Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Đi du học - tôi học được gì?


 
 
Phan Sinh
Tuổi Trẻ online
“Đi du học cả năm nay, anh học được gì ngoài lĩnh vực chuyên môn? Có đáng phải đi du học không?”. Một câu hỏi chơi của bạn đã chạm đến một điều tôi suy nghĩ từ suốt bao nhiêu năm, khi còn ngồi ở ghế trường trung học và đại học ở Việt Nam. “Đi du học tôi học được nhiều lắm, tôi học được những thứ mà suốt 12 năm học phổ thông và mấy năm học đại học ở Việt Nam tôi không được học hoặc chỉ được học nửa vời”...

Thứ nhất, điều quan trọng nhất là tôi học được sự tự giác và lòng tự trọng của người trí thức. Khi làm bài kiểm tra, tôi không thấy giáo sư Mỹ phải đi “tuần tra” khắp lớp như ở Việt Nam (VN) để canh chừng nạn quay cóp. Các vị cứ ung dung ngồi đọc báo, hoặc làm việc riêng, vậy mà chẳng thấy sinh viên (SV) nào mở tài liệu ra xem, cũng chẳng thấy SV hỏi bài nhau.

SV nào không đến lớp làm kiểm tra được hôm đó, cứ xin phép, giáo sư sẽ “make up a test” (cho đề riêng) hôm khác. Nhiều SV khi làm đề thi riêng, đem ghế ra ngoài hành lang làm một mình, để khỏi bị bài giảng của giáo sư làm phân tâm. Tôi cố tình để ý những sinh viên này và cũng không thấy họ mở tài liệu ra. Những người xung quanh tự giác như thế, tôi cũng phải theo.

Trong khi đó, ở VN tôi bị xem là lập dị khi không quay cóp. Kỷ niệm buồn nhất của tôi về chuyện này xảy ra năm lớp 12. Các bạn tôi mở sách hướng dẫn giải bài tập ra chép trong lúc làm bài tập Anh văn nên được điểm 9-10. Tôi không chép, tự làm nên được 4, và kết quả là thầy mắng cho một trận vì “cả lớp làm được như thế, mà em làm không được là sao?”. Và đương nhiên khi ra chơi các bạn tôi có dịp cười rũ rượi về cái-thằng-lập-dị như tôi.

Ở nước ngoài, việc đạo văn bị xử phạt rất nặng.


Ngày đầu tiên tôi bước vào giảng đường của Mỹ, bài học đầu tiên của tôi là đừng bao giờ chơi trò “plagiarism” (đạo văn). Nếu giáo sư của tôi phát hiện tôi đạo văn của ai đó, coi như tôi phải “goodbye” cái trường của tôi vĩnh viễn, đó là luật.

Các vị giáo sư ở bên này có trình độ thật, bằng cấp thật, nên có thể “ngửi được cái mùi… kém cỏi” của văn SV dễ dàng. Các vị đã đọc rất nhiều sách nên nắm rõ trường phái nào, ý tưởng nào của ai, ở sách nào… Do đó, khi nghi ngờ SV “thuổng” ý tưởng nào của ai đó, các vị có thể kiểm tra ngay.

Ngày nay, các vị giáo sư còn được nhiều phần mềm và website hỗ trợ cho việc này. Chỉ cần gõ lại câu văn bị nghi ngờ của SV vào ô tìm kiếm (giống như khi tìm kiếm trên google hay yahoo), lập tức kẻ đạo văn sẽ lộ mặt, nếu câu văn đó thật sự là đồ chôm chỉa. Vậy khi trích dẫn thì sao?

Tránh trích dẫn nguyên văn, SV phải dùng ngôn từ của mình để diễn đạt lại điều muốn trích dẫn. Trong trường hợp phải trích dẫn nguyên văn, người trích dẫn phải để đoạn trích dẫn đó trong ngoặc kép. Nhưng dù trích nguyên văn hay không nguyên văn, người trích dẫn cũng phải ghi ngay xuất xứ của ý tưởng đó ngay sau câu trích dẫn.

Hiện nay ở Mỹ có 3 kiểu ghi xuất xứ, trích dẫn phổ biến: kiểu APA (của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ phát minh), MLA (Hiệp hội ngôn ngữ học hiện đại Hoa Kỳ) và kiểu của trường ĐH Chicago. Mỗi kiểu được đúc kết trong một cuốn sách dày như cuốn tự điển, quy định rõ cách trích dẫn câu, ý, bảng biểu, sơ đồ… như thế nào và cách ghi chú...

Trong thời gian học dự bị, chỉ riêng việc học mấy kiểu trích dẫn này đã ngốn của chúng tôi 3 tuần. Ngay từ đầu học kỳ, các vị giáo sư đều ghi rõ trong chương trình học rằng SV phải theo kiểu trích dẫn APA, MLA hoặc Chicago tùy giáo sư. Các vị giáo sư nói rằng: “Việc trích dẫn không làm cho tiểu luận của SV trở nên vô giá trị, mà ngược lại vì tiểu luận đó có căn cứ, và người viết tiểu luận đó thể hiện rằng mình có học thật sự”.

Thứ hai, tôi học được khả năng tự quản lý, sắp xếp sự học của mình. Ngay từ đầu học kỳ, giáo sư sẽ phát cho SV một cái syllabus (tạm dịch là chương trình học). Trong syllabus, giáo sư ghi rõ môn đó là môn gì, môn đó dạy cái gì, ngày nào học cái gì, sv phải đọc sách nào, trang mấy; khi nào kiểm tra, nội dung ra sao… Căn cứ trên cái syllabus sinh viên cứ theo đó mà sắp xếp lịch học, vì vậy SV rất chủ động, thoải mái trong việc học của mình.

Tuần đầu tiên của học kỳ thường là tuần học thử. Trong tuần này SV sẽ đi học hết những môn mà mình muốn học. Sau đó, so sánh syllabus các môn với nhau SV quyết định sẽ chính thức học môn nào, bỏ môn nào. Cũng dựa vào cái syllabus SV sắp xếp chuyện đi làm thêm, học thêm, và lịch đi chơi giải trí cho cả học kỳ.

Thứ ba, tôi học được cách lý luận độc lập. Khoa học là vô biên, là sự phát triển không ngừng, nên không có học thuyết tuyệt đối. Do đó, SV được quyền chất vấn giáo sư, đặt vấn đề ngược lại, nếu cảm thấy nghi ngờ điều giáo sư vừa nói và thậm chí đặt vấn đề với cả những học thuyết. Giáo sư không bao giờ chửi SV là đồ ngu, mà khuyến khích hỏi tới nơi tới chốn.

Một giáo sư ngôn ngữ học của ĐH Santa Cruz nói: một nghiên cứu của ngành giáo dục Mỹ cho biết câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” chiếm gần 80% trong các câu hỏi được nêu lên trong giảng đường Mỹ.

Ngay cả văn thơ, SV cũng không bị bắt buộc học thuộc lòng những tác phẩm, thay vào đó là chú trọng phần lý luận. Tác phẩm có sẵn trong sách, khi cần có thể mở ra xem, vậy tại sao phải học thuộc lòng? Vấn đề là sau khi xem tác phẩm SV có biết đưa ra ý kiến của mình hay không.


Thứ tư, tôi học được cách nghiên cứu độc lập. Thứ năm, tôi học được cách làm người lớn.

SV không buộc phải có ý kiến giống sách giáo khoa, vì khả năng cảm thụ của mỗi người mỗi khác, miễn là khi đưa ra nhận định SV có đủ lý luận để chứng minh cho nhận định của mình. Ở VN suốt 12 năm học, tôi phải ca ngợi các tác phẩm văn thơ mà tôi được học, bằng mọi mỹ từ tốt đẹp - dù có nhiều bài tôi chẳng hiểu mô tê gì.

Thứ tư, tôi học được cách nghiên cứu độc lập. Người viết bài này từng chứng kiến Rosa, một học sinh lớp 5 phải tự vào thư viện tìm tòi về địa lý thành phố Santa Cruz, nơi em đang ở, sau đó viết “report” (tường thuật chứ không chép lại những gì em tìm được trong thư viện). Đương nhiên cách làm này sẽ khiến em nhớ nhiều hơn là học và trả bài như con vẹt. Sau đó không lâu tôi có gặp lại Rosa, nhân lúc nói chuyện về thời tiết, em đã giải thích cho tôi tại sao khí hậu Santa Cruz được xem là “dễ chịu” nhất nước Mỹ.

Ở bậc học ĐH, các giáo sư cũng làm như thế, nên SV phải tận dụng tối đa thư viện, nhờ đó khả năng nghiên cứu độc lập được nâng lên. Người học có cảm giác, ông thầy chẳng dạy gì cho mình cả, suốt ngày ông chỉ bắt SV vào thư viện, đọc đọc, chép chép, rồi đến lớp thảo luận. Tuy vậy qua cách học đó, những kiến thức khi đã vào đầu thì không chạy ra được dù muốn tống nó ra. Ở VN thời gian “gạo” bài còn không đủ, lấy đâu ra thời gian vào thư viện; thế nên sau kỳ thi, dù tôi không yêu cầu nhưng những kiến thức đó vẫn tự động “trở về” với… thầy cô.

Thứ năm, tôi học được cách làm người lớn. Các giáo sư, văn phòng khoa, nhân viên của trường đối xử với SV như một người lớn thật sự. Họ biết tôn trọng, lắng nghe SV. Đi đến đâu cũng thấy những “nụ cười nở trên môi”, những lời “xin lỗi”, “cám ơn”, “xin vui lòng” từ những người đó. Khi SV đến làm việc với khoa, thư viện… SV không có cảm giác mình là một kẻ đi xin xỏ, nhờ vả. Trong khi ở VN tôi phải khúm núm như một con chuột, nhưng vẫn bị quát nạt.

Chuyện riêng tư của SV được tôn trọng tuyệt đối. Sau kỳ thi, mỗi SV nhận được một cái phong bì, trong đó là điểm số của mình và lời nhận xét của giáo viên. Không ai biết điểm của ai. Trường đối xử với tôi như thế, nên tôi không thể trả đũa bằng những cái trò phá phách, nghịch ngợm, cứng đầu theo kiểu trẻ con được.

Còn nhiều lắm bạn hiền ơi, nhưng thư đã dài, khi khác tôi sẽ kể tiếp. Chỉ mong sao SV ở trong nước cũng được học như thế…Billy gửi hôm Thứ Tư, 25/03/2009 Bạn đánh giá bài này thế nào?

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Không thể dùng tiền giúp con trưởng thành


GS Đặng Hùng Võ: Không thể dùng tiền giúp con trưởng thành
08:26' 26/03/2009 (GMT+7) 

 - “Trong một xã hội phát triển, số người sống vị kỷ sẽ giảm đi nhiều. Những vấn đề của xã hội hiện tại đòi hỏi sự cộng sức của con người. Người Việt trẻ đã nhận thức được điều đó và biến thành hành động".

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ suy nghĩ về sự tham gia của giới trẻ Việt Nam vào các hoạt động thiện nguyện.

Cộng sức để giải quyết vấn đề chung

GS. Đặng Hùng Võ: "Lúc này xã hội đang rất cần và cũng đủ điều kiện để giới trẻ tham gia các hoạt động vì cộng đồng."
Ảnh: Lan Hương


- Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ tổ chức và tham gia các hoạt động vì cộng đồng với các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng và “chuyên nghiệp hoá” hơn trước. Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này? 

- Cuộc sống khá lên, con người đỡ phải lo đói cho bản thân mình thì có thời gian và tư duy để nghĩ tới những điều rộng hơn, gắn với cộng đồng hơn. 

Ngoài ra, những vấn đề của xã hội hiện tại đòi hỏi sự cộng sức của con người để chống chọi với những nguy cơ, thách thức có thể xảy đến. 

Giới trẻ nhận thức được điều đó và biến thành hành động.

Với sự phát triển của blog và các hình thức trao đổi thông tin qua internet, ý tưởng tốt lan truyền rất nhanh, thậm chí từ nước này sang nước khác. 

Một nguyên nhân khác có thể xuất phát từ tính cộng đồng cao của người Việt nói riêng và người Đông Á nói chung. 

- Ông có sự so sánh gì về sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng của giới trẻ Việt hiện nay với các giai đoạn trước kia?

- Trong thời kỳ bao cấp, tư duy của thanh niên thụ động hơn, tư duy theo khuôn mẫu của xã hội và thường làm theo chỉ dẫn của cơ quan. 

Khi đó, cũng có phong trào thanh niên tham gia làm thuỷ lợi, tăng gia sản xuất nhưng chủ yếu là góp tay vào các hoạt động của cơ quan hoặc các chương trình của Nhà nước. 

Khi hết bao cấp, để bước vào cơ chế thị trường , tư duy của thanh niên lại bị phân tán. 

Một bộ phận chuyển sang hướng tích cực trong "làm ăn", một bộ phận chuyển sang hướng tiêu cực theo mặt trái của cơ chế thị trường, và một bộ phận còn chưa định hình nổi xem mình sẽ làm gì cho hợp. 

Hiện nay, qua một thời gian, khi kinh tế thị trường đã phát triển tới mức độ nhất định thì tư duy của giới trẻ bắt đầu được định hình lại để nhận thức đúng về cơ chế thị trường, biết rõ mặt phải và mặt trái, phát triển tư duy theo hướng tích cực nhiều hơn. 

Lúc này, nhu cầu xã hội đang rất cần và cũng có đủ điều kiện để thanh niên tham gia các phong trào hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa.

Trong một nền kinh tế - xã hội phát triển, tư duy và thông tin đóng vai trò quan trọng, con người gần nhau hơn và cần nhau hơn, tất nhiên lớp người sống vị kỷ sẽ giảm đi rất nhiều.

 - Nhận định này khiến tôi nghĩ về nước Mỹ, đất nước vốn được coi là tiêu biểu của lối sống thực dụng nhưng hằng năm có tới 25% công dân Mỹ trên 16 tuổi cống hiến thời gian cho hoạt động thiện nguyện. Người Mỹ còn có câu: “Nếu tất cả các tình nguyện viên cùng rút lui, nước Mỹ sẽ ngưng trệ”…

- Đúng vậy! Cuộc sống hiện nay không cho phép người ta sống ích kỷ vì nếu sống ích kỷ thì sẽ thu được ít hơn so với những người sống vì cộng đồng.

Cuộc sống gấp gáp, nhịp độ phát triển rất nhanh, công nghệ thay đổi từng ngày. Những tác động của kinh tế làm phương thức sống thay đổi rất nhiều, đan xen, cài vào với nhau chứ không còn tồn tại những mảnh độc lập. 

Tất cả những ngữ cảnh đó thúc giục giới trẻ phải xâm nhập vào cuộc sống, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động cộng đồng... để tự thể hiện năng lực của mình.

Tình nguyện vì ham vui cũng… tốt


Thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện trong thanh niên. 
Ảnh: Dương Hiệp

- Hiện nay, có không ít bạn trẻ tham gia những hoạt động xã hội vì ham vui, vì tâm lý số đông hay vì một động cơ cá nhân nào đó. Thậm chí có người còn lợi dụng hoạt động thiện nguyện để vụ lợi. Ông nghĩ sao về các bạn trẻ này?

- Một xã hội thì không thể tránh khỏi những cách thức hoạt động khác nhau, dưới một tiêu chí chung có thể có nhiều cách tính toán khác nhau. 

Với những bạn trẻ có mục tiêu cá nhân, muốn làm lý lịch của mình đẹp hơn thì cũng có thể thông cảm được. 

Tuy xuất phát từ mục tiêu cá nhân nhưng cũng không gây hại cho ai cả và cũng có đóng góp cho cộng đồng.

 Biết đâu đó chính là động cơ để động viên nhiều người tham gia hơn? 

Chúng ta không ủng hộ nhưng cũng có thể thông cảm với những đối tượng có chút ít tính toán cho cá nhân mình ở phần “danh” chứ không phải phần “lợi”. 

Vậy thì, phong trào cũng nên có tôn vinh đối với những người tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng để thu hút thêm nhiều bạn trẻ.  

Hệ thống giáo dục chưa giúp giới trẻ tự tư duy



TIN LIÊN QUAN
Tình nguyện "chết yểu" vì thiếu thủ lĩnh? 
Tình nguyện: Chuyện Meobong lừa đảo 
Tình nguyện tự phát "át" tình nguyện Đoàn 
"Nở rộ" tình nguyện 
Chàng bác sỹ mê tình nguyện vùng sâu 

- Hiện nay, dường như các tổ chức đoàn hội mới chỉ quan tâm tới các hoạt động họ đứng ra tổ chức còn những phong trào tự phát trong giới trẻ vẫn được “thả rông”… 

- Trách nhiệm của các tổ chức này là phải nuôi dưỡng phong trào. Hiện nay, thanh niên đang có nhiệt tâm tự xây dựng phong trào thì càng phải giúp đỡ để các phong trào này hướng thiện, làm lợi cho cộng đồng, đủ sức để sống lâu dài. 

Khi phong trào tự phát có hướng phát triển tiêu cực thì phải có tác động uốn nắn. Không thể chỉ chăm lo cho phong trào của mình đề xuất mà bỏ qua những hoạt động tự phát của giới trẻ. 

HS Trường Tiểu học Kim Liên trong lễ khai giảng năm học 2008 - 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng

- Theo ông, nhà trường và gia đình đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giới trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện chưa?

- Ở các nước phát triển, hệ thống giáo dục - đào tạo bắt đầu từ thực tiễn để giúp giới trẻ biết cách tự tư duy, chứ không cấp phát những mớ kiến thức khô cứng. 

Ngay khi học phổ thông, trẻ em được đưa tới những khu rất nghèo nàn, gặp những người bị bệnh tật, đưa đến những nơi có vấn đề nóng về môi trường... để hiểu các vấn để của cộng đồng. 

Hệ thống giáo dục của ta chưa giúp giới trẻ nhận thức và hành động trước các vấn đề chung của xã hội, chưa đưa ra một phương pháp luận để giúp các bạn tiếp cận với những vấn đề chung của xã hội, của loài người, của hành tinh sao cho gần nhất, nhanh nhất, tốt nhất.

Về phía gia đình, nhiều phụ huynh đi trước cũng chưa bắt kịp với thay đổi nên ngăn cản không cho con tham gia.

Có người còn dùng tiền để bao bọc cho con cái đỡ khổ. 

Thế nhưng, muốn con cái trưởng thành, bố mẹ phải bỏ công sức hơn chứ không thể dùng đồng tiền thay thế.

- Xin cảm ơn ông!
Lan Hương (thực hiện)

Tri kỷ.




X30's Blog

Thẳng thắn,chân thành

Tri kỷ là người biết chia sẻ tâm tư nỗi niềm sâu kín,tin tưởng lẫn nhau.Cảm thấy thích thú khi ở bên nhau,trò chuyện với nhau dù không có lợi ích vật chất cụ thể gì đem lại.Họ có niềm vui tinh thần phong phú,không câu nệ xã giao,hình thức và lẫn cả lễ nghĩa.Khi còn trẻ,phải học,phải làm việc cật lực để mưu sinh,tìm chỗ đứng trong xã hội nên đôi khi không có thời gian kết nối với những người bạn tâm giao,cùng sở thích,ý nguyện.Nếu quá say mê trong lợi ích vật chất,thõa mãn cái tôi ích kỷ của mình thì sẽ bỏ quên đời sống tinh thần mà thiên nhiên chỉ ban tặng cho con người thì coi như chúng ta đánh mất cái quý giá nhất của cuộc đời.Đó là tình bạn và tình yêu.Còn tình dục không phải là đặc ân của con người dù sức cám dỗ của nó vô cùng mãnh liệt.Loài vật cũng có thể thỏa mãn được bản năng sinh tồn đó.

Các thể chế chính trị và những giáo điều đã làm biến đổi bản chất tự nhiên phóng khoáng con người.Các thánh nhân xuất hiện hướng con người đến điều thiện nhưng điều bất thành.Mỗi người phải tự tìm ra con đường đi đến hạnh phúc an lạc bằng trải nghiệm bản thân.

Con người là động vật bầy đàn. Luôn cần có nhau trong lúc vui buồn,thành công hay thất bại.Hãy chấp nhận tất cả cái tốt xấu trong mỗi người mà các giáo điều đặt ra gán ghép.

Vị tha và bao dung.Tình lý phân minh.Tâm trong sáng.Trí huệ minh mẫn.Tôn trọng sự khác biệt.Không ganh ghét.Chúng ta có tri kỷ

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Lưu chuyển thay vì lưu trữ tri thức



25/03/2009 07:54 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Khi bạn có được nguồn thông tin quý giá mà không ai khác biết hoặc tiếp cận được, bạn đang có cơ hội mười mươi để làm giàu. Nhưng liệu bảo toàn vốn kiến thức đó cho riêng mình và tối đa hoá lợi ích từ nền tảng kiến thức đó để tạo ra sản phẩm và dịch vụ càng hiệu quả và trên quy mô càng lớn càng tốt, là cách làm tối ưu? 


Có tri thức là có cơ hội

Có nhiều lập luận cho rằng đúng thế. Công thức pha chế độc quyền của nhãn hiệu nước ngọt Coca-cola hay bằng sáng chế dược phẩm chính là những ví dụ không thể chuẩn xác hơn.

Chính sức mạnh, sự giản đơn, và thành công đã được chứng minh là lý do khiến lập luận này ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều nhà quản lý, đến độ ngày nay người ta đa phần dựa vào nó để đưa ra các quyết định kinh doanh. Mọi công ty đều được cơ cấu và vận hành trên cơ sở tích luỹ, bảo toàn và tận dụng nguồn tri thức để tận thu giá trị.

Không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh, từ lâu, lập luận này đã trở thành phương châm sống của nhiều người. Trên phương diện cá nhân, chúng ta đều mong dốc toàn lực học tập trong những năm tháng đầu đời để rồi hăm hở tham gia vào lực lượng lao động với hi vọng những kỹ năng và kiến thức đã có sẽ là hành trang theo ta trong suốt quá trình làm việc. 

Nhưng tôi buộc phải nói với các bạn rằng phương châm sống này không còn giữ nguyên giá trị nữa. Chúng ta có lý do xác đáng để tin rằng: giờ đây lưu chuyển kiến thức đã soán ngôi lưu trữ kiến thức để trở thành xu thế thời đại. Nói một cách đơn giản, thời đại mới, dòng chảy kiến thức nhân loại nên được lưu chuyển thay vì bị khoá chặt và cất kỹ.

Trước kia, chúng ta vẫn còn thời gian để tĩnh tại và nhâm nhi kho kiến thức đang có, nhưng bây giờ thì không. Ảnh: Corbis


Ngày nay, sự dịch chuyển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cùng các chính sách xã hội đã phá vỡ tính ổn định và thúc đẩy sự xoay vần, biến chuyển. Thế giới càng phát triển thì nguồn kiến thức càng khấu hao với tốc độ chóng mặt.

Ví dụ đơn giản, chu kỳ của các sản phẩm hiện tại đang rút ngắn dần. Ngay cả những sản phẩm tối tân nhất cũng không tránh khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của cơn lốc công nghệ. Trước kia, chúng ta vẫn còn thời gian để tĩnh tại và nhâm nhi kho kiến thức đang có, nhưng bây giờ thì không.

Xu thế mới – lưu chuyển tri thức 

Hiện nay, để thành công, chúng ta phải thường xuyên “làm mới” kho kiến thức của mình bằng việc hoà mình trong những dòng chảy tri thức mới. Thế nhưng – luôn là nhưng, chúng ta phải lường trước hai thách thức. 

Thứ nhất: Tri thức - đặc biệt là tri thức trừu tượng - không dễ dàng lưu chuyển.

Tri thức trừu tượng thiên về cách thức thức hiện hơn là phổ biến kiến thức thông thường. Dù đọc hết những cuốn sách liên quan, bạn mới chỉ có thể mường tượng một ca mổ não diễn ra thế nào, chứ chưa thể bắt tay thực hiện nó. Đơn giản, sách chỉ cung cấp kiến thức hàn lâm, liệt kê những điều phải làm, còn làm như thế nào thì phải học từ thực tế. 

Thứ hai: Nếu không biết cách chia sẻ, chúng ta khó lòng tham gia và hoà mình lâu dài trong dòng chảy tri thức bởi thành viên của các dòng chảy tri thức không chấp nhận những kẻ “há miệng chờ sung”.

Họ chỉ kết bạn và chia sẻ tri thức với những ai cũng sẵn lòng chia sẻ. Đây là vấn đề nan giải với phần lớn các nhà quản lý bởi bấy lâu nay họ chỉ quen bảo toàn vốn tri thức cho riêng mình. Vẫn giữ lối tư duy lỗi thời đó khi nhập cuộc chơi, họ sẽ nhanh chóng bị “ra rìa”. Dòng chảy tri thức chỉ phù hợp và chỉ dành cho những ai biết chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Mô hình tín nhiệm theo nấc
Bài liên quan:
 Internet đang bó hẹp dần sự uyên thâm?
 Các nhà quản lý: Hãy cẩn trọng với dư luận! 


Nhưng đừng vì thế mà vội vàng mở tung cho mọi người biết tất cả những gì bạn có. Trước khi công bố, hãy thận trọng cân nhắc nên theo dòng chảy nào, đâu là mảng kiến thức bạn chấp nhận chia sẻ. Hãy xem Mô hình tín nhiệm theo nấc tôi nêu ra đây như một gợi ý. 

Thoạt đầu, bạn chỉ nên chia sẻ những kiến thức giá trị thấp để thăm dò những người sẵn lòng đáp lại “tấm thịnh tình” của bạn. Qua thời gian, khi tần suất trao đổi thông tin tăng dần, các bên đã thiết lập được nền tảng tin tưởng lẫn nhau và tìm ra đối tác chiến lược, lúc đó, chúng ta mới đề cập đến chuyện chia sẻ tri thức chuyên sâu. 

Từ đây, những kiến thức có giá trị bắt đầu được chia sẻ và dòng chảy tri thức mới thực sự đem lại lợi ích cho các bên liên quan. Lúc đó, quá trình thiết kế sản phẩm và thiết lập mô hình kinh doanh mới đựơc hưởng lợi từ nhiều giải pháp chọn lọc và quy củ hơn có được qua quá trình chia sẻ tri thức. 

Tham gia vào “hệ thống sáng tạo” và “mạng lưới kinh tế” có uy tín cao, các nhà quản lý cũng sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách tận dụng cơ hội học hỏi và sáng tạo giá trị. Bất chấp những rủi ro luôn song hành cùng quá trình chia sẻ tri thức, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là nguy cơ xâm phạm tài sản trí tuệ giảm dần khi tốc độ đào thải kiến thức ngày một lớn. Cùng lúc, lợi ích đến từ nền tri thức đó lại tăng lên không ngừng. 

Hoà mình vào dòng chảy tri thức

Sự lưu chuyển nhân lực và doanh nghiệp toàn cầu đã minh chứng rõ ràng hơn về giá trị ngày càng lớn của xu hướng lưu chuyển tri thức. Nhiều người cho rằng thế giới là phẳng bởi mọi cách biệt địa lý đã được san bằng nhờ sự kết nối của công nghệ trên quy mô toàn cầu. Nếu nhận định này đúng đắn thì chúng ta giải thích sao đây với sự gia tăng của các “trung tâm tri thức” như Thung lũng Silicon, Thẩm Quyến, Bangalore và Saint Peterburg?

Các cá nhân và doanh nghiệp tụ về những trung tâm đó đều ấp ủ mong muốn tham gia dòng chảy tri thức trừu tượng. Ngay cả trong một thế giới tưởng chừng phẳng, sự tương tác và trao đổi trực diện trong lòng dòng chảy tri thức vẫn đem lại hiệu quả hơn so với những kết nối xa xăm. 

Lưu trữ hay lưu chuyển tri thức? Cách nào lợi hơn? Quan trọng hơn, xu thế nào sẽ đem lại giá trị trong tương lai? Rõ ràng, không phải mọi kho tri thức đều nhanh chóng mất đi giá trị và không phải mọi dòng chảy tri thức đều đem lại hiệu quả. Đâu là mức cân bằng tối ưu giữa hai xu thế này? Làm thế nào để tìm ra xu thế có giá trị hơn cả? Hơn hết, làm sao chúng ta có thế tiếp tục đưa ra lựa chọn trước tình hình thế giới biến chuyển không ngừng?

- Bài viết của John Hagel III, John Seely Brown và Lang Davison trên Harvard Business Publishing -

Như Nguyệt dịch

Thất phu hữu trách




Hàn Phi đến nước Tần làm thuyết khách, dâng vua Tần bài văn "Nan ngôn" (Ngại nói): "Bầy tôi là Phi sở dĩ ngại nói là vì: nếu lời nói thuận tai, trơn tru, đẹp đẽ, văn vẻ, hoa mỹ thì bị xem là phù hoa mà không chân thật. Nếu lời nói đôn hậu, cung kính, thẳng thắn, cẩn thận thì bị xem là vụng về không giống người ta. Nếu nói nhiều, dẫn nhiều lại hay so sánh thì bị xem là trống rỗng, vô dụng. Nếu nói tóm tắt, gọn gàng, trình bày thẳng mà không tô vẽ thì bị xem là gay gắt mà không giỏi biện luận. Nếu nói gay gắt đến những người thân cận, nêu rõ từng người thì bị xem là gièm pha và không nể nang người ta. Nếu nói chuyện rộng lớn, sâu xa không thể lường được thì bị xem là huênh hoang, vô dụng. Nếu nói chuyện vụn vặt trong nhà, trình bày hết điều này đến điều khác thì bị xem là thô lậu. Nếu lời nói gần với thế tục, giọng không làm phật lòng người trên thì bị xem là tham sống và nịnh hót người trên. Nếu lời nói khác xa thế tục, coi thường người ta thì bị xem là lừa do. Nếu lời nói lưu loát, nhanh nhẹn, biện luận thông suốt, có nhiều văn vẻ thì bị xem là hoa hòe hoa sói. Còn nếu bỏ văn chương, chỉ cứ theo phép tắc mà trình bày thì bị xem là quê mùa. Nếu luôn đem chuyện Kinh Thi, Kinh Thư nói chuyện bắt chước người xưa thì bị xem là kẻ tụng sách xưa. Chính vì vậy cho nên bầy tôi Phi ngại nói và rất lo lắng". (Hàn Phi Tử - Thiên III bản dịch của Phan Ngọc).

Đó là cái khó của Hàn Phi Tử ngày trước. Ngày nay, đất nước đang vào vận hội mới, khẩu hiệu "đổi mới hay là chết" chắc vẫn còn ý nghĩa trong ngày hôm nay. Bởi vì, nếu không thoát khỏi nguy cơ tụt hậu mãi thì suy cho cùng vẫn là một kiểu chết. Điều quan trọng là người lãnh đạo cần tháo gỡ cho mọi công dân cái khó mà Hàn Phi đã phải nơm nớp trước đây, người dân thì tự giải tỏa được cái "ngại nói vì rất lo lắng" của người góp ý thì chắc chắn trí tuệ dân tộc được hanh thông, "cơ hội vàng" lại một phen bừng sáng trong tầm tay đất nước.
Đất nước nên hay hư, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm là vậy.

Nguồn: 
Thể thao văn hóa

10 Đức Tính Thiết Yếu Trong Văn Hóa Tây Phương


Ngẫm:  Mar 23, '09 1:35 AM
for everyone




BH thấy bài luận này thật hay, rất đáng đọc để ngẫm. Ngẫm về mình là người thế nào. Mình còn thiếu gì? Cần phải cải thiện gì? Làm gì để có ích cho xã hội, cho mọi người xung quanh mình? 


Đọc bài luận này xong, ngẫm lại cuốn sách BH từng đọc "48 Laws of Power" ,"The seven habits of highly effective people" của Covey R. Stephen và mới đây là cuốn "Guru´s Method" của một phóng viên Hà Lan. Anh đã trực tiếp thực hiện những cuộc interview với những doanh nhân thành công nhất thế giới. 


Những cuốn sách nói trên, đều có chung một điểm giống nhau: nó chứa đựng những khái niệm quan trọng, những lời khuyên răn của các Top Managers of the World, của những người đầy kinh nghiệm. Người đọc, khi đọc nó, đưa mình vào thế phải suy nghĩ kĩ, tự đặt câu hỏi cho bản thân mình "có đúng không?" , "có ứng dụng được không?" , "có hợp lý không?" và "có hợp với mình không?" v.v. 


Tuy nhiên, những cuốn sách BH nêu trên, không "teach" người đọc về mặt đạo đức, đức tính, nhưng sách trên và bài luận này "teach" người đọc "Personal Development", đều đưa chúng ta vào thế phải sũy nghĩ.


Hi vọng mọi người sẽ thích nó. 


Khi nào BH sẽ có bài tóm tắt lại nội dung chính của những cuốn sách đề cập trên. Rất thú vị.



Híc dạo này phải chịu khó đọc mấy cuốn sách "khó nhai" này, và vượt tầm tuổi của mình với hi vọng ... tâm hồn "già" đi một chút. Mấy hôm nay lại đang vật lộn với "tâm lý cũ". Kì lạ, nó cứ mỗi tháng lại xuất hiện một hai lần. Khó chịu hết nổi. Được vài ngày lại qua, đâu lại đóng đấy . 




Khai sáng



Đức tính nào được coi là quan trọng nhất để tạo nên nhân cách vững mạnh? 


Người Hy lạp cổ đại cho là có bốn đức tính quan trọng:
1. Trí ... 2. Công Bình ... 3. Dũng Cảm ... 4. Tự Chủ ... 
5. Tình Yêu ... 6. Thái Độ Tích Cực ... 7. Chuyên Cần ... 
8. Liêm Chính ... 9. Lòng Biết Ơn ... 10. Khiêm Nhượng ... 


Trí
Họ xem TRÍ là đức tính chủ đạo, đức tính hướng dẫn mọi đức tính khác. 

1.
Trí là có óc phán đoán đúng đắn, giúp cho ta có thể đưa ra những quyết định mang lại lợi ích cho ta và người khác. 


2.
Trí cũng giúp ta áp dụng các đức tính khác trong hành động - khi nào thì hành động, hành động ra sao, và làm thế nào để điều hòa giữa các đức tính khác nhau khi gặp xung đột; thí dụ đơn giản như khi phải thật thà nói lên sự thật làm mất lòng kẻ khác. 


3.
Trí giúp cho chúng ta phân biệt sự kiện được đúng đắn, để thấy đâu là điều thật quan trọng trong đời để còn ấn định những ưu tiên cho phù hợp. Nhà đạo đức học Richard Gula đã nói: "Ta không thể làm đúng nếu trước hết ta không nhìn thấy đúng." 



Công Bình
Đức tính thứ hai người Hy lạp đề cao là CÔNG BÌNH. 
Công bình nghĩa là tôn trọng quyền của tất cả mọi người. 


Quy luật Vàng bảo ta rằng hãy làm cho người khác những gì ta muốn họ làm cho ta, là một nguyên tắc của công bình được phổ cập trong mọi văn hóa và tín ngưỡng trên thế giới. Vì chính bản thân chúng ta cũng là con người, công bình cũng bao gồm lòng tự trọng, một nhận thức đúng đắn về nhân cách và quyền của chính mình.


Trong các trường học, chương trình đức dục chú trọng vào tính công bình vì đức tính này bao gồm các đức tính khác trong quan hệ giữa con người với nhau như đối đãi với nhau có văn minh, thật thà, có trách nhiệm, và bao dung (bao dung không có nghĩa là chấp nhận niềm tin của kẻ khác hay chấp nhận hành vi của họ, nhưng có nghĩa là tôn trọng quyền tự do suy nghĩ và hành xử sao cho không vi phạm đến quyền của kẻ khác). 


Mối quan tâm về sự công bình cộng với khả năng biết phẫn nộ trước những điều bất công thúc đẩy chúng ta hành xử như một công dân trong việc xây dựng một xã hội và thế giới công bình hơn.


Dũng Cảm
Đức tính thứ ba, một đức tính rất thường bị bỏ quên là DŨNG CẢM. 


Dũng cảm giúp cho chúng ta làm đúng khi đối diện với khó khăn. 
Quyết định đúng trong đời, thường là quyết định khó. 


Khẩu hiệu của một trường trung học đã nắm được tinh túy này như sau: 
"Làm điều phải, dù khó thay vì làm điều dễ, mà sai." 



Dũng cảm, theo nhà giáo dục James Stenson, là sức mạnh nội tâm giúp ta vượt qua hoặc chịu đựng nổi những khó khăn, thất bại, bất lợi và đau đớn. Can đảm, kiên trì, nhẫn nhục, chịu đựng và một niềm tự tin vững mạnh là các diện của dũng cảm. 


Hiện tượng trẻ vị thành niên tự tử đang tăng vọt trong 3 thập niên qua, đáng cho ta quan tâm; một trong những nguyên nhân có lẽ là các em đã không được chuẩn bị để đương đầu với những thất vọng không thể tránh khỏi trong đời. 


Chúng ta cần dạy cho các em biết rằng các đức tính được phát triển qua đau khổ nhiều hơn là qua thành công, và những trở lực sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn nếu chúng ta ĐỪNG dùng nó làm lý do để ngồi than thở.



Tự Chủ
Đức tính thứ tư là TỰ CHỦ. 


Tự chủ là khả năng kiểm soát lấy chính mình, giúp ta kiểm soát được sự nóng giận, điều hòa những nhu cầu tâm-sinh lý, và theo đuổi những ham thích chính đáng một cách chừng mực. 


Tự chủ là sức mạnh chống lại các cám dỗ và giúp cho ta khả năng chờ đợi--đình hoãn những khoái lạc hiện tại để tiếp tục tiến tới mục tiêu cao xa hơn. 


Cách ngôn có câu: 
"Nếu ta không cai quản được tham vọng, thì tham vọng sẽ cai quản ta." 



Các hành vi thiếu thận trọng hoặc tội phạm đều nảy sinh từ sự thiếu tự chủ mà ra. 



Qua các đức tính trên, người Hy lạp quả đã nói khá đầy đủ về phạm trù đạo đức, nhưng còn thiếu đức tính quan trọng thứ năm. Đó là TÌNH YÊU. 



Tình Yêu
Tình yêu còn hơn cả công bằng, vì tình yêu khiến cho ta cho đi nhiều hơn cái mà công bằng đòi hỏi.
Tình yêu là sự sẵn lòng hy sinh cho kẻ khác. Tất cả các đức tính quan trọng của con người, như thông cảm, trắc ẩn, tử tế, bao dung, phục vụ, trung thành, ái quốc, và tha thứ, tạo nên đức hạnh của tình yêu. 


F. Washington Jarvis viết trong cuốn sách "Với Yêu thương và Khấn nguyện" rằng: 

"Tình yêu -- một tình yêu vị tha KHÔNG đòi hỏi đáp đền là nguồn lực mạnh nhất trong vũ trụ. Ảnh hưởng của tình yêu đến kẻ nhận cũng như người cho là điều KHÔNG thể đo đếm được." 


Tình yêu là một đức hạnh mang tính cách đòi hỏi và khắt khe. [Bởi vì] Nếu ta thật sự tuân theo lời răn quen thuộc "Hãy yêu láng giềng của ta như thể yêu ta," chắc chắn ta sẽ cố gắng không truyền đi nhừng tin đồn nhảm hay chỉ trích họ, vì biết rằng chính ta cũng cảm thấy khó chịu khi kẻ khác nói về ta như vậy. 


Thái độ tích cực

THÁI ĐỘ TÍCH CỰC là đức tính quan trọng thứ sáu. 


Nếu ta có thái độ tiêu cực trong đời, thì ta là gánh nặng cho chính ta và người khác. Nếu ta có thái độ tích cực, thì ta là một tài sản của chính ta và cho người khác. 


Hy vọng, phấn khởi, linh động, và óc hài hước là những thuộc tính của một thái độ tích cực. 


Tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, cần nhớ rằng thái độ của chúng ta là do chính ta lựa chọn. 


Abraham Lincoln nói: 

"Hạnh phúc của hầu hết chúng ta là do ý tưởng của ta quyết định." 



Martha Washington cũng nói: 

"Tôi học được từ kinh nghiệm bản thân rằng hầu hết những hạnh phúc hay đau khổ tùy vào thái độ của ta chứ không vào hoàn cảnh. Ta mang theo mầm hạnh phúc hay khổ đau với ta trên mọi bước đường." 




Chuyên Cần
CHUYÊN CẦN (hard working) là đức tính thứ bảy, một đức tính không thể thiếu được. 


Không thể sống trong đời mà không làm việc, và không thể nào đạt được thành quả nếu thiếu chuyên cần. 


Vị huấn luyện viên bóng rổ lừng danh John Wooden từng nói:

"Tôi thách các bạn có thể chỉ cho tôi một người đạt được thành quả xuất sắc trong đời họ mà không phải làm việc cật lực." 



Chuyên cần gồm có sáng tạo, siêng năng, biết đặt mục tiêu và tháo vát.


Đức tính quan trọng thứ tám là LIÊM CHÍNH (integrity). 


Liêm Chính
Liêm chính là luôn tuân theo các nguyên tắc đạo đức, lương tâm, giữ lời nói, và dám bảo vệ những gì ta tin tưởng. 


Có đức tính liêm chính tức là "toàn vẹn", do đó những việc ta làm luôn nhất quán trong những trường hợp khác nhau. 


Liêm chính KHÁC với thành thực ở chỗ thành thực là nói thật với người khác, còn liêm chính là thành thật với chính mình. 


Josh Billings, một nhà văn nói: 

"Hình thức lừa dối nguy hiểm nhất là lừa dối chính mình."



Tự lừa dối nguy hiểm ở chỗ nó cho phép ta làm theo ý thích của mình rồi tìm các lý lẽ để biện minh cho các hành động ấy. 




Lòng Biết Ơn
LÒNG BIẾT ƠN đức tính thứ chín. 


Văn sĩ Anne Husted Burleigh nhận xét: 

"Lòng biết ơn cũng giống như lòng yêu thương không phải là một cảm xúc mà là một hành động của ý chí. Chúng ta chọn xem có biết ơn không, cũng như chọn xem có nên yêu hay không." 


Lòng biết ơn thường được xem như bí mật của một đời sống hạnh phúc.


1. Nó nhắc cho ta nhớ rằng ta đang cùng uống nước từ một cái giếng mà ta chưa bao giờ đào.

2. Nó nhắc ta nhớ để đếm những phước hạnh ta nhận được mỗi ngày.


Anh hùng quân đội Eddie Rickenbacker khi được hỏi anh học được bài học nào lớn nhất khi trôi giạt 21 ngày trên một chiếc bè giữa Thái Bình Dương, đã trả lời: 

"Nếu bạn có nước uống tha hồ, thức ăn thừa mứa, thì bạn đừng nên than phiền về bất cứ điều gì nữa."





Khiêm Nhượng
KHIÊM NHƯỢNG là đức tính cuối cùng và cũng có thể được xem là nền tảng của đời sống đạo đức. 


Khiêm nhượng là điều cần thiết giúp ta sở đắc những đức tính khác vì nó cho ta biết được sự bất toàn của mình mà cố gắng để trở nên người tốt hơn. 


Nhà giáo David Isaacs viết: 

"Khiêm nhượng là nhận thức được những khiếm khuyết của mình và cố gắng hết khả năng để phục vụ mà không cần đến được vinh danh hay tán thưởng." 


Đại thi sĩ T. S. Eliot cũng nói: 

"Một nửa những điều tệ hại xảy ra cho thế giới này là do những người muốn được cảm thấy ta đây là quan trọng gây ra." 



Triết gia Dietrich von Hildebrand cũng viết: 

"Mọi đức hạnh đều chẳng có giá trị gì hết nếu ta để lòng kiêu len lỏi đi vào - điều này xảy ra mỗi khi ta cảm thấy hãnh diện về lòng tốt của mình." 



Một tác giả khác nhận xét rằng không có lòng khiêm nhượng, ta sẽ giữ những khuyết điểm của mình vì sự kiêu hãnh khiến cho ta không nhận ra chúng nữa. 


Lòng khiêm nhượng giúp ta nhận lấy trách nhiệm về những lỗi lầm do ta gây ra, và sửa đổi chúng. 


Louis Tartaglia, một bác sĩ về tâm thần, viết trong cuốn sách mang tựa đề "Không lầm lỗi! Mười khuyết điểm thường gặp trong cá tính và Ta có thể làm gì?" rằng, trong suốt 20 năm hành nghề, ông nhận ra khuyết điểm thường gặp nhất là bệnh "ghiền phải là người đúng." 


Ông hỏi: "Có khi nào bạn nhận ra là lại đang thảo luận về sự bất đồng ý ngay cả khi chuyện đó xong lâu rồi, chỉ để chứng minh là mình đúng?" 


Chìa khóa để xây dựng đức tính trong trị liệu cũng như trong đời sống là lòng khiêm nhượng để thay đổi. 



© Học Viện Công Dân 2006


Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Để hiểu giá trị của thời gian



 

Hãy tưởng tượng có một ngân hàng ghi vào tài khoản của bạn 86. 400 đô la mỗi sáng. Tuy nhiên, phần sai ngạch của ngày này không được chuyển sang ngày khác. Mỗi đêm ngân hàng sẽ xóa hết phần bạn chưa dùng hết trong ngày. 


Bạn sẽ làm gì... Dĩ nhiên là tận dụng từng đồng, đúng không... 


Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như thế, đó chính là Thời Gian. 


Mỗi sáng nó ghi vào tài khoản của bạn 86. 400 giây. Khi đêm về, nó xóa hết phần thời gian bạn chưa kịp đầu tư vào việc có ích. Ngân hàng này không chuyển bất cứ khoản sai ngạch nào còn lại trong này và cũng không cho bạn chi trội. 


Mỗi ngày bạn nhận được một tài khoản mới. Cứ đêm về phần dư lại trong ngày sẽ bị xóa. Nếu bạn không tận dụng được khoản gởi đó, người thiệt thòi chính là bạn. Không thể quay lại quá khứ, cũng không thể cưỡng lại “ngày mai”. Bạn phải sống trong hiện tại chỉ bằng khoản đã được gởi của chính ngày hôm nay. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian của từng ngày một cách khôn ngoan để làm lợi nhiều nhất cho sức khỏe, hạnh phúc, và sự thành đạt của chính bản thân bạn. 


Đồng hồ vẫn đều đều gõ nhịp, bạn hãy tận dụng ngày hôm nay. 


Để hiểu được giá trị của một năm, hãy hỏi một học sinh vừa thi rớt đại học. 


Để hiểu được giá trị của một tháng, hãy hỏi một bà mẹ sinh non. 


Để hiểu được giá trị của một tuần, hãy hỏi tổng biên tập của một tờ tuần báo. 


Để hiểu được giá trị của một giờ, hãy hỏi người yêu nhau đang mong chờ được gặp mặt nhau. 


Để hiểu được giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa trễ tàu. 


Để hiểu được giá trị của một giây, hãy hỏi một người vừa thoát hiểm trong gang tấc. 


Để hiểu giá trị của một nghìn giây, hãy hỏi chủ nhân của một chiếc huy chương Thế Vận Hội. 


Ngày hôm qua là quá khứ 


Ngày mai là một điều bí ẩn 


Còn hôm nay là một món quà 


Chính vì vậy mà người ta vẫn gọi 


Hiện tại là món quà của cuộc sống! 

(Sưu tầm)



P/S: Hãy biết trân trọng mỗi phút giây mà mình đang có trong tay. Đừng để lãng phí và đánh mất thời gian vào những việc vô bổ. Hãy tận dụng triệt để và làm những việc hữu ích nhất, thực tế nhất phục vụ cho mục đích sống của bản thân mỗi người. Và hãy sống tích cực hơn nữa cho hiện tại  

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Tính chất tiểu nông

Tính chất tiểu nông
09:08-17/03/2009


Việt Nam gia nhập WTO rồi mà sức cạnh tranh kém là do kinh tế nước mình còn mang tính chất “tiểu nông”; xã hội Việt Nam nhếch nhác vì còn nhiều “dư lượng” của văn hóa tiểu nông; thủ đô lụt lội, bừa bộn hàng rong, hoa kiểng bị bẻ phá, đường xá rác rưởi… là do đầu óc quản lý “tiểu nông”, thói quen làng xã “tiểu nông”; đến văn học thiếu tác phẩm “lớn” cũng vì nền văn học “tiểu nông”. Đó là những nhận định, phán xét thường thấy trên các phương tiện truyền thông.

Nhớ chuyện Tăng Sâm giết người: một người nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ Tăng Sâm vẫn điềm nhiên dệt vải, hai người nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ vẫn dệt vải, nhưng ba người nói Tăng Sâm giết người thì bà quăng thoi quăng cửi mà chạy trốn. Cho dù sự thực thế nào thì hơn một chục bài báo và phát biểu của những tác giả kèm theo học vị tiến sĩ, giáo sư, đã khiến cho những độc giả trung bình đinh ninh rằng “vấn đề” của đất nước chúng ta hiện nay chỉ là tình trạng “tiểu nông” ở mọi nơi, mọi ngành. “Tiểu nông” trở thành tính từ để diễn giải bất cứ cái gì mà người ta cảm thấy xấu hổ, không hài lòng, hay muốn lấp liếm đi.
Ở Sài Gòn thập niên sáu mươi của thế kỷ trước có vở kịch nói “Lá sầu riêng” được công chúng ưa thích. Trong kịch có cảnh một chàng trai có học, sắp làm rể nhà giàu, giấu biệt xuất thân nông thôn của mình, xấu hổ về người mẹ nghèo và người cậu nhà quê, rồi tự đưa mình vào tình huống khôi hài. Cảnh đó mua được những trận cười của công chúng vì Sài Gòn lúc đó bắt đầu đón nhận những làn sóng di dân từ nông thôn do chiến tranh phải đổ vào đô thị, và đã có những người choáng ngợp trước sự hào nhoáng của đô thị mà đâm ra mặc cảm tự ti, phủ nhận những giá trị vốn có của mình, sắm cái mặt nạ trưởng giả phù phiếm để hãnh diện với đời. Cho đến bây giờ Sài Gòn vẫn là đất hội tụ của người tứ xứ, không chỉ từ các tỉnh thành khác trong nước, mà còn từ nhiều nước khác. Nó chưa bao giờ là một đô thị hoàn hảo hay lý tưởng. Nó chỉ là đô thị đúng nghĩa, có hay, có dở, phát triển theo qui luật và thực lực của nó. Hàng triệu dân nhập cư từ nông thôn là nguồn đóng góp cho nó những giá trị đặc sắc của từng vùng, từng nhóm văn hóa khác nhau.
Theo tôi hiểu, tiểu nông là người canh tác trên mảnh đất mình làm chủ. Do phương thức tự cung, tự túc, họ phải tự lực, tự lo, tự chủ, tự cường.

Tôi quen văn minh đô thị, nhưng tôi quí trọng tiểu nông. Theo tôi hiểu, tiểu nông là người canh tác trên mảnh đất mình làm chủ. Do phương thức tự cung, tự túc, họ phải tự lực, tự lo, tự chủ, tự cường. Tiểu nông thực sự là những người độc lập, tự do, có nền tảng văn hóa căn cơ, nhân bản. Khi gặp những hoàn cảnh khắc nghiệt: thiên tai, ngoại xâm, nội chiến, chính sách sai lầm, nông dân có thể bị mất đất, trở thành nô lệ, hay kẻ làm thuê, hay tha phương cầu thực. Họ không còn là tiểu nông nữa, mà vì cuộc sinh tồn họ phải biến chất để thích nghi trong hoàn cảnh khác. Như mọi thứ trên đời, nền tảng văn hóa tiểu nông có những ưu điểm và những khuyết điểm. Và như mọi thứ trên đời, khi nền tảng tan vỡ, suy sụp hay rạn nứt, thì những mảnh vỡ, tản lạc, bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm.
Nhóm bạn chúng tôi đi nghỉ mát ở Mũi Né, gặp những nhóm khách từ nhiều nơi khác cùng nghỉ chung khách sạn. Họ hỏi chúng tôi có phải ở Sài Gòn ra. Bọn tôi nói có người là dân Sài Gòn, còn lại là dân miền Tây và dân miền Trung. Rồi hỏi lại họ có đoán được ai trong chúng tôi là người xứ nào không. Họ chỉ tôi: chắc bà này dân miền Tây. Còn hai dân miền Tây chính hiệu là Tiên và Liên thì bị nhầm là dân đô thị: Tiên ăn mặc giao tiếp rất có phong cách, Liên nói năng đàng hoàng văn vẻ. Cả bọn ôm bụng cười bò ra. Chuyện này vui, chứ không đến nỗi ngạc nhiên. Tiên là giám đốc doanh nghiệp, Liên là giáo sư Đại học Cần Thơ, còn tôi là một người viết tự do, ăn mặc giản dị, ăn uống tự nhiên, nói năng thoải mái. Nhưng định kiến miền Tây là nhà quê, và nhà quê thì mộc mạc, nghèo nàn, xấu xí, dốt nát, lạc hậu, lôi thôi, linh tinh … nói theo ngôn ngữ thời thượng là mang tính chất “tiểu nông”.

Kinh tế tiểu nông có thể không thỏa mãn tham vọng làm giàu chớp nhoáng, không thích hợp với kinh tế tiêu thụ chi phối bởi tư bản toàn cầu. Nhưng nếu có một mô hình nông nghiệp đáng mơ ước thì mô hình đó sẽ dựa trên nền tảng tiểu nông: nông dân canh tác trên mảnh đất mình làm chủ, tự cung và cung cấp cho xã hội tương xứng với hưởng thụ từ xã hội. Với những thành tựu khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác ngày nay, không nhất thiết phải có một giàn máy gặt đập liên hợp như một nhà máy di động trên cánh đồng hàng ngàn mẫu mới đạt được sản lượng cao nhất. Công nghiệp hóa nông nghiệp hiện nay là vấn đề gây tranh luận, nó không hẳn là một lựa chọn tối ưu, nhất là về mặt môi trường, văn hóa, xã hội. Lợi nhuận thương mại liệu có tương xứng với cái giá phải trả cho biến đổi sinh thái và cơ cấu xã hội? Khoa học hóa và kỹ thuật hóa nông nghiệp trên nền tảng tiểu nông là một giải pháp khả thi ở nhiều nơi trên thế giới. Phần lớn chính sách bảo hộ nông nghiệp ở các nước tiên tiến đều nhằm duy trì nền tiểu nông, mà một trong những mục đích là bảo tồn văn hóa nông nghiệp vốn là gốc văn hóa dân tộc của họ.
Đâu đến nỗi khó khăn lắm mới thấy rằng để có sức cạnh tranh trên trường quốc tế hiện nay (trên thương trường và trong mọi lĩnh vực khác) chúng ta cần sáng suốt chí công lựa chọn những đầu óc xuất sắc được đào tạo với chất lượng ít nhất phải ngang ngửa đối thủ quốc tế để đưa ra những chính sách và biện pháp vì lợi ích cả cộng đồng dân tộc chứ không chỉ lợi cho tài khoản một số cá nhân hay phe nhóm. Để hiểu vì sao xã hội ngổn ngang vấn đề, dân chúng có những hành vi xã hội kém văn hóa, có lẽ khó khăn hơn, vì nền giáo dục hiện nay chỉ chịu chừng một nửa trách nhiệm, một nửa còn lại cần can đảm và cởi mở để thẳng thắn nhìn nhận và thay đổi. Còn việc đổ thừa nền “văn học tiểu nông” nên ta chưa có tác phẩm lớn, thì do cách đặt vấn đề như vậy, câu trả lời thế nào cũng chướng. Singapore là nước không hề có nông nghiệp, đương nhiên nền văn học không thể là văn học tiểu nông, mà bất chấp tính công nghiệp hóa cực cao của xã hội nước đó, họ vẫn không có tác phẩm văn học “lớn”, có thể họ cũng chẳng băn khoăn quyển sách họ chia sẻ với đồng bào mình có “lớn” hay không, theo tầm, theo chuẩn nào. Còn sử thi Mahabharata của Ấn Độ thì chắc chắn ra đời trong bối cảnh đất nước này còn chế độ tiểu nông. Nếu muốn phê phán hay thay đổi điều gì, thì trước tiên phải gọi đúng tên sự việc, chứ không thể chỉ việc đổ thừa cho tính chất “tiểu nông”.
Ông bà ngoại tôi là tiểu nông thứ thiệt. Tôi thừa hưởng những điều tốt đẹp nhất làm nên con người tôi hiện nay từ ngôi nhà, khu vườn, cánh đồng và thôn làng quê ngoại tôi. Hai người bạn dân miền Tây của tôi cũng có cha mẹ và ông bà là tiểu nông. Chúng tôi đều tự hào là dù được đào tạo ở Mỹ, ở châu Âu, dù làm việc trong môi trường đô thị, chúng tôi vẫn còn trong mình những phẩm chất tiểu nông của ông bà mình. Những phẩm chất đó giúp chúng tôi biết mình là ai, và đâu là nền tảng văn hóa của mình. Lý Lan

Nhìn nhận về Dự luật tiếp cận thông tin


 
09:24-17/03/2009

Người dân cần được tiếp cận những
thông tin trung thực về nguyên nhân
sập dầm cầu Chợ Đệm trên đường cao tốc
TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

“Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” là một chủ trương thường được nhắc tới trong nhiều văn kiện chính trị bàn về dân quyền ở Việt Nam. Để giúp người dân biết chính quyền đã và đang làm gì, một đạo luật về tự do thông tin đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Người ta đã cho dịch và xuất bản các văn kiện pháp lý quốc tế và các đạo luật về tự do thông tin từ nhiều quốc gia trên thế giới, bước đầu xây dựng được một bản đề cương với 32 điều làm tư liệu thảo luận về dự luật này. Bài viết dưới đây góp phần nhìn nhận về nhu cầu, giới hạn và những tác động khả dĩ có được của dự luật này từ góc độ bảo vệ dân quyền.

Một đạo luật cần cho người dân, báo chí và chính quyền
Báo giới Việt Nam thường ráng né nhiều vấn đề được cho là nhạy cảm, song trên thực tế những vấn đề đó nếu được bàn luận tự do chưa chắc đã được số đông người dân quan tâm. Bình dân quan tâm đến việc an sinh thường ngày. Công việc, thu nhập, học hành, sức khoẻ và mọi sự tiện lợi trong giao lưu xã hội là những ưu tiên hàng đầu. Trong giao tiếp với chính quyền, người ta mong được đối xử công bằng và rõ ràng. Sự bất bình của dân chúng thường khởi nguồn từ những đối xử của chính quyền mà họ cảm thấy bất công. Thu hồi và sử dụng đất không đúng mục đích, đền bù không thoả đáng cho đất bị thu hồi, không được tạo việc làm và cơ hội chuyển nghề, sự bất lực của chính quyền trước ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và các bất an khác trong xã hội… thường là những mồi lửa tạo nên bất bình. Tích tụ lâu ngày, mồi lửa nhỏ cũng tạo nên đám cháy. Động loạn lớn đôi khi có nguyên căn từ vô cảm của chính quyền trước những lo toan nho nhỏ của người dân.
Tự do thông tin tốt cho người dân, báo giới và chính quyền: Một đạo luật bảo đảm quyền tự do thông tin của người dân nếu được ban hành sẽ giúp báo giới tự tin hơn khi khai thác quyền được biết, quyền được nói của người dân. Có biết, có dám tranh luận, rồi một ngày người dân mới học cách tập hợp lực lượng để phản biện lại, một cách hoà bình và văn minh, các chính sách của chính quyền khi cần thiết. Đạo luật này cũng giúp quan chức hành chính tự tin hơn khi tiết lộ thông tin cho dân chúng mà không sợ vi phạm các nghĩa vụ bảo mật. Thêm nữa, có được sự hiểu biết và thông cảm từ phía người dân các chính sách của Nhà nước cũng dễ thực hiện hơn. Tăng tự do thông tin cho người dân cũng nghĩa là tăng sức đề kháng, tăng cường ổn định, làm trong sạch, giúp bảo vệ chính quyền.

Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin và Luật báo chí
Từ đưa tin tới tự do khám phá sự thật: Được hậu thuẫn từ quyền tự do thông tin của người dân, có thể trên thực tế, báo chí sẽ có những lợi ích, động cơ, tính chuyên nghiệp, bộ máy và năng lực để “thừa ủy quyền” của người dân mà truy tìm thông tin, khám phá ra những sự thật mà cơ quan Nhà nước có thể chưa muốn công bố cho công chúng (trừ những thông tin cần bảo mật vì lợi ích quốc gia). Không chỉ ở vị trí thụ động, phát ngôn cho các cơ quan của Đảng và cơ quan hành chính, dựa trên luật về tự do thông tin, báo chí chuyển sang một vị thế chủ động hơn, khai thác, điều tra, truy đuổi các thông tin đáng ra cơ quan Nhà nước phải công bố. Triết lý này phải được ghi nhận bởi luật báo chí, nói cách khác, ban hành luật về tự do thông tin sẽ làm một cú hích để tu chỉnh luật báo chí nhằm xác định trách nhiệm xã hội của báo chí trước nhân dân và dân tộc.
Chủ đề nhạy cảm: Ngoại lệ đối với tự do thông tin của người dân cũng nên là ngoại lệ đối với tự do báo chí. Ngoài bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp, quyền riêng tư của người dân cũng nên là một chủ đề cần thận trọng khi công bố trên báo chí. Những nguyên tắc này cần được ấn định rõ ràng. Cần tìm cách giới hạn quyền lực của cơ quan Nhà nước trong quản lý báo chí, không cho họ tự tiện tuyên bố những vấn đề nhạy cảm cấm đưa tin dựa theo quan niệm của một số quan chức có quyền. Ở những vấn đề này báo chí cũng phải có tố quyền, phải được tranh luận vì sao một chủ đề nhất định lại được xem là nhạy cảm, và vì sao họ không được phép đưa tin. Một cơ chế tranh luận, xét xử bảo mật, hoặc một phiên điều trần không công khai trước các ủy ban của cơ quan dân cử có thể giúp thẩm định và giới hạn những vấn đề được xem là nhạy cảm vào những tiêu chí khách quan hơn.

Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin và Pháp lệnh về bí mật Nhà nước
Làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Quyền được thông tin của nhân dân thì nhân dân phải biết Chính phủ đang làm gì và sắp làm gì”.

Bí mật Nhà nước? Trong cơn khát, luật về tự do thông tin ví như một bầu nước, song Pháp lệnh về bí mật Nhà nước năm 2000 lại chính là cái nút thắt chặt lấy bầu nước ấy. Một bản kết luận nước tương hay sữa kém phẩm của một sở y tế địa phương, bản danh mục điện thoại của các đại biểu Quốc hội có là bí mật Nhà nước, nếu phóng viên tiệm cận và công bố những tin ấy, liệu có được xem là vi phạm các quy định về bí mật Nhà nước hay không? Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 về bí mật Nhà nước định nghĩa rất rộng, cho rằng bí mật là tất cả những gì có trong danh sách được xem là bí mật, danh sách này do người đứng đầu cơ quan tổ chức Nhà nước hoặc người được ủy quyền đề nghị và tuỳ theo loại tối mật, tuyệt mật hoặc mật mà do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Tóm lại bí mật là những gì cơ quan hành chính Nhà nước trình và được Bộ Công an thẩm định đồng ý cho là mật.
Thẩm định danh mục bí mật: Theo Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ban hành ngày 28/03/2002 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bí mật Nhà nước năm 2000, trên thực tế các thông tin được xem là bí mật Nhà nước thực ra rộng hơn cả khái niệm thông tin Nhà nước. Bởi lẽ, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cũng có thể lập danh sách các thông tin được xem là bí mật Nhà nước. Điều này áp dụng đối với các thông tin của Đảng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thông tin được cho là bí mật Nhà nước do các tổ chức chính trị xã hội khác đề xuất. Nghị định tuy có nhắc đến việc thẩm định các danh sách đề xuất này, song không cụ thể hoá việc thẩm định được diễn ra như thế nào, với những tiêu chí gì. Cũng như vậy bản thân các danh sách những gì được xem là mật này cũng có thể được công bố hoặc không, tuỳ thuộc vào Bộ Công an xem xét quyết định. Trên trang thông tin điện tử của Chính phủ người ta có thể theo dõi vô số các danh sách bí mật đã được công bố, từ danh sách bí mật của Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cho tới bí mật của ngành xây dựng, ngành công thương.
Rà soát lại pháp luật về bí mật Nhà nước: Điểm lại thông tin báo chí Việt Nam trong các năm gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc có thể liên quan đến vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước có thể cần được thảo luận thêm, ví dụ về vụ việc phóng viên Lan Anh của báo Tuổi trẻ bị khởi tố liên quan đến tài liệu được cho là bí mật của Bộ Y tế. Theo pháp luật hiện hành, một thông tin nằm trong danh sách bí mật do Bộ Y tế đề xuất đã được Bộ Công an quyết định, đã được đóng dấu mật, thì được xem là bí mật. Nếu không giải thích được rành rọt cách thức lấy được thông tin đó, cô phóng viên gặp phải rủi ro có thể được xem là vi phạm bí mật Nhà nước. Tương tự như vậy, việc đưa tin về các đề án xây dựng quy hoạch vùng có thể vi phạm bí mật thuộc phạm vi do Bộ Xây dựng phụ trách, xem § 1 Quyết định số 2039/2008/QĐ-BCA (A11) ngày 03/12/2008. Đáng lưu ý rằng quy hoạch là một thông tin tối nhạy cảm trong lĩnh vực đất đai, ảnh hưởng đáng kể đến dân cư.

Cũng như vậy, nếu quá say sưa đưa tin về vụ khai thác Bauxite ở Đắc-Nông (Tây Nguyên), báo chí có thể gặp phải nguy cơ vi phạm những thông tin được xem là tuyệt mật liên quan đến chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về khai thác khoáng sản, xem § 2.4 Quyết định số 106/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/07/2008 về danh sách thông tin độ tối mật, tuyệt mật trong ngành Công thương.
Phạm vi và quy trình thẩm định danh sách bí mật: Cuộc thảo luận về luật về tự do thông tin không trực tiếp thay đổi được các quy định về bảo mật, song như một mắt xích hướng tới sự minh bạch hơn trong quản trị quốc gia, đạo luật này hối thúc việc sửa Pháp lệnh về bí mật Nhà nước, nhất là xác định những nội dung nào được xem là bí mật và từng bước hướng tới một quy trình thẩm định, tương đối khách quan và có thể giám sát được, các tiêu chí đánh giá một thông tin có cần được xem là bí mật Nhà nước hay không. Phạm Duy Nghĩa

Harvard - giấc mơ Mỹ




Giấc mơ của mọi sinh viên


Điều hấp dẫn đầu tiên về Harvard là trường đại học này có lịch sử dài hơn cả... lịch sử nước Mỹ: 372 năm. Tính đến đầu những năm 60, Havard đã đào tạo cho nước Mỹ 6 vị Tổng thống. Nhân vật nổi tiếng gần nhất được trao bằng mặc dù chưa kết thúc thời gian học tập của mình tại đây chính là Bill Gates.


Ông Haji-Ioannou, cựu sinh viên, Chủ tịch hãng Vận tải biển Stelmar Tankers nói: "Tôi cho rằng mình đã đi trên đôi chân thật vững vàng, và tôi cảm ơn Harvard, vì trường và các giảng viên đã cho tôi không chỉ kiến thức, mà còn cho tôi nhiều hơn thế. Đó là lòng tự tin!".



Trường ĐH Harvard



Một sức hấp dẫn lớn nhất nữa ở Harvard là: không phải chỉ vì có điểm cao chót vót bạn mới được nhận vào trường đại học danh tiếng này, mặc dù theo thống kê thậm chí những học sinh có số điểm trung bình là 97,27 cũng bị trường Havard trả về.


Một sinh viên, con trai của đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từng tâm sự: "Kết quả học tập hồi trung học của tôi cũng không phải thật xuất sắc, nhưng sau cuộc phỏng vấn tôi đã được nhận vào. Lúc ấy vị giám khảo đã nói: "Chúng tôi quan tâm đến việc anh sẽ đạt được những gì trong tương lai, chứ không phải là những việc mà anh đã đạt được trong quá khứ".



Trường Hành chính công thuộc hệ thống Harvard



Trường Harvard cho rằng, giáo dục đại học không phải là đào tạo ra một loạt những con mọt sách làm việc máy móc, mà là chỉ dẫn cho sinh viên biết cách làm thế nào để đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau. Bản thân thương hiệu này cần những "Con người quốc tế". Đó chính là những người có tầm nhìn mang tính quốc tế.


Với bất cứ sinh viên nào, còn gì đẹp hơn ước mơ được cắp sách ở Cambridge và trở thành một "con người quốc tế" ở Harvard?


Thương hiệu người giảng dạy


Những giáo sư, tiến sĩ siêu nhất, hay những người nổi tiếng ở một lĩnh vực nào đó thường là đích nhắm của các trường đại học. Riêng với Harvard, tiền chưa bao giờ là vấn đề, vì thế họ luôn có những giảng viên giỏi nhất, thậm chí là theo yêu cầu của sinh viên.



Cửa hàng sách của trường Harvard



Ví dụ như trường hợp của Giáo sư sử học người Anh Niall Ferguson, được coi là người giảng lịch sử hay nhất thế giới. Lúc đầu, Đại học Oxford chèo kéo ông, sau ông quay sang Đại học New York, để rồi cuối cùng Harvard xuất hiện và đề nghị ông với một mức lương gấp... 6 lần hai trường kia.


Hiện nay, Harvard có hơn 100 giảng viên đến từ gần 20 quốc gia khác nhau, trong đó 47 giáo sư đã từng đoạt giải Nobel. Những "ngôi sao" giáo sư, tiến sĩ này là nền tảng tạo cho Harvard một thương hiệu khó trường nào sánh được.


Môn học Learning style


Harvard rất đa dạng về các khoa nghiên cứu: Cổ Sinh học, Hoá học... và nhất là Kinh tế học. Là cái nôi đào tạo những giáo sư, tiến sĩ cho nước Mỹ. Trong tất cả các khoa của trường, một trong những môn học được coi là trọng tâm là "Learning style", chuyên nghiên cứu về cách học cho mỗi sinh viên.



Thư viện



Nhiệm vụ của giảng viên trong môn học này là ngồi nói chuyện với càng nhiều sinh viên càng tốt. Qua đó, họ cảm nhận được tâm lý, trình độ, tính cách của mỗi người, rồi đưa ra những cách học hiệu quả nhất cho sinh viên. Đây cũng là môn học được đa số sinh viên yêu thích, bởi qua mỗi tiết học, họ lại có thể hiểu rõ hơn về chính mình mà lại được giao lưu với bạn bè, thầy cô giáo.


Phần lớn, sinh viên đều có thể tự đưa ra những phương pháp thích hợp cho mình, chính vì vậy, sinh viên của Harvard có khả năng tự học cực tốt. Harvard còn có một loại học bổng dành cho những phương pháp tự học được ứng dụng tốt nhất.


Harvard… trả tiền để bạn… đi học


Do học phí quá cao (nhất nước Mỹ), không phải ai cũng có thể theo học ở đây. Nhưng có lẽ trên thế giới, không trường đại học nào có nhiều chế độ ưu đãi như ở Harvard. Đã từng bị coi là trường đại học cao cấp chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu da trắng của Mỹ nhưng nhiều năm trở lại đây, Harvard đã có những thay đổi tích cực về vấn đề nhạy cảm này. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (thu nhập gia đình dưới 40.000 USD/năm) đặc biệt là những sinh viên da màu được hỗ trợ từ 50 đến 80% học phí + giảm các khoản đóng góp.



Nhà xuất bản ĐH Harvard



Cụ thể, nếu gia đình bạn chỉ có mức thu nhập là 80.000 USD/ năm, thì mỗi năm bạn chỉ phải đóng 15.000 USD, Harvard sẽ trợ cấp cho bạn 21.000 USD. Hiện 2/3 số sinh viên trường đang nhận ít nhất một loại trợ cấp tài chính nào đó.


Về học bổng, ngay tại Harvard cũng đã có đến mấy chục loại học bổng. Ngoài ra, chương trình học bổng của Harvard còn mở rộng khắp thế giới, đặc biệt ưu đãi với những nước đang phát triển, nơi có mỏ chất xám dồi dào chưa được khai thác hết vì thiếu tiền.


Harvard đã trao học bổng cho hoa hậu Mỹ năm 2002, Erika Harold ngay khi được biết cô có mong muốn trở thành luật sư.


Ký túc xá kiểu... Harvard



Trường ĐH Harvard



Harvard giờ đây không chỉ được biết đến như là một trường đại học, mà thực ra là cả một khu downtown với rất nhiều tòa nhà, hệ thống giao thông, nhà sách và các trung tâm mua sắm.

Tất cả các tòa nhà ở đây đều có đặc điểm là được xây bằng gạch đỏ với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm chất hàn lâm. Những con phố nhỏ và ngắn tạo nên một cảm giác yên tĩnh và rất thanh bình. Phương tiện đi lại chủ yếu của sinh viên là xe đạp.


Ở phía gần cổng có một chỗ để xe đạp vì phía sâu bên trong chỉ cho phép đi bộ mà thôi. Có thể dễ dàng nhận thấy là ở đây hầu như không có chuyện giữ xe như ở Việt Nam, chỉ có một bảng báo hiệu cho biết chỗ này là khu vực để xe và mọi người cứ xếp xe vào đó thôi, có khóa lại nhưng nhìn chung tất cả đều rất ý thức và nhẹ nhàng.



Tượng John Harvard



Khung cảnh Harvard thực sự rất thơ mộng và cổ kính, các tòa nhà, giảng đường và thư viện được bố trí trong một khuôn viên rất rộng. Những bộ phim trước đây nói về trường Harvard (ví như Chuyện tình Harvard chẳng hạn) thực ra chưa bao giờ được quay ở Harvard thực cả, bởi người ta không cho phép quay phim trong này.


Ở đây có bức tượng nổi tiếng của John Harvard, người sáng lập ra trường đại học Harvard - thường được khách du lịch đến đây và... sờ vào giày của tượng vì cho rằng điều đó sẽ đem lại kiến thức và học vấn cho mình. Sân chơi cùng một sân bóng chày khổng lồ với sức chứa 40.000 người. Ngoài ra, thư viện của Harvard có 15 triệu đầu sách và là thư viện trường học lớn nhất thế giới.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

Vì sao phải đọc sách?

Đọc sách để khám phá thế giới, khám phá lịch sử. Nhưng quan trọng hơn, đọc sách là khám phá bản thân mình...

Đó là điều mà hầu như ai cũng biết, nhưng vẫn không có nhiều người đọc sách. Họ không có nhu cầu tìm đến những kiến thức kể trên? Có đấy chứ! Vậy tại sao số người đọc sách vẫn ít?

Thời gian đọc sách trung bình trong tuần của một người Việt Nam tương đối thấp (điều này chắc bạn tự kiểm nghiệm bản thân, sẽ biết ngay). Nguyên nhân chính là do nhiều người chưa rõ mục đích lâu dài và tầm quan trọng thật sự của việc đọc sách, đặc biệt là giới doanh nhân, những người mà thời gian còn quý hơn cả vàng. Vậy hãy thử đi tìm các lý do khiến chúng ta không thể... không đọc sách.

Đọc để sống một cuộc đời

Một cuốn sách có giá trị luôn được tác giả, có khi không phải là một mà là nhiều người "vắt tim, vắt óc" viết ra. Vì vậy, có thể nói không quá là những điều đúc kết từ sách là cả một đời người, hoặc cả thế hệ của nhiều người đã sống và chiêm nghiệm.

Cuộc đời chúng ta không đủ dài để có thể "thu gom" trí tuệ nhân loại bằng cách tự mình sống để lấy kinh nghiệm. Vậy cách hay nhất là sống qua cuộc đời nhiều người trên từng trang sách. Tiếp cận với các tác giả nổi tiếng, những người thành công, chúng ta có thể rút ngắn được con đường đến đích của mình từ những bài học của họ. Bạn có thể học hỏi kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau: từ kinh nghiệm của chính mình, từ cuộc sống, trường lớp, từ người khác và qua sách vở. Ngày nay, kiến thức thay đổi với tốc độ chóng mặt. Sách chính là người thầy tuyệt vời mà bạn có thể cận kề mọi lúc, mọi nơi, giúp cập nhật kiến thức nhanh và toàn diện nhất.

Đọc để có tư tưởng mới

Trong số kiến thức mà bạn cần cho đời sống, sự hiểu biết về bản thân là quan trọng nhất. Hãy khám phá bản thân, bạn sẽ thấy toàn bộ vũ trụ.

Sách chính là người thầy cần mẫn và "không lạc hậu”, giúp bạn học hỏi về cuộc sống và tìm hiểu chính mình. Qua đó, bạn sẽ phát triển các tiềm năng vô biên của bản thân.

Không phải làm doanh nhân là bạn chỉ đọc sách về kinh doanh, quản lý, bí quyết lãnh đạo... Có nhiều thể loại sách khác cũng rất cần thiết cho tất cả mọi người để tăng vốn sống, vốn hiểu biết. Việc đọc sách còn giúp chúng ta phát triển tư duy và khả năng sáng tạo, tăng trí tưởng tượng và có những quan điểm đột phá.

Thỉnh thoảng, ngoài các loại sách liên quan đến chuyên môn của mình, bạn nên đọc những cuốn có đề tài lạ, thậm chí đề tài mà bạn không hề thích, để kích thích bộ não "suy nghĩ vượt khung”, tiếp cận với những khía cạnh mới mẻ.

Đọc để... thư giãn

Khi cầm cuốn sách trên tay với mục đích đọc sách rõ rệt trong đầu (phải có lý do khi đọc từng cuốn), bạn sẽ tập trung trí não và cảm xúc để hấp thu nội dung và cảm nhận giá trị cuốn sách.

Trước khi đọc, hãy nghĩ đến các vấn đề hay thắc mắc bạn đang muốn tìm lời đáp. Việc tập trung trong lúc đọc sách sẽ mớ ra cho bạn hướng tháo gỡ. Lúc ấy, cuốn sách sẽ trở nên vô giá.

Việc tập trung cũng giúp trí não được thư giãn. Khi đó, bạn sẽ thả hồn vào từng trang sách, đưa trí tưởng tượng vươn đến những miền đất mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Chắc chắn, bạn cũng sẽ cảm nhận được nhiều điều kỳ thú, đôi khi hơn cả một chuyến đi du lịch.

Khi trí óc đã gặt hái nhiều điều mới mẻ, nó sẽ không còn ở tầm vóc bình thường nữa. Vậy bạn còn chờ gì nữa?

Mỗi ngày, chỉ cần dành khoảng 15 phút để đọc sách là có thể hoàn thành 7 trang sách. Điều này có nghĩa, mỗi tháng bạn xem xong một cuốn sách dày khoảng 200 trang mỗi năm 12 cuốn sách. Và sau 10 năm, bạn xem được 120 cuốn sách.

Thử tưởng tượng, nếu tăng gấp đôi thời gian đọc sách lên 30 phút mỗi ngày, bạn sẽ có trí tuệ của... 240 cuốn sách, sau 10 năm.

Vậy từ nay, mong rằng sẽ không còn ai nói: "Tôi muốn đọc sách lắm, nhưng không có thời gian”!

Theo Tạp chí Thành đạt

Chất lượng của tư duy và cuộc sống



Hãy nghĩ về một hạt giống. Nó giống như một điểm sáng - bé nhỏ nhưng chứa đựng tiềm năng của sự sống. Một suy nghĩ cũng giống như thế. Một suy nghĩ là một hạt giống chờ đợi sự nảy mầm.

Một hạt giống có thể mang đến cả sự tích cực lẫn tiêu cực, phụ thuộc vào trạng thái, quan điểm và tính cách của người gieo trồng hay của chính bản thân chúng ta. Suy nghĩ tạo nên những cung bậc cảm xúc và thái độ. Sự kết hợp của những điều này được gọi là ý thức. Ý thức là khả năng suy nghĩ, lập luận và biểu đạt. Tất cả những điều này bắt đầu chỉ bằng một suy nghĩ.

Bạn có bao giờ dừng lại để quan sát những suy nghĩ của mình? Bạn có bao giờ nghĩ tới việc đặt một dấu chấm hỏi cho suy nghĩ của mình? Hầu hết chúng ta đều để cho chúng "chạy lung tung", lang thang khắp các ngõ ngách trong tâm trí. Những suy nghĩ rơi vãi, không được kiểm soát như một chiếc xe đang phóng nhanh, nếu không kịp đạp thắng, tai nạn có thể xảy ra. Một tâm trí không được kiểm soát thì đầy căng thẳng, lo lắng. Điều này có thể gây ra nhiều tổn hại cho tinh thần lẫn thể chất của chúng ta.

Chúng ta cần biết dừng lại nếu muốn tâm trí hoạt động một cách tự nhiên. Bản chất tự nhiên của tâm trí là bình an và một tâm trí bình an sẽ mang lại sự sáng suốt. Khi nhìn sự việc một cách thông suốt, chúng ta sẽ không làm lãng phí năng lượng tinh thần của mình. Tâm trí ta không bị chồng chất nặng nề bởi những suy nghĩ không cần thiết. Căn bệnh tai hại nhất của tâm trí chính là suy nghĩ quá mức, đặc biệt là suy nghĩ quá nhiều về người khác: người ta làm gì, lẽ ra người ta phải làm gì, họ đã nói gì, ta muốn họ phải nói gì, tại sao họ cứ nói thế... Những suy nghĩ này bào mòn sự thanh thản vốn có trong tâm trí ta.

Nghĩ quá nhiều cũng giống như ăn quá nhiều. Sự nặng nề khiến cơ thể cũng như tâm trí không thể duy trì được sự nhẹ nhàng và linh động. Chúng ta dễ bị mắc kẹt vào những điều vụn vặt, và dần dà, những điều vụn vặt này trở thành những điều to tát mà chúng ta không thể rũ bỏ được. Khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều, chúng ta thường thổi phồng sự việc và phản ứng quá đáng. Và điều đó khiến chúng ta tạo ra những cảm xúc tiêu cực.

Quan sát sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tiếp nhận qua lời nói, cảm xúc và thái độ, cũng sẽ tốt hơn nếu so với việc tham gia quá đáng hay phản ứng thái quá. Việc quan sát mang lại cho ta lòng kiên nhẫn và sự sáng suốt để suy nghĩ và hành động thích hợp. Quan sát cũng tạo nên một sự tập trung vào nội tâm và cho phép nhìn thấy sự thật.

Chúng ta thường bị tác động bởi lời nói và ý kiến của người khác. Vì vậy, để sự bình yên trở về với tâm trí, chúng ta cần cuộc hành trình hướng nội. Cuộc hành trình này giúp chúng ta lấy lại sự quân bình và không lãng phí sức lực. Chúng ta cần học nghĩ trước khi nói, quan sát trước khi hành động. Nếu không, sự quá khích của suy nghĩ, lời nói và hành động cuối cùng sẽ tạo nên sự rối loạn về tình cảm, thần kinh và thể chất. Sự rối loạn này dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, cảm giác bất ổn và sợ hãi.

Nếu không tự kiểm soát được bản thân mình thì chúng ta sẽ bị người khác làm việc này. Lúc đó, có thể ta sẽ phản ứng lại, sẽ than vãn, sợ hãi hoặc khó chịu vì sự kiểm soát. Vì vậy, chúng ta hãy học cách quan sát nội tâm, đi vào nội tâm và làm chủ bản thân.

Ai đó đã nói rằng tâm trí chúng ta nằm ngay ở lưỡi. Điều đó có nghĩa là suy nghĩ có quan hệ mật thiết với lời nói. Chúng ta sẽ nói những gì mình suy nghĩ. Lời nói tích cực hay tiêu cực cũng đều ảnh hưởng đến người khác. Nếu ta nói những lời nặng nề hay chỉ trích, người khác sẽ phản ứng lại, họ sẽ trả lại chúng ta những gì họ nhận được. Có thể xem như đó là trò đánh bóng bàn về lời nói và cảm xúc. Có khi, lời qua tiếng lại trở nên dữ dội như một trận đấu võ đài chứ không còn đơn giản, nhẹ nhàng như một trận bóng bàn nữa.

Chúng ta suy nghĩ như thế nào thì sẽ nhận thức như thế ấy, và chúng ta nhận thức như thế nào thì cuộc đời chúng ta sẽ như thế ấy. Hãy tưởng tượng chúng ta đang gieo một hạt giống suy nghĩ trong sáng và tích cực. Nếu chúng ta tập trung vào suy nghĩ này, dồn sức lực cho nó, tương tự như mặt trời trao năng lượng cho cây cỏ trên mặt đất, suy nghĩ đó sẽ thức giấc, chuyển mình và bắt đầu lớn lên. Khi ta có những lời nói và hành động tích cực, phẩm chất của ta - cũng như một hạt giống đủ điều kiện về dinh dưỡng và sự chăm sóc - sẽ thức dậy, chuyển mình và trưởng thành. Vì vậy, chúng ta hãy gieo những suy nghĩ tích cực.

Mỗi sáng, trước khi bắt đầu hành trình một ngày mới, chúng ta hãy dành một vài phút ngồi trong tĩnh lặng và gieo hạt giống bình yên. Bình yên là sự hài hòa và quân bình. Bình yên là sự tự do, thoát khỏi gánh nặng của sự tiêu cực và lãng phí. Bình yên là sức mạnh nguyên thủy vốn có trong ta, là sự tĩnh lặng bất tử cho sự tồn tại của chúng ta. Hãy để bình yên tìm thấy mái nhà của nó trong lòng chúng ta.

Hãy để suy nghĩ đầu tiên trong ngày của bạn đơn giản chỉ là được bình yên. Hãy gieo hạt giống này. Tưới cho nó bằng sự quan tâm, chăm sóc, và bạn sẽ thu họach được vụ mùa của sự điềm tĩnh.

Theo First News

Giảm stress - hãy tự chủ!



Giảm stress - hãy tự chủ!

Chìa khóa để giải toả stress là bạn phải biết cách chủ động điều chỉnh bản thân mình.

Stress là gì?

Trong guồng quay không nghỉ của cuộc sống hiện đại, stress trở thành một căn bệnh phổ biến trong xã hội. Mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với bốn loại stress: về thể chất, xúc cảm, tư duy và môi trường. Stress có rất nhiều tác động tiêu cực đến đời sống cảm xúc, năng suất làm việc cũng như sức khoẻ của con người.

Nhiều giải pháp giúp giảm stress đã được đưa ra, song việc thực hiện chúng chưa thực sự đem lại hiệu quả. Hậu quả là nhiều người trở nên “mãn tính” với căn bệnh stress của mình mà không có cách thoát ra được.

Làm thế nào để tự chế ngự stress?

Chúng ta đều biết tự chủ là cách tốt nhất để tránh cho bản thân khỏi ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài. Niềm vui và sự hứng thú trong cuộc sống, phương thuốc công hiệu cho căn bệnh stress, cũng cần phải được rèn luyện. Hãy suy ngẫm xem bạn đã thực sự biết cách chế ngự tâm lý bản thân để thoát khỏi sự đeo đẳng của căn bệnh phiền toái này chưa?

Một thời gian biểu dày đặc cùng với những bận rộn liên tiếp cứ cuốn bạn đi ngày này qua ngày khác. Bạn chẳng còn đủ thời gian dành cho bản thân, cho những mong muốn hay bản năng sáng tạo cuả riêng mình. Hãy biết dừng lại, dù chỉ một lát thôi, để các giác quan của bạn được thưởng thức những âm thanh và cảm xúc của thế giới quanh bạn. Bạn đã bao giờ dừng lại trong giây lát để tự hỏi: “Mình đang đi đến đâu? Mình sẽ làm gì?”

Học cách tự tìm cho mình một khoảng thời gian và không gian yên lặng để được thư giãn và lấy lại tinh thần chính là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự mệt mỏi và kiệt sức gây ra bởi stress. Tĩnh lặng đồng nghĩa với quan sát và cảm thụ, để được trở về với bản năng sống tự nhiên. Một vài giây phút thiền sẽ là giải pháp lí tưởng để bạn tìm lại sự tĩnh lặng vô cùng quí giá này. Nói ngồi thiền không có nghĩa là bạn phải “trang bị” cho mình tràng hạt, toà sen hay những cây nến.Chỉ một hình ảnh khiến bạn chú ý hay một câu nói giúp bạn tập trung là đủ giúp bạn mở cánh cửa đến với sự tĩnh tại sâu lắng cần thiết.

Một vài giây phút thiền có thể đem lại những hiệu quả giảm stress rõ rệt. Nó giúp bạn chủ động quan sát sự việc với một thái độ điềm tĩnh chứ không phải phản ứng lại một cách tiêu cực. Đó là khi bạn tìm thấy động lực thực sự của những việc mình làm và đánh giá đúng vị trí của bản thân để không phải so sánh hay đố kị với người khác. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, thay vì lo lắng suy nghĩ về những thất bại hay những công việc chồng chất chưa kịp thời hoàn thành, hãy thư giãn để có được một giấc ngủ ngon. Giấc ngủ sâu sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả hơn cho ngày hôm sau. Bạn cũng không nên quá khắt khe với bản thân, hãy để công việc cho ngày hôm sau nếu hôm nay bạn không đủ khả năng hoàn thành.

Khi đã rèn luyện cho bản thân cách tìm lại những khoảnh khắc tĩnh tại thực sự, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, khoẻ khoắn hơn và tự tin hơn mà không có một loại dược liệu hay thực phẩm nào có thể làm được!

Hãy sống vui vẻ!

Những lo lắng, phiền muộn, thất bại và chán nản là rào cản trên con đường tìm lại niềm vui sống của bạn. Hãy luôn mở rộng tâm hồn mình để những tia sáng của niềm tin và sự vui vẻ tràn ngập trở lại trong bạn mỗi ngày.

Chớ dằn vặt hay quay lưng lại với bản thân khi bạn phải đối mặt với những rắc rối hay nỗi buồn. Hãy nhìn nhận lại vấn đề một cách bình thản và tìm lại niềm vui cho bản thân ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất.

Luôn đối xử tốt với tất cả mọi người bằng cách tự nguyện giúp đỡ họ khi cần thiết hay đơn giản là mỉm cười khi gặp họ hoặc giữ cánh cửa để họ cùng bước vào. Khi bạn đã biết cách đối xử tử tế với mọi người cũng có nghĩa là bạn biết cách sống tốt hơn cho bản thân.

Hãy thoải mái thể hiện cá tính và suy nghĩ của bạn qua cách ăn mặc không quá gò bó hay thể hiện óc hài hước của bạn trong những tình huống phù hợp.

Luôn vui vẻ và thoải mái với bạn bè hay đồng nghiệp. Bạn sẽ dễ dàng trở thành một nhân tố của cuộc vui khi cùng tham gia với nhiều người!

Hãy tìm cơ hội để được vận động và sống giữa thiên nhiên như những dịp leo núi picnic cùng bạn bè, đi dạo trên bãi biển hay đạp xe thư giãn... Hãy tiếp nhận năng lượng cùng sự sảng khoái trong không gian tự nhiên một cách tự do và thoải mái nhất.

Tự tìm cho mình niềm vui trong công việc hay trong bất cứ tình huống nào. Cho dù bạn đang dọn dẹp nhà cửa hay đang phải giải quyết một vấn đề khó khăn đi chăng nữa, bạn vẫn có thể tìm thấy những điều hài hước thú vị. Hãy mở nhạc khi bạn đang dọn dẹp hay đưa ra những lời nhận xét dí dỏm về người đồng sự để tạo không khí thoải mái khi làm việc. Bạn sẽ tự mình giải toả stress vô cùng hiệu quả đấy!

Chỉ tập trung vào việc bạn đang làm. Bạn không thể vừa làm một việc trong khi mải lo lắng về những việc chưa hoàn thành khác. Sự tập trung sẽ đem lai hiệu quả rõ rệt cho công việc của bạn đồng thời giúp bạn tránh khỏi cảm giác căng thẳng.

Theo DNSG