Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

KỈ NIỆM NHỎ VỚI NHÀ THỜ LỚN HÀ NỘI

  KỈ NIỆM NHỎ VỚI NHÀ THỜ LỚN HÀ NỘI


Bất cứ ở đâu cũng có đặc sản vùng miền làm cho người ăn  nhớ mãi. Hà nội là khu kinh tế mới của các tỉnh, nơi tập trung đủ mọi thành phần có thể nói là tinh hoa của cả nước. 

Các món ăn ngon cũng theo đó mà về cộng với sự thưởng thức tinh tế của người kinh kì làm món ăn lan tỏa tiếng thơm mà lan truyền bay xa mãi. 

Lũ bạn cũ đã về hưu bây giờ có cái thú cùng  nhau đi tìm ăn những món ngon cuả Hà nội xưa để thưởng thức, tụ tập chém gió bình luận rôm rả rồi mấy bà ăn mặc đẹp đẽ  như tiên chụp ảnh đăng lên facebook. 

Cũng là niềm hạnh phúc đơn sơ mà nhiều người tìm kiếm.

Bọn này đi ăn, đi chơi mà không phải lo hoàn thành bài tập cô giáo giao về nhà, không lo cha mẹ nhắc nhở thời gian vì đơn giản họ bây giờ đều trong độ tuổi nghỉ hưu. Một quãng thời gian ai cũng phải công nhận là sung sướng, tự do thoải mái của cuộc đời. 

Không còn phải lo con cái , cơm áo gạo tiền chỉ cần có  sức khỏe thì tha hồ ngắm gió thổi, mây bay, nghe chim hót líu lo buổi sớm, ngắm cây cỏ đang ngái ngủ còn đọng sương mai . 

Để chuẩn bị cho một buổi gặp gỡ chu đáo với các bạn học chung cách nay hơn nửa Thế kỉ, tôi cùng anh bạn khảo sát vài điểm nổi tiếng. 

Phở Ấu Triệu là một địa điểm như thế, quán phở này không rộng nhưng thực khách ra vào liên tục. Phở ngon hay không thì tùy khẩu vị của mỗi người nhưng theo tôi chắc chắn là một quán phở ngon.

Bữa ăn sáng cùng các bạn thật là ngon và vui vẻ. Xong xuôi kéo nhau sang quán Lục thủy ven bờ hồ  uống cà phê rồi thưởng thức cốm mùa thu mềm mại thoang thoảng hương nếp mới trong gói lá xanh dịu. 

Cuối cùng là màn trình diễn thời trang bên hồ để các tay máy lưu lại những nét mặt tươi rói, nụ cười rộng mở, ánh mắt thỏa mãn, phơi phới trong lòng của các thiếu nữ mười tám đôi mươi cách đây 50 mươi năm.


***


Ấu Triệu là một phố nhỏ , từ trong quán nhìn ra là một công trình xây dựng nổi tiếng đó là Nhà thờ lớn Hà nội . Không biết tự khi nào, ngày Lễ Noen bên Công giáo cũng là ngày vui của mọi người , nhất là lớp trẻ. 

Hà nội có nhiều nhà thờ nhưng Nhà thờ lớn là nhà thờ chính tòa nên trang trí hay tổ chức sự kiện là to nhất, vui nhất.

Thuở ấu thơ đến ngày này lũ trẻ con phố phường vui lắm kì công từ nửa tháng trước chuẩn bị súng bắn diêm để gây tiếng nổ, nhảy chân sáo hòa cùng dòng người nam thanh nữ tú dập dìu từ Phủ Doãn , Tràng Thi, Hàng bông, hàng Gai, Hàng Trống ,Nhà Chung, Lý Quốc Sư, Ấu Triệu , Ngõ Huyện... hướng về nhà thờ lớn đèn nến sáng trưng . 

Đến 12 giờ đêm là Lễ chính ai cũng muốn chen chân vào xem hình ảnh Chúa Hài đồng ra đời trong hang đá trên một máng cỏ.

Với Nhà thờ lớn tôi có một kỉ niệm nho nhỏ. Khi đất nước mở cửa, tôi đi làm trong một công ti Liên doanh. Ông chủ tịch là người Mĩ gốc Ytalia tên là Alfonso Leon Demattis chắc là một con chiên ngoan đạo, ông giao cho tôi công văn của Công ti gửi Nhà thờ lớn xin việc làm không công là đề nghị Nhà thờ cho phép Công ti tân trang và sơn sửa lại Tượng Đức mẹ tại quảng trường phía trước Nhà thờ. 

Là người ngoại đạo, theo nhiệm vụ được vào tận nơi bên trong một công trình nổi tiếng và huyền bí của Hà nội cũng thấy thú vị. Đất nước vừa chuyển mình đổi mới nên nhà thờ khi đó cũng còn nghèo , các phòng ốc rêu phong cũ kĩ và cổ kính. 

Ngoài hàng rào nhà thờ là một Hà nôi sôi động ồn ào, vào trong này thì ngược lại hoàn toàn, một không gian tĩnh lặng bình thản.

Tôi được giới thiệu gặp một ông đi dép lê mặc bộ đồ trắng cổ đứng sạch sẽ nhưng chưa được là ủi cẩn thận, chắc không phải Tổng Giám mục, cỡ Chánh văn phòng trong một  phòng làm việc đơn sơ kê bộ bàn ghế đơn giản.

Tôi trình công văn và tóm tắt đề nghị của công ti. Ông cảm ơn và nói sẽ trình ý kiến lên Đức cha , sau vài ba câu chuyện bâng quơ tôi xin phép ra về. Ông ân cần đưa tiễn tôi ra cửa.

Một thời gian sau , không có ý kiến trả lời. Vì lí do nào đó không rõ mà công ti không làm được việc đề nghị.

Đã từ lâu tôi được biết bên Đạo họ rất cẩn thận kĩ lưỡng trong việc đào tạo người chăn dắt con chiên . Trước hết là hình thái ngay thẳng trong sáng, không nói ngọng và hầu hết chọn từ tuổi thơ của những con nhà có điều kiện mà đào tạo thành người Cha Đạo.

Chỉ một lần gặp mà tôi ấn tượng mãi về con người xứ Đạo , ông ấy luôn từ tốn lịch sự mà không bóng bẩy kiêu sa. Ánh mắt cử chỉ nghiêm túc mà ân cần. Thấy người đến xin việc không công cũng không vồ vập chào đón, nói chung là rất đáng học tập trong việc ứng xử ở đời.

Một kỉ niệm nhỏ cùng Nhà thờ lớn không bao giờ quên.

NBS

25/04/2022

Ảnh Nhà thờ lớn Hà nội





Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

THU GOM VỎ SÒ VÀ TÓC RỐI ĐỔI KẸO

 CÓ CHÍ LÀM QUAN CÓ GAN LAM GIÀU

THU GOM VỎ SÒ VÀ TÓC RỐI ĐỔI KẸO

Nước Mĩ là quốc gia giàu có đa sắc tộc, nơi đây cùng với nền kinh tế thị trường đã sản sinh nhiều tỉ phú dollas nhất thế giới; trong số đó không ít các nhà tỉ phú xuất thân từ tầng lớp nghèo khó nhờ có ý chí vươn lên cùng năng khiếu kinh doanh mà trở nên giàu có. 

Marcus Samuel là một người như vậy, ông sinh năm 1851 tại London .Ông là người quốc tịch Anh nhưng thực ra có nguồn gốc là dân Do Thái, sang định cư tại Anh. 

Như phần lớn những người Do Thái khác trên toàn thế giới, Marcus Samuel là một thương nhân khôn khéo thành đạt trên thương trường, bằng nghị lực và phấn đấu không mệt mỏi của mình ông trở thành Vua trong Đế chế Dầu mỏ đương thời. 

Ông thành lập hãng dầu Shell với logo con sò ( shell)  màu vàng sọc đỏ. Con sò không liên quan đến dầu mỏ nhưng nó đánh dấu những năm tháng nghèo khó thuở thiếu thời ông lặn lội ven biển miền Đông nước Mĩ lượm lặt vỏ các con sò để bán cho các hãng may mặc làm khuy ( Cúc ) áo mà lên người.

Những ai sinh ra khoảng 196x trở về trước chắc không quên những chiếc khuy áo làm từ vỏ trai, vỏ sò  lấp lánh bảy sắc cầu vồng .

Cho đến hôm nay Hãng dầu Shell vẫn luôn là một Hãng dầu danh tiếng Toàn cầu. Logo con sò của hãng Shell được đánh giá nằm trong 100 nhãn hiệu dễ nhận biết nhất trên thế giới, đáng giá gần  3 tỉ Mĩ kim.



 - 

Lịch sử Logo qua các thời kì 


* * *


Ở Miền bắc Việt nam năm xưa có các bà các chị nấu nồi kẹo mạch nha từ lúa nảy mầm đi dong khắp chợ cùng quê đổi tóc rối , lông gà lông vịt hay bất cứ thứ gì có thể tái tạo lấy mấy que kẹo mạch nha cho các cháu nhỏ để ngậm mút . Ngày đó làm gì có đường, được món kẹo nha dẻo quánh óng vàng như mật ong mà ngậm thì sung sướng lắm .

Với đa số các em nhỏ sau khi nhà thịt con gà, con vịt thì thường xí lấy bộ lông hay xin tóc rối của bà của mẹ để đổi kẹo, Với Hưng thì khác trong dòng máu đỏ của anh có chất kinh doanh từ bé. Từ lớp 5 cấp II anh đã nấu nồi kẹo mạch nha mang đến cổng trường đáp ứng nhu cầu của các bạn cùng trang lứa. 

Cùng món tóc rối đổi kẹo nhưng que kẹo của Hưng đẫy đà hơn các hàng khác thu hút mạnh mẽ khách hàng nhí ở các trường và địa phương trong vùng. Công việc tiến hành thuận lợi, chỉ ba năm cấp II Hưng đã âm thầm kiếm được mấy cây vàng.

Khi đó nền kinh tế quan liêu bao cấp đang trong những ngày cuối cùng, cuộc sống đa phần dân chúng muôn vàn khó  khăn. Lại có phong trào vượt biên ra nước ngoài, đang học cấp III theo bạn bè rủ rê Hưng về nhà lấy mấy cây vàng chôn trong góc nhà ra chia đôi đưa mẹ một nửa và bảo rằng :

-  Mẹ , kì này con ra nước ngoài làm ăn, nếu được thì con nuôi mẹ. Nếu không được thì mẹ nuôi con, còn không thì con nuôi cá. 

Bà mẹ buồn lắm ngăn cản sao Hưng cũng không nghe nên đành lòng vậy.

Trời Phật run rủi , sóng yên biển lặng chuyến đi của Hưng thành công. Anh cặp bến Hồng kông an toàn, được vào trại rồi được sang định cư ở Nhật bản. Với bản tính chịu khó hay lam hay làm lại dùng bài toán Tóc rối đổi kẹo năm xưa ở quê nhà nhưng với số vốn lớn hơn nhiều .

Hưng cưới Ngoan một cô gái đồng hương làm vợ , anh thường đùa vợ là Ngoan này là Ngoan cố. Hai vợ chồng buôn bán thu gom đồ xe máy TV, tủ lạnh ...second hand đưa xuống tàu biển vận chuyển về quê nhà bán cho dân mình.

Được vài ba năm họ đã trở thành Việt kiều yêu nước, triệu phú dollas cùng lúc với phong trào mở cửa đổi mới ở Việt nam năm 1991. Nên nhớ là triệu phú dollas những năm đó là một giá trị rất lớn. Một m2 đất vị trí vàng chỉ mua với giá 50 USD tương đương 1 chỉ vàng /m2.
 
Hưng Ngoan quyết định mang số vốn có được về Hà nội mua đất đầu tư khách sạn cao tầng đón đầu làn sóng FDI mà họ biết chắc sẽ đổ vào Việt nam với các Dự án khủng.

Với khu đất mua được ven hồ Tây, anh thuê thiết kế khách sạn 8 tầng , tôi làm giám sát kĩ thuật trong qúa trình xây dựng và được nghe Hưng cùng người thân của anh kể lại câu chuyện trên đây.

Xuất thân từ người bình dân không có ai  đỡ đầu nhưng họ đã vượt lên số phận nhờ tinh khôn lanh lợi và nắm bắt được thời cơ. 

Không hùng mạnh như Hãng Shell nhưng Logo công ti của họ (nếu có) được mang biểu tượng Tóc rối đổi kẹo cũng là một ý tưởng  ngộ nghĩnh vui vui . 

Hi vọng trong tương lai không xa đất nước mình có được nhiều Doanh nhân thành đạt như Marcus Samuel , Bill Gate, Mark Zuckerberg ..... đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương Việt nam thân yêu.

NBS
 
16/04/2022

 










 



Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Lễ Tảo mộ

 LỄ TẢO MỘ TIẾT THANH MINH MỘT SỰ NGỘ NHẬN VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI VIỆT ?

Gần đây tôi có thấy một số các gia đình ở thành phố, thường đến tháng 3 âm lịch hàng năm họ về quê để tổ chức những nghi lễ gọi là tảo mộ với một quan niệm có lẽ họ dựa vào hai câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều :
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh “.
Theo tôi đây là một sự ngộ nhận văn hoá cần phải giải ảo .
Người Việt ta với văn minh nông nghiệp lúa nước có trước khi bị ảnh hưởng Văn hoá nho giáo Trung hoa, từ xa xưa đều coi lễ tảo mộ là vào dịp chuẩn bị cho tết Nguyên đán.
Thường là cứ sau ngày ông Táo về trời 23 tháng chạp, tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà có lễ tảo mộ riêng, không có ngày giờ cố định. Nghi lễ tảo mộ đơn giản chỉ là tập hợp con cháu, cùng với các bậc cao niên ( cha , mẹ , ông , bà, chú bác...) khi đi thì mang theo dăm ba thẻ hương, một ít hoa tươi nếu có và thường không quên mang theo cuốc xẻng để nhằm làm dụng cụ tu sữa lại mộ phần của người đã khuất trong nội tộc, khi tới mộ thì con cháu cùng khấn nôm rằng : Hôm nay là ngày ... mai là ... sắp đến tết chúng con là con, là cháu hôm nay đến đây để mời:cụ, mọ, ông, bà, bà .... về nhà chúng con là.... ăn tết cùng con, cùng cháu ... Khi tảo mộ cũng là dịp người lớn nhắc lại những kỷ niệm của người đã khuất, để con cháu thấy được công lao của ông bà tổ tiên đã bao đời gây dựng cho con cháu hậu thế
Qua lễ tảo mộ người lớn muốn giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đó chính là lễ tảo mộ thuần Việt của ông bà, tổ tiên bao đời nay là vậy, ngày xưa tuyệt không có chuyện tảo mộ giữa Tháng 3 âm lịch khi đó đã sang cuối tháng 4 dương lịch, lúc này thời tiết đã đầu hè, có những ngày rất nóng rồi . Còn câu : “Thanh minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ,hội là đạp thanh” . Câu thơ trên là nói về lễ tảo mộ, một nét văn hoá của người Trung quốc thì đúng hơn . chắc ai cũng biết truyện Kiều của Nguyễn Du là dựa trên tích truyện “Đoạn trường tân thanh” của Thanh tâm tài Nhân. Câu chuyện này hoàn toàn sảy ra trong không gian Trung quốc đời nhà Minh khoảng thế kỷ 15, “ Rằng năm Gia tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” Nên tất cả các sự kiện, địa danh đều là của TQ .
Theo tôi được biết ở phương Bắc Trung quốc, khi tết nguyên đán thì thời tiết còn rét lắm và thường là vẫn có tuyết phủ, chỉ mãi đến tháng 3 trời mới ấm lên khi đó tuyết mới tan, đó mới là lúc người ta mới có thể đi tảo mộ được, vì trước đó tuyết nhiều khi phủ trắng hết các ngôi mộ nên việc tảo mộ không thể thực hiện được.
Chắc cụ Nguyễn Du khi xưa viết những câu thơ “ Thanh minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” cụ không có ý cổ xuý cho lễ tảo mộ của dân tộc mình qua tận tháng 3 như bên triều Minh Trung Quốc
Thiết nghĩ bản sắc văn hoá thuận Việt ta nên cố gìn giữ, không nên ngộ nhận văn hoá ngoại lai làm của mình, khi mà chính mình cũng có những nét văn hoà tương đồng đó. Rất mong mọi người tìm hiểu thêm về câu chuyện tôi vừa đề cập, Cảm ơn những ai đã đọc bài và chia sẻ ( AB Bùi )
Sưu tầm