Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Khai thác bô xít ở Tây Nguyên: không có hiệu quả kinh tế


Ngày 03.04.2009 Giờ 09:41

Hội thảo của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam



Sáng 31.3, tại Hà Nội, liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít tại Tây Nguyên. Kết luận của cuộc hội thảo này sẽ được tổng hợp trình lên ban bí thư nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của bộ Chính trị vào đầu tuần tới.

Các nhà khoa học dự báo rằng hai dự án khai thác bô xít ở Tân Rai và Nhân Cơ nhiều khả năng không có hiệu quả về mặt kinh tế. Sau khi cử đoàn chuyên gia đi khảo sát tất cả các mỏ bô xít ở Tây Nguyên, địa điểm các nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ, VUSTA đã kết luận rằng hai dự án trên khó khả thi. Theo tính toán của VUSTA, những nguyên nhân chính bao gồm công suất không đủ để có lãi, cước vận tải bằng ô tô ra cảng quá cao, giá thành sản xuất alumin quá cao so với giá thành trên thế giới… 

Ngoài ra để cung cấp nước cho dự án Tân Rai, tập đoàn Than – khoáng sản dự định xây hồ Cái Bảng. Nhưng hồ nước với lượng nước trữ là 108,7 triệu m3/năm, sẽ lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước chính của thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi, và hồ Trị An. 

 Việc tập đoàn Than – khoáng sản ký hợp đồng EPC (chìa khoá trao tay) với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đã gặp sự phản ứng dữ dội từ các nhà khoa học thuộc VUSTA. Với tổng số tiền bỏ ra là gần 1 tỉ USD cho hai nhà máy, phía chủ đầu tư Việt Nam hoàn toàn phải đứng ngoài hàng rào, mặc cho nhà thầu Trung Quốc tự do trong việc chọn thiết bị. 

VUSTA cho rằng Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện điều này. Hơn nữa, theo VUSTA, chỉ đến khi trở thành một nước công nghiệp, Việt Nam mới có nhu cầu thực sự lớn về nhôm.

Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét