Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Tôi mong gì ở lãnh đạo?



Tác giả: Giáp Văn Dương


Công việc của lãnh đạo, ở bất cứ quốc gia nào, dưới bất cứ thể chế nào, cũng đều nhằm chăm chút cho đời sống của dân được tốt hơn, thể hiện ở nhiều mức độ và tầng nấc khác nhau.

Lãnh đạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng và biến động toàn cầu xảy ra với mật độ ngày càng cao, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, hợp tác và cạnh tranh quốc tế... Thực tế cho thấy, một quyết định đúng của lãnh đạo có thể rút ngắn khoảng cách phát triển của đất nước hàng chục năm. Còn một quyết định sai sẽ không chỉ kéo tụt lùi một khoảng thời gian tương ứng, mà còn bắt nhiều thế hệ con cháu phải trả giá bằng nghèo nàn lạc hậu, thậm chí bằng cả sự tồn vong của cả một dân tộc.

Vậy, với tư cách một công dân quan tâm đến tình hình đất nước, tôi mong đợi gì ở lãnh đạo?

Lắng nghe dân, hiểu dân

Tôi mong lãnh đạo lắng nghe dân và hiểu dân. Công việc của lãnh đạo là gì, nếu không phải là phục vụ nhân dân. Lương bổng của lãnh đạo từ đâu ra, nếu không phải là từ tiền thuế của dân. Dân đóng thuế để trả lương cho lãnh đạo làm việc. Vậy nếu lãnh đạo không lắng nghe dân, không hiểu dân thì lãnh đạo không chỉ không hoàn thành công việc của mình, mà còn phạm vào những qui chuẩn đạo đức thông thường.

Bản thân tôi không mong lãnh đạo là đầy tớ của dân, vì lãnh đạo cũng là một người dân trong xã hội và bình đẳng với bao người dân khác trước pháp luật. Công việc của lãnh đạo cũng chỉ là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Vậy nên, tôi chỉ mong lãnh đạo làm tốt công việc của mình: ra những chính sách tốt, có lợi cho dân; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện những chính sách đó; cầm cân nảy mực cho xã hội vận hành ổn định và bảo vệ dân trước bất cứ sự đe dọa đến từ bên trong hay bên ngoài nào.

Công việc của lãnh đạo, ở bất cứ quốc gia nào, dưới bất cứ thể chế nào, cũng đều nhằm chăm chút cho đời sống của dân được tốt hơn, thể hiện ở nhiều mức độ và tầng nấc khác nhau. Lãnh đạo nhỏ thì lo việc nhỏ. Lãnh đạo to thì lo việc lớn. Sự thực này, không thể nào khác đi được.

Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào lãnh đạo cũng lắng nghe dân. Tiếng nói của dân, dù khẩn thiết đến mấy đi chăng nữa, không phải không có lúc rơi tõm vào im lặng: Sự im lặng đáng sợ.

Không lắng nghe dân thì lãnh đạo sẽ không hiểu dân. Không hiểu dân, lãnh đạo và dân trở thành những người xa lạ. Những kế hoạch, chủ trương của lãnh đạo, dù được xây dựng với ý đồ tốt đẹp đến mấy đi chăng nữa, cũng có nguy cơ trở thành quan liêu giấy tờ, không đáp ứng được nhu cầu của dân, thậm chí làm khó cho dân và quay trở lại hành dân.

Lấy dân làm gốc

Vì công việc của lãnh đạo là chăm lo cho đời sống và sự an toàn của người dân, lại được người dân trả lương để làm việc đó, nên mọi việc làm của lãnh đạo phải đặt lợi ích của dân, và rộng hơn là của đất nước, lên trên hết. Nếu không, lãnh đạo đã tự phá vỡ hợp đồng lao động với nhân dân, và trước sau gì cũng bị nhân dân sa thải.

Sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và phức tạp ở cả trong nước và quốc tế. Các nhóm lợi ích, các quốc gia luôn có xu hướng tác động đến lãnh đạo để có được những chính sách có lợi cho họ. Trong trường hợp đó, chỉ có tư tưởng lấy dân làm gốc mới có thể giúp lãnh đạo đưa ra những quyết sách đúng.

Không lấy dân làm gốc, buồng lái của con tàu quốc gia sẽ chỉ là nơi tranh chấp lợi ích của các nhóm đặc quyền đặc lợi. Khi đó, không chỉ đời sống của dân không được ấm no hạnh phúc, mà đất nước cũng rơi vào nguy cơ mất độc lập, dân tộc bị rơi dần vào thế suy vong.




Phong cách đĩnh đạc, đạo đức tốt

Lãnh đạo là hình ảnh quốc gia trong bang giao quốc tế, là tấm gương để nhân dân soi vào, vì thế nhất định phải có phong cách đĩnh đạc và phẩm chất đạo đức tốt. Trong đối ngoại, tác phong chấp chới thiếu tự tin của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Trong đối nội, sự thiếu đàng hoàng, phẩm chất đạo đức suy đồi của lãnh đạo sẽ làm cho dân mất lòng tin. Khi dân mất lòng tin thì dân phản kháng. Đó là mầm mống của bạo loạn.

Có câu: "Mất lòng tin là mất tất cả". Khi dân đã không tin lãnh đạo, thì lời nói của lãnh đạo, dù có hoa mĩ bao nhiêu đi chăng nữa, cũng trở thành vô nghĩa. Lãnh đạo khi đó không chỉ chấm dứt vai trò lãnh đạo của mình, mà còn để lại một đống bất ổn ngổn ngang cho xã hội, mà đôi khi phải mất nhiều thế hệ mới có thể thu dọn sạch. Lúc ấy, đất nước và các thế hệ tương lai sẽ chịu thua thiệt trước hết. Nhưng lãnh đạo, với tư cách là người gây ra hoặc không ngăn chặn kịp thời những bất ổn đó, không chỉ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, mà cũng chịu thiệt thòi vì bản thân lãnh đạo cũng là một phần không thể tách rời của dân tộc.

Tài năng, đảm lược, tầm nhìn rộng

Thế giới biến động không ngừng. Việc to việc nhỏ đều thay đổi hàng ngày. Được mất, thắng thua, hợp tác cạnh tranh mỗi ngày thêm phức tạp. Tri thức về xã hội và về bản thân công việc lãnh đạo lại gia tăng không ngừng. Nên nếu không có tài năng, đảm lược, tầm nhìn rộng thì lãnh đạo không thể đưa ra những quyết định đúng và phản ứng kịp thời, chính xác trước các biến động của thời cuộc. Công việc của lãnh đạo khi đó sẽ rơi vào tình trạng lo toan vụn vặt, ôm đồm, không quản lý được thì cấm.

Lãnh đạo như thế, không chỉ làm sai chức năng lãnh đạo của mình, mà còn trực tiếp cản trở sự phát triển của xã hội.

Tài năng và đảm lược của lãnh đạo phải được kiểm chứng qua những việc làm, tình huống cụ thể trong suốt quá trình công tác chứ không phải dựa vào bằng cấp, lý lịch hoặc những viện dẫn sách vở giáo điều. Tầm nhìn của lãnh đạo phải trải dài không chỉ theo hai thời gian và không gian: từ những lo toan hiện tại đến những hoạch định tương lai dài hạn, từ trong nước ra trường quốc tế; mà còn cả trong chiều sâu văn hóa và sức mạnh nội tại của dân tộc.

Không có tài năng, đảm lược và tầm nhìn, con tàu đất nước do lãnh đạo chèo lái sẽ không bao giờ cập bến bờ ấm no hạnh phúc cho dân, độc lập cho dân tộc, mà sẽ chỉ đi lòng vòng hết năm này qua năm khác, thập kỉ này qua thập kỉ khác. Nguy cơ đổ vỡ do va phải đá ngầm và tàn tạ dưới tác động của thời gian sẽ là điều không tránh khỏi.

Tập hợp được tài năng quanh mình

Trên đời không có người hoàn hảo, giỏi hết mọi lĩnh vực. Lãnh đạo cũng vậy, không ngoại lệ. Vì thế, lãnh đạo tài năng không phải là lãnh đạo biết hết mọi thứ, mà phải là lãnh đạo biết tập hợp những tài năng ở từng lĩnh vực cụ thể về làm việc cho mình.

Thời gian và sức lực của mỗi người đều có hạn. Thời gian và sức lực của lãnh đạo càng bị giới hạn hơn. Nếu lãnh đạo không tập hợp được tài năng quanh mình, thì việc lãnh đạo sẽ rơi vào bẫy độc đoán duy ý chí. Khi đó thay vì tạo ra sự phát triển, lãnh đạo lại phá hoại sự phát triển.

Người xưa đã nói: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp". Điều này xưa đã đúng thì nay càng đúng hơn. Nếu lãnh đạo không tập hợp được tài năng quanh mình, thì không chỉ vốn quí nhân tài của quốc gia bị lãng phí, mà còn gián tiếp chặn đường phát triển của đất nước.

Dũng cảm đưa ra những quyết sách lớn khi cần thiết

Thời nay, các nước phụ thuộc lẫn nhau ngày càng nhiều. Khủng hoảng cục bộ, dù ở bất cứ dạng nào, cũng lây lan rất nhanh đến các nước khác. Những nguy cơ lớn, như biến đổi khí hậu toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, sự trỗi dậy và bành trướng của các tham vọng quốc tế v.v, ngày càng hiển hiện và đe dọa sự an nguy, thậm chí tồn vong của dân tộc. Sự thực đó đòi hỏi lãnh đạo phải dũng cảm đưa ra những quyết sách lớn khi cần thiết.

Những quyết sách này, dù là kết quả của trí tuệ cá nhân hay tập thể, đòi hỏi sự quyết đoán của lãnh đạo để được ban hành đúng lúc và triển khai hiệu quả. Vì thế, sự dũng cảm và dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo trong việc đưa ra những quyết sách lớn và đúng lúc, trở thành tiêu chuẩn để phân biệt một lãnh đạo tầm thường và một lãnh đạo lớn.

Dám đặt lợi ích quốc gia lên trên hết

Trong quá trình quản lý và điều hành đất nước, không thể tránh khỏi tình trạng xung đột lợi ích giữa các nhóm, các vùng với nhau, dễ dẫn đến sự xâu xé lợi ích, làm giảm sức mạnh dân tộc. Khi đó, chỉ có tinh thần đặt lợi ích tổng thể của quốc gia lên trên hết mới có thể giữ được sự chính danh, đồng thuận, giúp cho việc lãnh đạo được trơn tru, hiệu quả, nhất là trong việc ra những quyết sách lớn khi cần thiết.

Khi xảy ra xung đột lợi ích hoặc tranh chấp với nước ngoài, tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết sẽ dẫn dắt, làm kim chỉ nam cho việc xây dựng chiến lược và triển khai hành động thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, chủ quyền lợi ích, chủ quyền văn hóa v.v...

Vì thế, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết chính là lý do vì sao người dân cần lãnh đạo. Nếu không biết hoặc không dám đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, lãnh đạo - dù ở bất cứ cấp bậc nào - cũng không có lý do để duy trì vai trò lãnh đạo của chính mình.