Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

CÓ TA MÀ CŨNG CÓ TRỜI Ở TRONG

CÓ TA MÀ CŨNG CÓ TRỜI Ở TRONG


Cùng phòng với tôi là ông Ngạc, ông Kiểm và ông Nghiêm. Bốn anh em chung một phòng, ông Nghiêm lẳng lặng ít nói mà nói câu nào chắc câu ấy, ông có món quả mắc mật muối với tỏi ớt tuyệt ngon, ngược lại ông Kiểm, ông Ngạc rất hay chuyện.

Cứ có thời gian rỗi là hai ông thi nhau kể cho mọi người trong phòng nghe tất cả những câu chuyện trên trời, dưới biển về cuộc đời của chính mình một cách say sưa .

Gặp tôi là người biết lắng nghe nên hai ông rất khoái, cứ túm mình kể chuyện suốt ngày, đôi lúc chen vào những câu chuyện tình ái lãng mạn đã trải qua . Không khí trong phòng không ủ dột như các phòng bệnh khác mà luôn sôi động vui tươi.

Nguyên liệu sẵn có người mang đến, tôi chỉ việc ghi chép, sắp xếp các chi tiết lại, thế là thành câu chuyện này.


Ông Kiểm đang đưa ma cho bà vợ đến Hoàn vũ thì phải nhập viện cấp cứu do không thở được, việc đưa tro cốt bà ấy về quê đành chuyển giao cho các con ông lo.

Nằm viện mà điện thoại liên tục chỉ đạo người này, người kia cho xong đám. Khi xong việc ông rất vui vì bà vợ ông ốm đau lâu quá rồi nay đã mồ yên mả đẹp.

Ông Kiểm quê ở Hải Dương, con một gia đình nông dân bình thường. Ông có người cô ruột lấy chồng ở đường Phùng Hưng Hà Nội, bố ông Kiểm gửi ông ra với cô để học nghề.

Cô dạy rằng cháu ở đây cô nuôi ăn, nuôi học thì phải ngoan ngoãn học hành tử tế, sau này cô dựng vợ gả chồng cho.


Chồng bà cô có người quen, ông xin cho Kiểm vào Tổng cục đường sắt làm trong ga Hàng Cỏ.

Ông Kiểm là một người lực lưỡng cao khoảng mét tám, tay chân, ngực lông lá rậm rì như tây. Tướng mạo quắc thước đi đứng khoan thai, đặc biệt ông có bộ lông mày đen nhánh rậm rì. Bộ dạng ấy làm cho các bà, các cô mê mẩn, ông lấy làm tự hào vì điều đó.

Những ngày nghỉ ông thường về Phùng Hưng chơi với bà cô. Cạnh nhà bà cô có một gia đình tư sản làm nghề kinh doanh vận tải ô tô, mới bị nhà nước Việt nam thu hồi tài sản, nhà cửa trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Gia đình đó có một cô con gái tên Nguyệt đang độ tuổi trăng tròn lẻ, gặp sự kiện đó Nguyệt buồn lắm, thường ở trong nhà.

Thứ bảy, chủ nhật Kiểm về nhà bà cô hay gặp Nguyệt và hỏi han dăm ba câu chuyện. Khi đã quen biết Kiểm rủ cô đi chơi, Nguyệt sau vài lần khước từ rồi cũng đồng ý.

Ngày xưa trai gái đi chơi với nhau thì chỉ đạp xe ra công viên ngồi tâm sự, cầm tay nhau rồi ôm hôn nhau là cùng.

Ông Kiểm thấy mọi việc tiến triển thuận lợi liền đặt vấn đề thì Nguyệt trả lời là em rất thích anh nhưng mà thành phần hai chúng ta như vậy là nhà em không chấp nhận được, mong anh thông cảm.

Biết không thể nào níu kéo được, ai cũng tỏ ra buồn bã và hai người quyết định chia tay. Khi đó ông Kiểm nhận quyết định đi học lái tàu bên Quế Lâm Trung Quốc.

Hồi đó miền bắc đói khổ lắm nhưng đi học lái tàu thì hưởng tiêu chuẩn chuyên gia, rất sung sướng. Học được một năm rưỡi thì trở về làm phụ lái tàu hỏa chạy bằng hơi nước.

Tàu hỏa chạy trên đường sắt vận chuyển người, vũ khí , hàng hóa rất lớn. Công việc cũng nặng nhọc, đôi khi nguy hiểm vì máy bay Mĩ ném bom trên mọi tuyến huyết mạch không kể ngày đêm.

Biết vậy, ông Kiểm về quê lấy vợ, rồi vợ sinh cho ông ba thằng con trai.

Làm lái tàu cũng là làm công việc quan trọng, vận chuyển hàng hóa vũ khí ra chiến trường nên ông Kiềm không phải đi lính.

Cho đến năm 1975 ông được tham gia Ban Quân quản của Tổng cục Đường sắt tiếp nhận các cơ sở Đường sắt của chính quyền Sài gòn.

Ông được mặc quân phục, đội mũ cối đi làm việc trông bệ vệ oai phong như một vị tướng. Dù chỉ là anh lái tàu nhưng đối tác luôn nghi ông như một vị chỉ huy đóng giả làm lính trong đoàn công tác.

Chả phải bắn phát súng nào, ông đến Hòn ngọc Viễn Đông với vai trò người thắng cuộc. Cuộc sống nơi đây làm cho nhận thức của ông sáng ra biết bao điều.

Nó không như các điều đã từng học, từng nghe, từng làm. Sau chuyến đi Sài gòn ông Kiểm trở về lái tàu tuyến Hà nội -Lào cai, Hà nội - Sài gòn

Trên chuyến tàu Hà nội- Lào Cai sau 1975 ngoài hành khách thông thường thì còn có lớp hành khách mới, rất đặc biệt .

Đó là rất nhiều các bà, các cô hàng tháng, hàng quý mang đồ tiếp tế cho chồng, cho cha là sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng hòa bị cải tạo ở trên vùng núi Yên Bái.

Để mang được hàng hóa trên con đường xa xôi cách trở không bị mất mát suy chuyển , được bố trí chỗ ngồi ổn định trên các con tàu chợ vô thiên, vô pháp lúc bấy giờ không gì tốt hơn là làm quen với mấy ông lái tàu.

Vào một ngày mùa đông 1977 có một phụ nữ miền nam chừng 35-36 tuổi còn vẻ đẹp mặn mà, sang cả trong bộ quần áo đơn sơ sẫm màu đến xin gặp ông Kiểm nhờ giúp đỡ vận chuyển đồ tiếp tế cho ông chồng là trung tá trong quân đội Việt nam cộng hòa đang đi cải tạo ở Yên bái.

Bằng sự nhã nhặn lịch thiệp của người có văn hóa, người phụ nữ có tên là Hải Băng đã thuyết phục được ông Kiểm ngay lần lần gặp đầu tiên. Ông đồng ý và yêu cầu các đồng nghiệp chú ý sắp xếp.

Rất nhiều chuyến đi như thế trong khoảng 5-6 năm, từ hai người xa lạ ông Kiểm và Hải Băng đã trở nên thân thiết.

Cứ mỗi lần Hải Băng ra bắc hay ông Kiểm vào Sài gòn với họ là những ngày vui bất tận, hạnh phúc vô bờ.

Sang khoảng năm 1983, Hải Băng nói với ông Kiểm rằng:

- Anh ạ, chồng em đi cải tạo thế này không biết bao giờ được về. Tiền bạc thì em cũng hết, em cũng không thể nào mà theo mãi hành trình này được. Em đã bàn với chồng và ông ấy cũng đồng ý rằng hiện em và gia đình được đi Mỹ theo tiêu chuẩn HO, là diện ra đi có trật tự. Khi nào chồng em được ra thì ổng sang sau theo dạng đoàn tụ gia đình. Nếu anh đồng ý thì anh với em ra đi, cùng nhau xây dựng cuộc đời mới !. Em chỉ thích hình dáng anh mặc quân phục vào, trông như một ông tướng.

Như nghe một tiếng sét giữa trời quang. Ông Kiểm lặng đi một hồi lâu :

- Việc này hệ trọng , phải cho anh một tuần suy nghĩ.

- Dạ, em đã suy nghĩ từ lâu. Anh có hai tuần để quyết định nhé. Chỉ cần anh đồng ý là mọi việc em sẽ lo và chúng ta sẽ rời khỏi Viêt nam trước Noen năm nay.

Ông Kiểm lòng rối bời, một phần nào ông cũng tưởng tượng cuộc sống của ông và Hải Băng nơi nước Mĩ xa xôi qua lần làm quân quản trong Sài gòn và nhiều nguồn khác của những người vượt biên bằng thuyền thời đó.

Còn một bên khác nữa đó là tình nghĩa sâu đậm của người vợ tảo tần và ba cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn

Qua những lần sang biên giới, rồi vào nam ông cũng mua nọ bán kia để giúp gia đình nuôi con lên người. Mấy năm trước vợ ông ngã cầu thang, may không chết nhưng không lao động được nữa, trở thành phế nhân.

Phải gửi bà vào trung tâm nuôi dưỡng người cô đơn, thêm nữa, thằng con thứ ba cũng điên điên, dở dở cũng phải nhờ người quen đưa vào trại tâm thần. Rất may là hai thằng con trai cũng lớn bắt đầu làm việc để tự nuôi thân.


Bên tình , bên nghĩa bên nào nặng hơn


Hai tuần sau ông trả lời Hải Băng rằng ông không thể bỏ tình nghĩa vợ con mà đi được. Hải Băng cũng không có gì trách ông, họ lưu luyến chia tay không hẹn ngày gặp lại.

Mùa Hè năm nay mấy anh em chúng tôi đi chơi vùng Phú thọ đứng dưới gốc xoài gần năm mươi tuổi trồng từ hạt giống của những người phía bên kia ra miền Bắc thăm nuôi người thân đi cải tạo nơi đây đã to lớn thân cây gần hai vòng tay người ôm.

Kinh tế gia đình quá khó khăn, đồng thời ông Kiểm làm đơn xin nghỉ hưu sớm để về kinh doanh nuôi vợ con. Cơ quan không đồng ý cho ông về hưu, họ bảo nếu muốn thì ông làm đơn xin thôi việc.

Cực chẳng đã ông cũng đồng ý rời khỏi nhà nước mà không có khoản gì sau này.

Do trước có việc phải chở hàng vô Sài Gòn nên ông cũng biết được một vài mánh lới của những người buôn bán bắc nam, thế là ông về thuê ngôi nhà Khâm Thiên, bắt đầu công cuộc làm nghề may mặc, thời trang và bán quần áo.

Tôi hỏi ông :

- Tại sao ông lại chọn phố Khâm thiên?

- Vì nó gần cái nhà tôi trong ngõ Nhà Dầu mua từ hồi lái tàu, và Khâm Thiên có rất nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn, là tụ điểm may mặc tư nhân mở ra đón làn sóng đổi mới.


Ở giai đoạn này, biết nghề may là quan trọng nhưng biết nguồn cung cấp vải vóc nguyên phụ liệu còn quan trọng gấp bội phần.

Ông Kiểm lại biết có nhà máy muốn bán sợi bông , ông đến liên hệ trước giành mối. Sau đó vào Sài gòn làm việc với nhà máy dệt Phong phú đang thiếu nguyên liệu sản xuất, mang sợi vào đổi lấy vải .

Hai bên đồng ý phương án của ông, mang sợi đổi lấy vải , bán vải ra thị trường thu trả tiền sợi, để lại một phần vải cho xưởng của ông cắt may quần áo bán tại cửa hàng hoặc may đồng phục cho các cơ quan. Lãi một đi đôi.

Từ trong tay không vốn liếng làm mấy năm ông đã có trong tay mấy chục tỷ. Ông Kiểm tự hào nói khi đó tôi đã mua hai chiếc ô tô TOYOTA , một chiếc Blue Birth, một Crown chạy công việc tung tăng.

Thấy ông làm ăn được, người chủ đòi nhà. May qúa nhà bên cạnh to rộng hơn muốn bán, ông trả nhà rồi mua luôn nhà mới.

Ông mở rộng xưởng, thuê thêm công nhân, nguyên liệu vải vóc lúc đó đã sẵn ông nhập vải về may copy các mẫu áo Jacket của tây treo bán, lãi mỗi cái hàng nửa chỉ vàng.

Rồi mang sản phẩm đi bán ở các Hội chợ từ miền núi phía bắc đến tận Quảng bình.

Ông theo dõi những biến động thời trang từ nước ngoài để áp dụng cho sản phẩm của ông. Ông có thể quyết định thay đổi, thêm, bớt các chi tiết ăn khách trên sản phẩm mà không phải họp hành với ai nên hàng của ông hợp thời trang, bán rất chạy.

Ông được mời báo cáo điển hình chủ doanh nghiệp tư nhân ngành may mặc toàn quốc.

Trong báo cáo ông nêu cao chữ Tín trong kinh doanh và sự nhạy bén trong ngành may mặc thời trang. Hôm nay chiếc áo này đẹp mọi người tranh nhau mua, nhưng mùa sang năm cho không ai mặc.

Chính cái nhậy bén đó đã biến ông lái tàu hỏa thành ông chủ doanh nghiệp thành công trong công cuộc kinh doanh hàng may mặc mà chưa qua lớp đào tạo thời trang nào.

Ông nói với tôi rằng:

- Tôi mà được học như các ông thì tôi còn giàu nữa.

Tôi trả lời:

- Cho đến bây giờ tôi mới biết, cái học của chúng tôi không phải cái học khai phóng mà là đào tạo một lớp người thực thi trong khuôn khổ. Nó luôn luôn có một vòng kim cô vô hình xiết lại các ý tưởng cải cách phóng khoáng ; chỉ những người dũng cảm mới dám vượt qua. Chính nhờ không biết nó hoặc liều lĩnh, có gan làm giàu nên ông không ngán cái gì để tiến tới giành lợi nhuận cho doanh nghiệp cuả mình. Khi biết được điều đó thì mình đã già và bây giờ chúng tôi chỉ mong khỏe mạnh bình yên để được chứng kiến những đổi thay ngoạn mục của cuộc đời.

Làm được mấy năm nữa , thị trường cũng bão hòa. Ông Kiểm chuyển sang buôn bán bất động sản. Ông nói cho đến lúc này đời ông đã xây 14 cái nhà trong khoảng 25 năm. Thật là một kỉ lục đáng ghi nhận.

Lúc vào điều trị ông còn đang hoàn thiện một cái nhà có thể gọi là cuối cùng của ông.

Ba thằng con có ba nhà, hai đứa cháu nội du học Hoa kỳ.

Đặc biệt ngôi nhà ở Lương Thế Vinh ông xây xong thì có đôi vợ chồng ở Hoài đức thuê bán hàng ăn. Lúc được thì vui vẻ, khi ế ẩm hai vợ chồng trục trặc lôi nhau ra tòa li dị.

Ông Kiểm phải về tận quê hòa giải trong vai ông chủ nhà, vợ chông nó phải kêu ông bằng chú. Hòa giải không thành, mỗi đứa mỗi nơi.

Có điều thú vị là hiện tại cô vợ về ngôi nhà của ông, ở chung với ông Kiểm trong vai bà út. Ông Kiểm năm nay 83 tuổi, bà út 45 , kém ông 38 năm, kém cả tuổi mấy cậu con trai.

Ông nói chăm ông vài năm khi nào ông chết thì chia cho mẹ con cô một nửa ngôi nhà, một nửa chia cho các con của ông.

Có hôm ông bảo vợ hầm con chim mang ra bệnh viện cho ông xơi, chủ yếu là để khoe bà út với các ông bạn trong phòng.

Một ông hộ pháp bên cô chim chích cao 1m52, hình ảnh thật là vui. Anh em trong phòng hỏi thế các bác vẫn sinh hoạt chứ?, Thì vẫn giao ban đều đặn !. Vậy thì còn lâu cụ mới chết !.

Họ sống rất hạnh phúc và vui vẻ.

Đến đây tôi bỗng nhớ tâm sự của người bạn cùng lớp được một Doanh nhân thành đạt chia sẻ :

Mọi suy nghĩ, hành động của mình, mình làm theo đòi hỏi của thực tế công việc, làm sao mà tính toán được xa xôi. Mọi sự thành công to lớn trong đời phải có một Đấng Tối cao siêu hình nào đó trên tít tận trời mây sắp xếp, dẫn dắt, chỉ lối đưa đường.

Cụ Nguyễn Du chả từng viết :

CÓ TRỜI MÀ CŨNG CÓ TA đó sao.


NBS

18/09/2021

Ảnh : Dưới bóng mát cây xoài miền nam gần 50 tuổi