Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

CHIÊU CUỐI NĂM

 CHIỀU CUỐI NĂM.

Chiều cuối năm, gió mùa Đông Bắc về. Trời đầy mây âm u mưa mau hạt. Gió thổi ù ù lạnh buốt.

Chợt nảy ra ý định dạo phố trong mưa phùn gió bấc để nhớ về những ngày lạnh lẽo năm xưa. Đi sơ tán nằm ổ rơm gió lùa tê tái. Ngoài vườn tiếng mưa rơi trên lá chuối lộp bộp, bụng đói cật rét, răng va vào nhau lập cập. 

Hôm nay trên phố mọi người khăn quàng sặc sỡ, áo khoác trùm đầu bước đi vội vã . Đôi khi cũng bắt gặp vài người vóc dáng lam lũ đang còn vật lộn mưu sinh giữa dòng đời muôn vẻ.


Dòng ô tô xe máy cùng lao đi trên đường phố ướt lép nhép, ai ai cũng ít để ý xung quanh. Hình như mọi người đang hối hả tìm kiếm một cái gì đó tươi mới vui vẻ phía trước để kịp chào đón mùa Xuân mới sắp đến bên hiên nhà .

Trong bộ quần áo ấm áp tôi khoan khoái đi trong mưa mà không thấy lạnh. 

Thật là thú vị , hóa ra cái đẹp cái hay nó ở trong lòng.

Cầu mong năm mới mọi thứ hết âm u , ai ai cũng được sống trong vui vẻ hạnh phúc và bình an.


NBS

28/12/2022





Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Chuyện ngày trở về trường


CÂU CHUYỆN LÁ BÙA LƯƠNG THỰC

Những ngày tháng 12 năm 1977 chưa lạnh bởi gió mùa Đông bắc, trời nắng hanh lắm, mọi thứ khô khốc. Các đoàn xe đò trưng dụng của tư nhân rồi tàu hỏa tấp nập theo đường giao liên chở hàng hóa, lính tráng dọc quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc.

Đến ga Hàng Cỏ các anh lính tự chọn phương tiện theo đó về quê. Tôi là một trong những người lính ấy hoàn thành nhiệm vụ được trở về thành phố quê hương.

Hành trang mang theo như bao người khác là một chiếc xe đạp, một ba lô quần áo, năm cân gạo huyết rồng sản phẩm của Đồng tháp mười và một mớ giấy tờ chứng nhận của đơn vị.
Hòa bình thống nhất đã gần ba năm, từ trong ga dẫn chiếc xe đạp về nhà có bao con mắt dõi theo. Đã hơn 5 năm rồi, Hà nội không thay đổi mấy so với ngày chúng tôi đi Nam. 

Thắng cuộc. Đường phố Hà nội trang hoàng cờ hoa pano, áp phích rực rỡ, loa hát oang oang. Rồi  viện trợ nước ngoài bị cắt , sản xuất đình đốn người thất nghiệp nhiều , kinh tế ảm đạm người dân có vẻ lam lũ hơn.    

Người đầu tiên tôi gặp là Mẹ tôi, hai mẹ con nắm lấy tay nhau rưng rưng nước mắt không nói lên lời. Con của Mẹ bằng xương bằng thịt hiển hiện trước mặt. Lúc ấy Bố Mẹ tôi mới tin thằng con từ nơi hòn tên mũi đạn nguyên lành trở về.

Thông tin người lính trở về chiếm hàng đầu câu chuyện của gia đình , hàng phố, họ hàng. Ai cũng vui vẻ chúc mừng.

 Việc đầu tiên là làm thịt một con gà liên hoan gia đình, cảm ơn và báo cáo Tiên tổ sự kiện hân hoan này. Mấy hôm sau bố tôi bảo ông anh mua vé cho mấy cha con đi xem hai đội bóng CAHN và Đường sắt VN đá ở sân Hàng Đẫy cho thằng em hội nhập dần. 

Mùa Xuân năm 1978 mấy cha con lại hành hương lên Chùa Hương Hương tích Hương sơn cảm ơn Trời Phật khi đất trời nghiêng ngả đã vạch cho thằng con hướng Sáng mà đi.

Tháng cuối năm,  các trường đại học đã tuyển sinh xong xuôi và bắt đầu năm học mới chừng hơn một tháng. Tôi chuẩn bị giấy tờ trở lại Trường Đại học Xây dựng xin tiếp tục học hành.

Đến gặp các anh cán bộ Tổ chức được đón tiếp hướng dẫn chân tình. Tôi trình Giấy quyết định chuyển ngành, giấy thôi trả lương, giấy sinh hoạt đoàn thể....

Anh cán bộ Tổ chức hỏi : 
- Còn giấy gì nữa không ?
- Có thế thôi ạ.
- Anh còn thiếu cái Giấy chuyển Lương thực , thiếu cái này thì anh không có tiêu chuẩn gạo ăn hàng tháng.

Tôi tái mặt, đất dưới chân tôi sụt xuống , lo lắng vô cùng .
Cấp giấy cho người ra quân thứ gì chỉ có anh cán bộ Quân lực và Tài vụ Trung đoàn biết, chúng tôi có biết gì đâu.

Anh Tổ chức tỏ ra thông cảm hướng dẫn cho tôi đến Tỉnh đội Vĩnh Phú ở Việt trì hay Thành đội Hà nội xin cấp Giấy chuyển lương thực vì miền nam xa quá.

Đến hai nơi đó đều nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Quay về nhà báo cáo bố mẹ xin cấp thêm chút lộ phí trở lại đơn vị cũ xin cấp tờ giấy quan trọng. 

Hồi đó không có phương tiện giao thông công cộng, vào nam ra bắc là một chuyện khó phải xin phép tắc giấy tờ đi đường khó hơn đi nước ngoài bây giờ.

May quá anh Cả tôi làm trong Quân đội có chuyến công tác vô nam bằng xe tải , anh tôi nói khó đơn vị cho đi nhờ và cấp cho 5 kg gạo nộp cho anh nuôi. Mẹ tôi ra chợ mua chục hộp sữa với mấy cân đường thay tiền khi cần.

Đi năm sáu ngày mới tới Sài gòn vì đường xấu. Tới nơi tôi chào các anh ra chợ chuyển sữa đường thành tiền cho nhẹ , đi xe lam về Xa cảng Miền Tây mua vé xe trực chỉ Mộc hóa.

Đến Mộc hóa là một huyện lỵ biên giới của tỉnh Kiến tường nơi Sư đoàn 8 đóng quân, có anh Viễn người Hải phòng làm trên Ban Doanh trại xin ngủ nhờ. Sáng hôm sau đi Tac ván dọc sông Trăng biên giới Việt nam - Campuchia khoảng 6 tiếng thì vào nơi đóng quân của Trung đoàn 207 ở Đồng Tháp mười.

Tháng mười hai mùa nước cuối kì mực nước xuống thấp có những đoạn trên sông nước cạn không chạy máy đuôi tôm được, phải dùng sào chống đã chậm lại càng chậm . 

Trên bờ sông biên giới có các chú lính Khơ me lăm lăm tay súng, mặt hằm hằm nhìn xuống xuồng vẻ khó chịu. Có cái gì không vừa lòng nó điên lên lia cho một băng thì hết chuyện lương thực mới chả học hành.

Dân ta  lẳng lặng chống xuồng , nhũn như chi chi . Hơn ba giờ chiều tới nơi , còn phải đi bộ vài cây số qua gò Muỗi , gò Pháo thì tới nơi Trung đoàn bộ. 

Khi trước đánh nhau nếu có lính hi sinh thì quấn tăng võng cho liệt sĩ rồi chôn , nay khu hậu cần Trung đoàn chất đầy áo quan sơn đỏ lòm, trông rất phản cảm 

Khi từ Trường sơn theo ngả Campuchia xuống miền Nam tham chiến, có gặp khó khăn gì chúng tôi lại rút lên đất Miên được coi là hậu cứ an toàn , sau giải phóng thì bên kia biên giới Tây nam lại là nơi đối kháng. 

Quan hệ giữa các Quốc gia không có khái niệm anh em, răng môi mà chỉ có lợi ích là quan trọng nhất. Chính trị quả là phức tạp

Khi thấy tôi trở lại đơn vị các anh cán bộ rất ngạc nhiên, mình liền rút Giấy Giới thiệu của Trường Đại học Xây dựng trình bày xin cấp Giấy Chuyển lương thực.

Các anh rất sốt sắng làm ngay, đồng đội mà . Các chiến hữu ân cần mời ở lại ăn cơm rồi sớm mai tiễn thằng bạn ra bến đò trở về Mộc hóa. 

Các anh còn viết giấy giới thiệu ra Bắc không mất tiền theo đường Giao liên xuất phát từ Tổng kho Long bình, gọi là Đoàn Hà nội nhưng chỉ có một người.

Cầm tờ Giấy chuyển lương thực in ấn lem nhem ghi tên mình đóng dấu đỏ mà sung sướng vô cùng. Nó đúng là Lá Bùa có phép nhiệm màu đảm bảo Lương thực cho mình, nếu ai đó bảo đổi lá bùa ấy lấy 50 cây vàng tôi cũng không bao giờ đổi.

Lá Bùa đó nộp cho anh Tổ chức của Trường, đến sau năm 1995 thì hết thiêng.


NBS
1977-2022