Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

MŨI CÀ MAU 2023

 MŨI CÀ MAU 2023



Xin chào các bạn 


 Mấy chục năm trôi qua kể từ ngày ra trường, chúng ta đã tổ chức gặp mặt ở các địa điểm : TP Văn sơn Châu Hồng hà Trung quốc,  Hà giang, Quảng ninh, Sapa Lao cai,  Thái nguyên, Hà nội, Ba vì Núi Tản sông Đà, Thanh hóa, Huế, Đà nẵng, Quảng Nam, Nha trang, Tây nguyên , Đà lạt , Sài gòn , Vũng tàu ....vv.. và..vv .


Năm ngoái Hội chúng mình đã gặp nhau ở Mũi Sa vĩ Móng cái Quảng ninh, bây giờ đây là Mũi Cà mau, một miền quê đặc biệt mà "cây mắm đi trước cây đước theo sau" cùng với bộ rễ tuyệt vời có khả năng giữ lại những hạt phù sa li ti màu mỡ mát rượi làm cho Đất đai tổ quốc ngày càng sinh sôi. 

Mũi Cà mau nhiều người đã đến nhưng nơi chúng ta tổ chức gặp mặt thì là lần đầu tiên.

Đó là địa danh thân thương trên vị trí trọng yếu của đất nước mà người Việt nam nào cũng  biết, cũng muốn một lần  được đến trong đời.


Chúng ta đến đây để thấy non nước quê hương tươi đẹp rộng dài, đó là công lao to lớn của lớp lớp tiền nhân đã vượt qua muôn ngàn gian khó trong sự nghiệp vĩ đại " mang gươm đi mở cõi "


Không chờ đợi họp lớp họp khóa, các nhóm nhỏ tập hợp lại còn đi xa hơn, đến nhiều nơi hơn nhằm tìm kiếm thú vui khám phá , mang lại hạnh phúc đơn sơ của sự xê dịch.  

Trong từng chuyến đi, bạn bè cùng nhau thưởng thức những bàn tiệc sang trọng hay bữa cơm đơn sơ bên gốc cây dòng suối, cùng cảnh đẹp thiên nhiên sinh động hơn cả những bức tranh. 

Các cuộc du ngoạn  đã để lại trong lòng mỗi người những kỉ niệm sâu sắc thú vị về tình bạn, tình đồng môn không thể nào quên.


Mỗi lần gặp gỡ là thấy vạn vật biến đổi theo thời gian nhưng luôn luôn còn thấp thoáng trong ta hình ảnh thuở sinh viên đẹp đẽ đáng yêu tuy thiếu thốn nhưng đầy nhiệt huyết mộng mơ. 


Đất nước gấm hoa 63 tỉnh thành còn rất nhiều địa điểm hấp dẫn đang chờ đón các kì họp lớp họp khóa của chúng ta trong tương lai. 

Nhân đây thay mặt anh em, cảm ơn hai bạn Trần Anh Tuấn , Lê Cao Tuấn đã giúp chúng ta tổ chức một cách hoàn hảo cuộc vui này .


Xin mời các bạn nâng cốc, chúc mừng cho nhau mạnh khỏe vui tươi,  say sưa hết mình với  Dạ tiệc ở Năm Căn hôm nay và hẹn hò  nhau, tay bắt mặt mừng trong các kì gặp gỡ tiếp theo.

Chúc tất cả các bạn mạnh khỏe hạnh phúc và bình an. 

Xin cảm ơn

10/2023

NBS 

 


Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

CHUYỆN CỦA THÀNH

 CHUYỆN CỦA THÀNH 


Cứ mỗi độ Trung thu về nhóm cựu chiến binh sinh viên chúng tôi lại tụ tập kỉ niệm ngày nhập ngũ 13/9/1972. Gặp mặt nhau nói bao nhiêu chuyện vui buồn đã qua. 


Năm nay đặc biệt Thành ốc sau cú đột quị kinh hoàng tưởng chết đã tự đến một mình với vóc dáng nhanh nhẹn khỏe mạnh hơn, nói năng mạch lạc lưu loát. Thành còn mang hai chai rượu votka ngoại lớn cho anh em uống thỏa thích. 

Ai cũng mừng cho người đồng đội có ý chí nghị lực  rèn luyện không ngừng để có ngày hôm nay. Chính vì vậy, Trung tướng Niết yêu cầu  đăng lại CHUYỆN CỦA THÀNH trích từ loạt bài KÍ ỨC MĨ THO - GÒ CÔNG của tôi sau hai lần đi Đá biên có ghé qua miền quê tươi đẹp này.



***


 Lại nói về Gò công, nơi đây cũng là một vùng quê gần biển trù phú, làng xóm nhà cửa nép dưới vườn dừa tươi tốt, cây trái xum xuê.  


Những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh non mơn mởn, gió thổi dìu dịu làm thành những làn sóng xanh trên biển lúa. 


Ai có năng khiếu văn chương chắc dễ dàng tìm thấy áng văn thơ gợi lên miên man đầy nhịp điệu màu sắc .  

Đường vào xóm


Ở Gò công thấy nhiều nhà xây to cao 5-6 tầng, cửa sổ tin hỉn như những lỗ châu mai lô cốt, dân bảo đấy là những nhà có tiền xây để dụ chim yến về làm tổ. Mỗi mùa thu hoạch tổ yến có thể thu về bạc tỷ, nông dân bây giờ nhiều tỷ phú hơn ở thành phố.

Nhờ đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, sản vật thiên nhiên dồi dào, việc kiếm tiền đơn giản. Việc gì phải đi đâu. Người ta bàn cách làm giàu nhiều chứ ít người bàn kiếm ngày hai bữa. Phong cảnh thật là thanh bình thơ mộng.

Hình như nhờ vậy mà con người Gò công cũng rất thân thiện, nơi đây nổi tiếng nhiều con gái xinh tươi, trong các cuộc thi sắc đẹp miền Tây thì con gái Gò công đều được đánh giá cao.

Nam Phương Hoàng hậu, vợ của Bảo Đại vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt nam,  xuất thân là con gái Gò công.
Nam Phương Hoàng Hậu

Ông Nguyễn văn Thiệu quê ở Phan rang Ninh Thuận có người vợ là Nguyễn Thị Mai Anh người đẹp Gò công từng một thời là Đệ nhất phu nhân VNCH.

Mấy chục năm chiến tranh nhưng Gò công không thấy mùi thuốc súng không có trận đánh nào vang dội khốc liệt ở đây, vùng lõm giải phóng như Đồng tháp, Lộc ninh không có. 

Chính quyền cũ làm chủ vùng này một thời từ 1954-1975,  ta vẫn gọi là vùng bị tạm chiếm.

Trung đoàn 24 về Gò công đóng quân sau giải phóng. Gọi là đóng quân nhưng có căn cứ doanh trại gì đâu, trước ở trong rừng thì làm lán, mắc võng ngủ bất cứ nơi nào có thể. Nay hòa bình thì ở lẫn trong dân, mỗi nhà hai ba anh. 

Trong dân thì thiếu gì con gái, con trai ít hơn vì phần đi lính, phần bị chết trong cuộc chiến ở nhà còn lại chủ yếu là ông già hoăc các cháu chưa đến tuổi quân dịch.

Miền Bắc giai đoạn này cũng vậy, nông thôn chỉ toàn bà già con gái và trẻ em, đàn ông ở nhà thì sứt môi lồi rốn điếc lác. Trong thực tế như vậy vung méo có thể đậy Nồi tròn. 

Những thanh niên cao to trẻ khỏe phần lớn đi bộ đội. Có thể nói hai bên đã gửi ra chiến trường những thanh niên ưu tú nhất của mình. 

Mỗi dịp có bộ đội về đóng quân ở làng một vài tháng thì đúng là bữa đại tiệc cho đám con gái đương thì, cho cả các chị quá lứa, các bà góa chồng. 

Cũng phải thôi, con người chứ đâu phải là gỗ đá ?.




Các chú Giải phóng về đây oai phết, người chiến thắng mà. Các người lính thua trận đi học tập, cải tạo về gặp các anh then lét như “ rắn mùng năm”. Họ tưởng giải phóng dữ dằn tàn ác lắm, đâu có phải như vậy.

Một việc sai trái mà tuyên truyền nhiều lần có khi thành đúng, nếu chỉ nghe mà không cân nhắc suy sét dễ bị lầm, nên các Cụ nhà ta mới dạy: Trăm nghe không bằng một thấy.

 Với phụ nữ thì cũng vậy, từ thái độ lo lắng dò xét chuyển sang tò mò tìm hiểu bình phẩm anh này anh kia, thì thào to nhỏ khúc khích cười như bắt được của. Nhất là đám con gái mới lớn rất thích nói chuyện với các chú, coi các chú như những nhà thông thái. 

Các chú mang đến quê Gò công những khuôn mặt mới, cũng thân thiện nhẹ nhàng lại còn nói chuyện rất hay và dí dỏm nữa mới chết chứ lỵ. Rồi những cái liếc mắt ý nhị, những tình cảm săn sóc tưởng như vô tình….

Về Gò công bọn tôi đến chợ Gò công đông. Lương rất chu đáo ghé vào chợ mua trái cây tươi nói là để thắp hương cho ông chủ nhà nay đã mất. Nhà quen Lương là chủ một tiệm thuốc bắc Tân sanh đường ngay cạnh chợ.
Chợ gò công đông


Chợ


Nhà thuốc y học cổ truyền Tân sanh đường

Sau màn cà phê chào hỏi,  trong lúc chờ anh Tư Sanh gọi các chiến hữu gầy bữa nhậu buổi trưa, bọn tôi có nhã ý mượn 2 xe máy vào ấp Tân xuân tìm người quen. 

Hỏi thăm đường


Nhà đây rồi


Ngôi nhà xinh xắn trong vườn

Mấy chục năm đã qua, xóm ấp khang trang lên nhiều nhưng cũng rất vắng vẻ,  con trai con gái đi làm ăn xa, Lương Hàm vẫn nhớ đường đi lối lại. Hỏi thăm một chút là đến đúng nhà chị Hai…..

Chị Hai và người cháu

Quá đỗi ngạc nhiên chị Hai cũng nhận ra Lương:
-         Các chú từ Hà nội vô hả, có khỏe không?
-         Vâng.



chụp với chị Hai


Chị Hai và cháu
Chị hai khoảng hơn 60 tuổi, trắng trẻo nói chuyện nhẹ nhàng. Tuy nhiên chị vẫn còn giữ được nét đẹp của thời con gái. Với lứa chúng tôi chị Hai lớn tuổi hơn nên chị chị em em thân mật.

 Năm xưa chị cũng quen thân thiết với anh Thọ đại đội phó của E24, chi tiết thì mấy anh em không rành.  Hỏi thăm, chị vẫn chưa lấy chồng, hiện ở với gia đình người em. Một chút ái ngại thông cảm, anh em chào chị nói là đi tìm Chín Dao.

Ở nước mình, có bao nhiêu chị em vì chiến tranh mà không bao giờ lấy được chồng, không bao giờ được hưởng hạnh phúc lứa đôi ?. 

Một câu hỏi bình thường, nhưng hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ và tự hỏi rằng người con gái đó là chị ta, em gái ta, người nhà ta thì mới thấu hiểu và thông cảm. 

Chiến tranh thật là tàn ác và đáng ghét.

Lại nói về chín Dao, em có một cái tên rất đẹp là Ngô Thị Quỳnh Dao. Quỳnh Dao là tên một nhà văn nổi tiếng Đài loan. Có khi cha mẹ ghép tên loài hoa quỳnh hoa nở về đêm và  cây dao hay trồng cạnh nhau thể hiện tình yêu đôi lứa  chứ không phải là dao búa chi cả. 

Nếu chưa biết mặt, gọi chín Dao cứ cảm thấy ghê ghê tưởng là dân giang hồ anh chị bụi đời. Chín Dao là cô thôn nữ nông dân chính hiệu Gò công, Dao có vẻ đẹp hiền thục của người con gái nông thôn. 

Thành ốc đóng quân gần nhà Dao, gọi là ốc vì trước khi đi lính hắn đeo cặp kính cận dày cộp lồi lồi như con ốc nhồi. Đơn vị cũng có vài Thành gọi Thành ốc, Thành sò, Thành ma tắc.....cho dễ phân biệt.

Bộ đội ở trong dân có nhiều cái hay. Quần áo không rách thì dứt đứt khuy rồi mon men mượn kim chỉ. Ở trong rừng thì ít khi đứt cúc, ra ngoài này chỉ cứ tuột, thật khó hiểu ???. 

Chết nỗi chú nào cũng nghĩ chín  Dao là kho kim chỉ của bộ đội. Hết khâu khuy lại vá quần áo, từ chối cũng khó lắm chớ bộ. 

Ở gần một vẻ đẹp như thế thì xung quanh ong bươm bay rào rào. Một thanh niên trai tráng khỏe mạnh như Thành ốc cũng sớm biến hình thành một chú bướm sặc sỡ vờn quanh đóa hoa quỳnh dao. 

Đám ong đất, bướm ma...tự nhận thấy mình không được màu mè như bướm ốc, biết thân biết phận từ từ rời khỏi hũ mật Gò công ngọt ngào.

Một mình một chợ, bướm ốc tha hồ khám phá xứ sở thần tiên. Các chú khác đứng từ xa thôi và thầm ao ước ....

Nếu mọi việc cứ tuần tự như tiến thì nay chúng ta có thể thấy cả đàn nghêu, hến, trai, trùng trục.....ra lò, đang ngày đêm ra sức thi đua xây dựng quê hương Gò công giàu đẹp. .

Nhưng..... Sự đời  đâu có đơn giản như vậy, cái này có thể giải thích là ông Tơ bà Nguyệt đã quá lơ đãng mà không buộc chân chúng lại với nhau.

Ở được vài tháng, tình hình thay đổi anh em lính tráng không rõ cụ thể thế nào nhưng có lệnh di chuyển rất khẩn trương. Xe quân sự mấy chục chiếc ở đâu chợt đến, mọi người thu dọn đồ đạc vũ khí lên xe. 

Các mối tình hoạt động bí mật nay ra công khai. Bịn rịn, thút thít lưu luyến tiễn đưa hẹn ngày trở lại. Chín Dao khóc lóc, đứng chặn đầu xe quyết liệt giữ lại cho mình chú bướm sặc sỡ tưởng như không sức mạnh nào ngăn nổi. 

Quân lệnh như sơn mà Chỉ huy đơn vị cũng ngần ngừ:
- Thôi ...cho thằng Thành ở lại.
-......??
Dùng dằng, dùng dằng ....chân đã bước đi mà lòng còn ở lại. Đột  nhiên Thành quyết đình theo đơn vị và suy nghĩ trong đầu sẽ tìm cách về sau. 

Đoàn xe rùng rùng xuất phát xa rời làng quê mới hôm nào còn chưa quen còn lạ lẫm mà nay đã thân thương và còn có cái gì đó để mà nhớ nhung. 

Ngoái lại từ xa vẫn thấy thấp thoáng những cánh tay vẫy vẫy trong khóe lệ ướt nhòe. Lòng vẫn hẹn sẽ về, nhất định sẽ trở về. Thấm thoát thoi đưa, mấy mươi mùa hoa điên điển trôi qua mà chưa thấy ai đó về thăm.....

Sen tàn cúc lại nở hoa.
Sàu dài ngày ngắn đông đà sang xuân..( Nguyễn Du )

Trong chuyến du hành trở lại miền nam của mấy anh CCB kỳ này Thành ốc  bận việc nhà, không đi. Anh em có mang theo máy quay, dự kiến ghi hình phỏng vấn chín Dao và mang thông tin ra Hà nội. 

Trước khi đến mọi người  tranh nhau đoán tình hình chín Dao. Anh em cũng nhanh chóng tìm thấy nhà Dao cách nhà chị Hai vài cây số.

Một căn nhà đơn sơ vắng người cửa đóng then cài hiện ra trước mắt, cổng băng các thanh gỗ ghép tạm.
Nhà chín Dao đây rồi


Ngẩn ngơ quay ra vì ngươi cũ đi vắng

Hỏi thăm mấy cô làm cỏ lao xao bên ruộng lúa cạnh nhà, nói Chín Dao đã mấy lần lên xe hoa. Hiện giờ chồng con đầy đủ, được mấy lớp con trở thành má sắp nhỏ đàng hoàng, đang đi chợ sắm đồ chiều mới về.  

Anh em cũng nghĩ trong sắp nhỏ kia thể nào cũng có một chú ốc con chứ lại không à. 

Nhẹ hết cả người, dù kế hoạch ghi hình phỏng vấn không làm được nhưng cũng có chút thông tin tốt mang về, một cái kết có hậu.

Lặn lội vài ngàn cây số tìm hộ người cố tri cho ông Ốc, kỳ này nhận được tin tốt thì Thành ốc chắc phải mời anh em vài chén để cảm ơn.


Anh Minh Dân lính sinh viên Đoàn 2013, người CCB E 24 đã hết sức tích cực giúp đỡ mang cây hoa sữa vào Nam. Hôm nay Dân  phối hợp với VNPT Tiền giang mời anh em cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, bạn bè thân hữu vùng Mỹ tho dự bữa cơm chiều 12-10. 


Bữa đó có thêm anh Phách, Vi Văn Thịnh, Thuật...E24 , anh Huế, Mạnh, anh Thông... E 207 người lính đặc công nhận trách nhiệm đón đưa mấy cô em  của hai Trung đoàn: Ngọc Dung, Hiền Lương, Thanh Hằng, Phương Thảo.....đến Đá biên rồi đi du lịch miền Tây Nam bộ.

Anh Thái phụ trách VNPT Tiền giang cùng các nhân viên tiếp đoàn, món ăn ngon lành rượu bia tuôn chảy, cuộc giao lưu náo nhiệt chuyện trò nổ ran . 

Anh Thái và nhiều người khác cứ tưởng trận đó chết hết không còn ai. Thậm chí anh Mùi người thoát nạn tại Đá biên cũng cho rằng E207 đã xóa sổ ??? 

Minh Dân bảo các anh sống sờ sờ đang uống rượu đây này. 

Lương bỗng đặt vấn đề:

- Chúng tôi ngày mai đi Gò công đông là nơi đóng quân cũ, có nhiệm vụ quan trọng tìm một bóng hồng ngày xưa . Cách đây hai năm đã tới đó nhưng chưa thấy.
- Chị ấy ở đâu ?
- Ấp Tân xuân Gò công đông.
- Em có một nhân viên dưới quyền ở đó, em bảo chú ấy ra ngay.
- Thế thì tốt quá.

Chẳng mấy chốc, anh đó ra tới. Thái giới thiệu:

- Đây là Đạt, anh cần gì cứ nói.
- Chào Đạt, anh bạn tôi mắc chứng sợ độ cao không đi máy bay được hơn nữa năm nay anh lại bận bịu không có điều kiện vào đây, có đưa tôi 10 triệu đồng với nhiệm vụ vào tìm gặp Chín Dao ở ấp Tân xuân Gò công đông, lấy thông tin chụp hình phỏng vấn bóng hồng mang ra cho anh ấy. 
Phục các chú ghê, bao nhiêu năm mà cũng không quên người tình cũ. Nhà cháu ở cạnh nhà cô Chín Dao, nếu mai các chú đến cháu gọi điện về nhà để ba cháu bảo cô ở nhà đón. 
- Thế thì còn gì bằng. Lương phấn khởi ra mặt, phần thưởng đã trong tầm tay.

Cuộc vui tưởng chừng như không thể dứt. mọi người phải đề nghị ngừng để mai các anh còn đi làm và đoàn thì hành quân tiếp.


Hôm sau, đoàn trở lại Gò công. Trên con đường vào xóm nhỏ, mỗi cơn gió thoảng cánh đồng lúa đang thì con gái lao xao đón chào các bác cựu chiến binh . 

"Chiến trường "xưa
Đồng quê cây cỏ xanh dịu thật mát mắt, yên ả thoáng đãng. Ai nấy phơi phới trong lòng, xua đi ưu tư ngày thường mà mơ ước đến được xứ sở thần tiên như trong cổ tích.
Thăm lại " chiến trường " xưa

Mấy năm trước vào tìm mà có giáp mặt cô Chín được đâu. Cười nói rổn rảng phán đoán các tình huống  nhưng ai nấy đều hồi hộp khi trở lại quê ngoại người đồng đội. 
Đoàn "nhà trai"
Xe gần đến nơi không thể đi tiếp, mọi người xuống xe chỉnh đốn trang phục đi thành hàng nghiêm chỉnh. Phân công tại chỗ anh Niết, anh Bằng làm trưởng phó đoàn nhà trai, như đi "hỏi vợ' cho Thành ốc vậy.

Phấn khởi ra mặt khi gần đến nơi
Cánh cổng nhà cô Chín Dao năm nay rộng mở, chủ nhà biết rằng hôm nay có khách. 

Trưởng đoàn lên tiếng:

- Cô Chín có nhà không ? Có khách đây nè.

Cô chín ra đón người quen nè

Không có tiếng trả lời, chỉ thấy ngôi nhà nhỏ cánh cửa mở toang nhìn ra vườn cây cối xanh tươi. Trưởng phó đoàn rồi lần lượt các thành viên bước vào.


Một bóng người đi ra dáng vẻ luống cuống, may quá trong balô còn mấy gói kẹo ngon, tôi liền lấy ra đón tay các cháu bé.

Phân ngôi chủ khách xong xuôi mọi người quây quần trước hiên nhà uống nước chuyện trò thân mật.
Hàn huyên chuyện cũ với Chín Dao
Từ trái :Tình, cháu bé, Chín Dao, Mùi, Bằng, Lương, Phục, Niết, Sỹ , Luật

- Chào cô chín, năm 1975 hồi mới giải phóng anh em chúng tôi đóng quân ở đây hôm nay về thăm. Có nhớ anh Thành ốc không ?

- Mời các anh vô chơi. Em không biết anh Thành ốc, chỉ biết anh Phạm Xuân Thành, người Hà nội.

Thì ra trong lòng cô em chưa bao giờ có biệt hiệu " Thành ốc ", cô chỉ nhớ anh lính giải phóng trẻ trung cao ráo đẹp trai nói chuyện hấp dẫn, đá banh giỏi và có nhiều tài lẻ là anh Phạm Xuân Thành. 

Trong những ngày đầu hòa bình gió mát trăng thanh, anh đã kể cho cô nghe biết bao nhiêu câu chuyện rất hay về một nơi xa xôi mà cô chưa đến bao giờ đó là Hà nội.

- Hôm nay chúng tôi về đây có một việc quan trọng mà anh Thành nhờ cậy là gặp cô Chín thu nhận thông tin mới nhất chuyển cho anh ấy. Thành bây giờ là đại gia rồi thế nào anh ấy cũng có ngày về thăm. Thế mấy mươi năm qua anh Thành có liên lạc với em không ?

- Không gọi chi cả, người đâu mà bội bạc !!! 

Trong giọng cô có một chút hờn trách người xưa. 

Tình giở IPAD giới thiệu ảnh chụp anh Thành đang ngồi câu cá, bây giờ đã là ông Thành  bệ vệ oai phong nhưng trong ảnh vẫn là hình bóng Thành lanh lợi  dáng vẻ phong lưu.


Thành đây này
 Lương liên lạc ngay với Thành báo tin mừng và để cho hai người nói chuyện ngay. Hỏi thăm ríu rít như đôi chim, cô chín dường như trẻ lại, vui thật là vui.
Liên lạc ngay
Có lẽ hôm nay Chín Dao là người hạnh phúc nhất. Ở dốc bên kia của cuộc đời mà còn có người quan tâm thăm hỏi. Dễ gì trong mỗi chúng ta có được niềm vui như thế.
Phút chia tay, biết bao giờ trở lại
Thông tin đầy đủ, nhiệm vụ đã hoàn thành. Lương và anh em phấn khởi chào Chín Dao ra về với lời nhắn, thế nào cũng có ngày ai đó về thăm.

Trên đường hành quân tiếp tục mọi người bình luận sôi nổi 

- Lương ơi, Còn phần thưởng thế nào, phải cho anh em ké đấy nhé.
- Nhất định rồi, lộc bất tận hưởng, vui một mình thế nào được.

Lương hỏi anh Niết Trưởng Đoàn :

- Anh đánh giá thế nào về cô "em dâu" của anh ?

Trầm ngâm một lát, anh buông ra chắc nịch:

- Nét, quá nét. Kính phục thằng Thành !!!



Nguyễn Bá Sỹ 
9-11-2013


P/s
Có một thông tin mới muốn chia sẻ với các bạn yêu quí : 

Bạn Nguyễn Hoài Nam Tác giả bài viết "Miếu Bắc bỏ và những ông Thành hoàng đội mũ cối" nổi tiếng nay cùng gia đình vợ con đã trở thành công dân xứ sở Man ta , anh đã mở và kinh doanh thành công Quán PHỞ NUMBER ONE ngay tại Thủ đô của nước này.

Những người góp công xây dựng Miếu Bắc bỏ  đều có một cuộc đời hạnh phúc.

Xin cám ơn bạn Thành, người con hào hoa của Hà nội  đã giúp tôi cảm hứng để ghi chép lại câu chuyện rất tình người này. Có gì chưa phải mong ông bỏ qua. 

Chúc ông bạn đồng đội  cùng phố mạnh khỏe  vui vẻ và bình an

Tìm thấy người xưa rồi nhân vật của chúng ta đã cảm thán mà viết lên mạng xã hội rằng:

Anh chưa là Đại gia
Nhưng cũng làm giám đốc
Anh chỉ là thằng ngốc
Giữa cuộc đời bơ vơ.

Chắc vì khiêm tốn anh mới viết như thế chứ cái ngốc của anh ấy còn khối thằng phải học tập và làm theo. 

Thông tin chỉ có thế. 

Họ có về với nhau không thì người trong cuộc mới biết, chúng ta chỉ mong rằng câu chuyện sẽ kết thúc trong sung sướng và vui vẻ.

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

BÂY CHỪ TÍNH SAO ?

 CON NGƯỜI LÀ SẢN PHẨM CỦA HOÀN CẢNH


Ông bạn cựu chiến binh sinh viên cùng nhập ngũ ngày 13/9/1972 của chúng tôi đã trải qua những ngày gian nan của cuộc chiến tranh  đẫm máu không bao giờ quên.

Ơn trời, ông cũng như anh em chúng tôi vượt qua cơn bĩ cực sống sót trở về , được đi học lại thực hiện ước mơ nhỏ nhoi ngày thơ bé.

Rồi tình yêu đến, anh lấy vợ sinh con được hai gái một trai. Khi các con vừa lớn, cơn gió đổi mới cũng ùa tới. Nó cùng nền kinh tế thị trường mang lại cơ hội du học cho những người không phải là hậu duệ của ai đó gọi là COCC. 

Khác hẳn trước đó, căn cứ một vài tiêu chuẩn tự nghĩ ra các bác ấy đóng dấu mac QR cho một số người rồi cho đi đào tạo ở nước ngoài ???

Xuất thân người bình thường, biết cha mẹ còn khó khăn các cháu chăm chỉ  học hành và học rất giỏi, cả ba đứa tự mình kiếm được học bổng của xứ sở Canguroo xa xôi.

 

Thời gian qua đi, cô lớn lấy chồng là Việt kiều tại Úc. Không giống kiểu dụng nhân mang  nhãn hiệu 4 ệ, cô hai hiện cũng là công chức của chính quyền sở tại nhờ chiến thắng qua các kì thi tuyển người hàng năm. . Cậu út nhờ hai chị dìu dắt cũng đã tốt nghiệp đại học bên đó và sắp sửa thành công dân Úc trong một ngày không xa.

Ông tâm sự với đồng đội rằng : 

- Tháng Mười này tôi không đi Đá biên được, phải đi sang đó thăm các con cháu. Chán quá các ông ạ , chúng nó bỏ đi hết, chỉ còn hai ông bà già ở nhà. Buồn lắm.

- Ôi dào, mọi nhà mong có một đứa như con ông mà chả được. Ông có ba đứa đều thành đạt , sướng thế còn gì.


***


Mấy hôm trước đồng đội gặp gỡ nhân ngày nhập ngũ , ông kể chuyện người bạn ông than phiền rằng có thằng con học xong học kì cuối đại học về xin ông 30 triệu để thuê làm Đồ án tốt nghiệp ???


Một tin động trời tại giai đoạn Thế giới đang ào ạt tiến vào Kỉ nguyên số, gọi là Thế hệ 4.0 !.  

Trong lịch sử Đào tạo có ở đâu, ở nước nào, trong giai đoạn nào sinh chuyện trạch đẻ ngọn đa như thế này không ?. Lỗi ở ngành Đào tạo, nhà trường, thày cô hay xã hội ? Cử nhân tốt nghiệp kiểu này rồi làm cái gì ?. 


Sản phẩm lỗi của một dây chuyền sản xuất mà được sử dụng chắc chắn sản sinh những hệ lụy không thể lường trước chuyện gì sẽ xảy ra. 


Cuộc sống vẫn sinh động như nó vốn có. 

Ở bầu thì tròn mà ở ống thì dài.



13/9/2023

NBS

Ảnh : Ông ấy đứng trong nhóm này