Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

DU LỊCH MIỀN NAM

CÁC TỈNH MIỀN TÂY

Sau  đem thức ngủ chập chờn tham dự Lễ giỗ lần thứ 39 các liệt sỹ mọi người đều mệt mỏi, anh em rời Đá biên du hành về một vài vùng đất miền Tây Nam bộ với tấm lòng nhẹ nhõm.


Đến cầu 79, Gặp anh Hoa gửi chị bạn Dung về Long an, gửi hai bố con Huyên ( em trai liệt sỹ Lê Ngọc Huyền ) về Sài gòn. Vân và Nụ ( em gái liệt sỹ Nguyễn Văn Hải ) theo anh Mạnh Bình, anh Phách về Mỹ tho ngã Sáu tìm tiếp mộ anh trai. Công cuộc tìm kiếm của gia đình vẫn tiếp tục, măc dù anh em có nói với các cô rằng :

- Chắc chắn mộ anh Hải đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ rồi.
Khách sạn Hoa đăng thị trấn Vĩnh hưng
Từ trái : Mai, chị Hạnh, chị Hòa,Đạo, Cảnh,Phương, Sỹ, Lương, Tình, Hàm, Viễn, anh Niết, Phục
Khoảng 4 giờ chiều chúng tôi đến nghỉ tai khách san Hoa đăng thị trấn Vĩnh hưng, Mộc hóa Đồng tháp.Nhà nghỉ sạch sẽ không khí thoáng mát êm ả. Mọi người lên phòng chìm trong giấc ngủ, do đôi giầy bị ướt bởi sóng cano cao tốc tôi muốn ra chợ mua đôi dép.

 Loanh quanh hỏi han mãi không có xe ôm, đây có lẽ là một điều lạ ở Việt nam, một xã hội di chuyển chủ yếu trên xe gắn máy. Gặp một câu thanh niên tôi nhờ đi xe ra chợ, lúc về hỏi cháu lấy bao nhiêu ? 

- tùy chú.

Cũng là một điều thú vị.


Ngày hôm sau chúng tôi vào Đồng tháp mười theo con đường từ Vĩnh hưng dự định về khu vực Tân thành nơi có đồn Cả Cái, Cái Sơ, Cây Me. Xung quanh đường trục vẫn là đồng nước nổi mênh mông, nhà cửa dân cư bám theo đường lộ.

Một lần nói chuyện với chúng tôi, Ba Thi bảo rằng bây giờ về Tân thành thuận tiện lắm. Điện đường trường trạm đến tận nơi, nay thấy đúng vậy. Mấy chục năm trôi vèo qua, cảnh vật con người cũng thay đổi từng giờ. Nơi chiến trường xưa hoàn toàn khác với những gì tưởng tượng.

Trên đường đi anh em nhìn thấy một tượng đài to lớn liền ghé vào thăm. Trên quê hương Việt nam yêu dấu trải qua mấy chục năm binh đao khói lửa, nơi đâu cũng có Nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài.

Tượng đài
Một điều nên buồn hay nên vui ?? 

Nổi lên giữa rừng tràm xanh ngắt là tượng ba người lính trong tư thế tiến công trên con thuyền xi măng. Đến gần mới biết là tượng đài chiến thắng Giồng thi đam, gò Quản công. Nơi đây từng có cuộc chiến oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến.


Vào bên trong có rất nhiều ảnh về người lính Đồng tháp mười trong kháng chiến nhưng phảng phất đâu đó mùi nước mắm nằng nặng. Hóa ra có nhiều khạp chứa cá do một cơ sở nước mắm sản xuất đang hoạt động. 


Một nơi trang nghiêm như thế sao lại dùng làm cơ sở sản xuất nước mắm??. Chắc lâu ngày cũng chẳng có người vào thăm, mấy bác quản lý tận dụng luôn mặt bằng để làm.


Hóa ra thúc đẩy của cuộc sống đời thường đã lấn át nhiều thứ. Trên Phòng Văn hóa huyện cũng chẳng kiểm tra vì còn trăm công ngàn việc khác.?? Sự trớ trêu cứ vô tư tồn tại.

Cụm tượng đài này có kích thước hoành tráng, rất lớn. Có lẽ đứng từ xa mới thấy ý muốn của tác giả bức tượng. Đến gần thì thấy tượng và người tham quan dường như không có liên hệ gì với nhau ??.


To nhưng xa cách, nhỏ có gần hay không, cái này còn suy nghĩ thêm.


Đén trung tâm thị trấn Sa rài huyện Tân hồng, xe dừng lại nghỉ uống nước. Cô chủ quán có nụ cười tươi tắn, hàm răng trắng tinh điểm hai cái răng vàng rực ríu rít kêu người phục vụ. Lâu lâu mới có đoàn khách đông người ghé qua. 


Hỏi về cô chủ quán về xứ này, cô hoàn toàn không biết tý gì hóa ra  cô là người Quảng nam theo chồng hay lấy chống ở đây lập nghiệp.Không ai tưởng tượng nổi một cô gái Quảng nam vào Đồng tháp lấy chồng. Vì kinh tế, vì tình yêu, vì di cư hay lý do nào khác ??. Biến động dân cư làm sao biết hết nếu cứ ở trong phòng mà phán.



Chụp trước nhà hai Tiến
Từ trái qua Phục, Cảnh, Tiến, Lương, Tình, Hàm. Niết, Viễn, Sỹ
Anh em trao đổi sôi nổi về vùng này, bỗng có một chị bế người cháu hỏi các anh từ đâu tới, tìm ai ? Chúng tôi trả lời trước là lính E207 chiến đấu ở đây, nay về thăm chiến trường cũ.

Chị reo lên, tôi cũng phục vụ một thời gian ngắn ở trung đoàn đó. Nhưng tôi biết ở thị trấn này có anh Hai Tiến, Tư Hồng là lính lâu hơn nhà gần đây nè. Nói rồi chị quây quả bỏ đi, lát sau có người thanh niên đi xe gắn máy đưa một anh đội mũ cối tới.


Anh em giới thiệu về nhau, cùng lính 207 cả, anh mời cả đoàn về nhà uống nước cho biết. Lát sau một cô gái nữa cũng đến tên là Tư Hồng.


Anh đội mũ cối là Hai Tiến, dân bắc chính hiệu công tác trên C vận tải Trung đoàn, hết chiến tranh lấy vợ và sinh sống tại đây. Sinh ra một đàn con 6-7 đứa nay đều ổn định cả. Hiện hai vợ chồng ở cùng cô con gái út và chàng rể.


Tư Hồng cũng đã cứng tuổi, da ngăm ngăm nhưng nhanh nhẹn cô vẫn có nét xinh xắn thuở con gái. Do hoàn cảnh cô ra quân sớm, không được hưởng chế độ gì vẫn hàng ngày mưu sinh chăm chỉ và cam chịu. Nói về đám giỗ miếu Bắc bỏ, tư Hồng cứ xuýt xoa tiếc mãi vì không đi được. 


Cô vân nhớ các anh tư Kiên ở Chợ Mới, Thủ trưởng Tư Dẫu và mọi người.Cô còn nói với Tình là Tư Kiên gọi điện cho cô nói mắc đi công tác mà không dự lễ giỗ các liệt sỹ được. Khi biết công trình tưởng niệm hoàn thành cô và mọi người đều vui mừng như việc nhà mình vậy.


Quãng thời trai trẻ trong cùng trung đoàn đã xóa nhòa khoảng cách.Chưa từng gặp nhau bao giờ nhưng mọi người đều tỏ ra gần gũi thân thiết.


Chúng tôi nói ý định đi Cái Sơ, Cây me....Hai Tiến, Tư Hồng sốt sắng nhận làm hướng dẫn luôn. Thật là may mắn. Con đường đi qua các đồn cũ hoàn toàn thay đổi, dân cư đông đúc. Sông Tân thành vẫn lững lờ chảy. Vết thương chiến tranh đang lành. Không thể nhận được đâu là nơi Tân kễnh, Hồng dắm hy sinh, đâu là Gò Muỗi, Gò Gòn...


Cuộc sống có cải thiện nhưng so với những vùng tôi đã qua thì Đồng tháp có vẻ chậm hơn cả.



Con gái và cháu, Tư Hồng, vợ chồng Hai Tiến
Vòng quanh Tân hồng, cưỡi ngựa lướt qua nơi cũ mà cảm giác lâng lâng, tâm hồn thư thái. Đến trưa vào nhà hàng cạnh Huyện đội dùng bữa. Mọi người ăn uống tưng bừng vui vẻ. 

Lúc tính tiền cô chủ quán tự giới thiệu về mình là Việt kiều bên Campuchia về, mở quán cơm hàng ngày bán cho mấy ông cán bộ cũng đỡ và hỏi về chúng tôi. Lương trả lời:
- Bọn anh trước chiến đấu ở đây, có phải lòng Út Điệp. Nay không biết út Điệp ở đâu làm gì ?
- Ở đây nhiều Điệp lắm, không biết có phải là Điệp con nhà Hai Khen không nữa, ngày xưa cổ cũng xinh xắn lắm, nhiều người để ý?
- Nếu tính tới giờ thì Điêp phải ngoài 50
- Vậy thì không phải.Nếu gặp ai tên Điệp chừng đó tuổi thì cô nhớ nói là có mấy anh lính Bắc về tìm nhé, số điện thoại của tôi là 090 xxx 2701.
- Vâng

Cô chủ quán hết sức nhiệt tình, nói khi nào tìm được sẽ gọi cho. Lương cám ơn hẹn ngày trở lại.

Xã Thường thới hậu, điểm đến miền Nam  đầu tiên 9-1973 của anh em từ  Campuchia
Khi chia tay Hai Tiến muốn chụp một bức hình anh em đồng đội cũ và gia đình, phóng to treo ở phòng khách    để kỷ niệm. Chúng tôi sẽ làm và gởi cho anh.
Các cháu bé Thường thới hậu rất vui khi được mời chụp hình


Chợ Cả Sách (theo trí nhớ của chúng tôi gọi là Cái Sách)
Sông Sở thượng ngày xưa là điểm chúng tôi đến 9-1793 từ đường dây trên Campuchia về miền Nam, tấp nập ghe thuyền, nay có vẻ ít hơn vì người ta còn nhiều phương thức di chuyển khác. 

Khi đó Hiệp định Pa ri mới ký đầu năm, hai bên tạm ngưng chiến, vùng đệm có dựng chòi Hòa hợp để lính lên gác giữ đất thậm chí còn nói chuyện với nhau.
Cháu gái Sở thượng rất xinh

Rời Sở thượng chúng tôi đi qua Hồng Ngự về Cao lãnh. Hồng ngự là một thị trấn gần biên giới Việt nam - Campuchia, nơi đây cùng với Tân châu đêm đêm hắt áng sáng lên bầu trời gợi cho cánh lính từ sông Sở thượng nhìn về với bao mơ ước.Vùng này cũng là nơi sản xuất thứ lụa tơ tằm nổi tiếng.
Nghĩa trang liệt sỹ Cao lãnh


NTLS Cao lãnh
Cao lãnh hiện là thủ phủ của tỉnh Đồng tháp, có mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh ông Nguyễn Sinh Côông sau 1945 là Chủ tịch nước Việt nam dân chủ cộng hòa. 

Phần mộ hồi mới giải phóng được dân địa phương gìn giữ cẩn thận, nhỏ bé và đơn sơ như tính cách cụ Phó Bảng lưu lạc về phương nam làm thày thuốc trị bịnh cho dân nghèo, nay mở rộng rất lớn.....





Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc
Vượt sông Tiền giang bằng phà, những chuyến phà vận chuyển chủ lực trên các trục lộ lớn dần chuyển về nối các tỉnh lộ. Các cây cầu to lớn vượt sông Tiền sông Hậu đã thay thế nhiệm vụ cua chúng. 

Trên xe anh em cũng nhắc đến trận chiến ba Cù lao mà phần tổn thất rất lớn về phía quân giải phóng. Phía trước là đối phương, đằng sau là dòng sông to lớn nước chảy cuồn cuộn. Nếu không kết thúc nhanh trận chiến thì không có đường về, nhưng so sánh lực lượng quá chênh lệch nên kết quả là tất yếu.





Cổng vào Chùa Dơi Sóc trăng


Chùa Dơi




Chùa Dơi là một địa chỉ du lịch khá nổi tiếng ở Sóc trăng, xin mời xem thêm link như sau về Chùa : http://soctrang.edu.vn/chitiettin.asp?IDT=901221104407




Đoàn cũng ghé thăm Nhà Công tử Bạc liêu.Nhà công tử Bạc Liêu tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 13, thị xã Bạc Liêu, thuộc tỉnh Bạc Liêu là địa chỉ không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào đặt chân đến Bạc Liêu.
Công tử Ba Huy

Đây là biệt thự của ông Trần Trinh Trạch, thân sinh của Trần Trinh Huy – người được mệnh danh là công tử Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng năm 1919, tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh và lối cầu thang lên lầu. Tầng lầu gồm 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng ở hướng Đông Bắc là phòng của ông Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (dân địa phương gọi là Ba Huy)

Biệt thự này được coi là bề thế nhất Bạc Liêu thời bấy giờ, do kĩ sư người Pháp thiết kế và xây dựng


Trước khi đến Cà mau đoàn ghé thăm nhà thờ Tắc sậy, cũng là một công trình đẹp. Quy hoạch gọn gàng ngăn nắp. Dân Cà mau nhà cửa cũng be bé lúp xúp. 
Nhà thờ Tắc sậy

Tại thành phố Cà mau đoàn có gặp anh Hai Tân là lính E 24, sau giải phóng ở lại nam làm tới Phó chủ tịch huyện Năm căn. Qua câu chuyện mới biết anh là sinh viên năm thứ tư Đaị học Bưu điện đi bộ đội 9-1972 ở Phú bình Bắc thái đi B tháng 1-1973 cùng Đoàn 2013 với anh em chung tôi. Mọi hoạt động trên đường dây 559 anh đều nhớ rõ.


Rau muống biển Cà mau nở hoa 
Trên đất Mũi Cà mau
Đất mũi đây rồi, từng cánh rừng đước xanh ngăn ngắt bộ rễ rắn rỏi cắm xuống đất mịn màng lưu giữ từng hạt phù sa cho đất sinh sôi. Mọi người khoái  trí hò nhau chụp ảnh lưu niệm. Đứng trên đất mũi Cà mau nhìn biển trời bao la nơi đất trời biển gặp nhau nơi tận cùng Tổ quốc mà lòng người khoáng đạt.

Hãy dành vài phút nghe Bài hát Đất Mũi Cà Mau ca sĩ Trọng Tấn trình bày 
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=A8XaB3MzTK

Ở đất mũi Cà mau lại nhớ chuyến du lịch nơi địa đầu Hà giang, nơi phên dậu phía Bắc của Tổ quốc. Trên Đồng văn gặp một du khách Đức, cô nói:
- Đất nước chúng mày đẹp lắm, Thụy sỹ cũng có nhiều núi nhưng không đẹp và hùng vỹ như nơi đây. Tao đến đây thấy đẹp quá ở lại  mấy ngày thuê xe đi cho hết.

Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn ( Ca dao)
Với cô du khách Đức

Nghe người nước ngoài nói mình cũng tự hào về quê hương đôi chút. Chắc cô cũng chưa nói về khiếm khuyết của nước mình. Mong rằng một ngày không xa người Việt cũng sánh vai với các nước tiên tiến khác ( nói như nghị quyết nhể )
Xin mời nghe Bài hát Hà Giang quê hương tôi ca sĩ Trọng Tấn trình bày
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=g_RmR37YBk
Với hai cậu bé tại cột cờ Lũng cú
Phố cổ Đồng văn Hà giang
Với các cháu học sinh Đồng văn 



Trên con đường Hạnh phúc Đồng văn - Mèo vạc


Cao nguyên đá Đồng văn - Công viên địa chất toàn cầu
Những ngày lặn lội ở Đồng tháp mười có ai dám mơ xa xôi. Đất nước thống nhất đã cho ta nhiều cơ hội đến các miền quê mà trước đó chỉ biết qua sách vở.
Mênh mông sông nước Cà mau
Cột cờ Lũng cú Hà  giang


Dưới chân cột cờ Lũng cú


Đường núi Hà giang

Tạm biệt Cà mau đoàn quay trở lại Cần thơ gặp anh Hậu, anh Kiên....đến Mỹ tho vào thăm các CCB E24 nhà anh Nghĩa, Mạnh Bình, Phách, Huế, Mạnh còi, Thịnh...Rồi trở lại Gò công ghé NTLS chợ Gạo, thăm nhà anh Khải....
Anh Niết - Nghĩa 


Các bà vợ Sỹ, Nghĩa, Cảnh, Viễn


Nghĩa trang LS Chợ gạo 
Dự định xuống thăm nhà Tư Sanh, chín Dao ở Gò công đông  nhưng không còn thời gian, đoàn trở lại Sài gòn để các anh giải quyết một số việc riêng. Vợ chồng mình đi Tây ninh thăm Tòa thánh Tây ninh, núi Bà đen


Thánh thất Tây Ninh


Thánh thất Tây ninh


Núi Bà Đen Tây ninh
Kỳ này anh Bằng, vợ, anh Chính anh Lịch do bận bịu không cùng với anh em được. Nói thêm chuyến đi này Thông đã chuẩn bị cả thuốc men, nước tăng lực cho mọi người phòng khi cần thiết, đồng thời gởi bác Hạnh, chị Hòa và cháu Hằng đi cùng đoàn. Bác Niết ngang tuổi bác Hạnh nên hai bác trao đổi vui vẻ nên quãng đường dường như quá ngắn.

Chị Hòa là phu nhân anh Quảng người có công trong việc đề nghị Vietin Bank tài trợ xây miếu Bắc bỏ lại là người của đoàn dân chính đi trên đường dây 559 song hành cùng đoàn 2013 nên câu chuyện trên xe càng rôm rả. Hằng là cô cháu rất quan tâm đến các liệt sỹ, cũng "kiệm lời " và cái gì cũng biết nên càng vui.


Rồi cuộc du hành cũng kết thúc, hôm chia tay ở Sài gòn các anh Lê Quang Quý, Thức, Thông, KTS Lê Hải.... đến nhậu một bữa vơi mọi người ở nhà hàng Vườn phố.


Đến đâu anh em đều được đón tiếp ân cần như người thân đi xa trở về. Cám ơn thịnh tình của các đồng đội bạn bè đã hết sức chu đáo tình nghĩa. Xin cảm ơn tất cả mọi người.


Một chuyến đi đẹp đẽ thành công và vui vẻ.

Hẹn ngày gặp lại.