Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

KÝ ỨC MỸ THO – GÒ CÔNG

Nguyễn Bá Sỹ CCB E207

Trong câu chuyện với bà con địa phương mọi người nói rằng chỉ vài năm nữa thôi dự án sẽ nối dài con đường tỉnh lộ của Bến tre, làm một cây cầu lớn hơn cầu Rạch miểu vượt qua sông Hậu giang đến thẳng Sóc trăng từ Bến tre mà không phải đi vòng trên quốc lộ 1. 

Khi đó vận chuyển các sản vật của miền Tây về Sài gòn nhanh hơn nhiều.
Con đường tương lai đi Sóc trăng theo ngả Bến tre

Con đường trong mơ sẽ làm thay đổi bộ mặt những nơi mà nó đi qua, đánh thức các miền quê xa xôi yên ả. Việc đi lại giữa các vùng giờ đây rất thuận tiện, cây cầu Rạch miễu đã thay thế bến phà năm xưa nối cù lao Bến tre với Mỹ tho, xe cộ tấp nập trên đường.

Rời Bến tre mấy anh em chúng tôi lại tiếp tục trở lại Mỹ tho,Gò công. Nhân đây cũng nhớ lại một kỷ niêm của người lính.

Mỹ tho là một thành phố xinh đẹp bên bờ sông Tiền giang, trước 30-4-1975 có hai căn cứ quân sự khá lớn là Bình đức, Đồng tâm là trụ sở chỉ huy của Sư đoàn 7 quân đội VNCH.

 Khi giải phóng, căn cứ trung đoàn 207 tiếp quản là Đồng tâm; một căn cứ quân sự rất quy mô, quy hoạch bề thế có trại lính, khu gia binh, Sở chỉ huy Sư đoàn 7, kho súng đạn, quân y….đường đi trong căn cứ vuông vắn.

Thiết giáp M113
Bộ đội giải phóng tiến vào căn cứ không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Cổng chính căn cứ quay ra lộ 4, dàn hàng ngang gần chục chiếc xe thiết giáp lội nước M113 còn nguyên vũ khí trang bị chuẩn bị cho cuôc tử thủ. Ai từng chiến đấu ở vùng nước Đồng tháp mười chắc hẳn vẫn còn nhớ sự hung hãn của những con quái vật này.

Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương văn  Minh làm tê liệt hoàn toàn sức chiến đấu của các chú lính cộng hòa, nên lúc đó mấy cỗ máy chiến tranh từng khạc ra lửa chỉ còn là những khối thép vô hồn. 

Nếu tiếp tục tử thủ thì cái thua đã cầm chắc, đầu hàng là hành động vì dân vì nước, tiết kiệm bao nhiêu xương máu của lính hai bên, đều là đồng bào Việt nam. 

Đoàn chiến sĩ tiến vào vẫn rất cảnh giác, nhưng khi nhìn thấy quần áo lính, quân trang….vung vãi khắp nơi thì biết rằng đối phương đã tháo chạy. Tâm lý của người thắng cuộc trỗi dậy, một anh trèo lên thành chiếc xe nhòm vào bên trong la lên:

Súng đạn còn nguyên chúng mày ạ.

-Tao thử cho quả lựu đạn vào bên trong xem nó nổ thế nào???

Nói và làm luôn, một tiếng nổ lộng óc. Đạn trong xe bị kích thích thi nhau nổ vang trời, khói lửa bốc lên mù mịt.
Tan xác pháo

Mọi người nháo nhào tìm nơi ẩn nấp sẵn sàng chiến đấu, tưởng quân địch chống cự. Hơn một giờ trôi qua chẳng thấy lính cộng hòa đâu, đạn nổ từ xe này lan sang xe khác thiêu rụi tất cả các xe chứa đầy súng đạn may mà không gây thương vong cho ai. 

Khối chiến lợi phẩm trị giá hàng triệu Mỹ kim có thể phục vụ tiếp nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bỗng chốc hóa thành sắt vụn.!!

Âm hưởng cuộc chiến thắng quá lớn lao khiến tất cả quên đi và tha thứ vì còn nhiều việc bề bộn phải làm trong những ngày đầu lịch sử của sự đổi thay.

Thì ra làm gì cũng phải có đầu óc, hành động bột phát thiếu hiểu biết đã gây biết bao thiệt hại. Biết bao máu xương mới tới được ngày chiến thắng. 

Nói rộng ra, tiến hành một cuộc chiến tranh, chỉ huy một nền kinh tế đều cần những cái đầu trí tuệ. Vận hành một hệ thống nhân lực vật lực khổng lồ tinh vi và phức tạp không thể giao cho đám có bộ óc bã đậu, kết quả có thể thấy trước là xương máu tiêu hao vô ích, của cải vật chất tan tành mà thôi.

Lại nói về Gò công, nơi đây cũng là một vùng quê gần biển trù phú, làng xóm nhà cửa nép dưới vườn dừa tươi tốt, cây trái xum xuê.  

Những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh non mơn mởn, gió thổi dìu dịu làm thành những làn sóng xanh trên biển lúa. 


Ai có năng khiếu văn chương chắc dễ dàng tìm thấy áng văn thơ gợi lên miên man đầy nhịp điệu màu sắc .  

Đường vào xóm


Ở Gò công thấy nhiều nhà xây to cao 5-6 tầng, cửa sổ tin hỉn như những lỗ châu mai lô cốt, dân bảo đấy là những nhà có tiền xây để dụ chim yến về làm tổ. Mỗi mùa thu hoạch tổ yến có thể thu về bạc tỷ, nông dân bây giờ nhiều tỷ phú hơn ở thành phố.

Nhờ đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, sản vật thiên nhiên dồi dào, việc kiếm tiền đơn giản. Việc gì phải đi đâu. Người ta bàn cách làm giàu nhiều chứ ít người bàn kiếm ngày hai bữa. Phong cảnh thật là thanh bình thơ mộng.

Hình như nhờ vậy mà con người Gò công cũng rất thân thiện, nơi đây nổi tiếng nhiều con gái xinh tươi, trong các cuộc thi sắc đẹp miền Tây thì con gái Gò công đều được đánh giá cao.

Nam Phương Hoàng hậu, vợ của Bảo Đại vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt nam,  xuất thân là con gái Gò công.
Nam Phương Hoàng Hậu

Ông Nguyễn văn Thiệu quê ở Phan rang Ninh Thuận có người vợ là Nguyễn Thị Mai Anh người đẹp Gò công từng một thời là Đệ nhất phu nhân VNCH.

Mấy chục năm chiến tranh nhưng Gò công không thấy mùi thuốc súng không có trận đánh nào vang dội khốc liệt ở đây, vùng lõm giải phóng như Đồng tháp, Lộc ninh không có. 

Chính quyền cũ làm chủ vùng này một thời từ 1954-1975,  ta vẫn gọi là vùng bị tạm chiếm.

Trung đoàn 24 về Gò công đóng quân sau giải phóng. Gọi là đóng quân nhưng có căn cứ doanh trại gì đâu, trước ở trong rừng thì làm lán, mắc võng ngủ bất cứ nơi nào có thể. Nay hòa bình thì ở lẫn trong dân, mỗi nhà hai ba anh. 

Trong dân thì thiếu gì con gái, con trai ít hơn vì phần đi lính, phần bị chết trong cuộc chiến ở nhà còn lại chủ yếu là ông già hoăc các cháu chưa đến tuổi quân dịch.

Miền Bắc giai đoạn này cũng vậy, nông thôn chỉ toàn bà già con gái và trẻ em, đàn ông ở nhà thì sứt môi lồi rốn điếc lác. Trong thực tế như vậy vung méo có thể đậy Nồi tròn. 

Những thanh niên cao to trẻ khỏe phần lớn đi bộ đội. Có thể nói hai bên đã gửi ra chiến trường những thanh niên ưu tú nhất của mình. 

Mỗi dịp có bộ đội về đóng quân ở làng một vài tháng thì đúng là bữa đại tiệc cho đám con gái đương thì, cho cả các chị quá lứa, các bà góa chồng. 

Cũng phải thôi, con người chứ đâu phải là gỗ đá ?.

Các bạn có thể nghe bài hát Đường cày đảm đang của nhạc sỹ Văn Chung để nhớ lại một thời chiến tranh. Link đây:

http://www.youtube.com/watch?v=8PdIGdiht9s

hoặc: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Duong-Cay-Dam-Dang-Anh-Tho/ZWZDBECD.html


Các chú Giải phóng về đây oai phết, người chiến thắng mà. Các người lính thua trận đi học tập, cải tạo về gặp các anh then lét như “ rắn mùng năm”. Họ tưởng giải phóng dữ dằn tàn ác lắm, đâu có phải như vậy.

Một việc sai trái mà tuyên truyền nhiều lần có khi thành đúng, nếu chỉ nghe mà không cân nhắc suy sét dễ bị lầm, nên các Cụ nhà ta mới dạy: Trăm nghe không bằng một thấy.

 Với phụ nữ thì cũng vậy, từ thái độ lo lắng dò xét chuyển sang tò mò tìm hiểu bình phẩm anh này anh kia, thì thào to nhỏ khúc khích cười như bắt được của. Nhất là đám con gái mới lớn rất thích nói chuyện với các chú, coi các chú như những nhà thông thái. 

Các chú mang đến quê Gò công những khuôn mặt mới, cũng thân thiện nhẹ nhàng lại còn nói chuyện rất hay và dí dỏm nữa mới chết chứ lỵ. Rồi những cái liếc mắt ý nhị, những tình cảm săn sóc tưởng như vô tình….

Về Gò công bọn tôi đến chợ Gò công đông. Lương rất chu đáo ghé vào chợ mua trái cây tươi nói là để thắp hương cho ông chủ nhà nay đã mất. Nhà quen Lương là chủ một tiệm thuốc bắc Tân sanh đường ngay cạnh chợ.
Chợ gò công đông


Chợ


Nhà thuốc y học cổ truyền Tân sanh đường

Sau màn cà phê chào hỏi,  trong lúc chờ anh Tư Sanh gọi các chiến hữu gầy bữa nhậu buổi trưa, bọn tôi có nhã ý mượn 2 xe máy vào ấp Tân xuân tìm người quen. 

Hỏi thăm đường


Nhà đây rồi


Ngôi nhà xinh xắn trong vườn

Mấy chục năm đã qua, xóm ấp khang trang lên nhiều nhưng cũng rất vắng vẻ,  con trai con gái đi làm ăn xa, Lương Hàm vẫn nhớ đường đi lối lại. Hỏi thăm một chút là đến đúng nhà chị Hai…..

Chị Hai và người cháu

Quá đỗi ngạc nhiên chị Hai cũng nhận ra Lương:
-         Các chú từ Hà nội vô hả, có khỏe không?
-         Vâng.



chụp với chị Hai


Chị Hai và cháu
Chị hai khoảng hơn 60 tuổi, trắng trẻo nói chuyện nhẹ nhàng. Tuy nhiên chị vẫn còn giữ được nét đẹp của thời con gái. Với lứa chúng tôi chị Hai lớn tuổi hơn nên chị chị em em thân mật.

 Năm xưa chị cũng quen thân thiết với anh Thọ đại đội phó của E24, chi tiết thì mấy anh em không rành.  Hỏi thăm, chị vẫn chưa lấy chồng, hiện ở với gia đình người em. Một chút ái ngại thông cảm, anh em chào chị nói là đi tìm Chín Dao.

Ở nước mình, có bao nhiêu chị em vì chiến tranh mà không bao giờ lấy được chồng, không bao giờ được hưởng hạnh phúc lứa đôi ?. 

Một câu hỏi bình thường, nhưng hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ và tự hỏi rằng người con gái đó là chị ta, em gái ta, người nhà ta thì mới thấu hiểu và thông cảm. 

Chiến tranh thật là tàn ác và đáng ghét.

Lại nói về chín Dao, em có một cái tên rất đẹp là Ngô Thị Quỳnh Dao. Quỳnh Dao là tên một nhà văn nổi tiếng Đài loan. Có khi cha mẹ ghép tên loài hoa quỳnh hoa nở về đêm và  cây dao hay trồng cạnh nhau thể hiện tình yêu đôi lứa  chứ không phải là dao búa chi cả. 

Nếu chưa biết mặt, gọi chín Dao cứ cảm thấy ghê ghê tưởng là dân giang hồ anh chị bụi đời. Chín Dao là cô thôn nữ nông dân chính hiệu Gò công, Dao có vẻ đẹp hiền thục của người con gái nông thôn. 

Thành ốc đóng quân gần nhà Dao, gọi là ốc vì trước khi đi lính hắn đeo cặp kính cận dày cộp lồi lồi như con ốc nhồi. Đơn vị cũng có vài Thành gọi Thành ốc, Thành sò, Thành ma tắc.....cho dễ phân biệt.

Bộ đội ở trong dân có nhiều cái hay. Quần áo không rách thì dứt đứt khuy rồi mon men mượn kim chỉ. Ở trong rừng thì ít khi đứt cúc, ra ngoài này chỉ cứ tuột, thật khó hiểu ???. 

Chết nỗi chú nào cũng nghĩ chín  Dao là kho kim chỉ của bộ đội. Hết khâu khuy lại vá quần áo, từ chối cũng khó lắm chớ bộ. 

Ở gần một vẻ đẹp như thế thì xung quanh ong bươm bay rào rào. Một thanh niên trai tráng khỏe mạnh như Thành ốc cũng sớm biến hình thành một chú bướm sặc sỡ vờn quanh đóa hoa quỳnh dao. 

Đám ong đất, bướm ma...tự nhận thấy mình không được màu mè như bướm ốc, biết thân biết phận từ từ rời khỏi hũ mật Gò công ngọt ngào.

Một mình một chợ, bướm ốc tha hồ khám phá xứ sở thần tiên. Các chú khác đứng từ xa thôi và thầm ao ước ....

Nếu mọi việc cứ tuần tự như tiến thì nay chúng ta có thể thấy cả đàn nghêu, hến, trai, trùng trục.....ra lò, đang ngày đêm ra sức thi đua xây dựng quê hương Gò công giàu đẹp. .

Nhưng..... Sự đời  đâu có đơn giản như vậy, cái này có thể giải thích là ông Tơ bà Nguyệt đã quá lơ đãng mà không buộc chân chúng lại với nhau.

Ở được vài tháng, tình hình thay đổi anh em lính tráng không rõ cụ thể thế nào nhưng có lệnh di chuyển rất khẩn trương. Xe quân sự mấy chục chiếc ở đâu chợt đến, mọi người thu dọn đồ đạc vũ khí lên xe. 

Các mối tình lâu nay hoạt động bí mật nay ra công khai. Bịn rịn, thút thít lưu luyến tiễn đưa hẹn ngày trở lại. Chín Dao khóc lóc, đứng chặn đầu xe quyết liệt giữ lại cho mình chú bướm sặc sỡ tưởng như không sức mạnh nào ngăn nổi. 

Quân lệnh như sơn mà Chỉ huy đơn vị cũng ngần ngừ:
- Thôi ...cho thằng Thành ở lại.
-......??
Dùng dằng, dùng dằng ....chân đã bước đi mà lòng còn ở lại. Đột  nhiên Thành quyết đình theo đơn vị và suy nghĩ trong đầu sẽ tìm cách về sau. 

Đoàn xe rùng rùng xuất phát xa rời làng quê mới hôm nào còn chưa quen còn lạ lẫm mà nay đã thân thương và còn có cái gì đó để mà nhớ nhung. 

Ngoái lại từ xa vẫn thấy thấp thoáng những cánh tay vẫy vẫy trong khóe lệ ướt nhòe. Lòng vẫn hẹn sẽ về, nhất định sẽ trở về. Thấm thoát thoi đưa, mấy mươi mùa hoa điên điển trôi qua mà chưa thấy ai đó về thăm.....

Sen tàn cúc lại nở hoa.
Sàu dài ngày ngắn đông đà sang xuân..( Nguyễn Du )

Trong chuyến du hành trở lại miền nam của mấy anh CCB kỳ này Thành ốc  bận việc nhà, không đi. Anh em có mang theo máy quay, dự kiến ghi hình phỏng vấn chín Dao và mang thông tin ra Hà nội. 

Trước khi đến mọi người  tranh nhau đoán tình hình chín Dao. Anh em cũng nhanh chóng tìm thấy nhà Dao cách nhà chị Hai vài cây số.

Một căn nhà đơn sơ vắng người cửa đóng then cài hiện ra trước mắt, cổng băng các thanh gỗ ghép tạm.
Nhà chín Dao đây rồi


Ngẩn ngơ quay ra vì ngươi cũ đi vắng

Hỏi thăm mấy cô làm cỏ lao xao bên ruộng lúa cạnh nhà, nói Chín Dao đã mấy lần lên xe hoa. Hiện giờ chồng con đầy đủ, được mấy lớp con trở thành má sắp nhỏ đàng hoàng, đang đi chợ sắm đồ chiều mới về.  

Anh em cũng nghĩ trong sắp nhỏ kia thể nào cũng có một chú ốc con chứ lại không à. 

Nhẹ hết cả người, dù kế hoạch ghi hình phỏng vấn không làm được nhưng cũng có chút thông tin tốt mang về, một cái kết có hậu.

Lặn lội vài ngàn cây số tìm hộ người cố tri cho ông Ốc, kỳ này nhận được tin tốt thì Thành ốc chắc phải mời anh em vài chén để cảm ơn.

Không còn thời gian chờ gặp chín Dao, anh em trở lại Gò công đông. Ông chủ nhà thuốc Tân sanh đường đã mất trao lại cơ ngơi cho anh con trai là Tư Sanh nối nghiệp. 

Cha ruột Tư Sanh nguyên là người Hoa, tổ tiên tận Phúc kiến Quảng đông Trung quốc lưu lạc sang Việt nam làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho bà con trong vùng. Công việc rất tốt, ngôi nhà trong ảnh khi mới giải phóng đã là bề thế nhất chợ Gò công đông.


các ngăn thuốc và bàn xem mạch
Ông sinh được mấy người con, trai gái đủ cả. Trong kỳ chiến tranh Tư Sanh cũng phải đi lính, anh cứ giải thích mãi là đi lính thông tin đóng quân ở Pleiku không có động chạm gì đến súng đạn cả ý là không tham gia đánh nhau trực tiếp. Sau giải phóng cũng có đi học tập ít ngày rồi trở về địa phương nối nghiệp cha ông làm nghề thày thuốc.

Trong lúc chuyện trò, một vài người dân có vào mua thuốc thông thường. Thày Tư bán thuốc hướng dẫn tận tình, xong việc anh nói với chúng tôi:
- Dân quê còn nghèo, thuốc tây lại mắc nên bà con vẫn dùng thuốc nhà anh. Công việc cũng ổn.

Tư sanh còn trổ tài bắt mạch cho mấy anh em rồi phán anh Tình khỏe nhất, anh này thận hư... và xếp hạng sức khỏe từ cao xuống thấp cho mấy người. Câu chuyện thuốc men, sức khỏe cũng có nhiều thú vị.


anh Tư Sanh
Tư Sanh có cô em gái tên Cúc năm 1975 đang học lớp 12. Bao bài thơ bản nhạc ca ngợi vẻ đẹp trong trắng của các nữ sinh miền Nam, hồi đó nhìn các tà áo dài trắng tinh khôi phấp phới khi tan trường mấy anh miền Băc không khỏi xao xuyến.

Biết anh Lương là sinh viên đại học đi bộ đội, Cúc thỉnh thoảng nhờ anh hướng dẫn khảo sát " hàm số", tích phân bất định rồi tích phân xác định....

Khảo sát hàm số thì quá đơn giản, nhưng " hàm số " thì anh còn lơ ngơ lắm chưa học tới. Cái anh bộ đội cũng giảng giải chu đáo đầy đủ, ông bà chủ khoái trí tưởng mấy ông lính chỉ biết đánh nhau, súng đạn chứ biết gì toán văn, ai dè mấy chú khá ghê, ông bà nửa đùa nửa thật :

- Thôi ở đây đi, cho không mày đó.
- Chú nói thật không ?
- Thật chớ, ai nói giỡn tụi bay.
-......
Thích thì thích rồi, nhưng khi đó có một cái gì đó vô hình mà Lương chưa dám vượt qua.

Chuyến này về Nam, hỏi thăm Cúc thì cô đã lấy chồng, định cư bên Mỹ. Gia đình có nối liên lạc, hai người trò chuyện mãi. 


Tập hợp đủ mọi người, chúng tôi nhậu nhẹt tưng bừng, vui vẻ. Hẹn khi nào anh chị Tư ra Bắc thì đến thăm anh em chúng tôi.

Rồi tiệc tàn, Lương, Hàm ở lại Gò công một đêm nhậu tiếp. Tình, Sỹ xin phép trở lại Sài gòn để ngày mai tổ chức xe cộ đón anh em đi Đá biên Long an cho kịp đám giỗ Liệt sỹ tại miếu Bắc bỏ. 

10-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét