Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Nước mắt chảy xuôi...



by Lana | Wednesday, April 07, 2010 in Gia đình, Đối thoại | comments (32)

Đối thoại 1
Ăn cơm tối, dọn dẹp xong, Dim ngồi trước máy tính, mẹ nằm trên ghế sát phía sau, mon men áp tay vào lưng Dim.
- Dạo này ở lớp Dim thế nào?
- Bình thường mẹ ạ.
- Bạn N., bạn L. dạo này thế nào con? (N., L. là hai bạn Dim thân)
- Bình thường mẹ ạ.
- Thế ngoài các bạn ở lớp con có chơi với các anh các chị lớp trên không?
- Có mẹ ạ, con chơi với các anh chị lớp 8A2, 10A1.
- Thế có chuyện gì kể cho mẹ nghe không?
(im lặng, vẫn tí tách máy tính)
- Dim có chuyện gì ở trường thỉnh thoảng kể cho mẹ nghe với, chứ nhiều khi mẹ muốn nói chuyện Dim cứ im như núi đá thế này mẹ cứ thấy buồn buồn...
(im lặng)

Đối thoại 2
9h tối, điện thoại reo.
- L.O à,
- Vâng con đây,
- Thế vẫn bình thường đấy chứ? L.O khỏe chứ?
- Vâng, con bình thường, có việc gì thế mẹ?
- À không, mẹ vừa đọc báo về cái máy ATM có điện. Thế L.O. vẫn dùng cái đấy phải không?
- Vâng... ôi không sao đâu mẹ ạ. Mà vụ đó ở Sài Gòn mà.
- Người ta bảo Hà Nội cũng có dò điện đây này.
- Hà Nội đâu, Sài Gòn đấy.
- Đâu, vụ làm chết đứa trẻ là ở Sài Gòn, hôm nay mẹ đọc người ta kiểm tra Hà Nội cũng nhiều máy bị đây này.
- Thế ạ... con chưa đọc, mà thôi ko sao đâu, mẹ đừng lo.
- Ừ, phải cẩn thận giữ gìn nhé.
- Vâng, mẹ yên tâm, thế thôi mẹ nhé.
- ....... L.O đang bận à?
- Không, con không... ba mẹ khỏe chứ ạ? (vớt vát)
- Ừ, khỏe, thế thôi nhé.
(cúp máy)

Ân hận...

Nước mắt chảy xuôi...

ĂN Ở VỚI ĐỒNG TIỀN

Chuyện tiền nong thường khó nói. Khi ta nghèo, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, thoảng qua nhanh đâu còn thời giờ để nghĩ ngợi làm gì. 

Khi ta có chút của ăn của để, tiền ở lại với ta lâu hơn, ấy là lúc ta tập nghĩ tới cách ứng xử với đồng tiền. Từ một xứ nghèo, vươn lên kiếm lấy đồng tiền là nhu cầu rất tự nhiên và chính đáng, song cách ứng xử tiêu dùng tiền ấy có thể cũng là chuyện nên bàn. 

Dịp Năm mới, nhớ cũ để hiểu mới, người ta thường nghĩ đến ông bà tổ tiên và nhìn về tương lai con cháu. Lửa cháy thấp thoáng những đồng tiền âm phủ, vàng mã, và cháy cả những đô-la, euro âm phủ. 

Trần sao âm vậy, chưa đủ niềm tin vào đồng tiền quốc gia, người ta mong gửi đến cho người âm thế những tích trữ tài sản bằng ngoại tệ, bằng nhà đất, bằng vàng. Ứng xử với đồng tiền, việc lớn nhất trong quản trị một quốc gia là giữ gìn niềm tin của dân chúng vào giá trị của đồng nội tệ và những thiết chế in ra và lưu chuyển đồng tiền ấy. Nói cách khác, chống lạm phát, giữ lấy giá trị tiền Việt Nam cũng là góp phần giữ lấy uy tín cho chính quyền. 

Một trong những nguyên nhân đáng kể gây nên lạm phát là sự vung phí đầu tư công, tiêu sài khó kiểm soát tiền dân qua những dự án của nhà nước, qua những tổng công ty và tập đoàn quốc doanh. Kiểm soát nợ nước ngoài, công khai ngân sách, thắt chặt hơn sự giám sát đa dạng của cơ quan dân cử, của báo chí, của kiểm toán nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự đối với những người có quyền tiêu dùng tiền dân có lẽ nên là ưu tiên số một trong ứng xử với tiền dân. Khuyến khích quốc doanh, chúng ta khuyến khích tiêu sài tiền dân bởi những nhóm người có quyền lực. 

Nếu không bị kiểm soát, quyền lực dễ bị lạm dụng, một lớp váng giàu lên nhanh chóng bởi chính sự lừng khừng trong tư duy đề cao công hữu của những người lãnh đạo đất nước chúng ta. 

Nghĩ đến con cháu, đất đai rừng biển núi sông này đâu chỉ của riêng thế hệ chúng ta, con cháu và những thế hệ chưa ra đời cũng có quyền được dự phần vào di sản chung ấy của cha ông để lại. 

Không còn là vô tận, nếu một tỉnh đã có hơn 50 dự án thủy điện thì rừng cũng mất mà cái cảm giác được sống yên ổn không bị lũ cuốn trôi có khi cũng không còn. Khắt khe với sử dụng của công còn có ý nghĩa nữa đó là phải dè sẻn với tiền dành cho con cháu, nếu chúng ta không muốn hổ thẹn là một thế hệ đã hăng hái bán rẻ tài nguyên, ăn hết cả phần của những thế hệ tương lai. 

Nhìn lại mình và nghĩ đến con cháu, tài nguyên thiên nhiên rồi sẽ khan cạn, nguồn lực lớn nhất còn lại chắc sẽ là nguồn lực con người. Những thế hệ người trẻ tuối ấy phải được tự tin, học cách ứng xử linh hoạt trong một thế giới biến đổi, trong đó có việc học cách ứng xử với đồng tiền. Bên cạnh học chữ, học làm người, biết đâu học cách kiếm và dùng tiền một cách chân chính, văn minh có thể cũng nên là một nội dung của nền giáo dục nước ta. 

Một thuở chúng ta cùng nghèo, xấu đều hơn tốt lỏi, người giàu có khi bị đám đông hiềm nghi, đố kỵ. Một thuở chúng ta sống theo bao cấp, có được vị thế và quyền lực trong bộ máy nhà nước và các mối quen thân có khi quan trọng hơn cả tiền. 

Từ chỗ chỉ là phương tiện thanh toán, rồi một ngày chợ đen bỗng hóa thị trường, tiền trở về như một quyền lực xã hội, công khai và ngạo nghễ. Sự thay đổi lớn lao ấy có vẻ như chưa kịp được tiêu hóa bởi xã hội chúng ta. 

Đề cao tinh thần cống hiến với những lý tưởng cao quý, đôi khi coi thường vật chất, chúng ta dị ứng với chủ nghĩa cá nhân và nhiều hay ít thiếu thiện cảm với những ai đề cao việc kiếm tiền. Song người không dè sẻn với tiền của mình, không khôn ngoan làm cho từng đồng của mình sinh sôi nảy nở, thì khó có thể là người biết lo liệu; không lo liệu được cho chính mình thì cũng khó có thể lo được việc cho xã hội. 

Miếng bánh có đủ lớn mới những mong tới việc chia phần. Một thân thể đủ sức khỏe mới mong được mở mang trí tuệ và bồi bổ đời sống tâm linh. 

Một thế kỷ trước nhiều nhà nho thức thời theo Đông kinh nghĩa thục đã dũng cảm xếp bỏ cuộc tranh luận kinh viện “hằng sản hay hằng tâm” để du nhập Tây học, lập hội kinh doanh. 

Một trăm năm sau, cơ hội đuổi kịp các quốc gia láng giềng ngày càng hẹp lại, chúng ta quả không còn nhiều thời gian để thu mình trong thế giới của những lý tưởng xa xôi. Thị trường và quyền lực của tiền bạc đã len lỏi tới những bữa cơm tối của từng gia đình người Việt. 

Đối mặt với quyền lực ấy, tập cho những thế hệ tương lai làm quen với giá trị của đồng tiền, giúp họ tự tin học cách kiếm tiền một cách chân chính và ứng xử khôn ngoan với đồng tiền kiếm được có thể cũng thuộc trách nhiệm của thế hệ chúng ta.

 Posted by Pham Duy Nghia at 6:50 PM 

 XIN MỘT CHỮ THÔI 

 Ngày xuân người ta kháo nhau đi xin chữ. Mong đức thì xin đức, mong phúc thì xin phúc, bâng quơ nhặt một câu thơ viết bằng thứ chữ nguệch ngoạc làm sang. Trong cái âm hưởng sang xuân ấy, tôi cũng xin một chữ, chỉ xin một chữ thôi. 

Ôn cũ, biết mới, nhìn lại năm cũ, và nhìn lại cả hai thập kỷ đổi mới, một chặng đường dài cải cách đã qua, những gì đạt được trên đất nước này là công sức nhân dân, nhưng đều được tạo điều kiện bởi những chính sách hợp lý của nhà nước. 

Một nhà nước mạnh, can thiệp đúng mức, khuyến khích mọi sáng kiến cá nhân và bảo vệ trật tự cạnh tranh là hết sức cần thiết. Thiếu nhà nước mạnh thì ngư dân không còn dám đánh bắt xa bờ, bà nội trợ rối đầu vì an toàn thực phẩm. Kẹt xe, lũ lụt, nước biển dâng, người dân nào mà chả mong nhà nước ta phải cực kỳ mạnh mẽ. 

Làm thế nào để xây dựng một nhà nước mạnh mẽ, đó sẽ là thách thức của những năm tới đây. Nếu chỉ loay hoay thêm bớt các bộ, sáp nhập hay phân tách các tỉnh, luân chuyển cán bộ, cuộc cải cách hành chính mới chỉ quan tâm đến sắp xếp lại thứ bậc trong nội bộ nền quan chế.

 Cuộc cải cách ấy mới chỉ quan tâm đến bản thân chính quyền. Điều quan trọng hơn là phải làm cho chính quyền ngày càng chịu nhiều áp lực trước nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân. 

Điều này là tôn chỉ của nhà nước ta, vì mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân, việc nội bộ của chính quyền không quan trọng bằng mọi việc đảm bảo lợi ích quốc gia và buộc chính quyền phải tuân thủ ý chí nhân dân. 

Sự chính danh của chính quyền thường chỉ có được qua sự ủy trị của nhân dân, thể hiện qua những lá phiếu tự do, phổ thông và bình đẳng của họ. Chỉ có điều từ thuở nào không rõ, nhà nước ta quen với việc hưởng thụ những quyền lực, tự cho mình đặc quyền quản lý toàn bộ đời sống xã hội, từ quản lý nhà nước về kinh tế, về đất đai, về y tê, giáo dục cho đến quản lý nhà nước về tôn giáo. 

Trong các đạo luật đều mặc nhiên có những chương quản lý nhà nước, sắp xếp quyền uy và phân công trách nhiệm trong nội bộ bộ máy công quyền để quản lý cuộc sống của nhân dân. Thì thế mới có những chuyện quản không được thì cấm, vô số thực tiễn đã diễn ra minh chứng cho nhận định này. 

Quan điểm nhà nước quản lý toàn diện này đã bám rễ ở nước ta sâu và chặt tới mức Học viện Hành chính Quốc Gia đào tạo mỗi năm hàng ngàn sinh viên nghiên cứu đủ các hệ cử nhân quản lý nhà nước, thạc sĩ quản lý nhà nước, thậm chí có cả tiến sĩ ngành quản lý nhà nước. Điều ấy chắc cũng đúng, song chưa thể đủ. Nhà nước quản nhân dân, thế thì ai quản lý nhà nước, ai sẽ bắt cái “cơ chế” mà người ta hay đổ lỗi phải tuân thủ ý chí nhân dân. 

Nhà nước cũng là bộ máy với vài triệu quan chức với những lợi ích của riêng họ, ai sẽ ép buộc bộ máy ấy tuân thủ lợi ích quốc gia và bảo vệ nhân phẩm, danh dự và những quyền căn bản khác của từng người dân. 

Tân Xuân, thay vì “quản lý nhà nước”, chỉ xin thay dần một chữ thôi, đổi thành ‘quản trị nhà nước”. Chữ cũ, ấy là nhà nước quản dân. Chữ mới, ấy là dân giám sát nhà nước, cai quản nhà nước, buộc nhà nước phải thay đổi theo ý chí nhân dân, tức là người dân tham gia quản trị quốc gia. 

Muốn làm được điều ấy, trước hết chính quyền phải minh bạch và chịu trách nhiệm công khai hơn trước nhân dân. Ví dụ tài sản, chi tiêu của các doanh nghiệp nhà nước và các công sở phải công khai cho toàn dân biết. 

Tiền của dân thì ông chủ nhân dân phải có quyền được có thông tin. Muốn làm được điều ấy thì cơ quan dân cử và tòa án phải độc lập dần so với chính quyền; nói cách khác chính quyền phải bị giám sát. Thêm nữa, Đảng lãnh đạo nghĩa là Đảng phải hóa thân vào chính quyền, tôi nghĩ rằng người đứng đầu tổ chức Đảng đồng thời phải là người đứng đầu tổ chức chính quyền mới đúng. 

Làm như thế Đảng và chính quyền là một và trách nhiệm của Đảng trước nhân dân cũng thật rõ ràng. Đón Xuân xin một chữ, quản lý nhà nước xin đổi thành quản trị, rồi một ngày nước ta sẽ trở thành một xứ dân trị. Xứ ấy đích thị là của dân. 

 Posted by Pham Duy Nghia at 6:48 PM Wednesday, February 24, 2010 

 TẢN MẠN VỀ XỨ VÔ TÌNH 

 Khỏi phải nói, người xứ ta thật vô tình, thường cứ cái gì thấy tiện thì làm. Phố phường đông đúc, giữa năm ngoái chính quyền thủ đô ra quyết định bịt các ngã tư, biến Hà Nội thành một đô thị kỳ dị nhất hành tinh. Thì cũng thế, ở phương Nam, người nước ta tiện thể chữa luôn cái vỉa hè, giúp xe máy khi cần có thể vọt lên tranh phần đường của người đi bộ. Từ nhỏ nhìn ra việc lớn, một quốc gia với hơn 80 triệu dân mà có tới 63 chính quyền cấp tỉnh với 63 chi nhánh ngân hàng nhà nước, 63 cơ quan công an, 63 đài truyền hình, những bộ máy và cách tổ chức hao hao giống nhau. Từng chiếc đũa mỏng manh dễ bị bẻ gãy, ai sẽ lo giữ mái nhà chung. Các nhà đài chia nhau tần số, phân tán tài nguyên nhưng thiếu năng lực và thiết bị. 

Chẳng ngạc nhiên phim Hàn, phim Trung Quốc và văn hóa nước ngoài thừa cơ đổ bộ vào nước ta, lặng lẽ và lan rộng đến mức trẻ con sinh ra có khi được đặt tên tựa như minh tinh màn bạc nước ngoài. Chẳng nghĩ ngợi, chúng ta lặng thinh chấp nhận giá sữa, giá xe cao hơn nhiều lần so với chợ thế giới trong khi chúng ta nghèo. Ai được ưu đãi kích cầu, ai xuất khẩu mà nắm giữ hàng tỷ đôla, ai nắm giữ tài nguyên, ai hưởng lương tiền tỉ mà điều hành các doanh nghiệp quốc doanh lỗ nhiều lãi ít.

 Luật pháp nước ta ghi nhận rằng quốc doanh là trụ cột, rằng người lao động, người tiêu dùng yếu thế sẽ được bảo vệ. Chỉ có điều luật pháp có đâu đơn giản như công tắc điện, cứ bật lên thì sáng và tắt đi thì tối. Nếu không được kiểm soát thì tiền dân vung phí, quốc doanh nắm giữ độc quyền mà hạn chế dân doanh, lợi dành cho một nhóm ít người mà hại trải đều cho cả quốc gia. 

Nếu không yêu mến cạnh tranh thì chúng ta không thể tấn công độc quyền, người tiêu dùng trở thành món mồi cho các tập đoàn tư bản thừa cơ xâu xé. Công nghiệp và đô thị hóa, nông dân mất đất cắm dùi và trở nên bơ vơ ở cái nơi một thuở đã là quê cũ của mình. Lạm phát và tăng giá, ráo mồ hôi hết tiền, công nhân chỉ còn biết đến ca kíp, ai sẽ chăm lo cho cuộc sống tinh thần và con em của họ. Con nhà giàu trốn trường Việt Nam tìm đến các trường quốc tế. Bệnh viện bình dân xưa đã chia thành hai hạng, hạng dịch vụ mát lạnh dành cho người có tiền và hạng la liệt còn lại dành cho người nghèo. 

Một xứ vô tình, chúng ta tin ở chính quyền, song như người ta thường bảo chính quyền đâu có phải thánh thần, người giàu và có cơ hội thường tự lo được cho mình, chính quyền đáng ra phải lo cho người nghèo. 

Sốt sắng vì các dự án đầu tư, có tỉnh nào sốt sắng lo cho người dân bị giải tỏa và di dời. Người ta bảo chính quyền là của người dân, nhất là của dân nghèo, thì những người dân ấy phải tham gia và giám sát tích cực, phải khắt khe hơn với chính quyền. Từ buông xuôi vô tình vươn tới những công dân giám sát tích cực, những người dân ấy cần phải học cách tự tổ chức để nói được lên tiếng nói đa dạng của mình. 

Vì đâu ở nơi kia người ta xây nên lũy, nên thành; vì đâu ở những xứ vô tình ngàn vạn hạt cát, gió thổi rã rời, quyền lực nhân dân chưa được tập hợp thành sức mạnh giám sát chính quyền. 

Tân Xuân, những mong quê ta đừng mãi là một xứ vô tình. Posted by Pham Duy Nghia at 8

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2010

ty phu mehico


TP – Để có được khối tài sản kếch sù như ngày hôm nay (53,5 tỷ đô la), Carlos Slim đã không ngần ngại đầu tư vào chứng khoán, nhà đất, viễn thông.

Carlos Slim

Slim có máu buôn bán từ nhỏ. Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm lời.

Bán kẹo cho anh trai, bán đồ chơi cho bạn

Các thành viên của gia đình nhớ lại chuyện cậu bé Slim đã bán lại cho các anh trai của mình khi thì cái kẹo, khi thì thỏi sô cô la mà cậu dành dụm chưa ăn. Rồi cậu mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với lũ bạn, trong đó có cả những đứa hơn tuổi Slim. Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Carlos Slim đã có 5.523 peso.

Cậu đã dùng số tiền đó để mua 44 cổ phiếu của Ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có hơn 30.000 peso. Cậu tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và có thể nhớ chúng cực kì chính xác.

Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy là một chàng trai trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người ngẩn người vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán.

Công ty thương mại La Estrella del Oriente của cha con Carlos Slim kinh doanh tổng hợp từ A đến Z, từ sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm đến thuốc lá, rượu. Dần dà, cả một hệ thống cửa hàng thương mại đã hình thành.

Ở tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim. Kế đó là sự ra đời và phát triển chóng mặt chuỗi nhà hàng Sanborns – hệ thống nhà hàng cao cấp lớn nhất Mexico và có mặt tại hầu hết thành phố lớn.

Giàu lên nhờ khủng hoảng

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công chánh tại Trường Đại học tự trị quốc gia Mexico, năm 26 tuổi ông Slim đã có trong tay 40 triệu USD nhờ kinh doanh địa ốc và đầu tư chứng khoán.

Bản lĩnh làm giàu của ông Slim trong thời buổi kinh tế khó khăn đã bắt đầu lộ rõ hồi đầu thập niên 1980 khi nền kinh tế châu Mỹ La tinh rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Ông mua lại một loạt công ty sắp phá sản với giá rất thấp rồi bán lại, lãi gấp nhiều lần. Nhưng thành công lớn nhất là việc ông đứng đầu một nhóm nhà đầu tư trong đó có France Télécom (Pháp) và Southwestern Bell Corporation (Mỹ), mua lại hai công ty điện thoại quốc doanh Telmex và Telnor trong một cuộc đấu thầu công khai dưới thời tổng thống Carlos Salinas. Hiện 90% điện thoại hữu tuyến thuộc về Telmex.

Tới năm 1990, Carlos Slim mới chỉ được biết đến ở trong Mexico. Chỉ đến khi trở thành ông chủ của tập đoàn viễn thông Telmex lớn nhất châu Mỹ Latinh, Carlos Slim mới nổi tiếng toàn cầu.

Chính nhờ Telmex, Carlos mới trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Năm 1990, nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia.

Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật, thậm chí ông còn không biết tiếng Anh và cũng không biết dùng máy tính, nhưng Carlos Slim đã gom hết vốn liếng của mình để lao vào đấu thầu.

Với 1,7 tỷ USD, Carlos Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn này. Cách đây 14 năm, khi mua 1 cổ phiếu của Telmex, Carlos Slim chỉ bỏ ra có 0,8 cent.

Còn giờ, giá cổ phiếu của Telmex trên thị trường chứng khoán là 34 USD. Vào thời điểm hiện tại, giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 cho đến 12 tỷ USD.

Texmex là một trong những tập đoàn viễn thông đầu tiên trên thế giới có ngay dịch vụ Internet ADSL phục vụ khách hàng. Kề ngay sau những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, Carlos Slim tiếp tục làm các đối thủ cạnh tranh giật mình khi ông tuyên bố cung cấp miễn phí Internet cho thanh thiếu niên.

Sớm nhận thấy tiềm năng lớn của viễn thông

Mặc dù Mexico còn xa mới là một nước công nghiệp phát triển nhưng Carlos Slim đã đoán trước được sự giảm sút của mạng điện thoại dây truyền thống, thế vào đó sẽ là thời của điện thoại di động.

Năm 2000, mới chỉ có các công ty nước ngoài từ Mỹ và châu Âu hoạt động tại Mỹ Latinh. Công ty America Movil của Carlos Slim là công ty nội duy nhất có thể cạnh tranh được. Thế rồi, “trùm” về thị phần là Telefonica của Tây Ban Nha đột nhiên bị cạnh tranh dữ dội.

Đến cuối năm 2003, America Movil đã đạt số khách hàng là 40,4 triệu, đã chạm tới tương quan xấp xỉ về số lượng khách hàng 40,6 triệu của nhà cung cấp đến từ Tây Ban Nha này.

Ông tìm cách vươn ra các thị trường quốc tế, thoạt đầu là thị trường Mỹ Latinh dù kiến thức tin học của ông là con số 0. Năm 2003, Carlos Slim mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South tại São Paulocủa Brasil chỉ với 625 triệu USD.

Công ty Điện thoại di động América Móvil của ông cũng mua lại nhiều công ty điện thoại di động ở châu Mỹ La tinh và hiện trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn nhất trong vùng với hơn 100 triệu thuê bao. Vì vậy, người ta thường gọi ông là vua viễn thông ở châu Mỹ La tinh.

Carlos Slim không chỉ thành đạt trong lĩnh vực viễn thông. Trong tay ông hiện có hơn 200 công ty đủ ngành nghề mà công ty nào cũng làm ăn có lãi.

Năm 2009, trong khi những công ty khác khốn đốn vì cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu, các công ty của ông lãi 18,5 tỷ USD giúp ông vượt lên Bill Gates một cách sít sao nhưng ngoạn mục (53,5 tỷ USD so với 53 tỷ USD).

Giàu nhưng giản dị

Giàu có như vậy, nhưng Carlos Slim sống rất giản dị. Phòng làm việc của ông được bố trí không khác gì của một nhân viên bình thường nhất.

Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, lắm lúc quên cả ăn. Các nhân viên thuật lại rằng đôi lúc, họ có cảm giác Carlos Slim chỉ sống bằng những điếu xì gà luôn đỏ lửa trên môi.

Ông mặc những bộ quần áo rẻ tiền, đeo đồng hồ nhựa. Ông cũng không sắm xe hơi đắt tiền hay máy bay riêng. Ông cũng không dùng laptop đắt tiền mà vẫn chung thành với những cuốn sổ tay truyền thống.

Trong khi thế giới ca ngợi sự giàu có của ông, thì nhiều người dân Mexico chỉ trích làm giàu nhờ vào độc quyền. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Công ty Điện thoại Telmex mà ông và gia đình chiếm giữ 49,1% cổ phần và chiếm 90% thị trường Mexico, bắt khách hàng trả phí cao nhất thế giới.

Chính sự giàu lên của ông đã làm nhiều người dân Mexico lâm vào nghèo đói và buộc phải ra nước ngoài kiếm ăn.

Hà Thu

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

PHUƠNG TRÌNH TOÁN HỌC GIỮA NGƯỜI VÀ KHỈ


Cuối tuần cười phát nào. (Forwarded from LA).



Phương trình 1


Ðàn ông = ăn + ngủ + làm việc + giải trí

Con khỉ = ăn + ngủ

Tương đương hoán đổi: Ðàn ông = con khỉ + làm việc + giải trí

Chuyển vế và đổi dấu => Ðàn ông - giải trí = con khỉ + làm việc


Kết luận: Ðàn ông không giải trí (thì) = con khỉ làm việc




Phương trình 2


Ðàn ông = ăn + ngủ + kiếm tiền

con khỉ = ăn + ngủ

Suy ra: Ðàn ông = con khỉ + kiếm tiền

và chuyển vế đổi dấu: Ðàn ông - kiếm tiền = con khỉ


Kết luận: đàn ông không biết kiếm tiền thì chỉ = 1 con khỉ !




Phương trình 3


Ðàn bà = ăn + ngủ + tiêu tiền

con khỉ = ăn + ngủ

Ðàn bà = con khỉ + tiêu tiền

và cũng lại dùng phép giở quẻ đổi vế => Ðàn bà - tiêu tiền = con khỉ


Kết luận: Ðàn bà mà không biết tiêu tiền thì cũng như (=) khỉ thôi.




Vậy từ PT2 và PT3 ta thu được




1/ Ðàn ông không biết kiếm tiền = Ðàn bà không biết tiêu tiền

2/ Ðàn ông kiếm tiền để cho Ðàn bà không trở thành con khỉ (tiền đề 1)

3/ Ðàn bà tiêu tiền để cho Ðàn ông không trở thành con khỉ




Nếu cộng lại thì:

Ðàn ông + Ðàn bà = con khỉ + kiếm tiền + con khỉ + tiêu tiền



Do kiếm tiền mang dấu dương còn tiêu tiền mang dấu âm cho nên phương trình còn lại khi hai dấu triệt tiêu sẽ là:




Ðàn ông + Ðàn bà = 2 con khỉ sống với nhau... !!!!!!!!!!!! !!!!
Posted by lvu at 9:20 AM 8 comments
Reactions: