Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CUỘC CHIẾN

 Tháng tư năm 1975

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Chúng tôi đi lính từ trường ĐHXD ngày 13/9/1972 khi đang là sinh viên năm thứ hai đến năm thứ năm, có anh chỉ còn một học kỳ nữa là làm đồ án tốt nghiệp.
Buồn lắm nhưng biết sao được.
Ngày đó thanh niên được giáo dục như những chàng Kinh Kha đi vào nơi nguy nan đầu không ngoảnh lại .
Thỉnh thoảng còn nghe hát:
Bạn ơi, sau này ai hỏi đến tên tôi
Người thư sinh ấy cánh chim tung trời
Ngày nao khi đất nước hết binh đao.
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu
Trở về thành đô tay nắm tay ta mừng nhau.....
Tháng 1/1973, sau ba tháng huấn luyện, không ai được nghỉ phép mà hành quân trực chỉ ra chiến trường . Một chuyến đi mà không biết thời gian bao lâu, không biết nơi đến và bao giờ trở lại .
Trên đài báo thì bảo rằng đường ra trận mùa này đẹp lắm, nó giống như một cuộc dạo chơi .
Lại còn :
Sức ta là sức thanh niên
Thế ta là thế đứng trên đầu thù.
Tuyên truyền như thế làm cho thanh niên hăm hở đi bộ đội nhưng lợi bất cập hại, khi gặp thực tế gian khổ thì các anh hùng rơm sẽ thất vọng ghê gớm, thậm chí có cảm giác bị lừa . Không có con đường ra trận nào đẹp đẽ cả, giống như một cuộc dạo mát.
Đoàn chúng tôi trong phiên hiệu 2013 di chuyển bằng nhiều phương tiện tàu hỏa, ô tô, sà lan, thuyền máy nhưng chủ yếu là đi bộ dọc tây Trường sơn trên đất Lào xuôi về phía Nam. Khi đó chuẩn bị kí Hiệp định Hòa bình 4 bên ở Paris nên mức độ đánh phá của máy bay cũng giảm. Từng đoàn từng đoàn quân vẫn hành quân tấp nập vào nam .
Ngày đi , đêm nghỉ trải qua bao biến cố đến tháng 9/1973 thì anh em được biên chế về Trung đoàn 207 (E207) ăn Tết 2/9 bên sông Sở thượng tỉnh Kiến phong biên giới Việt nam - Campuchia. Chỗ đóng quân là những chòi bằng lá đơn sơ, bên cạnh là những công sự chiến đấu .
Cách đó chừng 2,3km là đồn của đối phương, ở giữa là chòi Hòa hợp để hàng ngày lính Giải phóng và lính Cộng hòa lên đó gặp gỡ đối thoại vì Hiệp định Paris đã kí, các bên ở đâu đóng đó. Được ít lâu thì xóa bỏ do hai bên tố cáo nhau lấn chiếm đất xé bỏ hiệp định.
Tháng 10/1973 E207 được lệnh xuống đường ( trở về miền nam từ Campuchia) theo ngả Mộc hóa Kiến tường, Long an trên cánh đồng ngập nước đồng tháp mười. Cuộc hành quân của tiểu đoàn 3 (D3 E207) nếu đi trót lọt thì đêm sau đêm sau nữa sẽ đến D2, D1 E207.
Do sơ suất trong việc bảo mật, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án nên cuộc di chuyển bị lộ dẫn đến thất bại nặng nề ngày 3/10/1973 tại ấp Đá biên Thạnh phước Thạnh hóa Long an. Nhiều chiến sỹ hy sinh trong đó có lớp sinh viên vừa được bổ sung tháng trước.
Sau biến cố một số anh em chuyển về E24 , số còn lại E207 rút lên Campuchia chỉnh quân.
Tính đến tháng 4/1975 là nhóm anh em Lính sinh viên nhập ngũ tháng 9/1972 vào lính được hai năm rưỡi và vào thực chiến là một năm rưỡi. Sau đó là các lớp tân binh Hà tây, Thanh hóa , Hải hưng, Nam hà... cứ vài tháng lại bổ sung cho đơn vị đã hao hụt vì hy sinh , bị thương.
Ở vùng E 207 đóng quân là vùng da báo, Quân giải phóng và lính cộng hòa ở xen kẽ nhau, cách vài cây số.
Vùng Giải phóng thì dân không có hoặc thưa thớt, chủ yếu là người làm nông vì ra ngoài thị trấn không có việc họ phải bám đất mà sống.
Việc đi lính trong vùng giải phóng là tự nguyện vì quân giải phóng có nguồn bổ sung to lớn từ miền Bắc vào. Nhưng thanh niên địa phương hoặc trốn quân dich thì phải làm du kích phục vụ dẫn đường, tải đạn, tải thương hay đôi khi làm công tác chính sách với người hy sinh.
Còn nếu ở vùng Chính phủ cộng hòa thì đương nhiên phải đi lính quân dịch theo nghĩa vụ .
Trong cuộc chiến nhiều tranh cãi này không công dân nào có quyền đứng giữa, anh phải ở bên này hoặc bên kia thậm chí ở ngay trong gia đình họ hàng anh em ruột thịt cũng có những hàng rào ngăn cách cay nghiệt về ý thức hệ.
Hàng rào ngăn cách này vô hình nhưng chính nó đã cản trở sự phục hưng của Việt nam dù đã kết thúc chiến tranh gần nửa thế kỷ. Việc san phẳng nó , xóa bỏ nó chắc phải đến tay thế hệ 200x giải quyết để một lần nữa dân tộc Việt vươn lên đứng đầu Đông Nam Á như khẳng định của ngài Thủ tướng Lý Quang Diệu.
E 207 là đơn vị địa phương quân nên việc đánh đấm cũng không như tưởng tượng. Một tiểu đội có 3,4 xuồng ba lá mỗi xuồng ba người ,trung đội có 3,4 tiểu đội, đại đội có 3,4 trung đội biên chế theo kiểu tam tam; đóng quân chui lủi trong dăng cây với các lều lá tạm bợ, hành quân thì vũ khí đạn dược nồi niêu xoong chảo tất cả bỏ lên xuồng mà chèo chống mà thường đi vào ban đêm.
Mùa khô thì tát hay mò cá ngoài sông , mùa nước thì câu cá đặt lợp cải thiện. Thỉnh thoảng đi đánh đồn thì trước khi đi không khí trầm hẳn xuống, không ai được chào ai .Chỉ chào nhau khi sống sót từ cuộc chiến trở về.
Cũng phải thôi , người lính là con người đâu phải là gỗ đá, đâu phải con sâu cái kiến, họ có lúc cứng rắn cũng có lúc mềm oặt như những cây sậy trước gió nhưng đó là những cây sậy biết suy nghĩ.
Ai nấu cơm hôm đó phải hết sức cẩn thận không để cơm cháy nhưng nếu cơm nhão hay sống thì cũng ok. Cơm cháy đen là không tốt, có thể có hy sinh .
Không có lý thuyết nào hướng dẫn mà đều học truyền khẩu từ những người đi trước.
Trở lại tháng 4 năm 1975, cuộc chiến lan rộng ác liệt tin tức truyền về rất nhiều. Quân giải phóng đánh mạnh nhưng quân cộng hòa cũng đánh trả không kém, chúng tôi nghe tin họ ném một loại bom hút sạch ô xy làm chết rất nhiều người ở Xuân lộc về sau mới biết đó là bom CBU. Và đây là lời bình của Lính Sinhviên :
( Lính Sinhviên
Quản trị viên
Quả bom CBU-55 ném xuống Xuân Lộc tháng 4/75 đã làm hy sinh gần hết Tiểu đoàn 2 (tiểu đoàn ông Bùi Ngọc Biểu) của Trung đoàn 4 chúng tôi đấy.
Sy Ba Nguyen )
Nhưng việc thảo luận và bàn bạc nhiều nhất là Mỹ có trở lại không, ai cũng lo lắng Mỹ sẽ trở lại.
Ngày 27 tháng 4 năm 75 đơn vị chúng tôi khi nhận nhiệm vụ vụ đánh chiếm căn cứ bảo vệ cầu Long Định, một cứ điểm để đảm bảo chốt chặn Cần Thơ tiếp viện về Sài Gòn.
Đơn vị chúng tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho trận đánh. Trong các phương tiện truyền thông thường mô tả người chiến sĩ trong chiến đấu thường mang một súng AK mấy băng đạn tả xung hữu đột. Còn đối phương như những con rệp nhút nhát chịu trận
Đánh nhau đâu phải như vậy , cuộc chiến cũng cần phải có cơm ăn, nước uống, thuốc hút, bông băng, cuốc xẻng đào hầm, súng đạn, võng , tăng ,bi đông nước đeo lủng củng quanh người.
Đối phương có lực lượng hậu cần mạnh mẽ , có xe thiết giáp , máy bay , pháo lớn phối hợp. Như vậy cuộc chiến là muôn phần khó khăn, bên này dựa vào sức mạnh vật chất bên kia dựa vào niềm tin ý chí và bên kia tất nhiên thương vong rất lớn.
Hôm đó đó tôi được lệnh cầm khẩu Trung Liên hai càng với 2-300 viên đạn. Buổi tối đơn vị hành quân tiếp cận mục tiêu.
Khoảng 2- 3 giờ sáng thì nổ súng tấn công. Do tình hình chiến trường nói chung, khi tiếng súng nổ thì các đơn vị Cộng Hòa bỏ chạy hết.
Chúng tôi chiếm một cách nhanh chóng . Nhưng đến 5 giờ sáng thì họ phản công lại, bắn rất rát, anh em chúng tôi lạc nhau đâu mất hết cả. Tôi bắn hết đạn và vứt khẩu súng đi để chạy ra ngoài cánh đồng hướng về phía đơn vị .
Chúng tôi lần dưới con mương lấp xấp nước tránh đạn thì gặp một con trâu bị thương nằm ngay trong mương. Bọn tôi tránh con trâu sang trái thì con trâu húc sang trái, tôi tránh sang phải trâu lại húc sang phải. Rất lo lắng vì đạn bắn rất dữ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng vòng qua con trâu đi về căn cứ được với hai tay không.
Trong lúc chạy tôi bị hai vết thương ở chân và ở gáy do đạn bắn thẳng. Sau đó chúng tôi tôi được vận chuyển về phẫu Trung đoàn. Phẫu là mấy cái lán lợp lá trong khu rừng thấp.
Có rất nhiều thương binh bị thương ở các nơi đưa về, tôi thì bị thương nhẹ cũng cần điều trị ngay băng bó và tiêm thuốc, tại đó có một đồng chí thương binh bị viên đạn 12 ly 7 bắn xẹt qua mông làm cho làm cho vết thương to bằng hai bàn tay sâu xuống mông, hàng ngày ngày các bác sĩ phải thay băng và tưới mật ong rừng để sát trùng. Mật ong là một thứ thuốc sát trùng rất tốt .
Có một cô du kích bị thương vào chân phải cắt đến quá đầu gối. Nhưng đến kỳ kinh nguyệt thì cô được đưa xuống một cái đìa ( mương nước ) gần đó để làm vệ sinh .Sau này tôi nghe nói là cô bị hi sinh do nhiễm trùng, thật là đau xót.
Đến sáng 30 tháng 4 tình hình chiến sự tương đối im ắng , thỉnh thoảng cũng có tiếng súng thưa thớt. Đài phát thanh Sài Gòn phát loẹt xoẹt không nghe được rõ.
Nhưng đến 11:00 giờ thì có bản nhạc không lời rồi sau đó tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cho đến bây giờ chúng tôi đánh giá cao quyết định ngưng chiến của ông Dương Văn Minh , khi đã biết nếu tiếp tục đánh mà không thắng lại không kéo dài được thì tốt nhất là ngưng để bảo toàn sinh mạng cho binh lính hai bên.
Cảm ơn người biết quý trọng xương máu đồng bào.
Giải Phóng Rồi.
Sống rồi!
Ngày hôm sau khi cổ còn băng bó vết thương hai chúng tôi ra Quốc lộ 4 vẫy xe đò đi Sài gòn. Xe dừng ngay mời lên và được nhường chỗ tốt nhất cho chúng tôi. Mấy ông già đi xe nói với chúng tôi rằng các anh bây giờ chính là rường cột của đất nước. Ha ha.
Đến Sài Gòn chúng tôi hỏi thăm đường đến Dinh Độc Lập, cánh cổng Dinh bị húc đổ , ngổn ngang quần áo vũ khí túi xách giày dép mũ nón vương vãi khắp nơi trên sân Dinh .
Đứng đó một lát rồi chúng tôi đi xung quanh, buổi chiều đói bụng chúng tôi vào một ngôi trường trường cấp 2 vì thấy có rất nhiều bộ đội miền Bắc mới vào.
Chúng tôi hỏi xin ăn, mấy ông chỉ huy bảo :
-Chúng mày làm gì, Ở đâu?
- Chúng tôi là quân giải phóng.
-Thế quân giải phóng mà ăn mặc thế này à .?
Chúng tôi khi đó quần thì quần nilon đen, áo lin făng, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép nhựa vì chúng tôi là Quân Giải phóng địa phương .
Cuối cùng cùng ông chỉ huy cho một hộp thịt và hai gói mì để hai thằng ra ngoài cổng bảo vệ ngồi ăn rồi tối ngủ lại .
Sáng sớm hôm sau sau chúng tôi chào các anh, ra bến xe miền Tây lại lên xe trở về Phẫu Trung đoàn E207 mặc dù trong túi từ lúc đi đến lúc về không có một xu .
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến và ngày đầu non sông thu về một giải ở vùng cầu Long định trên lộ 4 ( nay là QL 1) gần ngã ba Trung lương, gần căn cứ Đồng tâm của Sư đoàn 7 VNCH, cửa ngõ thành phố Mỹ tho là như thế đó.
Chúng tôi may mắn là người được chứng kiến cuộc bể dâu của đất nước , "mà xem Con Tạo xoay vần đến đâu" ( Nguyễn Du ).
(Ảnh xuồng đi trong đêm trở lại thăm chiến trường xưa)

Đoàn Đức Chính, Tuấn Lương và 143 người khác
72 bình luận
8 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

MIẾNG NGON NHỚ LÂU

MIẾNG NGON NHỚ LÂU

Ngày còn bao cấp tem phiếu , người làm chính sách tiêu chuẩn lương thực thực phẩm cho các ngành nghề, tầng lớp trong xã hội giống như một cái máy. Nó trơ trơ vô cảm trước thực tế sinh động của cuộc sống. 

Làm thày giáo thì tiêu chuẩn lương thực là 13kg gạo /tháng dù hình thể có giống ông Hộ pháp to như thày Năm dạy quân sự hay nhỏ thó như thầy Ánh dạy Trắc địa. 

Còn sinh viên thì 17kg gạo / tháng dù mày như con trâu mộng hay còi như học sinh cấp III. Câu chuyện còn dài và lâm vào sự tắc tị nếu mang ra tranh luận.

Thày cũng như học trò đều lép kẹp cái bụng. Bằng chứng là hồi đó rất ít người béo tốt. Nếu có ai đó mỡ màng chút thì chắc chắn y đã được ra khỏi biên giói kiếm chút thịt cá bơ sữa để có làn da mượt mà như ...da em bé.

Thày giáo chủ nhiệm lớp mình còn chia sẻ: 
 
Vừa mì vừa gạo vừa khoai
Vừa thày vừa chuột mười hai cân tròn
Lại còn cân thiếu cân non
Chia ngày ba bữa hỏi còn là bao?

Mười ba cân chứ sao lại là mười hai. Chỉ mười hai cân thôi vì phải tiết kiệm mỗi người 1kg/ tháng cho ... cho đồng bào Mozambic ??? 

Còn sinh viên trong cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì bữa sáng tự túc có khi là bánh mì, bánh dợm, bánh cuốn, nước chè hay...... nước trắng cầm hơi. Bữa trưa , chiều ăn tại  nhà ăn tập thể. 

Lương thực thực phẩm tùy theo tình hình, có thể là cơm độn ngô, bánh bột mì nặn hấp gọi là nắp hầm, hạt bo bo nấu .... cùng với canh rau lõng bõng, vài miếng thịt bèo nhèo hay cá đồng tiền kho đầy xương tanh lợm, nay không còn thấy trên thị trường.

Đám sinh viên ấy được đào tạo để nghiên cứu khoa học những vi phân, tích phân, đám mây điện tử ... thậm chí cả qui luật sự vận động của vật chất của xã hôi , toàn những vấn đề cao siêu to tát cả. 

Lũ học trò "mải mê học quên sớm trưa" với lí tưởng cao xa cùng ba Dòng thác cách mạng trên thế giới, phát động các phong trào nghiên cứu khoa học xây dựng quê hương  giàu đẹp sánh vai các cường quốc năm châu.
 
Họ không có thời gian thắc mắc, nhắc nhở đến bữa ăn với những thứ vật chất tầm thường ấy bao giờ. 

Thật ra, những lúc đêm đông gió thổi lạnh lẽo, cuộn mình trong tấm chăn mỏng dưới mái nhà tranh vách đất trằn trọc không ngủ được hay khi thức đêm làm đồ án, ôn thi thì cái bụng bất trị nó không tuân theo lí trí nữa, cứ réo sôi ào ào.

Ai cũng suy nghĩ như ai, tập hợp thành từng nhóm kiếm cái gì bỏ bụng đã. Ai có mì nấu mì, ai có gạo nấu gạo. Không có mì, không có gạo thì nghiên cứu vật chất có trước hay ý thức có trước.

Không có củi thì dỡ các "kết cấu thừa" của kí túc xá. Không có xoong nồi thì mì hay gạo đều nấu bằng chậu rửa mặt. Mì nấu nước sôi một tí là xong. Nấu cơm thì lâu hơn, không có vung phải sáng tạo, đậy bằng giấy lên trên khi nước bắt đầu cạn. Vậy mà gạo cũng thành cơm.

Đói ăn ngói cũng bùi. Hai món chủ lực ấy khi chín tới đều ăn với muối trắng, nhưng sao nó ngon ngọt quá thể. Có khi mì, cơm còn nóng hôi hổi đã nghe vét nồi quèn quẹt. .

Rồi một hôm mấy cậu thì thào có mì, có thịt lợn, có cả hành lá, cà chua . Không biết chúng kiếm đâu ra, thế là nhấm nháy gọi  nhau ra nhà thằng N ở Gò Héo nấu mì ăn, tiện thể mời luôn thày H ở Bộ môn Sức bền vật liệu, thày háo hức đồng ý liền.

Trong khó khăn đói kém công nhận thày trò cũng ít xa cách hơn, rất gần gũi cảm thông.   

Nồi mì chẳng bao lâu đã nấu xong, mở vung ra bốc hơi nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt. Màu đỏ cà chua, màu xanh hành lá chen lẫn những miếng thịt thái nhỏ váng mỡ li ti nổi bật trên màu trắng ngà của mì sợi, thật là hấp dẫn.

Đúng là một bữa tiệc, thày trò ngồi xung quanh chuyện trò sôi nổi chén mì có thịt một cách say sưa.  

Bỗng một trò nói :

- Mì nấu với cà chua thịt ngon quá thầy nhỉ? 

Thày trả lời

- Thịt nấu với rơm còn ngon nữa là nấu với mì !!!.

Bây giờ có thể các con cháu chúng ta ngạc nhiên với câu trả lời của thày giáo nhưng tại thời điểm đó là hoàn toàn chính xác cùng với những tràng cười vui vẻ.  

 Chuyện thật, không nói sai tẹo nào. .

Sau này ra công tác trong điều kiện đổi mới tư duy thị trường, các kĩ sư cũng được thưởng thức những bữa tiệc sang trọng sơn hào hải vị, rượu thịt ê hề.

Nhưng miếng ngon nhớ lâu, chúng tôi làm sao quên được cái nồi mì thịt đơn sơ mà thấm đẫm tình thày trò, bè bạn trong sáng vô tư ở đất HƯƠNG CANH.

Một thời để nhớ.


NBS 
10/2021

Ảnh : Nấu mì, nấu sắn, nấu khoai.
 
























Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

"NGƯỜI HÀ NỘI"

 "NGƯỜI HÀ NỘI"

(Post lại từ note, có bổ sung)
Gần đây người ta hay tranh cãi về khái niệm "Người Hà Nội", nhưng chắc đa số người HN bây giờ chỉ hiểu mù mờ, mình cũng thế thôi vì là nhà quê gốc. Tuy nhiên, mình hay thắc mắc về khái niệm này và rắp tâm tìm hiểu qua lịch sử và tự kết luận là khái niệm người HN được định hình đậm nét nhất vào thời Pháp thuộc, bởi vì thời kỳ này thị dân HN có cuộc sống, môi trường xã hội khác hẳn với thị dân thời mà HN có tên khác (Thăng Long, Đông Đô, Đại La...). Lịch sử HN thời Pháp thuộc không được dạy trọn vẹn trong sách lịch sử chính thống mà chủ yếu qua truyền khẩu, hồi ký và truyện, vì thế nên dân sống ở HN bây giờ không biết nhiều và cụ thể về giai đoạn này cũng là bình thường.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Hoa nhài thì rõ là thơm rồi, nhưng chưa chắc đã là thơm nhất. Người Tràng An (tên 1 kinh đô cổ ở Trung Quốc) được ví với kinh đô Thăng Long, nhưng người Thăng Long thanh lịch thế nào, hơn gì người Nam Định, Bắc Ninh, Hà Đông (cũng là những nơi có nhiều sỹ phu Bắc Hà)...thì giờ này cũng chả ai biết, chỉ là suy diễn thôi. Nhưng người Hà Nội thì chắc chắn là văn minh, thanh lịch nhất miền Bắc là chắc chắn. Về độ văn minh, vào thời điểm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thì HN chỉ có thể so sánh với Sài Gòn, nhưng về nền tảng lịch sử, văn hóa thì đương nhiên Hà Nội hơn SG nhiều. Như vậy, tính gộp cả văn minh và thanh lịch thì HN lúc đó là nhất cả nước, đừng nói đến chuyện thanh lịch nếu thiếu văn minh. Bài viết này sẽ lý giải điều đó.
Người Pháp xâm chiếm HN
Người Pháp bắt đầu để ý đến Hà Nội kể từ khi chiếm được 6 tỉnh Nam Kỳ. Lúc đầu họ muốn chiếm Nam Kỳ làm bàn đạp rồi ngược sông Mê Kông để đến TQ buôn bán làm ăn, việc xâm chiếm thuộc địa thì cũng chỉ để làm ăn, kiếm tiền mà thôi. Tuy nhiên, người Pháp thấy là đi ngược con sông Mê Kông lên đến Vân Nam thì rất là lọ mọ, khó khăn nên họ nghĩ đến 1 con sông khác cũng bắt nguồn từ TQ, sông Hồng, khoảng cách đường sông sẽ gần hơn, thuận tiện cho việc đi lại. HN lúc đó là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng. Người Pháp muốn chiếm lấy HN để kiểm soát việc giao thương trên sông. Cơ hội đến khi 1 tay buôn lậu Pháp là Jean Dupuis chở vũ khí qua TQ bán và khi về thì bị bắt lại tại HN, tịch thu hàng hóa. Thế là người Pháp có ngay 1 lý do chính đáng, giống y như lý do của Putin bây giờ, là bảo vệ người Pháp bằng cách chiếm thành HN.
Ra đánh HN chỉ là 1 đại úy hải quân là Francis Garnier với 222 lính và 4 chiến thuyền, đối đầu với khoảng 2000 quân nhà Nguyễn chỉ huy là Nguyễn Tri Phương. Ông này đã làm đến chức Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá, tóm lại là cực to, cỡ thượng tướng hay đại tướng bây giờ, toàn quyền về quân sự ở miền Bắc. NTP có rất nhiều võ công hiển hách cho triều Nguyễn, như bình định Nam Kỳ, Chân Lạp (chiếm luôn 2/3), đánh dẹp quân Cờ đen ở biên giới phía Bắc. Một trung úy với hơn 200 quân đánh nhau với 1 đại tướng với 2000 quân, đã từng cầm 2 vạn quân, mà chỉ sau có vài tiếng là thành HN thất thủ! Quân Nguyễn bị pháo và súng Pháp bắn phá thành là hồn vía lên mây bỏ chạy tán loạn, quân Pháp có 1 lính chết do chính họ bắn nhầm! NTP thì bị thương và bị bắt sống. HN thất thủ vào ngày 20-11-1873. Sau đó 1 tháng thì Garnier bị quân Cờ đen (vốn là quân nhà Thanh) của Lưu Vĩnh Phúc giết chết ở Cầu Giấy, làn sóng chống Pháp dâng cao nên năm 1874 quân Pháp rút khỏi HN nhưng 1 năm sau thì nhà Nguyễn ký với người Pháp 1 thỏa thuận là nhượng cho Pháp 1 khu đất để người Pháp xây dựng tòa công sứ, thuế quan và đóng khoảng 100 quân. Theo thỏa thuận thì khu đất chỉ cỡ 2,5ha nhưng thực tế thì khu nhượng địa đầu tiên này rộng đến 18ha, chính là khu Đồn Thủy (nhà thương Đồn Thủy sau này là BV quân đội 108). Khu Đồn Thủy này là 1 hình chữ nhật chạy dọc đê sông Hồng, từ phía phố Phạm Ngũ Lão, bảo tàng LS đến hết nhà tang lễ bộ QP bây giờ. Khu nhượng địa này không hề làm thỏa mãn người Pháp, vì thuế không thu được do Nam triều thu trước rồi, việc buôn bán thì bị đình trệ do Nam triều cấm xuất khẩu gạo và tơ lụa. Khu này chán đến nỗi công sứ Pháp lúc đó quản lý cả Hải Phòng lẫn HN thì chả buồn ở HN mà lại ở HP.
Năm 1882, quân Pháp đánh thành HN lần 2, với lý do là Nam triều không tôn trọng thỏa thuận đã ký, để quân Cờ đen quấy nhiều và cấm đoán giao thương. Chỉ huy quân Pháp là đại tá Henri Riviere với khoảng 400 quân, đối đầu với khoảng 7500 quân cố thủ của tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) là Hoàng Diệu. Như lần trước, HN thất thủ sau vài tiếng, Hoàng Diệu tự vẫn. Lịch sử lặp lại, chưa đầy 1 tháng sau Riviere cũng bị quân Cờ đen giết chết tại đúng chỗ Garnier bị giết là cầu Giấy, nhưng thành HN đã bị quân Pháp chiếm đóng. Thành HN là 1 hình vuông giới hạn bởi 4 con đường hiện nay là Phùng Hưng, Hùng Vương (lăng CT HCM nằm ở đúng cửa Tây cũ), Phan Đình Phùng (vẫn còn dấu tích cửa Bắc) và Trần Phú. Người Pháp làm con đường đầu tiên nối thành HN với khu nhượng địa cũ bây giờ là đường Tràng Tiền và Tràng Thi, cuối Tràng Thi nối với cuối Phùng Hưng chính là 1 góc thành HN, đây là 2 khu vực đầu tiên của người Pháp ở HN. Phía Nam trục đường này sau trở thành khu phố Tây, phía Bắc là khu phố ta cũ.
Năm 1883 người Pháp ký với Đại Nam hiệp ước Quý Mùi, nội dung đại ý là Nam Kỳ sẽ là xứ thuộc địa, người Pháp trực trị, đứng đầu là Thống đốc, Trung Kỳ vẫn do Nam triều quản lý nhưng có cố vấn là 1 Khâm sứ, Bắc kỳ là xứ bảo hộ (nửa thuộc địa), đến năm 1888 thì vua Đồng Khánh chấp thuận để HN và Hải Phòng cùng với Đà Nẵng của Trung Kỳ thành nhượng địa (thuộc địa) của Pháp, còn các tỉnh khác của miền Bắc vẫn do quan lại Nam triều quản lý dưới sự "cố vấn" của 1 công sứ Pháp, đứng đầu Bắc kỳ là Thống sứ. Nhờ chỉ dụ năm 1888 nói trên, người Pháp lập 1 khu nhượng địa mới ở HN thay thế cho khu cũ.
Địa giới HN
Ranh giới khu nhượng địa mới rất không rõ ràng và cũng không được nêu cụ thể (đúng ra là không tìm thấy) kèm trong chỉ dụ của vua Đồng Khánh, nên người Pháp mặc sức lấn chiếm mở rộng. Thời kỳ đầu nó chỉ nằm trong diện tích phía Bắc là hồ Trúc Bạch, Tây là Văn Miếu, Nam là khu nhượng địa cũ. Sau này người Pháp cứ mở rộng ra đến hết các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng bây giờ (phần phía Bắc phố Đại Cồ Việt bây giờ), chiếm toàn bộ nội thành HN (địa phận quận Đống Đa bây giờ thì lúc đó vẫn là nhà quê, ngoại thành). TP HN lúc đó gồm 2 phần, nội thành là nhượng địa còn ngoại thành là đất của thành phố. Nhượng địa hưởng quy chế riêng, theo luật lệ của Pháp, khu vực ngoại thành về hành chính là thuộc chính quyền bảo hộ (như các tỉnh khác của Bắc Kỳ), nhưng lại nhờ cậy chính quyền TP (nhượng địa) giải quyết việc hàng ngày. Sự mập mờ này dẫn đến nhiều hệ lụy sau này vì có sự quản lý chồng chéo.
Năm 1902 thì HN gánh thêm 1 nhiệm vụ là thủ đô của toàn Đông Dương, trước đó phủ Toàn quyền Đông Dương đặt dinh Norodom trong SG, kể từ khi Pháp thành lập được liên bang Đông Dương vào năm 1887 thì phủ toàn quyền được chuyển ra HN, nơi hiện nay là phủ chủ tịch. HN lúc đó gánh 3 vai trò về hành chính, 1 là thủ phủ toàn liên bang, 2 là thủ phủ của Bắc kỳ (coi như 1 bang), 3 là chính quyền địa phương cấp tỉnh. Vì vậy HN có 3 khu vực hành chính là dinh Toàn quyền, dinh Thống sứ (nay là nhà khách chính phủ), tòa Đốc lý (đã đập đi để xây UBND TP).
Chính quyền HN
TP HN có thị trưởng (đốc lý) do Thống sứ, sau này là Toàn quyền, chỉ định nhiệm kỳ 3 năm và hội đồng thành phố. Ông đốc lý phải đứng 2 vai, vừa là thị trưởng 1 TP như ở bên Pháp, vừa như 1 công sứ Pháp ở các tỉnh bảo hộ khác của Bắc kỳ. Hội đồng TP bao gồm 12 người Pháp, 2 người VN, 2 người Hoa (sau này bỏ 2 người Hoa thay bằng 2 người VN). Thành viên hội đồng người Pháp do người Pháp bầu, thành viên người Việt do người Việt bầu, người Việt có nộp tô mới được đi bầu và thuộc giai cấp thượng lưu.
Lúc đầu thì người Pháp vẫn dùng các quan huyện cũ của Nam triều để quản lý các huyện thuộc nội thành HN nhưng đến năm 1896 thì bị thay bằng chức hiệp lý rồi bị bãi bỏ ngay, đốc lý quản lý người dân thông qua các trưởng phố (kiểu như tổ trưởng dân phố bây giờ). Như vậy có thể thấy bộ máy hành chính của HN là tối thiểu, rất gọn nhẹ.
Người HN
Người dân HN sống hoàn toàn theo luật của nước Pháp, không liên quan gì đến pháp luật Nam triều nữa. Cùng là người Việt nhưng người ở HN được xét xử hoàn toàn khác với người ngoại tỉnh. Chính quyền HN đã gò HN vào khuôn khổ luật pháp của 1 nước phương Tây văn minh. Nhà nước phong kiến khi đó có luật lệ khá lỏng lẻo, các viên quan huyện, tỉnh tự xử án theo hiểu biết pháp luật của mình 1 cách khá tùy tiện. Ông Nguyễn Sinh Sắc, bố ông HCM, vốn là 1 quan huyện, mắc lỗi xử tội quá tay đánh chết phạm nhân nên bị cách chức thành dân. Ở HN thì không thể có chuyện tương tự. Người Pháp ở HN không được quyền chà đạp lên pháp luật để làm mưa làm gió. Ở HN lúc đó có đủ các bộ luật Hình sự, Dân sự, Thương mại, Báo chí, Sở hữu, sử dụng cả án lệ của Pháp để xử án. Quyền công dân thể hiện qua sổ địa bạ, giấy chứng nhận sở hữu, biểu thuế. Chính vì thế nên đã có những vụ kiện của người Việt kiện cả người Pháp và chính quyền thành phố. HN có các luật sư và họ sẵn sàng cãi cho người Việt nếu họ có tiền. Dân có thể kiện TP lên tòa Thống sứ hay kiện những phán quyết của tòa thống sứ lên tòa Đốc lý do sự mâu thuẫn giữa 2 hệ thống nhượng địa và bảo hộ.
Tóm lại người HN trong những năm Pháp thuộc đã trở nên văn minh hơn rất nhiều do sống trong môi trường pháp luật của Pháp. Thời đó tất nhiên sẽ không có chuyện "đái đường" như bây giờ. Chúng ta còn nhớ các thầy đội xếp Min đơ, Min toa trong truyện Số đỏ có thể xử phạt người dân đái bậy, phóng uế ra đường, chuyện đó là hoàn toàn thực tế. Có thể nói pháp luật thời Pháp thuộc chặt chẽ và nghiêm minh hơn pháp luật bây giờ. Tuy nhiên về tự do ngôn luận thì thời đó có lẽ còn hơn bây giờ vì báo chí tuy có bị kiểm duyệt nhưng vẫn có nhiều báo tư nhân, do người Việt làm chủ bút và người ta có thể lách luật để đăng các bài cấm kỵ về chính trị hay đả kích nhà cầm quyền. Nếu báo bị đình bản thì chủ bút có thể đổi bút danh hoặc nhờ người khác đứng tên để lập báo khác, không khác gì các quán karaoke, mát xa hay bia ôm bây giờ bị chấm dứt hoạt động thì lại dễ dàng tái lập! Người HN vốn đã có cái gốc văn hóa kinh kỳ và cộng thêm sự văn minh do sống trong khuôn khổ của pháp luật văn minh nên đã tạo nên 1 thế hệ "Người Hà Nội" thanh lịch và văn minh hơn các tỉnh khác.
Người Việt ở ngoại thành sống trong các làng nghề, mỗi làng có 1 nghề đặc trưng và cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho người nội thành. Người Thanh Trì bán bánh cuốn, Thụy Khuê bán bún ốc và xôi, Kim Liên cắt tóc. Khu vực phố cổ tập trung dân làm thương mại. Gọi là phố cổ nhưng cũng chả cổ lắm, đại đa số nhà ở đây chỉ xây vào khoảng 1900-1940 là thời điểm bùng nổ xây dựng và phát triển của HN. Khu Khâm Thiên và Thái Hà ấp thì tập trung nhiều cô đầu, hút thuốc phiện, ăn chơi đàng điếm.
Năm 1889, khi HN chính thức thành nhượng địa toàn bộ, thì có chưa đến 500 người Pháp, nhưng đến năm 1908 thì đã có 4000 người Pháp và khoảng 100 người các nước châu Âu khác. Đông Dương không phải là thuộc địa mà người Pháp thích sang sống, dân Pháp ở HN không đáng kể so với ở Alger (Algeri - Bắc Phi), có lẽ vì khoảng cách quá xa và khí hậu quá khác biệt. Đến năm 1940 thì 1/3 dân Pháp ở HN được sinh ra ở đây. HN lúc đó giống 1 tỉnh lẻ của Pháp, người Pháp cũng có người giàu người nghèo. Cũng giống những người di dân sang Mỹ hay Úc, dân Pháp di cư sang HN đa phần không phải thuộc giới thượng lưu mà là dân du thủ du thực, bất mãn với cuộc sống ở Pháp.
Số lượng người Hoa ở HN không đông như ở SG, Hải Phòng. Năm 1888 HN có 850 Hoa Kiều, năm 1940 có 5310 người. Người Hoa sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, chủ yếu sống ở Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Chiếu. Người Hoa gần như nắm toàn bộ về thương mại tại HN, cũng như trong SG, họ chả e dè gì người Pháp, người Pháp không cạnh tranh nổi với người Hoa về thương mại. Với 3% dân số mà người Hoa đóng góp 20-25% ngân sách thành phố. Ngoài ra HN còn có người Nhật và người Ấn, số lượng chỉ vài trăm.
"Người HN" biến mất
Sau hiệp định Geneva đa số những gia đình giàu có, người nước ngoài, trí thức có quan hệ với chính quyền thực dân đều di cư vào Nam hoặc sang Pháp.

Đây là tầng lớp thượng lưu của người HN tạo nên hình ảnh về người HN và tạo nên khái niệm "Người HN" mà không tỉnh nào có. Thay vào đó là ùn ùn dân ngoại tỉnh đổ về lấp chỗ trống, họ mua các bất động sản do người ra đi bán lại với giá rẻ.

Ngoài ra là những cán bộ, mà đa số xuất thân nông dân, cùng gia đình họ đổ về HN, họ cư xử với HN không khác gì các chú bộ đội năm 75 tiếp quản SG. HN bắt đầu bị nông thôn hóa bởi vì lãnh đạo HN không còn là "Người HN" nữa. Đến năm 2000 thì trong 9 vị lãnh đạo HN chỉ có 1 người HN gốc.

Tại sao nói HN bị nông thôn hóa?

Thời Pháp thuộc, giới tinh hoa chính là khuôn mẫu về lối sống của đa số thị dân. Tất nhiên cũng có những thứ đua đòi rởm đời hay được kể trong truyện trào phúng của Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Công Hoan. Nhưng đa phần lối sống tinh hoa là văn minh hơn mặt bằng chung. Hồi đó, người nghèo, ít học phải kính trọng người giàu, có học, có quyền thế và có xu hướng bắt chước họ.

Nhưng đến thời tiếp quản thủ đô thì mọi sự lại bị đảo lộn. Vì lối sống tinh hoa sẽ bị coi là tiểu tư sản, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Nên giới trí thức phải thể hiện lối sống thanh lịch 1 cách du kích, kín đáo.

Chính vì thế nên lối sống tinh hoa, thanh lịch không còn được khuếch trương như cũ, thay vào đó là lối sống nông thôn và thợ thuyền. Bởi vì đó là thành phần cơ bản, là xương sống của chế độ.

Thời kỳ này, trí thức không được dân nghèo coi trọng như xưa, thậm chí còn bị coi thường. Bởi vì đa phần cán bộ, công chức xuất thân từ giai cấp công nông. Giới tinh hoa cũ rất ít cơ hội để ngóc đầu lên được, trừ 1 số gia đình trí thức .

Kể từ đó đến hết thời bao cấp, lối sống bần nông ngự trị thủ đô, vì đó là chuẩn mực của chế độ. Cách thức vận hành bộ máy kinh tế, chính trị nó cũng tạo nên lối sống.

Như chuyện xếp hàng thời bao cấp, cộng với việc bị đói khát, khiến người HN phải bon chen, hèn hạ đi mất mấy chục năm, sau nó ăn vào thành tính cách, không dễ mà bỏ được, ảnh hưởng nặng nhất là văn hóa xếp hàng, thứ nhì là việc ghen ăn tức ở, soi mói hàng xóm, đồng nghiệp. Thời bao cấp, soi mói lẫn nhau còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Sau này mới biến thành tính cách.

Đến thời kỳ đổi mới, người HN giàu lên nhanh chóng, lúc đó lối sống tinh hoa nhà giàu ngày xưa được dịp trỗi dậy, nhưng những người gốc gác tinh hoa xưa kia không còn mấy, thay vào đó là tầng lớp nhà giàu mới nổi, còn gọi là trọc phú.

Từ đó đến nay, phong cách sống của nhà giàu mới nổi (thường dưới 10 năm), trưởng giả, đang dần trở thành chuẩn mực về lối sống của người HN. Điển hình như mốt nhà Pháp nhái, nội thất Đồng Kỵ)...

Tuy nhiên, do truyền thống mấy chục năm qua, người nghèo và ít học ở HN vẫn hoàn toàn bình đẳng với giới trí thức tinh hoa, sẵn sàng chửi họ như chó (như vụ đấu tố Ngô Bảo Châu).

Bi kịch chính là ở chỗ đó, khi mà xã hội không có tôn ti trật tự. Giới tinh hoa lại không được coi là khuôn mẫu của xã hội.
Bạn, Hồng Thắng, Trần Lê và 110 người khác
13 bình luận
16 lượt chia sẻ
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ