Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

CHIÊU CUỐI NĂM

 CHIỀU CUỐI NĂM.

Chiều cuối năm, gió mùa Đông Bắc về. Trời đầy mây âm u mưa mau hạt. Gió thổi ù ù lạnh buốt.

Chợt nảy ra ý định dạo phố trong mưa phùn gió bấc để nhớ về những ngày lạnh lẽo năm xưa. Đi sơ tán nằm ổ rơm gió lùa tê tái. Ngoài vườn tiếng mưa rơi trên lá chuối lộp bộp, bụng đói cật rét, răng va vào nhau lập cập. 

Hôm nay trên phố mọi người khăn quàng sặc sỡ, áo khoác trùm đầu bước đi vội vã . Đôi khi cũng bắt gặp vài người vóc dáng lam lũ đang còn vật lộn mưu sinh giữa dòng đời muôn vẻ.


Dòng ô tô xe máy cùng lao đi trên đường phố ướt lép nhép, ai ai cũng ít để ý xung quanh. Hình như mọi người đang hối hả tìm kiếm một cái gì đó tươi mới vui vẻ phía trước để kịp chào đón mùa Xuân mới sắp đến bên hiên nhà .

Trong bộ quần áo ấm áp tôi khoan khoái đi trong mưa mà không thấy lạnh. 

Thật là thú vị , hóa ra cái đẹp cái hay nó ở trong lòng.

Cầu mong năm mới mọi thứ hết âm u , ai ai cũng được sống trong vui vẻ hạnh phúc và bình an.


NBS

28/12/2022





Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Chuyện ngày trở về trường


CÂU CHUYỆN LÁ BÙA LƯƠNG THỰC

Những ngày tháng 12 năm 1977 chưa lạnh bởi gió mùa Đông bắc, trời nắng hanh lắm, mọi thứ khô khốc. Các đoàn xe đò trưng dụng của tư nhân rồi tàu hỏa tấp nập theo đường giao liên chở hàng hóa, lính tráng dọc quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc.

Đến ga Hàng Cỏ các anh lính tự chọn phương tiện theo đó về quê. Tôi là một trong những người lính ấy hoàn thành nhiệm vụ được trở về thành phố quê hương.

Hành trang mang theo như bao người khác là một chiếc xe đạp, một ba lô quần áo, năm cân gạo huyết rồng sản phẩm của Đồng tháp mười và một mớ giấy tờ chứng nhận của đơn vị.
Hòa bình thống nhất đã gần ba năm, từ trong ga dẫn chiếc xe đạp về nhà có bao con mắt dõi theo. Đã hơn 5 năm rồi, Hà nội không thay đổi mấy so với ngày chúng tôi đi Nam. 

Thắng cuộc. Đường phố Hà nội trang hoàng cờ hoa pano, áp phích rực rỡ, loa hát oang oang. Rồi  viện trợ nước ngoài bị cắt , sản xuất đình đốn người thất nghiệp nhiều , kinh tế ảm đạm người dân có vẻ lam lũ hơn.    

Người đầu tiên tôi gặp là Mẹ tôi, hai mẹ con nắm lấy tay nhau rưng rưng nước mắt không nói lên lời. Con của Mẹ bằng xương bằng thịt hiển hiện trước mặt. Lúc ấy Bố Mẹ tôi mới tin thằng con từ nơi hòn tên mũi đạn nguyên lành trở về.

Thông tin người lính trở về chiếm hàng đầu câu chuyện của gia đình , hàng phố, họ hàng. Ai cũng vui vẻ chúc mừng.

 Việc đầu tiên là làm thịt một con gà liên hoan gia đình, cảm ơn và báo cáo Tiên tổ sự kiện hân hoan này. Mấy hôm sau bố tôi bảo ông anh mua vé cho mấy cha con đi xem hai đội bóng CAHN và Đường sắt VN đá ở sân Hàng Đẫy cho thằng em hội nhập dần. 

Mùa Xuân năm 1978 mấy cha con lại hành hương lên Chùa Hương Hương tích Hương sơn cảm ơn Trời Phật khi đất trời nghiêng ngả đã vạch cho thằng con hướng Sáng mà đi.

Tháng cuối năm,  các trường đại học đã tuyển sinh xong xuôi và bắt đầu năm học mới chừng hơn một tháng. Tôi chuẩn bị giấy tờ trở lại Trường Đại học Xây dựng xin tiếp tục học hành.

Đến gặp các anh cán bộ Tổ chức được đón tiếp hướng dẫn chân tình. Tôi trình Giấy quyết định chuyển ngành, giấy thôi trả lương, giấy sinh hoạt đoàn thể....

Anh cán bộ Tổ chức hỏi : 
- Còn giấy gì nữa không ?
- Có thế thôi ạ.
- Anh còn thiếu cái Giấy chuyển Lương thực , thiếu cái này thì anh không có tiêu chuẩn gạo ăn hàng tháng.

Tôi tái mặt, đất dưới chân tôi sụt xuống , lo lắng vô cùng .
Cấp giấy cho người ra quân thứ gì chỉ có anh cán bộ Quân lực và Tài vụ Trung đoàn biết, chúng tôi có biết gì đâu.

Anh Tổ chức tỏ ra thông cảm hướng dẫn cho tôi đến Tỉnh đội Vĩnh Phú ở Việt trì hay Thành đội Hà nội xin cấp Giấy chuyển lương thực vì miền nam xa quá.

Đến hai nơi đó đều nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Quay về nhà báo cáo bố mẹ xin cấp thêm chút lộ phí trở lại đơn vị cũ xin cấp tờ giấy quan trọng. 

Hồi đó không có phương tiện giao thông công cộng, vào nam ra bắc là một chuyện khó phải xin phép tắc giấy tờ đi đường khó hơn đi nước ngoài bây giờ.

May quá anh Cả tôi làm trong Quân đội có chuyến công tác vô nam bằng xe tải , anh tôi nói khó đơn vị cho đi nhờ và cấp cho 5 kg gạo nộp cho anh nuôi. Mẹ tôi ra chợ mua chục hộp sữa với mấy cân đường thay tiền khi cần.

Đi năm sáu ngày mới tới Sài gòn vì đường xấu. Tới nơi tôi chào các anh ra chợ chuyển sữa đường thành tiền cho nhẹ , đi xe lam về Xa cảng Miền Tây mua vé xe trực chỉ Mộc hóa.

Đến Mộc hóa là một huyện lỵ biên giới của tỉnh Kiến tường nơi Sư đoàn 8 đóng quân, có anh Viễn người Hải phòng làm trên Ban Doanh trại xin ngủ nhờ. Sáng hôm sau đi Tac ván dọc sông Trăng biên giới Việt nam - Campuchia khoảng 6 tiếng thì vào nơi đóng quân của Trung đoàn 207 ở Đồng Tháp mười.

Tháng mười hai mùa nước cuối kì mực nước xuống thấp có những đoạn trên sông nước cạn không chạy máy đuôi tôm được, phải dùng sào chống đã chậm lại càng chậm . 

Trên bờ sông biên giới có các chú lính Khơ me lăm lăm tay súng, mặt hằm hằm nhìn xuống xuồng vẻ khó chịu. Có cái gì không vừa lòng nó điên lên lia cho một băng thì hết chuyện lương thực mới chả học hành.

Dân ta  lẳng lặng chống xuồng , nhũn như chi chi . Hơn ba giờ chiều tới nơi , còn phải đi bộ vài cây số qua gò Muỗi , gò Pháo thì tới nơi Trung đoàn bộ. 

Khi trước đánh nhau nếu có lính hi sinh thì quấn tăng võng cho liệt sĩ rồi chôn , nay khu hậu cần Trung đoàn chất đầy áo quan sơn đỏ lòm, trông rất phản cảm 

Khi từ Trường sơn theo ngả Campuchia xuống miền Nam tham chiến, có gặp khó khăn gì chúng tôi lại rút lên đất Miên được coi là hậu cứ an toàn , sau giải phóng thì bên kia biên giới Tây nam lại là nơi đối kháng. 

Quan hệ giữa các Quốc gia không có khái niệm anh em, răng môi mà chỉ có lợi ích là quan trọng nhất. Chính trị quả là phức tạp

Khi thấy tôi trở lại đơn vị các anh cán bộ rất ngạc nhiên, mình liền rút Giấy Giới thiệu của Trường Đại học Xây dựng trình bày xin cấp Giấy Chuyển lương thực.

Các anh rất sốt sắng làm ngay, đồng đội mà . Các chiến hữu ân cần mời ở lại ăn cơm rồi sớm mai tiễn thằng bạn ra bến đò trở về Mộc hóa. 

Các anh còn viết giấy giới thiệu ra Bắc không mất tiền theo đường Giao liên xuất phát từ Tổng kho Long bình, gọi là Đoàn Hà nội nhưng chỉ có một người.

Cầm tờ Giấy chuyển lương thực in ấn lem nhem ghi tên mình đóng dấu đỏ mà sung sướng vô cùng. Nó đúng là Lá Bùa có phép nhiệm màu đảm bảo Lương thực cho mình, nếu ai đó bảo đổi lá bùa ấy lấy 50 cây vàng tôi cũng không bao giờ đổi.

Lá Bùa đó nộp cho anh Tổ chức của Trường, đến sau năm 1995 thì hết thiêng.


NBS
1977-2022

   


   



Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

KỈ NIỆM TUỔI THẦN TIÊN CÔ GIÁO TÔI

 KỈ NIỆM TUỔI THẦN TIÊN

Đầu thập kỉ 60 của Thế kỉ trước. Cách đây khoảng sáu chục năm lứa học trò chúng tôi học  ở trường Cấp I Phan Chu Trinh , khu Ba đình Hà nội.

 Ai cũng biết khi đó các gia đình đều nghèo lắm ăn mặc còn chả đủ , nhà nào có ba anh em học phổ thông là dược giảm ngay một phần ba học phí cho tất cả anh em chỉ bằng một tờ đơn xin miễn giảm học phí có xác nhận của nhà trường. 

Chính sách này giảm gánh nặng cho cha mẹ học sinh rất nhiều , các con không bị thất học. Gần trường là các phố Trần Phú, Cao Bá Quát, Cột cờ , Hoàng Diệu....là nơi ở của cán bộ cao cấp bên Đảng và chính quyền. Con cái của họ cũng học chung trong trường với các bạn con dân thường.

Khi ăn sáng của chúng tôi là bát cơm nguội thì các bạn đến trường với chiếc bánh mì trắng kẹp thịt, pate hay cá hộp thơm phức, Có bạn còn trộn sữa bột với nước tạo thành các viên kẹo trắng ngà ngọt dịu để ăn lúc ra chơi, lúc hứng lên còn chia cho lũ bạn cùng thưởng thức; ít nhiều cũng gây sự chú ý, thèm thuồng với lũ bạn học còn trẻ con. .

Với trí óc non nớt chúng tôi được dạy và luôn tin rằng chẳng bao lâu nữa khi chủ nghĩa xã hội thành công mọi người đều được hưởng những bữa ăn ngon bổ hơn thế. 

Một thí dụ về hình ảnh xã hội tương lai làm chúng tôi khoái chí nhất là khi đó mọi việc đều tự động hết, dắt một con bò hay con lợn vào một cửa của nhà máy chế biến  là ở các cửa kia sẽ chạy ra pate, xúc xich, giày da cặp sách vv... của cải nhiều như nước sông tha hồ mà dùng thỏa thích.

Chúng tôi tin tưởng chẳng bao lâu nữa ngày đó sẽ đến, sung sướng vô cùng.

Về sau lớn lên đọc Tam quốc chí mới biết câu chuyện phía trước có rừng mơ để giải quyết vấn đề khát nước của binh sĩ còn có giá trị lâu dài.


Những đứa trẻ con có khác nhau điều kiện kinh tế nhưng học hành vui vẻ hòa hợp với nhau không có khoảng cách phân biệt chi cả.

Những năm tháng học hành vui vẻ lạc quan toàn màu hồng như thế nên không khí phấn đấu hăng say nghiêm túc. Mọi người đều hướng tới một thứ gì đó xa xôi rực rỡ thú vị mà quên đi khó khăn thiếu thốn hàng ngày. 

 

Việc trở thành đội viên cũng là trọng đại, ai được kết nạp đều phải qua quá trình cố găng phấn đấu và hãnh diện khi được mang chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai về khoe với bố mẹ, bạn bè. 

Một hôm chúng tôi đến trường lao động ngoại khóa rồi được về sớm, mấy thằng rủ nhau ra vườn hoa Canh nông nay là vườn hoa Lê nin  chơi, cũng không có gì đặc sắc bèn lang thang ra bãi sông Hồng bới trộm những củ khoai lang bé bằng ngón chân cái rửa nước sông qua loa rồi ăn sống. 

Thấy ruộng ngô vào hái mỗi thằng một hai bắp định bụng gặp hiệu giặt là nào đó nướng nhờ trên bếp than để chén. 

Sao cái vị khoai sống hay ngô nướng khi đó nó ngon ngọt quá thể . Nó thấm vào vị nước bọt làm cho tỉnh cả người. 

Rồi lang thang lên cầu Long biên đi bộ sang Gia lâm, đi hết cầu không xuống phố mà đi dọc đường sắt chừng hơn cây số thì rẽ xuống nhà chú cuả anh Lân. 

Chú thấy đám trẻ tới thì giữ lại nấu cơm luộc rau và rán đậu cho ăn. Ăn xong thì trời đã xẩm tối, bèn rủ nhau về. 

Về đến phố thấy các nhà náo loạn nói là đi tìm mấy thằng học sinh lớp 4 trường Phan Chu Trinh đến trường từ sáng mà chưa thấy về. 

Tôi chạy về nhà đã thấy đầy người và cô giáo Chủ nhiệm đang an ủi thăm hỏi bố mẹ gia đình tôi. Nhìn thấy con mọi bực dọc lo lắng của bố mẹ, cô giáo tan biến hết và ngay lúc đó tha lỗi cho cậu bé ham chơi.

Thời đó không có chuyện "học thêm", nhưng cô giáo lựa chọn khoảng chục bạn học khá hay học kém một tuần hai buổi tối đến nhà cô bồi đưỡng kiến thức chủ yếu là toán , văn. 

Bạn khá thì cho bài khó, bạn kém thì cô giảng thêm. mà là dạy miễn phí không lấy của trò một xu nào, Nhà cô ỏ Hàng Bạc trên tầng hai của một ngôi nhà cổ sàn nhà lát gỗ. 

Học trò đến đi lại lộn xộn không được nhẹ nhàng, sàn gỗ kêu cót két làm cho bác chủ dưới tầng một phải gọi với lên yêu cầu chấn chỉnh. Không vì thế mà cô khó chịu quát mắng cô từ tốn dặn dò khuyên nhủ bọn trẻ đi đứng nói năng sao cho lịch sự êm đềm. 

Bạn Thìn nhà Ngõ Tạm thương chắc không khá đi học nhà cô mà còn mặc áo rách vai. Cô giao bài xong bảo cởi áo ra để cô lấy kim chỉ vá áo cho.  

Năm học cuối cấp rồi cũng hết, sau kì thi thì các bạn muốn tổ chức một bữa liên hoan mỗi người góp 5 hào và một bơ sữa bò gạo. Cô hướng dẫn các bạn nữ ra Chợ Cửa Nam mua cua, rau sống, các bạn nam mang gạo đổi bún nấu một nồi riêu cua. 

Mọi thứ nồi niêu bát đũa đều mượn của các nhà , có một chi tiết mà người bây giờ không hình dung nổi là dưới chôn mỗi cái bát, đĩa đều viết tên chủ nhà bằng sơn màu đỏ hoặc xanh để khỏi bị ....mất cắp.

Các bạn 12 tuổi bây giờ có thể làm những gì ?. Lứa học trò lớp 4 năm ấy 11,12 tuổi đã tự làm sạch giã lọc và nấu một nồi lớn riêu cua lớn cho cả lớp dưới sự hướng dẫn của cô Thoa chủ nhiệm. Một bữa liên hoan không thể tuyệt vời hơn, bài học sinh động về kĩ năng sống đầu đời.

Cô giáo đúng là một người Mẹ hiền.

Những kỉ niệm tuổi thần tiên làm sao ai mà quên được. 

11-2022

NBS










 

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

MỌT BƯỚC LÊN MỆNH PHỤ PHU NHÂN

 MỘT BƯỚC LÊN MỆNH PHỤ PHU NHÂN

Chuyện xảy ra đã lâu, từ những năm 70 của Thế kỉ trước. Khi đó các cơ sở sản xuất, giáo dục... đều phải chuyển đi sơ tán ra khỏi các thành phố lớn tiếp tục công việc chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kì trước nguy cơ giao tranh ngày càng khốc liệt và lan rộng. 

Trường Đại học Xây dựng có hai cơ sở , Hiệu bộ và các khoa chuyên ngành ở Hương canh, Bình xuyên, Vĩnh phú, riêng Khoa Cơ bản lại ở xã Tiền phong, Mê linh.


Khoa Cơ bản ĐHXD lúc đó có một số bạn Campuchia được cử sang học. Họ sang theo diện cử tuyển, chắc là con các cán bộ có cỡ của Campuchia.

Trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng lưu học sinh Campuchia dù học chung vẫn được ở riêng , ăn riêng với tiêu chuẩn rất cao phải nói là sung sướng  hơn các bạn sinh viên Việt nam cùng lớp rất nhiều. 

Việc học hành bằng ngoại ngữ là tiếng Việt nên các bạn tiếp thu có chậm hơn nhưng tình cảm chan hòa gắn bó đoàn kết , thường xuyên trao đổi kiến thức trau dồi học hành với sinh viên Việt nam.

Cuộc chiến ngày càng lan rộng, máy bay Mĩ thường xuyên ném bom bắn phá miền Bắc, sinh viên được bố trí ở lẫn trong nhà dân. 

Cùng người châu Á nên ở với dân cũng không khó khăn gì, ngoài giờ sinh hoạt học tập các bạn lưu học sinh lại còn giúp đỡ gia đình việc đồng áng cấy gặt , tát nước, làm cỏ, dỡ khoai ... 

Học Hình học họa hình với các bạn Campuchia  thì các hình chiếu rối rắm khô khan còn khó hơn nhiều việc nhà nông vì đó là sở trường của họ từ thuở ấu thơ.

Bạn sinh viên Campuchia ở nhà bác Mạnh* , nhà bác có cô con gái  đang học cấp ba trường huyện đang tuổi ăn tuổi lớn, không xinh lắm nhưng mọi thứ ở cô đều như mầm non mới nhú hấp dẫn vô cùng. 


Ngoài giờ học cô còn phải giúp đỡ cha mẹ mọi việc trong nhà, ngoài đồng. Cậu sinh viên luôn để ý và hỗ trợ không nề hà việc gì cả, anh cảm thấy thích thú khi được cô cho làm việc nhà mình, kể cả cắp giỏ lẽo đẽo theo em đi bắt cua lúc trời nắng chang chang. Đi làm đồng cậu cảm thấy dễ chịu hơn ngồi lớp học tích phân, cộng vecto hay đám mây điện tử.

Rồi cái gì đến nó cũng phải đến, tình yêu không có khoảng cách hay biên giới. Hai đứa trẻ yêu nhau với tình yêu chân chất ruộng đồng . 

Bố mẹ cô lo lắm , ông bà có biết Campuchia ở đâu. Ngay Hà nội gần thế mà lâu quá chẳng có dịp ra chơi. Bọn chúng nó chắc thề non hẹn biển rồi, dính nhau như đôi sam không ai nỡ ngăn cản.

Học mãi 7,8 năm mới sang năm cuối, chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp  thì tình hình biến chuyển mau chóng. Polpot, Yêng Xa ri bị lật đổ . Cậu sinh viên được chứng nhận tốt nghiệp sớm, trở về Campuchia tham gia Chính phủ Cách mạng , anh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng một bộ. Công tác qui hoạch cán bộ kiểu Campuchia đã nâng anh lên vị trí cao cấp một cách dễ dàng.


Công việc rất bận rộn nhưng anh không quên tình yêu đầu đời thời sinh viên với cô thôn nữ Việt nam, anh trở về Mê linh xin cha mẹ cưới cô làm vợ. 

Khi xưa là một anh sinh viên nông dân chính hiệu nay đã là quan chức có kẻ đưa người đón, Tất nhiên là cha mẹ đồng ý tiễn cô con gái yêu quí đi làm dâu xứ Chùa Tháp xa xôi.

Từ cô thôn nữ chỉ biết cấy lúa trồng khoai cô đã trở thành Bà Thứ trưởng. 


Nhà xem tướng danh tiếng Đào Bán Mai đã kết luận rằng Mệnh phu Phu nhân thường là những người đàn bà từ thuở Tao khang có tướng Vượng Phu Ích Tử. Các cô gái sắc nước hương trời ít khi có được số đẹp như thế, thường làm phận lẽ hay kĩ nữ mà thôi.
Ông Tơ bà Nguyệt thật khéo se duyên.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống ruộng hạt vào vườn hoa.
Hạt mưa Mê linh đã rơi trúng Vườn hoa xứ sở Chùa Tháp.
Câu chuyện Tình yêu được nghe anh bạn kể diễn ra trong thực tế cuộc đời một cách sinh động mà không một người nào với trí tưởng tượng phong phú có thể bịa ra được.

Chúc mối tình Campuchia - Việt nam mãi mãi tươi mát như dòng Me kong bao đời bồi đắp nên ruộng đồng xứ sở hai quê .



 


10/2022


NBS







Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

KỈ NIỆM 45 NĂM NHẬP TRƯỜNG ĐHXD


CHƯƠNG TRÌNH KỈ NIỆM 

45 NĂM NHẬP TRƯỜNG ĐHXD (1977 -2022)

 Kết cấu - Xây dựng Khóa 22

18.30 - 23.30 ngày 9/11/2022

tại Sa vĩ, Móng cái, Quảng ninh.

1 Giới thiệu lí do và chương trình Gặp mặt giao lưu kỉ niệm 45 năm nhập trường của các Cựu sinh viên Kết cấu - Xây dựng khóa 22 Đại học xây dựng.( Mr Phạm Văn Thường ).

   2 Phát biểu ý kiến chao mừng của các anh : 

- Nguyễn Bá Sỹ . 5 phút 

- Lê Thành Tô ( Lớp sinh viên xếp but nghiên nhập ngũ trở về học tiếp ). 3 phút

- Trần Xuân Hồng ( Đại diện Bộ đội gửi học ). 3 phút

- Trần Anh Tuấn ( Các bạn ở miền Trung ). 3 phút 

- Cù Đức Chính ( Các bạn ở miền Nam). 3 phút

- Một , hai ý kiến thêm . 3 - 5 phút 

Cộng khoảng 20-25 phút

  3 Mời các bạn nâng cốc dự  Gala Dinner. 1 g 45 - 2g00

4 Chương trình văn nghệ, Giao lưu, chuyện trò, Karaoke 2 g 30

Kết thúc chương trình.

***

Phân công như sau : 

- Bạn Nam ( phối hợp cùng Tích, Tuấn Lương) làm việc với Đông bắc Hotel về thời gian, phòng nghỉ, hội trường , âm thanh ánh sáng, banron , phông nền. Thông tin mời vợ, chồng các bạn tham dự đăng trên các nền tảng Face book, Zalo, massenger ....

- Bạn Nga phụ trách thuê xe, hậu cần thu chi, xem xét thực đơn các bữa .

- Bạn Thường là MC trong Gala Dinner. Làm việc trước với những anh em phát biểu để họ chuẩn bị nội dung và thời gian.

 - Phùng, Tuấn Lương đăng kí tặng rượu cho anh em ( Ngọc cẩu Tiên tửu) trong Gala Dinner. Ai có rượu ngon mang đi đãi bạn hiền càng quí.

- Tất cả anh em Hội bàn tròn góp ý cho cuộc Giao lưu thành công. 

- Có thể có một nồi lẩu để chốt lại các vấn đề ở 2 Hoàng cầu vao 11g00 ngày thứ ba 1/11/2022 . ( Nam đi du lịch 2-7/11/2022)

Các bạn tham gia ý kiến thêm


 CHÀO MỪNG 45 NĂM NGÀY 

NHẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG 

1977 - 2022


Xin chào các anh, chị và các bạn thân mến! 


Trước hết, tôi xin chào đón và chúc mừng các vị Phu nhân, Phu quân cùng tất cả các bạn hôm nay tham dự cuộc Gặp gỡ giao lưu nhân 45 năm ngày nhập trường Đại học Xây dựng của các Cựu sinh viên Kết cấu - Xây dựng khóa 22



Xin thưa các bạn


Hôm nay từ khắp mọi miền Bắc Trung Nam chúng ta gặp lại nhau tại mũi Sa vĩ, Móng cái Quảng ninh, một địa danh đặc biệt trên bản đồ Việt nam, nơi địa đầu Tổ quốc thân yêu. 



Các bạn về đây được gặp mặt giao lưu với nhau thật là vui như Tết, những mái đầu xanh nay đã điểm màu bạc trắng với khuôn mặt vui tươi hớn hở trong ngày hội ngộ đoàn viên.

 

Dường như ai cũng trẻ lại vài tuổi. Chẳng thấy ai  kêu đau xương cốt, đau vai gáy mà rôm rả nói cười, chuyện xưa chuyện nay không dứt, quên cả thời gian. 


 

Cách đây 45 năm chúng ta là những anh bộ đội gửi học, những anh lính từ chiến trường trở về, những cô cậu học sinh đầy mơ mộng nhập trường Đại học xây dựng, cùng khóa 22. 


Chúng ta cùng ăn, cùng ở, cùng học trong những ngôi nhà mái lá đơn sơ. 

Chia sẻ với nhau từ lọ mực, tuýp kem đánh răng hay lưng cơm muối, bát mì xuông nấu trong chậu rửa mặt còn nóng hổi trong những buổi tối nóng nực mùa hè hay giá buốt đêm đông. 


Các bạn có nhớ chăng, trong hoàn cảnh mọi thứ khan hiếm, ăn đói mặc rét nhưng cũng không ngăn cản được ý chí học hành của chúng ta ngày ấy. 

Những kì ôn thi miệt mài mệt mỏi thâu đêm suốt sáng với ánh đèn dầu le lói như sao sa khắp sân trường. 

Những trận đấu bóng sôi động với cái bụng lép kẹp cùng đôi chân dẻo dai như cầu thủ chuyên nghiệp, vì màu cờ sắc áo. 

Những đêm xem biểu diễn văn nghệ thích thú và ấn tượng nơi sân khấu nổi rực sáng ánh đèn hay trong một đêm trăng sáng như dát vàng thơ mộng, tha thẩn cùng ai đó trên đồi bạch đàn miền đất trung du. 

Rồi đến kì nghỉ, cùng nhau chen vai thích cánh trên những chuyến tàu về quê chật ních người, nghẹt thở cùng hàng hóa của ngày bao cấp năm xưa. 



Biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui, đẹp đẽ của tuổi sinh viên thanh xuân lại ùa về, vẫn còn mới tinh khôi như ngày nào trên vùng quê Hương canh đầy sỏi đá bạch đàn.

Những kỉ niệm thân thương ấy ắt hẳn đều hằn sâu lên kí ức của mỗi người. 


Thời gian 45 năm trôi qua thật nhanh, từ những chú chim non tập hót, tập nhảy múa chuyền cành nay đã là bầy chim đại bàng vươn cao đôi cánh  khỏe khoắn, vững vàng bay lượn dưới bầu trời tự do và rộng mở.

Không có sự nghiệp vinh quang nào đạt được trên con đường bằng phẳng và dễ dàng. 

Chúng ta đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu chìm nổi thăng trầm, phấn đấu không ngừng để đạt được thành công trong cuộc sống. 

Có những bạn trong chúng ta đây giữ các vị trí trọng yếu trong cơ quan nhà nước, đóng góp nhiều công sức cho xã hội. 

Có được cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay chúng ta cũng không bao giờ quên công ơn trời biển dưỡng dục của các bậc sinh thành.

Những người cha người mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng, săn sóc miếng ăn giấc ngủ, nhường cho ta những điều tốt đẹp nhất để mong con cái nên người .

Trong hoàn cảnh gian khó nói chung của toàn xã hội mà vẫn một niềm vui sống lạc quan. 

Chúng ta cũng luôn nhớ những hình ảnh trường lớp tường đất rệu rã, nhà tranh rách nát mà trong đó có những con người với trái tim nhiệt huyết ngày đêm rùi mài kiến thức để mong góp sức nhỏ bé của mình xây đắp non nước quê hương .

Vượt qua khó khăn gian khổ học hành để có ngày hôm nay, nhân ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11/2022 chúng ta tỏ lòng biết ơn các thày cô giáo nơi mái trường thân yêu đã dạy dỗ ngày nào. 

Chúng ta cũng không quên một vài bạn vì ốm đau bệnh tật đã sớm rời bỏ cuộc sống, đi về miền cực lạc xa xôi.


Xin thưa các bạn


Có một thứ trong đời càng cũ càng quí, vì nó được gắn kết một cách tự nhiên, bền vững, lấp lánh màu thời gian, đó là Tình Bạn. 

Tình bạn là mối quan hệ trong sáng không có cấp trên cấp dưới, là mối quan hệ bình đẳng không có xin cho, bỏ lại bên ngoài những toan tính xa xôi mà sống với con người chân thật của chính mình. 


Cho đến hôm nay phần lớn anh em đã về hưu, xa rời chốn công sở để hưởng thành quả lao động của mình. 

Có ai đó nói rằng Về hưu là những năm tháng dễ chịu nhất cuộc đời. Không còn phải lo cha mẹ, thầy cô quở trách vì dậy muộn hay chưa hoàn thành bài tập về nhà.

Không còn phải lo sớm muộn tắc đường, công việc chưa xong. Chẳng còn phải nghe những lời giao giảng đạo đức sáo rỗng, khác hẳn với cuộc sống đang diễn ra sinh động muôn màu.


Cho đến hôm nay, mọi thứ đã tạm ổn. Con cái cũng khôn lớn, nhà cửa đã xong. 


Không còn phải lao tâm khổ tứ quá nhiều để đua tranh với chức tước, cơm áo, gạo tiền, dành quãng thời gian tự do quí giá còn lại mà vui thú điền viên.

 

 

Bây giờ chỉ cần có sức khỏe với tâm hồn thư thái để tha hồ tự do ngao du non nước, biển trời mà ngắm gió thổi, mây bay. 


Hãy quên đi mọi thứ chưa được như sở nguyện để mải mê ngắm những ngôi sao lấp lánh tuyệt đẹp trên bầu trời đêm hè; ngất ngây với những hạt sương long lanh bảy sắc cầu vồng còn đọng trên lá cây bụi cỏ lúc sớm mai ; lắng nghe bản nhạc vui tươi của lũ chim chóc ríu rít hót líu lo sau nhà mà tận hưởng thú vui cuộc đời. 

Được như vậy, chúng ta ắt có một cuộc sống tiên cảnh trên trần thế, làm gì có thời gian để buồn.



Ngắm nhìn các khuôn mặt vui tươi hạnh phúc hân hoan trong buổi Gặp gỡ Giao lưu Kỉ niệm hôm nay ai cũng cảm thấy ấm áp trong lòng.

Làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa biết bao, càng thêm trân trọng yêu quí cuộc đời này.




Xin cám ơn Ban Liên lạc cùng các bạn Mạnh Thường Quân  mấy chục năm qua không quản bận bịu, không tiếc công sức đã đóng góp vật chất, thời gian, tiền bạc tổ chức các buổi gặp mặt thường niên và hôm nay. 


Đặc biệt cảm ơn một bạn không muốn nêu tên đã tặng quĩ lớp 20 triệu đồng cho cuộc gặp mặt này của chúng ta thêm phần rôm rả vui vẻ và thành công.


Cuộc gặp gỡ hôm nay của những người bạn cũ sau 45 năm ngày nhập trường chắc chắn sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ .


Chúc các bạn và gia đình mạnh khỏe hạnh phúc và bình an.

Xin trân trọng cảm ơn.


Mời các bạn nâng cốc chúc cho cuộc gặp mặt vui vẻ và thành công.



Sa vĩ 9/11/2022

NBS







  


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

NĂM MƯƠI CÂU KIỀU HAY NHẤT

 NĂM MƯƠI CÂU KIỀU HAY NHẤT

(Số thứ tự đánh theo sự xuất hiện trong Truyện Kiều)

1- Cỏ non xanh tận chân trời / 

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

2- Sống làm vợ khắp người ta 

/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

3- Người đâu gặp gỡ làm chi 

/ Trăm năm biết có duyên gì hay không.

4- Ngổn ngang trăm mối bên lòng 

/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình.

5- Một mình lưỡng lự canh chầy / 

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

6- Sầu đong càng khắc càng đầy / 

Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.

7- Mành tương phất phất giò đàn / 

Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.

8- Gió chiều như giục cơn sầu / 

Vi lô hiu hắt như mầu khơi trêu.

9- Rằng: trăm năm, kể từ đây / 

Của tin gọi một chút này làm ghi

10- Bây giờ rõ mặt đôi ta / 

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao

11- Gìn vàng giữ ngọc cho hay /

 Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

12- Trăng thề còn đó trơ trơ / 

Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng.

13- Ông tơ ghét bỏ chi nhau / 

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.

14- Đau lòng tử biệt sinh ly / 

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.

15- Phận sao đành vậy cũng vầy /

 Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh.

16- Trong tay đã sẵn đồng tiền / 

Dù lòng đổi trắng thay đen khó gì.

17- Đau lòng kẻ ở người đi / 

Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm.

18- Biết thân đến bước lạc loài / 

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

19- Miếng ngon kề đến tận nơi / 

Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham.

20- Đoạn trường thay lúc phân kỳ / 

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.

21- Thôi con còn nói chi con / 

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.

22- Từ đây góc bể bên trời /

 Nắng mưa thui thủi quê người một thân.

23- Vi lô san sát hơi may / 

Một trời thu để riêng ai một người.

24- Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi / 

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

25- Thoắt trông nhờn nhợt màu da /

 Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao.

26- Thương ôi tài sắc bậc này / 

Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.

27- Cũng liều nhắm mắt đưa chân / 

Để xem con tạo xoay vần đến đâu.

28- Đêm thu khắc lậu, canh tàn / 

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

29- Thân lươn bao quản lấm đầu / 

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Xem thêm: Cách Tìm Lại Địa Chỉ Gmail (Hay Email) Đã Quên Mất, Đăng Nhập Để Đặt Địa Chỉ Email Khôi Phục

30- Vui là vui gượng kẻo là / 

Ai tri âm đó mặn mà với ai.

31- Đã đày vào kiếp phong trần / 

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

32- Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / 

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

33- Thương sao cho trọn thì thương / 

Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng.

34- Vầng trăng ai xẻ làm đôi /

 Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

35- Long lanh đáy nước in trời / 

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

36- Bước vào phòng cũ lầu thơ / 

Tro than một đống, nắng mưa bốn tường.

37- Bốn phương mây trắng một màu /

 Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

38- Bề ngoài thơn thớt nói cười /

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

39- Nhẹ như bấc, nặng như chì / 

Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên.

40- Phận bèo bao quản nước sa / 

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.

41- Biết thân tránh chẳng khỏi trời / 

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

42- Đến bây giờ mới thấy đây / 

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

43- Tiếc thay chút nghĩa cũ càng / 

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

44- Đàn bà dễ có mấy tay / 

Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan.

45- Phong trần mài một lưỡi gươm /

 Những phường giá áo túi cơm sá gì.

46- Chọc trời khuấy nước mặc dầu / 

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

47- Một cung gió thảm mưa sầu / 

Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.

48- Đánh tranh chụm nóc thảo đường / 

Một gian nước biếc mây vàng chia hai.

49- Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê / 

Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.

50- Tưởng bây giờ là bao giờ / 

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.

Nếu chỉ được chọn 10 câu (top ten), tôi tiến cử danh sách sau:

1- Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

2- Một mình lưỡng lự canh chầy

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

3- Dặm khuya ngất tạnh mù khơi

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.

4- Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Để xem con tạo xoay vần đến đâu.

5- Thân lươn bao quản lấm đầu

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

6- Đã đày vào kiếp phong trần

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

7- Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

8- Bốn phương mây trắng một mầu

Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

9- Biết thân tránh chẳng khỏi trời

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

10- Phận bèo bao quản nước sa

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.