ đến cách làm này để có thể thu thập ý kiến rộng rãi của nhân dân. Hiện nay chúng ta cũng đã tham khảo ý kiến nhân dân về một số đạo luật, một số chủ trương, chiến lược một cách công khai. Nhưng cũng cần phải xem xét đến những hình thức khác nữa để có công bố rộng rãi và thu lượm được nhiều ý kiến của nhân dân. Tôi thấy đó là ba kênh có thể làm được rất nhiều. Thiếu một cơ chế phản hồi ngược với dân Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (Biên Hoà, Đồng Nai): Chúng tôi có theo dõi Đảng đã mở được nhiều cuộc vận động đóng góp ý kiến, đặc biệt là trước Đại hội X và nhiều cuộc trưng cầu ý kiến khác của người dân. Nhưng chúng tôi cảm nhận là chưa có phản hồi lại là nhân dân đóng góp những gì và Đảng đã tiếp thu những gì, mà vẫn là nói chung chung. Nhiều khi chúng tôi thấy giữa bản dự thảo và bản chính thức sau khi tham khảo ý kiến nhân dân không thay đổi mấy. Theo ông, vấn đề hiệu quả góp ý của nhân dân đã được đặt ra chưa? Nguyên PTT Vũ Khoan: Bây giờ tôi không có cơ sở để nói, nhưng khi tôi còn làm việc cũng có được đọc, được tham khảo những ý kiến đóng góp về văn kiện này hay văn kịện khác của Đảng, đạo luật này hay đạo luật khác của nhà nước. Những người quản lý tất nhiên không thể tiếp thu từng điểm thật rành mạch, có thể có hàng trăm hàng nghìn ý kiến khác nhau, nên thường tổng hợp lại những ý kiến khác nhau rồi từ đó suy xét vận dụng xem cái gì có thể tiếp thu, thể hiện trong văn bản cuối cùng đưa ra. Tiếc rằng là chưa tìm được cơ chế hồi âm lại đối với những ý kiến đóng góp, có những ý kiến rất đúng được tiếp thu, có những ý kiến chưa thực đầy đủ lắm cần bổ sung, hoặc có những ý kiến sai cần phải nói lại. Một sự việc khó mà đòi hỏi sự đồng thuận 100%, nhưng chí ít sự đồng thuận phải được 70-80% thì công việc sẽ được suôn sẻ. Ảnh: TPO Đối thoại ngược chiều là chưa có nhiều. Mới là tiếp thu vào, chứ còn mình nhận cái gì, cái gì đúng cái gì sai thì chưa có hồi âm lại. Vì vậy cần có cách nào đó để phản hồi để người dân biết là những ý kiến họ đóng góp đã tới được với người cần tới, được suy xét và có hồi âm để người ta hiểu họ đã đóng góp đúng hay sai. Thì cơ chế phản hồi là chưa có. Bạn đọc Hoàng Thu Hương (Huế): Chúng tôi thấy nhiều ý kiến đóng góp của người dân cũng như trên công luận đã nêu, một số ý kiến đã được tiếp thu, chẳng hạn chuyện dừng dự án Posco ở vịnh Vân Phong. Nhưng nhiều vấn đề khác, báo chí, công luận và người dân đã đóng góp ý kiến, chúng tôi thấy vẫn không thay đổi mấy so với những gì đã triển khai? Nguyên PTT Vũ Khoan: Theo tôi được biết về dự án Posco, sau khi nghe ý kiến của công luận, thì đã có quyết định không xây dựng nhà máy luyện thép ở Vân Phong mà phải chuyển đến địa điểm khác. Nhưng mà không phải là ý kiến không được lắng nghe đâu. Như tôi đã nói, vấn đề là có phản hồi lại. Người ta phản ảnh lên, mình tiếp thu, suy nghĩ, có cái giúp mình đưa ra quyết định, có cái mình cần cân nhắc thêm, thì không có phản hồi lại nên nhân dân có cảm giác như là không được tiếp thu. Tất nhiên cũng có điểm này điểm khác, không phải 85 triệu người Việt Nam đều giống nhau hết cả, mà ý kiến rất là khác nhau. Cần đưa công khai những ý kiến khác nhau để giải thích và tuyên truyền, thậm chí để tranh luận, để tìm thấy một chân lý thống nhất. Một sự việc khó mà đòi hỏi sự đồng thuận 100%, nhưng chí ít sự đồng thuận phải được 70-80% thì công việc sẽ được suôn sẻ. Như tôi đã nói, do cơ chế phản hồi chưa hình thành nên trong dân vẫn có tâm tư là ý kiến đóng góp không được nghe. Đòi hỏi của đất nước sẽ sản sinh những người lãnh đạo đáp ứng yêu cầu thời cuộc Một sinh viên Đại học quốc gia Singapore: Chúng cháu rất yêu quý bác Vũ Khoan và rất có tâm huyết với đất nước. Trong trận Việt Nam gặp Singapore vừa rồi, chúng cháu đã cổ vũ khản cổ. Chúng cháu rất hạnh phúc khi đội Việt Nam giành chiến thắng dù rất khó khăn. Từ đó chúng cháu nghĩ rằng người Việt Nam không bao giờ sợ khó khăn, nếu biết đoàn kết chung sức chung lòng và có những thủ lĩnh tốt. Chúng cháu thấy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có những nhà lãnh đạo xuất chúng, được nhân dân yêu mến như Bác Hồ, như những thế hệ lãnh đạo kế nhiệm. Chúng cháu mong tiếp tục được nhìn thấy những nhà lãnh đạo của Đảng được cả dân tộc yêu mến, kính trọng. Bác có tin rằng chúng ta sẽ có những giải pháp chọn lựa người tài và sẽ có những nhà lãnh đạo được tất cả nhân dân yêu mến kính trọng như Bác Hồ trước đây không? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi có thể khẳng định là không thể có ai như Bác Hồ. Dân tộc ta nhiều thế kỷ mới sản sinh ra được một nhân vật vĩ đại như vậy. Nhưng người tài thì thời nào cũng có. Mỗi thời có những yêu cầu khác nhau đối với những người lãnh đạo. Tình hình thay đổi thì cuộc sống sẽ đề xuất lên những người lãnh đạo có tầm trí tuệ, đạo đức để thích nghi với hoàn cảnh mới. Chúng ta hãy tin tưởng rằng Việt Nam không thiếu người tài, và chắc chắn sẽ xuất hiện những người tài tương ứng với đòi hỏi của tình hình. Để có một nhà lãnh đạo xuất chúng như Bác Hồ thì rất khó, mỗi dân tộc cũng hiếm có những nhân vật như vậy. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng thời thế tạo anh hùng. Hiện nay chúng ta đang khó khăn, đó chính là thời thế, liệu có tạo ra những nhà lãnh đạo xuất chúng như thế? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi vẫn tin là chúng ra sẽ tìm ra được những người đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Còn xuất chúng hay không, trên thực tế sẽ rèn luyện và sản sinh ra những người như vậy. Đó là ước mơ của tất cả chúng ta, còn có được hay không phải qua quá trình rèn luyện, chọn lựa, đề xuất... Nhưng chắc chắn rằng tình hình sẽ đòi hỏi và sản sinh ra những con người đáp ứng được đòi hỏi. Dựa vào dân để bảo vệ biên cương lãnh thổ là con đường tất yếu Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Một trong những khó khăn của chúng ta hiện nay là bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền trên biên giới, hải đảo và đất liền. Theo ông có giải pháp nào cụ thể để chúng ta phát huy sức mạnh dân tộc, để người dân có thể tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước trong ngày hôm nay? Nguyên PTT Vũ Khoan: Nhân đây tôi cũng phải nói rằng một trong những thành tựu lớn về đối ngoại của chúng ta trong những năm vừa qua là chúng ta đã thiết lập được một hệ thống các hiệp ước về biên giới với hầu hết các nước ở chung quanh. Chúng ta đã có hiệp ước trên bộ với Trung Quốc, hy vọng sắp tới sẽ hoàn tất việc phân giới cắm mốc. Với Lào, chúng ra đang đan dày những cột mốc. Với Campuchia, trên bộ chúng ta đã giải quyết gần hết, chỉ còn một điểm thôi. Trên biển với Malaysia, Indonesia và Thái Lan chúng ta cũng đã giải quyết được. Chỉ còn lại một số điểm cần bàn tiếp như cửa vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa - Trường Sa hay biên giới trên biển với Campuchia. Phải nói rằng đây là một thành tựu rất lớn, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta xác định được phạm vi lãnh thổ của chúng ta trên bộ, trên biển là như thế nào, bằng các hiệp định và các cột mốc. Làm được việc này thì có nhiều nhân tố, nhưng có một nhân tố quan trọng là sự đóng góp của nhân dân. Tôi đã làm việc này nên biết rất rõ. Những vùng nào ở biên giới Bắc Bộ mà đưa dân ra được và dân có ý thức bảo vệ đất đai, cương thổ của dất nước thì vùng đó sẽ yên ổn và giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ. Không chỉ dựa vào sức mạnh vũ trang, dựa vào dân chính là cơ sở để đảm bảo chủ quyền dân tộc. Ảnh: Phạm Tuấn Đây là bài học của ông cha chúng ta, đồng thời cũng là bài học thực tế trong những năm qua. Vì vậy, trong việc bảo vệ vùng biển của chúng ta, cũng phải có đóng góp của nhân dân bằng rất nhiều hình thức. Tôi thấy nhiều vùng đảo của chúng ta dân gần như không có hoặc rất là thưa thớt. Chúng ta phải tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn sinh sống ở đó, vì đó là đất nước của chúng ta. Hoặc những vùng ở biên giới, cũng phải tạo điều kiện và có những cơ chế chính sách thuận lợi nhất cho bà còn có thể ra đấy làm ăn sinh sống một cách bình thường và quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng, kết hợp với bảo vệ vùng biên cương của đất nước. Tôi nghĩ đây là những việc nên làm và cần làm. Tất nhiên có những khi phải có những chính sách rất đặc thù thì mới có thể tạo điều kiện cho bà con làm ăn sinh sống ở những vùng đó. Chi phí cho việc này là rất đáng có và đáng làm. Và tôi nghĩ cách nhân dân bảo vệ biên giới lãnh thổ là con đường tất yếu của dân tộc chúng ta thôi. Nhân dân thiếu thông tin thì làm sao bảo vệ Tổ quốc Bạn đọc Hoàng Việt Hưng (Nha Trang): Nhân nói đến việc bảo vệ Tổ quốc, tôi rất tâm đắc với ý tưởng dựa vào nhân dân và sự minh bạch. Chúng tôi là những người dân sống ở Khánh Hoà nhưng cũng chưa thực sự biết nhiều về vùng biển, hải đảo và biên giới của chúng ta. Ông là một trong những người đã tham gia đàm phán, tôi muốn hỏi tại sao chúng ta không có những thông tin rất cụ thể chi tiết đưa lên Internet để cho người dân biết về lãnh thổ, về biên giới hải đảo của chúng ta? TIN LIÊN QUAN Tranh chấp Biển Đông: Cần hợp tác và đúng luật quốc tế Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa: cần một nỗ lực tổng hợp Nguyên PTT Vũ Khoan: Chúng ta có hẳn một chương trình tuyên truyền về hải đảo, biển đảo nhưng làm chưa được nhiều lắm. Chương trình này theo tôi biết khi còn làm việc là được chi phí rất lớn để tiến hành giải thích và tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hiểu rõ cương vực của nước ta ở đâu, như thế nào cũng như cơ sở pháp lý và lịch sử. Nhưng tiếc rằng những thông tin như vậy chưa thật là phổ biến rộng rãi, và trên mạng lại càng ít. Tôi nghĩ đây là một khiếm khuyết, và trong điều kiện có thể, tôi cũng sẽ đóng góp ý kiến với các cơ quan hữu quan để tăng cường thông tin về vấn đề này. Chứ nếu nhân dân không biết thì làm sao nhân dân bảo vệ được. Đây là một việc lớn và phải được tiến hành một cách thường xuyên, kiên trì. Tất nhiên không phải một lúc mà 85 triệu người có thể biết hết được, nên phải làm lâu dài và kiên trì thì nhân dân mới có thể hiểu được. Nhưng phải tập trung vào những vùng gắn với biên giới, hải đảo. Ví dụ các tỉnh giáp biên giới phía bắc, phía tây, phải rất chú ý việc giáo dục ý thức bảo vệ biên giới cho nhân dân. Còn ở những vùng hải đảo thì liên quan đến các tỉnh ven biển và những tỉnh được giao phụ trách quản lý các đảo này, cần tăng cường giải thích cho nhân dân. Chúng ta cần làm việc một cách có trọng tâm, trọng điểm thì mới có thể giải quyết sớm vấn đề này được. Kiều bào cũng có thể góp phần bảo vệ lãnh thổ Việt Nam Một bạn đọc từ CHLB Đức: Thay mặt cộng đồng người Việt Nam ở Munich, chúng tôi muốn chuyển đến Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lời chúc sức khoẻ và lòng kính trọng. Chúng tôi mong ông tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến và trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Chúng tôi muốn hỏi rằng những người Việt Nam ở nước ngoài làm cách nào có thể thể hiện lòng yêu nước cũng như bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh hôm nay, khi chúng tôi biết rằng đất nước đang có những trăn trở khó khăn trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ? Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan những ngày còn tại nhiệm. Ảnh: vietbao.vn. Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi đánh giá rất cao tấm lòng của bạn với câu hỏi này. Chúng ta có một cộng đồng người Việt rất đông đảo ở nhiều nước trên thế giới và đã được xác định là một phần máu thịt của Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Con đường nào để bà con có thể góp phần xây dựng đất nước, thì cho đến nay bà con cũng đã làm được rất nhiều việc cho đất nước. Thứ nhất, rất nhiều bà con ở bên ngoài rất có tâm huyết đối với đất nước, đã khuyến nghị, kiến nghị với trong nước rất nhiều chủ trương, chính sách, không chỉ liên quan đến bà con Việt kiều, mà là những chủ trương chính sách phát triển đất nước. Đó là nguồn chất xám rất quý. Thứ hai là không ít Việt kiều đã về đóng góp xây dựng quê hương, đầu tư làm ăn ở trong nước. Điều đó rất tốt. Thứ ba là bà con đóng góp rất nhiều vào việc củng cố quan hệ với các nước sở tại. Đó cũng là một kênh rất quan trọng để làm ngoại giao nhân dân và tuyên truyền hình ảnh đất nước. Còn vấn đề góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, dù không thể trực tiếp, nhưng bà con vẫn có thể gián tiếp bày tỏ quản điểm thái độ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện tấm lòng và hiểu biết của mình. Tôi thấy rất nhiều Việt kiều có kiến thức rất sâu về biên giới lãnh thổ, đã đóng góp, gửi về nước những công trình nghiên cứu rất có giá trị, rất nhiều tư liệu quý giá mà trong nước cũng chưa có được. Đó là một cách đóng góp rất tốt. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Quỹ Biển Đông vừa rồi có gửi một số bài đăng tải trên VietNamNet về bảo vệ chủ quyền trên biển. Ông có đọc những bài viết này không và cảm nhận của ông như thế nào? Nguyên PTT Vũ Khoan: Rất nhiều, tôi đã đọc. Đó là những công trình nghiên cứu rất sâu sắc, không chỉ trên biển đâu mà cả trên đất liền, vì họ là những nhà khoa học nên thu thập được nhiều tư liệu quý từ lâu rồi, giúp cho anh em chúng tôi trong quá trình đàm phán ký kết có thể sử dụng được. Đó cũng là một cách đóng góp rất là tốt. Có hai cách, một là bày tỏ thái độ của mình đối với vận mệnh đất nước. Thứ hai là đóng góp thông tin cho trong nước để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Những việc làm như vậy là rất đáng hoan nghênh. Mọi thành công của Việt Nam đều dựa vào sức mạnh của nhân dân. Ảnh: VNN. Khuyến khích tiếng nói truyền thông để bảo vệ tổ quốc Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Về vấn đề bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước bằng truyền thông, thông tin, nhiều quốc gia đã làm và làm thành công. Theo ông, một người đã từng phụ trách về thông tin đối ngoại, ông có trăn trở suy nghĩ gì khi truyền thông Việt Nam chưa làm được nhiều trong hướng ra quốc tế và khẳng định tiếng nói của mình với thế giới? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tất nhiên chúng ta nên khuyến khích những tiếng nói của các phương tiện truyền thông, nói một cách có căn cứ khoa học, lịch sử, pháp lý về vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới không chỉ có mình ta, mà trong một mối quan hệ quốc tế nhằng nhịt rất phức tạp. Cách chúng ta đưa tin phải trên tinh thần rất xây dựng, chững chạc, điều đó là rất chính đáng. Vừa bảo vệ chủ quyền, chúng ta vừa giữ được mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các quốc gia hữu quan. Đó cũng là một yêu cầu quan trọng. Phải có nghệ thuật để làm sao đáp ứng được cả hai yêu cầu đó, không nên nghiêng quá về bên nào mà xem nhẹ yêu cầu còn lại. Nghệ thuật của những người làm báo, làm thông tin tuyên truyền là ở chỗ đó. Bịt kẽ hở chính sách, vào trận chống giả dối Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Gần đây, Vietnamnet có nhận được nhiều ý kiến bạn đọc nói về nạn đạo đức giả trong xã hội và trong nhà trường, qua thư của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi cán bộ giáo viên ngành giáo dục nhân ngày 20/11. Ông đánh giá gì về trăn trở của Phó Thủ tướng trước hiện tượng giả dối, đạo đức giả trong xã hội hôm nay? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi cũng suy nghĩ là chúng ta muốn phát triển đất nước, cần có nhiều nhân tố, nhưng một nhân tố quan trọng đó là loại bỏ được bệnh hình thức, bệnh không thật. Nếu mà suy nghĩ một đằng, nói một nẻo, nói một đằng, làm một nẻo, thì xã hội không thể lành mạnh và phát triển được. Chúng ta phải kiên quyết chống lại bệnh hình thức, những việc làm không thật như nhiều người đã nói và trên thực tế cũng đã có, những chuyện bằng giả, học giả, chạy chức, chạy quyền, chạy án... Những hiện tượng đó đều có chứ không phải không, chúng ta phải thực sự cầu thị và nhìn vào thực tế. Ở đây tôi có hai biện pháp để khắc phục tình trạng này. Thứ nhất là phải lần vào những khâu của cơ chế chính sách còn kẽ hở cho những hành động đó. Nếu chúng ta không bịt được những kẽ hở đó, xã hội chúng ta sẽ phải gánh chịu những tai nạn làm thui chột tài năng và sự phát triển của đất nước. Thứ hai là mọi người phải vào cuộc và được ủng hộ trong cuộc đấu tranh chống lại những giả dối, những hiện tượng không lành mạnh đó. Nếu chúng ta cứ than vãn nhưng chúng ta không vào cuộc, nói là khích lệ nhưng những người vào cuộc lại không được ủng hộ thì không bao giờ chúng ta có thể đẩy lùi được những biểu hiện tiêu cực đó. Tôi nghĩ là phải làm đồng thời cả hai kênh, một là bịt tất cả những cơ chế chính sách tạo lỗ hổng cho tiêu cực, hai là mọi người phải được vào trận, được ủng hộ, hỗ trợ để đẩy lùi được bệnh giả dối. Mong lãnh đạo chủ động đối thoại với nhân dân Nhiều bạn đọc: Cuộc sống đời thường của một nhà lãnh đạo như ông sau khi nghỉ hưu như thế nào, thưa ông? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi đang tâm sự với tư cách là một cá nhân thôi vì không còn giữ cương vị nào nữa trong bộ máy đảng và nhà nước. Về nghỉ rồi tôi vẫn quan tâm theo dõi tất cả những diễn biến tình hình. Tôi vẫn cố gắng trong khả năng có thể để đóng góp ý kiến của mình vào những vấn đề được giới hữu trách quan tâm, tham gia những cuộc hội thảo về mặt lý luận, về xây dựng chính sách để có thể đóng góp ý kiến. Không có đối thoại chúng ta sẽ không hiểu được nhau để có đồng thuận trong xã hội. Ảnh: VNN. Những hoạt động này cũng rất là nhiều chứ không phải ít, và tôi cũng cố gắng hết sức. Tôi cũng đi thuyết trình, giảng bài tại các trường. Một hoạt động tôi rất thích thú là đối thoại với giới trẻ và tôi đã đối thoại với rất nhiều thanh niên ở ĐHQG Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, ĐH Ngoại giao... nhiều lắm vì trung ương đoàn mời tôi tham gia chương trình thắp sáng ước mơ của tuổi trẻ. Qua kênh đó có nhiều cuộc đối thoại, và qua đối thoại, tôi nhận thấy trí tuệ của thanh niên ta thật sáng láng. Tôi nói ở đây không phải là để vừa lòng các bạn thanh niên đâu, mà tôi đã thực sự sửng sốt trước những câu hỏi đầy trí tuệ của các bạn trẻ. Đó là những việc làm phong phú và tôi nghĩ là cũng có thể có ích nhất định. Tôi nghĩ đối thoại là điều rất quan trọng, không có đối thoại chúng ta sẽ không hiểu được nhau để có đồng thuận trong xã hội. Tôi rất mong các nhà quản lý, lãnh đạo dù bận bịu cũng hãy giành nhiều thời gian để đối thoại với các tầng lớp nhân dân, trên mạng hoặc trực tiếp. Vì đó là kênh chuyển tiếp thông tin hai chiều, từ đó tạo nên nhiều sáng tạo, sáng kiến cho việc chỉ đạo điều hành. Đó là mong mỏi của cá nhân tôi, và mong mỏi Vietnamnet sẽ đóng góp vào hoạt động này. Các bạn đừng chờ mà nên chủ động mời các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý đến đối thoại trực tiếp với nhân dân. Vì tôi thấy lãnh đạo nhiều quốc gia đã tận dụng kênh này rất hữu hiệu để chuyển tải tới nhân dân suy nghĩ, chủ trương, chính sách, đồng thời tiếp thu ý kiến của nhân dân. Lãnh đạo cần nắm tâm tư thật của dân qua nhiều kênh Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Những nhà lãnh đạo có vị trí, có quyền lực có thể đóng góp cho đất nước trên cương vị của mình. Nhưng trong bối cảnh kinh tế tri thức và toàn cầu hoá ngày hôm nay, nhiều người tổng kết rằng trí tuệ cũng là một quyền lực to lớn để ảnh hưởng đến xã hội và đóng góp cho đất nước. Là một lãnh đạo có uy tín trong đảng, trong nhân dân, được nhân dân yêu mến và được đánh giá là có trí tuệ trong xã hội, ông nghĩ mình có thể đóng góp như thế nào cho đất nước ngày hôm nay? Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi rất cám ơn tình cảm đó của nhân dân đối với cá nhân mình, nhưng tôi xác định thế này, có thể các bạn không vừa lòng nhưng tôi cứ nói thật. Lãnh đạo qua các kênh khác nhau có thể tiếp cận được những tâm tư thật của các tầng lớp nhân dân. Ảnh minh họa: saga.vn. Mỗi thế hệ lãnh đạo chịu trách nhiệm với công việc trong giai đoạn mình gánh vác. Cá nhân tôi, tôi không dám nói thay cả thế hệ của mình, khi nghỉ rồi, thông tin không còn đầy đủ, đó là một khiếm khuyết của chúng tôi. Nếu thông tin không đầy đủ thì đóng góp nhiều khi không chuẩn. Những thông tin công khai, chuẩn xác thì không nói. Thế nên tôi cũng tránh nêu những vấn đề này vấn đề kia khó cho những đồng chí đang làm việc. Nhưng có đồng chí nào muốn tham khảo ý kiến, tôi rất sẵn sàng đóng góp. Nhưng chủ động can thiệp vào công việc của các đồng chí thì tôi hết sức tránh. Các bạn có thể phê bình tôi là tiêu cực, nhưng tôi nghĩ làm như thế tốt hơn, để các đồng chí đang làm việc có sự rộng rãi trong những quyết sách của mình. Còn những chủ trương chính sách lâu dài, mang tính chiến lược, cương lĩnh thì tôi đóng góp rất nhiều, rất tích cực, qua các kênh của đảng và với người dân như đi giảng bài, đối thoại, thuyết trình, để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Khi về hưu ông cũng có nhiều điều kiện gần dân hơn so với khi đương chức, ông cảm nhận thế nào về người dân, về nhân tâm, về lòng người ngày hôm nay? Nguyên PTT Vũ Khoan: Khi làm việc, chúng tôi cũng cố gắng đến đến địa phương cơ sở rất nhiều, có lẽ tuần nào tôi cũng đi nơi này nơi khác, cũng có điều kiện tiếp xúc với người dân chứ không phải đến khi nghỉ mới có điều kiện tiếp xúc với người dân đâu. Tuy nhiên khi mình làm việc ở cương vị như vậy thì vẫn có những khoảng cảnh nhất định về tâm lý, bây giờ khi nghỉ rồi thì tâm lý đó cũng đã bớt đi, thậm chí đã được xoá bỏ, tôi cũng trở lại là người dân bình thường thôi. Khi nói chuyện thì người dân thẳng thắn cởi mở hơn. Qua đó tôi cảm nhận rằng trước những khó khăn này, sự đồng thuận cũng gặp những khó khăn nhất định, người dân cũng có nhiều ý kiến lo lắng về tình hình, thắc mắc về chủ trương này chủ trương kia, rất thật. Tôi nghĩ điều này cũng tự nhiên thôi, lúc khó khăn luôn nảy sinh những tâm tư, tình cảm này khác. Điều quan trọng là các đồng chí lãnh đạo quản lý, qua các kênh khác nhau có thể tiếp cận được những tâm tư thật của các tầng lớp nhân dân, để có những hiểu biết chân thật và thực tế, từ đó có những quyết sách phù hợp với tâm tư tình cảm của nhân dân Mỗi người dân cùng ghé vai vào vượt khó Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là năm 2008, tình hình có khó khăn, sự phân tâm xuất hiện nhiều hơn. Nhưng nếu chúng ta gắn bó với nhân dân, lắng nghe nhân dân thì sẽ vượt qua khó khăn, sự đồng thuận sẽ được củng cố. Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi vẫn hy vọng như vậy. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, đứng trước năm 2009, vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của Đảng với dân tộc là rất to lớn : làm sao thu phục được lòng dân, thu phục nhân tâm con người, khơi dậy được sức mạnh của tòan dân, tạo ra khối đoàn kết thống nhất để dân tộc ta vượt qua khó khăn của 2009. Chỉ vài ngày nữa là bước sang năm mới, khó khăn thách thức lớn nhất đối với đất nướcnăm 2009 theo ông là gì? Nguyên PTT Vũ Khoan: Khó khăn lớn nhất là làm sao đỡ được suy thoái và phát triển thêm nữa. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Còn kỳ vọng lớn nhất của ông vào đất nước trong năm 2009 là gì? Nguyên PTT Vũ Khoan: Kỳ vọng lớn nhất của tôi vào năm 2009 là năm 2009 sẽ thúc đẩy chúng ta có những quyết sách mới để đổi mới hơn nữa con đường phát triển của chúng ta. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có tin điều đó sẽ xảy ra trong 2009 không? Nguyên PTT Vũ Khoan: Qua những thông tin tôi nhận được qua những chủ trương chính sách thì tôi hy vọng là điều này sẽ được thực hiện. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã có 90 phút trao đổi rất lý thú, thẳng thắn, chân tình với Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Xin kính chúc ông sức khoẻ và chúc gia đình ông một năm mới sức khoẻ hạnh phúc. Cùng với bạn đọc Vietnamnet, chúng ta cùng hy vọng và tin vào sự đổi mới của đất nước như ông đã nói, vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn rất quan trọng của dân tộc. Tin rằng như mọi thời điểm khó khăn trong lịch sử, với truyền thồng của mình Đảng luôn đổi mới, đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của dân tộc. Dân tộc đang đòi hỏi và đặt trên vai Đảng trách nhiệm to lớn và cũng rất vinh quang. Nguyên PTT Vũ Khoan: Qua Vietnamnet, tôi cũng chúc tất cả các bạn một năm mới khoẻ mạnh, hạnh phúc và thành đạt và có thêm niềm tin. Nhưng để có thêm niềm tin, mỗi người trong chúng ta hãy ghé vai vào. Đây không phải là việc riêng của các nhà lãnh đạo, mà là việc của đông đảo người dân. Nếu mỗi người một chút lực góp vào thì chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được khó khăn và đưa đất nước tiếp tục phát triển. Xin cám ơn các bạn. VietNamNet - Tuần Việt Nam

Độc giả đương đại: Không thể mãi là "trẻ con"


 
15/04/2009 09:10 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- Thời buổi thông tin truyền thông đa chiều, người viết cứ “bày món” thông tin ra đấy, thậm chí còn cố tình (hoặc vô tình làm như cố ý, cố ý làm như vô tình) sắp đặt thông tin theo nhiều cách rất điệu nghệ. Đọc theo cách nào tùy thuộc rất lớn vào tầm hiểu biết của mỗi cá nhân. 


Tốc độ “tám chuyện” băng thông rộng

Với tính lan truyền cực nhanh trên internet, độc giả cần phải có bản lĩnh hơn rất nhiều trước những luồng dư luận đa chiều. Ảnh: discovery.com

Tiếp nhận thông tin trái chiều được đăng tải công khai về thần tượng của mình, ít ai có thể giữ được bình tĩnh. Ban đầu còn lịch sự tìm lý lẽ để trao đổi, đối thoại với nhau, sau thì các bên đều quyết liệt, chỉ vì không thể nào thống nhất được ý kiến… Đặc biệt là khi những câu chuyện “được tiết lộ” thuộc loại khó có thể “khảo cứu” hầu biết rõ thực hư. 

Thế nhưng, sự đời bao giờ cũng thế. Khi một “ngôi đền” được “xây bệ” gần như hoàn chỉnh, nhuốm màu thiêng liêng, hoặc có hơi hướng trở thành tín ngưỡng trong lòng công chúng, sẽ bỗng dưng xuất hiện những vị “tiên tri giả”, nhân danh bạn bè, đồng hương, đồng đội cũ, cùng cơ quan, cùng lĩnh vực hoạt động…“tiết lộ” những hồi ức (cả tốt lẫn xấu, trước thì tốt, sau thì xấu dần) về “tượng thần” trong mắt công chúng. Chuyện này không chỉ xảy ra với giới văn hóa mà khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực trong xã hội. 
Thô thiển luận giải, đương nhiên “tiên tri giả” muốn nổi đình đám bằng (hoặc gần bằng) tượng thần nên mới chấp nhận “mọi cái giá” để làm chuyện động trời. Tinh tế phân tích, thì các “ngôi đền” lộng lẫy mà bây giờ công chúng hương khói xì xụp, khi còn đương thời, tất yếu cũng có đủ cả tham sân si, hỉ nộ ái ố như mọi người. 

Thế nên, nếu người viết đã nắm trong tay một vài chi tiết, dăm ba câu chuyện, thì hoàn toàn có thể ung dung tự tại mà quẹt diêm, châm mồi lửa, bình tĩnh đốt đền xong rồi ném nốt vết dầu loang về phía đám đông. Bài cùng chủ đề:
 "Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá"
 Ứng xử với thông tin trái chiều về nhân vật nổi tiếng


Trên các phương tiện thông tin mỗi ngày, những cá thể viết nhỏ nhoi liệu có cách nào dễ dàng gây bão tố, tạo xoáy ngầm kéo tuột số đông công chúng theo trào lưu riêng của mình? Chẳng có gì mới hơn, “tiên tri giả” nhiều đời nay vẫn phải chọn cách nói ngược để gây dấu ấn, bất kể dấu ấn đó có thể là cực kỳ tồi tệ. 

Liệu đó có phải là một thói quen xấu? Hoặc thậm chí, chỉ là thói xấu riêng của người Việt Nam, như một số người quy kết? 

Xin thưa rằng không phải thế. Đó chỉ là truyền thông hiện đại, khi mà mọi cánh cửa thông tin đều dễ dàng rộng mở tới công chúng. Cả thế giới chịu sự tác động của truyền thông trong nhiều lĩnh vực. Thêm nữa, với tính lan truyền cực nhanh trên internet, độc giả cần phải có bản lĩnh hơn rất nhiều trước những luồng dư luận đa chiều.

Độc giả "lớn lên"

Ảnh: discovery.com

Nếu độc giả có con (cháu) đang ở lứa tuổi xì – tin, hoặc thử tóm ngay lấy một cháu nhà hàng xóm, hoặc bắt quen với một "girl_xinh" đang cần… “cứu net” ở quán café wifi, tóm lại là trong bất kỳ văn cảnh nào có thể, hãy thử chọc giận các cháu bằng cách nói đạp đổ "hot boy/hot girl" trong lòng các cháu mà xem. Ai biết được cơn giận của các cháu lên đến đỉnh điểm thì kinh khủng như thế nào. 

Thời buổi thông tin truyền thông đa chiều, người viết cứ “bày món” thông tin ra đấy, thậm chí còn cố tình (hoặc vô tình làm như cố ý, cố ý làm như vô tình) sắp đặt thông tin theo nhiều cách rất điệu nghệ. Đọc theo cách nào tùy thuộc rất lớn vào tầm hiểu biết của mỗi cá nhân. 

Chẳng có thần tượng nào toàn một màu tươi sáng, cũng như chẳng có nhân vật phản diện nào thực sự được “định vị” chỉ có sắc đen. Đấy là bạn tự nghĩ thế thôi. Chưa chắc những góc khuất u ám đằng sau một bức chân dung tươi sáng đã là đáng vứt bỏ, nếu bạn nhìn nhận rằng bi kịch (cá nhân, tập thể…) đắng cay đó một thời đã là chất liệu sống cấu thành nên tài năng thăng hoa bốc cháy trong tim bạn. 

Ngay cả khi câu chuyện đến với bạn chỉ là một “trò vui” mang tính “sáng tạo” của “tiên tri giả” thời @. Thật bình tĩnh, bạn vẫn có thể thẩm định được các giá trị khác nhau trong đó và thụ hưởng mặt tích cực của thông tin. 

Đã đến lúc độc giả phải "lớn" lên để cập nhật với truyền thông đương đại, đa chiều, đa sắc diện. Chả lẽ cứ mãi làm "con trẻ", chịu nhận sự tác động (khá dễ dàng) từ một vài chiều hướng thông tin thực chất cũng chỉ mang tính cá nhân?
Hòa Bình

Những điều lưu ý khi đi du lịch bằng xe máy







1.Chuẩn bị trước chuyến đi


- Đi du lịch bẵng xe máy mang lại sự tự do gần như 100% cho người thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện các chuyến đi bằng xe máy cần được nâng cấp một cách từ từ. Có nghĩa bạn có thể nâng dần mức độ khó của các cung đường, nâng dần khoảng cách, tổng quãng đường của hành trình dựa vào sự hiểu biết và khả năng tự sửa chữa các lỗi cơ bản của xe. 


- Không nên sử dụng các loại xe có tuổi thọ cao, không thông dụng và bạn ít hiểu về xe đó. Tốt nhất vẫn là sử dụng chính chiếc xe của mình đã gắn bó và hiểu một cách kỹ lưỡng. Việc này sẽ giúp tránh tiền mất, tật mang khi tất cả mọi lỗi xe đều phải dựa vào người sửa chữa.


- Bảo dưỡng toàn bộ xe trước hành trình. Thay dầu, kiểm tra điện, đèn, buzi, cầu trì, phanh. Thay dầu trước chuyến đi. Các phụ tùng mà xe bạn thường xuyên bị hỏng nên thay mới và mua kèm theo xe phòng trường hợp hỏng giữa đường. Lốp và săm nên tương thích với nhau, mang theo 1 săm (ruột xe). 


- Trường hợp đi đường dài với nhiều đồ đạc, bạn nên sử dụng các loại thùng hoặc đồ gá để có thể cố định ba lô phía sau xe mà ngồi vẫn thoải mái.


- Luôn đổ đầy xăng khi có thể tại các điểm bán xăng lớn.



Tác giả Vũ Thanh Minh

2. Đi xe

- Mũ bảo hiểm: loại to, có kính và chắc chắn

- Mặc áo dài tay, quần dài, giày và găng tay tránh bị trấn thương nhỏ do bụi, đất, đá từ xe trước bay vào. Mang theo CMT, giấy tờ xe và bằng lái xe. 


3.Cách tổ chức đi xe 

Tốt nhất là 4, 5 xe một nhóm, nếu đoàn đông thì nên chia ra, tuỳ theo mỗi đoàn. Mỗi nhóm nên có một người kinh nghiệm hoặc tìm hiểu kỹ cung đường dẫn đầu, và các thành viên khác không được vượt qua người này. Đến ngã ba thì người dẫn đầu sẽ dừng lại và chỉ đường cho các xe tiếp theo. Người cuối cùng là người cầm đồ sửa xe. Và nếu đoàn đông gồm nhiều nhóm thì không nên vượt qua xe đầu tiên dắt đường cho cả đoàn. 

Trước khi đi nên nắm chắc cung đường. Nghĩa là các thị trấn mình sẽ qua, đề phòng lạc nhóm có thể hỏi. 

Mỗi xe nên cách nhau ít nhất 6-10 m, không nên đi cạnh nhau (song song), hạn chế nói chuyện với xe khác khi đi đường. 

Các nhóm nên chặt chẽ hơn về thời gian, bản thân từng người một nên cố gắng thu xếp công việc cá nhân trong chuyến đi sao cho nhanh nhất để tránh ảnh hưởng tới đoàn, sễ đảm bảo được lịch trình và thăm được nhiều nơi. Tốt nhất là tránh việc đi về ban đêm, tầm nhìn hạn chế nên không an toàn, dễ lạc đường. 

Mỗi một xe nên có bản đồ (tờ photo có đánh dấu đường đi bằng bút đỏ) và lịch trình chi tiết, số ĐT của các thành viên, trưởng đoàn, người liên lạc tại HN để nắm thông tin và chủ động nhất với các tình huống bất trắc không như ý muốn. 


4. Cách đi xe máy trên đường

- Không nên đi sang phần đường của xe ngược chiều, đặc biệt là trong những đoạn cong khuất tầm nhìn (đường núi rất hay có). Khi vào cua phải đảm bảo tốc độ sao cho luôn trong phần đường của mình, không được lấn vào vạch phân cách giữa đường. Khi cua không được cắt côn mà chạy đồng ga đồng tốc. 

- Quan sát kỹ các biển báo trên đường để chủ động chạy xe 

- Khi vượt phải quan sát xe ngược chiều, nên vượt bên trái, tuy nhiên xe máy cũng có thể vượt được bên phải. Đặc biệt không được vượt ở những đoạn đường cong, hạn chế tầm nhìn

- Không chạy quá nhanh. Tốt nhất vẫn là chạy đúng tốc độ cho phép trên từng loại đường.

- Khi muốn tránh một cái gì đấy sang phía bên phải hoặc bên trái nên quan sát xe sau, nếu trường hợp không quan sát kịp nên giảm tốc độ (phanh lại), không nên đánh tay lái đặc biệt là sang bên trái.

- Đi ban đêm không nên bật pha, mà dùng cốt, nhất là những xe đèn sáng quá làm chói mắt người đi nguợc nhiều gây nguy hiểm cho người khác. Nếu thấy xe trước bật pha bạn cũng có thể nháy đền để nhắc.

- Gặp ô tô con mà đèn sáng quá chiếu vào mặt mình, không nên đi sát bên đường, vì bên đường hay có người đi xe đạp hoặc ô tô đỗ, hoặc đống cát. Tốt nhất là giảm tốc độ và cố gắng giữ thẳng hướng đi của mình. Có thể phát hiện ra xe ngược chiều ở khúc cua thông qua ánh đèn ban pha. 

- Những đoạn đang làm đường thì nên đi thật chậm, vì rất hay có ổ gà, hố đào dở. 


Tác giả: Vũ Thanh Minh

Khai thác bô xít ở Tây Nguyên: không có hiệu quả kinh tế


Ngày 03.04.2009 Giờ 09:41

Hội thảo của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam



Sáng 31.3, tại Hà Nội, liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít tại Tây Nguyên. Kết luận của cuộc hội thảo này sẽ được tổng hợp trình lên ban bí thư nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của bộ Chính trị vào đầu tuần tới.

Các nhà khoa học dự báo rằng hai dự án khai thác bô xít ở Tân Rai và Nhân Cơ nhiều khả năng không có hiệu quả về mặt kinh tế. Sau khi cử đoàn chuyên gia đi khảo sát tất cả các mỏ bô xít ở Tây Nguyên, địa điểm các nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ, VUSTA đã kết luận rằng hai dự án trên khó khả thi. Theo tính toán của VUSTA, những nguyên nhân chính bao gồm công suất không đủ để có lãi, cước vận tải bằng ô tô ra cảng quá cao, giá thành sản xuất alumin quá cao so với giá thành trên thế giới… 

Ngoài ra để cung cấp nước cho dự án Tân Rai, tập đoàn Than – khoáng sản dự định xây hồ Cái Bảng. Nhưng hồ nước với lượng nước trữ là 108,7 triệu m3/năm, sẽ lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước chính của thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi, và hồ Trị An. 

 Việc tập đoàn Than – khoáng sản ký hợp đồng EPC (chìa khoá trao tay) với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đã gặp sự phản ứng dữ dội từ các nhà khoa học thuộc VUSTA. Với tổng số tiền bỏ ra là gần 1 tỉ USD cho hai nhà máy, phía chủ đầu tư Việt Nam hoàn toàn phải đứng ngoài hàng rào, mặc cho nhà thầu Trung Quốc tự do trong việc chọn thiết bị. 

VUSTA cho rằng Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện điều này. Hơn nữa, theo VUSTA, chỉ đến khi trở thành một nước công nghiệp, Việt Nam mới có nhu cầu thực sự lớn về nhôm.

Huỳnh Phan