Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Nguyên văn phát biểu của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội kì 5 ngày 26/5/2009 về bauxite


Trước hết tôi xin khẳng định là tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương phát triển công nghiệp khai khoáng bauxite và chế tạo nhôm kim loại. Tuy nhiên đọc báo cáo của chính phủ thì tôi thấy chưa tự giải đáp được ba vấn đề mà dư luận nhân dân đang rất quan tâm. Đó là hiệu quả kinh tế, tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội và đảm bảo an ninh- quốc phòng.

Có thể nói dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên là một đại dự án liên quan đến rất nhiều vùng và liên quan đến rất nhiều ngành, với số tiền rất là lớn. Theo quyết định 167 của Chính phủ thì dự án này từ đây đến năm 2025 sẽ cần huy động vốn đầu tư là 190 nghìn cho đến 250 nghìn tỉ đồng Việt Nam. Và có hàng loạt cụm mỏ, cụm nhà máy. Riêng Đak nông là có đến 4 nhà máy Alumin đánh số từ 1 cho đến 4, các nhà máy này trải dài ra ở tất cả 4 tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông và Bình Phước.

Thêm vào đó thì có rất nhiều công trình phụ trợ. Chúng ta phải xây dựng một đường xe lửa dài vào khoảng 300 km- 270 km, với độ chênh của các điểm là đến 700m, với địa hình hết sức phức tạp, quanh co. Tính ra là phải tiêu tốn 3,1 tỷ đô la Mỹ.

Tôi cũng không biết là cái đường xe lửa như thế thì xe lửa sẽ đi như thế nào. Nếu ô tô còn có thể đi được, còn xe lửa thì không biết đi thế nào. Và nếu được mời đi trên đường xe lửa chênh vênh như thế thì tôi cũng không biết mình có đủ dũng cảm để đi không. Nhưng mà tiền thì rất là tốn. Đồng thời chúng ta phải làm cái cảng ở Hòn Kê Gà hoặc là Hòn Gió.

Thế thì tất cả tiền này tính vào đâu?

Nếu như tiền này mà tính vào sản phẩm Alumin thì giá rất cao, và như thế hoàn toàn không lãi. Còn nếu như không tính vào sản phẩm Alumin mà coi là công trình dân dụng thì có thể nói: vô hình trung chúng ta đã lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho doanh nghiệp. Chỗ này chúng tôi cho là phải hết sức là tính toán.

Hiệu quả rất là thấp, giá Alumin chỉ bằng 12% của giá nhôm thành phẩm thôi. Chúng tôi cũng xin lưu ý là Đại hội (Đảng) X cũng xác định: hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, mà Alumin là khoáng sản thô. Giá Alumin và nhôm đang xuống rất là thấp, các đồng chí cũng biết cả rồi, chúng tôi xin không nói nhiều.

Tại sao chúng ta lại phải đi vay vài đến trăm triệu đô la để làm những cái nhà máy như ở Tân Rai hay Nhân Cơ trong khi mà nền kinh tế của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn mà lãi thì chưa nhìn thấy đâu?

Ngay đồng chí chủ tịch hội đông quản trị TKV cũng nói là năm mươi ăn, năm mươi thua. Nếu mình bỏ tiền túi mình ra, có bao giờ mình kinh doanh theo cái kiểu :chưa nhìn thấy lãi mà đã kinh doanh không? Cho nên chúng tôi xin đề nghị hết sức cân nhắc chuyện này.

Về môi trường, chúng tôi xin nói vắn tắt bởi vì chỉ còn hơn hai phút.

Thứ nhất là về nước. Trong báo cáo chính phủ cũng nói sẽ xây các hồ chứa nước ở Tây Nguyên, đằng nào nó cũng chảy xuống Đồng Nai rồi chảy ra biển. Xin báo cáo các đồng chí là đồng bằng Nam Bộ đang khát nước. Và ta chúng ta cũng biết tin mới nhất về lượng nước sông Mê Kông đang giảm xuống. Nếu bây giờ trên ấy (trên Tây Nguyên) xây các hồ, đập như thế thì liệu có ảnh hưởng đến đồng bằng Nam Bộ không?

Vấn đề thứ hai là bùn đỏ. Xin báo các đồng chí: với lượng Alumin chúng ta sản xuất ra thì từ 2015 mỗi năm nó thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ, hết đời dự án này sẽ thải ra 1,5 tỉ tấn. Và đấy là những quả bom bùn … những quả bom bùn…treo trên cao- trên đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chỗ này phải tính.

Vấn đề thứ 3 là hiệu quả đối với kinh tế, đối với xã hội thì chúng tôi xin nói: Trong thời gian qua trong 300 công nhân được đưa đi đào tạo chỉ có 2 người là người của địa phương thôi. Sáng nay tôi rất phấn khởi nghe một đại biểu quốc hội ( ở một) tỉnh Tây Nguyên nói là dự án sẽ nộp 500 tỉ vào cho địa phương và 1000 công nhân sẽ được đi đào tạo. Chúng tôi xin đề nghị Quốc hội ghi nhận lại tất cả những con số đó, vài năm nữa chúng ta kiểm tra lại xem các con số đó có đúng hay không.

Về an ninh quốc phòng. Chúng tôi xin nói như thế này: Rất may là có điều chỉnh kịp thời của Bộ chính trị, cho nên sự việc nó hơi khác. Nếu đọc lại quyết định 167 thì chúng tôi thấy là chúng ta chưa lường trước được tình hình. Trong quyết định 167 cho phép đầu tư vốn nước ngoài đến 100%. Chỗ này chúng tôi cho rằng chính phủ có phần chủ quan.

Bây giờ xử lý như thế nào? Tôi xin đề nghị phải coi đây là công trình quan trọng quốc gia. Bởi vì nó tiêu một số tiền… cả cái cụm ấy nó tiêu một số tiền gấp 10 lần tiêu chí tiền cho một công trình quan trọng quốc gia.

Chúng tôi đề nghị phải đưa vào công trình quan trọng quốc gia, Quốc hội thẩm tra và cuối năm nay chúng ta sẽ xem xét quyết định.

Nếu chúng ta không tính cả cụm dự án mà làm như Khí điện trạm Cà Mau, cứ tách từng dự án ra để nói rằng nó chưa đến số tiền quốc hội yêu cầu đưa vào công trình trọng điểm quốc gia, chúng tôi cho như thế là lách luật.