Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009


Về xứ sở hoa đào


Dọc con đường Hạnh Phúc lên bốn huyện phía Bắc của tỉnh, người ở vùng đá kéo ra ngờm ngợp, đủ loại quần áo, đủ loại sắc mầu, nhưng đông nhất vẫn là quần áo Mông, sặc sỡ trong mầu váy lanh to, váy lanh nhỏ, riềm thêu đỏ chói. Họ kéo tay nhau, đi từng đoàn, không có điểm đến, cũng không có điểm bắt đầu, cứ đi lên mãi, lên mãi, đến khi nào mỏi gối, chồn chân thì quay lại, rồi lại đi và lại quay lại để đón xuân. Trong ánh mắt lúng liếng của những thiếu nữ đang thời, những cái nhìn đến cháy bỏng thèm khát của chàng trai vác khèn mà chưa hề được đưa lên miệng thổi. Đó là cách đón tết rất riêng của người dân trên Cao nguyên đá, nơi có đỉnh Lũng Cú, nơi chóp nón thiêng liêng của Tổ quốc.

Du Xuân kéo vợ, tìm chồng


Cùng đón xuân mới Ảnh: Minh Trường

Họ chờ mùa Xuân, họ đợi tết về, họ cùng khao khát, cùng mong ước và cùng say sưa đi tìm nhau qua lời dân ca, qua tiếng khèn, qua ánh mắt, qua cách uống rượu, đông bạn bè, nhiều thân hữu, trong hơi xuân, men rừng, men núi. Họ bỏ bình tông rượu ra ngay bên nề đường, trên bãi cỏ mời nhau, chúc nhau. Những cô gái xúm nhau lại ăn chung một cái bánh, một gói kẹo, hay một gói xôi, rồi họ lại cùng nhau uống, uống rượu đến say mềm, say đỏ phừng phừng cả mặt. Họ ngồi chờ đợi, có những chàng trai đến kéo tay họ đi, khi ấy không cần phải thẹn thùng, không cần phải làm dáng, mà chỉ cần cái tình yêu trong họ đủ sức sai khiến bàn chân bước theo đôi chân bạn trai cũng liêu xiêu không kém. Những chàng trai cũng say, say Xuân, say rượu để lấy hết dũng khí nam nhi, lấy hết can đảm đến kéo tay cô gái đẹp nhất, xinh nhất mà mình ưa thích nhất, trong đám bạn bè vào núi, vào đồi, hay vào bên cạnh một hòn đá to nào đấy mà tâm sự, mà hưởng cái say của mùa Xuân.

Cũng chẳng biết cái lệ kéo vợ có từ bao giờ, chỉ biết cứ kéo như thế mà cô gái chịu đi, là cô gái đã đồng ý theo mình, muốn lấy mình làm chồng, muốn theo mình về làm “cái ma nhà khác”. Mỗi mùa Xuân về, dọc theo con đường Hạnh Phúc này, tôi dám chắc có hàng trăm đôi trai gái người dân tộc Mông nên vợ, nên chồng. Họ kéo nhau về nhà chàng trai, đưa cô gái vào buồng, rồi đóng kín cửa lại để tâm sự, để hiểu thêm về nhau.

Những năm trước đây, khi đi lên Cực Bắc, chỉ có một màu đá xám, xám đến quặn lòng, trước cái thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chữ, thiếu thông tin... Còn bây giờ “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, người Mông, người Dao, người Nùng... đã biết đưa đất vào thâm canh, vào luân canh, gối vụ, đâu còn cái thời quảng canh như trước. Mải ngắm người, ngắm chợ Quyết Tiến, những chiếc xe ô tô tải xếp đầy rau xanh, súp lơ, xu hào, bắp cải, những xe chở bò thịt, lợn thịt..., tôi giật mình khi một ông cụ người dân tộc Nùng bê “chẩy” rượu đến bên cạnh, cất tiếng mời: “Mày đi chụp ảnh hả, mày uống với tao một “chẩy” rượu này cho vui, cho tao có thêm cái bạn người kinh. Vợ tao nó bảo, người ta còn có cả bạn người kinh nữa, mà mỗi tao là chưa có bạn uống rượu người kinh thôi…Mày mà uống rượu cùng tao, mà là bạn của tao, thì vợ tao vui lắm…”.

Những con đường xanh

Trong cái men say của chợ phiên mùa Xuân, tôi vượt lên cổng trời, để được tận hưởng cái phút giây bao dung, ấm áp, trong một vòng tay ôm “non xanh, mỡ màng” giữa trời và đất, ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn, chiêm ngưỡng núi Cô Tiên, Quản Bạ trong nắng sớm. Chỉ có một khoảng cách bằng đúng một mùa Xuân thôi, mà Quản Bạ đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Phố núi, như cô gái ở tuổi dậy thì, đội chiếc mũ đỏ làm duyên của ngói, của tôn lạnh, lồng bóng vào mây, các công trình xây dựng khoác cho thị trấn một màu áo mới.

Giữa rừng thông xanh vi vút, vùng sở trắng hoa, sương núi đến gần trưa dần tan, thoáng ẩn, thoáng hiện, những bản làng của xã Lao Và Chải, Na Khê, của huyện Yên Minh. Đây là khu rừng thông được liệt vào hàng thứ hai về vẻ đẹp trên Cao nguyên đá, nó không rộng, không nhiều, không có hồ, có nước như Đà Lạt, Lâm Đồng, nhưng mang đầy âm điệu của mùa Xuân, đã được đánh dấu trong bản đồ “du khảo” của tuổi trẻ cả nước. Đường lên cực Bắc ấm lên, khi những đàn bò ung dung gặm cỏ, những khu ruộng bậc thang đang chờ mùa mưa mới, những anh, chị người Mông cưỡi Dreem nhẹ lướt trên đường, đằng sau xe là những cum ngô, cum mạch...

Qua vùng xoài, vùng mía, để vượt dốc đá trên ngã ba Viềng, khi lên hết dốc chín khoanh Thẩm Mã, thật may mắn, tôi đã gặp được những người nuôi ong hạ trại. Hàng nghìn đõ ong lô nhô, bày xếp trên khắp sườn đồi, cuối đông, đầu xuân, mùa này còn ít hoa thường thì họ phải di chuyển nhiều nơi để đàn ong có thể sinh tồn và cho những giọt mật quý giá. Mật ong Bạc hà Mèo Vạc đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Đã có nhãn hiệu hàng hoá, đặc sản, chất lượng cao và hàng trăm câu nhắn nhủ, khi có người lên vùng Cao nguyên đá công tác: “Nhớ mua giúp mình một chai mật ong Bạc hà Mèo Vạc nhé...”

Đâu đâu trên Cao nguyên đá này, ta cũng có thể bắt gặp những con đường dân sinh bám vào sườn đá, dẫn về các bản làng. Đá xếp lên đá, chồng lên nhau mà đi lên, mà về những cụm dân cư, những xóm làng, khoét sâu vào sườn núi đá để thành đường, thành lối, như minh chứng cho sức vóc một Cao nguyên, giữa đất trời. Đường vượt Mã Pì Lèng đến với Thượng Phùng, Xín Cái; đường vươn lên Ma Lé đến với đỉnh Lũng Cú, đỉnh cao nhất của Tổ Quốc, nơi mà ai đó một lần đến với Hà Giang đều khao khát được đặt chân, mà rưng rưng trong niềm linh cảm về việc “dựng làng, lập ấp, giữ đất, giữ rừng” đã bao đời cha truyền, con nối, làm lên một biên cương.

Chỉ cần đi trên đường nhìn xuống, nhìn sang, hay nhìn lên các đỉnh đá, nơi nào cũng có đường, có trường học cao tầng, có trạm Y tế, có trụ sở UBND và các xã đều đã có điện lưới Quốc gia. Những khát vọng bao đời của người dân nơi đây đã được đền đáp. Đã có lần anh Lò Giàng Páo, hay anh Vương Chí Bảo, là người sinh ra tại Đồng Văn, Mèo Vạc, nay công tác tại Hà Nội, nói với tôi: “Đúng là đá cũng nở hoa bốn mùa...”.

Và xứ sở hoa đào

Người ta nói lên Cao nguyên đá Đồng Văn là về với xứ sở hoa đào quả không sai. Ngay trong sân UBND huyện Đồng Văn, ngay cổng Đồn Biên phòng Đồng Văn, hay Đồn Lũng Cú, trước sân trạm Biên phòng ở Lũng Cú dưới chân núi Cột cờ, hoa đào đang khoe sắc mới, một sắc hoa đào mà tôi cho là chỉ có được như thế ở vùng cực Bắc này. Vẫn là cây đào phai, cây đào truyền thống của Việt Nam, mà hoa ở đây có màu hồng đậm hơn, to gấp 2, gấp 3 lần hoa đào ở vùng khác, để rồi hết mùa hoa cho những quả cũng to hơn, cũng đậm đà vị thơm, ngọt hơn nhiều.

Ông Sùng Đại Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn đã nói với tôi:

-Trước đây, hoa đào Đồng Văn ngập tràn hết miền đá này, chỗ nào, nơi nào cũng hồng trời hoa đào mỗi khi mùa xuân đến.

Tôi đứng rưng rưng dưới chân cột cờ Lũng Cú, một điểm mốc cho giang sơn, biên giới đất nước. Đứng trên đỉnh núi Rồng, nhìn về phương Nam, nơi đuôi rồng đang vùng vẫy giữa đại dương mà nghe hơi thở rộng, dài Tổ quốc trước một mùa Xuân mới. Để rồi, ngày mai, tôi trở về thị xã Cao nguyên và thầm hẹn mùa xuân năm sau lại lên ngắm nhìn hoa đào hồng núi, hồng rừng, lại được ngắm hoa lê, hoa mận trắng trời, trong niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc.

Nguyễn Quang

Posted by Picasa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét