Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

CHUYỆN ĐI SƠ TÁN


 CHUYỆN ĐI SƠ TÁN


Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng

Bé đi sơ tán bế em theo cùng.

Mẹ mua xe gỗ, cho bé ngồi trong.

Bao giờ chiến thắng cho bé về phố đông.

Bé bé bằng bông. 

( Bài hát thời sơ tán)


    Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5-8-1964 máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt nam. Khi đó đang kỳ nghỉ hè, thế là niên khóa 1964-1965 các trường học ở phố đồng loạt đóng cửa. Trẻ con người già được lệnh sơ tán khỏi Hà nội. 


    Nhà nào khi đó cũng đều khó khăn, nồi cơm vốn đã vơi nay phải chia đôi chia ba. Một phần cho bố mẹ trụ lại làm viêc, một phần cho người già con trẻ về nơi sơ tán. 


    Ai có quê về quê, không có quê hay quê xa thì ôm đồm dắt díu nhau theo trường lớp cơ quan sơ tán. Dù đi theo cơ quan hay gia đình thì cũng phải đến thôn làng nào đó mà ở trong dân. 

    Lúc sóng to gió cả này mới thấy hết ý nghĩa đùm bọc của hai chữ Đồng bào. Những người dân quê hiền lành chất phác giành cho các vị khách không mời vị trí ở tốt trong nhà, sẻ chia củ khoai củ sắn mà gia đình họ đâu có no đủ. 

Thuở Trời Đất gặp cơn nghiêng ngả.

Bom đạn đầy trời biết tránh nơi nao.


Nghĩ lại, nếu bây giờ trời đất nghiêng ngả thì dân đi đâu ?.


    Phải công nhận trong điều kiện chiến tranh nhưng nhà nước lo cho dân rất ổn. Các cô cậu học sinh đều được đi học tại các lớp bằng tranh tre nứa lá chính quyền cấp tốc xây dựng. 

Ở làng tôi hai mái đình chùa cổ kính được kê thêm bàn ghế bảng đen cho các cháu học  dưới sự quan sát của các vị thành hoàng làng của đình , các vị bụt nghiêm trang trên bệ của chùa.

    Lớp tôi được học ở chùa, lúc đầu sợ lắm nhất là đôi mắt trợn trừng của hai ông Hộ pháp. Về nhà bà nội tôi hay nhắc các con không được nghịch ngợm hỗn hào vì của Bụt mất một đền mười. 

Dường như chưa yên tâm bà còn kể những câu chuyện trong cải cách ruộng đất những người phá đình, phá chùa đem tượng trôi sông đều phải chịu hậu quả thảm khốc để cảnh báo các cháu. Sau thấy các bạn địa phương vô tư vui vẻ cũng đỡ sợ phần nào. 


    Lớp tôi có anh Cừ đến phiên trực nhật giặt khăn lau bảng trèo lên bệ lau mặt cho ông tượng ( mái chùa dột, mặt bụt không sạch) tát tượng nhẹ vài cái và nói :

- Hư này, ngồi trên cao mà còn nghịch ngợm mặt mũi bẩn hết. Một số thấy thế cười rộn , một số xanh hết cả mặt.

    Sau này Cừ đi bộ đội rồi hy sinh. Chùa chiền không phải nợi đùa cợt.

    Sân vườn chùa rộng mênh mông đầy cây trái ăn quả, khi đã quen thì mấy thằng chúng tôi ra vườn hái trộm quả ương, nhất là chuối giấu dưới đít bụt , vài ngày sau chuối chín thơm lừng chia nhau chén , thật là sung sướng.

    Về quê được gần thiên nhiên ruộng đồng , không gian thoáng đãng con người phóng khoáng thật vui. Chúng tôi được các bạn quê dạy bắt cá, bắt cua, mót lúa , mót khoai...thỉnh thoảng lại được chén những thứ mà phố thị không có như khoai lang hầm chẳng hạn, rất khoái. 

Bọn sơ tán cũng chia sẻ lại cùng các bạn quê mình những cái bánh mì còn gọi là bánh tây mà ngày đó còn là một thứ quà ngon của nông thôn bắc bộ.

Thích thú nhất là màn phun lửa của mấy anh bạn lớn buổi tối đi học về trên dãy ao Ngàn. Trời tối đen như mực các bạn ngậm một mồm đầy dầu hỏa tay cầm mảnh giấy cháy miệng phun phì phì dầu hỏa tạo nên quầng lửa vàng đỏ lớn như cái nia, sáng rực mặt nước. Các bạn nữ khen ngợi tỏ ra thán phục, các Rồng lửa ưỡn ngực tự hào . Rất thú vị.

    

Các bạn ở quê tuy nhỏ nhưng chăm chỉ lao động rất giỏi giúp đỡ cha mẹ nhiều việc. Bọn trẻ phố thị sơ tán thì lười hơn nhưng là thành phần chủ lực trong hoạt động văn  hóa văn nghệ ở trường lớp rồi đi thi các trường trong huyện với nhau, rất vui. 

Chẳng bao lâu bọn trẻ hòa vào làm một, không phân biệt tỉnh quê, bổ sung cho nhau mà tạo nên những tình bạn sâu sắc keo sơn.

    Kiến thức thu được rất nhiều và có ý nghĩa, theo tôi đó là kỹ năng sinh tồn. Nó giúp ích rất nhiều cho thực tế cuộc sống sau này. Cám ơn nông thôn quê mình, đó chính là nơi lưu trữ hồn cốt của dân tộc của xứ sở.


    Trường lớp , học sinh thì sơ sơ như vậy còn thầy cô thì thiếu trầm trọng. Để khắc phục các bác ấy đào tạo giáo viên theo hình thức 7+2, 10+3, Đại Học Sư Phạm ( ĐHSP). 

7+2 là tốt nghiệp cấp II học thêm 2 năm ra dạy cấp I

10+3 là tốt nghiệp cấp III học thêm 3 năm ra dạy cấp II

Tốt nghiệp phổ thông học ĐHSP 4 năm dạy cấp III.

    Học hết lớp 7 nếu đúng tuổi là 14 , thêm 2 năm bổ túc Sư Phạm là 16 ra làm thầy cô giáo . Các bạn hình dung các cô cậu 16 tuổi năm 2022 của thế kỷ 21 thì làm được cái gì, vậy mà thập kỷ 60 của thế kỷ 20 họ đã làm thầy cô đó.


    Ở làng tôi có mấy thầy cô như thế, tóc thầy còn vàng hoe do mấy năm làm mục đồng chăn trâu cắt cỏ. Nói năng không mô phạm lắm nhưng rất nhiệt tình. 

Học trò của thày là lũ trẻ lít nhít trong làng 6,7 tuổi quần áo lôi thôi lếch thếch( làm gì có đồng phục), mặt mũi lem nhem mà rất vui nhộn. 

Vào lớp rồi mà như ong vỡ tổ. 


Thầy gõ thước xuống bàn :

- Các em trật tự! . 

Vẫn còn lao xao

- Đ.. m...  các em,  hát nào. Giải phóng miền nam chúng ta cùng quyết tiến bước.... hai ba. 

    Cả lớp ề à hát theo nhau, lũ nhóc có biết miền nam ở đâu , hát như cơm nguội ...

    Trước đó có sự kiện Nguyễn văn Trỗi đánh bom cầu Công lý , phong trào học tấm gương anh hùng rất cao. 

Cứ mỗi đầu giờ sáng thầy gọi học trò đứng lên đọc 5 điều bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Đọc được thầy khen , đọc sai phê bình ngay. 

    Một hôm gọi một em :

 -  Em đọc 5 điều bác Hồ dạy;

Cậu bé mũi rãi thò lò còn chưa tự phục vụ mình được đứng lên ê a : 

- 1 Yêu tổ quốc

  2 Yêu đồng bào

........

 5....Khiêm tốn...

 6 Thật thà dũng cảm.

- A , bác Hồ dạy mày 6 điều hả, tao phải đánh mày để trả thù cho anh Trỗi. ???

Bốp bốp.

    Ha ha thày và trò thật vui.

Cấp II, Lớp 6 chúng tôi học ở Đình Trà thày giáo Tùng giảng bài rất say sưa dù đến 12 giờ trưa rồi, các cháu học sinh đói quá chả thiết gì nữa. Bạn Tính phải bò ra đánh trống tan trường thày mới sực tỉnh mà cho về.

    Đến hồi cấp III lớp chúng tôi được hoc cô Đào , chắc mới tốt nghiệp sư phạm. Gặp học sinh cô còn bẽn lẽn, cô trắng trẻo xinh xắn . Các học trò rất yêu cô . 

    Lớp có bạn Tuấn mới được bố mua cho xe đạp thiếu nhi Liên xô hay gọi là Pơgiô con vịt mang ra sân hợp tác tập xe. Buổi chiều sân vắng Tuấn loạng choạng đạp, bỗng từ đâu cô Đào đi tới. Cô tránh sang trái , Tuấn lao sang trái; Cô tránh sang phải , Tuấn lao sang phải.   

    Khoảng cách quá gần , không kịp nữa rồi . Tuấn lao xe vào giữa hai chân cô.  Sân kho không có lỗ nào để chui xuống. Mặt cô Đào đỏ lựng, Tuấn xấu hổ vác xe lên vai chạy một mạch về nhà hôm sau không dám đi học.


Xin lỗi cô Đào và Tuấn nếu hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ đọc được ghi chép này. Dù sao sự kiện đáng yêu đó đã trở thành kỷ niệm rất đẹp của cô trò chúng mình.


Chuyện học trò kể bao giờ mà hết được.


NBS 

Đình Trà làng Yên phú




2021