Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

VỀ THĂM BỐ MẸ GIA ĐÌNH

 VỀ THĂM BỐ MẸ, GIA ĐÌNH 


CHUYỆN PHIẾM TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẸP LẮM

Đường ra trận mùa này đẹp lắm ( Phạm Tiến Duật )

Lớp sinh viên Đại hoc Xây dựng, Thông tin, Địa chất.... nhập ngũ 9/1972 biên chế vào đại đội 2 , tiểu đoàn 74 , sư đoàn 304 B(C2 D74 F304B) Quân khu Việt bắc năm đó mang đến cho Tiểu đoàn 74 một không khí mới , nó không giống các đợt tuyển quân trước, lính nhập ngũ thường ở một vùng nông thôn, một  khu phố.

Bọn lính sinh viên này thuộc diện "đa sắc tộc",  từ nhiều vùng quê lại có chút chữ nghĩa, nên không phải cán bộ nói gì nó cũng nghe. 

Các ông ấy còn định nghĩa ( cho vui ) một số từ : 

Bộ đội là Đội quân đi bộ. 

Hành quân là Hành hạ quân lính

Cán bộ bắt bẻ :  - Sao nói vậy?  

Trả lời : -Tôi nói vậy, nếu anh là người tốt thì hiểu ra nghĩa tốt, nếu anh là người xấu thì hiểu ra nghĩa xấu.

Mà cán bộ nói chung đều là người tốt .

Cán bộ từ đại đội đến tiểu đội thường xuyên tiếp xúc với lính  nên cũng phải nắn nót trong chỉ huy. 

Nói có lý lẽ tình cảm ngon ngọt thì nghe, nếu cậy quyền ăn hiếp bắt nạt thì cũng phải nghe nhưng kết quả không tốt. 

Lý lẽ cũng có sức mạnh chứ, võ biền làm sao hiểu được.

Mấy anh lính đều biết rằng mình đi bộ đội rồi sẽ đi đánh nhau ở đâu đó,  nhà xa phải chịu nhưng gần gần thì ai cũng muốn về thăm gia đình, bố mẹ hay người yêu trước khi đi xa.

 Nghĩ vậy nên cứ có dịp là một vài anh tót về, vài ngày một tuần lại lên lại sung vào đội ngũ như bình thường. Đơn vị cũng cử người về địa phương đưa lên.

Hồi đó trốn lính đâu phải dễ, kinh tế bao cấp trốn về không có tem phiếu thì đâm đầu vào đâu, lại khổ cha mẹ. Nên xác định về chơi vài hôm rồi lại lên đơn vị.

Thỉnh thoảng còn xuyên tạc bài Bước chân trên dải Trường sơn của Trần Chung nghêu ngao:

Ta là con của bố ta mẹ ta, nhớ nhà là ta tút ngay về.

Ta không cần ô tô, không cần ba lô, không cần lương khô.

Con đường ta đó thiêng liêng tình nghĩa...


Trong sách Văn học phổ thông nhiều người còn nhớ có bài thơ của một anh lính dân tộc. 

Cám ơn bạn  Cường Trần đã cmt, xin đưa lên cả nhà cùng thưởng thức 

Nhớ vợ (Cầm Vĩnh Giang)

Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin được về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốm
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn đúng Tây
Vì tay có hơi vợ
Cho tôi đi, đừng sợ
Tôi không chết được đâu
Vì vợ tôi lúc nào
cũng mong chồng mạnh khỏe
Cho tôi đi, anh nhé
về ôm vợ hai đêm
Vợ tôi nó sẽ khen
chồng em nên người giỏi
Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng
Nếu có được trên tặng
cho một cái bằng khen
Tôi sẽ dọc đôi liền
Gửi cho vợ một nửa

Tao xin về với vợ, 

Ngủ với nhau một đêm

Cho cầm chắc tay súng .....

Lâu ngày không nhớ nhưng đại khái như vậy, trong lời bình giảng đều khen anh yêu nước, thương nhà. 

Vì chỉ có một thứ yêu nước hoặc thương nhà thì cũng không thể là con người đúng nghĩa.

Mấy cậu lính sinh viên chưa vợ thì về vài hôm thăm gia đình, bố mẹ rồi lại lên. Và ba anh em chúng tôi lập kế hoạch cho chuyến đi.

Lối ra bến ô tô có con đường duy nhất qua cầu Ca luôn có vệ binh canh gác, một sáng sớm tinh mơ chúng tôi đi tắt cánh đồng ra đường cái, khi ô tô khách qua thì lên xe, dông về Hà nội .

Về nhà bố mẹ hỏi : 

- Con về phép à ? Được mấy ngày?

- Vâng, vài ngày ạ. 

Mẹ tất bật mua thêm thức ăn cho cả nhà đón con về chơi.

Sáng hôm sau, cõ tiếng gõ cửa cộc cộc, tôi ra mở cửa hóa ra ông Ma văn Pìn trung đội phó trung đội 6 ( chúng tôi trung đội 5) súng ống nai nịt bước vào. 

Bố mẹ tôi hơi sợ, nhưng tôi thì bình thường vì có người đón thì lên đơn vị thôi. 

Pìn đứng giữa nhà, lấy khẩu AK lên đạn loạch xoạch yêu cầu bố mẹ tôi bảo tôi lên đơn vị. Tất nhiên là đồng ý thôi, mẹ dúi cho con mấy đồng.

Pìn cứ tưởng có súng là muốn làm gì  thì làm. 

Tôi thấy khó chịu và thương hại Pìn, nhìn lão như nhìn anh nông dân vác tre giảng cuộc kháng chiến của chúng ta chia làm ba giai đoạn: Phòng ngự, cầm cự và tổng phản công cho giáo Hoàng trong tác phẩm đôi mắt của Nam Cao.

Tôi chào bố mẹ  rồi theo cán bộ đến nhà hai bạn kia. Sự việc lại diễn ra tương tự. 

Ba thằng lẽo đẽo theo Pìn ra bến Nứa . Tới bến Pìn bảo đưa tiền mua vé, cả ba đều nói không có. Mà chắc chắn trong túi ai cũng có tiền .

Pìn móc túi mua bốn vé. Lên xe mà chẳng ai nói với ai câu nào. Đến Bắc ninh đã quá trưa, lại bảo chúng mày bỏ tiền ra ăn cơm mậu dịch , lại trả lời chúng em không có. 

Pìn lại bấm bụng mua bốn xuất cùng ăn, lão sợ ăn một mình mà bọn nó đợi ở ngoài chuồn tiếp thì chết.

Từ Bắc ninh về đơn vị gần ba mươi cây số đường đất không có xe khách, bốn ông lóc cóc đi bộ. Chừng hai ba cây số thấy một xe tải quân sự đi tới, Pìn vẫy xe đi nhờ.

Mời các ông lên xe, xe than bụi bậm đen nhẻm, đành vậy còn hơn đi bộ . Đi vài cây xe dừng lại , lái xe nhảy lên bảo các anh cho xin tiền. 

- Chúng em không có tiền

- Mời các ông xuống. Chẳng ông nào chịu xuống mà một ông lại có súng.

Tài xế hậm hực xuống nổ máy lao đi. Đến nơi , vỗ nóc xe xin xuống, nó không cho xuống cứ bon bon chạy. 

May quá trên thùng xe có manh chiếu, xe chạy đường đất hơi chậm nên hai thằng vơ lấy phủ lên kính xe. Không nhìn thấy đường thì đi vào mắt. 

Xe từ từ dừng lại đúng địa bàn, thôi mời các bố xuống.

Súng trong tay Pìn mà có làm gì được đâu. Nếu không thị uy lên đạn thì chuyến đi vui biết bao nhiêu. 

Sao xe quân đội lại đòi lấy tiền xe, bọn tớ cũng đi cứu nước chứ  có phải đi chơi đâu. 

Đến đơn vị ai ở đâu về đó.

Lại hăng say luyện tập để : 

Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu.


NBS .

01/09/2021





CHUYỆN PHIẾM TRƯỜNG SƠN - TRẠM CỨT

 

ĐÓN TẾT QÚY SỬU 1973 TẠI KHĂM MUỘN LÀO  


CHUYỆN PHIẾM TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẸP LẮM

Đường ra trận mùa này đẹp lắm ( Phạm Tiến Duật )

Trạm Giao liên đây rồi , cũng có cổng chào đàng hoàng ghi dòng khẩu hiệu giăng ngang: 

Nhiệt liệt chào mừng các đoàn quân vào giải phóng miền nam.


Trạm giao liên rất rộng bằng phẳng dưới tán lá rừng già, cây thưa thoáng đãng nhưng tán cây vẫn che kín bầu trời , rừng như một thứ thành trì , áo giáp che chắn đoàn quân.  

Bãi khách có thể chứa được cả ngàn người,  bên cạnh đó dòng suối trong vắt rì rào chảy qua .

Suối rộng chừng 30 m,  trong lòng suối có  những hòn đá rêu phong với từng nhóm cây thạch xương bồ xanh thẫm mọc lên tươi tốt. Đó là cây thuốc quý, còn nhớ ngày sơ tán bà nội tôi thường hấp lá cây thạch xương bồ với lá hoa hồng bạch cùng đường phèn có thể chữa được được ho cho trẻ con.

 

Trong tầm nhìn của bãi khách đó là dải non bộ đẹp đẽ và thơ mộng vô cùng, nó còn như một thứ thuốc an thần cho người ta sau mỗi chặng hành quân gian khổ.

Cách bãi khách không xa có một vách núi đá khi tiếng nói chuyện thì nó vọng lại lại nghe rất lạ.

- Anh yêu em

 - (Tiếng vọng ) Anh yêu em

- Em yêu anh 

- ( Tiếng vọng) Em yêu anh 

- Tiên sư bố mày

- ( Tiếng vọng) Tiên sư bố mày

Nói câu nào nó lặp lại câu đó , rất buồn cười nhưng nếu vắng người thì cũng rất sợ vì như có ma  bên đó.

 

Rải rác đây đó trong bãi khách là các vị trí mắc tăng võng, công sự hầm trú ẩn, bếp không khói kiểu Hoàng Cầm do các đoàn quân đi trước qua đây để lại, cũng đỡ công sức cho người đi sau rất nhiều.

Anh em chúng tôi tiến vào trong trạm còn đang rất vui vẻ bàn tán vì vừa gặp cô gái trước  cổng trạm nhưng câu chuyện bị khựng lại vì mùi thối cực kỳ của phân người bao trùm lên  toàn bãi khách.

Theo anh chiến sỹ giao liên, hóa ra đi trước chúng tôi là Đoàn Hải Phòng, sáng nay các bạn đi rồi  nhưng để lại những đám phân đầy trong bãi khách mùi thối inh ỏi.

Người Hải Phòng nổi tiếng với tính cách đặc biệt của đất cảng : thẳng thắn, ngang tàng , trọng nghĩa khinh tài , ghét thói xun xoe nịnh bợ . Yêu ai thì yêu hết mình, ghét ai thì xúc đất đổ đi. Chắc có gì bức xúc mới phản ứng như thế. 

Chả thế mà có câu vè:

Hà chuồn, Nam lủi, Thái bình bay.

Hải dương anh dũng trốn ban ngày.

Hải phòng đi phép không cần giấy.

Hà nội thấy thế mới ra tay... 

Ha ha, chả ông nào kém cả.


Anh em chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp các bãi phân, phân công nhau lấy nước kiếm củi nấu cơm. 

Số còn lại căng tăng võng,  giặt quần áo tắm rửa, ngồi đung đưa trên võng viết nhật kí hay túm năm tụm ba phì phèo điếu thuốc lá, thuốc lào. 

Gặp đầy phân ở Trạm giao liên đầu tiên của Trường sơn  nhưng vẫn may mắn lắm vì ngày kia mới là mùng một TẾT. 

Lúc này Hiệp Định Hòa Bình Paris đã được ký kết, tại đây chúng tôi được nghỉ mấy ngày để đón Tết Quý Sửu năm 1973  và chúng tôi âu yếm gọi nó là Trạm c** .

  

Mỗi trung đội cử hai đồng chí tốt đi vào Trạm lấy tiêu chuẩn Tết, mỗi anh em được nửa cái bánh chưng, vài điếu thuốc Trường Sơn vài cái kẹo và một vài lạng thịt nữa.

 Đêm 30 Tết dưới tán rừng già trời tối đen như mực tôi cùng Tân xồm, Kissing Cục rủ nhau vào trong Trạm giao liên chơi. 

Cũng không có gì đặc biệt, chỉ thấy vài cái nhà lá thưa thớt và gặp một cô bộ đội nữ đang ngồi khóc thút thít bên bếp lửa nấu bánh, hơi nước phì phì. Chắc cô nhớ cha mẹ, các anh chị em ở quê.

Ăn tết Giữa rừng già, xa nhà đi tìm chỗ vui khi gặp cảnh như thế này làm sao vui được.

 Chúng tôi khi quay về bãi khách trạm giao liên, lên võng nằm thao thức mãi không ngủ được. 

Đến thời khắc giao thừa cũng không có tiếng súng bắn hay một tín hiệu gì hết, buồn vô cùng. 

Mệt mỏi rồi thiếp đi lúc nào không biết, khi mấy con mấy con gà rừng gáy le te rồi vượn hót vang rừng mới biết là trời đã sáng.

Năm mới Qúy Sửu tới rồi.

Chúng tôi đã bước sang tuổi 20.



NBS

31/08/2021

 Ảnh : Rừng Trường sơn


Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

CHUYỆN PHIẾM TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẸP LẮM - KHĂM MUỘN LÀO


ĐI NGƯỢC ĐƯỜNG MÀ KHÔNG CÓ TAI NẠN


CHUYỆN PHIẾM TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẸP LẮM

Đường ra trận mùa này đẹp lắm ( Thơ Phạm Tiến Duật)


Cuối tháng Giêng năm 1973, Đoàn quân Lính Sinh viên đi B mang phiên hiệu 2013 đến Quảng bình tiến xuống sông Son, nước sông mùa này trong vắt chảy lững lờ. 

Dưới bến nước thấy nhiều súng ống, các quả đạn B40, B41, AK  vứt đầy dưới lòng sông. Mọi người nhìn thấy hững hờ  chỉ chỏ rồi lục tục lên cái xà lan rỉ sét, chui vào bên trong kiếm chỗ trống hạ balo ngồi nghỉ. 

Thế mà lúc huấn luyện các bố ấy bảo một viên đạn AK là 1đồng 2 hào bằng ba cân gạo. mà bây giờ vứt cả hàng chục tấn gạo đi.?


Sa lan từ từ rời bến ngược sông , lúc này Hiệp định Pari sắp được ký, Mỹ ngừng ném bom miền bắc, không gian im ắng tĩnh mịch lạ thường. 

Trên sông thỉnh thoảng gặp thuyền dân xuôi ngược, thấy bộ đội chắc họ biết chúng tôi đi đâu, đưa tay lên vẫy vẫy rồi nghe tiếng hò Quảng bình vang lên lanh lảnh cả khúc sông, thanh bình quá.

Mấy giờ sau tới bến, anh em lên bờ, phía trước là màu xanh rì của những cánh rừng và rặng núi mờ mờ phía xa. 

Chỉnh đốn hàng ngũ chúng tôi bước tiếp. Núi tiếp núi, cánh rừng nọ đến cánh rừng kia. Qua một quả núi nhìn dưới vực thấy vứt đầy khung , phụ tùng , săm lốp .. xe đạp Vĩnh cửu , Phượng hoàng màu rêu của Trung quốc. Chắc là xe đạp thồ hết sử dụng.


Hồi đó nhà ai có cái xe Phượng hoàng đi nếu chưa là nhất thì phải là nhì làng. Có anh hứng lên bảo khi nào ra quân đến đây lấy một cái về dùng. 

Đến chỗ nghỉ , giao liên báo rằng bây giờ chúng ta đang ở Khăm muộn Lào. Lúc qua biên giới mà chả nói cho biết để chào đất Mẹ quê hương một câu, không biết cái đường biên giới nó thế nào.

Gần Tết rồi, ngoài kia không khí đón xuân chắc rộn ràng lắm, năm nay Mỹ ngừng ném bom nên lại càng vui. 

Chợ hoa Cống Chéo Hàng Lược chắc đã họp rồi, quất vàng ruộm sai trĩu chịt, rực rỡ hoa đào. Trai thanh gái lịch mặc những bộ cánh đẹp nhất dạo chơi chợ hoa dưới mưa bụi mùa xuân nhè nhẹ. dịu dàng.

Ai cũng phải có gạo, đỗ, lá dong để gói bánh chưng. Nhà nhà thức đêm trông nồi bánh trong cái rét mưa phùn, trẻ con ngồi quanh bếp lửa bập bùng, má đỏ bồ quân,  chơi tam cúc chờ đón bánh nhỏ bố mẹ cho tự gói lúc ban chiều.

Thế là xa miền Bắc thật rồi , chuyến đi vô định không biết nơi đến , không biết bao giờ trở về. Lòng mỗi người nặng trĩu không ai nói năng gì, buồn không thể tả.


Nơi Trường sơn này chỉ thấy rừng núi âm u, máy bay trinh sát OV 10 hai thân bay vè vè liên tục trên đầu. Truyền đơn tâm lý chiến bay lả tả trắng thấp thoáng trong nền lá rừng. 

Công nhận các đồng đội cựu chiến binh tài thật , tôi mới ghi lại nội dung truyền đơn theo ghi nhớ của các cụ trong ngày giãn cách covid 8/2021 để viết bài này. Chiến tranh chấm dưt gần nửa thế kỷ rồi, đưa lên mọi người cùng biết và hiểu thêm.

Nhặt lên xem : 

Mấy tháng trời đêm nghỉ ngày đi.

Giày vẹt gót áo sờn vai giá lạnh.
Đêm trường sơn núi rừng hiu quạnh.
Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình.
Khói lam chiều giàn mướp lá lên xanh.
Con bướm nhỏ mái đình xưa nhớ quá.
Vào nơi đây giữa đátt trời xa lạ.
Nhưng miền Nam cũng là một quê hương

Tờ 1

Chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh .

Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình .

Khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh .

Con bướm nhỏ mái đình xưa ... nhớ quá !

Tờ 2

Tiếng pháo nổ , rồi từng tràng pháo nổ .

Trên bàn thờ mâm cỗ đã bầy xong .

Cha tôi đang thắp giở nén hương vòng .

Và sắp lại trái hồng mâm ngũ quả .

Mẹ tôi cùng khoanh giò đang bóc lá....

Tờ 3

Quê tôi có lúa có dâu .

Có đàn cò trắng , có câu huê tình .

Có cây đa , có mái đình .

Có bầy tiên nữ đẹp xinh dịu dàng..

Mùa xuân có những hội làng .

Cây đu ngày tết , dập dìu xuân sang .


Vv và vv nó đánh vào chỗ yếu nhất : Đó là tình cảm con người. 


Các anh cán bộ đạị đội cũng nhắc nhở không đoc, không xem, không cất. 

Với các chiến sỹ cỡ Kinh Kha như Nhữ Văn Việt ( K16 Vật liệu) đang trên "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" rồi " Anh hăm hở như cờ ra mặt trận" thì nhằm nhò gì. 

Anh thường nghiến răng kèn kẹt nói với mọi người: "Chúng ta phải đi nhanh lên vì đồng bào miền nam ruột thịt đang rên xiết dưới gót giày Mỹ Ngụy" !!!. Hu hu..

Mấy anh vẫn nhặt vài tập cho trong ba lô vì "trong rừng Trường Sơn đọc những dòng chữ này cũng nhớ nhà phết , nhưng không có nó thì cũng gay vì dễ bị dùng phải LÁ RÁY khi đi WC lắm !"

Mỗi người mỗi tâm trạng, đoàn quân lại lầm lũi bước đi, chỉ còn mấy khúc nữa thôi là đến tram giao liên. Ai nấy đều nghĩ sặp được ngả lưng đung đưa trên võng rồi.

Bỗng có tiếng hô ;

- A, có con gái chúng mày ạ.

Phía xa một cô bộ đội đầu đội mũ mềm đi ngược về phía chúng tôi. Bước đi õng ẹo, đánh mông đung đưa, yểu điệu.

Thấy bóng hồng , các chàng trai hoạt bát hẳn lên, cười nói rổn rảng. Đặc biệt khi đến gần chúng tôi cô vẫn không đi sang trái con đường rộng khoảng 6m mà đi cùng bên phải, trực diện với đoàn quân.

Thời cơ đã đến người khen xinh, người vuốt tóc, kẻ vuốt má ít ra cũng sờ cánh tay ,mông rồi hầu như khắp người cô gái.

Cô không phản đối mà có vẻ thích thú, đôi má ửng hồng mắt sáng long lanh. Đoàn quân mấy trăm người rùng rùng ra trận, ít ra cũng có phân nửa các anh mạnh dạn chạm vào em.


Trong rừng mà, con người chứ đâu phải là gỗ đá.

Anh thư nước Việt là đây, liều thuốc tinh thần là đây.


Cô bộ đội này giống như hình ảnh cô gái Xuân Lan không sợ hãi , không e thẹn nhìn thẳng vào mặt rồng khi vua Hàm Phong tuyển vợ trong khi các mĩ nhân khác cúi gằm mặt không dám ngẩng lên.

Hành động này chiếm ngay được cảm tình của nhà Vua , vẻ đẹp mê ly và sự dũng cảm của Xuân Lan đã vượt qua bao cung phi xinh đẹp khác mà trở thành Hoàng Hậu. ( Sau làm Từ Hi Thái hậu )


Tự nhiên thấy quãng đường ngắn lại. Chẳng bao lâu đã tới Trạm Giao liên đầu tiên trên con đường thiên lý Trường sơn.

Đi ngược đường , va chạm nhau mà không có tai nạn.

May mắn quá.


NBS

29/08/2021

Ảnh ; Rừng Khăm muộn Lào









Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

CHUYỆN PHIẾM HẬU CẦN

 CHUYỆN PHIẾM HẬU CẦN 


Cho vui những ngày giãn cách.


Khi vào đến miền tây nam bộ thì những thứ quân trang phát từ miền bắc đều không dùng được. Vùng quân khu 8 ( nay là QK9) là đồng nước với hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Đồ cotton nặng nề gặp nước bao giờ mà khô được, bỏ hết.

Mỗi năm, mỗi ông lính giải phóng được phát một bộ quần áo. Quần nilon màu đen, áo linphăng đủ các màu xanh, nâu , da bò, trứng sáo..vv ...ngoài ra còn một khăn rằn, một tấm vải mưa mỏng dính như giấy pơluya. 

Ba lô thay bằng cái bòng nilon. Mấy thứ này dìm xuống nước vớt lên rũ ra phơi một giờ là khô. Mũ , dép thì ai có cái gì dùng cái đó, người dép nhựa, người dép râu, dép rọ và đặc biệt là không đi giày. 

Nó không giống một đội quân chính qui mà có anh em nói đùa là nó giống phường chèo  vì đủ màu sắc. Thực chất đó là lính địa phương không phải lính chủ lực. 

Đó là nói về quân trang.

Phụ cấp hàng tháng được mấy trăm đồng tiền Việt nam cộng hòa cho lính, sỹ quan thì cao hơn lâu ngày không nhớ chính xác. Số tiền đó dùng tiêu vặt mua xà bông, kem đánh răng, dao cạo, thuốc hút ..vv..

Còn nhớ loại xà bông bột Viso thơm tho , kem đánh răng Hynos ( Ông tây đen), Kem đánh răng Perlon, Kem trắng chỉ hồng rất chất lượng. 

Thỉnh thoảng còn nghe: 

Răng em làm sao (mà ) trắng bốp. 

Hynos, Hynos, Hynos.

Răng em làm sao ( mà) nõn nà . 

Hynos, Hynos. Hynos.

Rất vui.

Còn tiền ăn thì cũng có định lượng cho từng đối tượng. Không có chiến sự thì phát tiền đến các trung đội chia theo tiểu đội hoặc theo bếp để mua thức ăn . 

Dân cũng thưa thớt nên hái rau trời, bắt cua cá mà ăn. Miền tây nam bộ trù phú bao bọc con người nên cũng dễ dàng kiếm thực phẩm . 

Khi có chiến sự thì tập trung cho nhóm anh nuôi đại đội mua đồ ăn , chủ yếu là cơm nắm cá khô .

Nhưng cũng phải có lúc lễ tết ăn thịt gà thịt heo chứ. Cái này do linh hoạt của từng anh quản lý đại đội. 

Dân nam bộ thì không nuôi được lấy gì mà mua , họ còn di chuyển tránh chiến sự đôi bên. 

Đại đội tôi có anh Tỉnh người Bắc ninh làm quản lý đại đội, anh tốt nghiệp phổ thông rồi đi bộ đội trước chúng tôi ,  gặp đám lính sinh viên bổ sung về anh quý lắm vì nói chuyện mau hiểu, có văn hóa. 

Anh kể chuyện chiến trường, chúng tôi nói chuyên đại học. anh thích lắm chỉ mong có ngày về tiếp tuc đèn sách đi học đại học.

Do tôi ở Tổ hỏa lực thuộc quản lý của đại đội nên anh hay rủ tôi lên Campuchia mang vải vóc, nilon mua từ miền nam đổi lấy gà lợn mang về cho đại đội.

Thường đi ba anh em, hai người mang súng cùng nhau tải đồ. Đi cũng vất vả , vượt qua  cánh đồng Chó ngáp, vượt sông Trăng rồi một cánh đồng nữa khoảng 15,16 cây số mới vào Phum, Sóc có dân Campuchia.

Tới nơi để anh Tỉnh đàm phán, nhưng trước hết là làm thịt một con gà để ăn cho lại sức đã. No say rượu thịt thì buộc dây vào con lợn dắt đi , vài con gà cho vào giọ thồ trên lưng quay về đơn vị 

Lợn Campuchia cũng ngoan, dắt chạy lon ton như con chó không phải đánh đập quát tháo. 

Trong vất vả nhưng thấy cũng có lúc nên thơ, mấy anh em chậm rãi trò chuyện dưới biển trên trời, thảnh thơi dẫn con Trư thong thả bước đi trên đồng cỏ xanh mướt bao la, hướng về phía xa xa là giăng cây xanh thẫm bên kênh Tân thành của Việt nam quê mình.

Chẳng bao lâu về tới đơn vị, giao cho anh em làm thịt rồi cùng nhau đánh chén thỏa thuê. 

Một năm được đôi ba lần như thế.

Làm hậu cần sướng hơn đi đánh nhau. phải không các bạn.

Cho đến sau ngay 30 tháng Tư 1975 vào tiếp quản căn cứ Đồng tâm là Bộ Tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 7 của VNCH thấy nhà ăn của căn cứ đã có lưới chống côn trùng , dùng khay inox nhiều ngăn cho xuất ăn cá nhân, rất văn minh . 


Rồi ngày đầu giải phóng bộ đội được dùng xuất ăn cá nhân của lính Mỹ trong các kho hậu cần. Mỗi xuất cho một bữa gồm 6 hộp quấn liền nhau bằng nilon kiểu bây giờ gọi là combo, có đồ mở hộp gắn theo gồm : 

- một hộp thịt xay

- một hộp bơ lạc

- một hộp bánh chocopie nhân đậu xanh

- Một hộp có gói cà phê tan, đường, 

- một hôp chứa hai viên kẹo, hai cái tăm có bôi sẵn bạc hà phía đầu nhọn, 

- một hộp chứa môt cái kiềng ba chân bẻ ra đươc khi đun nước, hai viên cháy dùng đun, cháy hết là đủ nước sôi pha cà phê.

Ngoài ra một xuất ăn còn được một bao 10 điếu thuốc lá, 20 que diêm  dẹt làm bằng bìa cacton.

Nhắc ra đây không phải để khen nhưng phải công nhận quân đội họ có hệ thống hậu cần hoàn hảo.



Nhưng trong các cuộc kháng chiến trường kì và gian khổ, phía cơm nắm cá khô thường thắng phía đồ hộp combo.

Apganixtan là một ví dụ sinh động.


NBS

Mùa giãn cách covid 8/2021. 















 

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

THAM CHIẾN TRẬN ĐẦU TIÊN


THAM CHIẾN TRẬN ĐẦU TIÊN.


Đồn Cái Sơ chỉ có khoảng một trung đội Địa phương quân đóng giữ, phía xa hơn là đồn Cây Me, ngược lại là đồn Cái Cái  rồi đồn Hòa bình.

Đó là một vòng cung các đồn bố trí tại các vị trí xung yếu trên các bờ kênh chủ đạo là kênh Tân thành, kênh Hòa bình nhằm chống lại sự xâm nhập của quân giải phóng từ hướng Campuchia về Việt nam. 

Trong đó đồn Cái cái và giăng cây xung quanh đã bị quân GP chiếm giữ, nơi duy nhất trong bốn đồn nói trên chúng tôi đang đóng quân .

Hỗ trợ hệ thống đồn còn có  xe bọc thép lội nước M113, xe tăng M4 , máy bay trực thăng vũ trang HU 1A , trinh sát OV 10, có căn cứ pháo bính 105 ly Thăng bình ,  với các tọa độ bắn đã sẵn sàng cùng các loại  đạn xuyên phá hầm, đạn chụp nổ úp từ trên không. Rồi các căn cứ Kiến phong , Kiến tường, Mộc hóa  chi viện khi cần thiết vv vv  

Bên ta chỉ có cối 60, B40, B41 , trọng liên 12 ly 8 , tiểu liên ak 47, có bóng đêm và tinh thần quyết chiến quyết thắng ???!!!. 

Trận đánh lớn thì cũng có đồ chơi lớn hơn như DKZ, Cối 82  nhưng mang vác thủ công nên số lượng rất rất hạn chế. Bắn cấp tập được 2, 3 trái là hết  (???)

Đồn Cái Sơ với Cái Cái thì nó như cái gai trong mắt nhau, hai bên đều muốn nhổ đi lắm mà đâu phải dễ. 

Cái Sơ muốn dẹp Cái Cái để chặn đối phương từ hướng Campuchia về. 

Cái Cái muốn nhổ Cái Sơ để thông đường tiến lui.

Rồi việc gì đến cũng phải đến, bao nhiêu cuộc điều nghiên trinh sát đồn Cái sơ tiến hành trong bí mật. Cấp trên hạ lệnh đánh đồn sau khi có sơ đồ bố trí binh lưc của hai bên. Mấy Đai đội Quân GP tham dự, mũi công đồn, mũi chốt chặn viện binh hỗ trợ lẫn nhau. 

Trong cuộc chiến này có biết bao cuộc giao tranh nhưng đây là trận đầu tiên tôi can dự với tư cách lính chiến, vác AK 47 đi cùng Nget Sầm Bách mang B 41.

Chiến thuật vây lấn được áp dụng. Đêm đầu tiên lính giải phóng tiến về đồn từ hướng cánh đồng cách khoảng 300 m  thì bố trí vị trí rồi đào hầm chiến đấu đến gần sáng thì xong . Trong đồn không hề hay biết gì .

Khoảng 6 7 giờ sáng tôi thò đầu lên khỏi hầm, thấy một chú lính cộng hòa từ trong đồn thủng thẳng đi ra , vai vác súng AR 15 mồm huýt sáo vang, rất ung dung. 

Tôi vội thụp xuống, nói với Bách có lính đấy, một luồng điện lạnh toát chạy khắp người.

Bỗng nhiên thấy buồn đái, phóng đại lên là tý nữa thì vãi ra quần cho câu chuyện sinh động, he he. 

Đái ra hầm thì khai mù, vớ được cái vỏ ốc nhồi, đái vào rồi hắt ra ngoài , đếm được gần ba mươi hũ. 

Đáng lẽ phải mang cái bô bé tý độc đáo này về làm kỷ niệm chiến trường. Ha ha.

Trận địa vẫn im ắng, có lệnh đâu mà nổ súng. Thế rồi gà gật trong hầm cả ngày nắng nóng. Đến tối cán bộ đại đội và trung đội đến hầm nói di chuyển sát đồn hơn trăm mét nữa, lại đào hầm và nói đêm nay tấn công.

Mà có phải đến nơi đào hầm mới đâu, phải dỡ hầm cũ cùng đà giát đến vị trí mới đào, phủ đà giát để lấp đất lên trên làm nóc hầm. Mà phải đào ban đêm , không có tiếng động rất bí mật trong vòng 2 giờ. Vất vả vô cùng .

May mà đi cùng Bách, một cái máy đào ( Excavator ) chạy bằng cơm rất khỏe, đất mềm chừng hơn tiếng là xong. 

Khoảng 3-4 giờ sáng môt tiếng nổ long trời dậy đất bởi ba qủa mìn định hướng ĐH 10 ghép lại quét sạch hàng rào kẽm gai và mìn mở ra một lối vào đồn rộng chừng 4,5 m. 

Tiếng trọng liên 12ly8  nổ đùng đùng tạo nên một dòng lửa đỏ quạch khiếp đảm, tên nào xấu số bị một viên là đứt đôi người, tiếng B 40  B 41 nổ chát chúa, tiếng AK 47 lẹt đẹt. 

Trong ánh lửa đạn loằng nhoằng nhấp nhoáng, Bách phía sau đứng thẳng trên miệng hầm bắn hai quả B 41 vào đồn, tôi phía trước cũng lia cả băng AK 47. Tiếng hô xung phong ào ào.

Một hình ảnh thật là bi tráng. 

Khoảnh đất tam giác mỗi chiều 3-40m đắp bờ đất cao chừng mét hai sao mà chịu nổi cơn bão đạn như thế trong 30 phút.


Bị tấn công bất ngờ, không gọi chi viện được đồn hầu như không chống trả.

  


Lính ta tiến vào trong đồn, một khung cảnh xác xơ sau bão đạn. Lính cộng hòa bị tấn công bất ngờ đã rút chạy hết. Đồn được giải phóng . Hai bên không tốn nhân mạng nào. 

Trời còn tối nhưng những tia sáng yếu ớt đã le lói phía đằng Đông; sắp hửng sáng rồi.

Chiếm được nhưng không giữ được, đơn vị rút quân về căn cứ.

Mấy hôm sau xe bọc thép hỗ trợ đưa lính cộng hòa về chiếm lại và đóng quân như cũ.

Đồn Cái sơ hai bên giành giật vài lần như thế, có lần lính giải phóng trụ lại nhưng không chịu nổi sức mạnh của pháo binh 105 ly, máy bay trưc thăng vũ trang, xe bọc thép lội nước M113 cùng quân tiếp viện, tổn thất binh lực mà không giữ được. Hai ba hôm sau tùy điều kiện lại chui lủi vào ban đêm mang xác các liệt sĩ về giao cho du kích chôn cất.

Có dịp sẽ ghi chép hầu các bạn. 


Có cái hay là trong cả hai trận, trận đầu tiên và trận cuối cùng đều không có ai hy sinh. 

Cám ơn Trời Phật đã lái hòn tên mũi đạn bay xa.

NBS 

8/2021 


Gió vi vu tiếng sáo diều .

Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê .

Bài 3 :

Tiếng pháo nổ , rồi từng tràng pháo nổ .

Trên bàn thờ mâm cỗ đã bầy xong .

Cha tôi đang thắp giở nén hương vòng .

Và sắp lại trái hồng mâm ngũ quả .

Mẹ tôi cùng khoanh giò bóc giở lá.....


Bài 2 :
Quê tôi có lúa có dâu .
Có đàn cò trắng , có câu huê tình .
Có cây đa , có mái đình .
Có bầy tiên nữ đẹp xinh dịu dàng.. Mùa xuân có những hội làng .
Cây đu ngày tết , dập dìu xuân sang .



Ngồi nhà thời Covid lại nhớ đến truyền đơn

TÂM LÝ CHIẾN của Mỹ rải trên đường Trường Sơn : Bài 1 :

Chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh .

Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình .

Khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh .

Con bướm nhỏ mái đình xưa ... nhớ quá !



Mấy tháng trong rừng TS đọc những dòng chữ này cũng nhớ nhà phết , nhưng không có nó thì cũng gay vì dễ bị dùng phải LÁ RÁY khi WC lắm !.



 

MỘT LẦN NHÌN THẤY THẦN CHẾT

 MỘT LẦN NHÌN THẤY THẦN CHẾT


Từ ngã ba Đông dương đoàn quân lính sinh viên phiên hiệu  2013 tiến vào Campuchia khoảng 6/1973. Khi đó đi trong rừng mà đia hình như đồng bằng. 

Hậu cần phát cho mỗi ông lính mấy viên thuốc để uống mà không biết là thuốc gì, có người bảo là thuốc sốt rét nên uống, có người bảo xuống đồng bằng rồi, gặp con gái rồi thuốc đó là thuốc liệt dương chớ có uống. Người thì uống , người thì vứt loạn cả lên.


Men theo biên giới Việt - Campuchia xuôi về phía nam khoảng 800 km đi chừng gần hai tháng là đến nơi một số anh em chúng tôi được bổ sung về đơn vị C6 D2 E 207 Quân khu 8.


Nơi đóng quân là Cái Sách (Cả Sách) ven sông biên giới Sở thượng thuộc tỉnh Kiến phong

Tháng 9 , mùa nước mới đang về , nước sông cuồn cuộn chảy, phía cánh đồng nước nổi bao la trắng xóa. Lúc đó một số anh em còn chưa biết bơi, thật là ngán ngẩm. 

Lính tráng ở trong các chòi lá xác xơ, bên cạnh là các công sự chiến đấu. 

Hiệp định Hòa bình  Pa ri mới ký đầu năm.

Nghe các anh lính cũ nói cách vài ba cây số cũng ven sông là căn cứ của lính Việt nam cộng hòa. 

Ở khoảng giữa có dựng một cái chòi gọi là Chòi Hòa hợp để lính hai bên hàng ngày trao đổi,  

Gặp nhau thì chuyện trên trời dưới bể, có biết nhau bao giờ đâu mà thù hằn. 

Lính Giải phóng hút thuốc dzê ( tự quấn) ,  lính Cộng hòa hút Ruby Qeen, Ruby Quân tiếp vụ, mèng thì Basto nhưng cũng thoải mái vui vẻ lắm vì không phải chiến đấu, lại cùng là Con Rồng Cháu Tiên cả .

Khi chúng tôi đến thì cái lệ ấy đã bỏ vì lính tráng gặp nhau, nó mà cứ vui vẻ, hòa hợp thật thì ....đánh nhau làm gì nữa. 


Sau khoảng một tháng thì xảy ra sự kiện Đá biên, hy sinh nhiều qúa.

Do đó đơn vị trung đoàn rút lên Campuchia chỉnh quân, đóng ở Phum Thơ mây, Chùa Tám cột, thuộc tỉnh Stungtreng, Campuchia, từ đó đến con sông biên giới là sông Trăng chừng vài cây số.


Có hôm ra sông Trăng bắt cá ban ngày gặp mấy máy bay trực thăng vũ trang HU-1A bay đến. Rõ ràng mình thấy phi công, phi công cũng thấy mình nhưng nó không bắn, nó mà bắn thì núp vào đâu giữa đồng không mông quạnh.

Chiều chiều thấy mấy ông thông tin vác máy ra kế sông Trăng liên lạc về Việt nam cho gần. 


Rồi một đêm tối trời cả đơn vị hành quân vượt sông Trăng biên giới qua cánh đồng Chó ngáp về dăng cây xung quanh khu vực Đồn Cái cái đã được giải phóng thuộc kênh Tân thành. 


Việc đầu tiên là củng cố hoặc đào mới công sự để  trú ẩn khi có chuyện, chặt rất nhiều cây sậy nhỏ chẻ đôi phần đầu cài mảnh bìa viết  hai chữ CÓ MÌN cắm lung tung xung quanh các hướng phòng thủ mà dưới chân chẳng có quả mìn nào , có có không không mà. 

Lính từ ngoài tấn công vào thấy các biển báo CÓ MÌN có dám đi lung tung không? Có khi chỉ có mấy con cua ở dưới. Chiến tranh du kích, lấy yếu đánh mạnh là vậy.


Tiếp theo là làm cái lán tạm bợ mà có chỗ nằm , rồi nấu cơm ăn. Nước thì vạch bèo ra mà múc, ăn xong vạch bèo ra rửa bát đũa sáng mai lại nước đó đánh răng rửa mặt....ha ha.

Củi đi kiếm xung quanh, các bếp khác còn đang loay hoay thì Ngét Sầm Bách thoăn thoắt trèo lên cây , lúc sau đầy củi. Anh giải thích cây xanh nào cũng có củi khô, bếp cháy đùng đùng, thật là hay.


Cách vài cây số bên bờ kênh Tân thành là đồn Cái sơ do lính VNCH đóng quân, trên bờ đường đi do dân không ở, cây cỏ um tùm không đi được. 

Hàng ngày lính giải phóng phải bơi xuồng dọc kênh dấu xuồng ven bờ rồi đi bộ tới cách đồn vài trăm mét, ngồi dưới công sự quan sát hoạt động trong đồn có gì cấp báo cho phía sau. 


Hôm đến phiên tôi trực, anh Viễn ( K13 Máy) bảo : 

- Ở dưới bến sông tao có cài quả mìn dưới túm lục bình đấy , đừng xuống lấy nước nhé. 

Anh sợ lúc mình lơ đãng lính nó lên mà không có cái gì cản nó lại cũng chết.

Ngồi trực thì trời nắng, bidong hết nước khát khô cả cổ. Tôi chủ quan đánh liều ban ngày bò xuống lấy nước, gần tới mép sông tay túm vào đám lục bình thấy quả mìn nằm ngửa đè lên mỏ vịt điểm hỏa, nếu đẩy nhẹ quả mìn nghiêng 30 độ là mỏ vịt bật tung ra nổ ngay . 

Nhìn thấy thần chết, đầu óc sáng láng, hết khát liền, vội vã quay lên, quần áo ướt đẫm, mồ hôi túa ra đầm đìa.

Một tích tắc nữa thôi là đi đời.

Cám ơn trời phật đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.


NBS

8/2021

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

NGƯỜI BẠN CAMPUCHIA - NGET SẦM BẮT

 NGƯỜI BẠN CAMPUCHIA - NGET SẦM BẮT


Chúng tôi lên đường đi B  từ Thái nguyên ngày 15/01/1973 đến 9/1973 mới bổ sung về c6 d2 e207 Quân khu 8 trải qua 9 tháng ròng rã trên đường thiên lý. 

Có lớp lính sinh viên mới về, đơn vị  rất vui .

Anh Phục ( K14 Thủy lợi  Cảng)  được phân công về tiểu đội cối 60,  anh Trọng Tình ( K1 ĐHXD VHVL) mang Trung Liên RPD sau là súng phóng lựu đạn M79 , tôi được phân công mang khẩu B 41 là hỏa lực của đại đội. Các anh khác là AK47.


Có anh lính cũ tên là Tư  hỏi tôi quê đâu, tôi trả lời thì hóa ra lại là đồng hương. Anh bảo mày đừng nhận, B41 là hỏa lực đấy.  Mày bắn là nó bắn mày chết đấy.

Người ta đưa cho cái gì thì nhận cái đó. Vậy là tôi nhận khẩu B41 với một quả đạn trên nòng và và ba quả ở  giá đeo vai.

Mình thì lính mới tò te có biết gì đâu tự nhủ rằng còn ăn nhau ở cái số, đạn nó tránh mình chứ mình sao tránh được đạn. Về sau mới biết nguyên lý cuốc xẻng phân từ dưới lên, đường sữa phân từ trên xuống.

Sau khoảng một tháng,  tháng 10/1973 thì xảy ra sự kiện Đá biên, Tiểu đòan 3 về miền Nam VN hành quân bị lộ chết nhiều ngươi trong đó có số lính SV mới vào , tin tức kín mít chỉ thấy thì thào to nhỏ. 

Đơn vị trung đoàn rút lên Campuchia chỉnh quân , tôi còn nhớ đóng ở Phum Thơ mây Chùa Tám cột thuộc tỉnh Stung treng Campuchia, từ đó đến con sông biên giới là sông Trăng chừng vài cây số.


Vài hôm sau cán bộ đưa một người Campuchia đến giới thiệu  mang B41 thay tôi, tôi sẽ vác AK 47 phụ cùng.

Không biết chữ Campuchia viết tên anh bạn thế nào nhưng phát âm và viết ra tiếng Việt là Nget Sầm Bắt.( Từ nay gọi Việt hóa là Bách)

Bách là người cao to da ngăm ngăm tóc xoăn với nụ cười hiền hậu như bức tượng apsara.

Hồi ở đó chúng tôi đóng quân trong nhà của đôi vợ chồng trẻ, khi Bách đến anh chủ yêu cầu mấy ông bộ đội không được ngủ trên nhà mà phải xuống dưới sàn ngủ võng, chắc là ông chủ ghen, phòng xa ông Bách sinh chuyện.

Các nhà khác thì cũng ngủ dưới sàn, mấy cô gái địa phương ngồi trên ngó xuống cười hi hí chấm điểm từng ông ghi vào sổ mà không cho bộ đội biết kết quả, con gái Campuchia thật đáng yêu. 

Những hành động đó sao qua được mắt anh em, thấy thái độ cũng biết là Ban giám khảo đánh giá cao vẻ đẹp của thanh niên Việt nam.

Một hôm ba anh em sang nhà hàng xóm chơi, định xin ít mắm bồ hóc ( một loại mắm cá tươi ướp thính với muối ngâm lâu trong vại phơi nắng ở sân rất nặng mùi) về ăn cơm, hai ông Việt nam đi trước sau, Bách đi giữa vậy mà đến sân con chó của chủ lao ra ngoạm một phát vào cẳng chân Bách máu chảy đầm đìa. Mọi người cầm que xua đuổi con chó và băng bó chân bị thương. 

Cuộc đi chơi bất thành, Bách quay về nhà xách cây AK hầm hầm đi sang đòi bắn chết con chó. Ông bà chủ sợ quá van xin Bách , cuối cùng Bách chỉ tha khi bắt con chó lại, bẻ hai răng nanh con mực đi ( Trong tay nó có súng mà ). 

Mình thấy cũng quá đáng nhưng kệ, để người Campuchia họ làm việc với nhau.

 

Lại nói về Bách , đặc biệt anh rất khỏe. Bơi dưới sông dù hai tay giơ lên trời chỉ đạp hai chân mà nhô lên mặt nước nửa thân người, nếu đeo giàn đạn 3 quả và mang cây B41 với đạn trên nòng Bách không bơi được thì đi bộ ngầm ngang qua kênh Tân thành rộng chừng 50m. 

Cái xẻng đào hầm của anh em bằng hai bàn tay, của Bách to rộng gấp đôi. Hắn đào hầm cho hai anh em tôi dễ như ăn kẹo


Đi với Bách đâm tôi trở nên nhàn nhã, mang vác nặng thì Bách giành mang. Tôi chỉ làm vai phụ. Ở căn cứ không nói làm chi Bách làm cái gì cũng giỏi , bắt cá như nông dân thực thụ. Mọi thứ chỉn chu gọn gàng, ngay đôi đũa ăn cơm của Bách cũng được chọn lọc kĩ càng vót thuôn rất mịn màng đẹp đẽ. Đi hành quân hay chiến đấu anh nuôi vắt cho anh em Việt nam 2 vắt cơm một ngày thì Bách phải 4 vắt.

Hai người hai quốc tịch nhưng chúng tôi hòa hợp rất nhanh. Tôi dạy Bách tiếng Việt , Bách dạy tôi tiếng Miên.  Tiếng Miên có 44 chữ cái và tám dấu học viết chắc hơi khó chứ học nói lại dễ, cấu trúc ngữ pháp hoàn toàn giống tiếng Việt.

Chỉ khoảng 6 tháng là tôi có thể giao tiếp thông thường trôi chảy với dân Campuchia.

Bách lại còn là cây kéo vàng của trung đội, ai yêu cầu cắt tóc buổi trưa anh cũng không từ chối , cắt nhanh gọn và đẹp . Một hôm anh gọi tôi bảo:

- Này, tôi bảo anh này.

- Gì đấy ?

- Anh Nhuận  với anh Thin  sắp chết rồi. 

( Anh Nhuận K14 máy hay vật liêu , lúc đó là Trung đội trưởng quê Hải dương. Anh Thin, Chính trị viên phó đại đội cũng Hải dương).

- Sao anh biết ?

- Tôi vừa cắt tóc cho hai ông ấy.

Tôi giật cả mình lân la hỏi chuyện . Bách kể quê anh ở tỉnh Cần đan, trung phần Campuchia, bố anh là một ông thày bói chuyên bói tóc tức là xem tóc từ chân tóc đến ngọn tóc trên đầu rồi phán. 

Chính bố anh xem tóc cho Bách rồi bảo : Con phải sống với người nước ngoài mới đựơc, sống với người trong nước là chết sớm đấy.

Năm 1970 Lon non nổi dậy chống nhà Vua Xihanuc , bộ đội Việt nam đã qua Phnompenh đánh Lon non thế là bố Bách xin cho theo quân Việt nam từ đó, sau vài lần thuyên chuyển Bách về vác B41 thay tôi. 

Tôi cũng hơi kinh hãi , anh Nhuận B trưởng đã đành , anh Thin là CTV phó chuyên lo hậu cần có trực tiếp đánh nhau đâu. 

Chỉ được một hai trận anh Nhuận hy sinh thật, do thiếu người anh Thin trao việc cho người khác đánh một trận cũng hy sinh.

Thế là tôi tin, mang câu chuyện thì thào với mấy anh em. Nhiều người muốn Bách cắt tóc để xem. Đến lượt anh Côm dân Nam hà được Bách cắt tóc rồi kỳ kèo nói Bách xem hộ. Bách ngắm nghía xoay đầu rồi bảo : 

- Anh không chết được, chỉ bị thương thôi.

Côm nhảy cẫng lên sung sướng, ai cũng mừng cho Côm.

Những ngày sau đơn vị đi đánh đồn Xẻo Muồng, cây cối um tùm trận địa im ắng. Côm cùng mấy bạn đi xung quanh hái ổi đầy vườn ăn nhai rôm rốp vui vẻ , bỗng phía trước cách 20,30 m có mấy ông lính cộng hòa cũng đang hái ổi chén. 

Trong cuộc chiến, sự cố này gọi là Đụng tao ngộ , lính cộng hòa bắn rẹt rẹt mấy loạt AR15, ta cũng bắn trả AK 47  pằng pằng  rồi hai bên cùng rút. 


Chạy được khoảng hai trăm mét thấy thiếu người, anh em dò dẫm quay lại, phải dò dẫm vì sợ địch phục lại thì gay nên đi hơi chậm. 

Tới con mương thấy Côm bị thương, úp mặt xuống nước. Họ kéo Côm lên nhưng đã muộn, anh chỉ bị thương nhẹ nhưng ngạt nước mà hy sinh. 

Do bị lộ, bên lính Cộng hòa gọi chi viện bao vây chúng tôi. Trung đoàn ra lệnh rút . Ngay tối hôm đó đơn vị tôi bắt được một người dân yêu cầu nếu muốn an toàn tính mạng thì phải đi cùng xuồng dẫn đường  tránh các vị trí có đối phương trở về căn cứ của mình. 

Hôm sau còn ở đó thì nhừ đòn. Hú vía.

Sau trận đó Bách không xem cho ai nữa.

Trong chiến đấu Bách rất nhanh nhẹn và dũng cảm. Đi cùng anh tôi thấy thoải mái và vững tin. Bách và tôi cùng nhau tham dự vài trận khi tôi lên cán bộ Trung đội thì các anh cũng muốn nâng cấp cho Bách nhưng Bách từ chối, anh chỉ muốn làm người lính chiến. 

Lúc gần giải phóng miền nam thì có chuyện với Khơ me đỏ. Đơn vị tôi lại kéo lên Campuchia , lúc đó Bách rất buồn ít nói và xin làm anh nuôi vì sợ dân Miên nói Bách theo Việt nam đánh người Campuchia. 

Do tình hình biến chuyển quá nhanh đơn vị chúng tôi trở lại miền nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở khu vực cầu Long định cửa ngõ Mỹ tho cho đến khi kết thúc chiến tranh. 

Hòa bình rồi, Lính miền Tây nam bộ bỏ hết quàn nilon, áo linfang, bòng mà thay quân trang mới. Bách xúng xính trong bộ quân phục Tô châu xanh lá đeo lon thượng sỹ , rất oách. Anh em gặp nhau rất  vui vẻ vì đã biết là sống rồi.

Tôi trở về trường cũ tiếp tục theo học 5 năm trước bỏ dở, nghe nói Bách về kênh Tân thành lấy cô vợ Việt nam tên là Sa ở Gò Muỗi. 

Từ đó hai anh em bặt tin nhau.

Dù ở phương trời nào tôi cũng mong Bách và gia đình mạnh khỏe bình an. 

Mong Việt nam- Campuchia sống mãi trong hòa bình hữu nghị như tình bạn của hai anh em mình.


NBS

8/2021

Nếu anh em nào e207 đọc được status này có ảnh của Ngét Sầm Bắt xin chụp và gửi đến tôi nhé. Cảm ơn.

Nói thêm về anh Tư, trong chiến đấu anh cũng nhát, đơn vị cho làm anh nuôi. Chỉ còn mấy tháng nữa là giải phóng miền nam, khoảng tháng 11,12/1974 vẫn còn nước nổi . Tư chống xuồng ra đồng hái rau nấu cơm, không biết nghĩ thế nào chống đi luôn đến căn cứ đối phương chiêu hồi. 

Sau đó ngồi trên trực thăng bay vè vè trên đầu kêu gọi anh em đi theo. Gọi không được ai, chúng kêu pháo bắn vào nơi đóng quân, may mà không chết ai. Đơn vị cũng gần hết hơi với ông này. 

Chiến tranh trần trụi với bao mảnh đời trôi dạt, chỉ mong sống sót an lành trở về.

Ảnh : Nơi chiến trường xưa