Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Độc giả đương đại: Không thể mãi là "trẻ con"


 
15/04/2009 09:10 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- Thời buổi thông tin truyền thông đa chiều, người viết cứ “bày món” thông tin ra đấy, thậm chí còn cố tình (hoặc vô tình làm như cố ý, cố ý làm như vô tình) sắp đặt thông tin theo nhiều cách rất điệu nghệ. Đọc theo cách nào tùy thuộc rất lớn vào tầm hiểu biết của mỗi cá nhân. 


Tốc độ “tám chuyện” băng thông rộng

Với tính lan truyền cực nhanh trên internet, độc giả cần phải có bản lĩnh hơn rất nhiều trước những luồng dư luận đa chiều. Ảnh: discovery.com

Tiếp nhận thông tin trái chiều được đăng tải công khai về thần tượng của mình, ít ai có thể giữ được bình tĩnh. Ban đầu còn lịch sự tìm lý lẽ để trao đổi, đối thoại với nhau, sau thì các bên đều quyết liệt, chỉ vì không thể nào thống nhất được ý kiến… Đặc biệt là khi những câu chuyện “được tiết lộ” thuộc loại khó có thể “khảo cứu” hầu biết rõ thực hư. 

Thế nhưng, sự đời bao giờ cũng thế. Khi một “ngôi đền” được “xây bệ” gần như hoàn chỉnh, nhuốm màu thiêng liêng, hoặc có hơi hướng trở thành tín ngưỡng trong lòng công chúng, sẽ bỗng dưng xuất hiện những vị “tiên tri giả”, nhân danh bạn bè, đồng hương, đồng đội cũ, cùng cơ quan, cùng lĩnh vực hoạt động…“tiết lộ” những hồi ức (cả tốt lẫn xấu, trước thì tốt, sau thì xấu dần) về “tượng thần” trong mắt công chúng. Chuyện này không chỉ xảy ra với giới văn hóa mà khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực trong xã hội. 
Thô thiển luận giải, đương nhiên “tiên tri giả” muốn nổi đình đám bằng (hoặc gần bằng) tượng thần nên mới chấp nhận “mọi cái giá” để làm chuyện động trời. Tinh tế phân tích, thì các “ngôi đền” lộng lẫy mà bây giờ công chúng hương khói xì xụp, khi còn đương thời, tất yếu cũng có đủ cả tham sân si, hỉ nộ ái ố như mọi người. 

Thế nên, nếu người viết đã nắm trong tay một vài chi tiết, dăm ba câu chuyện, thì hoàn toàn có thể ung dung tự tại mà quẹt diêm, châm mồi lửa, bình tĩnh đốt đền xong rồi ném nốt vết dầu loang về phía đám đông. Bài cùng chủ đề:
 "Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá"
 Ứng xử với thông tin trái chiều về nhân vật nổi tiếng


Trên các phương tiện thông tin mỗi ngày, những cá thể viết nhỏ nhoi liệu có cách nào dễ dàng gây bão tố, tạo xoáy ngầm kéo tuột số đông công chúng theo trào lưu riêng của mình? Chẳng có gì mới hơn, “tiên tri giả” nhiều đời nay vẫn phải chọn cách nói ngược để gây dấu ấn, bất kể dấu ấn đó có thể là cực kỳ tồi tệ. 

Liệu đó có phải là một thói quen xấu? Hoặc thậm chí, chỉ là thói xấu riêng của người Việt Nam, như một số người quy kết? 

Xin thưa rằng không phải thế. Đó chỉ là truyền thông hiện đại, khi mà mọi cánh cửa thông tin đều dễ dàng rộng mở tới công chúng. Cả thế giới chịu sự tác động của truyền thông trong nhiều lĩnh vực. Thêm nữa, với tính lan truyền cực nhanh trên internet, độc giả cần phải có bản lĩnh hơn rất nhiều trước những luồng dư luận đa chiều.

Độc giả "lớn lên"

Ảnh: discovery.com

Nếu độc giả có con (cháu) đang ở lứa tuổi xì – tin, hoặc thử tóm ngay lấy một cháu nhà hàng xóm, hoặc bắt quen với một "girl_xinh" đang cần… “cứu net” ở quán café wifi, tóm lại là trong bất kỳ văn cảnh nào có thể, hãy thử chọc giận các cháu bằng cách nói đạp đổ "hot boy/hot girl" trong lòng các cháu mà xem. Ai biết được cơn giận của các cháu lên đến đỉnh điểm thì kinh khủng như thế nào. 

Thời buổi thông tin truyền thông đa chiều, người viết cứ “bày món” thông tin ra đấy, thậm chí còn cố tình (hoặc vô tình làm như cố ý, cố ý làm như vô tình) sắp đặt thông tin theo nhiều cách rất điệu nghệ. Đọc theo cách nào tùy thuộc rất lớn vào tầm hiểu biết của mỗi cá nhân. 

Chẳng có thần tượng nào toàn một màu tươi sáng, cũng như chẳng có nhân vật phản diện nào thực sự được “định vị” chỉ có sắc đen. Đấy là bạn tự nghĩ thế thôi. Chưa chắc những góc khuất u ám đằng sau một bức chân dung tươi sáng đã là đáng vứt bỏ, nếu bạn nhìn nhận rằng bi kịch (cá nhân, tập thể…) đắng cay đó một thời đã là chất liệu sống cấu thành nên tài năng thăng hoa bốc cháy trong tim bạn. 

Ngay cả khi câu chuyện đến với bạn chỉ là một “trò vui” mang tính “sáng tạo” của “tiên tri giả” thời @. Thật bình tĩnh, bạn vẫn có thể thẩm định được các giá trị khác nhau trong đó và thụ hưởng mặt tích cực của thông tin. 

Đã đến lúc độc giả phải "lớn" lên để cập nhật với truyền thông đương đại, đa chiều, đa sắc diện. Chả lẽ cứ mãi làm "con trẻ", chịu nhận sự tác động (khá dễ dàng) từ một vài chiều hướng thông tin thực chất cũng chỉ mang tính cá nhân?
Hòa Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét