Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

VỀ THĂM BỐ MẸ GIA ĐÌNH

 VỀ THĂM BỐ MẸ, GIA ĐÌNH 


CHUYỆN PHIẾM TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẸP LẮM

Đường ra trận mùa này đẹp lắm ( Phạm Tiến Duật )

Lớp sinh viên Đại hoc Xây dựng, Thông tin, Địa chất.... nhập ngũ 9/1972 biên chế vào đại đội 2 , tiểu đoàn 74 , sư đoàn 304 B(C2 D74 F304B) Quân khu Việt bắc năm đó mang đến cho Tiểu đoàn 74 một không khí mới , nó không giống các đợt tuyển quân trước, lính nhập ngũ thường ở một vùng nông thôn, một  khu phố.

Bọn lính sinh viên này thuộc diện "đa sắc tộc",  từ nhiều vùng quê lại có chút chữ nghĩa, nên không phải cán bộ nói gì nó cũng nghe. 

Các ông ấy còn định nghĩa ( cho vui ) một số từ : 

Bộ đội là Đội quân đi bộ. 

Hành quân là Hành hạ quân lính

Cán bộ bắt bẻ :  - Sao nói vậy?  

Trả lời : -Tôi nói vậy, nếu anh là người tốt thì hiểu ra nghĩa tốt, nếu anh là người xấu thì hiểu ra nghĩa xấu.

Mà cán bộ nói chung đều là người tốt .

Cán bộ từ đại đội đến tiểu đội thường xuyên tiếp xúc với lính  nên cũng phải nắn nót trong chỉ huy. 

Nói có lý lẽ tình cảm ngon ngọt thì nghe, nếu cậy quyền ăn hiếp bắt nạt thì cũng phải nghe nhưng kết quả không tốt. 

Lý lẽ cũng có sức mạnh chứ, võ biền làm sao hiểu được.

Mấy anh lính đều biết rằng mình đi bộ đội rồi sẽ đi đánh nhau ở đâu đó,  nhà xa phải chịu nhưng gần gần thì ai cũng muốn về thăm gia đình, bố mẹ hay người yêu trước khi đi xa.

 Nghĩ vậy nên cứ có dịp là một vài anh tót về, vài ngày một tuần lại lên lại sung vào đội ngũ như bình thường. Đơn vị cũng cử người về địa phương đưa lên.

Hồi đó trốn lính đâu phải dễ, kinh tế bao cấp trốn về không có tem phiếu thì đâm đầu vào đâu, lại khổ cha mẹ. Nên xác định về chơi vài hôm rồi lại lên đơn vị.

Thỉnh thoảng còn xuyên tạc bài Bước chân trên dải Trường sơn của Trần Chung nghêu ngao:

Ta là con của bố ta mẹ ta, nhớ nhà là ta tút ngay về.

Ta không cần ô tô, không cần ba lô, không cần lương khô.

Con đường ta đó thiêng liêng tình nghĩa...


Trong sách Văn học phổ thông nhiều người còn nhớ có bài thơ của một anh lính dân tộc. 

Cám ơn bạn  Cường Trần đã cmt, xin đưa lên cả nhà cùng thưởng thức 

Nhớ vợ (Cầm Vĩnh Giang)

Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin được về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốm
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn đúng Tây
Vì tay có hơi vợ
Cho tôi đi, đừng sợ
Tôi không chết được đâu
Vì vợ tôi lúc nào
cũng mong chồng mạnh khỏe
Cho tôi đi, anh nhé
về ôm vợ hai đêm
Vợ tôi nó sẽ khen
chồng em nên người giỏi
Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng
Nếu có được trên tặng
cho một cái bằng khen
Tôi sẽ dọc đôi liền
Gửi cho vợ một nửa

Tao xin về với vợ, 

Ngủ với nhau một đêm

Cho cầm chắc tay súng .....

Lâu ngày không nhớ nhưng đại khái như vậy, trong lời bình giảng đều khen anh yêu nước, thương nhà. 

Vì chỉ có một thứ yêu nước hoặc thương nhà thì cũng không thể là con người đúng nghĩa.

Mấy cậu lính sinh viên chưa vợ thì về vài hôm thăm gia đình, bố mẹ rồi lại lên. Và ba anh em chúng tôi lập kế hoạch cho chuyến đi.

Lối ra bến ô tô có con đường duy nhất qua cầu Ca luôn có vệ binh canh gác, một sáng sớm tinh mơ chúng tôi đi tắt cánh đồng ra đường cái, khi ô tô khách qua thì lên xe, dông về Hà nội .

Về nhà bố mẹ hỏi : 

- Con về phép à ? Được mấy ngày?

- Vâng, vài ngày ạ. 

Mẹ tất bật mua thêm thức ăn cho cả nhà đón con về chơi.

Sáng hôm sau, cõ tiếng gõ cửa cộc cộc, tôi ra mở cửa hóa ra ông Ma văn Pìn trung đội phó trung đội 6 ( chúng tôi trung đội 5) súng ống nai nịt bước vào. 

Bố mẹ tôi hơi sợ, nhưng tôi thì bình thường vì có người đón thì lên đơn vị thôi. 

Pìn đứng giữa nhà, lấy khẩu AK lên đạn loạch xoạch yêu cầu bố mẹ tôi bảo tôi lên đơn vị. Tất nhiên là đồng ý thôi, mẹ dúi cho con mấy đồng.

Pìn cứ tưởng có súng là muốn làm gì  thì làm. 

Tôi thấy khó chịu và thương hại Pìn, nhìn lão như nhìn anh nông dân vác tre giảng cuộc kháng chiến của chúng ta chia làm ba giai đoạn: Phòng ngự, cầm cự và tổng phản công cho giáo Hoàng trong tác phẩm đôi mắt của Nam Cao.

Tôi chào bố mẹ  rồi theo cán bộ đến nhà hai bạn kia. Sự việc lại diễn ra tương tự. 

Ba thằng lẽo đẽo theo Pìn ra bến Nứa . Tới bến Pìn bảo đưa tiền mua vé, cả ba đều nói không có. Mà chắc chắn trong túi ai cũng có tiền .

Pìn móc túi mua bốn vé. Lên xe mà chẳng ai nói với ai câu nào. Đến Bắc ninh đã quá trưa, lại bảo chúng mày bỏ tiền ra ăn cơm mậu dịch , lại trả lời chúng em không có. 

Pìn lại bấm bụng mua bốn xuất cùng ăn, lão sợ ăn một mình mà bọn nó đợi ở ngoài chuồn tiếp thì chết.

Từ Bắc ninh về đơn vị gần ba mươi cây số đường đất không có xe khách, bốn ông lóc cóc đi bộ. Chừng hai ba cây số thấy một xe tải quân sự đi tới, Pìn vẫy xe đi nhờ.

Mời các ông lên xe, xe than bụi bậm đen nhẻm, đành vậy còn hơn đi bộ . Đi vài cây xe dừng lại , lái xe nhảy lên bảo các anh cho xin tiền. 

- Chúng em không có tiền

- Mời các ông xuống. Chẳng ông nào chịu xuống mà một ông lại có súng.

Tài xế hậm hực xuống nổ máy lao đi. Đến nơi , vỗ nóc xe xin xuống, nó không cho xuống cứ bon bon chạy. 

May quá trên thùng xe có manh chiếu, xe chạy đường đất hơi chậm nên hai thằng vơ lấy phủ lên kính xe. Không nhìn thấy đường thì đi vào mắt. 

Xe từ từ dừng lại đúng địa bàn, thôi mời các bố xuống.

Súng trong tay Pìn mà có làm gì được đâu. Nếu không thị uy lên đạn thì chuyến đi vui biết bao nhiêu. 

Sao xe quân đội lại đòi lấy tiền xe, bọn tớ cũng đi cứu nước chứ  có phải đi chơi đâu. 

Đến đơn vị ai ở đâu về đó.

Lại hăng say luyện tập để : 

Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu.


NBS .

01/09/2021





CHUYỆN PHIẾM TRƯỜNG SƠN - TRẠM CỨT

 

ĐÓN TẾT QÚY SỬU 1973 TẠI KHĂM MUỘN LÀO  


CHUYỆN PHIẾM TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẸP LẮM

Đường ra trận mùa này đẹp lắm ( Phạm Tiến Duật )

Trạm Giao liên đây rồi , cũng có cổng chào đàng hoàng ghi dòng khẩu hiệu giăng ngang: 

Nhiệt liệt chào mừng các đoàn quân vào giải phóng miền nam.


Trạm giao liên rất rộng bằng phẳng dưới tán lá rừng già, cây thưa thoáng đãng nhưng tán cây vẫn che kín bầu trời , rừng như một thứ thành trì , áo giáp che chắn đoàn quân.  

Bãi khách có thể chứa được cả ngàn người,  bên cạnh đó dòng suối trong vắt rì rào chảy qua .

Suối rộng chừng 30 m,  trong lòng suối có  những hòn đá rêu phong với từng nhóm cây thạch xương bồ xanh thẫm mọc lên tươi tốt. Đó là cây thuốc quý, còn nhớ ngày sơ tán bà nội tôi thường hấp lá cây thạch xương bồ với lá hoa hồng bạch cùng đường phèn có thể chữa được được ho cho trẻ con.

 

Trong tầm nhìn của bãi khách đó là dải non bộ đẹp đẽ và thơ mộng vô cùng, nó còn như một thứ thuốc an thần cho người ta sau mỗi chặng hành quân gian khổ.

Cách bãi khách không xa có một vách núi đá khi tiếng nói chuyện thì nó vọng lại lại nghe rất lạ.

- Anh yêu em

 - (Tiếng vọng ) Anh yêu em

- Em yêu anh 

- ( Tiếng vọng) Em yêu anh 

- Tiên sư bố mày

- ( Tiếng vọng) Tiên sư bố mày

Nói câu nào nó lặp lại câu đó , rất buồn cười nhưng nếu vắng người thì cũng rất sợ vì như có ma  bên đó.

 

Rải rác đây đó trong bãi khách là các vị trí mắc tăng võng, công sự hầm trú ẩn, bếp không khói kiểu Hoàng Cầm do các đoàn quân đi trước qua đây để lại, cũng đỡ công sức cho người đi sau rất nhiều.

Anh em chúng tôi tiến vào trong trạm còn đang rất vui vẻ bàn tán vì vừa gặp cô gái trước  cổng trạm nhưng câu chuyện bị khựng lại vì mùi thối cực kỳ của phân người bao trùm lên  toàn bãi khách.

Theo anh chiến sỹ giao liên, hóa ra đi trước chúng tôi là Đoàn Hải Phòng, sáng nay các bạn đi rồi  nhưng để lại những đám phân đầy trong bãi khách mùi thối inh ỏi.

Người Hải Phòng nổi tiếng với tính cách đặc biệt của đất cảng : thẳng thắn, ngang tàng , trọng nghĩa khinh tài , ghét thói xun xoe nịnh bợ . Yêu ai thì yêu hết mình, ghét ai thì xúc đất đổ đi. Chắc có gì bức xúc mới phản ứng như thế. 

Chả thế mà có câu vè:

Hà chuồn, Nam lủi, Thái bình bay.

Hải dương anh dũng trốn ban ngày.

Hải phòng đi phép không cần giấy.

Hà nội thấy thế mới ra tay... 

Ha ha, chả ông nào kém cả.


Anh em chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp các bãi phân, phân công nhau lấy nước kiếm củi nấu cơm. 

Số còn lại căng tăng võng,  giặt quần áo tắm rửa, ngồi đung đưa trên võng viết nhật kí hay túm năm tụm ba phì phèo điếu thuốc lá, thuốc lào. 

Gặp đầy phân ở Trạm giao liên đầu tiên của Trường sơn  nhưng vẫn may mắn lắm vì ngày kia mới là mùng một TẾT. 

Lúc này Hiệp Định Hòa Bình Paris đã được ký kết, tại đây chúng tôi được nghỉ mấy ngày để đón Tết Quý Sửu năm 1973  và chúng tôi âu yếm gọi nó là Trạm c** .

  

Mỗi trung đội cử hai đồng chí tốt đi vào Trạm lấy tiêu chuẩn Tết, mỗi anh em được nửa cái bánh chưng, vài điếu thuốc Trường Sơn vài cái kẹo và một vài lạng thịt nữa.

 Đêm 30 Tết dưới tán rừng già trời tối đen như mực tôi cùng Tân xồm, Kissing Cục rủ nhau vào trong Trạm giao liên chơi. 

Cũng không có gì đặc biệt, chỉ thấy vài cái nhà lá thưa thớt và gặp một cô bộ đội nữ đang ngồi khóc thút thít bên bếp lửa nấu bánh, hơi nước phì phì. Chắc cô nhớ cha mẹ, các anh chị em ở quê.

Ăn tết Giữa rừng già, xa nhà đi tìm chỗ vui khi gặp cảnh như thế này làm sao vui được.

 Chúng tôi khi quay về bãi khách trạm giao liên, lên võng nằm thao thức mãi không ngủ được. 

Đến thời khắc giao thừa cũng không có tiếng súng bắn hay một tín hiệu gì hết, buồn vô cùng. 

Mệt mỏi rồi thiếp đi lúc nào không biết, khi mấy con mấy con gà rừng gáy le te rồi vượn hót vang rừng mới biết là trời đã sáng.

Năm mới Qúy Sửu tới rồi.

Chúng tôi đã bước sang tuổi 20.



NBS

31/08/2021

 Ảnh : Rừng Trường sơn