Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

CỤ BÁ

 CỤ BÁ


Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Cụ Nguyễn Bá Nội 1923-2023


Cụ Bá xuất thân từ vùng nông thôn, Cha mất sớm bà Mẹ gửi cụ cho một người cùng làng làm nghề chữa khóa ở phố Hàng Đồng, tỉnh Hà nội học việc. 


Với trí thông minh, tính ham học hỏi  lại hay lam hay  làm, chẳng bao lâu cụ đã nắm vững các bí quyết của nghề chữa khóa. 

Nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, am hiểu sâu sắc nguyên lí của các loại khóa. Với các anh thợ vụng sau một hồi vật lộn với ổ khóa hỏng hóc, mất chìa thường tư vấn cho chủ phá khóa nhưng cụ Bá thì không. 

Trong tay cụ hai que thép lần mò từng bi chốt trong ổ làm sao cho chúng đồng thời trong tư thế mở để xoay ra, rất nhiều khóa được mở trong sự trầm trồ tán thưởng. 

Tiếng lành đồn xa, các Tòa sứ quán nước ngoài ở Hà nội khi có sự cố hỏng khóa mất chìa, kể cả két bạc cũng thường phải vời đến người thợ tài hoa này.

Khi về già ngồi chơi trước cửa bỗng cụ thấy hai thanh niên khệ nệ mang một két bạc đến nhờ cụ mở sau khi đã nhờ hết các cao thủ trên phố mà không làm gì được. 

Mắt đã mờ tay đã chậm nhưng cụ vẫn gắng sức giúp một tay. Sau hơn một tiếng đồng hồ, cánh cửa két bạc mở ra . Bên trong rỗng không chỉ có một thanh quế lớn và cây bút Parker. Mấy cậu thanh niên ngượng ngập bỏ đi để lại cái két nặng chịch. Lúc đó cụ mới biết là đồ ăn cắp.

Người dạy chữa khóa là người thày đầu tiên của cụ , quan hệ thày trò gắn bó thân thiết mãi về sau. Hàng năm cứ ngày mùng 3 Tết Cụ Bá thường dẫn cả đàn con lít nhít đến chúc Tết thày là Cụ Quýnh ở phố Hàng Đồng. 

Đến khi làm thày cụ Bá cũng có những người học trò coi thày như cha đó là bác Niễn, tuy không có công sinh thành nhưng người Thày đã dạy dỗ chỉ bảo những bước đi đầu tiên trong nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống sau này. 


Dù sao chữa khóa cũng chỉ làm với tư cách cá nhân không mở rộng được cho nhiều người cùng làm việc cụ Bá quyết định thuê cửa hàng ở phố Hàng Đồng rồi Hàng Mã mua sắm máy tiện, máy hàn , máy khoan ... tuyển thêm nhân công làm nghề cơ khí trong cửa hiệu Phú Mỹ 69 Hàng Mã với mong muốn vừa giàu lại đẹp. 

Hà nội và các vùng phụ cận khi đó chủ yếu là các phố, làng nghề thủ công. Nghề cơ khí còn hiếm nên công việc nhiều, làm ăn cũng dễ dàng.

Vợ cụ Bá, một phụ nữ nông thôn chính hiệu khi về già thường tự hào kể với con cháu rằng thỉnh thoảng đi cùng ông chồng xuống bến cảng Sáu Kho Hải phòng mua nhiều thùng que hàn nhập khẩu từ Pháp quốc về cho Cửa hàng Phú Mỹ làm ăn ngày càng phát đạt.

Công việc ngập đầu nhưng hàng tuần thứ bảy hoặc chủ nhật cụ Bá mang khẩu súng săn tự chế đi cùng phường săn thú chim nơi xa Hà nội .Có hôm săn được con nai, con hổ chở trên xe mô tô thuyền mang về Cổng Đục Hàng Mã làm thịt, cả làng cả phố cùng xẻ chia , vui như Tết. 

Chính khẩu súng có khắc đầu rồng trên báng đã giúp bổ sung nguồn đạm cho gia đình Cụ từ chim trời trong những năm bao cấp đói kém khó khăn. Hôm nào Cụ đi săn tối đến, đàn con trông ngóng cha về trên ghidon hay gacbaga chiếc xe đạp đầy chim. Nổi lửa bếp lên, vặt lông chim, nứơng xèo xèo trên bếp thơm lừng là có bữa tươi. Ngon nhất là thịt chim xít rồi đến cu gáy, ngói, rẽ giun ,vịt trời , cò lửa , cò quăm....

Trước năm 40 tuổi cụ đã có chín người con nuôi thêm cô cháu gái là mười, cụ rủ ông bạn nghề thợ điện tên Viên ở phố Hàng Vải trước cửa Đình Thái cam mua hai cái nhà lớn cạnh nhau ở mặt tiền phố Hàng Đẫy của cụ Lương Xuân Ngoạn ( thân sinh họa sĩ Lương Xuân Nhị) với mục đích tạo dựng hai cơ sở cơ khí và điện cạnh nhau cùng phát triển sản xuất. 

Hàng Đẫy là một phố lớn nằm  theo trục Đông Tây nối liền Hà đông , Xứ Đoài với trung tâm chính trị và thương mại Hà nội

Khi đó là những năm cuối thập niên 50 của Thế kỉ 20. Hai cơ sở sản xuất của hai ông vừa là thợ vừa là chủ chuẩn bị hình thành đã không hợp thời . 

Trời đất gặp cơn nghiêng ngả . Đất bằng nổi sóng, cơn lũ quốc hữu hóa cuốn phăng dự định của hai Cụ và biết bao người khác trong mộng làm giàu. 

Tất cả các cơ sở làm kinh tế tư nhân không được phép hoạt động , tư liệu công cụ sản xuất phải đưa vào cơ sở của nhà nước hay tập thể. Kể cả nghề đan len, cắt uốn tóc... rất đặc thù cũng phải làm trong hợp tác xã.

Máy tiện , máy khoan , máy hàn ... của cụ Bá chuyển vào Hợp tác xã Núi Việt  theo hình thức công tư hợp doanh. Cụ Bá đi học tập vài ngày để hiểu thêm chủ trương của công cuộc chuyển đổi này , sau vài ngày đó Cụ Bá mang danh Tiểu chủ ( Chưa là Tư sản ) như là một dấu vết xấu xa, 

Các con còn bé trong ngôi nhà rộng phải dồn lại một nửa, một nửa dành cho việt kiều Thái lan và những người không quen biết về ở ???

Trong hai năm 1963-1964 , cụ Bá mất liền ba người con vì bệnh tật không thuốc chữa. Gia đình trong trạng thái hoảng loạn, từ người không hút thuốc lá cụ Bá trở nên nghiện nặng, lúc nào cũng điếu thuốc trên môi. trong vòng một tháng mái tóc đen trở nên bạc trắng . Khó khăn quá cụ phải bán một phần tư ngôi nhà cho chủ mới, gia đình chỉ ở diện tích một phần tư còn lại.

 Phía sau cụ là cả một gia đình hai bà Mẹ già cùng vợ con thơ bé . Cái đầu tầu ấy phải sống, phải chạy cho đoàn tàu được tồn tại .

Chỉ có chăm chỉ lao động, lao động sáng tạo mới làm được việc ấy. Nó giúp cụ Bá cùng gia đình vượt qua con sóng cả của cơn bĩ cực cuộc đời. 

Cụ làm bất cứ việc gì đòi hỏi sự khéo léo hay sáng chế ở nghề cơ khí. Làm từng cái kéo múc kem cốc cho  Phú gia, Bodega. Mùa hè nhà không có quạt nhưng luôn có cả chục cái của khách nhờ cụ sửa chữa nên gió vẫn mát trong nhà. Cụ làm cả những cái bay, bộ đục nhỏ cho các nhà điêu khắc tạo hình đắp tượng hay khắc gỗ. 

Khi quân đội nhân dân Việt nam dự định chế tạo xe máy ô tô còn nhờ cụ Bá chế tạo bộ khuôn thép để đúc antimoan làm cái Chế hòa khí ( Cacbuarator) , giá trị hợp đồng bằng nửa gia tài lúc bấy giờ.

Cho đến năm 1973 gia đình cụ Bá nhận được cái giấy gọi nôm na là Giấy xuống thành phần do ông Hoàng Ngọc Giao kí ghi rõ; Cụ Bá " tuy có tham gia học tập nhưng không thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh"

Nhẹ hết cả người, nhưng hỡi ơi máy móc tài sản nhà cửa đã hóa bùn cả. 

Lúc đó ở Hà nội bắt đầu có xu hướng xin lại nhà của mình do nhà nước quản lí nhầm. Cụ Bá nhờ nhiều vị nhưng khó khăn quá đành chịu, cụ nghĩ rằng thôi chỉ có ta mới đủ kiên nhẫn làm cái việc còn khó hơn lên trời này. 

Đơn từ trình bày có mấy thằng con đã lớn giúp bố mà không phải nhờ ai. Sự việc trình bày khúc triết ôn hòa không hề có từ ngữ nào nặng nề trách móc, chỉ mong rằng phần nhà kia mà nhà nước quản lí được về với chủ của nó như Châu về Hợp phố, một điển tích đẹp trong Truyện Kiều mà người Việt nào cũng biết.

Bằng cách như vậy, đằng đẵng hai mươi năm 1973-1993 cứ thứ ba, thứ năm hằng tuần có một ông tiên tóc trắng  như cước khoan thai chống gậy lên cơ quan ôn tồn trình bày nguyện vọng ở Sở nhà đất , UBND, quốc hội... với những người có trách nhiệm tiếp dân

Đến năm thứ hai mươi 1993 UBND TP Hà nội quyết định cấp cho Cụ Bá một căn hộ hai tầng 30 m2 ở khu Hồng Mai. Cả nhà xuống xem, cụ chê gần mương nước đen xin thành phố cấp nơi khác. Trường hợp này thành phố biết cả, sau khi trao đổi thành phố quyết định cấp căn hộ 30m2 hai tầng cho cụ ở Khương thượng . 

Với suy nghĩ Gạo đổ bốc chẳng đầy thưng, gia đình xin nhận ngay sau bao năm vất vả đi lại. Mà xin nói thật rằng Cụ Bá nhận nhà mà không mất một đồng bôi trơn nào cả, các cán bộ ngày ấy trong sáng vô cùng.

Khi làm thủ tục nhận nhà ở Sở Nhà đất , cô nhân viên bảo  : 

- Sao nhà anh may mắn thế , nhà em mất tòa ngang dãy dọc mà không có gì nhà anh mới mất một nửa lại được trả lại. 

Biết nói với cô ấy thế nào. Chỉ có chữ Nhẫn, chữ Nhân,  chữ Đức mới giúp Cụ Bá làm nên điều kì diệu đấy.

Những năm về già Cụ vẫn giao lưu với những cây đa cây đề về nhạc họa gần nhà . Cụ mạnh dạn viết lời Quốc ca mới nhờ phổ nhạc để dự thi trong đó có câu  "Việt nam ơi ! xin hiến dâng cho người tất cả " rất đặc sắc. 

Thấy phong thái bước đi dáng đứng của Cụ phù hợp, vị đạo diễn mời Cụ Bá đóng vai Thái y nhà Chúa trong phim Đêm hội Long trì, chỉ xuất hiện trên phim vài phút thôi nhưng cũng làm đạo diễn và người xem hài lòng. 

Nghệ sĩ điêu khắc Văn Liên ngồi mấy ngày ngắm cụ để đắp tượng bán thân cụ Bá tỉ lệ 1/1 tặng người mà nghệ sĩ kính trọng.

 Có thể nhận định rằng trong người cụ Bá nó đã có sẵn các yếu tố tài giỏi của người chủ, người thợ, con người diễn viên thơ ca nhạc họa. Khi gặp các điều kiện thuận lợi là bừng lên phát triển . Cụ Bá cũng hay nói rằng tuy không giàu có của cải vật chất nhưng tự hào là một con người phong lưu nghĩa là hết lại có vơi lại đầy, không gì ngăn cản được.

Gần sang Thiên niên kỉ thứ 3 vợ chồng cụ Bá quyết định bán ngôi nhà ở Khương thượng đi mua mảnh đất cắm dùi nơi chôn rau cắt rốn hơn một sào xây căn nhà ba gian làm chỗ đi về. Cho mỗi con chút lộc, đứa khá cho ít đứa yếu cho nhiều,  hai cụ giữ lại một phần dưỡng già phòng thân, lo hậu sự của mình mà không phiền con cái. 

Trong lễ mừng thọ 80 tuổi Cụ Bá nơi nhà mới ở quê, có câu thơ đánh giá cuộc đời Cụ rằng : 

Nhờ ơn Tiên Tổ có ngày nay

Chìm nổi thăng trầm rủi lại may

Số khá muôn nơi đâu cũng khá

Duyên may mỗi bước mỗi thêm may

 Cụ Bá sinh ra trong khó khăn, lớn lên trưởng thành trong vất vả nhưng đã sống một cuộc đời viên mãn. 

Ai về quan cũ, tổ dân phố  hay làng quê Yên phú, Giai phạm, Yên mỹ , Hưng Yên hỏi thăm cụ Nguyễn Bá Nội chắc chắn nhận được đánh giá về cụ Bá là một con người giàu lòng nhân ái đức độ và vị tha. 


Đó là một cuộc đời đáng sống.


Đến năm 2008 Cụ Bá tìm được xe mây, thong thả về Trời.

Năm nay 2023, sắp đến ngày Giỗ Cụ và kỉ niêm 100 năm ngày sinh của Cụ Bá, chép lại một phần nhỏ các sự kiện để tưởng nhớ công ơn trời biển của Cụ Nguyễn Bá Nội , người cha kính yêu của chúng tôi .

Mùa Hè 2023

 Hạ chí 21/6

NBS 

Ảnh : Tết đi thăm Văn miếu

Tượng bán thân Cụ Bá (1923-2008) 

do Nhà điêu khắc Văn Liên tặng.[Album]







  




Tết đi thăm Văn miếu