Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

CẢM XÚC ĐÁ BIÊN

Cảm xúc Đá biên

Góp giỗ các Liệt sỹ Đá biên

Cánh đồng ấy vẫn bao la bát ngát

Đồng đội bạn bè tóc nay đã bạc


Xin các liệt sỹ hãy nhẹ lòng yên nghỉ
Thạnh hóa Đá biên cũng đồng đất quê mình
Thịt da anh đã hóa lúa, tràm xanh
Máu tim anh thắm tô cờ Tổ quốc.

Bóng hình anh vẫn còn đâu đây trên đồng nước
Chỉ có Mẹ hiền luôn theo bước các anh
Con của Mẹ thưở ấy tóc rất xanh
Sao đi mãi mà chả về với Mẹ.

Con ở đâu dẫu chân trời góc bể
Kể Mẹ nghe đã đến những nơi nào
Vui bạn bè nhưng không được quên đâu
Về cho sớm mà còn đi học.

Bạn của con nhiều người đã về trước
Lại cùng các em đèn sách học hành
Vẫn mong xây những công trình mơ ước
Từ lớp học gỗ lá ở Hương canh.

Và hôm nay đến góp giỗ các anh
Đồng đội bạn bè tóc nay đã bạc
Cánh đồng ấy vẫn bao la bát ngát
Các anh ơi, phù hộ đất nước mình.

Đá biên, 17-10-2018
Nguyễn Bá Sỹ

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

TÁC GIẢ THIẾT KẾ KIẾN TRÚC MIẾU BẮC BỎ


Lê Hải ngồi giữa 








Phác thảo bia Tưởng niêm



Tạ Cường K16 Xây dựng ĐHXD ( Bên trái-Đã hy sinh)













KTS Lê Hải



Trịnh Hiền Lương


TÁC GIẢ THIẾT KẾ KIẾN TRÚC MIẾU BẮC BỎ


Thân tặng KTS Lê Hải 


Miếu Bắc bỏ tại ấp Đá biên xã Thạnh phước, huyện Thạnh hóa, tỉnh Long an đã thành một địa chỉ nổi tiếng từ 2012.  Rất nhiều câu chuyện tâm linh tình nghĩa xung quanh miếu nhỏ này. Nhưng có một điều chắc cũng nhiều người còn chưa biết ai là tác giả thiết kế kiến trúc công trình này. 

Ghi chép sau đây phác họa vài nét về Kiến trúc sư Lê Hải , một người con của Hà nội,  người có thể nói là đồng môn với những người lính sinh viên trước khi trở thành Ông thành hoàng làng của dân ấp Đá biên. 

Anh là Cựu sinh viên Đaị học Kiến trúc Hà đông học khóa tương đương K16 Đại học Xây dựng. Anh chính là tác giả thiết kế của Miếu Bắc bỏ, nơi tưởng niệm những người lính sinh viên cùng thời với anh đã hy sinh tại đây.

Từ trước 2011 gia đình Liệt sỹ Nguyễn Văn Tế ( Kiến Trúc K 15) đã ráo riết tổ chức tìm nơi hy sinh của anh. Nhóm tìm kiếm có Phan Xuân Thi , Nguyễn Hoài Nam lùng sục khắp nơi trên địa bàn hoạt động của E207 mà không có kết quả . 

Mệt mỏi và chán nản Đoàn nghỉ chân tại cầu 79, trong câu chuyện với dân địa phương người dân có nói ở ấp Đá biên, Thạnh phước, Thạnh hóa, Long an có một Miếu nhỏ do người nông dân tên Tư Tờ tự làm trên phần đất sử dụng của anh để thờ những anh lính miền bắc đã bỏ xác nơi đây. 

Miếu cách cầu 79 chừng vài cây số, đi bộ hay xuồng gần một tiếng.  Nhóm quyết định đến tận nơi thực mục sở thị.

Lần đầu tiên thấy miếu nhỏ xơ xác, xiêu vẹo trên gò đất nổi lúp xúp nước,  cây tràm trồng xung quanh . Một bệ thờ sơ sài bằng gạch xây vụng về với tấm bảng nét chữ nguệch ngoạc  HI SINH GÌ TỔ QUỐC ( Hy sinh vì Tổ quốc ) cùng lá cờ đỏ sao vàng. Các anh không cầm nổi nước mắt và lòng thương cảm.

Trong trí nhớ của người lính già Phan xuân Thi các trận chiến dần hiện ra và anh khẳng định tại đây ngày 3/10/1973 là nơi diễn ra cuộc chiến không cân sức giữa những anh lính mới quân giải phóng đuối sức, mệt mỏi sau một đêm hành quân lội nước với xe bọc thép M113 cùng trực thăng vũ trang. 

Ai từng hành quân chiến đấu trên những chiếc xuồng ba lá mỏng manh ở Đồng Tháp Mười mùa nước nổi làm sao mà quên được sự hung hãn của những khí tài chiến tranh đó. 

Kết quả nhiều lính bắc hy sinh trong đó có nhiều lính sinh viên các trường đại học nhập ngũ 9/1972 mới vượt Trường sơn vừa bổ sung cho đơn vị E207 tháng 9/1973, mới được khoảng một tháng trời còn chưa thuộc hết tên nhau. 

Máu loang đỏ đồng nước nổi, không nơi chôn cất các tử thi, âm khí nặng nề lởn vởn trên đồng . Thậm chí du kích phải bó xác neo vào cây tràm đợi mùa nước rút mới giải quyết.

Tìm được nơi hy sinh của đồng đội rồi và các anh cũng được biết rằng ngày 8/9 âm lịch hàng năm dân làng nơi đây đều tự tổ chức giỗ các liệt sỹ vì nước bỏ mình, ai có gì mang tới đó trước cúng sau ăn, tổ chức liên hoan vui vẻ . 

Họ mong hương linh các liệt sỹ phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mần ăn tấn tới. Dân phong cho các liệt sỹ là Những ông Thành hoàng làng đội mũ cối. 

Bài viết "Miếu Bắc bỏ và những ông Thành hoàng làng đội mũ cối" ngay sau đó do người trong cuộc viết được đăng báo, tung lên mạng đã tác động mạnh vào những tấm lòng trắc ẩn. 

Khi tìm được miếu cũng gần đến ngày giỗ các liệt sỹ, ai ai cũng đều mong muốn tham dự ngày giỗ 8/9 AL 2011 là lần thứ 38 năm sau 37 năm được đồng bào địa phương bao bọc, cúng lễ bốn mùa. Ai cũng mong làm một cái gì đó cho các anh.




 Các anh trong Ban Liên Lạc E207, gia đình Liệt Sĩ Nguyễn Văn Tế, nhóm tìm kiếm quyết định cùng tổ chức lễ giỗ các liệt sỹ năm 2011 với dân làng. 

Cùng với các sản vật địa phương góp giỗ liệt sỹ, Nguyễn Hoài Nam còn thịt cả một chú cầy nói là 37 năm qua các anh chắc chưa một lần được hưởng món ăn quốc hồn quốc túy này.


Trong ngày giỗ anh Phan Xuân Thi, anh Vũ Trí Thức đọc bài nói lên lòng thương tiếc của đồng đội và cám ơn dân làng chăm lo hương khói mấy chục năm qua.

Anh Nghiêm là anh cả đọc thư Khóc con của cha mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Tế ( Năm đó hai cụ vẫn còn ). Tôi đọc Bài thơ Bản Đồ án của cựu chiến binh Trần quốc Bảo ( K 13 Kinh tế ) viết trước khi nhập ngũ. 

Rồi các cựu chiến binh, khách hành hương có lời phát biểu cảm tưởng về việc tìm được Miếu nhỏ , cám ơn dân làng đã săn sóc vong linh các liệt sĩ mấy mươi năm qua khỏi bơ vơ, cô quạnh.

Sau 37 năm người nhà và các đồng đội đã thắp nén hương đầu tiên cho các liệt sỹ khi các anh đến đây và mãi mãi nằm lại, mãi mãi tuổi 20.

Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây
Đã bay cao trong vòm trời này
Vã vui chơi trong cuộc đời này
Giờ nằm xuống, không bạn bè , không có ai
Không có ai , đời đời ru anh ngủ
Trong nghĩa trang này, có loài chim thôi... ( Trịnh Công Sơn )


Ý tưởng xây một bia tưởng niêm nhỏ trên phần diện tích miếu cũ kinh phí chừng vài trăm triệu được đề xuất. 

Ngay tại chỗ gia đình liệt sĩ Tế do anh Nghiêm đại diện góp 20 triệu, một người nói là nhà ở Hàng Bạc là Giáo viên ở An giang góp vài viên gạch xây bia cho các anh 200 ngàn , Nhóm lính sv ĐHXD cùng trung đoàn cũng gom góp được 5 triệu. Sau đó là cuộc vận đông của Ban Liên lạc E207 góp tiền xây bia.


Khi có được một số tiền, ban liên lạc cùng Hoài Nam triển khai công việc mới thấy khó, thấy vướng về đất đai, thủ tục vv ..vv.  

Mọi việc tắc tỵ, anh Thông Ban liên lạc gọi điện ra Hà nội, chúng tôi nghĩ ngay và giới thiệu  Kiến trúc sư Lê Hải, một người con của Hà nội sống ở Sài gòn. 


KTS Lê Hải cùng lứa với anh em chúng tôi, nhà trước ở phố Hàng Bún, một con phố nhỏ êm đềm cùng hàng cây xanh ngắt. 

Lê Hải tâm sự với chúng tôi, không biết ông cụ thân sinh làm gì, thuở nhỏ đi học hay đi chơi về thường có các bác lớn tuổi khoanh hai tay trước lễ phép: Cậu đi học / đi chơi về ạ. 

Lê Hải học cùng phổ thông trường Bưởi Chu Văn An và chơi thân với Tạ Võ Cường  K16 Xây dựng nhà ở đường Nam bộ ngay Cửa Nam. Cường đi lính tháng 5/1972 hi sinh ở mặt trận Quảng trị. 


Mẹ Cường coi Hải như con. Khi Cường hi sinh thì bà càng qúy Hải hơn, mua quần áo hay quà cáp bà đều gọi thằng Hải mà cho. 

Hải cảm thấy sự có mặt của mình làm cho bà mẹ không quên được Cường nên Hải có ý định vào nam lập nghiệp để bà mẹ quên đi người con dứt ruột đẻ ra. 

Sau nhiều năm, chị Cường tình cờ gặp Hải ở Sài gòn bảo mẹ đã nguôi ngoai phần nào, Hải cũng liên lạc lại với gia đình người bạn. 


Về Hà nội thăm quê, anh em chúng tôi cũng hay gặp gỡ anh xung quanh Hàng Bún để cùng nhau nhớ về tuổi thơ của những thằng trẻ con phố phường.


Hải làm kiến trúc, chuyên về các công trình văn hóa. Khi chúng tôi ngỏ lời Hải sốt sắng nhận ngay. Anh nghĩ rằng việc đầu tiên là phải lập một dự án làm cơ sở để dự kiến nhu cầu về đất đai và kinh phí. 

Hải mời anh Mười Khôn Bí thư huyện Thạnh hóa và cán bộ chuyên môn lên văn phòng của Hải tại Sài gòn bàn bạc quy mô công trình. Các vấn đề đưa ra được thống nhất cao. 

Trong những ngày đầu Hải và các cộng sự làm không kể ngày đêm. Vợ Hải phải kêu trời sự tối mắt tối mũi của ông chồng vì Dự án. 

Điều đáng nói là Hải cùng các cộng sự làm hoàn toàn miễn phí từ lập Dự án, thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật thi công, lập dự toán v..v... công trình này như một cơ duyên mà chính các anh là người có nghĩa vụ thực hiện.

Dường như có sự tiếp sức từ các liệt sĩ mọi việc đều hanh thông, tỉnh Long an cấp ngay 5 000 m2 đất cạnh miếu nhỏ, Ngân hàng Viettin Bank tài trợ 5 tỉ đồng, huyện thành lập Ban QLDA vv..vv. Mọi việc làm rất nhanh.



 Dự án, thiết kế dự toán được phê duyệt. Thi công hoàn thiện rất gấp rút trong khoảng 10 tháng để kịp giỗ liệt sĩ vào tháng 10 năm 2012. 

Các anh Nguyễn Trọng Tình, Phạm Văn Thông như con thoi giữa Sài Gòn Thạnh hóa trong quá trình Xây dựng. Các anh hoàn toàn tự giác trong công việc không lấy một xu thù lao nào. Ngày 21/10/2012 khánh thành. 

Đêm trước khánh thành giông bão nổi lên. Cơn mưa lớn cùng giông gió nổi lên.  Chúng tôi gọi đó là cơn mưa rửa Đền, sáng ngày giỗ nắng đẹp trời quang. Thật lạ.

Toàn bộ quá trình lập dự án thiết kế thi công công trình đều gặp thuận lợi may mắn. Đó chính là sự phù hộ của  vong linh các liệt sĩ, góp công sức của địa phương, xã hội, bà con và các đồng đội. 

Ngày khánh thành Báo đài đến phỏng vấn Hải :

- Anh có cảm nghĩ gì khi thiết kế cho công trình tâm linh này.
- Tôi chỉ nghĩ về các bà mẹ mang nặng đẻ đau đã hiến dâng khúc ruột yêu quý của mình cho quê hương Việt nam.

Phỏng vấn không được đưa lên thông tin đại chúng nhưng đó chính là tâm sự thật của Hải, anh luôn đau đáu nghĩ về bà mẹ của Cường người bạn thân nhất của anh thời phổ thông trong sáng. 

KTS Lê Hải sau sự kiện này là nhà thiết kế chính cho  các công trình của Viêttin Bank. Công việc rất nhiều, tha hồ cho các kiến trúc sư, kỹ sư phóng bút, mọi việc thuận lợi hanh thông. 

Và có một điều xin khẳng định rằng những người mà chúng tôi biết, có đóng góp công sức tham dự xây dựng Miếu Bắc bỏ với tinh thần vô tư, không một đòi hỏi gì đều có được hạnh phúc.


Cũng muốn giới thiệu với mọi người bạn Trịnh Hiền Lương là người có tình cảm sâu đậm với các anh ccb và các liệt sĩ


đã có ý kiến đưa cây hoa sữa trông cạnh miếu nhỏ.

 Anh Trần Dũng Tiến ccb lính sv Hải quân  Kỹ sư nông nghiệp đã chỉ đạo cứu cây hoa sữa lên đẹp đẽ như hôm nay khi các nhân viên sân bay Nội bài buộc chúng tôi dỡ đất sạch khỏi rễ mới cho đưa cây hoa sữa lên máy bay. 

Rồi anh Phạm Hùng, Dương Đức Quảng, Phan xuân Thi, Phạm Văn Thông, Nguyễn Trọng Tình và rất nhiều các anh chị khác không nêu tên hết được cũng đóng góp cho miếu Bắc bỏ rất nhiều. 

Vinh em liệt sĩ Trần Bá Hợp cận ( K14 Vật Liệu ) đi lính thay cho ông anh từ t5/1972 nhưng đến tháng 9 Hợp cũng đi lính và hi sinh tại đây. Người em may mắn trở về. 

Năm 2013 gia đình 9 người con trai gái dâu rể mua vé với số tiền không nhỏ bay vào 1 ngày tham dự lễ giỗ  chỉ để biết nơi người con của gia đình đã hi sinh rồi trở về Hà nội ngay.

Tháng 10/2017, cùng vào dự lễ giỗ các liệt sĩ, trước khi chia tay Vinh có nói rất kính phục các anh, không máu mủ ruột thịt nhưng năm nào cũng vô góp giỗ, tình đồng đội thật là cảm động .

Năm sau Vinh nói chuyện với gia đình và sẽ đưa gia đình vào đông người hơn. Anh Nghiêm năm nay cũng hơn 70,  thằng cháu con anh khi vào nam công tác cũng đều lặn lội đến đây thắp cho ông chú và các liệt sĩ nén hương. 

Đến ngày giỗ hàng năm, mặt dù rất bận bịu nhưng nhóm chúng tôi vẫn về Đá biên thắp hương góp giỗ từ chiều hôm trước. 

Ngày chính giỗ hôm sau đồng đội cùng các anh KTS Lê Hải, KS Trần Dũng Tiến... ngồi xung quanh cây hoa sữa và miếu nhỏ  quan sát các cơ quan  làm giỗ cho liệt sĩ rồi lặng lẽ rời Đá biên.
   
Ngày 8/9 Âm Lịch hàng năm nơi đây thành địa chỉ tập hợp của các thế hệ thày trò ĐHXD, chính quyền, bà con cô bác địa phương và cả những người xa lạ .

Đến với Đá biên thắp cho liệt sĩ nén hương thấy lòng thanh thản giữa cuộc đời cuồn cuộn bộn bề, công việc hanh thông, sức khỏe cải thiện.

Nếu có điều kiện thì ai đó cũng gắng một lần đến đây, đến để thấy được sức sống âm thầm nhưng bền vững của lòng dân.


Nguyễn Bá Sỹ

27/7/2018